Chương 2.
Sa Di Giới Và Các Loại Sa Di
I.
TẠI SAO GỌI LÀ SA DI, SA DI NI?
Người xuất gia trong Phật giáo
gồm có 5 hạng, trong thiên này chỉ nói 3 hạng: Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma ni.
Trong luật điển thông thường gọi ba hạng này là tam tiểu chúng (ba chúng nhỏ).
Do vì từ trên đại thể nam nữ xuất gia 20 tuổi trở xuống không được thọ Tỳ kheo
giới và Tỳ kheo ni giới, tuy nhiên tuổi tác của tam tiểu chúng cũng không hạn
định phải dưới 20 tuổi. Do đó, một là tuổi nhỏ, hai là đẳng cấp của giới cũng
nhỏ, vì thế gọi là tiểu chúng.
Trước hết, chúng ta nói về vấn
đề của Sa di. Giới của Sa di và Sa di ni có 10 điều giống nhau. Còn điểm khác
nhau của Sa di và Sa di ni giới là oai nghi tuỳ đại chúng học: Sa di phải học
theo luật nghi Tỳ kheo, Sa di ni phải học theo luật nghi của Tỳ kheo ni. Tỳ
kheo và Tỳ kheo ni giới có những phần bất đồng, nên luật nghi của Sa di, Sa di
ni theo học vì thế cũng có sự khác nhau. Nhưng trên thập giới căn bản của Sa di
và Sa di ni thì hoàn toàn đồng, chỉ cần hiểu rõ Sa di giới thì sẽ hiểu rõ Sa di
ni giới, vì thế khi giảng thập giới, chúng tôi chỉ giảng Sa di giới.
Sa di là dịch âm chữ Phạn:
Sràmanera. Chữ này ở Trung Quốc có hai cách dịch tân và cựu. Cựu dịch là “tức
từ” nghĩa là dứt ác hành từ. Tân dịch là “cần sách”, nghĩa là tiếp thọ sự
khuyến khích siêng gắng của đại Tỳ kheo Tăng. Trong các tác phẩm của Ngài Nghĩa
Tịnh Tam Tạng dịch, thường lấy nghĩa “cầu tịch” để gọi Sa di, nghĩa là cầu lấy
đạo Niết bàn và quả viên tịch. Viên tịch là viên mãn tịch tịnh, cũng là đạo cứu
cánh của Niết bàn. Xuất gia là vì tự cầu giải thoát vừa lại giúp người khác giải
thoát. Sa di là cấp bậc thứ nhất của đạo xuất gia. Vì thế, một người làm Sa di
được gọi là “cầu tịch” “cần sách” và “cầu tịch”, thì nghĩa “cầu tịch” thì thích
đáng hơn hết. Nhưng trong Phật giáo, khi gọi hàng đệ tử xuất gia và tại gia của
Phật, phần nhiều thường dùng âm dịch của Phạn văn làm chuẩn.
Sa di ni nghĩa là “cầu tịch nữ”.
Trong sự phiên dịch của kinh Phật, phần nhiều dùng âm “ni” để đại biểu cho nữ
tánh, như Thức xoa ma ni (có chỗ dịch là Thức xoa ma na), thật ra là lấy âm
“ni” đại biểu cho nữ tánh. Chúng ta lại thấy trong Thiện Kiến Luật quyển hai
đem Dạ xoa nữ dịch thành Dạ xoa ni, trong Kinh
Tạp A Hàm quyển 4 cũng đem Bà la môn nữ gọi là Bà la môn ni, đủ
thấy một âm “ni” là tiếng gọi thông thường trong sự phiên dịch kinh Phật dùng
để đại biểu cho nữ tánh.
II.
NỘI DUNG CỦA SA DI THẬP GIỚI
Sa di thập giới trong văn của
Bát giới chúng tôi đã giới thiệu 9 điều, trong đó chỉ có một điều “giới cấm giữ
vàng bạc châu báu” còn phải giới thiệu thêm. Nhưng điều văn giới tướng của thập
giới ở đây vẫn cần phải liệt kê lại để hoàn thành hình thái của Sa di thập
giới.
