Tuy nhiên, tinh thần Phật giáo Đại thừa nhìn về Đức Phật
không đơn giản như thế. Thật vậy, với tầm nhìn sâu sắc, Phật giáo Đại
thừa không chỉ thấy Phật là con người trọn lành như lịch sử đã ghi nhận,
mà còn triển khai tính cách siêu tuyệt của Đấng Đại Đạo Sư với quan
niệm tam thân Phật: sanh thân, Báo thân và Pháp thân. Ngoài sanh thân
như bao nhiêu người trên thế gian, Đức Phật vượt trội hơn mọi người, làm
Thầy của Trời người vì Ngài còn tạo tác được một Báo thân viên mãn. Đó
là thân phước đức trọn vẹn và trí tuệ vô song của Phật mới đóng vai trò
quan trọng trong việc giáo hóa độ sanh.
Trong hệ thống tư tưởng Đại thừa, kinh Hoa Nghiêm
còn hướng tầm nhìn về Phật cao hơn nữa. Dưới nhãn quan Hoa Nghiêm, tri
thức và đạo đức của Phật chẳng những là tấm gương kiểu mẫu cho một số
người noi theo, mà quan trọng hơn nữa là cả một xã hội đương thời phải
nương theo tri thức và đạo đức của Bậc Toàn giác để hình thành một xã
hội tốt đẹp, văn minh, gọi là Tịnh độ. Tịnh độ của Phật, nói đơn giản là
một nước mà ở đó chỉ có con người tài đức và xã hội trong sáng hoàn
toàn. Đó là tinh thần Đại thừa đã nâng con người và xã hội lên mức lý
tưởng như vậy và biến lý tưởng thành hiện thực.
Trong ngày Lễ Phật đản, một trong những nghi thức kỷ
niệm mà các chùa đều tổ chức là lễ Tắm Phật. Làm lễ Tắm Phật, Tăng Ni
Phật tử thường đọc bài chú Tắm Phật như sau:
Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh tịnh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp thân
Tỳ Gia thành lý vị tằng sanh
Sa La thọ gian vị tằng diệt
Bất sanh bất diệt lão Cồ Đàm
Nhãn trung khán kiến trùng thiên tiết
Kim triêu chính thị tứ ngoạt bát
Tịnh Phạn vương cung sanh Tất Đạt
Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai
Bỗng túc Liên Hoa tùng địa phát
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát phạ ha.
Bốn câu đầu của bài kệ có nghĩa là chúng ta tắm gội các
Đức Như Lai để làm cho thân tâm của chính chúng ta được trong sạch và
nhờ đó mới tích tụ được công đức. Tại sao tắm Đức Như Lai mà lại làm cho
chúng ta được trong sạch? Đó là ý quan trọng mà tinh thần Đại thừa muốn
khai mở.
Thật vậy, dưới kiến giải của Đại thừa, Như Lai không
phải là bức tượng gỗ trên bàn thờ, vì thế chúng ta không tắm tượng Như
Lai ấy; hay nói đúng hơn, chúng ta nương theo hình thức tắm tượng Như
Lai để nhắm đến mục tiêu quan trọng hơn, đó là gội rửa chính bản thân
chúng ta cho thanh tịnh.
Tắm Phật
Và trong hệ thống tư tưởng Đại thừa, kinh Hoa Nghiêm
được coi là đỉnh cao đã có cái nhìn phóng khoáng đến vô cùng, theo đó
Đức Như Lai mà chúng ta cần quan tâm đến chính là những người hiện hữu
tham dự lễ Tắm Phật, họ đang phát tâm Bồ đề hướng về Phật. Hướng tâm đến
Phật nghĩa là hướng đến bậc thánh thiện trọn lành, thì lực thanh tịnh
trọn lành ấy sẽ tác động như một màng lọc làm cho tâm họ lắng yên, xa
rời những thứ nhơ cấu, triền phược và trở thành trong sạch. Thân tâm có
thanh tịnh thì công đức mới tích tụ. Thân tâm ô uế thì không thể nào
tiếp nhận được những làn sóng thánh thiện của Phật truyền đến, tất nhiên
không thể tu tạo được công đức.
Theo Phật dạy thì trên bản thể, chúng ta và Phật đồng
nhau, không khác. Nhưng vì chúng ta mê muội để cho bụi bặm phiền não
nhiễm ô bám vào dày đặc, nên không thể tu tạo được công đức hoặc làm cho
công đức tiêu tan, ta mới trở thành phàm phu khổ đau. Ý thức như vậy,
bước theo dấu chân Phật, chúng ta phải tẩy rửa bụi bặm trần lao, trong
sạch hóa thân tâm, từ đó phát triển công đức đầy đủ để chứng được thân
chân thật giống như Đức Như Lai, gọi là Pháp thân.
Lễ Tắm Phật đã thấm sâu vào sinh hoạt tín ngưỡng của
nhân gian, nhưng nhiều người chưa hiểu được yếu nghĩa của bài kệ trên.
Tuy nhiên, với tinh thần kính trọng Phật cao độ, nên thực tế chúng ta
thấy sau buổi lễ Tắm Phật, nhiều người thường chia nhau nước tắm Phật để
uống, hoặc đổ nước lên người khác. Tục lệ này ngày nay còn được người
Thái Lan tôn trọng qua lễ hội tạt nước vô người khác như lời cầu mong
cho mọi người gội sạch được bụi bặm phiền não của cuộc đời, thân tâm
được mát mẻ, an vui.
Đoạn thứ hai của bài kệ nhằm nhắc nhở chúng ta ý thức
rằng Đức Phật thực không Đản sanh ở thành Ca Tỳ La Vệ và Ngài cũng chưa
từng nhập diệt ở Sa La song thọ. Đức Phật bất sanh bất diệt ấy vẫn tồn
tại miên viễn từ xa xưa cho đến ngày nay và hằng hữu mãi đến ngàn sau.
Nói
như vậy không có nghĩa là phủ nhận hiện tượng lịch sử về cuộc đời của
sanh thân Phật Thích Ca đã hiện hữu trên đất Ấn Độ. Yếu nghĩa quan trọng
mà tinh thần Đại thừa muốn nhấn mạnh chính là nhắc nhở chúng ta không
nên chấp chặt vào hình thức, dù đó là hình thức của đạo. Thật vậy, bài
kệ trên phủ nhận hình thức đến mức nói rằng nếu thấy Phật sanh ở Ca Tỳ
La Vệ và nhập diệt dưới cây Sa la, tưởng Phật hạn hẹp như vậy làm tâm ta
sẽ có thêm vấn đề suy nghĩ theo vọng thức, nên bị vô minh ngăn che,
phiền não nổi dậy mà khởi tâm thương tiếc, khóc than là không còn Phật
nữa.
Nhìn thấy hình tượng Phật nhân lễ kỷ niệm Phật đản sanh
ngày mùng 8 tháng 4, chúng ta liền hình dung Đức Phật ra đời ở cung vua
Tịnh Phạn, có 9 con rồng phun nước, có 7 đóa hoa sen nổi lên đỡ chân
Phật và theo thời gian, Phật lớn tuổi dần, rồi nhập diệt ở cây Sa la.
Nghĩ nhớ về Phật như vậy thì theo tinh thần Đại thừa chẳng khác gì chúng
ta coi trọng hiện tượng sanh diệt, chỉ làm ta thêm phiền não, không
được thanh tịnh ví như cảm giác bị xốn xang khó chịu khi hạt bụi rơi vào
mắt ta.
Dưới kiến giải của Đại thừa, Đức Phật không sanh cũng
không diệt ở cuộc đời này, còn hiện tượng sanh diệt trên cuộc đời là
Ngài tùy duyên giáo hóa chúng sanh mà có, không phải thực.
Thâm nhập
tinh thần này, việc quan trọng nhất của người tu hành là làm cho thân
tâm của chính mình được thanh tịnh và chứng được quả vị Như Lai không
sanh diệt đồng với Phật.
Vì vậy, đừng tưởng có Phật sanh diệt làm
chúng ta kẹt với con người hữu hạn mà không bao giờ được giải thoát.
Đừng chấp vào hình thức lễ nghi quá nhiều mà kẹt vào hiện tượng giới và
bị những việc không cần thiết bao vây, ràng buộc, thì không phát triển
tâm linh được và cũng đánh mất tánh giải thoát của đạo Phật.
Cần ý thức những hình thức sinh hoạt của Phật giáo là
phương tiện nhằm giúp cho ta và người thăng tiến Bồ đề, phát huy chơn
tâm thanh tịnh, sáng suốt và hành động lợi ích cho đời mà chúng ta vẫn
an trụ tự tại giải thoát.
Nhận chân và áp dụng được yếu nghĩa của bài kệ Tắm Phật
trong cuộc sống tu hành, đạt được kết quả lợi lạc cho bản thân và mọi
người. Đó là món quà vô giá mà Tăng Ni, Phật tử chúng ta dâng lên cúng
dường Đức Từ phụ.
HT.Thích Trí Quảng (Giác Ngộ )