Trong những năm gần đây, phong trào Phật giáo được phổ biến
tại nhiều nước trên thế giới, một phần là nhờ tinh thần cởi mở ít tính
giáo điều của Phật giáo.
Người phương Tây thường coi Phật giáo là một ngành triết học. Thiên văn
học nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ, sự sinh tử của những vì sao và
nguồn gốc của sinh vật trên trái đất, thậm chí cả khả năng có sự sống
trên những hành tinh khác.
Do đó thiên văn học là một đối tượng hấp dẫn đối với các nhà Phật giáo, các nhà siêu hình học và triết học...
Những lý thuyết của ngành vật lý hiện đại cùng những kết quả quan sát
bầu trời bằng những kính thiên văn ngày càng lớn giúp các nhà thiên văn
đi ngược dòng thời gian để phỏng đoán những sự kiện xẩy ra từ khi vũ trụ
mới ra đời từ vụ nổ Big Bang, cách đây đã khoảng 14 tỷ năm.
Những nhà khoa học của trường phái chống thuyết Big Bang cho rằng sự
khai sinh vũ trụ qua một vụ nổ ám chỉ sự can thiệp của một Đấng Sáng tạo
Tối cao nên đối với họ, thuyết Big Bang có xu hướng thiên về tôn giáo.
Bởi vì theo Kinh thánh của đạo Thiên Chúa, thế giới muôn loài đều do
Thượng Đế tạo ra chỉ một lần cho mãi mãi. Còn các nhà khoa học của
thuyết Big Bang nhận định là nếu những hằng số cơ bản trong vũ trụ
nguyên thủy, hiện vẫn được dùng trong ngành vật lý, chỉ thay đổi đôi
chút, thì quá trình tiến hóa của vũ trụ có thể đã dẫn đến một thế giới
khác hẳn, có khả năng không có loài người chúng ta ở trong.
Đã có những nhà thiên văn nêu lên vấn đề, “Ai” đã điều chỉnh vũ trụ một
cách tinh tế như vậy, nếu không phải là một Đấng Sáng tạo? Quan niệm này
không tương hợp với vũ trụ quan cuả Đạo Phật, bởi vì Phật giáo không
yêu cầu có “bàn tay” của Thượng Đế tạo ra vũ trụ.
Trên phương diện khoa học, hiện nay dường như hầu hết các nhà thiên văn
đều tin vào thuyết Big Bang, vì thuyết này giải thích được nhiều hiện
tượng trong vũ trụ.
Ngày xưa ở phương Tây, người ta coi thế giới của loài người là duy nhất
và nhân loại là độc nhất trong vũ trụ. Khoa học đã chứng minh quan niệm
một thế giới địa tâm, coi trái đất và con người là trung tâm vũ trụ là
không đúng.
Quan niệm của Phật giáo là có nhiều thế giới, con người là những tiểu vũ
trụ của một đại vũ trụ trong hằng hà sa số những đại vũ trụ. Các nhà
khoa học cũng cho rằng, về mặt lý thuyết, trong vũ trụ có rất nhiều hành
tinh trên đó có thể có nhiều nền văn minh mà các nhà thiên văn trên
trái đất chưa phát hiện được.
Tuy nhiên, sự phát hiện những nền văn minh siêu việt trong vũ trụ là một
vấn đề rất nan giải, bởi vì khoảng cách của những hệ sao có khả năng
chứa những nền văn minh đó quá lớn, nên ánh sáng và tín hiệu vô tuyến
phải mất hàng vạn năm mới truyền tới trái đất.
Nhà bác học Fermi khi đến thăm Trung tâm Nguyên tử Los Alamos (bang New
Mexico, Hoa Kỳ) và đàm thoại với các nhà vật lý có đặt một câu hỏi:
trong vũ trụ bao la có hằng hà sa số những hệ sao và hành tinh, hẳn phải
có những nền văn minh siêu việt có khả năng kỹ thuật đủ cao để đến thăm
nhân loại trên trái đất hay liên lạc với chúng ta bằng tín hiệu vô
tuyến.
Nhưng bởi vì chưa ai nhìn thấy mặt họ và chưa ai bắt được tín hiệu của
họ, thế thì họ ở đâu? Sau này, câu hỏi có vẻ ngây thơ cuả nhà vật lý
Fermi được đặt tên là “nghịch lý Fermi”. Hiện nay, săn tìm trong Ngân hà
các hành tinh tương tự như trái đất, có khả năng có sự sống, là một đề
tài ưa thích đối với các nhà thiên văn.
Phật giáo quan niệm tất cả những gì trên thế gian này đều vận hành, biến
dịch liên tục và liên hệ với nhau, không có gì là độc lập, không có gì
là thực tại.
Quan niệm này cũng được phổ biến trong khoa học. Những nghiên cứu thiên
văn cho rằng mặt trời, trái đất và các hành tinh đều được sinh ra từ một
đám mây đầy khí và bụi, cách đây 4,6 tỷ năm. Các thiên thể trong vũ trụ
chuyển động không ngừng.
Trái đất quay xung quanh mặt trời với tốc độ mười vạn kilômét/giờ. Mặt
trời, trái đất và các hành tinh cũng bị lôi cuốn quay xung quanh tâm của
Ngân hà với tốc độ một triệu kilômet/giờ. Ngân hà cũng đang lùi ra xa
các thiên hà láng giềng với tốc độ hàng chục vạn kilômet/giờ. Trong vũ
trụ, không có gì ở trạng thái tĩnh cả.
Các nhà vật lý quan niệm thành phần cơ bản nhất của vật chất là những
hạt nhỏ li ti. Những “hạt cơ bản” vi mô này không nhìn thấy bằng mắt
thường và tràn ngập vũ trụ nguyên thủy.
Trên trái đất chúng xuất hiện trong giây lát trong những máy gia tốc,
khi những hạt electron hay proton va chạm vào nhau với tốc độ cao xấp xỉ
tốc độ ánh sáng.
Trong những năm gần đây, những lý thuyết vật lý đề nghị trong vũ trụ còn
có những “dây” vật chất nhỏ hơn cả hạt cơ bản. Khi dây vũ trụ rung như
những dây đàn thì tạo ra những loại hạt vật chất khác nhau. Trên thực
thế, đối với phàm nhân thì những hạt và dây vật chất chỉ là những vật
ảo.
Ta không khỏi không nghĩ tới khái niệm “vô thường”, “vô ngã” trong đạo
Phật, coi sự vật trên thế gian chỉ là ảo. Những hiện tượng và sự vật
không phải là những thực thể độc lập, nhưng phụ thuộc vào nhau theo luật
“nhân duyên”.
Tuy nhiên, sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học phải được hạn chế
trong phạm vi tư tưởng triết học đối với thế giới tự nhiên. Còn những
kết quả khoa học liên quan đến vũ trụ phải được dựa trên những định luật
vật lý và sự quan sát bằng những công cụ thiên văn hiện đại.
Cách tiếp cận những hiện tượng trong vũ trụ đối với Phật giáo và khoa
học có thể song song với nhau, nhưng không nhất thiết trùng hợp với
nhau. Khoa học dùng những lý luận duy lý để tìm chân lý còn Phật giáo
dùng tư duy đạo đức và triết học để đạt giác ngộ và giúp nhân loại diệt
khổ.
Tuy nhiên, Phật giáo và khoa học không phải là không tương hợp với nhau,
một Phật tử có thể là một nhà khoa học chân chính. Nhưng nếu muốn dựa
vào khoa học để giải thích những hiện tượng siêu hình có lẽ là không
thực tế.
Theo: Tạp chí Tia sáng