Phật giáo Việt Nam
Thiền Táng – Một phương thức mai táng độc đáo của các vị Thiền sư thời hậu Lê
02/07/2010 23:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là có hình thức thiền táng. Có lẽ vì tính độc đáo của nó mà Nhà xuất bản Riveneuve ở Paris đã quyết định phát hành cuốn sách của chúng tôi với tiêu đề: “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư ở Việt Nam” vào cuối năm nay…Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo Tự, hay chùa Pháp Vũ trong hệ thống Tứ Pháp nằm ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.




Theo bia Dương Hoà thứ 5 (1639) đặt tại đây, chùa tháp Vũ được xây dựng từ triều Lý (thế kỷ XI-XII). Tuy nhiên do tu sửa nhiều lần nên hiện nay chùa chỉ còn dấu ấn của thời Lê – Nguyễn. Bên cạnh những hiện vật rất có giá trị của chùa, đặc biệt còn có 2 pho tượng mà trước đây đặt trong 2 am nhỏ bên trái và phải cạnh chùa, tương truyền là của 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
 
Tư liệu công bố đầu tiên về chùa Đậu trong cuốn “Pagodes, Temples et maisons de culte de Hadong- Hà Đông thắng cảnh (chữ Hán)” (Những chùa, đình và nhà thờ của Hà Đông – Thắng cảnh Hà Đông), xuất bản năm 1932, chỉ nói vài dòng về 2 vị thiền sư này và coi là 2 xác ướp (momie).
 
Ngày 3/5/1983 đoàn công tác của Viện Khảo cổ học về chùa lần đầu tiên. Ngay hôm đó, tôi đã phát hiện qua và nứt trên trán và mặt của Thiền sư Vũ Khắc Minh có xương sọ ở bên trong. Chính vì vậy tôi quyết định xin phép các cấp lãnh đạo ở Trung ương và địa phương để đưa thi hài Thiền sự Vũ Khắc Minh về Bệnh viện Bạch Mai chụp X quang, nhằm chứng minh đây là thi hài của Thiền sư đã tịch nguyên dạng, không hề có cốt bằng kim loại hoặc gỗ ở bên trong, hay bất kỳ một chất keo kết dính nào khác.
 
Bẩy phim X quang đã chứng minh được điều đó và chúng tôi đã đặt cho phương thức mai táng này một tên gọi mới: Thiền táng (táng trong tư thế ngồi thiền), hay Tượng táng (làm thành tượng để táng), để phân biệt với các cách thức táng khác như: thổ táng, hoả táng, thuỷ táng, thiên táng, huyền táng… đã từng thấy trên thế giới.
Qua nghiên cứu chúng tôi biết được vết nứt trên trán và mặt của Thiền sư Vũ Khắc Minh đã có ngay từ trước năm 1983. Trong 2 bức ảnh tư liệu số 00894 và 00928 chụp năm 1931 hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội và ảnh chụp trong cuốn “Những chùa, đình và nhà thờ của Hà Đông – Thắng cảnh Hà Đông”, chúng tôi thấy tượng còn bóng nước sơn, không hề có vết nứt nào.
 
Riêng vết nứt ở 2 đầu gối, theo lời các cụ già trong làng kể với tôi vào tháng 6/1983, “… khoảng đầu những năm của thập kỷ 40 có 2 người ngoại quốc tới xem pho tượng. Chúng đã dùng ba toong đập vỡ đầu gối để xem bên trong có xương không? Sau đó các cụ trong làng đã dùng nhựa trám để trát lại”. Vết nứt ngày càng có xu hướng nứt rộng và dài ra. Một tài liệu khẳng định rằng: “...Trận lụt năm 1893 làm hỏng tượng Vũ Khắc Trường, con cháu đã đắp lại mà một trong những người đó là ông Vũ Văn Tuyển”? Qua nghiên cứu chúng tôi thấy tượng Vũ Khắc Trường ngoài sơn ta còn được đắp thêm nhiều đất, độ cản quang quá lớn, không thể nghiên cứu được trên phim X quang.
 
