THIÊN
THỨ NĂM. Sa Di Thập Giới Và Thức Xoa Lục Pháp
Chương 1.
Xuất Gia Và Mục Đích Của Xuất Gia
I.
XUẤT GIA LÀ GÌ?
Trong văn Bát giới đã có nói đến
Bát giới là thọ trì từng ngày của giới xuất gia Sa di, nhưng thọ trì Bát giới
lấy người tại gia làm chủ yếu, vì thế so với Sa di giới thiếu một điều giới
“cầm giữ tiền bạc” nên vẫn là một thứ giới tại gia. Giới xuất gia chân chính mở
đầu từ Sa di thập giới, Sa di không thọ thập giới không được kể là người xuất
gia hợp cách; vì thế, Sa di thập giới là cơ sở của xuất gia. Mục đích của giới
xuất gia là cầu đắc đạo Niết bàn giải thoát sinh tử. Ba đời chư Phật ở tại nhân
gian thành Phật đều là hiện tướng xuất gia, không có Đức Phật nào không xuất
gia mà thành Phật, vì thế Sa di giới lại là cơ sở của đạo Giải thoát. Xuất gia
chẳng phải là điều Phật giáo phát minh trước nhất, cũng chẳng phải chỉ Phật
giáo mới có. Ở Ấn Độ, trước khi Đức Thế Tôn Thích Ca giáng sinh đã có nhiều thứ
ngoại đạo. Sa môn (Samana) có nghĩa là dứt tâm, hoặc tịnh chí, là tên gọi chung
của Ấn Độ đối với các loại người xuất gia. Sau khi Phật giáo sáng lập, để phân
biệt với Sa môn ngoại đạo (như Sa môn Bà la môn) cho nên gọi người xuất gia của
Phật giáo là Sa môn Thích Tử, nghĩa là đệ tử xuất gia của Phật Thích Ca.
Quan niệm về hình thái tu hành
gần như là hiện tượng chung của các tôn giáo cao cấp trên thế giới. Mục đích
tối cao của tôn giáo đều là tìm cầu sự giải thoát ra khỏi nhục dục và sự tự tại
của tâm linh. Vì thế, một tôn giáo được gọi là tôn giáo, bất luận là thủ đoạn
và phương pháp như thế nào, sự tìm cầu của nó tất nhiên cũng là xuất thế.
Chính vì sự yêu cầu xuất thế,
nên sinh hoạt xuất gia trên tinh thần cấm dục vẫn là trình tự tất nhiên của sự
tu hành.
Do đó, trừ Hồi giáo ra, các tôn
giáo cao cấp Đông phương, Tây phương đều có bao hàm ít nhiều sắc thái xuất thế
hoặc tư tưởng cấm dục.
Hình thái xuất gia, tuy các tôn
giáo đều có, song xuất gia mà được thật sự đạt đến cảnh giới giải thoát sinh tử
thì chỉ có Phật giáo. Do vì hình thái xuất gia tuy gần giống nhau, nhưng nội
dung xuất gia hoàn toàn bất đồng. Xuất gia theo các tôn giáo khác dù có lý do
và phương pháp tu trì của họ, song đó là điều dường như đúng mà sai, vì tu
luyện mù quáng, tự tìm khổ cực, không có căn cứ, cho đến xuất phát từ sự chấp
trước cuồng nhiệt và sự mê tín vô lý. Còn sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo là
đặt nền móng trên nhân tánh từng cấp thăng hoa, là xuất phát từ lý trí phán
đoán quyết trạch, là từ trong cảnh giới đích thân chứng ngộ của Phật lần lượt
lưu xuất, chứ không phải là cấm dục cực đoan, mà là căn cứ vào suối nguồn lý
tánh thuận với sự đề cao nhân tánh mà tiếp thông thấu suốt với sinh hoạt xuất
gia. Vì thế, sinh hoạt xuất gia của Phật giáo là đặt nền tảng quan hệ của nhân
luân để làm thăng hoa từng bậc, từ sinh hoạt tại gia của ngũ giới, bát giới,
đến sinh hoạt xuất gia của Sa di thập giới và Tỳ kheo giới. Ngũ giới đặt nền
móng từ quan niệm luân lý của xã hội loài người. Do đây, Phật giáo dù mong muốn
mọi người đều tin Phật, học Phật, nhưng tuyệt nhiên không ép buộc mọi người đều
phải xuất gia. Muốn biết người nào đã có thích nghi với sự xuất gia ở trong
Phật giáo hay không, chỉ cần xem người đó có tiếp thọ được tinh thần của giới luật
hay không (do quan niệm luân lý thăng hoa mà thành). Giới luật xuất gia do quan
niệm luân lý thăng hoa làm thành, đó là đạo Niết bàn giải thoát sinh tử. Đây
chẳng phải là sự siêu xuất sinh tử một cách đột nhiên, mà là do nhân tánh của
luân lý nhân gian hoặc sự thăng hoa từng cấp của lý tánh hoàn thành. Vì nơi đây
chẳng phải là vô căn cứ, mà là đặt trên nền móng thăng hoa sinh hoạt tại gia
của cái nhân sinh tử; cuối cùng, do sự thoát xác để đạt đến cảnh giới Niết bàn
siêu thoát sinh tử. Điều này hoàn toàn bất đồng với hình thức và quan niệm của
thần giáo dựa vào lực lượng của Thượng đế cứu chuộc. Thượng đế cứu thế của
ngoại đạo là tố cáo sự mê tín của thần bí, cho đến tương tợ như ma thuật hoặc
ma túy của tính chất thôi miên, có thể chân chính đạt đến mục đích giải thoát
sinh tử được ư?
II. TÍNH CHẤT VÀ TÁC DỤNG CỦA SỰ
XUẤT GIA
Trong Phật giáo, người xuất gia
phân làm 5 hạng là Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Năm
hạng này là 5 đẳng cấp, hoặc 5 loại. Người nam thọ thập giới rồi gọi là Sa di.
Người nữ thọ thập giới gọi là Sa di ni. Người nam thọ toàn bộ giới của giới
xuất gia gọi là Tỳ kheo ni. Thức xoa ma na là một quá trình của giai đoạn giữa,
từ Sa di ni đến Tỳ kheo ni. Mỗi một Sa di ni cần phải trải qua quá trình hai
năm Thức xoa ma na, mới có thể thọ giới Tỳ kheo ni và trở thành Tỳ kheo ni. Đây
chủ yếu là đề phòng người nữ lúc ở thế tục mang thai rồi đi xuất gia nên mới
quy định như thế, nhân vì thời gian của Sa di ni không hạn định. Nếu người xuất
gia lúc 18 tuổi thọ Sa di ni thập giới xong liền thọ pháp Thức xoa ma na, trải
qua 2 năm không có hiện tượng mang thai, tập quen sinh hoạt xuất gia, đến 20
tuổi có thể thọ Tỳ kheo ni giới.
Về tính chất xuất gia, Phật giáo
phân làm ba loại:
1. Thân tâm đều xuất gia: Thân
thể trụ ở rừng núi, tự viện, là thân xuất gia. Trong tâm không còn luyến, mộ
khoái lạc của ngũ dục thế tục, chẳng kể danh lợi được mất, là tâm xuất gia. Đây
là phép tắc xuất gia chân chính, cũng là bổn phận của người xuất gia.
2. Thân xuất gia, tâm chẳng xuất
gia: có người tuy cạo tóc mặc tăng phục, trụ tự viện, không cưới vợ, không lấy
chồng, hoặc cũng giữ được thân thanh khiết; song nội tâm của họ lại khao khát
tưởng nhớ đến ngũ dục. Họ vì sinh hoạt cho đến vì danh vọng và địa vị xã hội mà
xuất gia. Đối với phương thức sinh hoạt của xuất gia tuy họ không cảm thấy hứng
thú, nhưng vì vấn đề sinh hoạt và sự bó buộc của quan hệ xã hội nên miễn cưỡng
xuất gia. Những hạng người này thật đáng thương xót, họ không được cái thú vị
của sinh hoạt hiện thực, cũng không được sự lợi ích của Phật pháp, họ lại sẽ bị
quả báo đời vị lai rất đáng sợ, do vì họ đối với tín ngưỡng Phật giáo có vấn
đề, nên sinh hoạt xuất gia của họ cũng không thể hoàn chỉnh và có lỗi lầm. Vì
thế, đây là một loại người xuất gia bị Phật quở trách, rất thường thấy ở thời
mạt pháp.
3. Tâm xuất gia, thân chẳng xuất
gia: Đây là Bồ tát đã chứng thánh vị, các Ngài không tham luyến cái vui ngũ
dục, vì hóa độ chúng sinh nên thường hóa hiện thân phận người tại gia có vợ
sinh con, như các Ngài: Duy Ma, Hiền Hộ. Các Ngài tuy ở tại gia có vợ con,
nhưng tâm các Ngài không nhiễm, không đắm, không tham, không dục, thanh tịnh
sáng suốt. Nhưng đây không phải là phép tắc thông thường của xuất gia, nên
chẳng thể thành phương thức của sinh hoạt xuất gia.
Phương thức sinh hoạt xuất gia
của Phật giáo cũng có tác dụng nhiều tầng:
1. Vì lý do liễu sinh thoát tử
mà có: Đây là đặt nặng sự hướng về tinh thần xuất thế mà có yêu cầu của sinh
hoạt xuất gia.
2. Vì lý do cảnh tỉnh và dẫn dắt
thế tục mà có: Đây là vì đối trị những người mê luyến trong trận đồ thanh sắc,
chìm đắm say sưa trong biển ngũ dục mà mở ra pháp môn thức tỉnh và giải độc.
3. Vì lý do Phật pháp trụ ở thế
gian mà có: Đây là để ý vào sự kiến lập Tăng đoàn mong có quy luật để vĩnh cửu
triển khai và nối tiếp nhiệm vụ hoằng dương Phật pháp.
Nhưng đã xuất gia trong Phật
pháp, tuyệt đại đa số phải có toàn bộ tác dụng của ba thứ: Đối với chính mình
là cầu giải thoát sinh tử, đối với người khác là vì cảnh tỉnh dẫn dắt thế tục,
đối với Phật giáo là vì trụ trì hoằng dương. Ba điều này thiếu một thì không
hoàn mỹ, xuất gia mà không tự cầu thoát sinh tử thì chẳng cần xuất gia. Xuất
gia mà không cảnh tỉnh dẫn dắt thế tục, ấy là trái với tinh thần Phật pháp giáo
hóa thế gian. Xuất gia mà chẳng trụ trì Phật pháp, ấy là cô phụ lớn lao cái ân
của Phật.
III. MỤC ĐÍCH CỦA XUẤT GIA
Có người quan niệm ý nghĩa của
xuất gia gần như đồng với tự sát. Ở trên sự nghiệp tình ái kim tiền, danh vị bị
đã kích quá nặng, gặp sự thất bại chẳng thể vãn hồi, vì thế tâm ý lạnh lẽo,
không còn có dũng khí đối diện với hiện thực. Lúc không còn muốn phấn đấu nữa,
thì con đường thứ nhất rất giản đơn là dùng phương pháp tự sát kết thúc cái
sinh mạng không biết phải làm sao. Con đường thứ hai tuy không giản đơn nhưng
cũng rất dễ là lánh vào cửa Phật, cạo tóc xuất gia làm bạn với mõ chuông cho
qua kiếp sống tàn. Quan niệm này tuyệt đối không phải là Bản lai diện mục của
xuất gia Phật giáo, nhưng cũng không thể phủ nhận thật có những nhân vật như
thế đi vào cửa Phật xuất gia. Những nhân vật này đi vào cửa Phật không có sự
kiến lập lớn lao và cũng không đến nỗi có sự phá hoại lớn lao, nhưng trên xã
hội, sự kỳ thị đối với Tăng lữ của nhà Phật là do những người này mà ra. Thật
ra, đệ tử xuất gia thời Phật còn tại thế đa số là Tỳ kheo ở nhân gian, chỉ một
thiểu số ở núi rừng là Tỳ kheo A lan nhã chuyên trì giới và tu thiền. Tỳ kheo ở
nhân gian là người xuất gia lấy sự hành hóa nhân gian làm chủ yếu. Người xuất
gia vốn giải thoát sinh tử cố nhiên phải tu thiền, tu thiền cố nhiên là liễu
sinh thoát tử, song nếu tham đắm cái vui thiền định thế gian thì trái lại, nhân
vì tu tập thiền định mà làm chướng ngại pháp môn giải thoát sinh tử.
Vì thế, người xuất gia Phật giáo
lấy sự cầu trí huệ làm mục đích thứ nhất, đem trí huệ giáo hóa nhân gian làm
nhiệm vụ chủ yếu bậc nhất. Đến như trì giới làm một phương pháp đoạn tuyệt cái
nhân sinh tử; song, chỉ trì giới mà chẳng nhàm lìa sinh tử, thì công đức trì
giới chỉ có thể được quả báo nhân thiên, chớ chẳng thể liễu sinh thoát tử. Như
chỉ cầu tự mình giải thoát mà không trợ giúp cho người khác giải thoát, tối đa
thành A la hán chứ không thể thành Phật. Trong phương pháp tu trì của Phật
giáo, ba môn học Giới, Định, Huệ đều được coi trọng. Mục đích của trì giới và
tu định là để sinh huệ. Công dụng của huệ là chỉ đạo tự mình tu giới, định, và
độ người khác giải thoát, vì thế trong ba môn không thể thiếu một môn và lấy
huệ làm trung tâm. Đây là một điểm sẽ được thảo luận kỹ càng trong văn nói Bồ
tát giới thiên thứ bảy.
Người xuất gia buông bỏ tất cả
thấy suốt tất cả, không tranh thị phi, không phân biệt nhân ngã, trường đoản,
vì thế rất khó được. Nhưng cũng vì thế mà bị một số người hiểu lầm cho rằng đây
là biểu hiện của tư tưởng tiêu cực. Kỳ thật, người xuất gia của Phật giáo chính
mình buông bỏ, thấy suốt, và dạy người khác buông bỏ, thấy suốt, ấy là tích
cực. Tội ác và họa loạn của nhân gian đâu chẳng phải toàn là do người buông
không xuống, thấy không suốt mà tạo ra ư? Người xuất gia chúng ta một bên dạy
chính mình và một bên dạy người khác buông bỏ, thấy suốt, đồng thời cũng dạy
chính mình và người khác lập tức đảm đương. Danh lợi, tư dục, cần phải buông
bỏ, thấy suốt; cứu người giúp người cần phải lập tức đảm đương. Đây có thể kể
là tiêu cực được ư?
Vì thế, mục đích xuất gia của
Phật giáo: Một là tự mình cầu giải thoát, hai là trợ giúp người khác giải
thoát, và lấy việc tự cứu mình cứu người đồng được giải thoát làm mục đích.
Phật giáo có một câu cổ huấn:
“Xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải việc quan tướng có thể làm
được”. Tôi xin giải thích như vầy: Quan tướng là điển hình của hào kiệt, đại trượng
phu là điển hình của Thánh Hiền. Hào kiệt dựa vào khí thế mà thành. Thánh Hiền
bám vào khí chất mà thành. Khí chất của Thánh Hiền có thể hàm dung khí thế của
hào kiệt, trong khi khí thế của hào kiệt chưa chắc có khí chất của Thánh Hiền.
Người xuất gia của Phật giáo lấy Phật làm điển hình để noi theo. Phật vì giải
thoát cái khổ sinh tử của chúng sinh và giải đáp câu đố sinh tử cho chúng sinh
mà xuất gia tu chứng. Mục đích của người xuất gia trong Phật giáo, trên nguyên
tắc là giống như Phật: Ra khỏi nhà thế tục, lìa bỏ vợ con, là đi ra khỏi cái
nhà khổ hải của cái khổ sinh tử và cũng là vì trợ giúp người khác cho đến tất
cả chúng sinh cũng ra khỏi được cái nhà khổ hải của cái khổ sinh tử. Vì thế
trong Phật giáo, tốt nhất là nên xuất gia vào lúc tuổi trẻ, sức lực còn cường
tráng. Nếu vì thất bại trên đường tình ái và sự nghiệp mà xuất gia, Phật giáo
tuy không cự tuyệt song cũng không cổ động và không thể nào nhiệt liệt hoan
nghinh những kẻ ấy.