Sa di thập giới là:
1. Không sát sinh.
2. Không trộm cướp.
3. Không phi phạm hạnh (không
dâm).
4. Không vọng ngữ.
5. Không uống rượu.
6. Không đeo tràng hoa thơm,
không dùng dầu thơm xoa thân.
7. Không ca múa và biểu diễn các
bộ môn nghệ thuật, không cố ý đến xem nghe.
8. Không ngồi nằm giường lớn cao
rộng.
9. Không ăn phi thời.
10.Không cần giữ sanh tượng vàng
bạc vật báu.
Ý nghĩa nội dung của 10 điều
giới này đã có giảng qua trong Bát giới, ở đây không giảng lại. Chỉ có sự bất
đồng giữa chín giới trước và bát giới là thời gian thọ trì. Bát giới là một
ngày một đêm thọ trì. Sa di giới là suốt đời thọ trì. Còn có một điểm bất đồng
là hai giới là thứ 6 và thứ 7 hợp lại hay phân ra khác nhau. Bát giới đem hai
điều thứ 6 và thứ 7 của Sa di giới hợp thành một điều thứ 6, Sa di giới thì đem
giới thứ 6 của Bát giới phân làm hai giới thứ 6 và thứ 7.
Nay chúng ta giảng về giới thứ
10: “Không cầm giữ sanh tượng vàng bạc vật báu” của Sa di giới. Điều này thông
thường là giới tiền bạc. Người xuất gia vì phá trừ tâm tham, phá trừ cái thói
quen người ta nói là “có người chết vì của cải”, lại nói “có người không sống
được ngàn năm, mà lo tính chuyện vạn năm”. Sự ham muốn và súc tích của cải của
con người có thể nói là bẩm sinh, có một trăm mong muốn một ngàn, có một ngàn
mong muốn một vạn, cho đến thành phú ông trăm vạn ngàn rồi lại mong muốn lũng
đoạn kinh tế thế giới, muốn cả thế giới nầy đều thuộc sở hữu của mình. Thật ra
điều này ở trong xã hội tư bản chủ nghĩa của công thương nghiệp thì được cổ vũ
nhưng ở trong thế giới đại đồng của dân sinh chủ nghĩa lại không được hoan
nghinh, trong Phật giáo của chúng ta lại càng không chấp nhận. Của cải có thể
tạo phước cho nhân quần, là sự thật không thể phủ nhận. Nhưng, của cải có thể
thành chủ nhân của người và người trở thành nô lệ cho của cải cũng là sự thật
không thể phủ nhận. Của cải là vật ở ngoài thân là điều ai cũng biết, nhưng xem
của cải là vật ở ngoài thân lại là điều rất khó làm. Vì thế, của cải là thứ có
khả năng lớn nhất sai khiến con người, cho nên người xuất gia trong Phật giáo
chủ trương không súc tích của cải, cho đến nói rằng cầm giữ của cải đều là hành
vi phạm giới. Đức Thế Tôn Thích Ca thấy thấu suốt tính chất trói buộc của cải
đối với con người và sự ham muốn chiếm hữu mãnh liệt của con người đối với của
cải, cho nên Ngài muốn giải trừ cho đệ tử xuất gia việc cầm giữ của cải. Bằng
không thì bị vấn đề của cải làm động cân não khởi tham đắm, đâu thể “thấy được
suốt, buông được xuống”, đâu thể nhất tâm ý vì đạo nỗ lực!
Xem của cải như đồ vô dụng, lúc
Phật giáo mới khai sáng thì có thể làm được, giữa ngày ăn một bữa sau khi đi
từng nhà khất thực, ngủ một đêm dưới gốc cây là chỗ có thể an thân. Ấn Độ là
miền nhiệt đới thân cây cao lớn, nhánh lá sum sê, ngủ dưới gốc cây gần như ở
trong một cái lọng thiên nhiên. Khí hậu của Ấn Độ rất nóng, giả sử đêm đông
lạnh nhất, Đức Phật thí nghiệm cũng chỉ cần ba y là có thể đủ ấm. Đồng thời,
phong tục của Ấn Độ đương thời, người chết phần nhiều đem bỏ vào thi lâm (tương
đương như nghĩa địa ngày nay) để lộ thiên cho tan rã, cho đến cứ để mặc cho
chim thú ăn, quần áo của người chết, người xuất gia nhặt lấy chế thành bay để
mặc. Quyến thuộc của người chết đưa người chết đến thi lâm thì thường bỏ tang
phục của người chết trên mộ. Vì thế, nguyên lai “phấn tảo y” của Tỳ kheo Phật
giáo cũng là lấy “y của gò mả”. Vấn đề ăn ở mặc giải quyết xong. Còn vấn đề đi
lại đương thời cũng rất đơn giản, trừ khi qua sông thì cho đi thuyền, còn voi
ngựa xe cộ trên đất liền phần nhiều là đồ dùng của thương gia hoặc quân đội tác
chiến, người bình dân thông thường ít có cơ hội được cưỡi, lữ hành đi buôn bán
ra nước ngoài dùng xe chở hàng hóa, còn người thông thường đều đi bộ. Người
xuất gia lấy việc hành cước du hóa làm bổn phận, vì thế cũng không dùng đến
tiền xe, tiền đò, cho đến qui định “không được không bệnh mà đi xe”. Người xuất
gia sinh hoạt ở trong hoàn cảnh và tình hình như thế, còn dùng của cải để làm
gì? Vì thế, đặc sắc nhất của giới xuất gia là “giới tiền bạc”. Bát giới là của
đệ tử tại gia thọ trì, người thế tục chẳng thể không có tiền bạc, vì thế không
chế một điều này, còn người xuất gia có thể làm được. Vì thế, một khi xuất gia
phải thọ trì một điều giới này.
Nhưng người xuất gia của Phật
giáo mỗi ngày một đông, thể chất của người xuất gia có người cường tráng cũng
có người yếu đuối, tập tánh của người xuất gia có người cam đạm bạc, cũng có
người không chịu nổi phong sương mưa nắng dãi dầu, thậm chí có người mang tập
khí tham của rất nặng, không súc tích của cải thì không thể hành đạo tu trì.
Do đó, Đức Phật vì nhu yếu thực
tế dần dần cho phép Tăng chúng xuất gia có chùa chiền, tịnh xá, tăng phòng, có
súc tích đồ cần dùng cho cuộc sống, cũng khai mở ra cho phép được tiếp nhận của
cải.
Nhân vì tiền tệ là sản vật của
nền văn minh nhân loại, nó có thể làm môi giới cho sự đổi chác. Thí chủ cúng
dường cho người xuất gia các thứ như quần áo, thức ăn, đồ nằm, thuốc thang.
Nhưng trong nhà của thí chủ không thể là tiệm buôn vải, tiệm lương thực, xưởng
chế tạo đồ dùng và nhà thuốc. Giả sử có mở tiệm cũng không hoàn toàn có đủ các
thứ này. Nếu như hoàn toàn có đủ đi nữa, khi đem phẩm vật cúng dường người xuất
gia cũng chưa ắt là thích hợp với nhu cầu. Do đó, sự nhận lấy tiền tệ đối với
người xuất gia không thể tuyệt đối cấm ngăn được.
Nhân đấy, vì lý do Tam bảo có
thể tiếp thọ, vì lý do người khác có thể tiếp thọ, cho đến vì lý do chính mình
có thể tiếp thọ, nhưng trên nguyên tắc vẫn không cho tự thọ, tự chứa cất, cho
nên Đức Phật lại vì hàng đệ tử xuất gia chế một thứ pháp thuyết tịnh.
Pháp thuyết tịnh là mời một
người thế tục làm chủ tịch, hễ thâu nhận được tiền bạc bèn nói là thay người
thế tục kia thâu nhận, đây là của tịnh chủ kia chứ không phải của chính tôi.
Nói như thế rồi có thể thâu. Nhìn từ hình thức, pháp thuyết tịnh này giống như
không cần phải có. Kỳ thật, nó có giá trị của sự tuân hành, vì người xuất gia ở
trên bản chất tuyệt đối không được thọ nhận tiền bạc. Nhưng đây cũng là một
phương tiện bất đắc dĩ, quyết chẳng nên nhận vì có pháp thuyết tịnh là tham lam
không biết chán. Pháp thuyết tịnh có thể cảnh sách người xuất gia chẳng nên
tiếp thọ tiền bạc quá nhiều. Nếu như cho rằng có pháp thuyết tịnh rồi tham cầu
càng nhiều càng tốt không thôi, ấy là đánh mất ý nghĩa của pháp thuyết tịnh. Vì
thế, người xuất gia tốt nhất là không nên thọ nhận tiền bạc. Nhưng, nếu có nhu
yếu như giữ tiền chi phí thuốc men lúc bệnh và chi phí sinh hoạt hằng ngày, thì
tự nhiên không ngại gì dùng pháp thuyết tịnh để tiếp thọ tiền bạc.
Căn cứ sự quy định trong luật,
người xuất gia là nương tựa chúng và sinh hoạt ở trong tăng đoàn, nhu yếu phẩm
trong sinh hoạt của người xuất gia đều phải do Tăng đoàn sở tại (thường trụ)
cung cấp. Vì thế, thường trụ tự viện có thể tiếp thọ tiền bạc, nhưng cũng bị
hạn chế rất nghiêm khắc: Tỳ kheo không được chính tay mình cầm nắm, Sa di thì
có thể cầm nắm, nhưng với người có tịnh nhân ngũ giới thì phải do tịnh nhân ngũ
giới phụ trách tiếp thọ và bảo quản, cho đến bịt mắt người thế tục rồi dắt
người ấy đến một chỗ chỉ định để tiền bạc vào đó. Điều này ngày nay không còn
cách nào làm được. Như có thể giữ cho không tham cũng đã là khó rồi, chứ tuyệt
đối không giữ tiền bạc gần như là việc ít thấy.
Bây giờ, giải thích bốn chữ
“sanh tượng vàng bạc”. Trong bốn chữ này, chủ yếu là hai chữ “sanh tượng” cần
phải giải thích. Có hai lối giải thích:
1. “Sanh sắc là vàng, tợ sắc là
bạc”: Vàng ròng nguyên chất gọi là “sanh sắc”, lấy bạc mà nhuộm thành màu vàng
gọi là “tợ sắc”, tợ cũng có nghĩa là tượng.
2. Sanh, là chính ngay các vật
báu như vàng bạc châu ngọc. Tượng, là dùng vàng bạc vật báu chế làm ra các món
đồ vàng, đồ bạc, cho đến các món đồ quý do châu ngọc, san hô, mã não, thủy
tinh, xa cừ, lưu ly, hổ phách, đồi mồi, đá hoa, ngà voi chế tạo thành.
Người xuất gia chẳng những không
được cầm giữ vàng bạc tiền tệ, mà tất cả vật báu, đồ quý đều chẳng được cầm
giữ, đương nhiên cũng không cho cất giấu và súc tích. Nhân vì đồ quý làm cho
tâm tham đắm, một khi đối với vật bên ngoài sinh khởi tâm tham đắm, đó là tâm
bị vật chuyển, chứ chẳng còn tự tại giải thoát được. Ở đây có một chuyện tích
như sau: Thuở xưa, có một người xuất gia, vị ấy đã thấy suốt thế sự danh lợi, ở
ẩn một mình nơi chỗ yên tịnh tu tập, đã chẳng viếng thăm ai và cũng không tiếp
khách đến thăm. Nhưng vị ấy yêu thích và quý tiếc một chiếc bát đựng thức ăn.
Có vị đạo nhân biết vị ấy còn một khuyết điểm này, bèn đến gõ vào chiếc bát của
vị ấy. Khi nghe có người gõ cái bát của mình, vì sợ cái bát của mình bị người
gõ bể, vị ấy liền vội vàng từ chỗ yên tịnh chạy ra, người khách gõ bát bèn giáo
huấn vị ấy: “Tôi biết ông tất cả đều buông bỏ hết, chỉ có cái bát này là chưa
buông xuống được”.
III.
ĐẲNG VỊ VÀ CÁC LOẠI SA DI
Thời kỳ đầu tiên lúc Phật còn
tại thế, trong Tăng đoàn không có Sa di. Sự xuất hiện của Sa di trong Phật giáo
so với sự xuất hiện của Tỳ kheo ni sớm hơn một chút. Đại khái là lúc La Hầu La
là con của Đức Phật theo Phật xuất gia mới bắt đầu có Sa di.
Tăng đoàn của người xuất gia
Phật giáo cũng tương tợ như tình hình của đại gia đình. Người xuất gia ra khỏi
“nhà hữu vi” của thế tục, vào “nhà vô vi” của xuất thế. Trong cái gia đình vô
vi không tạo nghiệp sinh tử này có nam, có nữ, có già, có trẻ, có lớn, có nhỏ
dung hợp đối xử với nhau hòa thuận vui vẻ. Sự tiếp nhận Tăng đoàn của Sa di là
nhân tài của Phật giáo, tăng thêm sự nối tiếp lực lượng mới sinh. Vì thế, phần
tử Sa di lấy nhi đồng làm chủ yếu.
Nhưng có người tuổi đã 20 mới
nhập Tăng đoàn, hoặc vì thầy trò chẳng đủ, hoặc vì y bát chưa đủ, hoặc nhân vì
vật khác mà chưa có thể thọ trì Tỳ kheo giới, vẫn bị liệt vào số chúng Sa di.
Còn có các cụ già từ 60 tuổi đến 70 tuổi, đến Tăng đoàn cầu xin xuất gia, Đức
Phật cũng cho các cụ ấy cạo tóc nhưng không cho các cụ ấy thọ Tỳ kheo giới, vì
thế các cụ ấy cũng bị liệt vào số chúng Sa di.
Chúng ta đã nói qua phần tử chủ
yếu của Sa di là nhi đồng, nhưng cũng có hạn định là nhi đồng phải từ 7 tuổi
trở lên và phải có năng lực làm công tác đuổi chim đuổi quạ trên sân phơi lúa
mới được độ làm Sa di. Vì thế, trong luật quy định 7 tuổi trở xuống dù có năng
lực đuổi quạ cũng không nên độ, 7 tuổi trở lên không có năng lực đuổi quạ cũng
không nên độ. Trong luật cũng quy định người già tuổi dưới 70 có thể tự lo cho
cuộc sống của mình, mới có thể xuất gia làm Sa di, 71 tuổi trở lên dù lo được
hay không đều không được độ.
Nguyên nhân chủ yếu là các Tỳ
kheo không có thời giờ và tinh lực nhiều để lo cho đệ tử quá già hoặc quá trẻ.
Người quá già hoặc quá bé không làm sao chịu đựng nổi cuộc sống xuất gia, cũng
không làm sao tự lo cho mình được, vì thế không cho họ xuất gia đủ thấy Tăng
đoàn của Phật giáo lấy thanh niên làm chủ.
Do đó, thành phần của Sa di phân
ra làm hai loại của ba đẳng vị. Ba đẳng vị là: 7 tuổi trở lên, 13 tuổi trở
xuống gọi là Khu ô Sa di; 14 tuổi trở lên 19 tuổi trở xuống gọi là Ứng pháp Sa
di. (Đây là hợp với tuổi Sa di yêu cầu vì họ có thể thuận với pháp hạnh Sa di
mà làm, vì thế gọi là Ứng pháp Sa di); 20 tuổi trở lên, 70 tuổi trở xuống gọi
là Danh tự Sa di. (Người 20 trở lên 60 tuổi trở xuống vốn có thể thành Tỳ kheo,
chỉ vì nhân duyên chẳng đủ phải ở địa vị Sa di cho nên gọi là Danh tự Sa di).
Còn hai chủng loại là cạo tóc nhuộm áo (cải trang) nhưng chưa thọ Sa di thập
giới, gọi là Hình đồng Sa di (Hình thái tuy đồng Sa di nhưng vẫn chưa đủ tư
cách của Sa di, vẫn còn bản chất của người tục, vì thế gọi là Hình đồng Sa di).
Đã thọ Sa di thập giới gọi là Pháp đồng Sa di (Đây là chân thật Sa di, do thọ
trì giới pháp Sa di mà thành Sa di, vì thế gọi là Pháp đồng Sa di). Nay đem ba
vị và hai loại làm thành biểu đồ như sau: