Chương 2.
Phương Pháp Và Lợi Ích Của Quy Y Tam Bảo
I. QUY Y TAM BẢO NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi chúng ta đã có khái niệm
về quy y Tam bảo rồi thì phải nên quy y Tam bảo.
Về nghi viết quy y Tam bảo, lúc
đức Phật còn tại thế, nhân vì căn khí của người thọ quy y sâu dày, thế nên cũng
không có dùng nghi tiết gì. Như đệ tử Tam bảo đầu tiên của đức Phật Thích Ca là
cha của Da Du Già ở trước Phật nói: “Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y
Tăng, cúi xin Thế Tôn nhận cho con làm Ưu bà tắc”. Nói như thế, được xem là thọ
tam quy rồi.
Nói theo thực tế, trước khi đức
Phật chưa độ 5 Tỳ kheo, trên đời không có Tỳ kheo Tăng bảo, Phật truyền tam quy
cho hai người lái buôn, Long vương, và xướng tam quy, là muốn họ quy y vị lai
Tăng.
Điều đó đủ biết Tam bảo là một
thể; quy y Phật, quy y Pháp mà chẳng quy y Tăng thì cũng chẳng thành quy y.
Câu nói quy y tam bảo thật rất
đơn giản, nhưng trước khi quy y, tốt hơn hết là học cho thuộc. Từ trước đến nay
người thọ quy y đều ở ngay lúc quy y do vị thầy truyền quy y nói một câu thì
nói theo một câu. Có người do vị thầy truyền quy y nói chẳng rõ, hoặc do trong
lòng mình rối rắm, nên sau khi quy y rồi lại chẳng biết nội dung của những lời
quy y là gì. Quy y như thế chẳng thành quy y.
Lời nói quy y có tam quy, tam
kết như sau: Con là…(tên tục) suốt đời quy y Phật, suốt đời quy y Pháp, suốt
đời quy y Tăng (nói 3 lần). Quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi
(cũng nói 3 lần). Trước nói quy y 3 lần chánh thọ tam quy y giới, sau là tam
kết của quy y. Chỗ trọng yếu của quy y là lúc nói ba lần chánh thọ tam quy,
nhận lấy giới thể vô tác của tam quy cũng ở chỗ này chánh thọ. Tốt hơn hết là
ngay lúc chánh thọ tam quy phải quán tưởng: Lúc nói văn quy y lần thứ nhất, do
công đức phát tâm của mình cảm nhận mười phương đại địa chấn động và có mây
công đức từ mười phương đại địa bay lên. Lúc nói văn quy y lần thứ hai, mười
phương nổi mây công đức từ từ kết tập trên đỉnh đầu thành hình lọng hoa. Lúc
nói văn quy y lần thứ ba, lọng mây bằng mây này liền thành hình cái phễu từ từ
rơi xuống đảnh của mình, thấm khắp toàn thân và từ trong thân tỏa ra khiến cho
thân tâm của mình tùy theo sự toả rộng của mây công đức mà đầy khắp mười phương
thế giới. Đến đây tự mình đã nhận xong giới thể của tam quy, thân tâm của mình
cũng theo công đức của giới thể cùng vũ trụ đồng một thể lượng. Thử nghĩ, quy y
như vậy thì thiêng liêng và trang trọng biết bao!
Nếu như không quán tưởng được
như thế, thấp nhất cũng phải nghe lời nói quy y rõ rang, nói ra cho rõ ràng,
đây là tuyệt đối chẳng thể lôi thôi. Vì thế Đại sư Hoàng Nhất đã có nói qua một
đoạn rất khẩn thiết như sau:
Dù là người xuất gia hay tại
gia, lúc thọ Tam quy, trọng yếu nhất có hai điểm: Thứ nhất là chú ý đến ý nghĩa
của quy y Tam bảo. Thứ hai là ngay lúc thọ tam quy, vị thầy phải nói thật là rõ
ràng. Nếu lời thầy giảng toàn là văn ngôn không thể hiểu được, như vậy quyết
chẳng đắc tam quy; hoặc cách quá xa nghe không rõ, cũng chẳng đắc tam quy. Hoặc
tuy nghe hiểu hết, nhưng trong ấy có một hai chỗ nghi, cũng không đắc tam quy.
