Phật học cơ bản
Cương Yếu Giới Luật
HT. Thánh Nghiêm Thích Nữ Tuệ Đăng dịch Nhà Xuất Bản Thời Đại
01/09/2554 15:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Cương Yếu Giới Luật
Mục lục
Xem toàn bộ

 

Chương 4. Giới Trọng Yếu Của Tỳ Kheo Và Tỳ Kheo Ni

 

I. NHỮNG GÌ LÀ GIỚI TRỌNG YẾU?

Vì nội dung của quyển sách có giới hạn nên không thể đem in toàn bộ Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni giới mỗi mỗi giới thiệu, ở đây chỉ đề xuất cương yếu, nêu ra đại khái, nếu độc giả có chí học giới, trì giới, tự có thể xem trong các Đại Luật.

Phật giới đều là trọng yếu, nhưng những giới nào so ra trọng yếu hơn? Đại sư Hoằng Nhất có khai thị trong bộ Tứ Phần Giới Bổn Tùy Giảng Biệt Lục của Ngài như vầy: “Nói theo tiêu chuan thấp nhất, trong chỉ trì, 4 tội khí, 13 Tăng tàn, 2 pháp Bất định đều phải tịnh trì. Trong tác trì, kiết tăng giới, thọ giới, sám tội thuyết giới, an cư, tự tứ cũng dễ hành”. Lại nói: “Trong oai nghi như tánh tội (giới giết súc sinh, giới vọng ngữ) và những điều nước ta (Trung Quốc) chê trách hơn hết (các giới uống rượu, ăn phi thời và quan hệ với nữ Ni) đều phải trì, ngoài ra đều có phải tùy sức”. Đây là ý kiến rất quý báu. Về giới sát sinh và tiểu vọng ngữ trong oai nghi đã được giới thiệu qua trong thiên ngũ giới. Đến các vấn đề oai nghi của uống rượu, ăn phi thời, và nữ Ni, trong quyển “Phật giáo Chế Độ và Sinh Hoạt”, tôi đã viết 2 thiên “Quy chế ăn uống của Phật giáo” và “Nam nữ quan của Phật giáo” chuyên thảo luận những vấn đề này, ở đây không lặp lại. Nay cần phải giới thiệu là 4 pháp khí, 13 Tăng tàn, 2 pháp Bất định.

II. BỐN PHÁP KHÍ

Pháp Ba la di của Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni tuy có nhiều ít bất đồng, nhưng chủ yếu là 4 giới căn bản:

1. Giới dâm, phân làm 2 thứ: Một là tự mình dâm người khác, hễ có tâm dâm dục nơi miệng và đường đại tiện của nam tánh, nơi âm đạo, đại tiện đạo và miệng của nữ tánh, cho đến ba chỗ của súc sinh và thây chết hơn phân nửa chưa loại, nhập vào như đầu sợi lông, bèn phạm Ba la di. Hai là người khác dâm mình, bị oan gia hoặc cường bạo bức hiếp, hoặc trong khi ngủ người khác đến hành dâm, ngay lúc nhập vào, đã nhập, lúc ra, trong ba thời có một niệm cảm thọ khoái lạc, phạm tội Ba la di. Tỳ kheo Ni thì đổi làm ba chỗ chủ động nhận người khác hành dâm nhập vào như đầu sợi lông thì phạm Ba la di. Bị người khác hiếp dâm, trong ba thời có một niệm cảm thọ khoái lạc cũng phạm Ba la di.

Nhưng tội nghiệp Ba la di của giới dâm cũng có chia ra khinh trọng. Đại sư Hiền Thủ Pháp Tạng trong Bồ tát Giới Bổn Sớ phân thành 6 vị: Ước cảnh (cao thấp), ước tâm (mạnh yếu), hợp biện (tâm cảnh), ước số (nhiều ít), ước xu hướng (ẩn hiện), ước tổn (đức của mình, của người) để nói về sự sai biệt khinh trọng cảu giới dâm. Ở đây chỉ lấy một vị ước cảnh để giới thiệu, các vị khác có thể theo đây suy ra mà biết. Cảnh có 10 thứ:

1. Thây chưa chết chưa loại.

2. Cùng quỷ giao thông.

3. Súc sinh.

4. Người.

5. Các người thân thuộc.

6. Chị em (anh em).

7. Hai chúng tại gia trì ngũ giới, bát giới.

8. Hai chúng xuất gia trì Đại giới.

9. Cha mẹ.

10. Thánh nhân như phạm La hán hoặc La hán Ni.

Đồng là phạm giới dâm Ba la di, nhưng trước khinh sau trọng, như dâm thây chết là tội khinh, dâm Thánh nhân là tội trọng, đây là ngay lúc thọ quả báo sẽ thấy rõ ràng.

1. Giới trộm cướp: Biết là vật có chủ mà khởi tâm trộm cướp, trộm lấy đồ vật trị giá 5 tiền trở lên rời khỏi chỗ cũ phạm tội Ba la di. Giới trộm cướp là một giới phức tạp hơn hết trong 4 giới Ba la di, trong các bộ luật đều có phân tích nhiều, đặc biệt ở trong Tăng Ky Luật phân tích kỹ càng. Giới trộm cướp gọi chung là “Không cho mà lấy”, nhưng có nhiều trường hợp bất đồng như: Tự tay mình lấy, đưa mắt ra hiệu cho người khác lấy, bảo người lấy. Chủng loại, xứ sở, phương thức lấy đồ vật có đến 26 hạng mục: Mặt đất, trên mặt đất, nơi xe, nơi gánh, nơi trống không, ở chỗ trên, nơi thôn làng, nơi A lan nhã, nơi ruộng, xứ sở, nơi thuyền, nơi nước, qua đò, qua ải, không đóng thuế, lấy vật của người khác gửi, nước, nhành dương (dùng đánh răng), trái cây, cỏ cây trong vườn, chúng sinh không có chân, chúng sinh 2 chân, chúng sinh 4 chân, chúng sinh nhiều chân, của cải chung, đồng khế ước, hầu hạ, giữ gìn, canh giữ đường trọng yếu. Ba la di của giới trộm cướp tuy đồng phạm, không cho mà lấy 5 tiền trở lên, nếu do sự bất đồng của vật chủ và vật thể thì nghiệp báo cũng riêng có khinh trọng bất đồng. Tỷ như trộm cướp của nhà giàu 5 tiền, người giàu sẽ không đau khổ quá nhiều; nếu trộm của người nghèo 5 tiền có thể làm cho người nghèo bị vô cùng khốn khổ. Tâm của người bị trộm buông xả, hay tham lam keo kiết cũng khiến cho tội của người trộm có khinh trọng bất đồng.

