Phật học cơ bản
Cương Yếu Giới Luật
HT. Thánh Nghiêm Thích Nữ Tuệ Đăng dịch Nhà Xuất Bản Thời Đại
01/09/2554 15:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Cương Yếu Giới Luật
Mục lục
Xem toàn bộ

 

Chương 2. Sự Truyền Thừa Và Hoằng Dương Giới Luật

 

I. VÌ SAO CẦN CÓ GIỚI LUẬT?

Chương trước chúng ta đã nói qua những khái niệm có liên quan giới luật. Đến chương này chủ đề nói về những điều có liên quan đến giới luật. Vì đây là một môn học mà trong quá trình phát triển từ lúc sơ khởi đến nay đã cho chúng ta thấy được sứ mạng của nó về mặt tinh thần, nhờ đó mà chúng ta có thể xác định được triển vọng tương lai của nó.

Tục ngữ có nói: “Gươm đao tuy bén, song chẳng chém người vô tội”. Pháp luật của quốc gia đối với người dân tuân giữ pháp luật vốn chẳng có tác dụng, song vì muốn bảo vệ sự an toàn và lợi ích cho người tuân giữ pháp luật nên cần phải có. Lại nữa, pháp luật cần phải thiết lập vì trong xã hội và trong nhân loại, người làm hại quần chúng không thể tuyệt đối không có. Đồng thời, ranh giới thiện ác giữa người tuân giữ pháp luật và người phạm pháp chỉ xê xích ở một niệm. Vì răn nhắc mọi người chẳng nên vượt qua đèn đỏ ở ngã tư đường này, thế nên cần phải có pháp luật. Để bảo hộ mọi người chẳng nên theo một niệm sai lầm mà tạo thành cái hận nghìn đời, vì thế cần phải có pháp luật.

Phật giáo có giới luật, cũng là như thế. Trong mấy năm đầu tiên sau khi Đức Phật thành đạo, vốn không có giới luật. Nhân vì thời kỳ đầu tiên, đệ tử Phật đều là những bậc hảo tâm xuất gia, căn khí của các vị ấy cũng đặc biệt sâu dày, thường thường sau khi nhận được sự khai thị của Phật, chỉ hai ba lời điểm hoá, họ lập tức chứng nhập thánh vị, thánh quả. Tiểu thừa Sơ quả dứt tà dâm, Tam quả dứt tất cả dâm. Sơ quả cày đất, côn trùng lìa lưỡi cày bốn tấc, trộm cắp, vọng ngữ đương nhiên chẳng còn có. Vì thế Tăng đoàn của thời kỳ đầu tiên không cần phải chế định giới luật để kiểm thúc đại chúng, đại chúng đều vốn thanh tịnh.

Đến khi Phật thành đạo, 5 năm trở về sau mới có vị Tỳ kheo do sự thúc bách của mẹ ở tục gia đã cùng với người vợ cũ của mình phạm giới dâm. Giới luật của Phật giáo cũng từ đây lần lượt chế định. Đây là bảo hộ sự thanh tịnh trang nghiêm của Tăng đoàn, cũng là vì bảo hộ giới thể của các Tỳ kheo chẳng mất.

Tuy giới luật của Phật giáo rất nhiều, nhưng đều chẳng rời nguyên tắc cơ bản của ngũ giới. Tất cả giới, phần nhiều đều do trong ngũ giới phân chia, triển khai ra. Mục đích của tất cả giới phần nhiều cũng vì bảo hộ sự thanh tịnh của ngũ giới. Ngũ giới là căn bản đạo đức làm người, cũng là đức tính căn bản của luân lý. Chỗ cứu cánh của ngũ giới lại là chánh nhân của liễu sinh thoát tử. Ngũ giới, nếu trì được tuyệt đối thanh tịnh, thì cách Tịnh độ của chư Phật chẳng còn xa. Còn Tỳ kheo giới là chiếc cầu đưa đến Niết bàn, và cũng là cảnh giới do ngũ giới thăng hoa.

Công năng của giới là dứt hẳn nghiệp duyên, nghiệp nhân trong đường sinh tử. Như nói: Muốn biết đời quá khứ, hãy xem sự hưởng thụ ngày nay; muốn biết đời vị lai, hãy xem những điều tạo tác ở hiện tại! Cần nhất là chúng ta không tạo nhân sinh tử, dù chẳng nghĩ lìa sinh tử, mà trong sinh tử cũng không tìm ra tung tích của chúng ta.

Vì thế, Phật chế định giới luật không phải là để bó buộc đệ tử của mình, mà chính vì con đường giải thoát của Phật tử, và cũng là phương thuốc ngăn ngừa sự hư đốn của Tăng đoàn. Phật tử, nếu không có giới luật, làm tiêu chuẩn phép tắc cho sinh hoạt thì liễu thoát sinh tử không phải dễ đâu. Tăng đoàn như không có giới luật làm cương lĩnh thống nhiếp giáo hoá thì tiền đồ của Phật giáo không những tan rã mà còn đen tối nữa.

Do đó, lúc Đức Phật sắp nhập diệt, Ngài dạy các Phật tử đời sau phải nên lấy giới luật làm thầy. Cũng như một quốc gia, khi một vị nguyên thủ qua đời, có thể chọn vị nguyên thủ thứ hai, thứ ba cho đến một trăm, một ngàn vị nguyên thủ, chỉ cần hiến pháp quốc gia tồn tại, mọi người y theo đó mà làm. Chính chế, chính thể của quốc gia này chẳng những không thay đổi, mà còn đạt đến sự vĩnh cửu. Phật giáo chỉ cần giới luật tồn tại, đệ tử của Phật giáo và bản chất của Tăng đoàn cũng được trường tồn ở thế gian.

 II. SỰ LƯU TRUYỀN CỦA GIỚI LUẬT

Tục ngữ có nói: “Trung ngôn nghịch nhĩ, lương dược khổ khẩu” (lời ngay trái tai, thuốc hay đắng miệng). Phàm quy định một sự câu thúc tuy khiến cho người ta dừng bước, song một sự hướng thượng để đạt đến cảnh giới cao nhất thì khiến cho mọi người thích hướng đến hơn. Nhưng cũng chưa chắc là giúp cho mọi người bước lên con đường hướng thượng. Hẳn là có một cảnh giới tốt đẹp đang chờ đợi mỗi người, song trước khi đến đó, đầu tiên phải trả một giá đắt là sự gian nan cay đắng. Hãy xem người trượt tuyết, từ trên cao trượt xuống thấp mau chóng dễ dàng. Vì thế, hướng lên cao, tuy có được cảnh giới xinh đẹp, song trước tiên phải chịu gian khổ. Trượt xuống thấp, tuy có cái nguy hiểm mất mạng, mà ngay nơi đó lại rất dễ dàng.

Do đó, ngay sau khi Phật diệt độ, trong chúng đệ tử Phật có ông Tỳ kheo ngu si tên Bạt Nan Đà cảm thấy vô cùng thích thú, ông ta nói: “Lão già ấy chết đi là tốt, lúc lão ấy còn tại thế, quy định điều này phải làm, điều kia không cho làm, nay lão ấy chết rồi chúng ta được tự do” (Trường A-hàm, Kinh Du Hành). Lời này truyền đến tai Tôn giả Ca-diếp, Ngài cảm thấy rất đau buồn. Ngài nghĩ: “Nếu quả thật như vậy, tinh thần và công đức cứu thế của Phật giáo, nhân vì Đức Phật nhập diệt mà cũng theo đó kết thúc sao?”. Nhớ lời dạy sau cùng của Đức Phật lúc sắp nhập diệt, mở đầu Ngài nói: “Này các Tỳ kheo! Sau khi ta diệt độ phải nên tôn trọng, trân kính Ba la đề mộc xoa (giới luật) như người đi trong đêm tối gặp ánh sang, như người nghèo gặp của báu. Phải biết: Giới là thầy của các ông” (Kinh Di Giáo). Nhân đó Tôn giả quyết tâm triệu tập các vị đại đệ tử đương thời kiết tập Luật tạng.

Đó là lần kiết hạ an cư thứ nhất sau khi Đức Thế Tôn Thích Ca nhập diệt, cũng là lần kiết tập kinh luật thứ nhất cử hành tại hang Thất Diệp với sự tham gia của 500 vị đại A-la-hán. Ngay sau khi Tôn giả A-nan tụng xong Kinh tạng, thì Tôn giả Ưu-ba-ly tụng Luật tạng. Sau khi được đại chúng ấn chứng thông qua, bộ luật đầu tiên nhất được bố cáo là hoàn thành. Nhưng sự kiết tập của thuở ấy dường như không có ghi chép lại thành văn tự, chỉ là thống nhất do miệng tụng, tâm ghi nhớ mà thôi.

Giới luật lưu truyền như thế, nhân vì phạm vi truyền bá của Phật giáo rộng lớn, chủng tộc và ngôn ngữ Ấn Độ lại rất phức tạp; đồng thời, ngay sau khi Phật diệt độ, có một số các trưởng lão Tỳ kheo không nhận lời mời của ngài Ma-ha-ca-diếp, vì thế không tham dự hội kiết tập lần thứ nhất ở hang Thất Diệp. Từ đó về sau, Phật giáo dưới sự lãnh đạo của các Trưởng lão Tỳ kheo. Tuy sinh hoạt Tăng đoàn không khác thời Phật bao nhiêu, nhưng vì đã mất trung tâm lãnh đạo nên chưa thể thống nhất, mỗi vị Trưởng lão giáo hoá một phương đều có cách thức riêng. Qua một thời gian dài, do sự bất đồng của hoàn cảnh địa lý, do sự cách ngăn của đây với kia mà mọi người đối với giáo nghĩa của Phật sinh ra biết bao kiến giải bất đồng. Những kiến giải bất đồng này đưa đến kết quả phân chia bộ phái, đó là việc xảy ra từ một trăm năm đến ba bốn trăm năm sau Phật diệt độ.

Sau Phật diệt độ một trăm năm, có cuộc kết tập lần thứ hai tại Phệ Xá Ly, đây là mở đầu cho giai đoạn phân chia bộ phái. Vì thế, đối với sự lưu truyền của giới luật cũng do sự phân chia bộ phái mà thành giới luật bộ phái.

Mỗi bộ phái đều có giới luật riêng để lưu truyền trong bộ phái mình, đến nỗi Luật tạng kết tập lần đầu tiên, hiện nay đã không còn thấy được bộ mặt bổn lai của nó nữa. Nhưng Luật tạng của các bộ phái hiện đang lưu truyền, không luận là Thiện Kiến Luật dịch thành văn Tây Tạng, và Tứ bộ Quảng Luật của hệ Hán văn thuộc Bắc truyền, dầu mỗi bộ có thêm bớt các tiểu tiết, song tinh thần và nguyên tắc căn bản đại thể vẫn nhất trí. Vì thế, sự tồn tại của Luật tạng là một sự thật không thể hoài nghi, và cũng được các học giả thời gần đây công nhận là một bộ phận Thánh điển trung thực nhất của Phật giáo Nguyên thuỷ để lại. Giả sử như có sự phân biệt về Luật bộ này xuất hiện, cũng là việc sau Phật diệt độ một trăm năm.

Căn cứ vào truyền thuyết, sau khi kiết tập Luật tạng lần thứ nhất, từ Tôn giả Ca Diếp truyền đến Tôn giả A Nan, rồi đến Mạc Điền Địa, Xá Na Ba Đề Ưu Ba Quật Đa; 5 đời dưới Ngài Ưu Ba Quật Đa, có 5 vị đệ tử, do mỗi vị đối với nội dung Luật tạng có sự lấy bỏ bất đồng mà Luật tạng phân chia làm 5 bộ:

1. Đàm Vô Đức (Tứ Phần Luật)

2. Tát Bà Đa Bộ (Thập Tụng Luật)

3. Ca Diếp Di Bộ (Giải Thoát Giới Bổn Kinh)

4. Sa Di Tắc Bộ (Ngũ Phần Luật)

5. Bà Thô Phú La Bộ ( chưa truyền sang Trung Quốc)

Thuyết phân phái 5 bộ căn cứ theo phẩm Hư Không Mục Phân Sơ Thanh Văn trong kinh Đại Tập quyển thứ 20. Nhưng trong kinh này, dù nêu 5 bộ mà nói danh mục của 6 bộ, bộ thứ 6 là Ma Ha Tăng Kỳ Bộ. Theo truyền thuyết, đây là việc Đức Phật thọ ký trước, vì đức Phật tiên liệu đến sự truyền thừa phân phái. Điều này trong Kinh Xá Lợi Phất Vấn cũng có sự thọ ký tương tự, lại phân làm 8 phái. Nhưng căn cứ vào sự khảo cứu sự thật lịch sử, sự phân chia bộ phái Phật giáo trong khoảng thời sau Phật diệt độ một trăm đến ba trăm năm có thể nói là cực thịnh một thời, do hai bộ phái căn bản là Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ chia ra nhiều bộ phái cộng với 2 bộ phái căn bản thành ra 20 bộ phái. Hiện nay tổng hợp các tư liệu của Nam truyền và Bắc truyền để lại thì 18 bộ ấy chưa chắc hoàn toàn là sự thật lịch sử, và cũng chưa chắc là chỉ có 18 bộ, bởi vì dưới các bộ phái lại phân phái, phân rồi lại phân nữa, đến sau cùng có những bộ phái lệ thuộc hệ thống mà bây giờ không làm sao tra cứu rõ ràng được, tỷ như Bắc Đạo phái chẳng hạn. Căn cứ vào Luận Trí Độ quyển thứ 63 nói, đương thời giáo đoàn phân ra làm 500 bộ, đây cũng chưa chắc là sự thật. Nhưng theo sự nghiên cứu của người thời gần đây, danh mục của các bộ phái Phật giáo nhiều đến ước chừng hơn 40 loại (xem Hải Triều Âm quyển 45 tháng giêng, tháng hai hiệp san). Theo lý mà nói, mỗi bộ phái đều có bổn luật riêng để tụng, nhưng trên sự thật thì thấy rằng rất ít bộ phái có bổn luật truyền riêng. Bổn luật dịch thành Hán văn chỉ có 5 bộ phái, hiện tại phân hệ theo biểu đồ như sau: 

Nhân vì Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật đồng dạng xuất phát từ Tát Bà Đa Bộ, cho nên có người nói có lẽ là biệt dịch của Thập Tụng Luật (như Đại sư Thái Hư), cũng có người nói là Tân Tát Bà Đa Bộ, tuy nói cùng với Thập Tụng Luật đồng bộ, nhưng thời gian và địa điểm lưu truyền chẳng đồng, nên không có nghi vấn. Lại vì Ẩm Quang Bộ chỉ dịch ra giới bổn, chưa dịch ra Quảng Luật, vì thế tuy có 6 bộ mà ở tại Trung Quốc thường chỉ nói là 4 luật. Bốn luật cùng với năm luận đồng tên: Tỳ Ni Mẫu Luận, Ma Đắc Lặc Ca Luận (hai bộ luận này là căn cứ Tân Tát Bà Đa Bộ Luật giải thích ra); Thiện Kiến Luận (giải thích Tứ Phần Luật); Minh Liễu Luận (của Pháp sư Phật Đà La A Na Hàm thuộc Chánh Lượng Bộ[1], Ngài y cứ vào Chánh Lượng Bộ Luật tạo ra, luật này chưa sang Trung Quốc). Hợp lại gọi là 4 Luật, 5 Luận của Luận tạng Hán văn. Chính vì thế, trong thế giới Phật giáo hiện hành, Luật tạng của hệ Hán văn là một hệ phong phú hơn hết.

Nhìn trên đồ biểu chúng ta thấy Thượng toạ bộ chiếm đa số, còn Đại chúng bộ chỉ có một bộ luật mà thôi (Tăng Kỳ Luật thuộc Đại Chúng Bộ). Đây là một sự kiện đáng tiếc, vì sự phát triển của Đại chúng bộ phát sinh ra Đại thừa Phật giáo mà Luật và Luận (về luật) của Đại chúng bộ lưu truyền lại quá ít.

III. LỊCH SỬ LUẬT BỘ TRUYỀN SANG TRUNG QUỐC

Trung Quốc có giới luật bắt đầu từ thời Tam Quốc, đời Tào Nguỵ, niên hiệu Gia Bình năm thứ 2 (250 TL), do Ngài Đàm Ma Ca La người Trung Thiên Trúc ở chùa Bạch Mã tại Lạc Dương dịch Tăng Kỳ Giới TâmTứ Phần Yết Ma.

Ngoài ra, Luật bộ được dịch trải qua các thời đại gian như sau:

1. Thập Tụng Luật: Đời Diêu Tần, niên hiệu Hoằng Thỉ, từ năm thứ 6 đến năm thứ 8 (404-406 TL) do Cưu Ma La Thập dịch 58 quyển, rồi lại do Tỳ Ma La Xoa dịch lại thành 61 quyển.

2. Tứ Phần Luật: Đời Diêu Tần, niên hiệu Hoằng Thỉ, từ năm thứ 12 đến năm thứ 15 (410-413 TL) do Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch 60 quyển.

3. Tăng Kỳ Luật: Đời Đông Tấn, niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ 14 (418 TL), do Phật Đà Bạt Đa La và Pháp Hiển dịch 40 quyển.

4. Ngũ Phần Luật: Đời Lưu Tống, niên hiệu Phổ Bình, năm thứ I (423 TL), do Phật Đà Thập và Trí Thắng dịch 30 quyển.

5. Giải Thoát Giới Bổn Kinh: Đời Nguyên Nguỵ, do Bát Nhã Lưu Chi dịch 1 quyển, thời gian ước chừng vào khoảng 538-544 TL.

6. Nhất Thiết Hữu Bộ Luật: Đời Đường, từ Võ Tắc Thiên niên hiệu Cửu Thị năm thứ nhất, đến Duệ Tông niên hiệu Cảnh Vân năm thứ 2 (700-711 TL), do Nghĩa Tịnh Tam Tạng dịch, gồm 18 loại, 198 quyển.

Ở trên đã nói địa điểm dịch ra và thời gian thịnh hành, Thập Tụng Luật tuy được dịch ra ở Quan Trung từ thời Diêu Tần, nhưng mãi đến thời Lục Triều mới được thịnh hành ở vùng hạ lưu sông Trường Giang. Tứ Phần Luật địa điểm khi dịch cũng ở Quan Trung (Thiểm Tây) và được dịch sau Thập Tụng Luật chỉ có 7 năm, đến đời nhà Tuỳ mới có người hoằng dương, và đến đời nhà Đường, do Luật sư Đạo Tuyên cực lực hoằng dương mà thành một phái Luật tông duy nhất ở Trung Quốc. Tăng Kỳ Luật dịch sau Tứ Phần Luật 5 năm, và được dịch tại chùa Đạo Tràng tại Kiến Khang (Nam Kinh), đến thời Lục Triều mới được hoằng dương ở phương Bắc. Ngũ Phần Luật sau khi được dịch ở chùa Long Quang tại Kiến Nghiệp (cũng là Nam Kinh) ít có người hoằng dương. Giải Thoát Giới Bổn Kinh so với Ngũ Phần Luật trễ hơn 100 năm, nội dung của Giải Thoát Giới Bổn Kinh cùng với Thập Tụng Luật tương đồng cho nên không cần phải nói. Hữu Bộ Luật dịch ra sau Ngũ Phần Luật gần 300 năm, và sau Luật sư Đạo Tuyên (đời Tuỳ Văn Đế, niên hiệu Khai Hoàng thứ 16, đến Đường Cao Tông niên hiệu Càn Phong thứ 2 (596-667 TL) khoảng 40-50 năm. Luật tông đương thời chính là thời kỳ hưng thịnh của Tứ Phần Luật. Vì thế, Ngài Tam Tạng Nghĩa Tịnh tuy tinh thông về Hữu Bộ, nhưng ngặt vì đơn độc nên chẳng làm gì được. Về nội dung của luật, có thể nói Hữu Bộ là nhiều nhất, song đáng tiếc là đến bây giờ vẫn chưa có người tiếp nối hoằng dương.

IV. SỰ HOẰNG DƯƠNG GIỚI LUẬT TẠI TRUNG QUỐC

Giáo pháp của Đức Phật thì phát triển đồng bộ, mà Tam vô lậu học (Giới, Định, Tuệ) là cơ sở và cũng là trung tâm của sự phát triển đồng bộ này. Tam vô lậu học như cái đỉnh ba chân, thiếu một chẳng được. Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, đệ tử của Phật cũng đã chia nhau thực hiện sự phát triển đồng bộ này, vì thế mà các vị đại đệ tử mỗi vị đều có sở trường riêng, đều trở thành đệ nhất. Nhưng giới luật lại là cơ sở của Tam học, nếu chẳng trì giới thì sự tiến lên con đường giải thoát trở thành vọng tưởng. Vì thế tất cả đệ tử của Phật đều phải trì giới, song tâm đắc trong sự nghiên cứu có sâu cạn, cho nên trong đó Tôn giả Ưu Ba Ly là trì giới đệ nhất.

Chính vì sự diễn biến của một xu thế trì giới này, đến khi Trung Quốc có xuất hiện các Tỳ kheo chẳng học giới, người ta mới đặc biệt lập thành danh từ “Luật tông” để gọi các Tỳ kheo học giới. Đây là điều bất hạnh của Phật giáo Trung Quốc. Tiết trên đã nói qua, Trung Quốc đã có giới luật và Tỳ kheo người Trung Quốc từ thời đại Tam Quốc, đương thời do bộ Tăng Kỳ Giới TâmTứ Phần Yết Ma đã được dịch ra và thỉnh các vị tăng Ấn Độ lập pháp yết ma truyền thọ Tỳ kheo giới. Nhưng vì đại bộ của giới kinh chưa đến cho nên cũng không thể hoằng dương, mãi đến khi Thập Tụng Luật được dịch ra khoảng 50 năm, đến thời đại Lưu Tống mới có người hoằng dương. Khoảng giữa Tống, Tề cũng có người hoằng dương Tăng Kỳ Luật, đến sau đời Tuỳ, Đường, do thế lực mạnh mẽ của Tứ Phần Luật mà giới luật đạt đến chỗ cao tột. Ở Trung Quốc chỉ có Tứ Phần Luật là nổi bật hơn hết.

Sự hoằng dương Tứ Phần Luật bắt đầu vào thời Nguyên Nguỵ Hiếu Văn Đế, từ Luật sư Pháp Thông Đài Bắc truyền xuống Đạo Phú, Huệ Quang. Đệ tử của Huệ Quang có Đạo Vân, Đạo Huy. Đệ tử của Đạo Huy có Hồng Lý, Hồng Ẩn. Đệ tử của Đạo Vân và Đạo Huy có Hồng Tuân. Ngang với Đàm Ẩn có Đạo Lạc. Đệ tử của Đạo Lạc có Pháp Thượng. Đệ tử của Pháp Thượng là Pháp Nguyện. Đệ tử của Đạo Vân có Đạo Hồng. Dưới Đạo Hồng có Trí Thủ. Dưới Trí Thủ có Đạo Thế, Đạo Tuyên, Huệ Mãn. Các vị đại đức này đều có Luật sớ hoặc Luật sao. Đến Luật sư Đạo Tuyên thì sự hoằng dương Tứ Phần Luật đạt đến chỗ cao tột. Luật sư Đạo Tuyên thành tựu sự trứ thuật đối với sách luật đến giai đoạn mà trước kia chưa từng có. Ngài dùng Hoá giáo và Chế giáo để thu nhiếp cả một đời thuyết giáo của Đức Phật. Lại dùng Tam giáo để phán nhiếp Hoá giáo. Tam giáo: Tánh không (bao gồm tất cả pháp Tiểu thừa), Tướng không (bao gồm tất cả Thiền giáo Đại thừa), Duy thức viên giáo ( bao gồm tất cả thâm giáo Đại thừa). Như vậy Tam giáo bao gồm hết pháp Đại thừa, Tiểu thừa. Lại nơi chế giáo phân làm Tam tông: Thật pháp tông (căn cứ vào Tát Bà Đa Bộ nhận giới thể là sắc pháp). Giả danh tông (Đàm Vô Đức Bộ, căn cứ vào Thành Thật Luận, nhận giới thể là phi sắc phi tâm). Viên giáo tông (Tuyên Luật sư tự nhận giới thể là thức tạng huân chủng). Vì Luật sư Đạo Tuyên là người rất thông Phật học, Ngài dùng quan điểm của Duy thức học để nghiên cứu Tứ Phần Luật, dung thông Đại thừa và Tiểu thừa, cho rằng nghĩa của Tứ Phần Luật thông với Phật pháp Đại thừa. Nhân vì có một Luật sư vĩ đại, với tư tưởng trác việt, hành trì nghiêm cẩn, trứ thuật phong phú, hoằng dương tinh nghĩa của Tứ Phần Luật, mà cơ sở của hệ thống giới luật tại Trung Quốc từ đây được an định. Đó là một phái Tứ Phần Luật có sự truyền thừa. Song, theo Luật sư Linh Chi Nguyên Chiếu thì Luật sư Đạo Tuyên là vị tổ thứ 9 theo biểu đồ sau:

Hệ thống truyền thừa trong biểu đồ này căn cứ vào tư liệu của quyển Giới Học Thuật Yếu (tr. 185-187) của Pháp sư Tục Minh. Song hệ thống truyền thừa chưa chắc là cố định như thế.

Như truyện Huệ Quang trong Đường Cao Tăng Truyện quyển 27 đặt Hồng Lý cùng với Đạo Vân, Đạo Huy ngang nhau: “Đạo Vân ở đầu, Đạo Huy ở sau, Hồng Lý ở giữa”. Đồng quyển ấy, trong truyện Đàm Ẩn nói Đàm Ẩn “là đệ tử của Huệ Quang”. Lại nói đến Hồng Lý trứ tác Luật Sao 2 quyển “về sau lại vì Trí Thủ mở rộng chữ nghĩa, khéo bày cương mục hợp thành 4 quyển”. Những điểm này là những quan hệ phức tạp trên hệ thống truyền thừa. Về tên Đạo Lạc, trong phần phụ lục của truyện Đàm Ẩn, chỉ nói: “Lúc ấy có Sa môn trì luật tên Đạo Lạc, hạnh giải gồm đủ, cả hai được mọi người ngưỡng mộ ngợi khen”. Lại nói: “Cho nên ở đất Nghiệp có lời nói: thông suốt Luật tông chỉ có Đàm Ẩn và Đạo Lạc”. Đạo Lạc là đệ tử của ai, trong truyện chưa ghi rõ. Biểu đồ ở trên chỉ ghi đại khái mà thôi. 

Cũng y cứ vào Tứ Phần Luật, đồng thời với Luật sư Đạo Tuyên gồm có ba phái:

1. Nam Sơn Đạo Tuyên

2. Tướng Bộ Pháp Lệ

3. Đông Tháp Hoài Tố

Luật sư Pháp Lệ là đệ tử của Hồng Uyên. Đạo Tuyên cũng đã từng cầu học nơi Pháp Lệ. Hoài Tố cũng từng cầu học nơi Đạo Tuyên và Pháp Lệ. Nhưng vì kiến giải của các ngài bất đồng vì thế phân làm ba phái. Chỗ bất đồng chủ yếu của các Ngài là chỗ căn cứ: Đạo Tuyên y cứ vào Duy Thức của Đại thừa, Pháp Lệ y cứ vào giáo lý Thành Thật của Tiểu thừa, Hoài Tố y cứ vào giáo lý Câu Xá của Tiểu thừa. Ba phái của các Ngài đều có nhiều đệ tử, đều có nhiều trứ thuật, nhưng một tông Nam Sơn là nổi bật hơn hết. Luật của tông Nam Sơn thông cả Đại thừa, Tiểu thừa, đặc biệt được người Trung Quốc có căn khí Đại thừa hoan nghinh, vì thế trải qua thời gian lâu dài chẳng suy, đến đời Nam Tống mới kết thúc một giai đoạn.

Đệ tử nổi tiếng của Luật sư Đạo Tuyên có Đại Từ, Văn Cương, Danh Khác, Châu Tú, Linh Nga, Dung Tế và Trí Nhân (người xứ Tân La); đệ tử thọ giới có Hoằng Cảnh, Đạo Ngạn, Hoài Tố. Đệ tử của Văn Cương có Đạo Ngạn, Chuẩn Nam. Đệ tử của Đạo Ngạn có Hành Siêu, Huyền Nghiễm.

Nhưng trên hệ thống truyền thừa, Luật Tông lấy Châu Tú làm Tổ thứ hai của Nam Sơn Luật tông. Hệ thống truyền thừa như sau:

Từ Châu Tú trở xuống, theo thứ tự nối tiếp như sau: Đạo Hằng, Tỉnh Cung, Huệ Chánh, Huyền Sướng, Nguyên Biểu, Thủ Ngôn, Nguyên Giải, Pháp Vinh, Xử Hằng, Trạch Ngộ, Duẫn Kham, Trạch Kỳ, Nguyên Chiếu, Trí Giao (hoặc lập Đạo Tiêu), Chuẩn Nhất, Pháp Chánh, Pháp Cửu Diệu Liên, Hành Cư, tất cả là 21 vị Tổ. Truyền xuống đến triều nhà Nguyên, Luật tông suy vi, sự truyền thừa không rõ.

Đây là hệ thống truyền thừa của Nam Tông Luật tông, đến sau Ngài Nguyên Giải, tức là vào thời kỳ Nam Tống. Từ Ngài Đạo Tuyên trở xuống, có hơn 60 nhà giải về luật của tông Nam Sơn, soạn thuật nhiều đến mấy ngàn quyển.

Trong đó, phái của Luật sư Nguyên Chiếu ở chùa Linh Chi tại Tiền Đường là hưng thịnh bậc nhất. Nhưng Tông Nam Sơn lúc truyền đến Ngài Linh Chi Nguyên Chiếu lại phân thành hai phái:

1. Duẫn Kham ở chùa Chiêu Khánh tại Tiền Đường.

2. Nguyên Chiếu ở chùa Linh Chi tại Thiền Đường.

Trong hai phái này, ảnh hưởng của phái Linh Chi rất lớn.

Sau khi nhà Nguyên làm chủ Trung Quốc, Phật giáo Trung Quốc đã trải qua đến cuối thời nhà Nguyên, Luật tông lại suy vi một cách đáng thương xót. Người thông Tứ Phần Luật, chỉ có Ngài Pháp Vân ở chùa Đại Phổ Khánh, nơi kinh thành mà thôi. Đồng thời, do vì Thiền tông thịnh hành một thời, từ đời Nam Tống trở về sau mà các tác phẩm của các nhà Luật học soạn thuật vào khoảng Đường, Tống đã không có người cầu học nên cũng mất mát gần hết.

Đến cuối triều nhà Minh, các vị Đại đức hoằng luật nối tiếp nhau xuất hiện, như Liên Trì, Ngẫu Ích, Hoằng Tán, Nguyên Hiền…đều có trứ thuật về luật học để lại hậu thế. Đồng thời với Đại sư Liên Trì, có Luật sư Như Hinh Cổ Tâm chuyên hoằng giới pháp. Đệ tử của Như Hinh có Tánh Tướng, Vĩnh Hải, Tịch Quang, Trùng Phương, Tánh Kỳ. Đệ tử nổi tiếng của Luật sư Tịch Quang (Tam muội) có Hương Tuyết và Kiến Nguyệt (Độc Thể).

Nhưng từ sau Hương Tuyết và Kiến Nguyệt, suốt triều nhà Thanh 210 năm, môn đình Luật tông, trừ các hình thức truyền giới, quỳ xuống, đứng dậy và tấn hướng ra, không còn có người hoằng luật chân chính. Thời gần đây, có hai vị Đại sư Hoằng Nhất và Từ Hàng hoằng luật mà thôi (Xin lưu ý: tấn hương là đốt sẹo trên đầu hoặc cánh tay để cúng dường khi thọ giới xong, là một tập tục tệ lậu của Phật giáo Trung Quốc thời gần đây, không có quan hệ gì đến việc thọ giới).

Thật ra, từ sau đời Nam Tống, các tác phẩm về luật đều bị mất mát. Cuối triều nhà Minh, các Đại đức tuy muốn hoằng luật, song sự nối tiếp không rực rỡ bằng ngày xưa, và những thành tựu cũng không tốt đẹp bằng đời Đường, Tống. Nhưng may mắn cho chúng ta, vì tác phẩm về luật học bị mất trước kia, ngày nay Nhật Bản hãy còn bảo tồn. Tôi hy vọng từ nay về sau sẽ có một không khí hoằng luật mới mẽ xuất hiện.

V. NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA SỰ HOẰNG DƯƠNG GIỚI LUẬT

Hoằng dương giới luật, tuy chúng ta hy vọng nó sẽ xuất hiện được một không khí mới, nhưng nhìn trên lịch sử thì chẳng lạc quan lắm, vì theo sự ghi chép trong bộ Lịch sử Phật giáo Trung Quốc thì sự hoằng dương giới luật chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Chúng ta thử kiểm thảo: Giới luật đã là căn bản của Phật pháp, vì sao Phật giáo Trung Quốc đối với giới luật không cảm thấy hứng thú? Nguyên lai, giới luật của Phật giáo cũng như pháp luật trong một quốc gia. Nếu như trong quốc gia bỏ hiệu dụng của pháp luật, thì xã hội của quốc gia ấy sẽ phát sinh ra sự khủng bố và đen tối không thể tưởng tượng. Phật giáo nếu không có sự câu thúc của giới luật, thì sự đoạ lạc của Phật tử và sự hư đốn của Tăng đoàn cũng là việc có thể đoán ra được. Phật giáo Trung Quốc tuy chẳng đúng như luật thực hành, nhưng vẫn kéo dài liên tục đến nay là vì trong các kinh luận của Phật giáo chỗ nào cũng có đề cập đến sự quan trọng của giới luật, như trong Luận Đại Trí Độ, Luận Du Già Sư Địa, kinh Niết Bàn, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Di Giáo v.v… Vì thế, Phật giáo Trung Quốc tuy chẳng tuân giữ nghiêm cẩn giới chế, nhưng lại không chống với nguyên tắc trọng yếu của giới luật, đây là điều đáng mừng. Song, cũng vì Phật giáo Trung Quốc chưa thiết thật thực hành đúng như luật, nên trạng thái Phật giáo Trung Quốc càng ngày càng đi xuống. Nguyên lai, tinh thần căn bản của Phật giáo là y pháp chẳng y người, chỉ cần y theo luật chế hành trì, Phật pháp mới tự có thể trải qua thời gian lâu dài mà vẫn thường mới mẻ. Nhưng Phật giáo Trung Quốc từ xưa đến nay thường thường y người mà chẳng y pháp, như xuất hiện được vài vị Đại Tổ sư để mọi người hành theo thì lấy Tổ sư làm trung tâm Phật giáo, kết đoàn xung quanh Tổ sư, Phật giáo nhân đó mà được hưng thịnh. Nếu trong mấy mươi năm hoặc mấy trăm năm không có một vị Tổ sư xuất hiện, thì Phật giáo cũng theo đó suy vi. Phật giáo vốn lấy Phật pháp làm trung tâm, mà Phật giáo Trung Quốc lại lấy Tổ sư làm trọng tâm. Vì thế, cục diện trên Phật giáo sử đều là thăng trầm thịnh suy bất định, không có cách nào cứu vãn cho nó được bình ổn lâu dài.

Nếu muốn cứu vãn cái khuyết điểm này, chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng sự kiến lập chế độ giới luật, nhưng hoàn cảnh và bối cảnh Phật giáo Trung Quốc đối với sự hoằng dương giới luật lại có rất nhiều khó khăn trong quá khứ như vậy, thì từ nay về sau cũng là như vậy. Nay phân tích như sau:

1. Luật bổn quá nhiều, tổng hợp chẳng phải dễ

Giới luật truyền đến Trung Quốc có 4 luật, 5 luận; trong đó, nhân duyên chế giới và điều văn giới tướng của các bộ Quảng Luật đã sai biệt nhau biết bao nhiêu. Nhưng các bộ luận giải thích về luật, khi giải thích các điều văn, mỗi luận đều làm sáng tỏ tông nghĩa của bộ phái mình có nhiều điểm khác nhau, có luận yêu cầu rất nghiêm, có luận yêu cầu hơi nhẹ. Nếu như theo bộ đọc xem mà tự cho là phải, thì cũng không thể khẳng định rằng mình đã trải qua đến trình độ nào.

Do vì Luật sư Nam Sơn Đạo Tuyên không xem qua luật văn của Hữu Bộ (bản Tân dịch), nên quan điểm của Ngài có nhiều chỗ bất đồng của bộ luật này, Hữu Bộ Luật tuy xuất hiện sau, nhưng do Ngài Tam Tạng Nghĩa Tịnh lưu học ở Ấn Độ hơn 20 năm, khảo cứu khắp các luật chế Ấn Độ đương thời và trứ tác Ký Quy Truyện để thuyết minh. So với Ngài Nam Sơn thì quan điểm của Ngài Nghĩa Tịnh chính xác hơn. Nhưng nếu đem Hữu Bộ mà chỉ trích Nam Sơn thì cũng chưa nên. Lại như các Ngài Ngẫu Ích, Kiến Nguyệt ở cuối triều Minh đầu triều Thanh, vì các Ngài ấy chưa được học hết các tác phẩm về luật học của phái Nam Sơn trứ tác vào thời Đường, Tống, nên tuy các ngài theo tông chỉ Nam Sơn, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hợp với quan điểm của Nam Sơn. Người ngày nay như muốn tu chỉnh và hoằng dương giới luật trước cần phải xung phá cửa ải khó khăn này.

2. Giới tướng phiền phức, chẳng dễ gì ghi nhớ rõ hết

Mọi người đều biết trong Phật pháp danh tướng của Tông Duy Thức quá nhiều, rất khó mỗi mỗi đều ghi nhớ rõ ràng, mà chẳng biết Luật tông cũng khó khăn như thế. Mọi người chỉ biết giới luật, tối thiểu là 5 điều của ngũ giới, tối đa là 348 điều của Tỳ kheo ni giới. Song, đây không chỉ là điều văn mà thôi. Một người nếu như chỉ học thuộc lòng điều văn của Hiến pháp thì chẳng thành chuyên gia Hiến pháp học được. Bởi vì gần như trong mỗi điều giới tướng, phần nhiều đều có phân biệt khai, giá, trì, phạm, mỗi điều giới đều có đẳng cấp khinh, trọng. Đồng phạm một điều giới do động cơ, phương tiện, kết quả v.v… chẳng đồng, thì phạm tội khinh, trọng và phương thức sám hối cũng chẳng đồng. Điều văn của giới luật cố nhiên là giới, vả dù không có ghi trong điều văn, nhưng điều gì làm trái với nguyên tắc Phật pháp cũng đều coi là phạm giới. Phạm giới là gì? Phải có biện pháp nào? Đều phải phân biệt rõ ràng như chỉ vật trong lòng bàn tay mới được gọi là thông hiểu giới luật. Hơn nữa, một Tỳ kheo không những chỉ biết về phạm giới tướng khinh, trọng và phương thức sám hối, là còn cần phải thông hiểu tất cả giới luật Đại thừa, Tiểu thừa mới được xem là hiểu rõ giới luật. Vì thế, nghiên cứu giới luật cần phải trước tiên có tâm nhẫn nại và khắc khổ, từ trong danh mục giới tướng khô khan bồi dưỡng ra tinh thần trì giới và bí nguyện hoằng giới.

3. Học giới, hoằng giới cần phải trì giới

Người học giới, hoằng giới tuy chẳng cần mọi việc đều hành trì đúng như luật, nhưng tối thiểu cũng phải là tín đồ trung thực của giới luật. Người ấy tuy chưa chắc trì luật cẩn nghiêm, nhưng ít ra cũng là người nối theo luật mà thực hành, bằng không thì sự nghiệp hoằng luật của người ấy cũng khó thâu đạt được hiệu quả lý tưởng.

Học thiền có thể chẳng câu chấp tiểu tiết, học luật mọi việc đều phải cẩn thận. Pháp sư học giáo giảng kinh có thể lên đại toà thuyết pháp, có thể thâu nhiều đồ chúng, có thể được cả danh lợi. Luật sư trì giới hoằng luật không có Tăng đoàn đại quy mô, giảng giới chẳng cầu lên đại toà hoặc có đại tòng lâm. Người học giới, trì giới, tuyệt đối chẳng dám lạm thâu đồ chúng, bằng không tức là phạm giới. Do đó nếu muốn lập chí hoằng giới, trước tiên cần phải chuẩn bị cam chịu tịch mặc. Đương nhiên, nếu hoằng giới được thành công, lúc ảnh hưởng lan khắp mọi người thì những vấn đề này cũng chẳng thành vấn đề. Nhưng bản thân làm một người hoằng giới, sinh hoạt của người ấy chắc chắn phải là một thầy Tỳ kheo khắc khổ, vật dụng nuôi thân chẳng dám quá tốt, bằng không sẽ thành phạm giới. Vì thế, người muốn phát tâm hoằng giới trước tiên phải có tinh thần chẳng sợ khắc khổ.

4. Hoàn cảnh Phật giáo Trung Quốc chẳng quý chuộng luật chế

Nhân vì Phật giáo Trung Quốc, nhất là Phật giáo Trung Quốc từ đời Nam Tống đến nay vốn đánh mất cái tập quán quý chuộng giới luật. Vì thế, chúng ta đề xướng hoằng dương giới luật nhưng gặp phải hoàn cảnh chẳng quý chuộng luật chế này, đó là sự chướng ngại lớn nhất của việc hoằng dương giới luật. Đa số người chẳng quý chuộng luật chế, cũng ghét luôn cả người quý chuộng luật chế, vì họ sợ người đem lý do của luật chế ra để câu thúc hoặc phê bình đả kích họ, cho nên họ không được an tâm. Tôi đã từng nghe người nói: Đại sư Hoằng Nhất hoằng luật, rất nhiều nơi chẳng hoan nghinh Ngài, thậm chí có người coi Ngài như quái vật. Kỳ thật, họ đều là những quái vật mà chẳng tự biết, lại đem cái chẳng phải quái vật cho là quái vật. Thử hỏi Tỳ kheo xuất gia mà chẳng sinh hoạt theo hạnh Tỳ kheo thì chẳng cho đó là quái vật, trái lại cho thầy Tỳ kheo sinh hoạt đúng hạnh Tỳ kheo là quái vật, chẳng phải kỳ quái lắm sao? Nhưng dù nói thế nào, ở trong hoàn cảnh chẳng quý chuộng luật chế này, đã có sự tự do hoằng dương giới luật thì cũng có sự tự do phản đối việc hoằng dương giới luật. Đã chẳng tiện phỉ báng công khai, lại chẳng thể thủ tiêu thì chẳng cho người khác tự do hợp tác. Thế nên cuối triều nhà Minh, ngài Ngẫu Ích hoằng giới mấy lần giảng, mấy lần đình, người nghe giảng tối đa không hơn mười mấy người. Thời gian gần đây, ngài Hoằng Nhất hoằng giới, ban đầu vài lần chẳng như ý nguyện, về sau lấy: “Chẳng lập danh mục, chẳng thâu kinh phí, chẳng hợp nhiều chúng, chẳng định địa chỉ” làm phương án hoằng luật.

5. Luật văn chế định mà thời đại biến đổi

Điều văn của giới luật là chết, còn sự diễn biến của xã hội là sống. Muốn đem những điều văn chết cứng đặt lên đầu mỗi đệ tử Phật của mỗi thời đại một cách sống động, thật là một sự kiện khó khăn, cũng là một việc chẳng hợp lý. Nhưng, sau khi Phật nhập diệt, Tôn giả Ca Diếp đã đề xuất ra nguyên tắc thế này: “Điều Phật đã chế chẳng được phép bỏ, điều Phật chưa chế chẳng được chế thêm”. Do đó, những vị Đại đức của nhiều đời đều chẳng dám làm cho giới luật có được sự linh hoạt thích ứng, mà vẫn đem cái quan niệm của người Ấn Độ đến phạm vi của người Trung Quốc, đem cái phạm vi cùng quan niệm của thời đại Tuỳ, Đường đến phạm vi của người hiện đại thì đâu nên trách giới luật mà bỏ nó qua một bên, và cũng đâu nên chẳng mong muốn làm cho giới luật thích ứng với trào lưu thời đại. Vì thế, có rất nhiều người cho rằng trì giới là hành vi thủ lậu. Thật ra, nếu như cứ vâng theo toàn bộ điều văn để tuân hành, thì thật là có chút lãng phí, bởi vì trong Ngũ Phần Luật quyển 22 có nói: “Phật dạy: Tuy là điều giới ta chế, nhưng phương khác chẳng cho là thanh tịnh đều chẳng nên dùng. Tuy chẳng phải điều ta chế, nhưng phương khác cần phải làm thì chẳng được chẳng làm”. Đủ thấy giới luật đều không cố định, chỉ cần chẳng trái với nguyên tắc của luật chế; tức là có thể tuỳ theo địa phương cùng trào lưu của thời đại mà ứng dụng. Còn việc ứng dụng như thế nào, thì phải cần phải học tập nhuần nhuyễn giới luật rồi sau mới có thể linh hoạt viên dung, mới không trái với nguyên tắc luật chế. Thời đại có mới, tinh thần của luật chế là trải qua thời gian dài lâu nhưng vẫn thường mới mẻ, chẳng nên nệ cổ mà chẳng canh tân, cũng chẳng nên vì mắc nghẹn mà bỏ ăn, nhưng đây cũng là một chướng ngại ngầm của việc hoằng dương giới luật. Năm điểm kể trên là nhân tố chủ yếu khiến cho giới luật chẳng được hoằng dương. Nhưng chúng ta chẳng nên vì sự khó khăn chướng ngại mà đình đốn nhiệm vụ hoằng dương giới luật. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân của sự khó khăn nằm tại chỗ nào rồi tìm cách giải quyết, đáng khắc phục thì khắc phục, nên khai thông thì khai thông. Tôi ước mong mọi người cùng khích lệ nhau ra sức hoằng dương giới luật.

VI. BỒI DƯỠNG PHONG TRÀO HỌC LUẬT

Muốn cho Phật giáo Trung Quốc từ nay về sau có tính chất ổn định, có hệ thống tổ chức và có sức đoàn kết, ắt hẳn cần phải phát huy sự tiến triển của luật chế. Muốn cho Tăng đoàn của Trung Quốc có tính thống nhất, có quyền chế tài, có sức hoạt động, chúng ta cần phải tiến hành sự giáo dục của luật chế. Muốn các Phật giáo đồ từng từng lớp lớp làm nhân cho nhau, tiết chế lẫn nhau, bảo trì thân tâm thanh tịnh, đạt đến cảnh ly dục, ắt cần phải giáo dục tất cả mọi người thọ giới, học giới và trì giới.

Công tác hoằng dương giới luật xây dựng nền tảng trên sự thọ giới, học giới và thọ giới của mọi người. Trước chẳng thọ giới thì không thể học giới. Nếu chẳng học giới, trì giới thì không có giới để hoằng. Vì thế, Phật quy định tân Tỳ kheo xuất gia năm hạ đầu tiên phải y chỉ học luật. Nếu chẳng hiểu biết về trì, phạm, khinh, trọng của giới luật thì chẳng được lìa thầy và cũng chẳng được làm thầy người khác.

Trước mắt muốn học luật, khó khăn hãy còn rất nhiều, đó là không có đạo tràng lý tưởng cho người học tập và cũng không có đầy đủ sách luật cho người đọc. Có nhiều bộ luật sao, Luật sớ trong bộ Tục Tạng chữ VẠN, nhưng vì trong nước không có in Tục Tạng chữ VẠN cũng chưa có in riêng các sách luật để lưu thông, cho nên muốn mượn xem chẳng phải dễ.

Theo Đại sư Hoằng Nhất, nếu người nào đem bộ Tứ Phần Tỳ kheo Giới Bổn Tướng Biểu Ký của chính Ngài biên tập và bộ Tứ Phần Luật Hàm Chú Giới Bổn cùng bộ Tứ Phần San Bổ Tuỳ Cơ Yết Ma của Luật sư Đạo Tuyên, nghiên cứu hoàn tất ba bộ này thì có thể biết đạ cương về luật học, nhưng đó chỉ là Tứ Phần Luật mà thôi, còn các bộ khác vẫn không biết.

Do đó, tôi cảm thấy chúng ta còn thiếu một bộ sách nhập môn về giới luật. Một bộ sách nhập môn phải có tính phổ thông, đồng thời cũng phải có tính thời đại và tính thực dụng. Đó là động cơ tôi viết sách này. Đáng tiếc tôi tài hèn sức mọn, hơn nữa, tôi cũng chẳng phải là người đem tinh thần giới luật tử trong sinh hoạt của tôi biểu đạt toàn bộ, những lời viết ra đây đều là không biết lượng sức mình, hà huống sách luật tôi được đọc cũng rất là hữu hạn. Vì thế sách này tuy mang tên GIỚI LUẬT CƯƠNG YẾU, thật ra chỉ là một điểm tâm đắc của sự học tập giới luật trong hơn hai mươi năm của tôi mà thôi.

 


[1] Chánh Lượng Bộ xuất phát từ Độc Tử Bộ thuộc Thượng Toạ Bộ.