NSGN - Phật giáo đã có công rất lớn trong
việc phát triển những hình thức nhà nước dân chủ ở Ấn Độ cổ đại
Phật giáo, giống như những tôn giáo
khác, nhấn mạnh vào những giá trị tinh thần hơn là vào những giá trị vật chất;
vào việc buông xả những tài vật của thế gian hơn là chấp chặt vào chúng; và vào
khía cạnh tâm linh của đời sống hơn là vào khía cạnh trần tục của nó. Tuy
nhiên, Phật giáo không hoàn toàn không quan tâm đến phương diện đời sống vật
chất và thế tục. Trong thực tế, có một bản kinh Phật có tên là Giáo thọ
Thi-ca-la-việt (Singālovāda Sutta), giảng giải về những luật tắc dành cho
đời sống của người tại gia. Bản kinh đặt ra những bổn phận của một người tại
gia đối với người khác cũng như những phương pháp rèn luyện bản thân để trở
thành một công dân tốt và hữu ích. Những kinh sách Phật giáo cũng đặt ra một số
quy chuẩn đạo đức cho người lãnh đạo cũng như dân chúng. Chúng cũng đề cập đến
những hình thức nhà nước thịnh hành vào thời bấy giờ; và thật ý nghĩa, cho thấy
rằng Đức Phật thể hiện sự ủng hộ hình thức nhà nước dân chủ.
Chúng ta cần phải nhớ rằng Đức Phật sinh vào trong một
xã hội, mà nói một cách tương đối, là tiến bộ về phương diện chính trị, và xã
hội mà qua các thời đại đã phát triển một số tư tưởng lành mạnh về tổ chức nhà
nước. Trong luật Manu, những người Hindu đã có những luật lệ để hướng dẫn họ
trong những bổn phận dân sự của họ. Manu, giống như Moses của Thánh kinh Thiên
Chúa giáo, là người làm luật huyền bí của Ấn Độ. Những luật này thảo luận không
chỉ về quyền của người cai trị, mà cũng về những bổn phận của họ đối với thần
dân của họ. Chúng cũng thảo luận về những nghĩa vụ của dân chúng đối với người
cai trị và cũng như những quyền của họ. Do đó, cần có một vài ý kiến về quan
điểm của người Hindu về chính quyền, nếu chúng ta muốn đánh giá đúng những quan
điểm của Phật giáo về vấn đề này.
Luật matsya nyaya
Quan điểm của người Hindu về chính
quyền được đặt cơ sở trên một lý thuyết được gọi là matsya nyaya, mà nó
có nghĩa đen là “luật con cá”.
Thuật ngữ matsya nyaya có
thể dịch là “luật của kẻ mạnh đè kẻ yếu/ luật rừng”. - “Tại sao cần nên có
chính quyền ở cuộc đời này?” “Tại sao cần nên có một số người lãnh đạo những
người khác?” “Tại sao cần nên có những luật lệ mà người ta buộc phải tuân theo
dựa trên hình phạt?” Những nhà tư tưởng Hindu đã trả lời những câu hỏi này bằng
việc xác định một luật tự nhiên căn bản: “Matsya nyaya”, luật mà qua đó một con
cá nhỏ trở thành mồi của một con cá lớn.
Chính quyền, những người cai trị
và luật lệ là cần thiết để ngăn chặn luật tự nhiên này có tác dụng ở trong xã
hội loài người. Loại bỏ chính quyền, loại bỏ những người cai trị và loại bỏ
luật lệ, xã hội loài người sẽ thoái hóa trong một tình trạng hỗn loạn mà trong
đó kẻ mạnh hơn sẽ hủy diệt kẻ yếu hơn. Luật Manu nói, “Nếu không có quy
định và luật lệ, kẻ mạnh sẽ nuốt chửng kẻ yếu giống như những con cá.” Thánh
điển Mahabharata nói, “Nếu không có người cai trị để thi hành sự trừng
phạt ở trên trái đất, kẻ mạnh sẽ nuốt chửng kẻ yếu giống như những con cá ở
trong nước. Điều này có liên quan đến sự băng hoại trong thời đại của người
xưa, do vì vô chính phủ nên họ ăn nuốt lẫn nhau như con cá mạnh bắt con cá yếu
làm mồi”.
Điều này cho thấy rằng lý thuyết về
chính quyền của người Hindu được đặt cơ sở nơi niềm tin rằng bản chất của con
người vốn đồi bại bẩm sinh. Nếu không có một chính quyền mạnh để kiểm soát con
người, kẻ mạnh hơn sẽ hủy diệt kẻ yếu hơn, giống như con cá lớn hủy diệt con cá
nhỏ ở ngoài biển. Chính quyền, người cai trị và luật lệ trở nên cần thiết để
ngăn chặn luật “matsya nyaya” này có tác dụng ở trong xã hội loài người.
Học thuyết về chính quyền này một
cách tự nhiên đưa đến hệ quả rằng, cần phải có một chính quyền kiểm soát, và
rằng chính quyền phải được trao cho quyền trừng phạt hay còn gọi là danda.
Quốc vương Hindu như vậy buộc phải
chọn chính sách bốn bậc (caturopaya) trong việc cai trị dân chúng: sama, dana,
danda, và bheda. Sama có nghĩa là hòa bình: người trị vì tài trí phải duy trì
hòa bình cho thần dân. Dana có nghĩa là từ thiện (bố thí): người trị vì tài trí
phải thực hiện từ thiện. Danda có nghĩa là trừng phạt: người trị vì tài trí
trừng phạt tội phạm theo các mức độ phạm tội. Bheda có nghĩa là tạo nên sự chia
rẽ khi cần thiết: người trị vì tài trí phải tạo ra những bất đồng trong dân
chúng để vị trí của ông ta được bảo đảm. Nói cách khác, ông ta phải chọn chính
sách “đường phân giới và sự cai trị”.
Tình hữu nghị
Quan điểm của Đức Phật hoàn toàn
khác với quan điểm của người Hindu, rằng matsya nyaya là luật cơ bản của
tự nhiên. Ngài rõ ràng nhìn thấy sự đấu tranh cho việc sinh tồn mà nó quá hiển
nhiên ở trong đời sống, nhưng điều này Ngài quy cho sự vô minh của con người
hơn là bản tính xấu ác bẩm sinh. Đức Thế Tôn cũng thấy rằng con người luôn sẵn
lòng sống trong hòa bình và quan hệ thân thiện với đồng loại của mình, để hợp
tác với đồng loại của mình, và thậm chí hy sinh bản thân vì lợi ích của đồng
loại, với điều kiện là họ được hướng dẫn đúng đắn. Theo cái nhìn của Đức Phật,
luật lệ áp đặt từ quyền lực bên trên hay bên ngoài là không đủ để kiểm soát con
người, mà cần thiết phải có sự hiểu biết tự thân và kỷ luật bên trong.
Luật kẻ mạnh hiếp kẻ yếu (The law of the jungle/ luật
rừng) rõ ràng không phải là phổ quát ngay cả ở trong rừng. Có tình hữu nghị và
sự hợp tác giữa những con thú ở trong rừng - như Đức Phật đã chỉ ra trong nhiều
câu chuyện Jataka.
Do vì có sự khác nhau cơ bản nơi
cách nhìn giữa Ấn giáo và Phật giáo, chúng ta thấy rằng Phật giáo ít nhấn mạnh
vào quyền lực (bala) hay trừng phạt (danda). Ví dụ, chúng ta thấy rằng thay vì
là chính sách bốn bậc (caturopaya) sama, dana, danda, bheda của người Hindu,
kinh sách Phật giáo nói về catu-sangaha-vatthu, hay bốn cách thức hành
xử. Đó là, bố thí (dana), ái ngữ (priya-vacana), tiết kiệm (artha cariya), và
bình đẳng (samanatmata).
Như vậy, theo Phật giáo, vị vua đức
hạnh nên thực hành bố thí (từ thiện). Bố thí ở đây không chỉ đem tài vật ban
cho người nghèo mà cũng ban phát bổng lộc cho những người phục vụ nhà vua. Vị
vua đức hạnh cũng phải thực hành ái ngữ, nói năng đúng đắn, tử tế. Ông ta không
được sử dụng ngôn từ cay nghiệt và độc ác đối với người khác với bất kỳ lý do
gì.
Nhà vua phải rèn luyện tính tiết kiệm. Từ artha
cariya có nghĩa là tinh thần phục vụ cũng như sự tiết kiệm và sống một đời
sống giản dị. Vị vua hay người trị vì tốt cũng thực hành sự bình đẳng. Tức là,
trong khi duy trì vị trí tối cao của người trị vì, ông ta không xem bản thân là
kẻ tối thượng và dân chúng là kẻ hèn kém, và ông ta cũng học cách thực thi sự
công bằng đối với nhân dân của mình mà không sợ hãi hay là như ban phát đặc ân.
Một vị minh quân phải học đối xử bình đẳng với mọi người.
Mười phẩm hạnh dành cho vua
(Dasa Raja Dharma/ Thập vương pháp)
Trong Thập vương pháp hay mười phẩm
hạnh dành cho một vị vua, quan điểm Phật giáo về vương quyền được nói thêm.
Mười phẩm hạnh của một vị vua bao gồm: bố thí (dana), giữ giới (sila), rộng lượng
(pariccaga), trung thực (ajjavan), hòa nhã (majjavan), kiềm chế (tapam), không
sân hận (akkodho), không bạo lực (avihimsa), nhẫn nhục (khanti), và từ ái
(avirodhata).
Đức Phật cũng nhấn mạnh vào sự
thật rằng cái xấu và cái tốt của dân chúng tùy thuộc vào sự hành xử của người
trị vì họ; và vì cái tốt của dân chúng, Ngài đặt ra mười phẩm hạnh này để những
người trị vì dân chúng thực hành. Trong Tăng chi bộ Đức Phật nói rằng,
“Này các Tỳ-kheo, khi một người trị vì đất nước tốt và đúng đắn, những quan
thượng thư của họ sẽ trở nên tốt và đúng đắn. Khi các quan thượng thư trở nên
tốt và đúng đắn, các quan lại sẽ trở nên tốt và đúng đắn. Khi các quan lại trở
nên tốt và đúng đắn, các binh lính sẽ trở nên tốt và đúng đắn. Và, khi các binh
lính trở nên tốt và đúng đắn, dân chúng sẽ trở nên tốt và đúng đắn”.
Mặc dù điều này đối với chúng ta là
có phần đơn giản, tuy nhiên cần phải xem xét vấn đề này từ nơi xã hội đương
thời, nơi hệ thống Bà-la-môn đã phân chia xã hội thành những đẳng cấp bất di
bất dịch, và có một sự chấp thuận tôn giáo về sự phân chia đó...
Bình đẳng
Sự bác bỏ đẳng cấp và phân chia
giai tầng của Đức Phật không chỉ là lý thuyết. Ngài thâu nhận thành viên của
tất cả các đẳng cấp vào trong Tăng đoàn. Upali, trước đó là một thợ cắt tóc,
Sunita trước đó là một người ngoài lề xã hội (ngoài đẳng cấp), đã nhận được sự
kính trọng ở trong Tăng đoàn.
Đức Phật nói rằng: “Này các
Tỳ-kheo, giống như tất cả những con sông lớn, đó là sông Hằng, sông Jammu, sông
Aciravati, sông Sarabhu, sông Mahi, khi ra đến đại dương đều mất đi tên gọi ban
đầu và đặc tính riêng của chúng và được đổ dồn vào trong đại dương. Cũng như
vậy, Kshatriya, Brahmana, Vaisya và Sudra sau khi tham gia vào Tăng đoàn, đều
mất đi những đặc tính trước đây của mình và trở thành thành viên của Tăng đoàn”.
Những nhà chiêm bái Trung Hoa như
Pháp Hiền, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh cho chúng ta biết rằng những khái niệm dân
chủ và bình đẳng này vẫn được cổ vũ ở Ấn Độ nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật diệt
độ.
Dân chủ
Sau khi đã thảo luận về quan điểm
vương quyền trong Phật giáo, chúng ta phải tự hỏi rằng có phải Phật giáo xem
nền quân chủ như là mô thức chính quyền lý tưởng? Vào thời Đức Phật, có một số
vương quốc lớn ở Ấn Độ, chẳng hạn như Magadha và Kosala. Cũng có một số
nhà nước dân chủ thời bấy giờ. Đức Phật rõ ràng đã bày tỏ sự ủng hộ hình thức
nhà nước dân chủ và cũng bày tỏ quan điểm rằng hình thức nhà nước này có lợi
cho sự ổn định xã hội.
Đề cập đến những chuẩn bị mà vua
Ajatasattu thực hiện để tấn công vào một trong những xứ sở dân chủ - những xứ
sở của người Vajjī - Đức Phật nói:
“Này Ananda, khi nào dân Vajjī
thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ
được cường thịnh, không bị suy giảm…. Này Ananda, khi nào nghe dân Vajjī tụ họp
trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn
kết, này Ananda dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm… Này Ananda
khi nào dân Vajjī, không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy
bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như
đã ban hành thuở xưa thời, này Ananda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị
suy giảm… Này Ananda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng
dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân
Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm… Này Ananda, khi nào Vajjī không
có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình thời,
này Ananda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm…”
Phật giáo đã có công rất lớn trong
việc phát triển những hình thức nhà nước dân chủ ở Ấn Độ cổ đại. Đây là những
gì mà M. Zetland, một cựu quan chức của Ấn Độ, nói ở trong phần giới thiệu cuốn
sách Legacy of India:
“Thực vậy,
chúng ta biết rằng khoa học chính trị - tiếng Sanskrit là Arthasastra - là một
đề tài được ưa chuộng đối với các học giả Ấn Độ một vài thế kỷ trước kỷ nguyên
Thiên Chúa giáo. Khế ước xã hội như là nguồn gốc của vương quyền được thảo luận
trong tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ được cho là của Kautilya, một vị thượng
thư của hoàng đế Chandragupta, khoảng 300 năm trước Tây lịch. Và dường như rằng
dân chúng - những người thỏa thuận với nhau chọn một vị vua đã làm như vậy với
mục đích rằng cần nên có quyền lực bên ngoài để có thể bảo đảm những luật lệ và
quy định của những đoàn thể khác nhau - đã được tôn trọng… Đáng chú ý là khuynh
hướng về chính phủ tự trị bằng những hình thức hoạt động đoàn thể khác nhau này
đã nhận lấy sự thúc đẩy từ việc bác bỏ thẩm quyền của tầng lớp Tăng lữ và xa
hơn bởi học thuyết về bình đẳng của Phật giáo, như trường hợp từ bỏ đẳng cấp.
Quả thực, chúng ta cần phải lật giở kinh sách Phật giáo để tìm sự giải thích về
kiểu thức những hội đoàn tự quản tiêu biểu đầu tiên được hướng dẫn như thế nào.
Và nó có thể gây ngạc nhiên đối với nhiều người khi nhận thấy rằng các buổi hội
họp của những Phật tử ở Ấn Độ hơn 2.000 năm trước đã hình thành nên những
nguyên tắc căn bản mà việc họp Quốc hội của chính chúng ta ngày nay đang thực
hành…”. n
(Nguồn: Bodhi Leaf No. 11, Kandy, Buddhist Publication Society, 2010,
tr.137)
Gunaseela Vitanage - Đăng Nguyên lược dịch (NSGN).