Lúc chánh thọ, tức là ba lần nói: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đây là
điều quan trọng nhất cần phải hết sức chú ý. Tiếp theo quy y Phật rồi, quy y
Pháp rồi, quy y Tăng rồi, là tam kết không quan trọng. Vì thế các vị phát tâm
thọ giới trước tiên phải biết rõ ý nghĩa tam quy, và đương lúc thọ phải chú ý
ba câu: “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, mới đắc tam quy. (Luật học yếu
lược)
Do đó tam quy tuy đơn giản, song
muốn thực sự đắc giới thể của tam quy y cũng chẳng phải dễ. Chúng ta thấy hiện
tại đệ tử tam quy có nhiều người không đắc tam quy. Nếu như đệ tử không biết tam
quy, thì chẳng ngại gì thỉnh Bổn sư hoặc thỉnh thầy khác thọ quy y một lần nữa.
Trong nghi thức quy y đại quy mô của tập thể mấy chục người hoặc mấy trăm, mấy
ngàn người là chẳng thể tin cậy được, chỉ là gieo trồng căn lành mà thôi.
Từ trên sự bồi dưỡng của tình tự
tôn giáo mà nói, nghi thức thọ giới càng long trọng thì càng kích phát long chí
thành, sự yêu cầu của thọ giới càng nghiêm khắc thì càng khiến cho người ta cảm
thấy thiêng liêng, trang trọng. Cầu thọ tam quy vốn chỉ cần thỉnh cầu một vị
thầy quy y ở trước Phật ba lần và nói tam quy, tam kết là được. Để thấy sự
trịnh trọng của việc này, cuối đời nhà Minh, Luật sư Kiến Nguyệt ở núi Bảo Hoa,
Nam Kinh, có biên tập bộ Tam Quy Ngũ Giới Chánh Phạm. Bộ này chiếu theo nghi
thức truyền thọ Bồ tát giới cho đến Cụ túc giới mà biên tập thành, bộ sách này
vẫn còn lưu thông, được đa số các thầy quy y dùng làm y cứ.
Trong Tam Quy Chánh Phạm có 8
tiết mục:
1. Trải toà thỉnh sư: Do người
thọ quy y bày pháp tòa, dâng cúng hương hoa, đèn đuốc chỉnh tề, rồi đi lễ thỉnh
vị thầy quy y lên tòa.
2. Khai đạo: Khai thị ý nghĩa
của tam quy y.
3. Thỉnh Thánh: Nghinh thỉnh
mười phương Tam bảo chứng minh thọ quy y và Hộ pháp Long thiên giám đàn hộ
giới.
4. Sám hối: Sám hối nghiệp
chướng để cầu ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh, nhận được giới thể tam quy
không tạp không uế.
5. Thọ quy: Tam quy, tam kết và
phát tam thệ.
6. Phát nguyện: Phát tâm vô
thượng Bồ đề, nguyện độ tất cả chúng sanh.
7. Hiển ích khuyến chúc: Nói tam
đức của tam quy thù thắng và dặn y theo lời dạy vâng làm.
8. Hồi hướng: Đem công đức thọ
tam quy này hồi hướng cho tất cả chúng sanh chìm đắm mau thoát sinh tử, sớm về
cõi Phật.
Thọ tam quy như thế mới kể là
trang trọng và viên mãn cứu cánh. Nhưng bộ Tam Quy Chánh Phạm này hiện tại cũng
chẳng thực dụng cho lắm, vì văn tự dùng trong sách này đều là văn ngôn. Tuy lối
hành văn điển lệ, cao nhã, nhưng nếu như vị thầy quy y không khéo ứng dụng, lúc
thăng tòa thuyết quy y, người thọ tam quy không làm sao hiểu được, đã không
hiểu được thì cũng không đắc tam quy. Vì thế Đại sư Hoằng Nhất phê bình bộ sách
này như sau: “Bộ Tam Quy Ngũ Giới Chánh Phạm do Luật sư Kiến Nguyệt ở núi Bảo
Hoa biên tập, khai thị phần nhiều dùng văn biền ngẫu, người nghe không làm sao
hiểu được, nên cũng đồng như văn rỗng vô ích mà thôi. Tốt nhất là nên thỉnh vị
thầy dịch thành tiếng phổ thông” (Luật
học yếu lược).
Nếu đứng về mặt thực dụng mà
nói, tám tiết mục ghi trong bộ Tam Quy Ngũ Giới Chánh Phạm thật ra có thể nói
là thiếu một điều chẳng được. Tỳ kheo chẳng được đứng thuyết pháp cho cư sĩ nghe,
cho nên cần phải trải toà. Dạy cho biết ý nghĩa của Tam Bảo, vì thế cần phải
khai đạo. Vị thầy quy y là đại biểu Tam bảo truyền quy y cho người cho nên phải
thỉnh thánh. Vì muốn đổi mới con người cho nên phải sám trừ tội lỗi quá khứ.
Tam quy, tam kết và tam thệ là trọng tâm của sự thọ tam quy cho nên cần phải
thực hành. Tam quy phân làm ba phẩm: Phát tâm độ mình độ người là Thượng phẩm,
chỉ độ mình tự thoát sinh tử là Trung phẩm, chỉ cầu chẳng đọa tam đồ (địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh) mà vẫn sinh ở cõi trời người là Hạ phẩm. Vì thế, khuyên phát
tâm là điều tất yếu và để làm tăng thêm tâm tinh tấn và chí kiên cố, nên mục
Hiển ích khuyến chúc (nói lên sự lợi ích và dặn dò khuyên nhủ) cũng là điều
phải có. Để nuôi dưỡng lòng từ bi chẳng riêng tư nên đem công đức hồi hướng cho
tất cả chúng sanh cũng là đúng.
Ở đây tôi muốn chỉ ra một điểm:
Phật giáo Nguyên thuỷ không có phân biệt Đại thừa, Tiểu thừa; song giới luật
thì thiên về hình thái Tiểu thừa, vì thế tam quy ở trong luật rất đơn giản, trừ
lời nói tam quy ra, không có gì khác. Phật giáo Trung Quốc tất cả đều quy về
Đại thừa, tất cả giới đều chiếu theo Đại thừa thọ trì cho nên thêm rất nhiều
tiết mục. Nhưng những điều thêm vào này đều tốt, chứ không phải xấu. Ngày nay,
nếu như chẳng lấy quy y làm bước đầu của hạnh môn Đại thừa, thì cũng có thể
chẳng dùng đến các tiết mục phát nguyện và hồi hướng.
Nếu như bị hạn chế của thời gian
và hoàn cảnh, cũng chẳng ngại gì đơn giản hóa nghi thức tam quy. Nay tôi xin đề
nghị một nghi thức giản đơn như sau:
Sau khi vị thầy lễ Phật xong
ngồi yên, người thọ quy y quỳ gối chấp tay. Vị thầy quy y sau khi khai thị sơ
lược về ý nghĩa của quy y Tam bảo, dạy người thọ quy y đọc kệ sám hối:
Trước
kia con tạo bao nghiệp ác
Đều do
vô thỉ tham sân si
Từ thân
miệng ý mà sinh ra
Nay đối
trước Phật xin sám hối.
Đọc ba lần, mỗi lần lạy một lạy,
tiếp theo là chánh thọ tam quy và tam kết.
- Con tên là…suốt đời quy y
Phật, suốt đời quy y Pháp, suốt đời quy y Tăng.
Nói ba lần, mỗi lần lạy một lạy
rồi đọc:
- Con tên là…quy y Phật rồi, thà
bỏ thân mạng chứ chẳng bao giờ quy y thiên ma ngoại đạo.
- Con tên là… quy y Pháp rồi,
thà bỏ thân mạng chứ chẳng bao giờ quy y tà thuyết ngoại đạo.
- Con tên là… quy y Tăng rồi,
thà bỏ thân mạng chứ chẳng bao giờ quy y đồ chúng ngoại đạo.
Đọc ba lần, mỗi lần lạy một lạy,
rồi dạy phát tứ hoằng thệ nguyện:
Chúng
sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền
não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn
vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo
vô thượng thệ nguyện thành.
Đọc ba lần, mỗi lần lạy một lạy.
Vị thầy quy y dạy sơ lược công đức của sự quy y và sách tấn y theo lời dạy vâng
làm rồi dạy đọc kệ hồi hướng:
Quy y
công đức thù thắng hạnh
Vô biên
thắng phước đều hồi hướng
Nguyện
khắp các chúng sanh chìm đắm
Chóng
được sinh về Phật tịnh độ
Thập
phương tam thế tất cả Phật
Chư tôn Bồ
tát Ma ha tát
Ma ha
Bát nhã Ba la mật.
Đến đây công đức quy y viên mãn.
Sau khi vị thầy quỳ xuống tòa lễ Phật, người thọ giới lạy tạ vị thầy quy y ba
lạy, thật ra là lễ Phật, lễ Tăng, song có một lễ cũng được.
Nghi thức quy y giản đơn đề nghị
ở trên chẳng cần phải xướng lên, chỉ cần đọc mỗi chữ rõ ràng để người quy y
lãnh thọ là được.
Trong đây, cũng có điều phải nói
là tam thệ sau tam quy, tam kết: “Chẳng quy y thiên ma ngoại đạo, chẳng quy y
tà thuyết ngoại đạo, chẳng quy y đồ chúng ngoại đạo”. Do sự kết lập của tam thệ
này, tam quy cũng có tính chất và tác dụng của giới. Đây chẳng phải tính chất
bài xích tôn giáo khác của Phật giáo, mà nhân vì ngoại đạo (tất cả tôn giáo,
học thuyết ngoài Phật giáo) tuy cũng có đạo lý riêng của họ, song đều không
phải cứu cánh. Phật là đấng đại giác, phước huệ đầy đủ, vì thế quy y Phật chẳng
cần phải quy y thiên ma ngoại đạo nữa. Pháp là kho báu của trí tuệ, quy y vâng
làm chắc chắn có thể lìa khổ được an lạc, vì thế chẳng cần quy y tà thuyết của
ngoại đạo nữa. Tăng là thầy của trời người, có khả năng truyền thọ đạo thanh
tịnh, vì thế chẳng cần quy y đồ chúng của ngoại đạo nữa. Mục đích của ba lời
thệ này là phòng ngừa cho người đã tiến vào con đường chính, chẳng còn đi lầm
vào lối tẻ nữa. Sau khi thọ tam quy rồi, như nếu vì muốn được bảo hộ nhà cửa,
tài sản, đất nước, nhân dân và thân mạng an toàn mà cúng tế và lễ bái nếu không
có tâm quy y quỷ thần, thiên thần, vẫn không mất quy y Tam bảo. Nếu có tâm quy
y thiên thần, quỷ thần, thì mất quy y Tam bảo.
Nói đến vấn đề giới, sau khi quy
y Tam bảo đích xác có một ít điều giới cấm. Thượng phẩm quy y các giới quy y
Tam bảo tự nhiên đầy đủ. Hạ phẩm quy y cũng chỉ được ăn năm thứ tịnh nhục
(chẳng nghi vì mình mà giết, chẳng thấy giết, chẳng nghe giết, tự tử, chim thú
ăn còn dư) và chẳng được làm các nghề ác như: nghề đồ tể, nghề làm rượu, bán
rượu, nghề mãi dâm, nghề cờ bạc. Mỗi năm vào tháng giêng, tháng năm, tháng
chín, mỗi tháng sáu ngày chay (mùng 8, 14, 15, 23 và 2 ngày cuối tháng) nên ăn
chay, nếu được như thế, người này trong hội đầu tiên của đức Phật đương lai Di
Lặc sẽ có thể giải thoát.
Quy y Tam bảo còn có một điểm
trọng yếu cần phải hiểu rõ là sau khi chúng ta quy y Tam bảo, tức là quy y thập
phương tam thế tất cả Tam bảo. Vì thế, trong bài kệ hồi hướng có mấy câu: “Thập
phương tam thế tất cả Phật. Chư tôn Bồ tát Ma ha tát, Ma ha Bát nhã Ba la mật”.
Câu thứ nhất là tất cả Phật bảo, câu thứ hai là tất cả Tăng bảo, câu thứ ba là
đại biểu Pháp bảo vô thượng. Trong ba câu này bao quát lý thể Tam bảo và sự
tướng Tam bảo. Chúng ta hiện tại lấy sự tướng làm chủ yếu, vì thế cần phải nên
cung kính cúng dường thánh tượng của tất cả chư Phật, Bồ tát, tất cả kinh điển
của Phật giáo, tất cả người xuất gia của Phật giáo. Nhưng, Phật bổn sư của
chúng ta là Thích Ca Mâu Ni, Tăng bổn sư của chúng ta là vị thầy quy y; vì báo
ân nên chúng ta thiên trọng về Phật bổn sư và Tăng bổn sư cũng là chuyện thường
tình của con người. Như nếu chỉ lấy Phật bổn sư làm Phật, còn các đức Phật khác
chẳng phải là Phật, ấy là trái với Phật giáo. Cũng vậy, nếu chỉ kính vị thầy
quy y mà chẳng kính tất cả các vị Tăng khác thì cũng chẳng đúng. Cũng giống như
phủ định ngàn vạn điều thiện mà chỉ khẳng định một điều thiện, chỉ trồng một
khoảnh ruộng mà bỏ hoang ngàn vạn khoảnh ruộng, ai chẳng nói là việc làm ngu
si!
II.
LỢI ÍCH CỦA QUY Y TAM BẢO
Sự lợi ích của quy y Tam bảo
thật ra rất nhiều, có thể cầu được cái vui hiện đời, có thể cầu được cái vui
đời sau, lại cũng có thể do đây mà đạt đến cái vui cứu cánh của Niết bàn tịch
tịnh. Tóm lại, có tám điểm lợi ích:
1. Thành đệ tử Phật.
2. Là nền tảng của sự thọ giới.
3. Giảm khinh tội chướng.
4. Chứa nhóm phước đức rộng lớn.
5. Chẳng đọa ác đạo (địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh).
6. Người và loài chẳng phải
người (phi nhân) đều chẳng thể nhiễu loạn.
7. Tất cả việc tốt đều sẽ thành
công.
8. Được thành Phật đạo.
Như muốn phân biệt nêu ra, trong
kinh Phật nói rất nhiều, xin chỉ chọn ra năm điều như sau:
1. Nếu người quy y Tam bảo tương
lai sẽ được phước báo chẳng thể cùng tận, ví như có một kho tàng châu báu nhân
dân toàn cõi nước gánh chở bảy năm cũng chẳng hết, công đức quy y so với kho
tàng này còn lớn hơn gấp ngàn vạn lần (Kinh Ưu bà tắc giới).
2. Có một vị Thiên tử ở cõi trời
Đao lợi, phước trời hưởng hết, thọ mạng sắp chấm dứt, chỉ còn bảy ngày nữa sẽ
chết, thân thể của vị Thiên tử ấy đang suy hoại. Nhưng vị ấy biết sau khi chết
sẽ đầu thai vào bụng heo, vì thế vị ấy vô cùng sợ hãi liền đến thỉnh giáo Thiên
chủ, Thiên chủ cũng không có cách cứu vớt, mới bảo vị ấy đến cầu cứu đức Phật.
Đức Phật dạy vị ấy quy y Tam bảo sau khi chết chẳng những khỏi đọa vào thai
heo, lại được sanh làm người gặp ngài Xá Lợi Phất thỉnh Phật thuyết pháp mà
chứng được thánh quả (Kinh Chiết Phục La Hán)
3. Quá khứ có vị Thiên tử ở cõi
trời thứ ba mươi ba, hưởng hết phước trời, còn bảy ngày nữa phải chết, những sự
hoan lạc ngày trước đều ly khai vị ấy, thiên nữ xinh đẹp không còn lân cận vị
ấy, tướng mạo đường đường oai vệ nay biến thành không có khí sắc, thân thể suy
nhược hôi hám khó chịu, hai nách suốt ngày đổ mồ hôi dơ. Vị ấy biết mình sẽ đầu
thai vào bụng heo, do đó vị ấy khóc than thảm thiết. Việc này làm cho Thiên chủ
hay biết, Thiên chủ bèn dạy vị ấy thành tâm quy y Tam bảo, dạy vị ấy đọc thầm:
“Quy y Phật lưỡng túc tôn, quy y Pháp ly dục tôn, quy y Tăng chúng trung tôn”.
Vị ấy theo lời khuyên dạy của Thiên chủ quy y Tam bảo. Qua thời hạn 7 ngày, vị
ấy chết. Thiên chủ muốn biết sau khi chết vị ấy sinh về đâu, song Ngài không có
năng lực xem thấy chỗ sinh của vị Thiên tử này, Ngài đến hỏi đức Phật. Phật
nói: “Vì nhờ công đức quy y Tam bảo, chuyển đọa thành thăng lên đến cõi trời
Đâu Suất Đà, thiên nhãn các ông có thể thấy xuống bậc dưới chứ chẳng thể thấy
lên tầng trên”. (Kinh Sai Miệt Năng Pháp
Thiên Tử Thọ Tam Quy Y Hoạch Miễn Ác Đạo).
4. Nếu như trong bốn đại bộ châu
Đông, Tây, Nam, Bắc toàn là thánh quả vị Nhị thừa, có người cúng dường suốt đời
cho đến tạo tháp cho mỗi vị công đức của người ấy lớn chẳng thể tính lường,
nhưng chẳng bằng công đức quy y Tam bảo (Kinh
Giảo Lượng Công Đức).
5. Quá khứ có một vị Tỳ kheo tên
Sa Đẩu chuyên tụng danh hiệu Tam bảo suốt mười năm bèn chứng được sơ quả Tu đà
hoàn, hiện nay ở thế giới Phổ Hương làm Bích Chi Phật (Kinh Mộc Hoạn Tử).
Do điều ghi ở trên chúng ta đủ
biết quy y Tam bảo là việc rất quý báu. Đồng thời đức Phật cũng đã từng nói:
Người quy y Tam bảo được Tứ thiên vương sai 36 vị thiện thần đi theo ủng hộ.
Nhưng chúng ta phải biết: Quy y
Tam bảo tuy có thể cầu sự bình an và sung sướng ở hiện đời, nhưng mục đích cuối
cùng của quy y Tam bảo là phải hướng về Tam bảo và làm cho chính mình cũng
thành Tam bảo, nghĩa là đều có thể thành Phật; song điều thiết yếu là chẳng nên
tự phụ mình, hoặc bỏ quên mình.