CẦU
NGUYỆN VÀ THỜ CÚNG
Tiến Sĩ G.P. Malalasekera - Việt dịch:
Thích Tâm Quang
Người ta thường hỏi: "Người Phật Tử có cầu nguyện
không?" "Người Phật Tử đến Chùa làm gì?" và " Thái độ của
Người Phật Tử đối với cầu nguyện như thế nào?"
Cầu nguyện và thờ
cúng thực ra hình thành một phần trọn vẹn của nhiều tôn giáo. Trong Phật Giáo,
cầu nguyện có nhiều ý nghĩa. Trong tôn giáo hữu thần tin vào Thượng Ðế toàn
năng có quyền vô hạn là Ðấng Sáng tạo thế giới, là cha của tất cả sinh vật, cầu
nguyện có nghĩa chính là cầu khẩn Thượng Ðế, yêu cầu Ngài, xin Ngài hướng dẫn
và che chở, ban sức khỏe và hạnh phúc và tha thứ các tội lỗi.
Phải nói rằng ngay từ
đầu người Phật Tử không tin vào một Thượng Ðế như vậy và cũng không cầu nguyện
theo ý nghĩa ấy. Người Phật Tử tin vào Nghiệp luật nói hạnh phúc hay bất hạnh
phúc là kết quả về hành động của chính mình. Thịnh vượng hay ngược lại được tạo
ra cho mỗi cá nhân bởi hành vi, lời nói và tư tưởng của cá nhân ấy. Nghiệp luật
vô tư, không có tác nhân nào sau nó, chỉ huy hay quản trị nó. Vô tư, nó không
nhân từ mà cũng không tha thứ. Tội lỗi chỉ có thể chuộc bằng cách làm điều
thiện, điều thiện sẽ khắc phục được hậu quả của hành động tội lỗi. Tội lỗi theo
ý nghĩa Phật Giáo không phải là vi phạm hay không tuân theo luật đặt ra có tính
cách độc đoán của thượng đế bắt chúng sanh phải theo mà là hành động sai lầm
của thân, khẩu, ý nó làm hỏng tính nết và cản trở sự phát triển nhân cách.
Vậy nên trong Phật
Giáo không có cầu nguyện được chấp nhận theo ý nghĩa thông thường của từ này
trên trần thế. Con người tự mình chịu trách nhiệm về điều thiện và tội lỗi,
sung sướng và nghèo khổ và không chịu trách nhiệm cho ai cả. Thế giới không tùy
thuộc vào sự tiến bộ hay thịnh vượng dựa vào bất cứ một người bên ngoài nào và
nó không được xây dựng bởi một ai bên ngoài cả.
Người Phật Tử làm gì
khi đến thăm chùa? Họ làm nhiều điều. Không có một ngày đặc biệt để thăm viếng
chùa chiền tuy có ngày trăng tròn, ngày trăng mới mọc là những ngày rất phổ
thông trong số nhiều người Phật Tử. Vào những ngày đó những người mộ đạo tu bát
quan trai giới, mặc đồ trắng, đồ trắng tượng trưng sự đơn giản, thanh tịnh, và
khiêm nhường. Những người mộ đạo này mang theo hoa, dầu, hương và đôi khi bột
gỗ đàn hương và long não. Tại Chùa, họ rửa chân tay vì thanh tịnh thân xác và
tâm tư được Ðức Phật ca ngợi. Trong chùa có nhiều bàn thờ và nhiều chỗ để dâng
đồ cúng. Chỗ bàn thờ chính được gọi là Vihara (Chánh Ðiện) có nghĩa là tịnh xá
nơi Phật cư ngụ.
Từ Vihara khởi đầu
dùng có nghĩa là chỗ ở của Ðức Phật. Sau này nó cũng được dùng để chỉ chỗ ở của
các thầy tu. Trong nghĩa ấy nó tương đồng với từ tu viện. Vihara cũng bao hàm
hình ảnh của Ðức Phật, gợi ý cái gì đáng giá và đáng chú ý. Với người Phật Tử,
hình ảnh tự nó không phải là một đối tượng để thờ phượng, nó chỉ là biểu tượng
và tượng trưng Ðức Phật. Hình ảnh giúp cho người mộ đạo nhớ lại những đức hạnh
vĩ đại của Ðấng Giác Ngộ. Về mục đích của sự thờ phượng, thật ra là không quan
trọng dù có hình ảnh hay không hình ảnh nhưng hình ảnh giúp cho hành giả tập
trung tư tưởng. Trong việc lễ lạy một hình ảnh, người Phật Tử không phải là một
người sùng bái thần tượng gỗ, đất sét, hay bằng đá, và sự buộc tội người Phật
Tử sùng bái thần tượng là do ngu muội hoặc cố ý xuyên tạc.
Có một điểm đáng lưu
ý nữa là dùng từ Vihara để chỉ tòa nhà chứa đựng những vật tượng trưng cho Ðức
Phật. Như đã nói trước đây, từ đó có nghĩa là một tịnh xá, cho nên với người
Phật Tử, Vihara là nơi Ðức Phật sống, không những trong quá khứ mà ngay bây giờ
trong hiện tại. Sự thờ cúng Ðức Phật không phải là cho một người nào đó chết,
đã ra đi và không còn nữa mà là đối với một người nào đó vẫn sống và hiện diện
trước mặt mình. Ðiều đó không có nghĩa là người Phật Tử tin tưởng Ðức Phật đã
nhập diệt trước đây tại Câu Thi Na bây giờ vẫn sống tại một nơi đặc biệt nào đó
và đang thực sự hoạt động trên đời. Nhưng người Phật Tử, vinh danh Ðức Phật,
giống như hồi tưởng trong tâm đời sống hiện tiền của Ðức Giáo Chủ để hành động
thờ cúng của mình sống động và có nghĩa lý.
Ðức Phật đã qua đời
nhưng ảnh hưởng của Ngài vẫn còn tỏa trên thế giới như hương thơm mà mùi ngào
ngạt vẫn tiếp tục bay tỏa dù chất liệu tạo ra đã không còn. Cảm nghĩ của người
Phật Tử là những đồ dâng cúng của mình cho một người vẫn còn sống, cho Pháp
Phật vẫn còn, và ký ức về cá tính rực rỡ của Ngài vẫn mãi mãi xanh tươi. Ðiều
này giải thích tại sao một số Phật Tử dâng cúng đồ ăn và đồ uống tại các bàn
thờ. Những lễ vật như thế duy nhất tượng trưng sinh khí về niềm tin và sự thành
tâm của họ; không môt ai, cả đến người Phật tử ngu muội nhất tin là Ðức Phật
hiện nay lại ăn và uống các lễ vật ấy. Ðó là cách thức Phật Giáo bày tỏ một
hình thức lý tưởng quan niệm của chúng ta về Ðức Phật như một ảnh hưởng sống
động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Dâng hoa và hương là
một sự dâng lễ thờ phượng, một hành động vinh danh, tôn thờ và tri ân dù lễ vật
này không có giá trị thực chất. Cũng giống như chúng ta dâng một vòng hoa hay
một bó hoa cho một người nào đó với ước vọng giãi bày lòng tôn kính, kính
trọng, cảm tình và lòng tri ân của chúng ta. Dâng cúng hoa và hương được theo
sau bởi lời tụng câu kệ nhắc nhở trong tâm đến những đức hạnh tuyệt vời của Ðức
Phật.
Như Ngài Hòa Thượng Nanamoli
đã nói: "Ðức Phật quả là một Ðấng Ban Phước Lành đã chấm dứt tất cả phiền
não và khổ đau, Ngài là người toàn bích, đáng được vinh danh, Ngài đã đạt được
trí tuệ tối thượng và giác ngộ, Ngài đã chỉ dẫn con đường của kiến thức chính
đáng, tư cách đạo đức, Ngài đã tìm ra hòa bình và hạnh phúc, nhận thức ra chân
lý về thế giới, như một nhà hướng đạo và một người bạn không ai có thể bì kịp
cho những ai muốn tìm đến sự hướng dẫn cũa Ngài, Ngài là thầy của trời và
người."
Phải chú ý rằng không
có yêu cầu để được ưu đãi, không có van nài để được che chở, mà là nhớ và diễn
tập lại đức hạnh của một vĩ nhân, đối với người Phật Tử đó là con người vĩ đại
nhất từ trước tới nay.
Sau đây trong một bài
kệ khác người mộ đạo tuyên bố chấp nhận Ðức Phật là vị Ðạo Sư, là người chỉ đạo
chừng nào mình còn sống, và bằng đức hạnh của sự kiện này hạnh phúc sẽ đến với
mình. Ðó là sự xác nhận niềm tin của người ấy vào Ðức Phật và chấp nhận lối
sống do Ngài vạch ra. Quan trọng hơn nữa là người mộ đạo bày tỏ lòng cương
quyết tự thắng mình nhằm đạt an lạc Niết Bàn mà Ðức Phật đã đạt được do sự tu
tập đức hạnh và chứng đắc trí tuệ. Người mộ đạo nhớ trong tâm là trong hàng
loạt sanh tiếp diễn, trong một thời gian dài, Ðức Phật (được biết trước đây là
vị Bồ Tát hay người tìm cầu giác ngộ hoàn toàn) trau dồi những đức tính ấy dẫn
chúng sanh đến toàn hảo và giác ngộ tối thượng. Trên con đường tu tập, Vị Bồ
Tát hay Phật-sắp-thành, coi sự cố gắng không quá khó khăn, không có sự hy sinh
quá lớn. Không chỉ trong một lần sinh mà trong nhiều lần sinh, Ngài đã hy sinh
mạng sống theo nguyên tắc mà Ngài đánh giá cao để phục vụ người khác.
Tất cả mọi người đều
có thể trở thành Phật, nếu họ quyết tâm và có thiện chí theo con đường Phật
Ðạo. Ðức Phật không đạt cái vĩ đại mà những người khác không thể đạt được. Lối
sống của Ðức Phật gọi là Pháp và người mộ đạo nhớ lại bằng câu kệ, đức tính và
những đặc đặc điểm và đặc tính nổi bật của giáo lý. Vậy nên Phật Pháp được nói
đến rõ ràng không huyền bí hay bí mật đằng sau mà hoàn toàn mở rộng như một bàn
tay mở ra mà sự hữu hiệu được biểu hiện là rõ ràng và và hiển nhiên có bằng
chứng, Phật Pháp bất diệt và vô tận, lúc nào cũng tốt đẹp khắp mọi nơi mọi lúc,
chấp nhận thử thách, mời điều tra và nghiên cưú, Phật Pháp không chút dấu giếm,
không nằm trên tin ngưỡng mà trên sự tin chắc, không mơ hồ mà xác thực trong
mục tiêu vạch ra, mà chân lý và hạnh phúc có thể đạt được bởi cá nhân và nỗ lực
tích cực không tùy thuộc vào ai khác mà hùng mạnh xiết bao .
Người mộ đạo cũng nhớ
lại sự khuyến khích và mở mang tinh thần của chính mình đang có, và thường là
đã có, những người tự hiến dâng cho sự nhận thức toàn vẹn Pháp, con đường giải
thoát, tranh đấu nghiêm chỉnh để tiến tới mục tiêu của sư tìm kiếm - loại bỏ
tham, sân và si. Họ là những tấm gương của đời sống lương hảo, hạnh kiểm tốt,
chính trực, không có gì đáng trách trong cư xử, đáng được vinh danh và tôn
kính, đáng được mọi người biết. Những người cao thượng này được biết là Tăng
Già hay cộng đồng của những đệ tử giác ngộ làm trong sạch thế giới bằng điều
thiện và tính chất thiêng liêng của đời họ, tránh tội lỗi, thúc đẩy điều lành,
và tràn đầy vũ trụ với tư tưởng hữu nghị, thiện chí và hòa bình. Người mộ đạo
cúng dường cho những người thoát ly gia đình thực hành hạnh bố thí và rộng
lượng. Nhớ đến những người cao thượng này trong niềm hiếu thảo, người Phật Tử
tu tập giữ giới và tràn ngập tâm tư với tư tưởng cao cả, người đó dấn mình vào
sự tu tập mức độ cao hơn - thiền định hay trau dồi tâm (bhavana).