Pháp Luận
Vận dụng Phật pháp nghiên cứu Phật pháp
Đại sư Ấn Thuận - Cs. Định Huệ (dịch)
22/11/2012 19:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật pháp được nghiên cứu là tất cả nội dung của Phật giáo. Phật pháp được dùng làm phương pháp để nghiên cứu Phật pháp là pháp tắc căn bản của Phật pháp, là pháp tắc phổ biến, cũng có thể nói là pháp tắc tối cao.


Tôi cho rằng Phật pháp được nghiên cứu chẳng những là không hữu, lý sự, tâm tánh mà còn phải là tất cả những gì thuộc vê Phật giáo như giáo, lý, hành, quả.

Giáo là tất cả Kinh, Luận, Luật, cũng có thể bao hàm cả các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo. Sáu trần đều là giáo thể, chúng đều có công năng trình bày Phật pháp.

Lý là tất cả nghĩa lý, nghĩa thâm diệu cứu cánh.

Hạnh là phương pháp thực hành của cá nhân, quy luật hòa hợp của đại chúng.

Quả là thánh quả Thanh văn, Duyên giác và Phật đà.

Tất cả Phật pháp này lấy gì để nghiên cứu mới là dùng Phật pháp để nghiên cứu Phật pháp?

Tôi chủ trương: Phật pháp được nghiên cứu là tất cả nội dung của Phật giáo. Phật pháp được dùng làm phương pháp để nghiên cứu Phật pháp là pháp tắc căn bản của Phật pháp, là pháp tắc phổ biến, cũng có thể nói là pháp tắc tối cao. “Pháp tánh”, “Pháp trụ”, “Pháp giới” do đức Phật tuyên thuyết chính là pháp có tính bản nhiên, tính an định, tính phổ biến. Đây là chánh pháp có mặt ở khắp mọi không gian, khắp mọi thời gian và khắp tất cả pháp. Lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, bên trong như thân tâm, tất cả đều khế hợp với chánh pháp, chẳng ra ngoài chánh pháp, vì thế nói: “Không có một pháp nào ra ngoài pháp tánh”, “Tất cả pháp đều Như”. Đây là pháp căn bản, pháp phổ biến của tất cả pháp. Nếu y cứ vào đó, ứng dụng nó để nghiên cứu tất cả Phật pháp, thì mới được gọi là dùng Phật pháp để nghiên cứu Phật pháp. Phương pháp nghiên cứu, thành quả nghiên cứu Phật pháp mới chẳng làm biến chất Phật pháp.

Chánh pháp “Pháp tánh”, “Pháp trụ”, “Pháp giới” là gì?

Từ tương đối thâm nhập vào tuyệt đối mà nói thì pháp là “Tánh không”, “Chân Như”,  cũng gọi là “Nhất thật tướng ấn”.

Từ tuyệt đối, một pháp tánh triển khai nơi lĩnh vực sai biệt mà nói thì đó là tam pháp ấn (các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết bàn tịch tịnh) của pháp duyên khởi. Nhân vì không có tánh thường, vì thế quán tất cả pháp theo chiều dọc (thời gian) thì không có pháp nào chẳng phải là niệm niệm chẳng dừng, quá trình sanh diệt dường như tương tục. Nhân vì không có tánh ngã, vì thế quán tất cả pháp theo chiều ngang (không gian) thì không có pháp nào chẳng phải là hiện tượng tập hợp, phân tán tương quan, tương y, tương trụ lẫn nhau. Nhân vì không có tánh sanh, vì thế quán ngay tất cả pháp thì không có pháp nào chẳng phải là pháp vô sanh, là pháp tánh tịch nhiên bất sanh bất diệt.

Luận của ngài Long Thọ nói: “Tam pháp ấn tức là Nhất pháp ấn”. Nếu như trái với Nhất pháp ấn thì tam pháp ấn cũng chẳng thành pháp ấn. Đúng như thế thì chân lý chẳng bị biến dạng. Đây là pháp mà đức Phật chỉ dạy – pháp cứu cánh của tất cả pháp – cũng là pháp chung được triển khai trong mọi thời gian, không gian. Nghiên cứu Phật pháp cần phải nắm chắc pháp tắc này, tuân thủ pháp tắc này mà nghiên cứu! Tôi cho rằng, làm như thế mới là dùng Phật pháp nghiên cứu Phật pháp, mới thể nhận được một cách chính xác Phật pháp mà chẳng phản lại Phật pháp.

1.  Pháp Tắc CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG

Phật pháp luôn ở trong sự diễn biến không ngừng, đây là điều đầu tiên cần phải thừa nhận. Kinh nói: “Nếu Phật ra đời hay chẳng ra đời thì pháp tánh pháp trụ", đó là dựa vào tính phổ biến thường hằng của các pháp mà nói. Một khi dùng ngôn ngữ xảo diệu nói ra thì cấu thành giáo điển qua câu chữ, phát sinh lý luận của tư duy phân biệt, Phật pháp trở thành thế đế lưu bố, chiếu theo pháp tắc CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG thì Phật pháp cũng không ngừng biến đổi. Cho đến chế độ thuộc về sự tướng, các vật dụng trong cửa Thiền biểu hiện cho Phật pháp lại càng không ngừng biến đổi.

Thử lấy chế độ của Phật giáo làm thí dụ: Đức Thích Tôn đầu tiên độ năm thầy Tỳ kheo xuất gia tại vườn Nai, do nhân số ít, căn tánh bén nhạy, vì thế chỉ cẩn đặt ra tiêu chuẩn sinh hoạt giữa thầy trò một cách giản đơn. Đến khi tín chúng xuất gia mỗi ngày một đông, bất luận là nhìn theo khía cạnh nào, dù từ sự hòa thuận của nhân sự, dù là sự khích lệ của việc tu học, dù là sự thích ứng của hoàn cảnh, nhưng nếu không có một qui ước chung của đoàn thể thì không thể nào được! Sau 12 năm chế giới, tổ chức mỗi ngày một chặt chẽ, quy luật của tăng đoàn do nhiều thứ quan hệ mà cấm chế rồi lại khai mở, khai mở rồi lại cấm chế. Sau Phật nhập diệt, giữa các đệ tử nhân vì tư tưởng và hoàn cảnh bất đồng, phân hóa thành ra tăng chế có khác nhau: Có người theo sự nghiêm cẩn mà thành chi ly như Thượng Tọa bộ, có người theo tự do mà thành tùy nghi như Đại Chúng bộ.

Phật giáo đến Trung Quốc, tuy không hoàn toàn y theo luật chế, nhưng khởi đầu cũng phải y theo giới luật mà sinh hoạt chung với nhau. Về sau, trước tiên là trong chùa luật lập riêng cho Thiềân viện, phát triển đến thiết lập tòng lâm của Thiền viện, dần dần sanh ra thanh quy của Tổ sư. Thanh quy này cũng nhân thời gian, không gian mà có khác nhau. Đến hiện tại lại dần dần có sự bất đồng đối với tăng đoàn thời quá khứ lấy giới luật làm trung tâm, lấy thiền na làm trung tâm mà xuất hiện tăng đoàn lấy nghĩa học làm trung tâm. Tóm lại, tư tưởng, chế độ của Phật pháp lưu hành tại thế gian chẳng thể chẳng chịu sự chi phối của pháp tắc Vô thường diễn biến. Nếu coi Phật pháp thành một vật bất biến, hoặc cho rằng Phật ở đời mới có thể thay đổi, người đời sau chỉ có thật thà tuân thủ thì nói gì “tung ra bốn biển đều đúng, đưa ra trăm đời đáng làm”, hoặc cho rằng Tổ sư mới có thể châm chước thủ xả, chúng ta chỉ nên theo đó mà làm: Đây chính là phản lại Phật pháp – Phật pháp của pháp tắc CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG.

Vô thường là sanh diệt. Sanh là sanh khởi của duyên khởi, chẳng phải trong nhân có quả mà sanh, cũng chẳng phải trong nhân không có quả mà sanh! Chúng ta ứng dụng duyên sanh vô tánh của các hành vô thường để nghiên cứu tìm hiểu sự phát sanh của một tông phái, một tư tưởng, một pháp tu, một chế độ, một sự kiện nào đó trong Phật pháp. Thử lấy Duy thức học của ngài Vô Trước làm thí dụ, nếu Duy thức học đã được thành lập cụ thể và đầy đủ ngay thời Phật tại thế, ngài Vô Trước chẳng qua nghe ngài Từ Thị y theo nguyên dạng bất động rồi đem nó truyền ra mà thôi. Nói như thế là nó xưa nay đã thành tựu rồi chỉ xuất hiện lại với bộ mặt mới mà thôi, đây gọi là “tự sanh” chẳng phải là nhân duyên của các hành vô thường. Nếu nói Duy thức học vốn không có vào thời Phật tại thế, ngài Vô Trước giả thác Di Lặc mà độc sáng, hoặc từ một học phái nào đó độc đoán sanh ra, điều này cũng chẳng đúng, đây là “tha sanh”. Nếu nói Duy thức học là vốn sẵn có, chỉ do sự dẫn phát của các học phái, do nhu cầu của hoàn cảnh mà xuất hiện, đây là “cộng sanh” mà chẳng phải nhân duyên sanh. Nếu nói tự nhiên mà có, không do nhân duyên, thì đó là tà kiến “vô nhân sanh”. Vậy rốt cuộc rồi Duy thức học sanh ra như thế nào? Thành lập thế nào? Đó là duyên sanh, duyên thành, là quá trình phát triển huyễn hóa vô tánh. Trước tiên cần phải hiểu rằng Duy thức học của Vô Trước là giai đoạn thành lập trong sự phát triển, đến lúc này mới thành lập đầy đủ và xác định đặc chất của Duy thức học, tinh nghĩa của Duy thức học. Vốn không có tính tự thể bất biến, thành lập trong sự diễn biến không ngừng, thành lập xong rồi lại cũng không ngừng diễn biến. Lúc Phật tại thế, đã có khuynh hướng Duy thức, có chương cú có thể giảng giải là Duy thức. Diễn tiến đến giai đoạn Vô Trước học là từ các vấn đề, các tư tưởng trải qua vô hạn rắc rối phức tạp diễn biến mà ra, trong đó tự nhiên có nhân duyên chủ yếu. Điều kiện thành lập tư tưởng Duy thức ở một nơi nào đó trong giới Phật giáo Ấn Độ phát triển đến mau chóng thành thục, ngoài sự kích phát hoặc thuận hoặc nghịch của tư trào thời đại thì đặc biệt còn chịu sự phát huy dung hợp tư tưởng nghiêm ngặt của sự truyền thừa, huân tu và cá nhân mới xuất hiện Duy thức học của Vô Trước. Thành lập rồi, qua sự hoằng truyền của các đại sư Thế Thân, Trần Na, Hộ Pháp vẫn là ở trong sự diễn biến không ngừng. Nhưng trước sau vẫn không lìa bỏ ý nghĩa chủ yếu và đặc chất của Duy thức học, trước sau vẫn là Duy thức học. Như dòng nước có chứa một lượng lớn sắc tố mực Tàu, thì trong dòng nước chảy không ngừng mà chẳng mất đặc trưng của màu mực trước kia, mãi mãi vẫn là nước mực.

Nói đến diệt của các hành vô thường, trong kiến giải duyên khởi hành không thì diệt chẳng phải là không có, đoạn diệt là một hiện tượng trong nhân duyên hòa hợp, diệt cùng với sanh cũng tồn tại như nhau. Bỏ qua diệt là một pháp duyên khởi nên mới nói “diệt chẳng chờ nhân”. Vì thế nghiên cứu Phật pháp cũng cần nghiên cứu đến nhân duyên suy tàn của tư tưởng và chế độ đối với từng học phái. Đồng thời, diệt là duyên khởi, vì thế nó tất nhiên phải ảnh hưởng đến vị lai và trở thành nhân duyên của tư tưởng, chế độ sanh diệt mai sau. Thật ra, đã diệt rồi thì diệt mất, lịch sử sẽ không diễn lại, nhưng sự thật lịch sử trong diễn biến của duyên khởi có ảnh hưởng mật thiết đến tương lai.

Người nghiên cứu Phật pháp hiện đại thường dùng nhãn quan lịch sử để khảo chứng nghiên cứu. Nếu không nắm vững vô thường luận thì thường hay kết luận một cách ngu xuẩn. Có người từ quan điểm khảo chứng để tìm đến ngọn nguồn chân lý, họ đồng tình với Phật giáo thời Phật tại thế, nhân đó cổ súy Phật giáo nguyên thủy theo hình thức Tích Lan, Thái Lan rồi phê bình các hình thức Phật giáo khác. Quan điểm này chẳng những bỏ qua tính tất nhiên của sự diễn biến do thời đại, do địa phương mà còn xem thường mọi nỗ lực và thành quả khai quật chân nghĩa Phật học của Phật giáo đời sau. Có một số người nệ cổ, họ cho rằng càng cổ xưa thì càng chân, càng thiện. Tôi nghĩ, những người Phật giáo nguyên thủy thô bỉ cũng có luận điểm sai lầm là muốn tạo ra đức Thích Tôn là đấng Thành Tựu trong sự phát triển văn minh Ấn Độ. Có một số người chịu ảnh hưởng thuyết Tiến hóa, chủ trương từ Tiểu thừa đến Đại thừa, rồi Không Tông, rồi Duy thức, rồi Mật Tông, sự bộ, hành bộ một mạch đến Vô thượng Du – già, càng về sau càng tiến bộ, càng viên mãn. Kiến giải của những người này tương phản với người nệ cổ kể trên, nhưng cũng đều là sai lầm cả.

Từ quan điểm các hành vô thường sanh diệt thì một hệ sanh diệt trước cùng một hệ sanh diệt sau có sự diễn biến mắt xích của nhân trước quả sau, chứ  chẳng phải là sự tiến hóa hay thoái hóa của định mệnh. Bất luận là toàn thể Phật pháp hay một tư tưởng, một chế độ, một hành pháp nào đó trong Phật pháp đều đang vận hành trong hiện tượng hoặc tiến lên, hoặc hạ xuống, hoặc duy trì. Trong mỗi giai đoạn đều có sự xác lập cái mới, phế bỏ cái cũ. Quan sát từ cá biệt đến chỉnh thể thì thấy có sự phức tạp khác nhau, người chủ trương càng cổ xưa càng chân thì đã bỏ qua sự phát triển rực rỡ chân nghĩa ở thời đại sau. Còn người chủ trương càng về sau càng viên mãn thì hãy coi chừng sự phát triển quái dị và sự diễn tiến bệnh hoạn. Chúng ta phải y cứ vào pháp tắc CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG của Phật pháp, từ quan điểm Phật pháp diễn biến để phát hiện sự phát triển kiện toàn và sự thích ứng bình thường của chân nghĩa Phật pháp.

Ba thời gian như huyễn, không có sát na sanh diệt cách biệt trước sau, sự tương tục của nhân trước quả sau là duyên khởi, là sự tương tục bất tức, bất ly. Do đó, nhân diệt quả sanh chẳng phải từ sự đoạn diệt của A mà sanh ra B hoàn toàn khác, không dính líu gì đến A, mà giữa A và B có mối quan hệ chẳng thể phân ly. Vì thế nghiên cứu Phật pháp phải từ trong sự diễn biến phức tạp nắm lấy tính nhất quán cộng đồng tương tục của nó. Ở đây hoặc giả là nghĩa chung của Mật giáo, nghĩa chung của Đại thừa, nghĩa chung của pháp xuất thế (tam thừa) nghĩa chung của pháp thế, xuất thế (ngũ thừa), ở đây hoặc giả là nghĩa chung của một thời đại, một địa phương, nghĩa chung của một tông, một hệ, ở đây cần phải ở trong pháp vô thường mới mẻ chẳng phải cũ kỹ nắm lấy nó. Đó gọi là lý luận hoặc chế độ cộng thông nhất quán gần với chẳng biến dịch ở trong biến dịch, nhưng nó tuyệt đối chẳng phải có sự tồn tại của một tự thể chân thường. Nhưng tính an định tương đối trong sự biến dịch ấy là điều mà Duy thức gọi lá tợ nhất, tợ thường. Nghiên cứu như thế Phật pháp mới thành nhất quán, rành mạch phân minh.

2. Pháp Tắc CÁC PHÁP VÔ NGÃ

Các pháp vô ngã là trung tâm của duyên khởi Tam pháp ấn, là then chốt để hoàn thành mục đích học Phật. Thâm nhập thật nghĩa vô ngã mà thể chứng, tạm không bàn tới. Hiện tại nói từ hai phương diện là làm thế nào để lấy pháp tắc này ứng dụng vào việc nghiên cứu?

Nghiên cứu Phật pháp cần phải có tinh thần vô ngã. Vô ngã là lìa bỏ kiến chấp điên đảo về tự ngã (thần ngã), chẳng từ tự ngã xuất phát nắm lấy tất cả. Trong việc nghiên cứu Phật pháp thì đó là không có thành kiến cố chấp tự ngã, không còn một thành kiến để nghiên cứu. Nếu thành kiến chủ quan quá mạnh mẽ thì khó thấy được đúng bản nghĩa của kinh luận. Dựa theo quan điểm Phật pháp, nhận thức nghĩa là giữa năng tri, sở tri làm duyên lẫn nhau sanh ra hiểu biết vốn không lìa nhận thức chủ quan và cũng còn đặc biệt chịu sự hạn chế của sự huân tập trước kia. Nhưng nếu không có ý bảo thủ thành kiến thì lúc nhận thức có thể gần với bản nghĩa của kinh luận. Kinh luận vốn căn cứ vào giả danh được mọi người công nhận là an lập. Một số học giả của các tông phái cố chấp lấy hành giải của tông phái họ làm tiêu chuẩn, cho nên lúc nghiên cứu, diễn giảng, họ chẳng cần biết nội dung của kinh như thế nào chỉ, biết đem sở học của mình ra đặt lên trên, khác chi chẳng cần biết đối phương đầu to đầu nhỏ, chỉ cần biết đem cái mũ trên đầu cùa mình đội lên đầu họ. Nếu có thành kiến loại này mà đi nghiên cứu Phật pháp thì kết quả là có thể tưởng tượng! Bỏ đi thành kiến không phải là dễ, nhưng chúng ta cố gắng học hỏi thì dần dần cũng nhẹ bớt thành kiến riêng tư. Phương pháp giảm bớt thành kiến, như Đại sư Gia Tường (Cát Tạng) nói: “Đem những hý luận này quét sạch, thì tự thấy bản ý kinh luận”, đây là lời dạy quý báu. Lúc đang nghiên cứu một kinh một luận, điều thiết yếu là chớ tự cho là thông minh, giữ lấy kiến giải sẵn có, cũng đừng một bề tin vào lời nói của người xưa đã phiên dịch, đã chú giải. Tốt nhất là nên tìm sự giảng giải trên chính bản thân của một kinh một luận ấy, trước  sau làm sáng tỏ cho nhau. Nếu chẳng thể đạt được định nghĩa và kiến giải đúng đắn thì phải tham khảo các kinh luận có tư tưởng tiếp cận với kinh này luận này, ví dụ như khi nghiên cứu Bát nhã, có thể tham khảo các kinh Tư Ích, Trì Thế, Vô Hành, Vô Tận Ý, các luận Trung Quán, Đại Trí Độ. Nếu như nhất thời chẳng hiểu; thì có thể do kinh luận ấy viết không dễ hiểu, ta cần phải học nhiều để giải quyết những điều nghi tồn đọng và cần phải tìm tham khảo các bản bút ký về nó. Chớ nên xuyên tạc, gán ghép, tự cho là đúng! Chỉ cần biết những điều hiện tại chưa rõ, sau này học hành càng rộng thì nhất định sẽ hiểu rõ, ở trong chỗ vô ý mà hiểu được! Nghiên cứu như thế thì hẳn cần phải dùng nhiều đến sự suy nghĩ sáng suốt, nhưng thành quả thu được tuyệt không trái với những chú giải, sao chú giải, phiên chú giải ( dịch văn ngôn ra bạch thoại) của các học giả.

Vô ngã, tuy chúng ta đã nói nhiều và nghe quen rồi, nhưng trong việc nghiên cứu Phật học cũng nên nhắc lại một chút!

Từ quan điểm CÁC PHÁP VÔ NGÃ nghiên cứu, thế gian không có một cái gì có thể tồn tại độc lập mà đều có quan hệ với cái khác, từ trong sự tương nhiếp tương cự xoay vần ấy mà thành ra tất cả mọi hiện tượng. Vì thế, tất cả pháp vô ngã chỉ là tương y tương thành, tồn tại do các nhân duyên hòa hợp. Tất cả pháp như vậy, Phật pháp đương nhiên cũng chẳng ngoại lệ. Như tông Thiên Thai ở Trung Quốc lấy ý Trung luận của ngài Long Thọ làm trung tâm. Trên cơ sở này, tông Thiên Thai dung nhiếp Địa luận và Thiền tông của phương Bắc, Thành Thật luận và Tam Luận của phương Nam, đồng thời còn phê phán các tông ấy, nếu lìa tư tưởng của các nhà Thiền tông, Địa luận sư, Thành luận sư, Tam luận sư chính là ngộ tam trí do nhiếp tâm mà đắc cũng chẳng có các luận điểm đặc sắc về ngũ thời, bát giáo, tứ tất đàn, lục tức Phật, nhất niệm tam thiên. Địa luận sư ở phương Bắc từ trên tư tưởng căn bản của họ tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng Thiên Thai rồi thành lập tông Hiền Thủ. Tông Thiên Thai sau ngài Kinh Khê dần dần dẫn dụng giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm, luận Khởi Tín hình thành phái Sơn Ngoại. Những tương quan qua lại này chẳng chỉ là khác thời, là nội bộ mà còn là đồng thời, là học thuật khác cũng có liên quan mật thiết. Đây là tự tha duyên thành của các pháp vô ngã. Ngoài ra, sự tồn tại của các pháp là do các duyên hòa hợp. Do các duyên hòa hợp, nên trong sự hiện khởi thấy dường như là một thể thống nhất, bên trong có tính chất và tác dụng của nhiều phương diện. Như bản giáo của đức Thích Tôn bất luận nhìn từ pháp chân thật hay pháp phương tiện thích ứng sẽ thấy sự dung nhiếp Phật pháp nhất thể thật sâu rộng vô cùng. Do đó, các thứ sai biệt cần phải từ trong sự hòa hợp dường như một mà hiểu Phật pháp là một mùi vị, lại chẳng phải từ trong các thứ dường như khác mà nhận thức là chẳng được. Đó là sự tổng biệt vô ngại của các pháp vô ngã. Cũng nhân đây mà trong sự diễn biến của Phật pháp, chân thật và phương tiện đều có khuynh hướng phát triển thiên trọng. Từ trong sự nhất thể của các duyên hòa hợp diễn biến thành các hệ tư tưởng bất đồng, cấu thành các trung tâm lý luận khác nhau nên Phật pháp đã bị phân hóa. Phật pháp vốn là sự phát huy của nhất thể đa diện, có đủ các tính cộng đồng, do đó trong quá trình diễn tiến sẽ hợp lưu dần dần các điểm cộng đồng. Hợp rồi lại ly, ly rồi lại hợp, Phật pháp mỗi ngày một sâu sắc, phức tạp. Ở mặt này cũng sanh ra nhiều sự phát triển quái dị, lệch lạc thành ra Phật giáo bệnh hoạn. Đó là sự ly hợp xen lẫn giữa các pháp vô ngã. Phật pháp tuy ly hợp không có lý do, nhưng vẫn biểu hiện rõ ràng các hệ tư tưởng bất đồng, các trung tâm lý luận khác nhau. Phật pháp chẳng phải đơn thuần từ A phát triển ra B, cũng chẳng phải là sự phát triển song song của A và B không có liên quan gì với nhau, mà Phật pháp chính sự kết hợp phức tạp. Vì thế hoặc tưởng tượng tư tưởng học phái của Phật pháp xưa nay có nhiều thứ hoặc đơn thuần cho rằng diễn tiến theo một đường mà thành như từ Tiểu thừa đến Đại thừa, từ Không tông đến Hữu tông vv… đều là không thấu hiểu chân tướng ly hợp xen tạp lẫn nhau giữa các pháp vô ngã, đều là nói sai lạc.

3. Pháp tắc NIẾT BÀN TỊCH TỊNH

Niết bàn là đích nhắm của người học Phật hướng về. Có Kinh nói Niết bàn được thành lập từ các hành vô thường, vì thế nói: “Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”. Có Kinh nói rằng Niết bàn được thành lập từ các pháp vô ngã, như nói: “Vì không có tự tánh, bất sanh bất diệt, xưa nay tịch tịnh là tự tánh Niết bàn”. Có Kinh chủ trương Niết bàn thành lập từ vô thường đến vô ngã, rồi từ vô ngã hiển bày tánh tịch diệt này. Tóm lại, đây là tánh tịch diệt của pháp duyên khởi, là hữu tình – hợp thể các duyên hòa hợp trong duyên khởi lưu chuyển – lìa xa hý luận điên đảo mà thể hiện thánh cảnh tự tại chân thật. Nghiên cứu Phật pháp là vì Niết bàn. Niết bàn là thật tướng của mỗi pháp ly nhiễm. Niết bàn không lìa chúng ta, nhưng chúng ta không biết về nó. Người nghiên cứu Phật pháp chẳng những cần phải đem thật nghĩa do văn tự trình bày thể hội đến tự tâm của học giả mà còn phải biết tính vô thường vô ngã của văn tự ngôn ngữ, trực tiếp từ trong văn tự mà thể hội tịch diệt. Từ xưa đến nay có biết bao vị Đại đức đọc một câu kinh, nghe một bài kệ liền rỗng rang ngộ nhập thánh cảnh tịch diệt này. Như trường hợp  ngài Xá Lợi Phất nghe nói kệ duyên khởi. Lục tổ Huệ Năng nghe câu kinh Kim cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” … đều là lập tức ngộ nhập “Văn tự tánh không, tức là tướng giải thoát”, nếu có thể thâm nhập kiến giải này, đa văn tư duy đến lúc công phu thuần thục cũng không khó trực nhập vào trong đó. Nghiên cứu văn tự, chẳng nhất định là học cạn, đây là do người nghiên cứu dụng tâm như thế nào mà thôi.

Niết bàn có nghĩa là chân thật, giải thoát, người nghiên cứu Phật pháp lúc chưa tiếp xúc được với Niết bàn cũng nên lấy Niết bàn làm chỗ quy kết tối hậu mà dũng mãnh tinh tấn. Vì thế, người học Phật phải có đủ lòng mong cầu chân lý, lòng tin thực hiện giải thoát, nghiên cứu Phật pháp đã chẳng phải là học lấy chút ít tư liệu để bàn luận, cũng chẳng phải là công cụ để đem đến danh dự, lợi dưỡng cho mình, mà phải nghĩ là từ trong sự tu học nắm lấy chân lý. Như đức Thích Tôn vì chân lý mà hy sinh tất cả, ngài Huyền Trang đi Ấn Độ cầu pháp chẳng sợ mọi sự nguy nan, Thiền sư Triệu Châu tám mươi tuổi còn đi hành cước, các ngài đều là vì tìm cầu chân lý. Người nghiên cứu Phật pháp nếu có một tâm niệm này thì tất cả đều có biện pháp. Sự tìm cầu Phật pháp thật sự là muốn giải thoát tất cả khổ đau của mình và mọi người, nhu yếu này cần phải được thực hiện. Còn như chỉ đem chân lý để trên trang sách, đặt trên cửa miệng mà chẳng thể tịnh hóa thân tâm, nghiên cứu, học tập, làm việc, đối xử với người, với vật vẫn y như trước kia, đó hẳn nhiên là chẳng đem cái việc Niết bàn đặt trong lòng và không toan tính thể nghiệm chân lý, thực hiện giải thoát. Người nghiên cứu Phật pháp chẳng nên làm như thế.

Căn cứ vào Tam pháp ấn để nghiên cứu Phật pháp cũng chính là y cứ vào nhất pháp ấn không tánh để nghiên cứu. Tôi cho rằng đây mới là dùng Phật pháp để nghiên cứu Phật pháp, thì mới có thể chắc chắn làm Phật pháp hợp với Phật pháp.

 

(Trích dịch từ  PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC)

Nguồn: Suối Nguồn 6

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch