THIÊN
THỨ SÁU. Tỳ Kheo Tỳ Kheo Ni Giới Cương Yếu
Chương 1.
Khởi Nguyên Của Tỳ Kheo Và Tỳ Kheo Ni
LỜI
MỞ ĐẦU
Tỳ kheo giới và Tỳ kheo ni giới
là đại giới trọng yếu trong Phật giới, vì thế cũng là một thứ Phật giới phong
phú nhất. Nhìn từ góc độ trụ thế của Phật pháp, Tỳ kheo giới và Tỳ kheo ni giới
trọng yếu hơn Bồ tát giới. Thế nên trong Đại Tạng Kinh Hán dịch có Quảng bản Đại Luật của Tỳ kheo giới và Tỳ kheo ni
giới đến bốn năm trăm quyển, đó là chưa kể đến phần chú sớ, trứ
thuật của Lịch đại Tổ sư. Hai năm đầu tiên tôi duyệt Luật tạng ở Đài Nam, tôi cũng
đặt trọng tâm chú ý vào trong Quảng Luật của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni; nhưng trong
quyển sách này chỉ giới thiệu sơ lược về Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới. Nhân vì: Thứ
nhất, đây là một quyển sách có tính cách phổ thông, độc giả phần đông là người
tại gia, người tục vị tất tuyệt đối không được xem luật Tỳ kheo và Tỳ kheo ni;
nhưng cũng không cần phải giới thiệu việc xuất gia một cách kỹ càng cho người
thế tục. Thứ hai, nói một cách nghiêm chỉnh, trong hoàn cảnh Trung Quốc hiện
đại, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đúng như luật đắc giới và đúng như luật trì giới, đó
chẳng phải việc dễ dàng. Thật tâm mà nói, chính tôi cũng chưa thật xứng đáng là
một “Tỳ kheo” của Tỳ kheo giới, thậm chí tôi cũng không phải là một Sa di đúng
như pháp, tôi chỉ là một Ưu bà tắc hiện tướng xuất gia mà thôi, dẫu cho muốn
thực hành đúng như luật cũng khó khăn biết bao! Vì thế, nội dung của thiên này
tôi cũng không cổ động độc giả chưa đầy đủ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới đọc. Đương
nhiên, tôi cũng không kịch liệt phản đối.
Đối với sự nghiên cứu Luật Tỳ
kheo, Tỳ kheo ni tôi gần như dốc hết toàn bộ tinh lực trong mấy năm, đó là vì
tôi muốn từ trong luật tìm ra nguyên nhân suy đồi của Phật giáo Trung Quốc và
nhờ đó mà tìm ra phương án chấn hưng Phật giáo Trung Quốc. Vì thế tôi vừa đọc
vừa ghi, vừa làm bút ký, khiến cho mỗi một vấn đề quy nạp thành một trung tâm
làm thành một thiên tâm đắc và thêm vào đó ý kiến của mình. Phân tích ý kiến
những vấn đề ấy cũng chính là làm mới lạ những vấn đề đã “chết” từ nhiều thế kỷ
thành ra vấn đề hiện thực của chúng ta. Tôi thử làm sống lại luật điển, không
vì cố chấp vào cổ xưa mà không biết canh tân. Bằng không, cũng không cần tôi
phải tốn hao giấy mực, vì những trứ tác về Luật xưa nay đã có nhiều người làm
rồi. Tuy tôi có cách nhìn của riêng tôi, nhưng vẫn không trái với luật điển, và
có thể nói mọi điều ghi ra đều có căn cứ, độc giả có thể tra cứu đối chiếu. Độc
giả đọc thiên này rồi có thể tham duyệt hai quyển “Phật Giáo Chế Độ và Sinh
Hoạt” và “Phật Giáo Thật Dụng Pháp “cũng
của tôi chuyên giới thiệu về các vấn đề trọng yếu của Luật chế.
I. VÌ SAO GỌI LÀ TỲ KHEO, TỲ KHEO
NI?
Tỳ kheo là dịch âm của Phạn văn
Bhiksu, ý nghĩa chủ yếu là “Khất sĩ”. Trên theo “Như Lai” khất cầu Phật pháp để
dưỡng dục huệ mạng của pháp thân, dưới hướng về người tục khất cầu cơm áo để
nuôi sống sinh mạng của sắc thân, vì thế gọi là Khất sĩ. Ngoài ra còn có các
nghĩa: Bố ma, Phá ác, Tịnh mạng, Tịnh trì giới. Nhân vì xuất gia học Phật làm
Tỳ kheo là muốn liễu thoát sinh tử, không còn bị sự khuấy nhiễu và chi phối của
ma nghiệp cùng ma cảnh; ma vương bớt đi một ma dân để lợi dụng và chi phối; cho
nên ma cảm thấy sợ hãi vì thế gọi là Bố ma. Tỳ kheo trì giới hay phá được phiền
não ác nghiệp, vì thế gọi là Phá ác. Tỳ kheo không làm các nghề buôn bán, trồng
trọt, thợ thuyền để mưu sinh, mà chỉ thanh tịnh khất thực để tự sống, vì thế gọi
là Tịnh mạng. Tỳ kheo đem cả hình tướng, thọ mạng của suốt cuộc đời mình kiên
trì giới luật thanh tịnh, vì thế gọi là Tịnh trì giới.
Đồng âm dịch khác của Tỳ kheo
còn có Tỳ khưu, Bật sô, Bí sô. Trong chú sớ của Cổ đức Trung Quốc có người cho
rằng Bí sô là tên của một lọai cỏ, căn cứ vào truyền thuyết, loại cỏ này có năm
đức tính đăc biệt:
1. Thể tánh mềm mại.
2. Bò ra bên ngoài.
3. Hương thơm bay xa.
4. Trị được đau nhức.
5. Không tránh ánh sáng mặt
trời.
Vì thế, lấy làm tên gọi của
người xuất gia. Kỳ thật, theo sự nghiên cứu của các học giả thời gần đây, sự
giải thích này chỉ là theo tưởng tượng, không chính xác. Bí sô là cựu dịch, Tỳ
kheo là tân dịch, từ nguyên văn chữ Phạn dịch ra, chứ không có căn cứ vào tên
lọai cỏ nào cả. Lại có người nói “Đức tỷ Khổng Khưu” nên gọi là “Tỳ khưu”, lại
càng không đúng.
Tỳ kheo ni là dịch âm của Phạn
văn Bhiksuni ý nghĩa của nó cùng Tỳ kheo tương đồng, chỉ dùng âm “ni” biểu thị
nữ tánh. Tỳ kheo ni cũng có nghĩa là nữ Tỳ kheo hoặc nữ khất sĩ. Trên phương
diện dịch âm khác còn có Tỳ khưu ni, Bật sô ni, Bí sô ni.
Trong Phật giáo nói ba đời chư
Phật đều có 7 hoặc 9 chúng đệ tử tăng tục nam nữ. Tỳ kheo đứng đầu 7 chúng. Tỳ
kheo ni kế Tỳ kheo, đây là hai bậc chủ lực cốt cán trong Phật giáo đồ. Thời Đức
Phật tại thế, hoạt động của Phật giáo lấy Đức Phật làm trung tâm. Sau khi Phật
diệt độ, hoạt động của Phật giáo lấy người xuất gia làm trung tâm. Đệ tử tại
gia lấy Tăng đoàn xuất gia làm trung tâm. Nếu như không có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni,
sự trụ thế của Phật giáo sẽ mất đi giá trị của tôn giáo, mà chỉ có giá trị của
triết học hoặc học thuyết văn hóa.
II.
SỰ XUẤT HIỆN CỦA TỲ KHEO VÀ TỲ KHEO NI
Trên thế giới, chúng ta không
còn nghi ngờ gì nữa về sự xuất hiện của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni là do hơn 2.500
năm về trước, trong nhân loại xuất hiện một ngôi sao sáng, đó là Đức Phật Thích
Ca Thế Tôn cứu người, cứu đời và cứu tất cả chúng sinh.
Phật giáo có những danh từ dùng
theo ngữ vựng sẵn có của Ấn Độ với nội dung mới mẻ, như tên gọi của bốn chúng
đệ tử, có điều dường như lấy từ một phương thức giống nhau mà ra. Tỷ như trong
Ngũ Phần Luật có 11 thứ Tỳ kheo; trong đó, Khất Tỳ kheo không phải là Tỳ kheo
đúng như pháp của Phật giáo. Nhưng chúng ta có thể khẳng định nghĩa bao hàm của
7 chúng Phật tử hoàn toàn bất đồng với đồ chúng ngoại đạo. Chính ngoại đạo cũng
chưa có thể đem thứ bậc của đồ chúng họ phân ra được kỹ lưỡng và cẩn thận như
thế.
Căn cứ trong Ngũ Phần Luật quyển
15 nói: Sau khi Phật thành đạo, đầu tiên ngài nhận sự cúng dường của hai người
lái buôn tên Ly Vị và Ba Ly, rồi dạy hai người này thọ nhị tự quy y: Quy y
Phật, quy y Pháp. Phật lại cho con gái của Bà la môn Tư Na là nàng Tu Xà Đà thọ
nhị tự quy y. Nhân vì lúc ấy Đức Phật chưa độ 5 thầy Tỳ kheo nên chưa có Tăng
bảo để quy y. Đủ thấy sự xuất hiện của Tỳ kheo sau Ưu bà tắc và Ưu bà di. Nhưng
căn cứ vào sự ghi chép của Tứ Phần Luật Thọ Giới Kiền Độ, 7 chúng đệ tử Phật
lấy Tỳ kheo làm thượng thủ, cũng vì Tỳ kheo xuất hiện rất sớm. Đó là lần chuyển
pháp luân đầu tiên ở vườn Lộc Dã. Trong lần đầu tiên truyền thánh giáo, Phật độ
5 người thị tùng theo Ngài xuất gia ở buổi đầu. Năm người thị tùng này do vua
Tịnh Phạn phái đến vừa làm bạn với Thái tử vừa phục vụ Thái tử tu hành. Sau vì
Thái tử bỏ sự khổ hạnh cực đoan, làm cho năm người thị tùng hiểu lầm cho rằng
Thái tử thoái đạo tâm, vì thế họ khinh thị và ly khai Thái tử. Sau khi Thái tử
thành đạo, Ngài nhớ lại năm Tỳ kheo này làm việc khổ nhọc, không kể lạnh nóng
hầu hạ cúng dường, nên trước tiên độ năm người này. Đó là những Tỳ kheo được độ
sớm nhất, cũng là năm vị Tỳ kheo có danh tiếng hơn hết.
Tỳ kheo ni trong 7 chúng Phật tử
địa vị chỉ dưới Tỳ kheo, nhưng Tỳ kheo ni lại xuất hiện rất muộn. Ngày Đức Phật
thành đạo cũng là ngày đản sanh của Tôn giả A Nan. Người nữ được xuất gia trong
Phật giáo là do sự đồng tình của Tôn giả A Nan và Ngài đứng ra thỉnh cầu Đức
Phật chấp nhận. Lúc ấy A Nan đã xuất gia thành Tỳ kheo đang làm thị giả theo
bên cạnh Đức Phật. Sau khi thành đạo, Đức Phật thuyết pháp 49 năm, lúc Phật sắp
nhập diệt, trong Căn Bản Tạp Sự quyển 37, A Nan cũng tự nói:“Tôi theo Phật hơn
20 năm”. Kinh Trường A Hàm quyển 5 cũng
nói: “Sau khi Phật thành đạo 25 năm, Ngài A Nan mới làm thị giả”.
Do đây suy ra dưới tòa của Đức Phật có sự hoạt động của Tỳ kheo ni ít nhất cũng
trễ hơn sự xuất hiện của Tỳ kheo hơn 20 năm. Nhưng trong Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Tùy Giảng Biệt Lục của Đại sư Hoằng
Nhất ghi: “Sau khi Như Lai thành đạo 14 năm. Di mẫu Ái Đạo cầu xuất gia”. Rốt
cuộc như thế nào, còn đợi khảo chứng. Nhưng không có gì phải nghi, là bà Đại Ái
Đạo, Di mẫu của Đức Phật là một vị đại Tỳ kheo ni sớm nhất và cũng nổi tiếng
hơn hết. Căn cứ theo kinh nói: “Đương thời theo bà Đại Ái Đạo xuất gia một lượt
có đến 500 người nữ thuộc giai cấp quý tộc dòng họ Thích”.
II.
TỲ KHEO VÀ TỲ KHEO NI ĐẦU TIÊN Ở TRUNG QUỐC
Người Trung Quốc biết có Phật
giáo, các sử gia tin rằng bắt đầu từ vua Minh Đế đời Đông Hán niên hiệu Vĩnh
Bình năm thứ 8 (65 TL). Trong 200 năm đầu, công tác truyền giáo đã phát triển
nhanh chóng và phổ cập khắp nhân dân, giáo sĩ truyền giới hầu hết là Phạn Tăng
từ Tây Vức sang.Sau khi người Trung Quốc tin Phật rồi, tuy cũng có ghi chép về
sự truyền giới và thọ giới. Nhưng người Trung Quốc thành Tỳ kheo chính thức
đúng như luật là vào đời Tào Ngụy niên hiệu Gia Bình năm thứ 2 (250 TL), do sau
khi Ngài Đàm Ma Ca La từ Trung Thiên Trúc đến Lạc Dương của Trung Quốc kiến lập
pháp Yết ma thọ giới.
Trung Quốc có Tỳ kheo ni là vào
đời Lưu Tống niên hiệu Gia Nguyên năm thứ 7 (430 TL), có Sa môn của nước Kế Tân
tên Cầu Na Bạt Ma đến Dương Châu. Lại, vào niên hiệu Gia Nguyên năm thứ 10 có
Tăng Già Bạt Ma đến Dương Châu, đương thời có hai Tỳ kheo ni người nước Sư Tử (
Tích Lan) trước sau đến, từ đó bắt đầu kiến lập luật thống của Ni giới Trung
Quốc. Đủ thấy Tỳ kheo ni của Trung Quốc xuất hiện trễ hơn Tỳ kheo 180 năm của
lịch sử. Lúc ấy có hai bộ Tăng để truyền thọ Tỳ kheo ni giới hay không cũng rất
khó suy định.
Những tư liệu kể trên rút ra từ
Hành Sự Sao của Luật sư Đạo Tuyên. Căn cứ vào sự nghiên cứu gần đây của Pháp sư
Trúc Ma nói: “Tại Trung Quốc, người nữ học Phật xuất gia rất sớm, chiếu theo bốn
quyển Tỳ kheo ni Truyện của Pháp sư Bảo Sướng đời Lương, trong ấy biên chép từ
đời Tấn đến đời Lương có 74 ni được đưa vào truyện mà Thích Tịnh Kiểm là một Tỳ
kheo ni đầu tiên ở Trung Quốc”. (Hải Triều Âm quyển 43, tháng 10). Chúng ta xem
trong Tỳ kheo ni Truyện thấy Tỳ kheo ni
Tịnh Kiểm vào niên hiệu Kiến Hưng đời Tấn Mẫn Đế (313-316), nhân
vào trong một ngôi chùa ở cửa Tây cung thành nghe Sa môn Phát Thỉ giảng kinh
rồi phát tâm xuất gia.
Nhưng không lý tưởng cho lắm, vì
vị Tỳ kheo ni đầu tiên của Trung Quốc trực tiếp ở trong Tỳ kheo Tăng thọ Tỳ
kheo ni giới. Tịnh Kiểm trước thọ thập giới nơi Sa môn Trí Sơn ở Tây thành; sau
đó, vào niên hiệu Thăng Bình nguyên niên đời Đông Tấn Mục Đế (357 TL): “Đi
thuyền đến đất Tứ, bốn người là Tịnh Kiểm…đồng đăng đàn theo Đại Tăng để thọ Cụ
túc giới”. Thời đại này so với Hành Sự
Sao ghi chép sớm hơn 76 năm. Tịnh Kiểm phát tâm xuất gia, 40 năm
sau mới thọ Cụ túc giới, đủ thấy sự khó khăn của việc cầu giới.
Nếu từ trong Cao Tăng Truyện tìm
căn cứ lịch sử Cao Tăng Trung Quốc lại sớm hơn 70 năm. Vì trong Lương Cao Tăng Truyện ghi vị Sa môn đầu tiên của Trung Quốc
là Nghiêm Phật Điều. Trong Lương Cao Tăng Truyện quyển 1 nói: “Lúc
ấy lại có Ưu bà tắc An Huyền, người nước An Tức”, “Cũng vào cuối đời Hán Linh
Đế du lịch Lạc Dương”, “An Huyền và Sa môn Nghiêm Phật Điều cùng dịch Kinh Pháp
Cảnh. An Huyền miệng dịch Phạn văn, Phật Điều bút thọ”, “Phật Điều vốn là người
quê ở Lâm Hoài”.
Theo đoạn sử này chúng ta thấy
Nghiêm Phật Điều là người Trung Quốc quê ở Lâm Hoài, nay thuộc Tây Bắc huyện Hu
Di thuộc tỉnh An Huy. Vào cuối niên hiệu Hán Linh Đế, Phật Điều cùng với một cư
sĩ tên An Huyền của nước An Tức cùng dịch Kinh Pháp Cảnh, thân phận của Nghiêm
Phật Điều lúc ấy là Sa môn. Cuối niên hiệu Hán Linh Đế là năm 189 TL, vì thế so
với Tào Ngụy niên hiệu Gia Bình năm thứ 2 (250 TL) sớm hơn 70 năm.
Nghiêm Phật Điều dù có sử khảo
chứng là một vị Cao tăng đầu tiên của Trung Quốc, nhưng Phật Điều có phải là vị
Tỳ kheo đầu tiên của Trung Quốc hay không, điều đó không được biết. Nhân vì
Lương Cao Tăng Truyện khi đề cập đến Nghiêm Phật Điều vài câu trong truyện Chi
Lâu Ca Sấm, chỉ nói Phật Điều là Sa môn, chưa nói có phải là Tỳ kheo hay không.