2. Giới giết người: Cố ý giết người, biết rõ là người bị giết đã chết thì phạm tội Ba la di. Phương thức giết người phân ra có: chính mình đích thân giết, bảo người giết, hiện tướng (tỷ như gật đầu, ra dấu bằng tay hoặc bằng mắt) giết, khen ngợi giết, viết thư sai giết, dùng công cụ giết (như đào hầm ám khí, bùa chú giết).

Tội ba la di giết người, nghiệp báo cũng có khinh trọng. Do vì đẳng vị cao thấp của người bị giết, phẩm cấp mạnh yếu của tâm người giết và trình độ của cách giết (thân, khẩu, ý nghiệp) được sử dụng bất đồng, nghiệp báo cũng có khinh trọng bất đồng, tỷ như đồng là giết người, tội giết người phổ thông nhẹ hơn giết người đã phát Bồ đề tâm. Nếu như giết cha mẹ, Sư trưởng, cho tới Thánh nhân, tội nghiệp còn nặng hơn giết người đã phát Bồ đề tâm. Như vì tâm tham mà giết người tội nhẹ hơn, do tâm sân giết người tội nặng hơn, do tâm tà kiến giết người (cho rằng giết người được phước, được sinh lên trời, hoặc cho rằng giết người không có quả báo) tội nghiệp lại càng nặng hơn.

3. Giới đại vọng ngữ: Dùng tâm dối gạt khiến người hiểu lời nói dối là chính mình được pháp hơn người như thánh nhân, như thiền định; lời lẽ, ý tứ rõ ràng; người nghe tin rằng thật và bị dối gạt, phạm tội Ba la di. Nếu dùng văn tự vọng ngữ, hoặc sai người khác thay mình vọng ngữ, hoặc hiện ra tướng để vọng ngữ, chỉ cần đạt được mục đích như thế, tức thành tội đại vọng ngữ.

Ba la di của đại vọng ngữ tội nghiệp cũng có khinh trọng. Dối gạt người ân và bậc tôn trưởng, phạm tội trọng.Dối gạt người bình thường, phạm tội khinh. Dối gạt vài người cho đến một người thì tội khinh. Người bị gạt cực kỳ đau khổ thì tội khinh. Nếu vì danh dự cung kính mà đại vọng ngữ, rồi lại cho rằng đây là công đức và thường làm không dứt, phạm tội trọng. Vì lánh nạn khổ bức bách mà đại vọng ngữ thì tội khinh. Đương nhiên, Ba la di là mất Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni giới. Chỗ này gọi khinh là so sánh khinh ở trong quả báo của tội trọng, chứ không phải có nghĩa là ly khai giới trọng nhập vào giới khinh. 

Bốn điều kể trên là 4 pháp khí, nếu phạm phá một điều nào trong 4 điều trên tức là bị bỏ ra ngoài biển lớn Phật pháp, suốt đời không được làm Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni nửa. Song, mỗi giới cũng có khai duyên:

1. Giới dâm: Nếu ngu không hay biết gì hết, người khác ở trên thân mình hành dâm, nếu bị cưỡng hiếp hành dâm mà không cảm thọ khoái lạc, nếu hoàn toàn không có ý dâm dục, nếu bị suy cuồng tâm loạn, đau khổ ràng buộc, đều không kể là phạm.

2. Giới trộm cướp: Nếu tưởng là vật cho mình là vật phấn tảo (ném bỏ), nếu tưởng là của người thân (thân thiết không có phân biệt mình người), như thế không cho mà lấy đều không kể là phạm.

3. Giới sát: Nếu lúc ném dao, gậy, ngói, đã lỡ trúng nhằm người khác chết; hoặc lúc xây cất phòng nhà lỡ làm rớt cây, đá, gạch, ngói làm cho người ở dưới chết; nếu có lòng tốt xốc đỡ người bệnh đi đứng ngồi nằm, người bệnh nhân đó mà chết; nếu không có tâm làm hại làm cho người khác chết đều không kể là phạm.

4. Giới đại vọng ngữ: Nếu người tăng thượng mạn (chính mình không có tâm dối gạt nhưng do sự hiểu lầm về thiền định) tự cho mình thật chứng pháp Thánh nhân, nếu là nhân duyên nghiệp báo, không nói là do tu mà đắc, hoặc nói đùa, hoặc nói trong chiêm bao, hoặc nói lầm, đều không kể là có tội.

III. MƯỜI BA PHÁP TĂNG TÀN

Mười ba pháp Tăng tàn:

1. Cố chọc âm xuất tinh.

2. Xúc chạm người nữ.

3. Nói lời thô tục với người nữ.

4. Ngợi khen mình đòi cúng dường.

5. Làm mai mối cưới gả.

6. Không có thí chủ, tăng không xử phân mà làm nhà quá lượng (quá chiều dài 12 gang tay, chiều rộng 7 gang tay Phật).

7. Có thí chủ, tăng không xử phân mà làm nhà.

8. Vu báng người không phạm là phạm giới trọng một cách không căn cứ.

9. Lấy chút tội khác vu báng người là phạm trọng giới không căn cứ.

10. Phá hòa hợp Tăng và còn chống lại lời khuyên can của Tăng đoàn.

11. Lập bè đảng, giúp phá tăng và chống lại lời khuyên can.

12. Làm nhơ nhà người (mang lễ vật tặng biếu cho người cư sĩ) đến nỗi bị Tăng đoàn đuổi đi, rời chỗ này đi đến chỗ khác, tâm còn không phục, phỉ báng Tăng đoàn, chống lại sự khuyên can của Tăng đoàn.

13. Tánh xấu cự tuyệt lời dạy bảo của Tăng đoàn và chống lại lời khuyên can của Tăng đoàn.

Trên thực tế, trong 13 pháp tăng tàn, tại Phật giáo Trung Quốc ngày nay chỉ có giới chạm xúc người nữ, nói lời thô tục với người nữ, và làm mai mối cưới gả là trọng yếu. Đến như cố chọc âm xuất tinh là việc cá nhân, ngừời xụất gia phạm thủ dâm là điều không nên, nhưng không đến nỗi nhân đây bị sự chê bai của người bên ngoài. Phương pháp cố chọc âm xuất tinh tuy nhiều, nhưng không ai dám công khai làm như thế cho người khác xem. Đương thời nếu không cố ý chọc âm, dù là xuất tinh, cũng không phạm giới. Phàm phu khó khỏi xuất tinh, dầu cho tâm dục sinh khởi xuất tinh, nếu không phải do có tâm làm cho xuất tinh cũng không phạm giới. Đến như người nữ chảy nước trong âm đạo, tình hình cũng giống như vậy. Đến như tự khen mình có đức mà đòi cúng dường dâm dục, tôi nghĩ là việc rất khó phát sinh vì đây là ý kiến quá điên đảo, rất ít người dám mở miệng nói ra. Đến như làm phòng nhà, hiện nay không bị sự hạn chế này nữa. Còn như vu báng phạm tội trọng cũng có thể xảy ra, nhưng trong xã hội hiện nay, nếu không có nhân chứng và vật chứng xác thật thì dễ gì làm cho người khác tin! Đến như phá Tăng và lập phe đảng phá Tăng, ở Phật giáo Trung Quốc không có thực hành pháp yết ma thì không có chuyện đó xảy ra. Đến như làm nhơ nhà người, người xuất gia đem lễ vật tặng biếu cho tín đồ, tại Trung Quốc thời đại mạt pháp, đã là Trụ trì của của một đạo tràng thật khó tuyệt đối không đi trên con đường này. Tuy phải coi trọng một điều giới này, nhưng người Trụ trì của tự viện Trung Quốc nếu tặng biếu lễ vật cho người tục thì ai sẽ đuổi họ đi chỗ khác? Đến như tánh xấu chẳng nhận lời của Tăng đoàn can gián, ở trong hoàn cảnh không cử hành pháp yết ma, tự nhiên dùng cũng không được. Thật ra, trong 13 pháp Tăng tàn, hai điều số 6 và 7 cần phải dùng pháp yết ma cầu được Tăng chúng đồng ý xử phân. Bốn điều số 10,11,12,13 cần phải ở trong Tăng chúng ba lần can gián, ba phen yết ma mới thành lập được. Trong hoàn cảnh không cử hành pháp yết ma, 13 pháp Tăng tàn nhiều nhất chỉ có thể thực hiện được 7 điều mà thôi.

Như thế, chúng ta chỉ giới thiệu sơ lược ba điều giới: Chạm xúc người khác phái, nói lời thô tục với người nữ, làm mai mối cưới gả như sau:

A. Giới xúc chạm người khác phái

Xúc chạm người nữ là giới của Tỳ kheo, nhận sự xúc chạm của người nam là giới của Tỳ kheo Ni. Sự nguy hiểm của việc xúc chạm người khác phái đặc biệt trọng đại, do vì sự cảm thọ của xúc chạm khiến cho tình dục nổi dậy, có thể sinh ra phản ứng không tốt cho sinh lý. Theo sự nghiên cứu, các bộ phận mẫn cảm hơn hết của thân thể của con người là: môi, vú, nách, eo, âm hộ, bộ phận trì độn là: lưng, lông, tóc: bộ phận trì độn hơn hết là móng, răng; ngoài ra như bắp vế, hông, bụng, cánh tay, gò má thuộc về bộ phận mẫn cảm loại kế. Nếu như người nữ tình cảm yếu đuối, một khi bị người khác phái vuốt ve các bộ phận mẫn cảm nhất, thường bị kích thích mất đi tất cả năng lực phản kháng. Nhân vì phàm phu chưa có thể ly dục, đối với người khác phái đều có một khao khát tình dục một cách bẩm sinh, một khi hai nhục thể tiếp xúc nhau sẽ có một sự cảm thọ lạ. Hiển nhiên đây là thuộc tác dụng phân biệt của tâm lý, người nữ cùng người nữ chạm xúc nhau thấy cũng bình thường, người nam với người nam chạm xúc nhau thấy cũng bình thường. Nếu như lúc mắt không thấy, hoặc lúc vô ý bị người khác phái xúc chạm mà cũng không biết là bị người khác phái xúc chạm, cũng thấy bình thường. Nếu như tôi là người nam biết rõ đối phương là người nữ ngày đêm tôi ái mộ, phản ứng tâm lý lúc xúc chạm sẽ đặc biệt mãnh liệt cho đến chỉ chạm một chút áo cũng sinh ra vọng tưởng mộng mơ. Cũng giống như thế, nếu tôi là người nữ gặp được một chàng đẹp trai của lòng tôi luyến mộ, thì phản ứng tâm lý khi tiếp xúc chạm cũng sẽ đặc biệt mãnh liệt.

Người xuất gia cấm ngăn dâm dục, mục đích của sự cấm ngăn dâm dục vì giải thoát sự ràng buộc do dâm dục mà phải chịu sinh tử lâu dài này. Cấm ngăn dâm dục là công tác huấn luyện đoạn dục, ly dục. Từ sự cấm chỉ dâm dục, dần dần xa được dục sự, tiến lên một bước dần dần xa được dục niệm. Sau cùng có thể xa lìa cái lưới mê sinh tử do dâm dục cấu thành. Ngoài ra, người xuất gia cùng với người khác phái xúc chạm, dẫu cho tâm không có tà niệm cũng là việc dễ bị người bên ngoài chê bai.

Trước người giới nha phiến, không nên cho người ấy nghe đến mùi nha phiến; trước người giới rượu, không nên cho người ấy ngửi đến mùi rượu; trước một người giới cờ bạc, không nên cho người ấy vào sòng bạc. Bằng không rất khó giới trừ. Cũng như vậy, một người xuất gia đang giới dâm cũng không nên cho người ấy chạm xúc người khác phái hoặc bị người khác phái chạm xúc. Bằng không, công phu giới dâm có thể nhân đây bị sự khảo nghiệm mảnh liệt, người bị khảo nghiệm qua không nổi, có thể nhân sự uy hiếp này mà đưa đến phá phạm giới dâm căn bản. Vì thế, hành vi nhục thể của người xuất gia cùng người khác phái chạm xúc tuy chẳng phải là sự thật của dâm dục, nhưng do sự phản ứng của sự chạm xúc rất có thể đưa đến sự thật của dâm dục. Nguyên nhân người xuất gia không được xúc chạm người khác phái là như vậy. Nhân vì người nữ tâm chí yếu đuối, thể lực bạc nhược, không dễ gì kháng cự được sự uy hiếp và dụ dỗ của sức mạnh bên ngoài, cho nên đối với một giới xúc chạm này chế định rất nghiêm khắc. Tỳ kheo chạm xúc người nữ, phạm Tăng tàn. Tỳ kheo ni cùng người nam chạm xúc, phạm Ba la di. Đây không phải thiên vị Tỳ kheo, khinh rẻ Tỳ kheo ni, mà là bảo hộ giới thể Tỳ kheo ni an toàn. Vì thế, ngăn cấm rất nghiêm khắc. Nhưng bộ phận chạm xúc của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni cũng có thêm bớt: Tỳ kheo ni từ đầu gối trở lên, từ mắt trở xuống, từ cổ tay trở lên, để trần nhận sự xúc chạm của người nam phạm Ba la di; vì từ đầu gối trở lên chính là bao quát hết tất cả bộ phận mẫn cảm. Sự chỉ định một bộ phận này là do tôi tham khảo các bổn luật mà tổ hợp thành. Nhân vì, Tứ Phần Luật là từ đầu gối trở lên, từ nách trở xuống, cổ tay trở lên; Hữu Bộ Luật thì từ mắt trở xuống, từ đầu gối trở lên. Thập Tụng Luật nói:Từ mí tóc trở xuống, cổ tay trở lên, ở y phục nhận sự xúc chạm phạm Ba la di”. Tứ Phần Luật “Từ nách trở xuống không bao quát được gò má và miệng”. Thập Tụng Luật: “Từ mí tóc trở xuống”, so sánh ra là thích đáng hơn hết. Trong Thiện Kiến Luật quyển 7, đối với Tỳ kheo có quy định: “Cảm thọ sự khoái lạc của xúc chạm giữa miệng với miệng, phạm Tăng già bà thi sa”. Nếu chuẩn theo Tỳ kheo ni giới, hai miệng nam nữ hôn nhau, ít nhất là tội (chưa toại) Thâu lan giá của Ba la di.

Thập Tụng Luật quyển 42, đối với Tỳ kheo ni thọ nhận sự xúc chạm, nói có 4 hạng:

1. Từ mí tóc trở lên, cổ tay trở xuống, đầu gối trở xuống, không có ý phục che, thọ nhận người nam chạm xúc, phạm Thâu lan giá; có y phục thọ nhận người nam xúc chạm, có khoái lạc, phạm Đột kiết la.

2. Mí tóc trở xuống, cổ tay trở lên, đầu gối trở lên, cởi y phục thọ nhận chạm xúc, phạm Thâu lan giá.

3. Tỳ kheo ni có tâm dục nhiễm cho người nam có tâm dục nhiễm vuốt ve, ôm, đè, xốc, kéo, đều phạm tội Ba la di.

4. Mặt, cổ, ngực, hông, sống lưng, bụng, rún, chỗ đại tiểu tiện, đùi vế cho đến đầu gối, cởi y phục thọ nhận sự chạm xúc, phạm tội Ba la di; có y phục thọ nhận sự chạm xúc, phạm Thâu lan giá.

Trong Tỳ kheo ni Hội Nghĩa nói: “Theo Tăng Kỳ Luật: Nếu Tỳ kheo ni tâm nhiễm ô muốn nhìn người nam, phạm tội trách tâm Đột kiết la. Nếu mắt thấy nghe tiếng, phạm đối thú Đột kiết la. Nếu thân thể hướng vào nhau, phạm Thâu lan giá”.

Đối với Tỳ kheo, trong Tăng Kỳ Luật quyển 28 nói: “Có tâm dục đi theo sau người nữ, mỗi bước đi phạm tội Việt Tỳ ni. Chân đạp người nữ, phạm Thâu lan giá. Nổi giận đánh người nữ, phạm tội Việt tỳ ni”.

Thiện Kiến Luật nói:Tóc với tóc chạm nhau, móng với móng chạm nhau, phạm Thâu lan giá; nếu giác biết lẫn nhau, phạm Tăng già bà thi sa”.

Nhưng trong luật có chế, có khai, chẳng phải một khi xúc chạm với người khác phái đều kẻ là phạm tội trọng, tội tăng tàn. Biết rõ là người nữ, đem thân xúc chạm, chạm thân, thân động và cảm thọ khoái lạc, Tỳ kheo phạm Tăng tàn; thân động mà không cảm thọ khoái lạc, phạm tội Thâu lan giá. Dùng y phục chạm thân, đem thân chạm y phục, thân động, thọ khoái lạc hay không thọ khoái lạc đều phạm Thâu lan giá. Nghi là người nữ đem thân chạm thân, phạm Thâu lan giá; đem thân chạm y phục, phạm Đột kiết la.

Biết rõ là người nam thành niên đối với mình có tâm nhiễm ô từ đầu gối trở lên, mắt trở xuống, cổ tay trở lên, dùng thân chạm thân, Tỳ kheo Ni động thân cảm thọ khoái lạc, phạm Ba la di; không cảm thọ khoái lạc, thân động, phạm Thâu lan giá. Đem thân chạm y phục, dùng y phục chạm thân, ni đến xúc chạm vào người nam, phạm Thâu lan giá; người nam đến xúc chạm ni, ni cảm thọ khoái lạc, phạm Thâu lan giá. Nghi là nam đem thân chạm thân, phạm Thâu lan giá; đem thân chạm y, dùng y chạm thân, phạm Đột kiết la.

Không vì tâm dâm dục trao đồ vật cho nhau mà đụng chạm nhau không kể là phạm. Nếu lúc cởi trói cho nhau, đụng chạm nhau cũng không phạm; đùa giỡn đụng chạm nhau cũng không kể là phạm. Luật sư Linh Chi nói răng: “Đùa giỡn đụng chạm nhau trái oai nghi, phải kết tội Đột kiết la”.

Trong Thập Tụng Luật quyển 3 nói: “Nếu tưởng là mẹ, tưởng là chị em, tưởng là con gái, đụng chạm vào thân người nữ không phạm. Nếu cứu nguy nữ bị lửa đốt, nước cuốn, đao binh, hoặc té từ chỗ cao xuống, nan ác trùng, ác quỷ thì không phạm; không có tâm nhiễm xúc chạm, không phạm; người nữ bị nước cuốn, phải cứu, tuy tâm dâm khởi lên nhưng nắm một chỗ không buông, đến bờ rồi không nên chạm xúc nữa, chạm xúc nữa, đắc tội”. Trong Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật Bí sô Tỳ nại da quyển 5 nói:Nếu Bí sô ni tự có tâm nhiễm cùng người nam có tâm nhiễm từ mắt trở xuống, đầu gối trở lên có tâm cảm thọ, thọ khoái lạc hai thân chạm xúc nhau nếu chạm xúc nhau cực độ, làm như thế Bí sô ni này cũng đắc tội Ba la thi ca (Ba la di) không được cộng trụ”. Song lại nói: “Nếu bí sô ni không có nhiễm tâm, người nam hoặc có nhiễm tâm hoặc không nhiễm tâm, ni xúc chạm, phòng ngừa tâm thì không phạm. Nếu ni có bệnh, người xoa thân, ni khởi tâm nhiễm đắc tội ác tác; không có tâm nhiễm, không phạm; và bị bệnh khổ làm bức ngặt thì không phạm.

Thập Tụng Luật cùng Hữu Bộ Luật đối với yêu cầu của giới chạm xúc rất rộng, Tát Bà Đa Bộ Luật Nhiếp quyển 3 nói: “Mẹ con, chị em có tâm cảm thọ khoái lạc xúc chạm vào thân của những người ấy, cũng đắc tội thô (Thâu lan giá); nếu không biết hổ thẹn, đắc tội Tăng tàn”.

Tăng Kỳ Luật cũng nói:Nếu người nữ té xuống nước kêu cứu, tỳ kheo quán tưởng là đất vớt lên, không phạm”. Lại nói: “Nếu nói biết cô khổ, nhưng cứ để mặc cho số mệnh của cô, cũng không phạm tội”.

Thập Tụng Luật vì cứu người, tuy có tâm dâm dục khởi, vẫn không kể là phạm. Tăng Kỳ Luật vì ngăn ngừa phá giới dâm, tuy thấy chết mà không cứu vẫn được vô tội. Đây là chỗ thêm bớt rất lớn. Nếu nói theo tinh thần Đại thừa, chúng ta nên nhận lấy quan điểm của Thập Tụng Luật và Hữu Bộ Luật. Nhưng nếu không cần yếu thì vẫn phải ngăn ngừa nghiêm khắc. Nhà Nho chủ trương giữa nam nữ phải “thọ thọ bất thân” (qua lại không thân) hiện nay đã phá sản, giữa người nam nữ xuất gia có đưa đồ vật qua lại cũng chẳng được quá thân cận; nếu do đưa đồ vật qua lại mà thân cận, do thân cận đi đến thân mật, từ thân mật sẽ sinh ra hậu quả đối với người xuất gia không thể tưởng tượng! Tuy nhiên như thế, nếu gặp bệnh đau, tại nạn Đức Phật cũng dạy các Tỳ kheo nam nữ phải cứu giúp lẫn nhau (Hữu Bộ Luật quyển 33).

Điều giới này dễ trì, da thịt tiếp xúc nhau sinh ra cảm thọ khoái lạc, Tỳ kheo phạm Tăng tàn, Tỳ kheo ni phạm Ba la di, chỉ cần có một tầng y phục vật dụng ngăn cách là không phạm tội này. Nhưng ở Trung Quốc ngày nay rất khó nói, trường hợp lên xe, xuống xe, mọi người chen lấn, người xuất gia ở trường hợp này khó tránh khỏi sự xúc chạm với người khác phái. Vào mùa hạ, người nam mặc áo sơ sài, người nữ phần nhiều mặc áo hở vai, hở lưng, người xuất gia cũng khó tránh khỏi sự xúc chạm với da thịt. Trong hoàn cảnh này, nếu muốn giữ gìn nội tâm tuyệt đối bình tĩnh cũng không phải là điều thanh niên nam nữ xuất gia của chúng ta phổ thông làm được! Người xuất gia Trung Quốc (ở nước Thái Lan người nữ tránh, nhường Tỳ kheo), chỉ có thể biểu thị sự không vừa ý, trừ phi mỗi người tự đề cao cảnh giác không nên cố ý đi tìm sự xúc chạm với người khác phái ra, cũng không có biện pháp nào tốt hơn.

B. Giới nói lời thô tục

Bây giờ nói về giới nói về thô tục với người nữ. Điều này rất ít có cơ hội phạm, người xuất gia có tâm tự trọng, tâm hổ thẹn, sẽ không mở miệng thốt ra lời thô tục. Đồng thời, Tỳ kheo xúc chạm người nữ không hạn cuộc là sống chết, già trẻ, hoặc ngủ hoặc thức, một điều giới này phải là một người nữ hiểu biết được nghĩa vị của lời nói mà nói, mới thành tội Tăng tàn; và chủ yếu là nơi hai đường ở phần dưới thân thể mới phạm tội này. Nếu nơi các bộ phận khác của thân thể, chỉ phạm Thâu lan giá. Nhưng trong Tăng Kỳ Luật quyển 5 nói: “Nếu dùng các phương thức: Khen, chê, nói, hỏi, cầu thỉnh, nhìn, mắng, nói thẳng để nói về dâm sự; dùng lời khen chê để nói về 14 chỗ là: hai môi,hai nách, hai vú, hai bên hông, bụng, rốn, hai đùi, hai đường đại tiểu tiện, đều phạm tội Tăng tàn. Nhưng phương thức nói lời thô tục theo tôi thấy, người có tri thức cao phần nhiều dùng cách gián tiếp và cách nói nghĩa bóng, người tri thức thấp mới dùng cách nói trực tiếp và thô tục. Bất luận là dùng phương pháp nào nói, chỉ cần đối phương là người nữ và hiểu được nghĩa của lời nói, thì Tỳ kheo ấy phạm tội Tăng tàn. Hiểu nghĩa mà không hiểu ý vị thì đắc tội Đột kiết la. Tỳ kheo ni nói lời thô tục phạm Thâu lan giá. Nếu dùng văn tự viết ra, hoặc sai người thay thế nói, hoặc dùng văn tự viết ra, hoặc sai người thay thế nói, hoặc dùng tư thế và tay ra dấu nói, đạt thành dồng một mục đích, phạm tội Tăng tàn.

Thật ra điều giới này dễ trì, song phải cần thực hiện đến chỗ đã không nói với người nữ, cũng không nói với người nam; không nói với người khác phái, cũng không nói với người đồng phái. Nếu nói lời thô tục với người đồng phái, mỗi lời phạm một tội Đột kiết la, cho đến phải thực hiện đến điều được luật quy định là Tỳ kheo không được hỏi việc riêng kín của nữ ni.

Giới này cũng có khai duyên: Nếu vì người nữ nó bất định quán, nói đến 9 lỗ của thân thể con người thường chảy đồ bất tịnh thì không phạm. Hoặc lúc thuyết giới, nói đến hai đường đại tiểu tiện, không phạm. Hoặc người nữ không phải vì tâm dâm hỏi mà nói, không phạm, hoặc đùa giỡn nói, một mình nói, mau mau nói, trong chiêm bao nói, muốn nói lời này lầm qua lời kia, đều không phạm.

Một giới này phải đủ 7 điều kiện mới phạm tội Tăng tàn, đó là đối với người nữ, tưởng là nữ, có tâm nhiễm, lời thô tục, tưởng là lời thô tục (cho răng đây là lời thô tục), ngôn ngữ rõ ràng phân minh, người nghe hiểu rõ. Vì thế tôi cho rằng giới này dễ trì, nếu không trì được tốt giới này, bị chê bai cũng là một vấn đề nghiêm trọng, vì thế ở đây phải giới thiệu.

C. Giới làm mai mối cưới gả

Giới làm mai mối cưới gả là một giới Tăng tàn hết sức phiền phức trong 13 pháp Tăng tàn này. Trong giới Tăng tàn của Tăng Kỳ Luật có một thiên nói về giới này rất dài. Ở đây nói người làm mai mối là chỉ cho người qua lại hai bên làm mai mối cưới gả, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, nếu thành vợ chồng hoặc tư thông với nhau, cho đến trong khoảng chốc lát thì phạm Tăng già bà thi sa. Giới này phải đủ 6 điều kiện mới kể là phạm tội Tăng tàn: Là nam nữ của loài người, cho là nam nữ của loài người, làm mai mối cưới gả, cho là làm mai mối cưới gả, lời nói rõ ràng phân minh, tiếp nhận lời của nam nữ cả hai bên qua lại truyền đạt. Nếu thiếu một bên không phạm tội Tăng tàn, chỉ phạm tội Thâu lan giá. Một giới này Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đồng phạm tội Tăng tàn.

Trong Tứ Phần Luật Sớ nói: “ Lễ cưới gả hòa hợp sinh tử, thật trái với xuất ly, người xuất gia làm mai mối là trái với pháp thức; lại làm bận rộn, chướng ngại sự tu hành, bị sự chê bai, không khỏi thế gian trách móc, vì thế Phật chế giới”. Thời Phật tại thế có một vị Tỳ kheo tên Ca La, đối với việc mai mối cưới gả đặc biệt có phương pháp khéo léo, hễ ai được Ngài làm mai mối đều được thành công. Nhưng các nam nữ sau khi kết hôn, nếu cảm tình của vợ chồng đầm ấm thì nói tốt cho Tỳ kheo Ca La. Nếu vợ chồng bất hòa, gia đình không thuận, chồng chịu sự vất vả, vợ con bị ngược đãi, cả nhà tức giận mắng Tỳ kheo Ca La. Nhân đây Ngài bị người đời chê bai. Vì thế Đức Phật chế giới đệ tử xuất gia không được vì người tục làm mai mối cưới gả, nếu làm mai mối phạm tội Tăng tàn. Đồng thời, nếu vì cư sĩ mang thư tín, phải xem nội dung rồi mới mang đi để phòng trong thư có ý của nam nữ qua lại thông tin về việc mai mối, cũng không được làm tay sai qua lại cho cư sĩ, bằng không cũng phạm Đột kiết la.

Nhưng giới này cũng có khai duyên: Nếu nam nữ trước đã kết hôn sau lại chia lìa, khuyên họ nên hòa hợp, thì không phạm. Nếu vì cha mẹ hoặc Ưu bà tắc, Ưu bà di dốc lòng tin Phật pháp, hoặc người bệnh, hoặc người bị giam trong ngục, xem nội dung của thư tín, biết không quan hệ đến việc mai mối cưới gả, vì họ mang thư đi không phạm. Nếu vì Phật, Pháp, Tăng, tháp, hoặc vì Tỳ kheo (Tỳ kheo ni) bệnh, xem nội dung thư tín xong, mang thư đi dùm cho họ không phạm.

Về một giới này, thời gần đây đến nay cần phải nghiên cứu, nhân vì tôn giáo không thể vượt ra ngoài sinh hoạt hằng ngày của quần chúng, bằng không, thì có thể bị gạt bỏ ra ngoài quần chúng. Đến trong sinh hoạt hằng ngày của quần chúng, hai điều được xem trọng là việc lớn hôn nhân và việc lớn sinh tử. Hình thái của Phật giáo luôn luôn thiên trọng vấn đề sinh tử, cho đến chỉ thiên về vấn đề độ người chết, đến nỗi bị người gần đây là La Gia Luân chê là tôn giáo của “Nhân tử quan”. Nghiên cứu bản chất của Phật giáo, quyết chẳng phải hạn cuộc ở việc độ người chết. Đức Phật ứng hóa ở nhân gian là vì cứu độ tất cả chúng sinh. Pháp môn độ người chết chỉ là phần phụ thuộc, chứ không phải chủ yếu. Phật giáo Trung Quốc đời sau lại làm đảo lộn gốc ngọn! Vì thế, mấy mươi năm gần đây cho đến nay, có một số Phật giáo đồ đề xướng cử hành nghi thức Phật hóa kết hôn. Từ trên yêu cầu hiện thực mà nói, đây là gặp được phong trào của sự đề xướng. Trên nguyên tắc mà nói, Phật hóa kết hôn không trái với tinh thần Phật giáo, thậm chí còn hợp với tông chỉ của Phật giáo Đại thừa, từ trên cảm quan tôi cũng tán thành thanh niên nam nữ Phật giáo đồ, phải nên cử hành Phật hóa kết hôn. Phật hóa kết hôn là cơ sở của Phật hóa gia đình, cũng là mở đầu của sự Phật hóa gia đình. Có kiện tòan Phật hóa gia đình mới có sự Phật hóa con cái ưu tú. Có Phật hóa con cái ưu tú mới có thanh niên Phật giáo ưu tú. Nhân đó, Phật giáo mới có được sự tôn sùng và quy hướng của xã hội, mới đem được nghĩa lý và tinh thần của Phật giáo phổ biến đến mọi nơi trong xã hội. Đây cũng là tông chỉ của Phật giáo Đại thừa.

Nhưng nghi thức Phật giáo kết hôn cũng không phải không có người phản đối, lý do phản đối là vì điều này không hợp với điều kiện Phật chế, còn có tội là làm trái với điều Phật chế nữa, do vì điều thứ 5 của 13 pháp Tăng tàn là giới làm mai mối cưới gả, cho rằng tất cả có quan hệ đến dâm sự giữa nam nữ, người xuất gia đều không được tham dự. Trong sự Phật hóa hôn lễ ngày nay lại lấy Tỳ kheo làm người chứng hôn, vì thế bị kết tội là hành vi trái với Phật chế.

Điều này đúng lắm, vì trong Phật điển chúng ta không tìm được căn cư cho phép Tỳ kheo làm người chứng hôn và cũng không tìm được cái tục lệ Phật hóa kết hôn.

Nhưng chúng ta phải nghiên cứu Tỳ kheo làm người chứng hôn có kể là làm mai mối hay không? Nếu nói theo nguyên tắc của Luật Tiểu thừa, Tỳ kheo lấy xuất ly sinh tử làm động cơ chủ yếu của sự giáo hóa. Hôn nhân là môi giới tăng trưởng sinh tử cũng là môi giới đưa đến dâm hạnh, vì thế cũng nên xa lìa, trường hợp này cũng không được tham dự thành người chứng minh hôn nhân.

Tỳ kheo làm người chứng hôn có phạm giới hay không? Nếu muốn tìm ra điều văn căn cứ của sư phạm giới thì cũng không tìm được, trong Luật vốn không có quy định điều nay. Vì người chứng hôn là chỉ chứng minh sự kết hôn song phương của nam nữ thành vợ chồng, trừ phi người chứng hôn kiêm nhiệm người giới thiệu, mới cấu thành tội Tăng tàn của người làm mai mối, hai bên về sau dù kết hôn, ty kheo cũng không phạm tội làm mai mối.

Trong luật chỉ ghi một trường hợp về vấn đề quan hệ với Tỳ kheo có thể tham dự vào sự kết hợp vợ chồng: “Nếu nam nữ trước đã kết hôn với nhau, sau ly biệt, nên khuyên họ hòa hợp trở lại. Điều này không phải cho phép Tỳ kheo và Tỳ kheo ni làm người chứng hôn, mà là cho phép Tỳ kheo, Tỳ kheo ni làm cho nam nư ly biệt hòa hợp trở lại như thuở ban đầu khiến cho gia đình của họ không vì sự gây gổ đến nỗi tan nát. Việc làm người chứng hôn cũng không thể viện dẫn một điều quy định này làm căn cứ.

Nhưng tôi tin rằng nếu cân nhắc khinh trọng theo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới, làm người chứng hôn tuy không phạm tội Tăng tàn, nhưng ít nhất cũng phạm tội Đột kiết la. Nếu cân nhấc theo Đại thừa Bồ tát hạnh, làm người chứng hôn chỉ cần mục đích là thiện. Dẫu cho làm người chứng hôn là có tội, nhưng nếu tông chỉ của sự chứng hôn này là đạt thành mục đích Phật hóa xã hội tiến đến độ khắp chúng sinh thì vì độ chúng sinh mà chính mình tạo tội đọa xuống địa ngục, há chẳng phải là tinh thần của đạo Bồ tát sao! Vì vấn đề là Tỳ kheo dẫu không vì người tục chứng hôn, nam nữ muốn kết hôn họ vẫn cứ kết hôn.

Nhân đây lối nhìn của tôi như vậy:

1. Nếu người xuất gia vì gấp cầu giải thoát sinh tử thì không nên làm người chứng hôn.

 2. Nếu người xuất gia vì thật tâm thực hành đạo Bồ tát thì không ngại làm người chứng hôn.

 3. Nếu người xuất gia vì đã sợ tội ác của sinh tử lại nguyện Phật hóa nhân gian thì nên có một biện pháp chiết trung: Trong Phật hóa hôn lễ, mời một người tục làm người chứng minh trước khi hôn lễ tiến hành, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni vì tân lang tân nương thuyết pháp thọ tam quy y và làm thầy quy y nữa, quy y Tam bảo nhiều lần càng tốt.

IV. HAI PHÁP BẤT ĐỊNH

Hai pháp bất định là hai điều của Tỳ kheo giới không thể phán đoán nhất định. Điều thứ nhất là Tỳ kheo đơn độc cùng một người nữ ngồi tại chỗ khuất có ngăn che có thể làm việc dâm dục và nói những lời Phật pháp không cho nói. Điều thứ hai là Tỳ kheo đơn độc cùng một người nữ ngồi tại chỗ trống trải không thể làm việc dâm dục và nói những lời Phật pháp không cho nói. Hai trường hợp này nếu bị một nữ cư sĩ tuyệt đối đáng tin (chứng Sơ quả trở lên) phát hiện, người ấy nói là phạm tội gì thì kể là phạm tội ấy. Tỳ kheo phạm tội cũng nên thật tình thừa nhận tự mình phạm tội gì nói phạm tội đó.

Trong điều thứ nhất, vì ở tại chỗ khuất có ngăn che có thể làm việc dâm dục, vì thế có thể phạm tội hành dâm Ba la di, có thể phạm tội Ba dật đề một mình ngồi với người nữ, vì thế gọi là pháp Bất định. Trong điều thứ hai, nhân vì ở chỗ trống trải không có thể làm việc dâm dục, vì thế có thể phạm một tội nào trong 2 tội xúc chạm của Tăng tàn và một mình ngồi cùng với người nữ của Ba dật đề, vì thế gọi là pháp Bất định.

Tóm lại, người xuất gia phải nên đặc bịệt nhận chân về giới hạn giữa nam nữ, người xuất gia đơn độc ở một chỗ với người khác phái dù không phạm giới cũng bị chê bai.. Giống như quả phụ thanh xuân và xử nử lớn tuổi có trinh tiết hay không thường là đối tượng của người nhiều chuyện, Tăng Ni có thanh khiết hay không cũng rất bị sự chú mục của người khác. Vì thế, trong luật quy định Tỳ kheo một mình ngồi với người nữ cách nhau ít nhất phải hai tầm (18 thước Tàu ), nếu có bạn thì không phạm.

Trọng tâm của giới xuất gia là giới dâm, những giới trọng yếu tôi giới thiệu cũng chú trọng vào giới dâm. Trong 13 pháp tăng tàn, có 5 điều quan hệ đến giới dâm, phân làm 3 lọai:

1. Chọc âm là tự mình đối với mình phạm

2. Xúc chạm, nói lời thô tục, tự khen mình, là tự mình đối với người khác mà phạm.

3. Làm mai mối là tự mình trợ giúp người khác mà phạm.

Năm thứ hành vi của giới dâm Tăng tàn tuy chưa cấu thành Ba la di của tự hành dâm dục, nhưng lại có sức mạnh đưa đến việc dâm dục. Vì thế, cả hai pháp bất định đều là giới vòng ngoài của giới dâm căn bản. Tác dụng của những giới dâm vòng ngoài là bảo vệ an toàn cho giới dâm căn bản. Giới dâm vòng ngoài được hình thành gồm có 3 lớp phòng tuyến bảo vệ giới dâm căn bản: Lớp thứ nhất là Đột kíết la, lớp thứ hai là Ba dật đề, lớp thứ ba là Tăng tàn. Trọng điểm của chương này giới thiệu là nghiêng về giới Tăng tàn của phòng tuyến thứ ba.

Như đột phá phòng tuyến thứ ba thì công kích vào đại bản doanh Ba la di.Đương nhiên chỉ cần người xuất gia có đạo tâm hoặc tâm cảnh giác, người ấy rất khó phá ba lớp phòng tuyến. Nhưng nếu người không có chút lòng hổ thẹn công kích thẳng vào đại bản doanh của Ba la di, cũng là việc chỉ trong khoảnh khắc mà thôi!