Bên cạnh việc nghiên cứu nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Minh bằng X quang, đo đạc các đoạn cơ thể theo phương pháp nhân trắc học, chúng tôi còn được Tiến sĩ Lê Nguyên Sóc ở Viện Hóa công nghiệp đã tiến hành nghiên cứu chất bồi bằng phương pháp “Quang phổ phát xạ vùng tử ngoại” và phương pháp “Nhiễu xạ tia Roentgen”. Các kết quả thu được hầu như phù hợp với ý kiến của chúng tôi đã nêu ra trước đây: chất bồi là đất gò mối, mịn, tơi, trộn với sơn sống và mùn cưa, giấy dó giã nhỏ.
Do cả 2 pho tượng bị xuống cấp trầm trọng, nên đầu năm 2003, Dự án tu bổ, bảo quản hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại Chùa Đậu, huyện Thường Tín, Hà Tây đã được phê duyệt và được tiến hành từ 18/4/2003 và kết thúc vào ngày 3/11/2003, với sự tham gia của 8 cơ quan cùng nhiều nhà khoa học và các họa sĩ, nhà điêu khắc, thợ chuyên môn.
Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường đã được tu bổ lại. Với kỹ thuật truyền thống: bó hom, lót, thí, mài và thếp các nguyên liệu như: sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất, chúng tôi đã tiến hành 14 lớp và thếp vàng. Với Thiền sư Vũ Khắc Trường là 22 lớp và thếp bạc.
 
Ngày nay nhục thân của 2 thiền sư được bảo quản trong 2 khám sơn son thếp vàng, có lồng kính kín chứa đầy khí nhơ đặt tại hậu cung. Cứ 3 năm một lần, chúng tôi lại kiếm tra để bổ xung thêm khí nhơ, nếu bị hao hụt. Nhục thân của các Ngài sẽ được lưu lại hàng trăm năm nữa mà không sợ bị hủy hoại.Bên cạnh việc tu bổ nhục thân của 2 vị thiền sư, chúng tôi đã phục dựng lại 2 pho tượng khác giống hệt bằng thạch cao, để trong 2 khám đặt tại hai am bên trái và bên phải của chùa.
Khi dẫn các nhà khoa học nước ngoài đi tham quan 2 nhục thân này, họ đều có chung một ý kiến với tôi đại ý rằng: Phật giáo Việt Nam thật độc đáo, đã để lại cho hậu thế những báu vật vô giá, rất đặc trưng cho nền văn hóa của các bạn…
 
Giữa năm 2003, Ni sư Thích nữ Đàm Chính, trụ trì chùa Tiêu Sơn, xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh đã yêu cầu Tỷ khiêu Thích Kiến Nguyệt – Tổng thư ký Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử giúp để tìm người tu bổ và bảo quản nhục thân Thiền sư Như Trí lúc đó đang ngự trong tháp Viên Tuệ trước chùa. Phần trên của tháp có một viên gạch đỏ còn khắc tên và niên hiệu người ngồi trong tháp.
Hàng chữ bên trái ghi: LÊ TRIỆU BẢO THÁI TỨ NIÊN TUẾ TẠI QUÝ MÃO XUÂN CỐC NHẬT CẨN TẠO MẠNH HẠ SÓC NHẬT MỘ THÁP có nghĩa: Ngày lành mùa xuân niên hiệu Bảo Thái thứ tư (1723) đời Lê (Lê Dục Tông) kính cẩn xây dựng mộ tháp hoàn thành vào ngày 1 tháng 4.
 
Hàng chữ bên phải ghi: MA A ĐẠI TỶ KHIÊU NHƯ TRÍ NHỤC THÂN BỒ TÁT TỰ PHÁP TỶ KHIÊU TÍNH (2 chữ mờ không đọc được) ĐẠO HIỆU có nghĩa: Nhục thân ở trong tháp có tên là Ma a Đại Tỷ Khiêu Như Trí với hiệu là....
Về thân thế sự nghiệp của thiền sư Như Trí đến nay chúng ta chưa tìm thấy sử liệu nào ghi rõ, chỉ được biết sơ lược qua một vài tác phẩm văn Nôm mà chúng ta chưa có dịp kiểm chứng. Những tư liệu đó cho biết Ngài cùng với một số huynh đệ có cùng chữ NHƯ, phụ giúp Thiền sư Chân Nguyên sao lục ấn hành những tác phẩm của thời Trần còn sót lại trong nhân gian như: Khoá Hư Lục, Thánh Đăng Lục, Tam Tổ Trúc Lâm, Kiến Tành Thành Phật, Thiền Uyển Tập Anh…
 
Theo Thượng toạ Thích Thông Phương – trụ trì thiền viện Trúc Lâm Yên Tử thì: “Thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên, một thiền sư thời Hậu Lê có cộng phục hưng Thiền phái Trúc Lâm do Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông mở ra và từng trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử, nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay ở đây còn tháp đá tôn thờ thiền sư, gọi là tháp Tịch Quang. Đây là mốc lịch sử của dòng thiền Trúc Lâm. Nhiều thiền sư ra đời, những tư liệu của chư tổ được thiền sư Chân Nguyên cùng hàng môn đồ kế tiếp, biên tập, khắc in để giữ gìn, làm cơ sở y cứ cho người nghiên cứu.
Trong đó, thiền sư Như Trí đã từng khắc in lại bộ Thiền uyển Tập anh năm 1715 tại chùa Tiêu này. Đây là bộ Thiền rất có giá trị về văn hoá của Phật giáo Việt Nam…”
 
Đầu năm 2004, Tỷ khiêu Thích Kiến Nguyệt đã tới Viện Khảo cổ học gặp tôi để yêu cầu viết dự án tu bổ, bảo quản nhục thân Như Trí. Đồng thời ông cũng đề nghị Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là cơ quan giám sát thi công.
Chúng tôi đã soạn thảo Dự án lần thứ nhất và được Tỷ khiêu Thích Kiến Nguyệt sửa chữa hoàn chỉnh. Dự án đã được chuyển lên Cục Di sản Văn hoá (Bộ VHTT) và Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh để xem xét cấp giấy phép.
Ngày 5/3/2003, nhục thân được đưa ra khỏi tháp để tu bổ tại chùa Duệ Khánh, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), nơi có đầy đủ nước và ít khách tham quan du lịch.
 
Do nhục thân để ở trong tháp chùa Tiêu Sơn, bị ẩm mốc và côn trùng đục phá nên nhục thân của thiền sư Như Trí bị hư hỏng nặng, đã tới lúc cần tu bổ bảo quan lại một di sản vô giá của Quốc gia nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Khi gỡ phần nhục thân khỏi đế, chúng tôi phát hiện đế là một tấm gốm nung màu đỏ, mặt áp vào đáy tượng có in hình nan phên. Phía trong lớp bồi có vải. Dựa vào việc quan sát vị trí các xương sên, gót và xương mác mà chúng tôi kết luận là nhục thân được bó cốt ngay sau khi tịch, không phải là sắp xếp lại xương như ở tượng thiền sư Vũ Khắc Trường và Chuyết Chuyết.
Ngày 11/5/2004 tôi và hoạ sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân lật ngửa nhục thân để nghiên cứu phần trong lòng và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra một khối hợp chất bằng quả bưởi nằm chính giữa phần bụng. Tượng được phủ kín bằng sơn ta, phía dưới lại có đáy gốm, do đó khối vật chất này từ ngoài không thể lọt vào trong ổ bụng được.
Nghĩ vậy nên chúng tôi đã lấy mẫu để nhờ PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Phúc và các cán bộ khoa học của Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia phân tích bằng phương pháp phổ nhiễu xạ tia X, để xác định các hợp chất vô cơ có cấu trúc mạng tinh thể. Qua kết quả phân tích phổ nhiễu xạ tia X, cho thấy khối vật chất này chính là phần nội tạng của nhục thân Thiền sư Như Trí.
Như vậy, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam chúng ta phát hiện và chứng minh được có phần nội tạng trọng bụng thiền sư. Điều đó khiến chúng ta có thể suy luận được rằng trong bụng Thiền sư Vũ Khắc Minh ở Chùa Đậu huyện Thường Tín (Hà Tây) chắc cũng còn lại khối vật chất là phần nội tạng mà qua phim X quang không thể phát hiện được, như chúng tôi đã đoán định ngay từ năm 1983.
 
Chúng tôi cũng đã tiến hành chụp X quang và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng sau khi bồi lớp thứ nhất, người ta đã đặt một tấm đồng lớn trên lưng (chiều dài 65cm, rộng 15cm) và một tấm đồng trên ngực (chiều ngang rộng 22cm). Phía ngoài 2 tấm đồng là lớp bồi dày trên dưới 10mm.
Trên đầu và bắp tay cũng được cuốn những dải băng bằng đồng có các kích thước khác nhau. Vòng quanh đầu trên 2 tai là 3 dải băng: 1 dải nhỏ 5.71 mm, 2 dải lớn hơn 7.95mm. Có 3 dải băng khác từ trên đỉnh đầu dọc theo thái dương xuống sau cầm. 3 dải băng này có 1 dải to: khám và 2 dải nhỏ 5mm. Nhìn theo chuẩn sau có 4 dải băng to chiều rộng 21.25mm, chạy từ cổ lên đỉnh đầu luồn qua dải băng to (vuông góc với nó) gập quay trở lại xuống cổ ở phía sau gáy.
Qua phim X quang thấy rất rõ vết gấp này. Một số dải băng khác được cuốn quanh cổ và 2 dải băng có chiều ngang bé: 4mm chạy vòng từ nách vắt qua vai, từ trước ra sau.
 
Đây là hiện tượng được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam, có nhiều khả năng giúp cho tư thế ngồi của thiền sư vươn thẳng, tránh bị cúi gập xuống ở phần cổ, lưng và cũng có khả năng để bảo vệ hộp sọ. Để bảo đảm độ bền vững cho pho tượng nhục thân thiền sư Như Trí, chúng tôi đã thếp bạc trên toàn bộ pho tượng.
Nhục thân thứ tư ở Việt Nam cũng được táng theo phương thức này chính là Thiền sư Chuyết Chuyết ở Chùa Phật Tích, huyện (Bắc Ninh). Năm 1988, kẻ gian đã nậy cửa tháp Báo Nghiêm (dựng năm 1692), hòng tìm kiếm vàng bạc. Chúng đã vứt ra dưới chân tháp một vại sành và nhiều mảnh bồi cũng như di cốt.
 
Ngày 26/4/1991, tôi được Ban di tích của chùa Phật Tích mời lên để nghiên cứu Tổng cộng có tất cả 133 mảnh xương, 209 mảnh bồi. Dựa vào cấu tạo của xương chúng tôi biết được đây là di hài của một người đàn ông chừng 65 – 70 tuổi, cao 1.59m. Một nhóm công tác gồm có tôi, họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, các nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, Nguyễn Đình Hiển đã được thành lập để phục dựng lại thiền sư.
 
Đặc biệt chúng tôi tìm được 7 đoạn dây đồng nằm lọt giữa mảnh bồi. Như vậy, chắc chắn người ta đã dựng khung xương trước nhờ những đoạn dây đồng và bồi ra bên ngoài đê tạo tượng. Chất bồi cũng là sơn ta, vải màn, mạt cưa, đất… giống với chất bồi của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Như Trí, nhưng cách tạo tượng thì khác hẳn vì không bồi trực tiếp lên thi hài.
Công việc phục dựng lại Thiền sư được tiến hành ở Hà Nội từ ngày 12 tháng Giêng cho đến ngày 1/5/1993 thì hoàn thành.
Lễ rước nhục thân về chùa Phật Tích được tổ chức trọng thể trước sự chứng kiến của hàng nghìn người. Mọi người đều vui mừng, vì theo truyền thuyết chính nhục thân này là một trong những ông tổ của nền Phật giáo Việt Nam.
Giờ đây, chùa Phật Tích lại được Đại đức, Tiến sĩ Phật học Thích Đức Thiện – một con người đầy tâm huyết trụ trì, đang ngày càng khang trang, to đẹp và lộng lẫy hơn xưa, là nơi tham quan rất có ý nghĩa cho khách thập phương trong và ngoài nước.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư Tập 1 (Hà Nội 1998, tr. 287) có chép: “Bính Thân {Hội Tường Đại Khánh} năm thứ 7 (116), (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích.
 
Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng; tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác)”  “... Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ” “(xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay hãy còn)”
Theo Phật lục của tác giả Trần Trọng Kim (Hà Nội 1944, tr. 95; 100) có chép: “Chùa Phật Tích… Khám thờ tổ đệ nhất bó cốt làm tượng… Chùa Bút Tháp… Khám thờ Chuyết Chuyết công là tổ đệ nhất, có cái tượng bó bằng cốt, cho nên gọi là nhục thân Bồ tát”
Như vậy rõ ràng việc bó cốt làm tượng theo phương thức nhiên táng” đã có từ thế kỷ thứ XII ở nước ta. Nét văn hóa độc đáo này, có thể chúng ta đã hấp thụ được từ nền văn hóa Trung Hoa.
Theo sách Nam Hoa Tự cập kì truyền thuyết, mà Lý Thục Hoa (chủ biên)( Nxb Nhân Dân tỉnh Quảng Đông 1988) thì “… vào thế kỷ thứ VIII, sau CN, kỹ thuật Giáp Trữ Tất (sơn ta bó lụa) đã được thực hiện khi Lục Tổ Huệ Năng (CN 638-713) viên tịch. Hiện nay chân thân còn nguyên vẹn để tại Nam Hoa Tự...”
Theo chúng tôi được biết hiện nay trên thế giới chỉ có ta và Trung Quốc là có hình thức táng này. Có lẽ vì tính độc đáo của nó mà Nhà xuất bản Riveneuve ở Paris đã quyết định phát hành cuốn sách của chúng tôi với tiêu đề: “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư ở Việt Nam” vào cuối năm nay…
 
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường
 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch