Phật giáo Việt Nam
Ngược tìm thượng nguồn Phật giáo Luy Lâu
23/07/2010 10:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong lịch sử hình thành Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo châu Á nói chung, Luy Lâu được coi là trung tâm Phật giáo xuất hiện sớm nhất trong ba trung tâm Phật giáo thời kỳ khởi thuỷ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo khác là Trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Bành Thành của người láng giềng Trung Quốc.

Xem hình

Điều đặc biệt nhất, "khai sinh" ra Trung tâm Phật giáo Luy Lâu không phải từ đất nước Trung Hoa rộng lớn, mà nó lại được bắt nguồn và mang đậm dấu ấn của Phật giáo Ấn Độ, theo con đường truyền bá của các tăng sỹ và các thương lái, nhà buôn người Ấn Độ bằng đường biển. Và quan trọng nhất, Phật giáo Việt Nam cho đến bây giờ, đó là sự hoà hợp của Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa, chứ không phải là sản phẩm của 1.000 năm Bắc thuộc.

 "Sản phẩm" của bản địa
 
Theo họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ theo con đường từ Tây Tạng đi sang. Khi người Trung Quốc muốn truyền Phật giáo sang Việt Nam thì Phật giáo đã vào Giao Châu rồi, Việt Nam đã có được mấy bộ kinh, mấy chục ngọn tháp rồi.
 
Khi đó, ở Luy Lâu có tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, mây mưa sấm chớp. Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam tìm cách hoà hợp với tín ngưỡng này, nên mới sinh ra truyền thuyết về Man Nương, là nguồn gốc để có hệ thống tín ngưỡng Tứ pháp cho đến tận bây giờ… Gắn với truyền thuyết Man Nương ở vùng Dâu (Thuận Thành - Bắc Ninh), nghệ thuật và lễ hội Tứ pháp hiện vẫn thịnh hành, tuy những lễ cầu đảo hô phong hoán vũ không còn nữa.
 
Truyền thuyết kể rằng: vào thời Sỹ Nhiếp, viên Thái thú người Tàu cai trị Giao Chỉ, có sư Khâu Đà La từ Tây Trúc sang Giao Châu. Thoạt tiên, đến vùng Phật Tích, sau đó đến Luy Lâu (nay là khu vực Dâu - Keo). Ở đây, ngài được vợ chồng Tu Định rất mộ đạo, cho con gái mình là Man Nương theo hầu. Một hôm, Khâu Đà La đi chơi về, thấy Man Nương ngủ ở bậu cửa, không nỡ đánh thức bèn bước qua. Chẳng ngờ cô gái động mình có thai. Vợ chồng Tu Định rất giận, chờ con gái sinh hạ, bế đứa bé trả lại nhà sư. Khâu Đà La đem đứa bé vào rừng, nói với cây Dung thụ (cây Dâu): nếu có thiêng thì hãy nhận lấy hài nhi này. Cây bèn mở thân, sư đặt đứa bé vào đó, cây khép lại. Khâu Đà La sau đó về Tây Trúc, trao cho Man Nương cây gậy, dặn lúc nào hạn hán thì chọc xuống đất, chỗ đó sẽ có nước.
 
Nhiều năm sau, sông Dâu dâng nước lụt khắp vùng, cuốn trôi cây Dung thụ, không ai vớt được. Man Nương bèn lấy dải yếm kéo cây vào. Sỹ Vương cùng dân chúng xẻ cây làm bốn khúc, tạc thành bốn tượng Mây, Mưa, Sấm, Chớp, thờ ở bốn chùa Vân - Vũ - Lôi - Điện. Riêng cành cây cũng tạc thành một tượng Pháp, thờ ở chùa Keo, gần đó. Đứa bé trong cây biến thành tảng đá, gọi là Đức Thạch Quang, cũng thờ trong chùa Dâu.
 
Theo Việt Nam Phật giáo sử luận (tác giả Nguyễn Lang - Nhà xuất bản Văn học Hà Nội - 1979): "Đạo Phật được truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên.
 
Các tài liệu như Hậu Hán Thư trong đó có câu chuyện Sở Vương Anh theo Phật giáo, sách Lý Hoặc Luận của Mâu tử viết tại Việt Nam vào hạ bán thế kỷ thứ hai, kinh Tứ Thập Nhị Chương và một số tài liệu khác, có tính cách lặt vặt hơn, cho ta thấy rằng trong đời Hậu Hán (thế kỷ thứ nhất và thứ hai) ngoài hai trung tâm Phật giáo ở Trung Hoa, còn có một trung tâm Phật giáo rất quan trong khác ở Giao Chỉ, tức Việt Nam, lúc bấy giờ đang nội thuộc Trung Quốc. Hai trung tâm ở Trung Hoa là trung tâm Lạc Dương và trung tâm Bành Thành. Lạc Dương là kinh đô Trung Hoa vào đời nhà Hán, Hiện nay là một huyện ở tỉnh Hà Nam, còn Bành Thành thì ở về hạ lưu sông Dương Tử, hiện thuộc tỉnh Giang Tô. Ở nước ta thì có trung tâm Luy Lâu: Luy Lâu là trị sở bấy giờ của Giao Chỉ, hiện nay thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh… Có nhiều dữ kiện khiến cho chúng ta nghĩ trung tâm Luy Lâu được thành lập sớm nhất, và trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa".
 
Cũng theo truyền thuyết, các chùa Tứ pháp được xây dựng ngay từ thời Sỹ Nhiếp, tức là thế kỷ II, nhưng các di tích này không còn gì. Năm 580, Thiền sư Tây Trúc Tì ni đa lưu chi (Vicitaruci), sang Giao Châu truyền đạo, lập ra dòng Thiền đầu tiên ở chùa Dâu. Nhưng phải đến thế kỷ XIII-XIV mới có di tích còn để lại đến nay. Mạc Đĩnh Chi trạng nguyên thời Trần cho xây lại chùa, xây cầu chín nhịp, tháp chín tầng, nay tháp đã đổ chỉ còn ba tầng. Nguyên ủy, nơi thờ Tứ pháp chỉ là một kiến trúc mặt bằng hình vuông, chính giữa đặt Tứ pháp, hai bên có Kim đồng - Ngọc nữ. Trước mặt là hòn đá thiêng và tượng đức thánh tải (con của Tứ pháp), sau lưng là tượng sư Khâu Đà La. Khi đạo Phật đồng hoá tín ngưỡng này, ban thờ Phật được thêm ra, kiến trúc cũng giống như các chùa kiểu nội công ngoại quốc đồng bằng Bắc Bộ, ban thờ Tứ pháp đặt trước, ban thờ Phật đặt sau, gọi là tiền Thánh hậu Phật.
 

Nguồn gốc Trung tâm Phật giáo Luy Lâu

 Trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận (tác giả Nguyễn Lang - Nhà xuất bản Văn học Hà Nội - 1979), thì "Trung tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của những tăng sĩ Ấn Độ. Các vị tăng sĩ này tới viếng Việt Nam bằng đường biển, theo các thuyền buôn người Ấn. Nhưng trước khi các vị tăng sĩ Ấn Độ tới Việt Nam, các thương gia Ấn Độ cũng đã tới Việt Nam rồi và cũng đã mang theo sinh hoạt Phật Giáo tới xứ ta".
 
Hồi bấy giờ (đầu kỷ nguyên), Ấn Độ đã có liên hệ thương mại trực tiếp với Trung Đông và gián tiếp với các nước vùng địa Trung Hải, đế quốc La Mã tiêu thụ rất nhiều vàng, lụa, hương liệu, trầm, quế, tiêu, ngà voi, châu báu... để có đủ hàng cung cấp cho thị trường ấy, các thương gia Ấn Độ đã dong thuyền đi mãi về Viễn Đông. Những thương thuyền này theo gió mùa Tây Nam đi về Đông Nam Á, tới bờ biển Mã Lai, Phù Nam và Giao Chỉ. Thương gia Ấn Độ phải ở lại đây cho đến năm tới, chờ cho gió mùa Đông Bắc để trở về Ấn Độ. Trong thời gian này, họ lại sống với dân bản xứ và đã ảnh hưởng tới dân bản xứ bằng lối sống văn minh của họ. Vì sự có mặt của những thương gia Ấn Độ mà dân ta hồi đó đã biết đến ít nhiều về kỹ thuật canh tác, y thuật và tôn giáo Ấn Độ. Ta có thể nói rằng chính những thương gia Ấn Độ đã trước tiên đem Phật giáo vào nước ta.
 
Những thương gia kia, tuy vậy, không phải là những nhà truyền giáo, và mục đích của họ khi đến xứ ta là để buôn bán chứ không phải là để truyền đạo. Trong thời gian lưu lại Giao Chỉ, họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh và cúng dường những pháp Phật nho nhỏ mà họ mang theo. Người Giao Chỉ ta đã áp dụng những điều hay về canh nông và về y thuật do họ chỉ bày, cố nhiên là cũng tỏ ra mến chuộng tôn giáo của họ. Nhưng nếu hồi đó có những người Giao Chỉ theo đạo Phật thì đạo Phật đây cũng mới chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng đơn sơ của người cư sĩ, giới hạn trong sự tụng đọc tam quy, cúng dường Phật tháp và bố thí cho người ốm đau đói khổ, chứ chưa có sự học hỏi kinh điển và chế độ tăng sĩ.
 
Trong các chuyến đi xa hàng năm với nhiều tháng lênh đênh trên biển cả như thế, các thương gia Ấn cũng thờ cúng và cầu nguyện đức Phật và các vị Bồ Tát hộ trì cho trời yên biển lặng và mọi sự yên lành. Các thương thuyền này thường thờ đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và đức Nhiên Đăng (Dipankara), được nổi tiếng là những vị che chở cho thủy thủ được an lành ngoài biển khơi.
 
Cũng trong mục đích cầu nguyện và cúng dường tam bảo, họ thỉnh theo thương thuyền một vị tăng sĩ. Chính những vị tăng sĩ đi theo thương thuyền này sẽ lập nên Trung tâm Phật giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ.
 
Tuy nhiên, những vị tăng sĩ đi theo các thương thuyền Ấn Độ không phải chỉ mục đích giảng đạo và cầu nguyện cho các phật tử trong thương thuyền. Vào cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, khuynh hướng Phật Giáo đại thừa đã nảy nở tại Ấn Độ, và vào đầu thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Tây lịch, các trung tâm Amaravati và Nagarjunakonda ở miền duyên hải Đông Nam Ấn Độ dần dần trở nên những trung tâm Phật giáo truyền bá vào các nước xa là một trong những hoa trái của đạo Phật đại thừa; chính ý hướng này đã thúc đẩy những vị tăng sĩ đi theo các thương thuyền về Đông Nam Á. Trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được thiết lập do sự viếng thăm của thương gia và tăng sĩ Ấn Độ tới bằng đường biển, đó là một điều tất cả các học giả đều phải đồng ý. Đạo Phật tại Giao Châu do từ Ấn Độ truyền sang trực tiếp, không phải là từ Trung Hoa truyền xuống…

(Theo CAND)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch