Ý nghĩa nghi lễ
Bản chất của cúng dường là tùy tâm và tịnh tâm
06/08/2012 05:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HỎI:

Tôi là một Phật tử trẻ, hay đi chùa. Vừa rồi, tôi nghe người bạn thân có bà nội vừa qua đời nói rằng: “Mình ở đây tổ chức cầu siêu-trai tăng mời được 50 vị thật là may mắn chứ bác mình ở TP.HCM nói chỉ mời bảy, tám vị thôi mà kinh phí cuộc lễ cầu siêu-trai tăng lên tới mấy chục triệu rồi, lấy đâu ra tiền để mời nhiều chư Tăng Ni như vậy?”. Tôi thắc mắc hỏi lại, không lẽ việc cúng dường mà có giá cả rõ ràng như vậy sao? Bạn tôi xác định là đúng như vậy. Thật sự tôi không rành về chuyện này nên muốn tìm hiểu. Nhưng theo tôi thấy nếp sống của một số người xuất gia hiện nay sang quá, nếu là nhu cầu tất yếu của cuộc sống thì không có gì đáng nói nhưng có một số thứ quá hiện đại và có phần hưởng thụ thì không ổn chút nào. Tôi luôn giữ lòng kính trọng người đã dám dứt áo từ bỏ cuộc sống bên ngoài mà vào cửa đạo, nhưng những điều thấy và nghe làm cho tôi cảm thấy nghi ngờ. Biết rằng nói điều chẳng hay của người xuất gia lẫn tại gia là không đúng nhưng tôi xin hỏi quý Báo để giải trừ mối nghi trong lòng, vì biết đâu tôi đã hiểu nhầm.

(HẠNH TỊNH, alberteinstein_louisa_red@yahoo.com.vn)

PHAT HOC 2.jpg

ĐÁP:

Bạn Hạnh Tịnh thân mến!

Thực sự thì bạn đã hiểu nhầm ở cả hai vấn đề mà bạn vừa nêu. Tuy nhiên, chúng tôi rất trân trọng sự thẳng thắn bày tỏ, sẻ chia của bạn và sẽ đồng hành cùng bạn để từng bước tháo gỡ những vướng mắc này.

Trước hết là vấn đề cúng dường Tam bảo. Đối với đạo Phật, thí chủ thanh tịnh cúng dường luôn dựa trên nền tảng tùy tâm và tịnh tâm. Tùy tâm có nghĩa là khả năng của mình chừng nào thì cúng dường chừng nấy. Tịnh tâm có nghĩa là trước, trong và sau khi cúng dường lòng mình không dấy lên một mảy may tiếc nuối, xét nét hay nghi ngờ.

Việc “bác của bạn ở TP.HCM nói chỉ mời bảy, tám vị thôi mà kinh phí cuộc lễ cầu siêu-trai tăng lên tới mấy chục triệu” có nhiều cách hiểu khác nhau. Đơn cử, có thể gia đình người bác ấy khá giả, tuy chỉ thỉnh bảy, tám vị Tăng thôi mà sắm sửa lễ phẩm cúng dường giá trị lớn. Vị gia chủ này mong được tạo nhiều phước lành để hồi hướng cho thân nhân nên hoan hỷ phát tâm. Trường hợp này, chư Tăng tham dự lễ hoàn toàn vô tâm, cũng chẳng biết thí chủ cúng nhiều hay ít, chỉ chuyên tâm chú nguyện cho thí chủ mà thôi.

Một cách hiểu khác thì cũng cuộc lễ đó, nhưng vì thí chủ kém duyên với Tam bảo nên gặp hàng “thầy” đám vẽ vời, bày biện đủ thứ cốt để moi tiền thí chủ thì vấn đề trở nên khác hoàn toàn. Thường thì những gia đình ít kết thân với Tam bảo, không thường lui tới sinh hoạt tụng niệm nơi chùa chiền, khi hữu sự mới quýnh quáng chạy tìm thầy thì rất dễ dàng gặp hàng “thầy” đám (do các cơ sở mai táng môi giới), xem việc cúng bái như một nghề, một kế sinh nhai. Những việc làm gây hoang mang, mất lòng tin cho tín đồ, thương tổn niềm kính tín Tam bảo nơi người mới phát tâm phát xuất từ đội ngũ “thầy” đám này trong thực tế hiện nay không phải là ít. Vì thế, cần phải xem lại khi nghĩ rằng “lấy đâu ra tiền để mời nhiều chư Tăng Ni như vậy?”.

Trong khi chư Tăng chân chính luôn xem việc tham dự các buổi lễ cầu nguyện cho tín đồ là Phật sự, là bổn phận mà hoàn toàn không vì danh hay lợi. Cũng vậy, hàng Phật tử phát tâm cúng dường Tam bảo thì tự thân mình được phước và đó cũng là bổn phận hộ trì Chánh pháp. Do đó hàng Phật tử luôn thực thi pháp cúng dường trong niềm tịnh tín, tuyệt đối cung kính, thanh tịnh và nhất tâm; không hề nghĩ rằng đó là sự trao đổi, qua lại theo ứng xử thế tục.

Từ chỗ nghĩ lầm rằng tất cả chư Tăng Ni đi làm lễ đều có “giá” cao ngất ngưởng, bạn liên tưởng đến một việc khác là nhờ đó nên một số người xuất gia hiện nay sang quá. Đối với vấn đề này, thẳng thắn mà nói thì người xuất gia giàu sang đúng nghĩa (như các đại gia) hầu như không có. Trong khi phần lớn chư Tăng Ni sống trong các thiền viện, tu viện hiện nay đều không sở hữu tài sản cá nhân. Một bộ phận Tăng Ni khác tuy có sở hữu tài sản cá nhân nhưng chỉ tạm đủ cho học hành, đi lại nói chung hay các vị có trách nhiệm thực thi các Phật sự nhưng không thể gọi đó là giàu sang. Điều này cũng dễ hiểu, vì khi kinh tế xã hội đang phát triển thì dĩ nhiên mức sống của người xuất gia, chùa viện cũng được nâng lên theo tương xứng mà thôi.

Và nhất là, một số người xuất gia hữu duyên được thí chủ cúng dường một loại phương tiện xe cộ hay thiết bị hiện đại nào đó thì các vị ấy tùy duyên sử dụng. Đây là phước báo riêng của những vị ấy. Thiển nghĩ, trong bối cảnh đời sống hiện nay, một vài cá nhân Tăng Ni nào đó được thí chủ cúng một chiếc xe hơi hay một máy tính bảng đời mới v.v… để sử dụng cho Phật sự hay học tập cũng không có gì để gọi là quá cao sang, có thể xem đó là thụ hưởng cả. Trong khi chúng ta không biết được tâm người sử dụng thế nào, có dính mắc hay không nên thiết nghĩ cũng không nên nghi ngờ hay chỉ trích. Bởi tự thân các phương tiện chẳng có lỗi gì cả, dính mắc hay không là nơi tâm người. Vì thế, chúng ta cần mở lòng nhìn mọi phương diện cuộc sống qua lăng kính tích cực sẽ hiểu và cảm thông hơn thay vì cứ nghi kỵ rồi chỉ trích, phê phán.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN GNO
 (tuvangiacngo@yahoo.com)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch