Chương 3.
Sa Di Nương Theo Thầy Và Sa Di Xuất Gia
I. NGƯỜI NÀO CÓ THỂ LÀM THẦY CỦA
SA DI?
Tại Trung Quốc, Sa di là sản vật
của các ngôi chùa tư do con cháu truyền nhau từ đời này sang đời khác. Sa di,
cũng chỉ có đương gia trụ trì của chùa tư mới đủ tư cách thế độ. Trong đại tòng
lâm của thập phương đạo tràng, thà rằng thâu nhận Tỳ kheo giả mạo chưa đủ 20
tuổi thọ Tỳ kheo giới, chứ chẳng dung nạp Sa di nhỏ tuổi, để đề phòng nạn phe
đảng đấu tranh.
Trong Tăng đoàn của Phật chế,
người làm thầy thế độ Sa di không có đặc quyền về giai cấp. Sa di trong Tăng
đoàn, bất luận nơi nào cũng đều được vui vẻ tiếp nhận, không có chỗ gọi là chùa
tư của con cháu truyền nhau từ đời này sang đời khác, cũng không phân biệt là
của tòng lâm hay của thập phương đạo tràng. Phàm là đạo tràng của Phật giáo đều
là thập phương thường trụ, người xuất gia đến một đạo tràng bất luận là lớn hay
nhỏ, không có lý nào bị xem như người ngoài. Trụ ở chỗ nào thì có nghĩa vụ hộ
trì đạo tràng chỗ đó. Sa di đi theo thầy thế độ, nhưng khi vào trụ ở một đạo
tràng nào, ngoài việc phục tùng và hầu hạ vị thầy thế độ của mình còn phải chịu
sự sai khiến và phân phối công tác của thầy Tỳ kheo chấp sự đạo tràng. Vì thế
Sa di theo thầy đến một đạo tràng nào trụ, cũng tức là Sa di của đạo tràng đó.
Trong Tăng đoàn lúc Phật còn tại thế, chỗ nào cũng đều có sự hiện hữu và hoạt
động của Sa di, thậm chí ở trong Tăng đoàn không thể không có Sa di, nhân vì có
những việc Tỳ kheo không được làm, Sa di có thể thay làm.
Vì tính cách trọng yếu của Sa di
trong Tăng đoàn, nên chẳng phải vì họ tuổi nhỏ mà không được vui vẻ tiếp nhận.
Trên phương tiện tu chứng, Sa di
cũng có thể tu chứng như Tỳ kheo, nghĩa là dù tuổi tác nhỏ nhưng cũng có thể
chứng Tứ quả Sa môn. Vì thế, Đức Phật cũng khai thị mọi người chẳng nên khinh
thị người xuất gia nhỏ tuổi là muốn mọi người phải tôn trọng người xuất gia
tuổi nhỏ. Vì thế, cấp bậc của Sa di ở trong chúng xuất gia tuy nhỏ, cũng không
bị sự kỳ thị của người lớn.
Lợi dưỡng trong Tăng đoàn, Sa di
dường như được hưởng thụ quyền lợi ngang với Tỳ kheo, tỷ như trong Thập Tụng
Luật quyển 27 nói: “Sa di hoặc đứng hoặc ngồi, theo thứ tự được đàn việt bố thí
nhiều ít, nên thuộc về Sa di”. Lại nói: “Các đàn việt khi cho không phân biệt,
chia làm bốn phần, phần thứ tư cho Sa di”. Lại nói: “An cư phát y có phần cho
Sa di, vật cần dùng tuỳ thân của Tỳ kheo cũng có phần cho Sa di; Nhân duyên y
có phần cho Sa di, Phi thời y cũng có phần cho Sa di”.
Người độ Sa di xuất gia tuy
không có đặc quyền giai cấp, nhưng có sự hạn chế trên tư cách. Kinh Đại Tỳ kheo Tam Thiên Oai Nghi nói: “Tỳ kheo giới đủ 10
năm mới được độ người, nếu chẳng biết ngũ pháp thì suốt đời chẳng được độ
người”. Ngũ pháp là:
1. Thông hiểu sự lợi ích rộng
của hai bộ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni.
2. Giải quyết được nghi vấn và
tội khinh trọng đáng phạm của đệ tử.
3. Đệ tử ở phương xa đủ sức
khiến đệ tử quay về.
4. Phá được kiến chấp tà ác của
đệ tử và răn dạy đừng làm điều ác.
5. Nếu đệ tử bệnh, chăm sóc được
như cha nuôi con.
Lại nói: “Nếu người chẳng biết
năm việc ấy thì suốt đời không được độ người. Nếu độ người đắc tội Đột kiết
la”. Lại nói: “Tỳ kheo muốn độ Sa di phải có đủ năm việc:
1. Phải biết 4 bộ A Hàm.
2. Phải biết giới.
3. Phải biết kinh.
4. Phải có huệ.
5. Phải có đức”.
Lại nói: “Có năm điều:
1. Phải trì giới.
2. Phải không phạm giới.
3. Phải nhẫn nhục.
4. Phải hiểu được kinh.
5. Phải tự giữ tất cả”.
Nhân vì Hòa thượng thập giới của
Sa di là thầy thế độ. Nếu như thầy thế độ chưa hoàn tục, chưa tử vong, cũng
chưa đi phương xa, Hòa thượng truyền Cụ túc giới của Tỳ kheo cũng là thầy thế
độ, vì tư cách thế độ Sa di cũng phải đồng với tư cách của vị vì người làm Hòa
thượng Tỳ kheo giới. Trong Tăng Kỳ Luật quyển 28, có quy định 10 việc độ người
giữa thầy trò: “Phật nói, từ nay có 10 pháp thành tựu mới cho độ người xuất gia
thọ Cụ túc giới:
1. Trì giới
2. Học rộng A tỳ đàm (Luận)
3. Học rộng Tỳ ni (Luật)
4. Học giới
5. Học định
6. Học huệ
7. Có thể xuất tội và khiến cho
người xuất tội
8. Có thể săn sóc bệnh và sai
người săn sóc bệnh.
9. Đệ tử gặp nạn có thể sai
người đưa đi.
10. Đủ 10 tuổi hạ”
Lại nói: “Ít nhất phải đủ 10 năm
Tỳ kheo giới, và biết hai bộ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni mới được độ người xuất
gia”.
Thiện Kiến Luật nói: “Nếu chẳng
biết Luật, chỉ biết Tu đa la (Kinh), A tỳ đàm (Luận) thì chẳng được độ Sa
di”
Tổng hợp 3 bản luật đã nêu ở
trên về những điều kiện cần phải có của thầy độ trò, có thể đưa đến kết luận:
Vì người làm thầy độ Sa di, tốt hơn hết là đủ 10 đức như trong Tăng Kỳ Luật
nói. Nếu không được như vậy, ít nhất cũng phải đủ hai điều kiện:
1. Tỳ kheo giới lạp phải đủ 10
năm.
2. Thông hiểu hai bộ Tỳ kheo, Tỳ
kheo ni.
Nếu thiếu một trong hai điều
kiện thì không đủ tư cách thế độ Sa di, nguyên nhân là chính mình chưa đủ 10 hạ
rất khó thông suốt luật nghi. Nếu không thông hiểu hành trì tác pháp của luật
nghi trong cuộc sống hằng ngày qua trì phạm khai giá, cấp bậc khinh trọng, thì
lấy gì để răn dạy đệ tử? Điều này ở trong luật có tỷ dụ chính mình chưa rời vú
mẹ làm sao có thể cho người khác bú?
Tỳ kheo cũng chỉ có thể thế độ
Sa di, không được thế độ Sa di ni, vì chính Đức Phật cũng chưa từng đích thân
độ người nữ xuất gia. Phật từng đích thân độ nhiều Tỳ kheo, và cũng độ hai
người Sa di là Nan Đề và Da Xá nhưng chưa từng đích thân độ một nữ chúng (Luận
Tát Bà Đa, quyển 2); điều này trong luật có ghi. Ni chúng đầu tiên là do Bát
Kính pháp mà xuất gia, về sau do ni chúng thế độ ni chúng. Vì thế trong văn Sa
di ni giới có nói: “Tự chẳng phải Thánh Bồ tát, A la hán chẳng nên độ ni”.
Người nữ có thể ở trong Phật pháp xuất gia, song vì phòng ngừa sự dần dần ái
nhiễm, ngăn dứt tiếng chê bai, nên chẳng cho Tỳ kheo thế độ người nữ xuất gia.
Tỳ kheo cũng chẳng được làm Hòa thượng của Tỳ kheo ni, chỉ có thể làm Yết ma A xà
lê, Giáo thọ A xà lê của Ni chúng.
Sa di ni phải do Tỳ kheo ni thế
độ, tư cách phải có của Tỳ kheo ni ấy đại khái cũng đồng như Tỳ kheo độ Sa di.
Chỗ bất đồng là Tỳ kheo ni phải đủ 12 năm giới lạp trở lên mới cho độ người
xuất gia.
II. QUY CỦ THẾ ĐỘ SA DI
Không luận Tỳ kheo, Tỳ kheo ni,
trừ những tư cách nói trên cần phải đầy đủ, còn phải cầu được sự đồng ý của đại
chúng trong Tăng đoàn, vì thế trong luật có một thứ Yết ma xin độ Sa di (Sa di
ni). Nếu muốn độ người xuất gia, trước tiên phải cầu xin trong Tăng đoàn, nếu
như đại chúng trong Tăng đoàn thấy rằng người này đã có đủ 10 hạ, đã có năng
lực răn dạy đệ tử, đã có đủ sức lo những nhu cầu cơm áo cho đệ tử, bèn chấp
nhận. Bằng không thì không chấp nhận, không cho được độ người xuất gia. Nếu như
đại chúng trong tăng đoàn chưa có thể tập họp lại một chỗ, Tỳ kheo (hoặc Tỳ
kheo ni) độ người phải đi từng phòng bạch cho đại chúng đều biết, được sự đồng
ý của đại chúng rồi, sau đó mới được thế độ cho người.
Ở đây có 2 lý do:
1. Đã từng có Tỳ kheo tự mình
không đủ tư cách làm thầy độ người mà làm thầy độ người, sau khi độ người chẳng
thể răn dạy đúng như pháp, không đủ sức cung cấp nhu cầu cơm áo đúng như pháp,
khiến cho người ngoài chê bai, vì thế cần phải được sự đồng ý của đại chúng và
do đại chúng đánh giá tư cách của ông thầy độ người.
2. Đã từng có Tỳ kheo độ một đứa
bé xuất gia mà chưa được sự đồng ý của cha mẹ đứa bé, cũng chưa được sự chấp
nhận của đại chúng trong Tăng đoàn, cha mẹ của đứa bé vào tự viện hỏi, các Tỳ
kheo khác đều không biết sự việc nên nói chưa thấy đứa bé này. Thật ra, cha mẹ
đứa bé đã phát giác ra con mình cạo tóc xuất gia rồi, do đó chê trách các thầy
Tỳ kheo là người có đạo mà lại vọng ngữ. Vì thế Đức Phật quy định muốn độ người
xuất gia, trước tiên cần phải được Tăng đoàn chấp nhận.
Số người được độ xuất gia cũng
có hạn chế. Trong Kinh Tỳ Ni Mẫu quyển 8
có quy định như vầy: “Đệ tử thọ Tỳ kheo Cụ túc giới rồi, trong 12
tháng phải dạy cho người đệ tử ấy tất cả pháp của một Tỳ kheo, rồi sau đó mới
được cho một đệ tử khác thọ Cụ túc giới, nếu chưa đủ 12 tháng chẳng được cho
thọ giới. Sa di thọ đại giới rồi, sau đó mới được nhận một Sa di khác”. Đây là
nói khi đệ tử thứ nhất thọ Tỳ kheo giới, trong 12 tháng không được độ Sa di
xuất gia, phải sau 12 tháng của người Sa di thứ nhất thọ Tỳ kheo giới, mới được
độ người Sa di thứ hai. Cũng trong quyển 8 của Kinh này nói: “Sa di ni thọ giới
Thức xoa ma na ni, trong 2 năm, không được độ một Sa di ni khác. Sau khi Thức
xoa ma ni thọ Cụ túc (Tỳ kheo ni) giới rồi mới được độ Sa di ni khác. Tỳ kheo
ni cũng phải như Đại Tăng (Tỳ kheo), trong 12 tháng phải dạy đệ tử tất cả những
pháp phải làm, sau đó nếu Thức xoa ma ni muốn thọ Cụ túc giới, nên cho phép thọ
Cụ túc giới”. Theo đây, điểm tương đồng với Tỳ kheo là trong một năm chỉ có thể
cho một người đệ tử thọ Cụ túc giới, nhưng có chỗ không tương đồng là trong 2
năm chỉ có thể độ một đệ tử Thức xoa ma na ni, một đệ tử Sa di ni.
Trong Hành Sự Sao 4, quyển hạ,
của Luật sư Đạo Tuyên nói: “Tứ Phần Luật không cho đồng thời nuôi hai Sa di”.
Lại nói: “Trong Tăng Kỳ Luật không cho nuôi nhiều Sa di, chỉ cho nuôi từ một
đến ba người là nhiều nhất”.
Quy định không cho đồng thời thế
độ hai người Sa di xuất gia, có hai lý do:
1. Đã từng có một Tỳ kheo đồng
thời nuôi hai Sa di, hai Sa di ấy do không hiểu biết, lại sinh tham dục đến đỗi
hai người hành dâm với nhau. Vì phòng ngừa sự kiện tương tự như thế phát sinh,
nên chỉ cho có một Sa di.
2. Đệ tử Sa di nhiều, sức dạy dỗ
và cung cấp của thầy thế độ thường thường không thể lo tròn. Các đệ tử Sa di
không được giáo dục và cung cấp đầy đủ chỉ làm lụy đến con em người và làm hại
Phật giáo, vì thế chẳng được đồng thời nuôi nhiều Sa di. Song trong luật cũng
có khai lệ: Nếu như vị thầy trí huệ cao sâu, phước lực thù thắng có đủ khả năng
dạy dỗ dưỡng nuôi thì không ngại gì nuôi hai Sa di trở lên.
Trong luật có nói: “Bậc thầy
phân làm 4 hạng:
1. Có pháp lại có cơm áo.
2. Có pháp mà không có cơm áo.
3. Có cơm áo mà không có pháp.
4. Không có pháp cũng không có
cơm áo.
Vị thầy lý tưởng của đệ tử dĩ
nhiên là vị Đại đức Tỳ kheo đã có pháp để học, lại có cơm áo để dùng. Đệ tử
theo hầu dưới tòa của vị Tỳ kheo ấy chẳng nên ly khai. Nếu như Tỳ kheo có Phật
pháp để học mà không có cơm áo để dùng cũng không nên ly khai, vì Phật pháp khó
được, cơm áo dễ được. Nếu như Tỳ kheo chỉ có cơm áo nhưng không có Phật pháp
thì chẳng đủ tư cách làm thầy. Đến như Tỳ kheo không có Phật pháp cũng không có
cơm áo, quyết không nên theo thờ người ấy làm thầy.
Thật ra, người chỉ biết thâu
nhiều đồ chúng xuất gia mà tự mình lại không thể dạy dỗ đệ tử xuất gia đúng như
pháp, ấy là có tội. Như trong Kinh Bồ tát Thiện Giới quyển 4 nói: “Chiên đà la (người hạ tiện làm nghiệp
ác) và kẻ đồ tể tuy làm nghiệp ác nhưng không phá hoại chánh pháp Như Lai thì
không nhất định phải đọa trong ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh). Làm
thầy mà không dạy răn đệ tử là phá hoại Phật pháp, nhất định sẽ bị đọa trong
địa ngục. Vì danh dự mà chứa nuôi đồ chúng gọi là tà kiến, là đệ tử ma”.
Vậy mà người xuất gia ngày nay
có được bao nhiêu vị thông hiểu hai bộ luật? Như muốn hợp với quy định, cơ hồ
không ai dám độ người thế tục xuất gia. Nếu tự mình không thể giáo dục đệ tử,
thì ít nhất cũng phải nhờ người khác thay mình giáo dục. Do đó, sự xuất hiện
của Phật học viện là rất hợp thời.
III.
NGHI THỨC CỦA SA DI XUẤT GIA
Sa di cần phải xuất gia, sau khi
xuất gia và thọ thập giới, nếu chưa phải là một Pháp đồng Sa di, thì được gọi
là Hình đồng Sa di.
Xuất gia có nghi thức xuất gia,
các chùa tư ở Trung Quốc thâu nhận người xuất gia nhưng rất ít khi cử hành nghi
thức xuất gia, vì họ không biết phải cử hành nghi thức xuất gia như thế nào,
cũng không hiểu được nghi thức xuất gia là đáng quý, đây là điều rất đáng tiếc!
Nghi thức tuy là sự biểu hiện
hình thức, nhưng lại ảnh hưởng đến sự chuyển biến của tâm lý. Vì thế, không
luận là một tôn giáo nào cũng đều có nghi thức của tôn giáo đó, cho đến tôn
giáo tín ngưỡng của thời cổ sơ, tuy không có luân lý của tôn giáo, song họ lại
lấy nghi thức tôn giáo làm trung tâm của tín ngưỡng. Nếu như chuyện phụng sự
cho sự cử hành nghi thức mà không có giá trị luân lý của tôn giáo tín ngưỡng
như là tôn giáo thời cổ sơ, đây là điều mà Phật giáo phản đối, như tăng lữ Bà
la môn ở thời Đức Phật, chỉ biết nghi thức tôn giáo phiền phức mà không biết
giá trị lý tánh của tôn giáo. Thậm chí Phật giáo của thời kỳ đầu vốn không có
một nghi thức tôn giáo nào cả, nhưng về sau Tăng chúng đông nên cần phải có
nghi thức. Nghi thức thế độ Sa di xuất gia hình thành sớm nhất cũng là từ việc
La Hầu La xuất gia, cho đến toàn bộ giới luật đều do nơi sự cần thiết mà thành
lập. Mỗi khi Đức Phật phát hiện ra một vấn đề liền làm một quy định cho đại
chúng trong Tăng đoàn, thậm chí tùy theo sự phát triển của hiện thực mà phải
đem quy định này tu chỉnh năm sáu lần, sau cùng mới thành một điều giới luật.
Nghi thức của Sa di xuất gia
trong Hành Sự Sao 4, quyển hạ có quy định rõ ràng, đó là do Luật sư Đạo Tuyên
căn cứ vào tư liệu của Tứ Phần Luật Độ Nhân
Kinh, Luận Thiện Kiến biên tập thành. Đầu tiên, nghi thức này là do
các thầy Tỳ kheo tùy tiện tiếp thọ Sa di xuất gia mà không thể dạy bảo đúng như
pháp. Người được độ cũng không thể sinh hoạt ở trong Tăng đoàn đúng như pháp,
vì thế mới quy định: Phải do đại chúng trong Tăng đoàn họp lại một chỗ vì người
được độ bạch nhị yết ma, nghĩa là vị Tỳ kheo độ người ở trước đại chúng của
Tăng đoàn đủ oai nghi ba lần xin, người Yết ma của đại chúng trong Tăng đoàn
đem ý của Tỳ kheo xin độ người này tuyên bố một lần trước đại chúng, rồi lại
nói hai phen trưng cầu đồng ý (đây gọi là bạch nhị yết ma). Nếu như trong đại
chúng không có sự dị nghị, thì kể như im lặng nhận là đồng ý, Tỳ kheo độ người
mới được thế độ Sa di.
Nhưng, Sa di xuất gia phải có
hai thầy: Một vị là thầy thế độ cũng là Hòa thượng truyền giới, còn một vị nữa
là Giáo thọ A xà lê. Vì thế, người xuất gia phải trước lễ thỉnh Hòa thượng, rồi
Hòa thượng thay thế cho Sa di thỉnh A xà lê.
Người xuất gia sau khi thỉnh hai
vị thầy xong, ở trong đạo tràng phải thiết lập sẵn hai tòa chuẩn bị cho hai
thầy ngồi. Sau đó dùng nước thơm tắm gội, xong vẫn mặc y phục thế tục hướng về
cha mẹ tôn trưởng của tục gia lạy từ biệt mỗi người, rồi quỳ xuống nói kệ:
“Lưu
chuyển tam giới trung
Ân ái bất năng thoát
Khí ân nhập vô vi
Chân thật báo ân giả”
(Trôi lăn trong ba cõi
Ân ái không thể thoát
Bỏ ân nhập vô vi
Là chân thật báo ân).
Nói kệ xong, cởi bỏ y phục thế
tục, mặc tăng phục, vào đạo tràng đến trước Hòa thượng chắp tay. Hòa thượng nói
về các tướng bất tịnh của thân người như lông, tóc, móng, răng, da …, để cho
người xuất gia ấy quán thân bất tịnh, như huyễn không thật, chán bỏ sinh tử mà
quyết chí xuất gia. Kế đó, người xuất gia đến trước A xà lê, được Ngài dùng
nước thơm rải lên đảnh và đọc kệ tán thán:
“Thiện
tai đại trượng phu
Năng liễu thế vô thường
Xả tục thú nê hoàn
Hy hữu nan tư nghì”
(Hay thay đại trượng phu
Hiểu thế gian vô thường
Bỏ tục hướng Niết bàn
Hy hữu khó nghĩ bàn).
Người xuất gia lễ thập phương
chư Phật và tự nói kệ:
“Quy y
Đại Thế Tôn
Năng độ tam hữu khổ
Diệc nguyện chư chúng sinh
Phổ nhập vô vi lạc”.
(Quy y Đại Thế Tôn
Hay độ ba cõi khổ
Cũng nguyện các chúng sinh
Đều nhập vô vi lạc).
Tiếp theo, A xà lê liền cạo tóc
cho người xuất gia ấy. Nếu có Điển lễ, thì đồng tụng bài kệ xuất gia:
“Hủy
hình thủ chí tiết
Cát ái từ sở thân
Khí gia, hoằng Thánh đạo
Nguyện độ nhất thiết nhân”
(Hủy hình giữ chí tiết
Cắt ái từ mẹ cha
Bỏ nhà, hoằng Thánh đạo
Nguyện độ hết mọi người).
A xà lê phải để lại vài cọng tóc
ở trên đảnh người xuất gia, sau đó người ấy đến quỳ trước Hòa thượng. Hòa
thượng cầm dao cạo tóc hỏi: “Hiện tại vì ông cạo tóc trên đảnh được không?”.
Sau khi người xuất gia đáp: “Vâng ạ!”, Hòa thượng bèn cạo tóc trên đảnh, tiếp
theo truyền trao ca sa. Người xuất gia phải đội trên đảnh để thọ, thọ rồi giao
lại cho Hòa thượng. Qua lại ba lần truyền trao ca sa, Hòa thượng bèn mặc cà-sa
(y không có tướng điều) cho người xuất gia và nói kệ:
“Đại
tai! Giải thoát phục
Vô tướng phước điền y
Phi phụng trì giới hạnh
Quảng độ chư chúng sinh”.
(Lớn thay! Áo giải thoát
Y vô tướng phước điền
Mặc vâng làm giới hạnh
Rộng độ các chúng sinh).
Người xuất gia mặc cà-sa đi lễ
Phật và đi quanh giới đàn ba vòng, tự nói kệ mừng:
“Ngộ tai
trị Phật giả
Hà nhân thùy bất hỷ?
Phước nguyện dữ thời hội
Ngã kim hoạch pháp lợi”.
(Nếu được gặp Đức Phật
Người nào không vui mừng?
Phước nguyện gặp đúng lúc
Con nay được pháp lợi).
Tiếp theo, người xuất gia lễ tạ
hai thầy, rồi ngồi ở dưới tiếp thọ bà con ở trong gia đình thế tục đến chúc
mừng.
Đây là nghi thức rất đơn giản,
nếu như tỉnh lược chẳng làm, thật không biết nói sao! Nhưng trong Ký Quy Truyện quyển ba của Tam Tạng Nghĩa Tịnh lại càng
giản đơn hơn, Ngài nói: “Tăng chúng chấp nhận rồi, Hòa thượng vì người xuất gia
thỉnh A giá ly da (tức A xà lê) có thể ở chỗ vắng bảo người cạo tóc cạo râu cho
người xuất gia, và bảo người ấy tắm rửa, rồi Thầy đích thân mặc áo quần để cho
kiểm soát chẳng phải huỳnh môn. Kế đưa cho cái y bảo đội lên đầu mà thọ. Mặc
pháp y xong liền trao bát cho. Đây gọi là xuất gia”. Ở đây có một điều là Hòa
thượng mặc quần áo cho người xuất gia sau khi tắm gội xong là để kiểm tra người
nam hoặc nữ, sinh lý có bình thường không? Nếu không bình thường, không được
thế độ.