Chương 5.
Thức Xoa Ma Ni
I.
TẠI SAO GỌI LÀ THỨC XOA MA NI?
Thức xoa ma ni là dịch âm của
Phạn văn Siksamànà. Trung Quốc có nhiều cách dịch, như Thức xoa, Thức xoa ma
na, Thức xoa ma na ni, Thức xoa ma ni, cũng đều chỉ cho một tên gọi này. Về ý
nghĩa của nó, cựu dịch là Học pháp nữ, tân dịch là Chánh học nữ.
Đây là Phật chế người nữ xuất gia
phải trải qua quá trình Thức xoa ma ni này trước khi thành Tỳ kheo ni. Nhưng
Thức xoa ma ni đã bị Phật giáo Trung Quốc từ lâu bỏ quên. Vì thế, thời gian gần
đây đa số Phật giáo đồ đối với ý nghĩa của Thức xoa ma ni đã không hiểu, lại
còn có hiểu lầm nữa. Có người cho rằng người nữ từ bé để tóc tu hành ở trong
chùa là Thức xoa ma ni. Kỳ thật không đúng, người nữ chưa cạo tóc, chưa đổi
trang phục chỉ là một lọai cư sĩ. Cư sĩ phân làm bốn thứ nam nữ tại gia và tại
chùa. Nam
nữ tại gia gọi là cận sự nam, cận sự nữ. Nam nữ cư sĩ tại chùa gọi là cận
trụ nam, cận trụ nữ. Vì thế, trinh nữ để tóc tu hành tại chùa là một lọai cận
trụ nữ. Họ chỉ là một trong bốn chúng cư sĩ chưa tiện nhập vào giai đọan của
thân phận năm chúng xuất gia. Trung Quốc hiện có những người nữ ở trong chùa
vẫn để tóc mặc đồ thế tục tự cho mình là người xuất gia, đó là do họ chẳng hiểu
luật chế của Phật. Thật ra, họ vẫn còn là thân phận của người thế tục. Nước
Thái Lan thuộc Nam truyền Phật giáo hiện tại không có phái nữ xuất gia, nhưng
vẫn cho người nữ cạo tóc đắp mạn y ở trong tự viện tu hành, họ không có địa vị
ở trong người xuất gia, vẫn y như cũ là thân phận người thế tục. Nhưng họ có
thể cạo tóc đắp mạn y, hình tướng đã đồng Sa di ni.Điều này so với người Trung
Quốc ở tự viện không cạo tóc cũng không đổi trang phục lại tự xưng là người
xuất gia, thật là hiện tượng đáng được kính phục, đáng được noi theo.
Thức xoa ma ni là quá trình phải
trải qua giữa Sa di ni và Tỳ kheo ni. Người nữ xuất gia nếu trước không trải
qua hai giai đoạn Sa di ni và Thức xoa ma ni thì không thể tiến vào địa vị Tỳ
kheo ni. Người nam xuất gia chỉ có hai giai đọan Sa di và Tỳ kheo. Người nữ
xuất gia nhiều hơn người nam một giai đọan Thức xoa ma ni. Đây chẳng phải Đức
Phật kỳ thị phái nữ hoăc thiên vị phái nam, chính vì do sự cần thiết của sự
thật, phải thêm một giai đọan Thức xoa.
Người nữ xuất gia thuở ban đầu
là y cứ vào Bát kỉnh pháp thành Tỳ kheo ni, không trải qua Sa di ni, cũng không
có Thức xoa ma ni. Về sau, người nữ xuất gia dần dần đông, phần tử phức tạp, trình
độ bất nhất; có những người nữ xuất gia không bao lâu lại độ người khác xuất
gia; do đó, vấn đề của thầy trò và yêu cầu của thầy trò phát sinh, vì thế, tối
thiểu phải 2 năm giới lạp và thông hiểu giới luật mới có thể làm thầy độ ni. Có
những Tỳ kheo ni độ người nữ tại tục xuất gia, một khi xuất gia liền cho thọ Tỳ
kheo ni giới thành Tỳ kheo ni. Nhưng sau đó không được bao nhiêu ngày, người nữ
ấy không quen với sinh họat xuất gia lại tự động hoàn tục một cách nhanh chóng.
Do đó, yêu cầu kỳ hạn của quá trình xuất gia cũng phát sinh, vì thế cũng cần
phải thọ Sa di giới. Lại có Tỳ kheo ni độ người nữ xuất gia nhưng chưa biết họ
đã kết hôn hay chưa, không biết có mang thai hay không, sau khi họ xuất gia
thành Tỳ kheo ni rồi lại có người bụng to ra mà sinh em bé, khiến cho người đời
phỉ báng cho rằng Tỳ kheo ni phạm giới dâm. Do đó, Đức Phật phải thêm một giai
đoạn Thức xoa cho người nữ xuất gia.
Giai đoạn của Sa di ni không bị
thời gian hạn chế. Giai đoạn của Thức xoa ma ni hạn kỳ 2 năm vì trong thời gian
2 năm này: Một là rèn luyện tính tình của người nữ cho họ quen dần với sinh
họat xuất gia. Hai là dùng để quan sát sinh lý của người nữ xem có thọ thai hay
không. Có người cho rằng dùng thời gian 2 năm để quan sát người nữ có thai hay
không dường như quá dài. Kỳ thật nói 2 năm, chứ trong Tăng Kỳ Luật quyển 39
nói: “Hai năm là 2 mùa mưa”, nghĩa là nói từ đầu mùa mưa năm nay đến cuối mùa
mưa sang năm. Ở Trung Quốc, có thể giải là qua 2 cái tết chứ chẳng phải tròn đủ
2 năm. Tỷ như từ ngày 30 tháng chạp năm nay đến ngày mùng một tháng giêng sang
năm; kể là 2 năm kỳ thật chỉ là 1 năm lẻ 2 ngày mà thôi, dùng thời hạn như thế
để kiểm tra người nữ có thai hay không, đó chẳng phải là việc thích đáng sao?
Đương nhiên, nếu dùng dụng cụ khoa học của ngày nay kiểm nghiệm đâu cần phải
qua thời gian dài như thế. Duy nhìn về phương diện làm cho người nữ quen dần
với sinh hoạt xuất gia, giai đoạn 2 năm Thức xoa vẫn là cần thiết, như trong Tứ
Phần Giới Bổn Tùy Giảng Biệt Lục của đại
sư Hoằng Nhất nói:”Lục pháp tịnh tâm, hai năm tịnh thân. Trước là
thử xem cái duyên thọ Đại giới, sau là để biết có thai hay không?”
II.
TUỔI CỦA THỨC XOA MA NI
Về tuổi của Thức xoa ma ni, các
bộ Quảng Luật biên chép đại khái đồng nhau, ước lược có thêm bớt. Trong Tứ Phần
Luật quyển 48 nói :”Cho đồng nữ 18 tuổi, 2 năm học giới; tuổi dù 20 ở trong Tỳ
kheo ni tăng thọ Đại giới. Nếu 10 tuổi đã từng lấy chồng, cho 2 năm học giới đủ
12 tuổi cho thọ đại giới. Đây là nói với người nữ chưa có chồng, 18 tuổi xuất
gia thọ Sa di ni thập giới rồi tiếp theo trải qua giai đoạn 2 năm. Thức xoa ma
ni để tiện học tập giới luật trọng yếu của sinh hoạt xuất gia, đến khi đủ 20
tuổi thọ Tỳ kheo ni giới hoàn thành giai đọan cao nhất của người nữ xuất gia.
Nếu thiếu phụ 10 tuổi đã có chồng (người nữ ở Ấn Đô phát dục rất sớm, trên dưới
10 tuổi cưới gả, không phải là chuyện lạ ít có) cũng chỉ trải qua giai đoạn 2
năm Thức xoa, người này đến 12 tuổi được thọ giới Tỳ kheo ni trở thành Tỳ kheo
ni. Người nữ so với người nam chống trưởng thành hơn, tuy là thiếu phụ tuổi 12,
thể chất và trí năng của họ có thể bằng với nam thành niên 20 tuổi. Vì thế
trong luật cho người nữ đã từng lấy chồng đến 12 tuổi được thọ Tỳ kheo ni giới
chứ chưa từng có ghi cho người nam dưới 20 tuổi được thọ Tỳ kheo giới.
Trong những Căn Bản Thuyết Nhất
Thiết Hữu Bộ Bí sô Tỳ nại da quyển 18 ghi
chép có chút bất đồng. Phật nói :”Nếu người nữ… tuổi đủ 12 hoặc 18
phải cho 2 năm Chánh học pháp mới truyền Cận viên (Tỳ kheo ni )”. Chỗ này nói
12 là bắt đầu 12 tuổi phải học pháp Thức xoa ma ni 2 năm, đến khi 14 tuổi mới thọ
Tỳ kheo ni giới. Đây cùng với sự quy định của Tứ Phần Luật nói từ 10 tuổi, trải qua giai đoạn 2 năm Thức
xoa, đến 12 tuổi thọ Tỳ kheo ni giới, sai biệt nhau 2 năm ! Rốt cuộc sự ghi
chép nào đúng hơn; cũng khó biết! Tôi nghĩ ở Ấn Độ thường sử dụng sự ghi chép
của Luật Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ
vẫn còn bị coi là quá sớm, vì người nữ Trung Quốc 12 tuổi lấy chồng
là điều ít thấy.
Sự ghi chép của Luận Tát Bà Đa
đồng với Tứ Phần Luật:”Tuổi 12 được thọ
Cụ túc giới, vì quen chịu nhà chồng sai khiến, nên chịu đựng nổi
cái khổ của sinh hoạt xuất gia”.
Sự ghi chép của Kinh Tỳ Ni Mẫu
quyển 8 đồng với Luật Căn Bổn Thuyết Nhất
Thiết Hữu Bộ, nếu người nữ 10 tuổi đã có chồng, độ cho xuất gia thọ
Sa di giới, sau khi đủ 2 năm được thọ Thức xoa ma ni giới, sau khi mãn 2 năm
được thọ Cụ túc giới.
Còn có một vấn đề là trong luật
chỉ nói người nữ đã có chồng hoặc chưa có chồng, từ 18 tuổi về trước, nếu muốn
xuất gia trước phải qua giai đoạn 2 năm Thức xoa ma ni, chứ chưa nói đến người
nữ từ 20 trở lên xuất gia phải như thế nào? Căn cứ vào lý suy ra người nữ từ
trên 20 tuổi đến dưới 58 tuổi, nếu đến trong Phật giáo cầu độ xuất gia cũng đều
trải qua giai đoạn 2 năm Thức xoa. Bằng không thì hai vấn đề: Tập cho quen sinh
họat xuất gia và xem có thai hay không, vẫn y nhiên tồn tại.
III.
NHỮNG GÌ LÀ PHÁP THỨC XOA MA NI?
Thứ bậc của Thức xoa ma ni tuy ở
trên Sa di và Sa di ni, nhưng giới phẩm của họ vẫn là Sa di ni giới. Tuy ở
trong Ni tăng bạch nhị yết ma (ở trong Ni tăng đòan trước báo cáo một lần, rồi
tuyên bố hai phen để trưng cầu đồng ý, gọi là nhất bạch nhị yết ma, gọi tắt là
bạch nhị yết ma) truyền cho lục pháp, nhưng không có giới thể riêng để đắc. Vì
thế, trong Nghiệp Sớ nói: “Học pháp nữ này không có giới luật, chỉ thọ biệt
giáo thứ bậc hơn Sa di ni”. Nhân vì thọ Lục pháp nên thứ bậc hơn Sa di ni.
Trong các thứ bậc của giới, đây là thứ bậc rất đặc thù, các thứ bậc giới khác
đều có giới thể để đắc, duy có một thứ bậc này chỉ được thêm lục pháp mà thôi.
Lục pháp này được gọi là pháp Thức xoa ma ni.
Những gì là pháp Thức xoa ma ni?
Trừ nghiêm trì Sa di thập giới ra, còn có thêm lục pháp là:
1. Cùng với thân người nam (từ
mí tóc trở xuống đầu gối trở lên) có tâm nhiễm ô xúc chạm người nam thành niên
và biết người ấy đối với mình có tâm nhiễm ô.
2. Trộm của người 4 tiền trở xuống:
Trị giá 4 tiền trở xuống cho đến một cây kim ngọn cỏ.
3. Cố giết mạng súc sinh: Cố ý
giết hại dị loại chúng sinh khiến cho nó chết.
4. Tiểu vọng ngữ: Nói trái lại
với điều mình thấy, nghe, hay, biết.
5. Ăn phi thời: Bóng mặt trời
quá giữa ngọ mà ăn.
6. Uống rượu: Cho đến một giọt
dính vào môi
Thức xoa ma ni phạm 4 giới trước
của Sa di thập giới (4 tội căn bản) bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn (diệt tẩn).
Phạm bất cứ một pháp nào trong lục pháp đã nêu trên phải bạch nhị yết ma lại và
thọ lại lục pháp 2 năm. Nếu phạm các giới khác, chỉ gọi là khuyết hạnh, hối cải
liền trừ.
Trong Căn Bản Thuyết Nhất Thiết
Hữu Bộ Bí sô Tỳ nại da quyển 8 có quy
định về lục pháp hoặc lục tùy pháp của Thức xoa ma ni, nội dung
cùng với Tứ Phần Luật quy định có hơi bất
đồng. Nay chép lại như sau:
A. Lục pháp
1. Không được đi đường một mình
2. Không được qua sông một mình
3. Không được chạm vào thân
người nam
4. Không được ở chung với người
nam
5. Không được làm mai mối cưới
gả
6. Không được che giấu Tỳ kheo
ni phạm tội trọng
B. Lục tùy pháp
1. Không được cầm vàng bạc thuộc
về của mình.
2. Không được cạo lông chỗ kín
(dưới nách và đường tiểu tiện).
3. Không được đào đất chỗ ẩm
thấp hay sinh cỏ cây.
4. Không được cố ý nhổ cỏ chặt
cây.
5. Không được do người đưa mà tự
mình lấy thức ăn để ăn.
6. Không được ăn đồ ăn đã xúc
chạm.
Trong Tăng Kỳ Luật quyển 39
nói:” Thức xoa ma ni 2 năm phải tùy thuận học 18 việc”. Nhưng trong Tăng Kỳ Luật chưa liệt kê lục pháp và cũng chưa liệt kê
lục tùy pháp. Muời tám việc là:”Ăn uống dưới tất cả Tỳ kheo ni,
trên tất cả Sa di ni. Đối với Thức xoa bất tịnh thực, Tỳ kheo ni tịnh. Đối với
Tỳ kheo ni bất tịnh, đối với Thức xoa cũng bất tịnh. Được cùng Tỳ kheo ni ngủ
đồng một phòng ba đêm, cùng Sa di ni cũng chỉ ba đêm. Được Tỳ kheo ni trao thức
ăn, trừ hỏa tịnh năm thứ sanh chủng rồi, tự mình nhận thức ăn từ Sa di ni. Tỳ
kheo ni không được nói với Thức xoa về Ba la đề mộc xoa (danh tự của giới ngũ
thiên thất tụ) của Tỳ kheo ni, chỉ được nói không được dâm, không được trộm,
không được giết người. Không được nghe trộm Bố tát, tự tứ. Đến ngày Bố tát, tự
tứ, đến trước Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, thưa như vầy: “Con…..thanh
tịnh ức niệm trì”. Nói ba lần như vậy rồi lui ra. Bốn Ba la di sau (Tỳ kheo ni
gồm có 8 Ba la di, so với Tỳ kheo ni thì còn có thêm 4 Ba la di sau) là:
1. Cùng với người nam có tâm
nhiễm ô xúc chạm thân thể từ nách trở xuống, đầu gối trở lên.
2. Cùng với người nam có tâm
nhiễm nắm tay nắm áo vào chỗ khuất, cùng đứng, cùng ngồi, cùng nói chuyện, cùng
đi, thân dựa vào nhau, cùng hẹn hò.
3. Biết Tỳ kheo ni có tội trọng
mà che giấu không nói cho người biết.
4. Thuận tòng cúng dường Tỳ kheo
bị tăng cử tội mà không cho cộng trụ.
Nếu phạm một giới nào phải thọ
lại lục pháp. Nếu phạm 19 Tăng già bà thi sa trở xuống (Tăng Kỳ Luật, Tỳ kheo
ni có 19 giới Tăng tàn, Tứ Phần Luật chỉ có 17 điều ) tất cả làm pháp sám hối
Đột kiết la. Nếu phá 5 giới: “Ăn phi thời, ăn vặt, thường nhận vàng bạc và
tiền, uống rượu, đeo tràng hoa, tùy theo ngày phạm phải bắt đầu học giới lại”.
Chúng ta thấy trong ba bản luật
dẫn ở trên đều có sự quy định bất đồng. Nhưng ở Trung Quốc chỉ hoằng dương Tứ
Phần Luật, nếu lấy sự quy định của Tứ Phần
Luật làm pháp thức cơ bản của Thức xoa ma ni đương nhiên thích nghi
hơn. Còn sự quy định của hai bản luật kia cũng không ngại gì tham khảo tuân
hành, trì được thêm một vài giới đều là đáng mừng. Điều đáng tiếc là Phật giáo
Trung Quốc trước mắt không có giai đọan Thức xoa ma ni, thời xưa có trải qua
hay không, tôi chưa từng thấy tài liệu ghi chép. Nói theo luật chế, phái nữ
xuất gia nếu trước không trải qua 2 năm Thức xoa ma ni thì không được thọ Tỳ
kheo ni giới. Giả sử thọ Tỳ kheo ni giới cũng không đắc giới. Vì thế, tôi rất
ước mong chị em Ni chúng đại tâm có chí nguyện, có tuân thủ, có thành tín, có
năng lực, phải nên vì sự trùng hưng luật thống và luật chế, nỗ lực một phen,
không nên cẩu thả lười biếng để vĩnh viễn làm đồ phụ thuộc không ra gì.
Nghi thức Thức xoa ma ni bạch
nhị yết ma và thọ lục pháp cũng rất đơn giản, vì hiện nay Phật giáo Trung Quốc
đã chẳng tuân hành nên không cần phải ghi ra. Nếu như một mai tuân hành, tự tìm
trong luật bản ra ứng dụng cũng không khó.
IV.
PHÁP HỐI TỘI
Sau cùng là hối tội, pháp sám
hối của tội Đột kiết la. Tội Đột kiết la gồm có hai thứ: Một là cố ý phạm, hai
là vô ý phạm. Vì thế, pháp sám hối cũng có hai thứ: Một là đối trước một vị Đại
đức sám hối, hai là tự hối trách tâm sám.
Người sám phải đầy đủ oai nghi
hướng về một vị Đại đức quỳ gối chấp tay bạch như vầy:”Đại đức ức niệm con
là…sa di (ni) cố phạm tội Đột kiết la…nay hướng về Đại đức phát lồ sám hối, xin
Đại đức ức niệm xót thương”. Đại đức thọ sám liền nói: “Tự trách lấy tâm
ngươi”. Đáp: “Vâng”.
Tự trách tâm sám cũng nên đầy đủ
oai nghi đến trước Phật đốt hương lễ bái, quỳ gối chắp tay bạch: “Con là sa di
(ni)…lầm phạm Đột kiết la. Nay phát lồ sám hối không dám làm nữa”. Cũng có
người cho rằng lúc tự trách tâm sám không cần ở trước Phật, tùy lúc phạm tâm
liền hối lỗi cũng được.
Thức xoa ma ni trừ việc phạm lục
pháp có cách xử lý riêng, ngoài ra phạm các điều khác cũng chỉ có một tội Đột
kiết la, phương pháp sám hối đồng với Sa di và sa di ni.
Tỳ kheo không được nhờ Tỳ kheo
ni làm sám chủ để hướng về Tỳ kheo ni hối tội. Tỳ kheo ni phải hướng về Thượng
tọa Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo thanh tịnh đồng học đồng pháp mà hối tội. Còn Sa di
địa vị dưới Tỳ kheo ni, lý đáng có thể hướng Tỳ kheo ni hối tội, nhưng Sa di là
người theo Tỳ kheo và trụ ở tự viện của Tỳ kheo, nên cũng không cần phải bỏ chỗ
gần đến chỗ xa hướng về Tỳ kheo ni hối tội.