Lời giới thiệu của người dịch:
Bản-thể-của-Phật
còn gọi là Như Lai Tạng, Phật Tính, Pháp Giới, Chân Như... (tiếng Phạn là
Tathagatagarbha), là một khái niệm quan trọng của Đại Thừa Phật Giáo. Tathagatagarbha
được ghép từ hai chữ Tathagata và garbha: Tathagata có nghĩa là như thế, Đức Phật
thường tự xưng mình chỉ là như thế, hiện ra nơi đây là như thế, dịch ra tiếng
Hán là Như Lai; chữ garbha có nghĩa từ chương là "nguyên nhân" hay "bên
trong" (của một thứ gì đó)..., tiếng Hán dịch là chủng tử. Vậy Tathagatagharba
hay Bản-thể-của-Phật mang một ý nghĩa như thế nào trong Phật Giáo?
Dưới
đây là một bài viết ngắn của thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) giải
thích về Bản-thể-của-Phật. Giới thiệu dông dài về D.T. Suzuki có lẽ cũng bằng
thừa, bởi vì hầu hết những ai đã từng dày công học Phật cũng đều biết đến ông, người
đã mang thiền học Zen vào thế giới Tây Phuơng trong tiền bán thế kỷ XX. Bài viết
này được tìm thấy trong tập san France-Asie, số đặc biệt với chủ đề Phật Giáo, được
phát hành tại Sài-gòn năm 1959. Số đặc biệt này đã góp nhặt các bài viết của một
số các học giả Phật Giáo lỗi lạc nhất thế giới vào thời bấy giờ. Số báo này được
tái bản tại Pháp lần thứ nhất năm 1987 và lần thứ hai năm 2008. Gọi là một số
báo đặc biệt thế nhưng thật ra đây lại là một quyển sách đồ sộ mang tựa đề là "Présence
du Bouddhisme" ("Sự Hiện Diện của Phật Giáo"). Lần tái bản thứ
hai chỉ giữ lại phần giáo lý thế mà cũng đã dày gần 600 trang chữ nhỏ.
Người
dịch xin mạn phép ghép thêm một vài ghi chú nhỏ với hy vọng có thể giúp người đọc
dễ theo dõi bản gốc hơn. Các lời ghi chú này được trình bày bằng chữ nghiêng và
đặt trong hai dấu ngoặc.
Bìa quyển sách "Sự
Hiện Diện của Phật Giáo"
(Hình pho tượng Phật Nằm ở
Pagu, Miến Đìện, thế kỷ thứ X,
Xin lưu ý bóng dáng bé tí của
một nhà sư ngồi bên dưới để so sánh với kích thước khổng lồ của pho tượng.
Tuy Đức Phật đã tịch diệt hơn
hai mươi lăm thế kỷ, thế nhưng sự hiện diện của Ngài luôn vẫn còn đó và hiện ra
thật to lớn trước mặt nhà sư nhỏ bé cùng tất cả chúng ta hôm nay, và đấy cũng
là ý nghĩa của tấm ảnh bìa quyển sách)
*****
Nếu quý vị yêu cầu tôi giải thích thế nào là "biến-cố-Ngộ"
(satori-évenement
/ event-satori / Satori là tiếng Nhật và cũng là một thuật ngữ đặc thù của thiền
học Zen. Chữ Satori có thể tạm dịch là "Ngộ",
sự "tỉnh giác", sự "quán thấy sâu xa" hay sự nhận thức được
"Bản-thể-của-Phật") và đồng thời cũng muốn biết thêm "thể-dạng-Ngộ"
(satori-état /
satori-state) và "biến-cố-Ngộ" khác nhau như thế nào, thì
tôi sẽ xin giải thích với quý vị như thế này: toàn thể mọi người trong chúng ta,
không ngoại trừ một ai, kể cả các chúng sinh hàm chứa tri thức và giác cảm, tất
cả đều ở trong thể dạng Ngộ. Tất cả chúng ta đều ở trong thể dạng đó, thế nhưng
chúng ta không ý thức được sự kiện này mà thôi. Chúng ta nào có để ý đến bầu không
khí bao bọc chung quanh địa cầu; chỉ khi nào gió thổi khiến cho không khí chuyển
động thì khi đó chúng ta mới ý thức được sự hiện diện của nó. Sở dĩ chúng ta không hề nghĩ đến sự hiện diện của
không khí là vì trước đây nó bất động và ở trong thể dạng ngưng nghỉ (chúng ta luôn ở
trong Hiện Thực tức là thể-dạng-Ngộ, thế nhưng chúng ta không hề ý thức được sự
kiện hay thể dạng đó. Phải nhờ vào một biến cố nào đó xảy ra thì khi ấy chúng
ta mới ý thức được là mình đang "sống" trong Hiện Thực).
Dòng luân lưu hay sự chuyển động ấy, nếu tôi có thể nói như thế, chính là
"biến-cố-Ngộ". Khi tất cả mọi sự đều ngưng nghỉ (đình chỉ, không chuyển động) thì
chúng ta sẽ ở trong thể dạng Ngộ (thế nhưng chúng ta lại không ý thức được sự kiện đó).
Chỉ khi nào có một chuyển động tâm thần đặc biệt xảy ra thì khi đó "biến-cố-Ngộ"
mới có thể phát sinh. Biến cố ấy tất nhiên không phải là một biến cố thông thường.
Nó chỉ xảy đến với một người nào đó, trong một bối cảnh nào đó, và phải cần đến
một sự chuẩn bị từ trước (phải tu tập và phát huy sự chú tâm cần thiết).
Chúng ta hãy cứ nhìn vào tấm gương của
Đức Phật. Ngài từ bỏ lạc thú phàm tục, tìm vào rừng để suy nghiệm triết học dưới
sự chỉ dạy của các vị thầy uyên bác nhất thời bấy giờ. Thế nhưng những gì Đức
Phật nghiền ngẫm bằng cách dựa vào lý trí thì hoàn toàn chỉ mang tính cách trí
thức. Sự tìm tòi đó không hề giúp Ngài quán thấy được bản chất của Hiện Thực. Vì
vậy Ngài không thể nào tin tưởng hoàn toàn vào các phương pháp biện luận triết
học. Thế là Ngài lại phải trở vào rừng thêm một lần nữa, và mục đích lần này là
để luyện tập bằng cách hành xác. Có thể Ngài đã suy nghĩ rằng khi nào còn quan
tâm quá đáng đến các đòi hỏi của thân xác thì khi đó tâm thần sẽ còn bị xao động
và tách rời ra khỏi các mục tiêu mà nó mong cầu. Tình trạng hoang mang ấy tất sẽ
khiến cho tâm thức không sao thực hiện được các chủ đích của chính nó. Đấy có
thể là lý do đã khiến cho Đức Phật quyết định giảm thiểu tối đa các nhu cầu vật
chất: ngủ thật ít, ăn thật ít, giữ tư thế ngồi yên và triền miên lắng sâu vào
thiền định. Thế nhưng cách luyện tập ấy cũng vẫn chưa làm cho Ngài hài lòng, bởi
vì khi các nhu cầu vật chất bị giảm xuống thì sức khoẻ cũng theo đó mà ngày
càng kém đi. Ngài kiệt lực và không còn đứng lên được nữa. Chỉ khi nào sự sinh
tồn được bảo vệ thì khi đó con người mới có thể tìm thấy được sự Thực Hiện (Giác Ngộ)
và sự toại nguyện vẹn toàn (sự Giải Thoát); đấy là lý do cho thấy tại sao con
người lại cần phải có một sức khoẻ thật tốt. Nếu cố tình cắt giảm bớt đi các
nhu cầu tối thiểu giúp cho sự sống tồn tại, thì tất nhiên sẽ khó lòng mang lại các
điều kiện cần thiết như trên đây. Đức Phật bắt đầu ăn uống trở lại. Thế nhưng ước
nguyện phải đạt được một cái gì đó vẫn còn nguyên trong lòng Ngài. Thật sự ra
thì Ngài cũng không ý thức được rõ rệt điều ước nguyện ấy là gì, Ngài chỉ hiểu
rằng có một niềm khát vọng nào đó trong lòng. Sự suy tư mang tính cách trí thức
tỏ ra quá nông cạn, phép luyện tập bằng cách hành xác cũng chẳng khá hơn. Khát
vọng của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, không một chút phôi pha. Ngài cảm thấy một nỗi
lo âu thật sâu kín phát sinh trong lòng mình bởi vì sự biện luận trí thức cũng
như phép luyện tập hành xác cả hai đều không thể giúp cho niềm khát vọng của Ngài
bớt đi sự ray rứt. Ngài cũng chẳng biết phải làm gì nữa.
Không còn một phương cách nào khác để giúp Ngài tìm ra một lối thoát. Ngài bèn quyết
định loại bỏ phương pháp biện luận trí thức vì đấy chỉ là cách bày ra một trò đối
tác giữa chủ thể và đối tượng, và cái trò đối tác đó sẽ chẳng bao giờ có thể
mang lại thể dạng an bình trong tâm thức được. Nếu chúng ta tự ép buộc mình phải
trở thành một con người đạo đức toàn vẹn thì đấy cũng chỉ là cách tạo ra một sự
phân tách: phía bên này là người ước mong đạt được sự vẹn toàn đạo đức (với tư cách là chủ
thể), và phía bên kia là chính sự vẹn toàn ấy (tức là đối tượng). Chính vì thế nên
sự vẹn toàn đó sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được, bởi vì chưa kịp đạt được một cấp
bậc nào đó, thì tức khắc lại hiện ra một cấp bậc khác cao hơn, hướng vào một sự
vẹn toàn khác lý tưởng hơn. Do đó chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành hoàn
hảo được. Khi vẫn còn sự tách rời giữa người tìm kiếm sự vẹn toàn và chính sự vẹn
toàn ấy thì mục đích tối hậu sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được. Một khi mà sự chia
đôi Hiện Thực ra thành hai thành phần đối nghịch nhau vẫn chưa loại bỏ được – tức
là tình trạng phân tách giữa chủ thể và đối tượng, một bên là người suy nghĩ về
một thứ gì đó và bên kia là chính thứ ấy, hay nói cách khác là giữa người nêu
lên câu hỏi và chính câu hỏi của người ấy, vẫn còn nguyên - thì khi đó sự phân
tách ấy sẽ vẫn còn tiếp tục ngăn chận sự Thực Hiện (Giác Ngộ).
Tất
nhiên là những gì trình bày trên đây đều dựa vào lý luận. Thế nhưng Đức Phật
thì lại không lý luận, Ngài chỉ đơn giản cảm nhận được một điều gì đó thật ray
rứt trong lòng mình mà chính Ngài cũng không hiểu được bản chất của nó là gì.
Ngài cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Người Thiên Chúa Giáo vẫn thường hay thốt
lên: "Khi đã mất hết hy vọng thì chỉ còn phó mặc cho Trời". Đấy là
cách mà họ tách rời Trời ra khỏi con người; và chính vì thế nên họ đành phải thốt
lên những lời tuyệt vọng và chỉ còn biết giao phó cho Trời. Thế nhưng người Phật
Giáo chúng ta thì lại suy ngẫm về mọi sự vật dưới một khía cạnh khác hơn: chúng
ta không hề quan tâm đến thế giới hiện tượng. Thật vậy Đức Phật không đánh mất
thì giờ vào cách suy luận đại loại như thế. Ngài chỉ cảm thấy một niềm khát vọng
muốn đạt được một cái gì đó và niềm khát vọng ấy luôn ray rứt trong lòng mình.
Khi nào cảm tính khát khao ấy hiện ra thì người ta cũng sẽ vượt thoát khỏi thể
dạng tri thức thông thường và vượt lên trên sự tương đối. Đức Phật dồn tất cả sức
chú tâm của mình vào niềm khát vọng ấy đến độ Ngài đã hòa nhập vào việc tìm hiểu
nó và để rồi trở thành chính nó. Ngài không còn tách rời ra khỏi nó nữa (để trở thành chủ
thể và đối tượng) và cũng không còn cảm thấy khao khát nữa: Ngài đã
trở thành MỘT với nó. Những gì Ngài suy tư đã trở thành chính Ngài, không còn phải
là những thứ tư duy của Ngài như trước đây nữa (Ngài trở thành chính sự Giác Ngộ và sự Giác
Ngộ cũng đã trở thành chính Ngài).
Tất
nhiên là Đức Phật không suy nghĩ theo như cách tôi vừa trình bày trên đây; bởi
vì đấy là những gì do tôi tự bình giải và diễn đạt ra như thế. Khi nào thể dạng
(nhất nguyên)
ấy hiện ra thì tư duy cũng sẽ đạt được một sự đồng nhất, một vị thế thăng bằng
nào đó, một cách chính xác hơn là quán nhận được bản thể tự nhiên của thực tại (réalité de nature
/ reality by nature / từ bản chất hay là bản tính tự nhiên là như thế).
Chữ "thăng bằng" gián tiếp nói lên sự đa dạng của mọi sự vật và sự
hài hòa của chúng (khi nào trông thấy các hiện tượng chuyển động hài hòa và không xáo trộn thì
có thể tạm gọi như là một sự thăng bằng), thế nhưng đối với trường hợp
quán thấy trên đây của Đức Phật thì chữ "thăng bằng" không mang ý
nghĩa như thế, mà đúng hơn là một thứ bản chất tự tại [của mọi hiện tượng]. Ngoài ra thì
chữ "nhận diện" cũng không phải là một từ thích hợp cho lắm khi muốn
nói rằng các vật thể này được "nhận diện" (indentified / xác định hay được nhận biết...)
khác hơn với các vật thể khác. Theo quan điểm của Đức Phật thì không có một sự
khác biệt nào giữa sự tìm kiếm và đối tượng của sự tìm kiếm. Ngài lắng sâu vào một
thể dạng nhất thể tuyệt đối. (Nêu lên các thuật ngữ như "sự đồng nhất của
tư duy", "sự thanh thoát hoàn toàn của tâm thức" hay thể dạng
"sambhodi" (sự tỉnh giác hay giác
ngộ), thì cũng chỉ là một cách giải thích thuộc lãnh vực tâm lý học mà
thôi - lời giải thích thêm của tác giả). Dù sao thì cũng phải xảy ra một biến cố
gọi là Satori (Ngộ)
thì thể dạng (nhất
thể) ấy mới có thể thực hiện được. Sự "giác ngộ" nhờ đó cũng sẽ hiển lộ - như là một sự chuyển
động đặc biệt gọi là "biến-cố-Ngộ" (satori-event) hay "kinh-nghiệm-cảm-nhận-Ngộ"
(satori-experience),
dù rằng thể dạng nhận biết (identification / nhận diện, xác định...) ấy còn tùy
thuộc vào mỗi người trong chúng ta. Khi biến cố ấy xảy ra thì chúng ta cũng sẽ nhận
biết được rằng mình đang ở trong thể dạng Ngộ ấy. Chính vì thế nên người ta đã thuật
lại rằng khi Đức Phật đạt được kinh nghiệm cảm nhận trên đây thì Ngài cũng đã biểu
lộ sự kinh ngạc của mình khi nhận thấy rằng tất cả mọi sự vật đều hàm chứa bản-thể-của-Phật
- thật sự là tất cả, bởi vì bản thể ấy không nhất thiết chỉ là gia tài riêng của
các chúng sinh có giác cảm mà còn hàm chứa trong đất đá và cả các vật thể khác
trong thế giới, không ngoại trừ bất cứ thứ gì. Tất cả đều là Phật, thế nhưng chỉ
vì các vật thể không tự ý thức được cái bản thể đó của chúng mà thôi. Đấy chẳng
qua chỉ vì chúng không thể tạo ra được "biến-cố-Ngộ" giúp chúng ý thức
được sự kiện đó (chỉ
có con người là có thể bừng tỉnh nhờ vào "biến-cố-Ngộ" mang lại từ sự
tu tập của chính mình để nhận ra rằng kẻ hung ác, người hiền lành, kẻ tham lam,
người rộng lượng, kẻ xấu xí, người xinh đẹp... tất cả đều là chính mình; xúc cảm
hay tư duy trong tâm thức cũng là chính mình; đất đá, cây cỏ, một áng mây lửng
lơ trên bầu trời, một làn gió thoảng xuyên qua cành lá hay một âm thanh vang vọng
trong không gian cũng đều là những biểu hiện của chính mình. Sự bừng tỉnh đó sẽ
giúp chúng ta thực hiện được "thể-dạng-Ngộ" và quán thấy được bản thể
của chư Phật và của cả chính mình).
Có
một người đệ tử hỏi Thầy mình như sau: "Thế
con có hàm chứa bản-thể-của-Phật hay không?". Vị Thầy tức khắc trả lời
ngay: "Không, mi không hề hàm chứa bản-thể-của-Phật".
Người đệ tử hỏi vặn lại: "Con nghe
nói rằng tất cả mọi thứ đều hàm chứa bản-thể-của-Phật kia mà... Tại sao con lại
không có?" Vị Thầy lại trả lời tiếp như sau: "Côn trùng, súc vật, đất đá..., tất cả đều hàm chứa bản-thể-của-Phật
- chỉ trừ có mi là không có". Người đệ tử tỏ vẻ lo lâu: "Thế thì tại sao con lại không có?"
Vị Thầy bèn giải thích như sau: "Chỉ
vì mi đã nêu lên câu hỏi" (nêu lên thắc mắc trong đầu là cách tự tách rời mình ra khỏi
sự thắc mắc của chính mình, tức là tự tạo ra chủ thể và đối tượng, nói cách khác
là tự tách rời mình ra khỏi hiện thực). Thắc mắc của người đệ tử đã cho
thấy rằng người ấy không thấu triệt được một cách thật ý thức rằng chính mình
đang hàm chứa sẵn Bản-thể-của-Phật (vì cứ tưởng rằng bản-thể-của-Phật là một thứ gì đó khác với
mình). Sự ý thức hay giác ngộ ấy là một sự kiện vô cùng quan trọng,
và nó cũng chỉ có thể xảy đến với con người mà thôi. Vì thế chúng ta cũng có thể
bảo rằng tất cả mọi sự vật, kể cả vật chất, đều hàm chứa bản-thể-của-Phật, thế
nhưng cần phải là một con người mới cảm nhận được cái bản thể ấy.
Vài lời ghi chú của người dịch
Với
một văn phong giản dị, ngắn gọn và quen thuộc, D.T. Suzuki đã tóm lược thật khúc
triết và khéo léo ý nghĩa của một khái niệm có thể nói là chủ yếu và then chốt
nhất của Đại Thừa Phật Giáo, nhất là đối với Thiền Tông và Kim Cương Thừa. Nếu
cho rằng Bản-thể-của-Phật hiện hữu nơi tất cả chúng sinh và mọi vật thể trong
thế giới thì đấy có phải là một sự nghịch lý đối với một khái niệm vô cùng quan
trọng khác của Đạo Pháp là "tánh không tuyệt đối và tối thượng" của tất
cả mọi hiện tượng hay không? Dù sao thì thắc mắc này cũng có vẻ chính đáng. Vậy
chúng ta thử tìm hiểu xem hai khái niệm "tánh không" và "Bản-thể-của-Phật"
có mâu thuẫn với nhau hay không hay đấy chỉ là một sự "bổ túc" cho
nhau?
Quá trình hình thành khái niệm về Bản-thể-của-Phật
Đức
Phật trực tiếp nêu lên tánh không trong nhiều bài giảng và cho biết rằng Ngài luôn
thường trú trong cõi tánh không tối thượng và tuyệt đối ấy. Thế nhưng không thấy
có một bài kinh "nguyên thủy" bằng tiếng Pa-li nào trực tiếp nêu lên khái
niệm về Bản-thể-của-Phật một cách dứt khoát và rõ ràng. Chỉ thấy Tăng-nhất Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) và một học phái Phật Giáo xưa đã mai một là Đại-chúng
bộ (Mahasanghika) đưa ra một vài gợi ý khá mơ hồ về Phật-tính mà thôi. Tóm lại
khái niệm về Bản-thể-của-Phật hay Phật Tính nhất thiết chỉ là một khái niệm đặc
thù và cá biệt của Đại Thừa nói chung và đặc biệt đã giữ một vai trò thật chủ yếu
trong Thiền Học và Kim Cương Thừa.
Khái
niệm về Bản-thể-của-Phật chỉ bắt đầu được nêu lên thật rõ ràng từ khoảng năm
200 sau Tây Lịch trở về sau này, và đã được đề cập nhiều nhất trong các bộ kinh
như Đại phương đẳng Như Lai Tạng kinh (Tathagatagarbha-sutra, khoảng năm 200
sau Tây Lịch), Thắng man Kinh (Srimaladevisimhanada-sutra, thế kỷ thứ
III), Đại bát Niết Bàn Kinh (Mahaparinirvana-sutra, thế kỷ thứ III), Hoa
Nghiêm kinh (Avatamsaka-sutra, thế kỷ thứ III), Nhập Lăng Già Kinh (Lankavatara-sutra, thế kỷ thứ III), v.v... Nói chung thì số kinh sách vô cùng phong
phú này đã đánh dấu thời kỳ trưởng thành của Đại Thừa Phật Giáo vào các thế kỷ
thứ III và IV, sau khi đã được hình thành bốn trăm năm về trước tức vào thế kỷ
thứ I trước Tây Lịch.
Có
thể nói rằng trong số các kinh sách trên đây thì Nhập Lăng Già Kinh (Avatamsaka-sutra)
là bộ kinh giải thích khái niệm về Bản-thể-của-Phật sâu sắc và khúc triết nhất.
Kinh này được xem là do chính Đức Phật Thuyết giảng thế nhưng thật ra nếu căn cứ
vào các dữ kiện lịch sử thì chỉ được trước tác vào khoảng thế kỷ thứ III. Cũng
xin nhắc thêm là Bồ-đề Đạt-Ma đã dựa vào kinh này làm nền tảng để sáng lập ra một
học phái mới là Thiền Học tại Trung
Quốc vào khoảng thế kỷ thứ VI.
Bước
sang thế kỷ thứ V người ta lại thấy xuất hiện thêm một tập luận khá quan trọng nữa
là tập Bảo tính luận (Uttaratantra-sastra còn gọi là Ratnagotravibhaga). Tập luận này đã triển
khai khái niệm về Bản-thể-của-Phật thật sâu rộng với nhiều khía cạnh triết học vô
cùng sâu sắc và khúc triết. Chính tập luận này đã giữ một vai trò then chốt đưa
đến sự hình thành của Kim Cương Thừa vào khoảng cuối thế kỷ thứ V hay đầu thế kỷ
thứ VI.
Trên
đây là một vài nét thật khái quát đánh dấu một giai đoạn cực thịnh của Phật Giáo
nói chung và của Đại Thừa nói riêng suốt trong nhiều trăm năm, kể từ thế kỷ thứ
I trước Tây Lịch cho đến các thế kỷ thứ VII và VIII. Trong giai đoạn này nhiều
học phái lớn tuần tự được hình thành như Trung Đạo, Duy Thức Học, Kim Cương Thừa và Thiền Học.
Sau giai đoạn hưng thịnh này và cho đến nay không còn thấy một học phái quan trọng
nào khác được thành lập thêm. Trên phương diện giáo lý thì bốn học phái lớn trên
đây đã đưa ra nhiều cách diễn đạt mới về một số khái niệm trong giáo huấn của Đức
Phật, hoặc ít ra thì trên phương diện thực hành cũng đã thiết lập được nhiều phép
tu tập đặc thù và chuyên biệt, nhất là đối với Kim Cương Thừa và Thiền Học.
Trong
số các đường hướng diễn đạt mới về giáo huấn của Đức Phật, người ta nhận thấy có
hai khuynh hướng nổi bật nhất: trước hết là triển khai sâu rộng khái niệm về tánh
không và đưa khái niệm này vào vị trí trung tâm của Đạo Pháp, và sau đó là sáng
tạo ra thêm một khái niệm mới là Bản-thể-của-Phật (Tathagatagarbha). Vậy Bản-thể-của-Phật,
ngoài các cách giải thích của D.T. Suzuki trong bài viết trên đây, còn mang thêm
các ý nghĩa hay các cách giải thích nào khác nữa hay chăng?
Định nghĩa về Bản-thể-của-Phật
Trong
Đại phương đẳng Như Lai tạng Kinh (Tathagatagarbha-sutra) có một câu như
sau: "Trong tất cả chúng sinh đều ẩn
chứa tinh anh của Như Lai: tương tự như trong lòng của một người mẹ nghèo nàn ẩn
dấu một đứa con đáng yêu, như vàng ròng dấu kín trong một nơi ô uế...".
Đại bát Niết-bàn Kinh cũng nêu lên
như sau: "Tương tự như bơ hòa lẫn
trong sữa, Phật-tính thấm nhuần trong tất cả chúng sinh".
Thế
nhưng Bản-thể-của-Phật - còn được gọi là Phật-tính - không những chỉ được xem
như một kho báu vô cùng quý giá mà còn là "nguyên nhân" hay một
"phương tiện" giúp cho tất cả chúng sinh trở thành Phật. Nói một cách
khác Bản-thể-của-Phật còn biểu trưng cho một tiềm năng tự tại trong tâm thức của
mỗi cá thể con người giúp họ thực hiện được sự Giác Ngộ. Tiềm năng ấy chỉ tạm
thời bị che khuất và bị bóp ngạt bởi vô minh mà thôi. Chính vì thế nên Bản-thể-của-Phật
hay Phật-tính, hay Như Lai Tạng (Tathagatagarbha) còn được gọi là "hạt giống",
"nguyên nhân" hay "chủng-tử-của-Phật".
Ngoài
ra kinh sách cũng thường sử dụng chữ "dhatu"
(có nghĩa là giới, thành phần, lãnh vực, thể dạng...) ghép thêm vào chữ "Tathagata" (Như Lai) để tạo
ra từ ghép "Tathagatadhatu", có nghĩa là "Thể-dạng-Như-Lai", nhằm để chỉ định Bản-thể-của-Phật. Thuật
ngữ này thật ra mang hai thể dạng hay hai bản sắc khác nhau:
-
thể dạng thứ nhất là sattvadhatu hay "thể
dạng chúng sinh" (chữ sattva có
nghĩa là chúng sinh: être / being), tức là thể dạng chung của tất cả các chúng
sinh "chưa giác ngộ".
-
thể dạng thứ hai là Dharmadhatu hay "thể
dạng Đạo Pháp" còn gọi là "Pháp Giới" (cảnh giới của Đạo Pháp),
tức là thể dạng giác ngộ của chư Phật, biểu trưng bởi "Hiện Thực tuyệt đối".
Hơn
nữa người ta cũng còn thấy kinh sách gọi Bản-thể-của-Phật là Dharmakaya tức là "Pháp Thân" hay là "Thân Đạo Pháp", tức
là thể dạng không sinh, không diệt, không hình sắc của chư Phật. Pháp Thân còn
được xem là thể tính của hiện thực hiện hữu tự tại nơi chư Phật và tất cả chúng
sinh. Tóm lại chữ Pháp Thân được xem đồng nghĩa với các chữ Chân Như, Hiện Thực
hay sự Vận Hành của toàn thể Vũ Trụ, nói cách khác là trong mỗi chúng sinh đều
hàm chứa sẵn Chân Như hay Hiện Thực để giúp họ cùng với chư Phật vận hành chung
trong vũ trụ. Tuy nhiên nếu các chúng sinh nào chưa đạt được giác ngộ thì sẽ không
thể nào nhận thấy được phẩm tính ấy của chính mình để hòa nhập với sự vận hành đó.
Ngoài
ra Kim Cương Thừa còn xem Bản-thể-của-Phật là một sự "viên mãn tuyệt đối"
và gọi đấy là "ánh sáng trong suốt" biểu trưng bởi một vị thần linh nhằm
ứng dụng vào việc luyện tập. Đối với riêng học phái Đại Cứu Cánh (Dzongchen) thì
Bản-thể-của-Phật chính là "bản thể đích thật và tự tại của tâm thức"
và được gọi là rigpa. Chữ Tây Tạng rigpa có nghĩa từ chương là một "thể
dạng tự nhiên hay tự tại", và trong trường hợp nếu được dùng để chỉ định Bản-thể-của-Phật
thì chữ này sẽ mang ý nghĩa là "bản
chất tự nhiên của sự hiểu biết", tương tự như "hơi nóng là bản chất tự
nhiên của lửa" hay "sự ẩm ướt là bản chất tự nhiên của nước". Do
đó chữ rigpa cũng được xem như tương
đương với các chữ Phạn vidya (sự quán
thấy) hay prajna (trí tuệ) là các chữ
mang ý nghĩa đối nghịch lại với chữ avidya
tức là vô minh, để nói lên bản chất tự nhiên của sự hiểu biết. Đối với học phái
Shentong - một trong hai học phái Trung
Quán của Tây Tạng - thì Phật-tính hay Bản-thể-của-Phật còn được
gọi là Buddhajana tức là Trí-Tuệ-của-Phật. Nói chung các thuật ngữ
Tây Tạng dùng để chỉ định Bản-thể-của-Phật rất phong phú và mang nhiều ý nghĩa
rõ rệt.
Tóm
lại Đại Thừa Phật Giáo qua hàng nhiều trăm năm đã cố gắng phân tích, tìm hiểu và
ứng dụng "một điều gì đó" vừa trừu tượng, bao quát lại vừa sâu sắc và
rất khó để diễn đạt gọi là Bản-thể-của Phật. Các vị đại sư trong quá khứ đã kế
tiếp nhau sáng tạo ra vô số các thuật ngữ quy ước cũng như đã bày ra thật nhiều
cách gợi ý nhằm giúp chúng ta nắm bắt một điều gì đó vô cùng "bí ẩn"
gọi là Bản-thể-của-Phật. Cái bản thể ấy sở dĩ đã tỏ ra bí ẩn chỉ vì nó không phải
là một thứ gì khác thuộc bên ngoài được đem áp đặt thêm cho hiện thực, mà chính
là bản chất tự tại bên trong mọi hiện tượng, từ một hạt bụi cho đến cả vũ trụ, kể
cả tư duy cũng như xúc cảm trong tâm thức của mỗi con người. Vậy cái bản thể tự
tại và cùng khắp ấy của mọi hiện tượng là gì?
Sự cụ thể hóa tánh không
Sau
bài thuyết giảng thứ nhất là Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế), thì ngay sau đó trong bài thuyết
giảng thứ hai Đức Phật đã nêu lên khái niệm "không có cái tôi" hay "giáo
lý Vô Ngã". Trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết giảng Đức Phật tiếp tục triển
khai nền móng đó của Đạo Pháp với các cấp bậc khác nhau, và đồng thời Ngài cũng
đã thường xuyên giải thích giáo lý "Vô Ngã" bằng mọi cách và dưới nhiều
khía cạnh khác nhau. Thế nhưng khái niệm về tánh không thì chỉ được Đức Phật trực
tiếp thuyết giảng cho một số đệ tử thật thân cận, chẳng hạn như Đức Phật đã giảng
riêng cho A-nan-đà hai bài Kinh ngắn và
Kinh dài về Tánh Không (Culasunnata-sutta và Mahasunnata-sutta - Trung A Hàm 121, 122).
Ngoài ra một đôi lần Ngài cũng có nêu lên cho hai người đệ tử là Xá Lợi Phất và
A-nan-đà biết rằng Ngài luôn thường trú trong cõi tánh không tuyệt đối và tối
thượng ấy. Trong bài Kinh ngắn về Tánh Không
có một đoạn như sau:
- "Bạch Thế Tôn, có lần Ngài ngụ ở thị
trấn Nagaraka thuộc xứ của dân Sakka. Vào dịp ấy và trước mặt Ngài tôi đã được
nghe chính Ngài nói lên như thế này: 'Này A-nan-đà, Ta luôn an trú trong tánh
không, và đang trong lúc này thì Ta lại càng an trú sâu xa hơn nữa'. Bạch Thế
Tôn, tôi nghĩ rằng tôi đã nghe đúng như thế, và hiểu đúng như thế.
Đấng Thế Tôn đáp lại
như sau:
- "Quả đúng như
thế, này A-nan-đà, những gì ngươi đã được nghe thấy đúng là như thế; những gì ngươi
hiểu được cũng đúng là như thế. Đang trong lúc này, và cũng tương tự như trước
đây Ta từng an trú trong tánh không thì nay Ta lại càng an trú sâu xa hơn nữa trong
tánh không. Cũng chẳng khác gì như gian tịnh xá này do Migâra-Matâ xây cất hoàn
toàn trống không, không có một con voi nào, không có một con bò cái nào, không
có một con ngựa đực nào, không có một con ngựa cái nào, không có vàng cũng chẳng
có bạc, hoàn toàn trống không, chẳng có đám đàn ông hay đàn bà nào tụ tập. Gian
tịnh xá chỉ duy nhất không-trống-không về cái đặc tính độc nhất [của nó] thiết
lập bởi tập thể Tăng Đoàn."
Đoạn
trích dẫn trên đây cho thấy là A-nan-đà vẫn áy náy không biết những gì mình được
nghe có đúng như thế hay không. Áy náy tức là còn có một cái gì đó mà mình không
hoặc chưa hiểu hết. Tuy nhiên A-nan-đà vẫn cứ thuật lại sự thắc mắc của mình vào
dịp kết tập Đạo Pháp lần thứ nhất được tổ
chức một năm sau khi Đức Phật tịch diệt. Sự thắc mắc ấy đã được truyền khẩu gần
bốn trăm năm trước khi được ghi lại bằng chữ viết trên những tờ lá bối vào thế
kỷ thứ I trước Tây lịch ở Tích Lan.
Có
thể A-nan-đà cũng muốn thấu hiểu tường tận hơn ý nghĩa của tánh không là gì nên
mới nêu lên với Đức Phật thắc mắc của mình như trên đây, thế nhưng Đức Phật chỉ
nói với A-nan-đà rằng Ngài luôn thường trú trong cái tánh không ấy và cho
A-nan-đà biết là sự thường trú ấy cũng tương tự như cảm nhận được gian tịnh xá
trống không, ngôi làng trống không, khu rừng trống không, không gian trống không,
tri thức trống không, hư vô trống không, đấy là một sự cảm-nhận không-cảm-nhận,
một sự cảm-nhận không hướng vào một chủ đích hay đối tượng nào cả. Đức Phật không
hề "mổ xẻ" cái tánh không đó trên mặt trí thức để giải thích cho A-nan-đà
mà chỉ cho biết đấy là một thể dạng hay một kinh nghiệm cảm nhận mà thôi. Nếu nói
theo D.T. Suzuki thì sự "cảm nhận phi-đối-tượng" ấy cho thấy Đức Phật
đã hội nhập và đã trở thành MỘT với cái tri thức trống không tuyệt đối và tối
thượng bên trong của chính Ngài.
Thế
nhưng nếu thuyết phục một người tu tập bình dị như chúng ta hãy cứ hội nhập với
cái tri thức trống không của chính mình và để trở thành MỘT với nó thì quả rất
khó, bởi vì nếu không hiểu được tánh không là một phương tiện mang lại sự giải
thoát mà chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực tức là sự trống không của nó, thì nhất
định sẽ khiến cho chúng ta khó tránh khỏi phải sợ hãi. Dù cho không sợ hãi đi nữa
thì chúng ta cũng có thể sẽ cảm thấy hoang mang và lo lắng, bởi vì chúng ta không
đủ khả năng để cảm nhận được sự trống không tự tại ấy trong tâm thức của chính
mình, mà lại xem nó như là một đối tượng bên ngoài để hội nhập vào đấy, tương tự
như phải nhảy vào một cái hố trống không và sâu thẳm. Có thể cũng vì lý do đó mà
các vị đại sư trong quá khứ thuộc các tông phái và học phái khác nhau đã cố gắng
tìm đủ mọi cách để lấp đầy cái hố ấy, nói cách khác là cụ thể hóa "điều bí
ẩn" ấy, tức là cái MỘT trong bài viết của D.T. Suzuki hay cái "tánh
không tuyệt đối và tối thượng" nêu lên trong bài Kinh ngắn về Tánh Không, nhằm để biến nó trở thành một cái gì đó
mang tính cách "tích cực" hơn. Nói một cách khác là khoác lên cho tánh
không một chiếc áo mới dễ nhận thấy và nắm bắt hơn cho một số người tu tập. Chiếc
áo ấy có thể mang tên là Bản-thể-của-Phật, Như Lai Tạng, Phật Tính, Chân Như,
Hiện Thức, v.v... Triết học Tây Phương gọi phương pháp này là cách "vật thể
hóa" (chosification, reification, objectification...) các khái niệm trừu
tượng.
Sau
đây là một thí dụ khác về cách "vật thể hóa" khái niệm Bản-thể-của-Phật,
tìm thấy trong Như Lai Tạng Kinh (Tathagatagharbha-sutra) và trong tập Bảo Tính Luận (Uttaratantra-sastra còn gọi là
Ratnagotravibhaga) là hai trong số các văn bản nòng cốt đưa đến sự hình thành
của Kim Cương Thừa, đấy là chín phương cách so sánh Bản-thể-của-Phật nhằm biến
nó trở thành cụ thể hơn:
Bản-thể-của-Phật
(Tathagatagarbha) tương tự như:
1-
Một pho tượng Phật bên trong một đoá hoa sen héo úa
2-
Mật ngọt giữa một bầy ong
3-
Một hạt giống bên trong chiếc vỏ cứng
4-
Vàng ròng dấu trong đống rác
5-
Một kho tàng chôn kín dưới mặt đất
6- Một mầm cây bên trong hoa quả
7- Một pho tượng
Phật trong đống giẻ rách
8-
Một vị lãnh đạo tương lai trong bụng của một phụ nữ xấu xí và nghèo nàn.
9-
Một pho tượng bằng kim loại quý bên trong một một khối đất sét.
Pho
tượng Phật, mật ngọt hay vàng ròng... chính là cái "tánh không tuyệt đối và
tối thượng " nằm bên trong mọi hiện tượng hư ảo và vô thường trong thế giới,
từ một hạt bụi cho đến toàn thể vũ trụ.
Thật
vậy nếu bảo một người nào đó hãy chuyên cần tu tập để đạt được thể dạng "tánh
không tuyệt đối và tối thượng" hay "tánh không của tánh không"
thì nhất định sẽ rất khó để chinh phục họ bởi vì có thể họ sẽ không hiểu đấy là
gì. Thế nhưng nếu bảo họ là sẽ đạt được Bản-thể-của-Phật hay Phật Tính hầu giúp
họ trở thành Phật thì may ra có thể thuyết phục họ dễ dàng hơn.
Bures-Sur-Yvette,11.12.12
Hoang
Phong chuyển ngữ