Tóm lại tất cả các pháp khí trong đạo Phật đều là những bài kinh vắn
tắt, là những phương tiện cần thiết, biểu dương ý nghĩa cao thâm của
chánh pháp, và giúp cho người tu hành thêm phần dễ dàng tiến tu trên
đường giải thoát.
Sau đây là các pháp khí trong đạo Phật.
1. Chuông:
a. Xuất xứ: Chuông không biết bắt đầu có từ bao giờ,
nhưng việc dùng chuông thì trong các kinh truyện thường có nhắc đến.
Kinh Tăng Nhất A Hàm có chép: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì
những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh chịu
hình phạt được tạm thời an vui”
Truyện Cảm Thông chép: “Ngày xưa Đức Phật
Câu-lưu-tôn ở tại viện Tu-đa-la xứ Càn Trúc, đã tạo một quả chuông bằng
đá xanh đánh vào những lúc mặt trời mọc. Khi chuông ngân thì trong ánh
sáng mặt trời có các vị hóa Phật hiện ra, diển thuyết 12 bộ kinh, làm
cho người nghe chứng được chánh quả không thể kể xiết”. Bộ Kim Lăng Chí
chép: “Vua Hiếu Cao Hoàng đế đời Đường, nhân vì nghe lời sàm tấu của
Tống Tề Khưu giết lầm kẻ tôi trung là Hòa Châu, nên khi chết bị đọa vào
địa ngục. Một hôm có người bị bạo tử (chết thình lình), hồn thần đi
lạc vào địa ngục, thấy một tội nhân bị gông cùm đánh đập rất khổ sở, hỏi
ra mới biết vua Hiếu Cao nhà Đường. Vua gọi người bạo tử bảo rằng: “Nhờ ngươi trở lại dương thế nói với Hậu chúa ta rằng: Hãy vì ta mà đúc chuông cúng dường và làm các việc phước thiện.” Khi
tỉnh lại, người bạo tử trên liền đến bái yết Hậu chúa và chuyển lời
nhắn gửi của vua Hiếu Cao. Nghe vậy, Hậu Chúa liền thân đến chùa Thanh
Lương, phát nguyện đúc một quả chuông để cúng dường và cầu siêu cho
Hiếu Cao Hoàng đế”. (Bách trượng Thanh Qui, quyển 87, trang 68).
Và trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật cũng đã bảo ngài La Hầu La đánh chuông để giảng lý viên thường cho ngài A-nan nghe.
b. Ý nghĩa và cách sử dụng: Có 3 loại chuông thường dùng trong các tự viện là Đại hồng chung, báo chúng chung và gia trì chung.
- Đại hồng chung là loại chuông lớn. Chuông này gọi là chuông u minh,
thường đánh vào lúc đầu đêm và cuối đêm. Đánh vào lúc đầu đêm có ý là
nhắc nhở cơn vô thường nhanh chóng cho mọi người và đánh vào lúc cuối
đêm là có ý thức tỉnh mọi người tinh tấn tu hành để chóng vượt ra ngoài
vòng tối tăm đau khổ.
Đánh chuông này thường đánh 108 tiếng, tiêu biểu ý nghĩa đoạn trừ 108
phiền não căn bản (88 kiến hoặc, 10 tư hoặc, 10 triền: Vô tàm, vô quý,
hôn trầm, ác tác, não, tật, trạo cử, thùy miên, phận, phú = 108 phiền
não) của chúng sanh. Vì vậy, trong bài kệ chuông có câu: “Văn chung
thanh phiền não khinh – dịch: nghe tiếng chuông phiền não nhẹ…” là ý
nói nghe tiếng chuông thì 108 phiền não được tiêu trừ, tâm trí được nhẹ
nhàng thanh thoát vậy. Bài kệ đọc trong khi nghe chuông đánh: “Văn
chung thanh phiền não khinh, trí huệ trưởng bồ đề sanh, ly địa ngục
xuất hỏa khanh, nguyện thành Phật độ chúng sanh, án già ra đế gia toá
ha”. Còn khi đánh chuông thì đọc bài kệ: “Nguyện thử chung thanh
siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn, văn trần thanh tịnh chứng
viên thông, nhất thế chúng sanh thành chánh giác”, tiếp đến niệm danh hiệu Quán-thế-âm và thong thả đánh cho đủ 108 tiếng.
- Báo chúng chung, cũng gọi là Tăng đường chung, tức là thứ chuông
dùng để báo tin trong khi nhóm họp, thọ trai và khóa tụng v.v… trong
các tự viện.
- Gia trì chung, là thứ chuông dùng điều hòa và ra hiệu trong khi tụng kinh, lễ Phật cho được nhịp nhàng đều đặn.
2. Mõ:
a. Xuất xứ: Sách Sắc tứ
thanh qui pháp khí về chương Mộc ngư có chép: “Tương truyền rằng: Loài
cá luôn luôn thức không bao giờ ngủ. Vì vậy chạm nó theo hình cá là có
ý: tiếng mõ có thể đánh thức được hôn tình, làm cho mọi người tỉnh cơn
mê muội… “Sách Chích ngôn đời Đường có chép: “Có một người bạch y hỏi
một vị trưởng lão người Thiên Trúc rằng: Vì sao ở các Tăng xá đều có
treo mõ? Vị trưởng lão trả lời: Vì để kỉnh tỉnh chúnh Tăng ở tại Tăng
xá. Người bạch y hỏi tiếp: Nhưng tại sao lại tạc hình cá? Vị trưởng lão
không trả lời được. Người bạch y liền đến hỏi ngài Ngộ Biện, ngài giải
thích: “cá là một loài không bao giờ nhắm mắt, cũng vì muốn người
tu hành ngày đêm quên ngủ, gắng công tu tập, mau chứng quả nên treo và
đánh mõ hình cá là có ý như vậy”.
b. Ý nghĩa và cách sử dụng: Có hai loại mõ: Mõ hình
bầu dục có chạm đầu cá và mõ hình điếu chạm nguyên hình con cá nằm dài.
Loại mõ hình bầu dục dùng để đánh trong khi tụng niệm, còn loại hình
điếu thì thường treo ở nhà trù để đánh báo tin giờ trai phạn.
Đánh mõ có hai ý: Một là để cho khi tụng niệm được
nhịp nhàng, không lộn xộn và như thế vừa giữ được vẽ trang nghiêm và
nhất là làm cho người tụng niệm khỏi bị rối trí loạn tâm. Hai là để
kỉnh thỉnh tâm trí người tụng niệm khỏi bị hôn trầm, và cũng chính vì ý
này mà ở quai mõ, thân mõ thường chạm trố hình loài cá là một loài
không bao giờ ngủ, luôn luôn tỉnh táo vậy.
Đồng thời, đánh mõ cũng còn có ý nghĩa là để báo tin thì giờ ăn uống,
tu tập v.v…. trong các tòng lâm, tự viện như cách dùng bảng, khánh
v.v…
3 .Trống:
a. Xuất xứ: Kinh Kim
Quang Minh chép: “Một hôm ngài Tín Tướng Bồ tát nằm mộng thấy một cái
trống lớn bằng vàng. Trống có hào quang sáng như mặt trời. Trong hào
quang có rất nhiều các Đức Phật ngồi trên tòa sen lưu ly đặt dưới các
gốc cây báu. Chung quanh các Đức Phật đều có trăm ngàn các vị đệ tử
ngồi nghe pháp. Bấy giờ có một người giống như giáo sĩ Bà la môn, cầm
dùi trống đánh mạnh vào chiếc trống vàng nói trên, tiếng trống vang rền
nghe như lời kinh sám hối. Khi đã tỉnh mộng, ngài Tín-Tướng Bồ tát liền
đem những điều mình được thấy được nghe trong giấc mộng trình lên đức
Thế Tôn… “Kinh Lăng nghiêm chép: “A-nan (lời Đức Phật)! Ngươi hãy nghe
tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong, và tiếng chuông mỗi khi nhóm chúng
trong tịnh xá Kỳ-Đà này. Tiếng chuông hoặc tiếng trống trước sau nối
tiếp nhau. Vậy theo ý ngươi nghe được các thứ tiếng ấy là vì nó tự bay
đến bên tai ngươi, hay tai của ngươi đến nơi những chỗ phát tiếng?”
b. Ý nghĩa và cách sử dụng: Trống có hai loại trống
Đại và trống Tiểu, tức trống kinh. Trống đại là thứ trống lớn, đánh
trong những lúc như trước khi đánh chuông u minh vào đầu đêm và cuối
đêm. Đánh theo thể thức bài Tam luân cửu chuyển. Khi đánh trống đầu đêm
đọc bài kệ: “Cổ thanh hướng hướng, xứ biến hà sa, thiên long bát bộ
tiến kha kha, tam-luân cửu chuyển sanh tử đoạn, độ tận chúng sanh xuất
ái hà”, và tiếp đọc 5 danh hiệu: Nam mô Cổ-lôi-âm Bồ-tát ma-ha-tát. Còn
đánh trống vào cuối đêm thì thường đọc bài kệ: “Lôi cổ đằng xao nghiệp
chướng tiêu, tam luân cửu chuyển hướng tiêu tiêu, thượng thăng thiên
giới quần thiên lạc, hạ thấu u quan chúng quỷ siêu”, và tiếp đọc 3 lần
danh hiệu: Nam mô Siêu lạc Độ Bồ-Tát ma-ha-tát.
Hai bài kệ trên đây ngụ ý nói: Tiếng trống là tượng trưng cho chánh
pháp, chúng sanh nghe trống chánh pháp thì nghiệp chướng tất tiêu trừ
và sẽ được thoát ly luân hồi sanh tử.
Ngoài ra, trong những khi thuyết pháp, khi làm lễ lớn ở điện Phật,
cũng đều có dùng đến thứ trống lớn này. Khi thuyết pháp thì đánh 3 hồi
để triệu tập thính chúng, còn khi làm các lễ lớn như thỉnh Tam-bảo,
khai kinh v.v… thì đánh theo thể thức bài Bát-nhã-hội mà thường gọi là
“chuông trống bát nhã”.
Cách đánh chuông trống Bát-nhã: đánh theo từng chữ một trong bài kệ
Bát-nhã-hội. Đoạn đầu của bài kệ thì nên đánh lớn tiếng và đánh chầm
chậm, từ nửa bài kệ về sau thì đánh nhỏ tiếng dần, đánh thúc cho đến
khi chấm dứt và đánh đủ 3 lần.
Bài kệ đánh trống Bát-nhã: Bát-nhã-hội (đánh 3 lần), thỉnh Phật
thượng đường (1 lần), Đại chúng đồng văn (1 lần), Bát-nhã-âm (1 lần),
Phổ nguyện Pháp giới (1 lần), Đẳng hữu tình (1 lần), nhập Bát-nhã (1
lần), ba-la-mật môn (đánh nhiều lần và đánh nhỏ tiếng cho đến khi chấm
dứt).
Đại ý bài kệ này là cung thỉnh Phật nói lý Bát-nhã và nguyện cho Đại
chúng hiện tiền cùng tất cả chúng sanh đều được thâm nhập giáo lý cứu
cánh ấy.
Còn trống tiểu là thứ trống nhỏ dùng đánh trong những khi tụng kinh bái sám v.v… nên cũng gọi là “trống kinh”.
Cách đánh trống này rất phức tạp, không có một qui luật nhất định,
đại khái là chỉ đánh theo nhịp và âm vận trầm bổng của các bài kinh tán
mà thôi. Đánh trống này với mục đích là đở hơi cho người tán tụng, thứ
nửa là giúp cho buổi lễ được tăng phần trang nghiêm long trọng và cũng
là một món nhạc khí trong các món nhạc khí cúng dường Tam-bảo.
4. Bảng khánh:
a. Xuất-xứ: Sách tượng
khí tiêu quyển thứ 18 có chép: “Ngài Vân Chương nói: hình của bảng
giống như đám mây, nên người ta cũng thường gọi tên của bảng là Vân
bảng.” Ngài Tục sự lão cũng có thuật: “Vua Tống thái Tổ cho rằng, tiếng
trống hay giật mình người ngủ, nên thay vì dùng trống vua Tống Thái Tổ
chế dùng thiết khánh (khánh bảng thiết).” Loại khánh này cũng gọi là
chinh, tức là Vân bảng vậy.
b. Cách chế tác và sử dụng: Theo ngày Vân Chương
trong sách Tượng Khí Tiên nói trên, thì hình của bảng giống như đám
mây, và theo ngài Tục Sự lão thuật lại thì Tống Thái Tổ chế Vân bảng
bằng thiết. Nhưng nay ở các tòng lâm thì đều dùng bảng bằng gỗ và trổ
theo bán hình bát giác. Bề dày của bảng khoảng chừng 4 tấc tây và bề
cao khoảng hơn 2 tấc tây. Bảng cũng được thay thế cho trống và dùng
trong những trường hợp như báo tin giờ thọ trai, giờ học tập, và cả
những lúc nhóm họp Tăng để nghị bàn Phật sự, phân phát cúng vật, hoặc xử
đoán các lỗi lầm v.v… của chúng Tăng trong Già lam. Bảng và Khánh ấy
trong luật thường gọi là “Kiền chùy thành”.
Còn khánh cũng là một pháp khí như bảng. Cách dùnhg cũng không khác
gì nhau, chỉ có hình thức và nguyên liệu chế tác là khác nhau mà thôi.
Hình của bảng là hình bát giác và làm bằng gỗ, còn hình của khánh thì
làm theo hình bán nguyệt, và đúc bằng đồng, hoặc có khi làm bằng đá cẩm
hạch. Ngày nay ở các tòng lâm tuy cũng có sắm khánh nhưng ít khi dùng
đến, chỉ chuyên dùng bảng mà thôi.
5. Bát:
a. Xuất-xứ: Kinh Phật
bổn hạnh chép: “Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có hai thương gia
một người tên là Đế-ly Phú-bà và một người tên là Bạt-ly-ca đều ở tại
Bắc Ấn-Độ. Một hôm, hai thương gia này phát tâm đem sửa cúng dường
Phật, nhưng Đức Phật không có gì để đựng sữa. Bấy giờ có 4 vị Thiên
vương đem 4 cái bát bằng vàng cúng Phật để đựng sữa, Đức Phật không
nhận, bốn vị Thiên vương lại đem 4 cái bát khác đủ các loại quí giá như
ngọc, ngà v.v… Đức Phật cũng không nhận, sau cùng có 4 vị Thiên vương
đem cúng dường Phật 4 cái bát bằng đá, Đức Phật hoan hỷ nhận, không từ
chối.
b. Ý nghĩa, cách chế tạo và sử dụng: Chữ Bát nguyên
tiếng Phạn là Bát-da-la, dịch là Ứng lượng khí, nghĩa là một vật dùng
đựng các thực phẩm vừa với sức ăn của một người.
Bát chỉ được trổ bằng đá, nắn bằng đất sét rồi hầm chín hoặc phết
bằng sành mà thôi, chứ không được làm bằng vàng, bạc, ngọc ngà, vì
những thứ này là bảo vật, người xuất gia không nên dùng, nhất là không
được làm bằng gỗ, vì bát gỗ là thứ bát của Bà-la-môn (một giáo phái
ngoại đạo thờ Phạm thiên ở Ấn Độ) dùng.
Ngày nay ở các nước Tiểu thừa Phật giáo như Ấn-Độ, Tích Lan, Miến
Điện, Xiêm La v.v… chư Tăng thường đi khất thực, nên thường dùng Bát.
Riêng ở Việt-Nam thuộc về Đại thừa Phật giáo, Chư Tăng không đi khất
thực nên ít khi dùng tới, chỉ có 3 tháng an cư kiết hạ hàng năm là đặc
biệt dùng nhiều nhất mà thôi. Dưới đây là bài kệ đọc trong khi dùng
bát: “Chấp trì ứng khí, đương nguyện chúng sanh, thành tựu pháp khí,
thọ thiên nhơn cúng” và tiếp đọc câu chú “Án chỉ rị chỉ, rị phạ nhật ra
hồng, phấn tra”.
6. Trích trượng:
a. Xuất-xứ: Kinh trích
trượng chép: “Phật dạy: Này các Tỳ-kheo, các người nên thọ trì Tích
trượng, vì Tích trượng là một pháp khí mà 3 đời Đức Phật đều có thọ
trì”.
b. Ý nghĩa và cách sử dụng: Tiếng Phạn gọi là
Khích-khí-la, Trung Hoa dịch là Tích trượng, tức là cái gậy của các vị
Tỳ-kheo dùng trong khi đi đường, đi khất thực… Tích trượng cũng có tên
là Khí trượng hay Đức trượng, nghĩa là nhờ chiếc gậy trí tuệ và phước
đức này mà người xuất gia được mạnh tiến trên đường tu tập, hướng đến
quả vị giải thoát giác ngộ. Trong kinh Tích trượng có chép: “ngài
Ca-Diếp bạch Phật, bạch đức Thế-Tôn, thế nào gọi là Tích trượng? Phật
dạy: Tích có nghĩa là khinh, nghĩa là nhờ ở chiếc gậy Đức hạnh và trí
tuệ này mà phiền não được khinh bạt và ra khỏi ba cõi sanh tử. Tích
cũng có nghĩa là minh, nghĩa là được trí sáng suốt vậy. Tích lại còn có
nghĩa là tỉnh, nghĩa là tỉnh ngộ được rằng, ba cõi là khổ và không, và
tích cũng có nghĩa là sơ, nghĩa là người cầm chiếc gậy này thì không
còn say đắm ngũ dục nữa”.
Bề kính của Tích trượng chỉ vừa tay cầm, bề cao không quá đầu người.
Trên đầu của Tích trượng có 4 cái vòng và 12 cái khâu nhỏ bằng đồng,
tượng trưng cho 4 đế và 12 nhân duyên. Kiểu tích trượng này do Đức Phật
Thích Ca chế. Cũng có một thứ Tích trượng khác, trên đầu chỉ có 2 cái
vòng và 6 cái khâu mà thôi. Hai cái vòng tượng trưng cho chơn, tục nhị
đế và 6 cái khâu là tượng trưng cho lục độ vậy. Kiểu Tích trượng này do
Đức Phật Ca Diếp chế (Bách trượng thanh quy).
Sau đây là bài kệ đọc trong khi cầm Tích trượng: “Chấp trì tích
trượng, đương nguyện chúng sanh, thiết đại thí hội, thị như thật đạo”.
(dịch: khi cầm tích trượng, nên nguyện chúng sanh, tu tập hạnh bố thí,
chừng đạo quả như thật), và tiếp đọc bài mật chú: “Án na lật thê, na
lật thê, na lật tra, bát nể na lật đế, na dạ bát nảnh hồng phấn tra”.
7. Lự Thủy Nan:
a. Xuất xứ:
Theo bộ Hội Chánh Ký có chép: “Nếu làm túi lọc nước thì nên may một
lớp vải dày lên trên, nếu không có lụa thì dùng vải dày cũng được”. Tri
môn kỉnh huấn chép: “Túi lọc nước là một dụng cụ hành từ, là một trợ
duyên tế vật. Đại đạo do đó mà sanh ra, chí đạo cũng do đó mà khắc phục
được”.
b. Ý nghĩa và cách chế tác, sử dụng: Lự thủy nan là
cái túi lọc nước. Lọc nước để uống hoặc để dùng vào việc tắm rửa v.v… Ý
nghĩa việc lọc nước này có hai đặc điểm: Một là phòng ngừa bệnh tật,
giữ gìn vệ sinh. Hai là vì lòng từ bi muốn bảo vệ các sinh mạng ở trong
nước như các loài thủy trùng vi tế v.v… cho nên trước khi dùng nước
cần phải được lọc kỹ. Trong kinh Chánh pháp niệm cũng có chép: “Nước để
cách đêm vi trùng có thể sanh ra, nếu không được lọc kỹ thì tuyệt đối
không nên dùng. Giữ được điều đó tức là một phần trì giới bất sát”.
Vậy cách chế tác và sử dụng Lự Thủy Nan như thế nào? Theo bộ Bách
nhất Kiết-na thì Lự Thủy nan được chế tác theo 5 cách sau đây:
1. Phương la: Phương la tức là một khổ vải rộng chừng 2,3 tấc vuông dùng để lọc nước trước khi uống hoặc rửa ráy.
2. Pháp bình: Hay cũng gọi là âm dương bình, tức là
một thứ bình lọc nước có hai ngăn. Một ngăn chứa nước chưa lọc và một
ngăn để chứa nước đã được lọc do ngăn bên kia chuyền sang.
3. Quân trì bình: Tức là lấy một tấm vải bít đầu miệng một cái bình rồi thả chìm vào trong nước, khi nào nước vào đầy bình thì đem ra mà dùng.
4 & 5. Chước thủy la và Y-giác-la: Hai thứ kiểu
lọc nước này kiểu gần giống nhau. Chước thủy la thì chỉ cần một khổ vải
khoảng 1 tấc đem căng trên một cái khung hình tròn bằng tre hoặc thép.
Còn Y-giác-la thì cũng dùng một khổ vải nói trên, nhưng không căng
trên khung mà chỉ may quanh khổ vải một đường nẹp và lồng vào trong
đường nẹp ấy một sợi dây, đến khi lọc nước vào trong một cái bình hay
bát, rồi thắt sợi dây lại, bây giờ hãy đổ nước vào lọc kỹ mà dùng.
Tóm lại, 5 thứ lọc nước trên đây tuy hình thức có phần sai khác nhau,
nhưng công dụng vẫn một, ấy là dùng để lọc nước mà thôi. Có điều cần
lưu ý là ngoài việc lọc nước để giữ gìn vệ sinh, đặc biệt hơn hết là để
bảo vệ sanh mạng, tránh sự giết hại các loài vi trùng trong nước. Cho
nên sau khi lọc nước xong, túi lọc phải được đem nhúng vào chỗ lấy
nước, để cho các loài vi trùng bị lọc được trở lại chỗ cũ được sống yên
ổn như trước.
Khi dùng đến lọc nước, nên đọc lên bài kệ sau đây; “Thiện lai lự thủy
nan, hộ sanh hành từ cụ, xuất nhập thường đới tụng, phương hiệp
Bồ-Tát-đạo”, và tiếp đọc câu chú “Án phạ tất ha ra ma ny tóa bà ha “.
8. Y:
a. Xuất xứ: Ngày xưa
khi Đức Phật còn tại thế một hôm Ngài bảo ngài A-nan rằng: “Này A-nan,
các hàng đệ tử của các Đức Phật ở quá khứ đã từng mặc áo Ca-sa, các
hàng đệ tử của chư Phật ở vị lai cũng sẽ mặc áo Ca-sa, Ta nay dùng dao
kéo cắt thành áo Ca-sa cho các hàng đệ tử Sa-môn (chúng xuất gia) mang
đắp. Áo Ca-sa sẽ không bị giặc giả cướp mất. Áo Ca-sa được gọi là giải
thoát phục, cũng gọi là phước điền y. Nếu có chúng sanh nào khởi ác tâm
hướng đến tam thế chư Phật, Bích Chi La hán và những người mặc áo
Ca-sa, chúng sanh ấy phải chịu quả báo đau khổ nhiều không kể xiết. Vì
sao thế, vì áo Ca-sa hoại sắc là Tiêu thức của Thánh hiền. Trái lại, nếu
có chúng sanh nào hay phát tâm kỉnh trọng thì sẽ được phước báo vô
lượng. Chính ta cũng nhờ có tín tâm kỉnh tín và mang đắp ca-sa mà ngày
nay được thành chánh quả” (kinh Hoa-Nghiêm).
Với tài liệu trên cho ta thấy rằng Pháp y không phải mới được sáng
chế trong thế hệ hiện tại của Đức Phật Thích Ca, mà ở đời quá khứ các
Đức Phật cũng đã từng mang đắp và đã dạy các hàng đệ tử mang đắp rồi.
b. Ý nghĩa và các loại y: Y là một thứ pháp phục của
những người xuất gia. Ý nghĩa của thứ Pháp phục này thì nhiều nhưng có
thể tóm tắt trong hai điểm. Một là muốn cho lối ăn mặc của người xuất
gia khác với lối ăn mặc thông thường của thế gian, cốt để giảng trạch
giữa người Tăng, kẻ tục. Hai là để tiêu biểu cho giới đức phẩm hạnh
cùng tôn chỉ ý chí siêu trần của người xuất gia theo đạo Phật. Cũng vì
hai ý nghĩa trên nên về phương diện chế tác hình thức và màu sắc,
pháp-phục đã được khác hẳn với thường phục, còn về ý nghĩa thì pháp
phục lại được mang những danh từ khác nhau để tiêu biểu như: Nhẫn nhục
khải, phước điền y hay giả thoát phục v.v…
Ngoài ra cũng muốn được dễ dàng phân biệt các Phật sự của chúng Tăng, nên pháp phục được chia làm 3 loại sau đây:
1. An đà hội: Dịch là Tác-vụ-y. Nghĩa là thứ y mặc
trong khi làm việc khi ra đường. Y này có 5 điều, mỗi điều chia làm 3
khoản, 2 khoản dài một khoản ngắn.
2. Uất-đa-la Tăng: Dịch là Nhập chúng Y. Nghĩa là
thứ y dùng trong những khi nhập chúng, thọ trai, nghe giảng, tụng kinh,
tọa thiền, lễ Phật, Tháp và các vị cao Tăng. Y này có 7 điều, mỗi điều
chia làm 3 khoản, hai khoản dài và một khoản ngắn như kiểu y trên.
3. Tăng-già-lê: Dịch là Tạp toái Y hay Đại Y. Nghĩa
là thứ Y lớn nhất trong các loại Y. Thứ Y này chia làm 3 phẩm là Hạ,
Trung và Thượng, Hạ phẩm cũng chia làm 3 là Hạ hạ, Hạ trung và Hạ
thượng. Y Hạ hạ có 9 điều Y Hạ trung có 11 điều và Y Hạ thượng có 13
điều. Trung phẩm cũng chia làm 3 là Trung hạ, Trung trung và Trung
thượng. Y Trung hạ có 15 điều, Y Trung trung có 17 điều và Y Trung
thượng có 19 điều. Thượng phẩm cũng chia làm 3 là Thượng hạ, Thượng
trung và thượng thượng. Y Thượng hạ có 21 điều, Y Thượng trung có 23
điều và Y Thượng thượng có 25 điều.
Y hạ phẩm có từ 9 điều đến 13 điều, mỗi điều cũng chia làm 3 khoản:
Hai khoản dài và một khoản ngắn như hai kiểu Y trên. Y trung phẩm từ 12
đến 19 điều, mội điều chia làm 4 khoản, 3 khoản dài một khoản ngắn. Y
thượng phẩm từ 21 điều đến 25 điều, mỗi điều cũng chia làm 4 khoản, 3
khoản dài một khoản ngắn như Y trung phẩm.
9. Tràng hạt:
a. Xuất xứ: Kinh Mộc
quán tử chép: “Ngày xưa có một vị Quốc Vương tên là Ba-lưu lê đến bạch
Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nước của tôi tuy nhỏ hẹp nhưng thường
không được yên ổn. Tôi phiền não lắm, tôi muốn theo lời Phật dạy để tự
sửa mình và để trị an xứ sở, nhưng nghiệt vì giáo pháp của Phật rộng
rãi vô biên, tôi không biết làm sao tu tập cho hết được, vậy nên tôi
đến đây, cúi mong Đức Phật đem lòng từ bi chỉ giáo cho tôi một pháp yếu
để tu hành. Phật dạy: Nếu nhà vua muốn diệt trừ phiền não, không gì
hơn nhà vua hãy trở về lấy gỗ tiện thành 108 hạt, xâu lại thành chuổi,
dùng làm vật tùy thân. Thế rồi nhà vua nên thường trí tâm niệm “Nam mô
Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng”, niệm mỗi câu lần một hột, niệm 108 câu
nhà vua lần qua 108 hột chuỗi. Nhà vua hãy gắng niệm cho thường trong
một thời gian, phiền não của nhà vua sẽ tự khắc được tiêu trừ, tai biến
trong quốc độ của nhà vua cũng sẽ nhờ công tu niệm đó mà được tỉnh
giảm. Vua Ba-Lưu-lê theo lời Phật dạy, trở về lấy gỗ tiện thành tràng
hạt, không những tự mình tinh tấn tu niệm nhà vua còn khuyến khích dân
chúng cũng gắng công tu niệm, nên chẳng bao lâu tai biến trong nước
giảm bớt lần, dân chúng cũng trở nên hiền lành. Sống một đời sống thái
bình an lạc.
Bắt đầu từ đó phương pháp tu niệm lần tràng hạt mà nay thường gọi là
“phương pháp sổ châu” được truyền rộng khắp nơi và được lưu truyền mãi
cho đến ngày nay, trong khắp các giới Phật tử không mấy ai là không
dùng đến tràng hạt trong khi tu niệm.
b. Ý nghĩa các loại tràng hạt: Tràng hạt là một pháp
cụ để dùng trong việc tu tập trì niệm. Tràng hạt gồm có 3 loại: Loại
thứ nhất có 108 hột, loại thứ nhì có 54 hột, và loại thứ ba có 18 hột.
Loại 108 hột là tượng trưng cho 108 phiền não. Phiền não của chúng sanh
thì nhiều có thể tóm tắt trong 108 phiền não căn bản này. Nếu chúng ta
gắng công tu niệm đoạn trừ được – 108 phiền não căn bản ấy thì bao
nhiêu phiền não chi-mạt thảy đều tiêu trừ hết.
108 phiền não được lược kể sau: 88 món kiến hoặc của tam giới (lục
sắc và vô sắc giới), cộng với 10 tư hoặc ở dục giới và 10 món triền
phược phiền não như: vô tàm, vô quí, tật, xan, hối, thùy miên, trạo cử,
hôn trâm, sân hận, phú thành 108 phiền não (theo Luận câu xá quyển
21).
Loại chuổi 54 hay 27 hột không tượng trưng ý nghĩa gì, chẳng qua muốn
tiện việc mang dùng nên chia hai hay là chia bốn của loại chuổi 108
hột mà thôi.
Loại chuỗi 18 hột cũng gọi là chuỗi tay, tức là loại chuỗi mang ở tay
vậy. Số lượng của loại chuổi này là 1/6 của loại chuổi 108. Người ta
cũng thường bảo rằng chuỗi 18 hột là tượng trưng cho 18 vị La-hán (Thập
bát la hán) hay 18 vị Vương tử trong kinh Pháp Hoa, hay tượng trưng
cho Thập bát giới mà cần phải tiêu trừ. Nhưng đó chỉ là truyền thuyết
thôi chứ không thấy kinh sách nào ghi chép cả.
10. Tháp:
a. Xuất xứ: Theo Thập
tụng luật quyển thứ 56 có chép: “Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế Ngài
rất được mọi người kính mến. Ông Cấp-Cô-Độc (người sáng lập tịnh xá
Kỳ-Hoàn) là một trong số người ấy. Một hôm ông đến thỉnh an và xin Phật
cho ông vật gì của chính ngài để ông chiêm ngưỡng trong những khi Ngài
đi vắng. Đức Phật liền cắt một ít tóc và móng tay của Ngài trao tặng
cho ông Cấp-Cô-Độc. Nhận được tặng vật ấy ông Cấp-Cô-Độc rất đổi vui
mừng, ông liền xin phép Đức Phật được dựng hai ngôi bảo Tháp để tôn trí
cúng dường hai bảo vật trên”.
Ngày nay ở Ấn Độ có hai ngôi chùa Răng và chùa Tóc, tức là hai ngôi
chùa thờ răng và tóc của Đức Phật, không biết có phải người đời sau đã
gì một duyên cớ gì đó, thỉnh hai bảo vật ở hai ngôi Tháp do ông
Cấp-Cô-Độc tạo lập nói trên, đưa đến thờ ở hai ngôi chùa này chăng?
Nhân việc dựng Tháp trên đây là để cúng dường bảo vật của Phật khi
Ngài còn tại thế. Theo kinh Bát-Niết-bàn quyển hạ thì: Sau khi Đức Phật
nhập Niết-bàn, các hàng đệ tử Phật liền đem kim thân của Ngài làm lễ
trà tỳ (lễ hoả táng). Bấy giờ có 8 vị Quốc vương ở 8 nước: Ba-ha,
Giá-la, La-ma-già, Tỳ-lưu-đề, Tỳ-xá-ly, Ma-già-đà, Ca-duy-la, Câu thi
đến dự lễ trà tỳ xong thì trong 8 vị Quốc vương này, vị nào cũng muốn
nước mình được vinh dự thỉnh Xá-lợi về cúng dường, nhưng không ai chịu
nhường cho ai. Tình trạng tranh giành Xá-lợi giữa các vị Quốc vương mỗi
lúc mỗi trở nên quyết liệt. Cuối cùng một giải pháp ổn thỏa được đề ra,
ấy là Xá-lợi của Đức Phật được chia làm 8 phần chia cho 8 vị Quốc
vương. Khi mang Xá-lợi về nước các vị Quốc vương đều dựng Tháp cúng
dường. Do đó lần đầu tiên có 8 ngôi Tháp thờ Xá-lợi sau khi Đức Phật
nhập Niết-bàn.
Về sau khi vua A-Dục ra đời, cách Phật nhập Niết-bàn 900 năm, vị vua
này liền thỉnh Xá-lợi trong 8 ngôi tháp ở 8 nước nói trên, phân loại
thành 84.000 phần rồi dựng thành 84.000 ngôi tháp khắp lảnh thổ Ấn-Độ
để tôn thờ.
Đến nay, vì trải qua thời gian lâu xa, lại thêm hoàn cảnh tôn giáo
Ấn-Độ cũng đã lắm phen biến đổi… nên số tháp do vua A-Dục xây cất không
còn nguyên vẹn nữa, chỉ còn lại một số ít thôi.
b. Ý nghĩa và các loại Tháp: Tháp là một phần mộ cao
hiển để tôn trí Xá-lợi, tiếng Phạn gọi là Túy-đổ-ba (Stupa). Theo kinh
trường A hàm thì ngoài Đức Phật còn có 3 hạng người sau được dùng
Tháp, ấy là các vị Duyên Giác, thanh Văn và chuyển Luân vương. Nhưng
theo king Nhân Duyên thì có 8 hạng người được dùng Tháp, tuy nhiên,
phải tùy theo quả vị tu chứng mà số tầng Tháp có khác nhau.
- Tháp Phật từ 8 tầng trở lên.
- Tháp Bồ-tát 7 tầng.
- Tháp Duyên-Giác 6 tầng.
- Tháp Thanh Văn 5 tầng.
- Tháp A-na-hàm 4 tầng.
- Tháp Tu-đà-hàm 3 tầng.
- Tháp Tư-đà-hàm 2 tầng.
- Tháp Chuyển Luân vương 1 tầng.
HT. Thích Thiện Siêu