Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới
thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của
cuộc sống hằng ngày, mà tất cả mọi người sanh ra trên thế gian này phải
chịu đựng. Thái tử Tất Đạt Đa đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh và
nóng đó, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca.
Trong kinh sách, Đức Phật dạy rằng: người nào chịu đựng được những
cảnh thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản
nhiên, an nhiên tự tại, thì người đó là một vị Phật trong tương lai. Đây
là ý nghĩa hết sức thâm trầm vi diệu của đạo Phật.
Trong kinh sách, những cảnh thuận nghịch của cuộc đời được gọi là:
bát phong. Bát là tám, phong là ngọn gió. Bát phong chia làm bốn cặp,
mỗi cặp gồm hai cảnh giới thuận nghịch, đó là: lợi lộc và suy sụp, hủy
báng và danh dự, xưng tán và chỉ trích, khốn khổ và lạc thú.
Trên đời này, cảnh khổ quá nhiều: sanh lão bệnh tử là khổ, cầu mong
không được, thương yêu phải chịu chia lìa, thù ghét gặp nhau, thân thể
ốm đau, tâm loạn động bất an cũng đều khổ. Còn hưởng thụ các lạc thú
trên đời cũng không ít việc đưa đến phiền não khổ đau sau đó.
Trong Phật giáo, thường có nhiều hình thức nghi lễ, nhằm mục đích
truyền bá giáo lý sâu rộng trong nhân gian, giúp đỡ mọi người xây dựng
cuộc sống hiện đời được an lạc và hạnh phúc hơn. Nghi lễ tắm Phật dựa
vào truyền thuyết hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước
lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa trong ngày đản
sanh nói trên.
Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật
đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc
phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản
nhiên. Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh
xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là
nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Đây chính là ý nghĩa sâu xa của nghi lễ tắm Phật và việc tu tập theo
đạo Phật vậy.