Phật học cơ bản
Cương Yếu Giới Luật
HT. Thánh Nghiêm Thích Nữ Tuệ Đăng dịch Nhà Xuất Bản Thời Đại
01/09/2554 15:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Cương Yếu Giới Luật
Mục lục
Xem toàn bộ

 

THIÊN THỨ NHẤT. Tự Luận


Chương 1. Thọ Giới, Học Giới và Trì Giới

 

 

I. THỌ GIỚI

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giới là gốc của Vô thượng Bồ đề”. Do đó, tinh thần căn bản của Phật giáo là ở sự tôn nghiêm của giới luật, tức là đệ tử của Phật phải tôn trọng và tuân giữ giới luật. Vì thế hễ là đệ tử của Phật, bất luận tại gia hoặc xuất gia khi bước vào cửa Phật thì điều trọng đại nhất là phải thọ giới. Bằng không thì dù tự xưng là tin Phật, học Phật, cũng chẳng được Phật giáo thừa nhận. Nói một cách khác: Ấy là người ngoài cửa.

Giới luật của Phật giáo, bởi vì sự bất đồng trên thân phận Phật tử và sự sai biệt của đẳng cấp, do đó cũng chia ra các loại có tên gọi như sau:

A. Giới tại gia có 4 thứ:

1. Tam quy giới

2. Ngũ giới

3. Bát quan trai giới

4. Bồ tát giới

B Xuất gia có 5 thứ:

1. Sa di và Sa di ni giới

2. Thức xoa ma ni giới

3. Tỳ kheo

4. Tỳ kheo ni giới

5. Bồ tát giới

Ở đây có ba điểm cần phải bàn:

1. Có người cho rằng tam quy không phải là giới. Ngũ giới trở lên mới gọi là giới. Thật ra tam quy cũng là giới, bởi vì nghĩa của giới là cấm ngăn. Sau khi quy y cũng có ba thứ cấm ngăn:

¨ Quy y Phật suốt đời chẳng quy y thiên ma ngoại đạo.

¨ Quy y Pháp suốt đời chẳng quy y tà thuyết ngoại đạo.

¨ Quy y Tăng suốt đời chẳng quy y đồ chúng ngoại đạo.

Vì thế, bản thân của quy y Tam bảo là có bao hàm đặc chất của một loại giới.

2. Bát quan trai giới của người tại gia là 8 giới đầu tiên của hàng xuất gia Sa di, Sa di ni phải thọ. Do cửa ngõ này thông với con đường xuất gia, đóng chặt cửa sanh tử, vì thế gọi là Bát quan. Thêm vào đó, quá ngọ chẳng ăn gọi là trai, hợp lại là Bát quan giới trai.

3. Bồ tát giới gần đây, tại Trung Quốc thông hành Phạm Võng Giới bổn. Giới bổn này có thể thông cho tất cả chúng sanh của tứ thánh lục phàm (chúng sanh địa ngục chẳng thể thọ giới, song cũng có người cho rằng cũng có thể thọ giới), vì thế chẳng phân tại gia hoặc xuất gia. Những năm gần đây ở Đài Loan truyền thọ Bồ tát giới, Tăng tục chia riêng, người xuất gia thọ Phạm Võng giới, người tại gia thọ 6 giới trọng và 28 giới khinh của Kinh Ưu bà tắc giới. Kỳ thực, đây là vấn đề cần phải thảo luận, vì trong Kinh Ưu bà tắc giới có nói rõ 6 giới trọng, 28 giới khinh là căn bản của giới Bồ tát, chứ không phải chính là Bồ tát giới.

Theo lý mà nói thì giới Bồ tát với Bồ tát giới, bất luận tại gia hoặc xuất gia đều bình đẳng.

Nhưng, Phật pháp tuy nói bình đẳng là nói bình đẳng đứng trên quan điểm tánh thể, chứ không phải nói bình đẳng ở trên sự bình đẳng không có già trẻ, không có tôn ty, không có trước sau. Phật nói mọi người đều có thể thành Phật, vì mọi người đều sẵn đủ Phật tánh, nhưng vì Phật tánh chưa hiển lộ nên họ chưa phải là Phật. Cho nên, ở trên giới luật của Phật giáo cũng có đẳng cấp và tầng lớp, từ Tam quy ngũ giới đến tầng cấp Tăng già, từng lớp tiến lên cao đều lấy Tam quy làm nền tảng, đến Bồ tát Tỳ kheo là đầy đủ. Người thọ Tam quy giới tự nhiên chẳng thể đạt được đến giới hạnh của Bồ tát Tỳ kheo giới. Trái lại, không có một vị Bồ tát Tỳ kheo nào chẳng thọ Tam quy giới. Vì thế nên biết Tam quy chỉ là phương tiện dẫn đạo nhập môn. Bồ tát Tỳ kheo mới là thân phận rốt sau tiến vào cửa Phật. Ba đời chư Phật ở tại nhân gian thành Phật cũng đều hiện tướng Tỳ kheo. Do đó, người thọ Tam quy giới rồi phải tiếp tục phát tâm cầu thọ Ngũ giới. Người thọ Ngũ giới rồi nên tiến thêm một bước, cầu thọ Bồ tát giới. Người thọ Bồ tát giới tại gia rồi như pháp phát tâm xuất gia, ấy là công đức vô lượng, song nếu không dẹp được duyên đời, không thể cạo tóc xuất gia thì nên thọ trì Bát quan giới trai mở một con đường xuất ly ngục tù sinh tử. Điều thiết yếu nhất là chẳng nên cho rằng tin Phật, quy y Tam bảo rồi là việc làm của người Phật tử đã xong.

II. HỌC GIỚI

Thọ giới cố nhiên chẳng thể không có nghi thức thọ giới. Hoặc ở trước Sư Tăng phát tâm ân cần kính trọng khẩn thiết mà cảm phát giới thể, nhận được giới thể. Hoặc ở trước hình tượng Phật, Bồ tát, lễ bái sám hối thấy được hảo tướng, như thấy hào quang, thấy bông hoa, thấy Phật, Bồ tát đến xoa đảnh mà được thọ giới. Nhưng sự thọ giới đó chỉ là mở đầu cho một giai đoạn từng lớp của thân phận người đệ tử chứ tuyệt đối chẳng phải là giai đoạn hoàn thành, vì thế sau khi thọ giới cần phải học giới.

“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” của tứ hoằng thệ nguyện là pháp môn gì? Đều là học điều Phật học, hành điều Phật hành, chứng điều Phật chứng. Giới luật của Phật giáo là pháp môn rộng lớn dạy người học điều Phật học, hành điều Phật hành để đi đến chứng điều Phật chứng. Cũng có người chẳng hiểu, cho rằng giới chỉ là ngừa lỗi ngăn ác cũng giống như quy ước của xã hội và luật pháp của quốc gia. Thật ra, giới là cấm ngăn, cấm ngăn Phật tử chẳng làm ác. Nhưng giới điều của Phật giáo hữu hạn, tối thiểu chỉ 3 điều, tối đa là Tỳ kheo ni giới cũng chỉ có 348 điều, làm sao có thể thống nhiếp tất cả pháp môn được? Kỳ thật, giới luật của Phật giáo cấm ngăn chẳng làm ác cũng là cấm ngăn chẳng làm thiện. Điều nên làm phải làm, gọi là Tác trì; điều nên làm mà chẳng làm, là phạm giới. Điều chẳng nên làm thì chẳng làm, giọi là Chỉ trì; trái lại, điều chẳng nên làm mà làm, là phạm giới. Có một số người đối với sự nhận thức về Phật giới thì chỉ biết có một mặt tiêu cực là “ngừa lỗi ngăn ác” mà chưa thấy đến mặt tích cực là “làm các điều thiện”. Cho nên trong Du già Bồ tát giới bổn, 4 giới trọng, 43 giới khinh, cộng chung là 47 điều giới, trừ 4 điều giới căn bản ra, 43 điều kia, lại có thể đem 32 điều xếp vào lục độ, 11 điều gom vào tứ nhiếp. Cũng có thể nói lục độ, tứ nhiếp gồm hết Du già Sư địa giới bổn. Bốn giới trọng trước chưa phân biệt là phải gom vào đâu, song giới khinh đều do từ căn bản của giới trọng khai triển ra, giới khinh là phân chi của giới trọng, giới trọng là căn bản của giới khinh. Lục độ, tứ nhiếp là môn thiện hạnh lợi tha của Bồ tát Đại thừa. Như suy rộng ra thì lục độ bao trùm vạn hạnh, vạn hạnh thì có thể diễn hoá thành vô lượng pháp môn. Du già Bồ tát giới bổn là rút ra từ trong bộ Luận Du già sư địa.

Ngũ giới là giới điều căn bản nhất trong Phật giáo, nhưng cũng là căn bản của tất cả Phật giới, cho nên gọi ngũ giới là căn bản giới. Không luận là Bát giới, Thập giới, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới cho đến Bồ tát giới, không có một loại giới nào mà không căn cứ từ Ngũ giới mà sinh ra, cũng không có loại giới nào mà không lấy Ngũ giới làm trọng yếu hơn hết. Ngũ giới học chẳng tột thì tất cả giới không làm sao vào tay được. Ngũ giới giữ được thanh tịnh thì các giới khác giữ được rất dễ dàng.

Hãy xem 5 điều giới: sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu; đây là việc rất phổ thông, rất giản đơn; song khi nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung của ngũ giới, chúng ta sẽ thấy rằng chẳng phải là việc giản đơn và phóng túng như có một số người lầm tưởng. Đại sư Hoằng Nhất là vị Cao tăng thời cận đại nổi tiếng về luật học và trì luật. Nhưng Ngài tự nghiệm Ngài chẳng những không đủ tư cách của Tỳ kheo, cũng không đủ tư cách của Sa di, thậm chí cũng chẳng đủ tư cách Ưu bà tắc của mãn phần ngũ giới. Chúng ta thử nghĩ: Một vị Cao tăng trì luật nghiêm cẩn còn không dám tự khoe mình là người thanh tịnh mãn phần ngũ giới, thì bọn chúng ta có ai dám nói mình là người hành trì ngũ giới thanh tịnh chăng? Chỗ này cần phải hiểu rõ sự tự nghiệm của Đại sư Hoằng Nhất, tuyệt đối chẳng phải vì Ngài phá căn bản đại giới, mà là ý nói đến bộ phận vi tế của ngũ giới không làm sao cho được chu toàn. Do đó đủ thấy tính chất trọng yếu và nghiêm trọng của ngũ giới. Bởi vì ngũ giới là căn bản của các giới, các giới phần nhiều do ngũ giới triển khai, các giới có khuyết phạm thì ngũ giới ắt hẳn chẳng tuyệt đối thanh tịnh. Một điểm này, hy vọng người thọ giới rồi thiết thực chú ý chẳng nên tâm cao ý cuồng cho mình đã là Phật tử thanh tịnh. Vậy, nếu thọ giới mà chẳng học giới thì đâu biết được sự nghiêm chỉnh và vi diệu của giới luật!

 III. TRÌ GIỚI

Mục đích của thọ giới và học giới là trì giới. Nếu như học mà không thọ không trì, ấy là nói tên món ăn không no bụng đói, là đếm của báu cho người. Phật chế giới là muốn cho Phật tử tuân theo thực hành, chẳng phải để cho Phật tử tăng trưởng sự hiểu biết giúp cho việc đàm luận để đi phê bình Hoà thượng này phạm giới, ni cô kia chẳng giữ quy cũ. Đây cũng chính là việc rất đau lòng trong cửa Phật ngày nay. Việc xấu trong cửa Phật hơn phân nửa là do Phật tử truyền bá ra, lại còn thêm dầu thêm tương, càng truyền càng xa sự thật. Ông nói việc xấu của tôi, tôi vạch thẹo của ông, chỉ sợ nói chẳng độc, chỉ sợ vạch chẳng sâu, đến cuối cùng khiến cho người nghe có cảm tưởng rằng thật không có một đệ tử Phật nào kể ra thanh tịnh cả! Đây chẳng những huỷ diệt danh dự của chính Phật tử, là cũng là phá nát tín tâm của thiện tín, ấy là làm tổn hoại sự trang nghiêm của Tam bảo.

Nếu như đệ tử Phật, người nào cũng đều học giới, trì giới, thì người phạm giới chắc chắn giảm bớt, không còn có sự phê bình công kích người phạm giới. Bởi vì một người chân chính trì giới, không bao giờ muốn mình phạm giới. Nếu người ấy thấy người khác phạm giới, người ấy chỉ đến trước mặt người phá giới khuyến cáo cho đến ân cần khuyên can ba lần. Qua ba lần khuyên can, người phá giới kia nghe thì tốt, bằng không nghe thì làm phép yết ma (Chế độ Tăng đoàn hội nghị). Nếu không có cách làm cho người phạm giới tuân hành, thì trong lòng mỗi người chúng ta rất đau buồn cho người phạm giới. Bằng muốn nói, có thể trong thời tụng giới Bố tát vì người phạm giới cử tội để đại chúng xử đoán, tuyệt đối chẳng nên thấy đâu nói đó, thấy người liền nói chẳng phân trường hợp, chẳng kể thời gian, chẳng cần biết người nghe là ai. Nếu chẳng được như thế, thì người nói lỗi người khác cũng là người phạm giới. Nếu như nói đúng, thì chính người cũng phạm giới “nói lỗi tứ chúng”; nếu nói chẳng đúng sự thật thì còn phạm thêm giới “vọng ngữ”, nếu như người bị nói là người xuất gia thì người nói lại phạm thêm giới “huỷ bang Tam bảo”. Ba điều giới này đều là giới trọng của Bồ tát, không luận là tại gia hay xuất gia đều phạm tội Ba la di.Tội Ba la di là tội lớn, hiện tại mất đi giới thể, sau khi chết bị đoạ vào địa ngục một thời gian dài bằng 16 ngàn năm tuổi thọ của trời Tha Hoá Tự Tại, tương đương với 92 vạn 1600 vạn năm của nhân gian. Vì thế, một người trì giới nghiêm cẩn tuyệt nhiên chẳng khinh suất nói người khác phạm giới. Nếu như người thường ưa thích nói người khác phạm giới, thì chính người đó trước tiên là người thường hay phạm giới.

Ở đây có một điểm cần phải chú ý: Đoạn trước có nói qua giới luật của nhà Phật là có thứ lớp giai đoạn, vì thế ở trên thân phận mà nói cũng có sự phân biệt rất nghiêm khắc. Theo sự quy định trong phép yết ma, Phật tử phạm giới nếu chẳng tự phát lồ (vì phạm giới có khinh trọng, nên hoặc ở trước một vị, ba vị, bốn vị Tỳ kheo thanh tịnh phát lồ sám hối, hoặc ở trước đại chúng Tăng phát lồ sám hối), thì người thấy người ấy phạm giới phải khuyên người ấy phát lồ sám hối, phải ba lần can gián, nếu chẳng nghe, nên ở tại đại chúng làm phép yết ma cử tội người ấy để được đại chúng hội nghị bàn về phương thức xử phạt người ấy. Nhưng cử tội cũng có sự hạn chế của thứ lớp loại biệt. Tỳ kheo có thể cử tội của bảy chúng. Tỳ kheo ni thì trừ Tỳ kheo ra có thể cử tội sáu chúng. Chúng xuất gia có thể cử tội chúng tại gia. Chúng tại gia không được cử tội chúng xuất gia. Tuyệt đối chẳng được tuỳ tiện cử tội của người khác. Đây không phải Phật bày ra để che chở Tỳ kheo, nhưng do vì Tỳ kheo có thể nghiên cứu tất cả giới luật, có thể dạy răn tất cả mọi người, còn các chúng khác đều không có khả năng ấy. Tỳ kheo ni chẳng được nghiên cứu giới Tỳ kheo thì làm sao biết Tỳ kheo phạm giới gì? Hai chúng tại gia chẳng cho nghe tụng đại giới, đâu biết rõ nội dung của Đại luật mà chỉ trích người xuất gia phạm giới? Người xuất gia có quy chế Tăng đoàn của người xuất gia, người xuất gia phạm giới tự có sự chế tài của Tăng đoàn, người tại gia đâu được vượt bực phạm thượng cử tội? Đồng thời, một người tại gia chưa thông Đại luật, chưa có nhận thức thông suốt về khai giá trì phạm của Đại luật mà cử tội người xuất gia thì cử tội không đúng. Vì thế nếu người xuất gia phạm giới, chúng tại gia chẳng những không được cử tội, mà ngay cả can gián cũng không đủ tư cách nữa.

 IV. LẤY GIỚI LÀM THẦY

Nếu như mọi người trì giới, Phật giáo tất nhiên hưng thịnh, Nhưng, đề xướng sự trang nghiêm của luật chế trong xã hội Phật giáo của Trung Quốc lại rất khó khăn. Đoạn trước có nói đến pháp yết ma của Tăng đoàn vốn là biện pháp tốt nhất để đệ tử nhà Phật tự thanh lọc, tự kiểm điểm, nhưng ngặt vì Phật giáo Trung Quốc không đoàn kết. Phật giáo Trung Quốc của thời Đại Lục ( trước năm 1949), các tòng lâm lớn có sự chế tài của thanh quy, người phạm trọng giới thì bị đuổi đi. Tòng lâm đều tự có thanh quy, còn các chùa tư thì lại chẳng chịu sự cai quản của giáo hội cấp trên, vì thế chỗ này đuổi đi chỗ kia lại dung chứa, ở chỗ này phạm quy cũ nặng, có thể đến chỗ kia tái phạm, cho nên đối với vấn đề phạm giới cũng chẳng được xem trọng. Đồng thời, sự đuổi đi của tòng lâm thường thường là do quyền lực của một thiểu số Chấp sự Tăng, chứ không phải hiệu quả từ trong pháp yết ma của Đại chúng Tăng ra, cho nên khó tránh khỏi không có sự quan hệ ân oán của một thiểu số người. Không giống như tinh thần căn bản của chế độ Tăng đoàn, sự quyết nghị của Tăng đoàn tức là sự quyết nghị của đại biểu mười phương đại chúng. Nếu phạm đại giới sau khi Tăng đoàn chế tài thì cũng đồng như sự chế tài của mười phương đại chúng Tăng, một chỗ tẫn xuất (đuổi đi), thì tất cả chỗ chẳng cho dung thân; bởi vì Tăng phòng ở mọi nơi đều thuộc Tăng đoàn. Thể theo giới luật, sau khi làm phép yết ma là được sự chấp thuận của mười phương Đại chúng Tăng. Sau khi Phật diệt độ, Phật tử lấy giới làm thầy, giới do Phật chế, tôn trọng giới luật tức là tôn trọng Phật; là Phật tử phải tôn trọng giới luật, vì thế, chỉ cần một lần phạm căn bản đại giới tức là đã xả giới hoàn tục. Đây là tinh thần căn bản của Phật chế. Vậy mong chúng ta khôi phục lại tinh thần căn bản này, bằng không chỉ là phê bình người khác phạm giới, thế nên người phạm giới càng ngày lại càng nhiều.

Có lấy giới làm thầy, chúng ta mới có thể chính mình trì giới, cùng trợ giúp và bảo hộ người khác trì giới. Nếu không đa số người chẳng trì giới, người trì giới lại sẽ mất đi sự bảo hộ đáng lẽ ra phải có, ấy thật là pháp nhược ma cường vậy.