-Phần
4-
Ð. Những Lời Khích
Lệ và Giáo Huấn Cuối Cùng
Phần này chia làm 3
tiết: tiết 1 lời khích lệ tổng quát, tiết 2 minh định
giáo lý căn bản, tiêt 3 những lời giáo huấn cuối cùng.
I. Khích Lệ Tổng
Quát.
Từ "các thầy tỳ
kheo, đối với mọi thứ công đức...không phải lỗi của
người dẫn đường": Kinh văn dạy: "Các thầy tỳ
kheo đối với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường
xuyên nhất tâm tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc
thù". Mọi thứ công đức là tất cả những công hạnh
được đề cập từ đầøu kinh cho đến cuối kinh, tất
cả những công hạnh đó đều gom vào trong tam vô lậu
học: Giới, Ðịnh và Tuệ. Những gì đức Phật dạy, ngài
khuyến khích hãy nỗ lực hành trì đừng để thời gian
trống rỗng và đừng để cho tâm phóng túng có cơ hội
khởi lên, lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, tâm lý được
bảo bọc bởi chánh pháp sẽ được an ổn và thanh tịnh.
Những lời nhắc nhở cuối cùng của Ðức Phật không
nhằm để tôn vinh vai trò đạo sư, cũng không xuất phát
từ động cơ phát triển tôn giáo hay chủ thuyết của mình,
mà chỉ vì lòng đại bi thương yêu chúng sinh, thương yêu
đệ tử muốn cho họ được sớm thành tựu giải thoát.
Mặt khác lời nhắc nhở không phải là lời răn dạy của
một vị thầy khó tính,muốn tạo một áp lực tâm lý để
gây ấn tượng cho tương lai, Ðức Phật như người cha thương
con, trước bước đường chia ly mong con hiểu và đi đúng
con đường mà cha đã đi, vì lợi ích chính người con. Kinh
văn dạy: "thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói chánh
pháp ích lợi một cách cứu cánh, các con chỉ có nỗ lực
thực hành".
Thực hành bằng cách nào?
Và bắt đầu từ đâu? Ðức Phật dạy: "Hoặc trong núi
rừng, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ, các
thầy hãy ở một cách thư thái trong tịnh thất nhỏ, nhớ
và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên
mất". Lời dạy này của Ðức Phật tương ứng với
lời dạy trong kinh tạng Pàli và Ahàm: "lựa một chỗ
thanh vắng tịch mịch như núi rừng, gốc cây, khe núi, hang
đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy
ngồi kiết già lưng thẳng, an trú niệm trước mặt" (Tượng
Tích Tiểu Dụ kinh, TBK). Vấn đề lựa chọn nơi chốn tu
tập, một vài vấn đề cần đặt ra:
1. Nếu một người
mới vào đạo, chưa thuần thục trong giáo pháp, chua thọ
giới và chưa hành trì giới luật một cách đầy đủ
thuần thục , như vậy đức hạnh chưa thành tựu, mà vội
vàng tìm kiếm nơi vắng vẻ để tu niệm là một điều sai
lầm nguy hiểm, vì lẽ tu tập thiền quán phải dựa trên cơ
sở thành tựu giới học.
2. Chọn nơi thanh
vắng, tránh các ngoại duyên để chuyên tâm thiền quán là
hợp lý. Người xuất gia sống ở thành phố, hoặc ở gần
nơi ồn ào náo nhiệt, sống với công việc, tranh đấu,
rất khó tu tập. Tuy nhiên nếu biết sắp xếp công việc, tìm
nơi yên tĩnh như một căn phòng nhỏ ở trên lầu chẳng
hạn, vẫn có thể tu tập tốt mà không cần phải tìm
chốn hoang vu.
Phương pháp tu tập là
"nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận".
Nghĩa là có chánh niệm, thường quán chiếu các đối tượng
thân thể, cảm giác, tâm tư và giáo pháp; hoặc quán sát tu
tập 37 phẩm trợ đạo...điều quan trọng là đừng để quên
mất", tức là tu không gián đọan, thường niệm chánh
pháp. Có chánh pháp, nhớ chánh pháp và hành trì chánh pháp
thì cuộc đời sẽ không trôi qua một cách vô ích, khỏi
hối tiếc về sau.
Ðức Phật như vị lương
y, giáo pháp như thuốc chữa bệnh, có lương y có thuốc, mà
bệnh nhân không uống thì bệnh vẫn không lành, lỗi không
phải do thầy thuốc mà do chính người bệnh, vì vậy Ðức
Phật dạy: "Như Lai như vị lương y biết bệnh và chỉ
thuốc, còn uống hay không không phải là lỗi của lương
y". Trong các kinh cũng thường gọi Ðức Phật là đại
y vương. Thí dụ Ðức Phật như vị lương y rất thân
thiết với đời sống con người vốn nhiều bệnh tật. Thí
dụ Ðức Phật như người dẫn đường cũng rất chính xác,
kinh văn Phật dạy tiếp: "Lại như người dẫn đưòng
rất tốt, chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi
mà không đi thì không phải lỗi của người dẫn đường".
Lời giáo huấn rất thiết tha và nhân bản, con người là
chủ nhân của chính mình, có thể tạo cho mình đời sống
hạnh phúc hay khổ đau. Ðức Phật không phải là một vị
thần linh hay thượng đế có quyền năng ban phúc hay giáng
họa, hay ban cho mình sự giác ngộ. Tương tự Ðức Phật đã
dạy trong Trung Bộ kinh khi Bà la môn Ganaka Moggallana hỏi:
"Do nhân duyên gì mà trong khi có sẵn Niết bàn, có bậc
đạo sư dẫn dắt mà có người chứng quả có người không
chứng qủa ? ". Ðức Phật lấy ví dụ thành Vương Xá,
có con đường đi đến thành, có người chỉ đường rành
rẽ. Vậy mà có người đi lầm lạc, có người đi đến đích.
Niết bàn cũng vậy, Như Lai chỉ là người chỉ đường đi
đến Niết bàn (K.Ganaka Moggallana, TBK I)
Lời khích lệ của Ðức
Phật đối với đệ tử rất thiết tha rõ ràng và hợp lý.
Giáo pháp đã được dạy cần phải hành trì, đời sống
ngắn ngủi đừng để trôi qua một cách vô ích. Phải tự
mình nỗ lực tiến lên đừng ỷ lại vào ai, ngay cả chính
Ðức Phật, vì Ðức Phật chỉ là người chỉ đường.
II. Minh Ðịnh Giáo
Lý Căn Bản
Từ "Các thầy tỳ
kheo đối với 4 chân lý...không còn hoài nghi gì nữa":
Kinh văn Phật dạy: "Các thầy tỳ kheo đối với 4 chân
lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn
tức khắc, không được giữ sự hoài nghi mà không cầu
giải đáp". Vấn đề nêu ra là Tứ diệu đế, trong
kinh Du Hành (Trường Ahàm) cũng có đoạn tương tự: "này
các tỳ kheo, các ông đối với Phật, Pháp, chúng Tăng và
chánh đạo có gì nghi ngờ nữa không? Ai nghi thì mau hỏi đi
cho kịp thời, để sau này khỏi ăn năn, giờ đây ta vẫn còn
mà giải quyết cho".
Giáo lý tứ diệu đế
được Ðức Phật coi là căn bản nhất, cốt lõi nhất
trong toàn bộ giáo lý đã dạy, vì vậy ngài chú trọng đến
một cách đặc biệt. Giáo lý tứ đế này bao trùm hệ
thống giáo lý Phật giáo, đúng như lời nhận xét của ngài
Xá Lợi Phất: "Chư hiền giả, ví như tất cả đấu chân
của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân
voi, vì dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân
về mặt to lớn. Cũng vậy chư hiền giả, tất cả các
thiện pháp đều tập trung trong Tứù Thánh Ðế" (Tượng
Tích Ðại Dụ kinh). Vì tứ diệu đế là căn bản nên sự
hiểu biết về tứ diệu đế rất quan trọng, liên quan đến
pháp môn tu tập và tiến trình giải thoát. Vì vậy Ðức
Phật lặp lại, nhấn mạnh để xác định tầm quan trọng
của giáo lý tứ đế, mặt khác giải quyết mhững gì còn
hoài nghi, chưa rõ, tạo một niểm tin vững chắc đối với
4 chân lý này. Thượng tọa Chơn Thiện trong "Phật học
khái luận" cũng nhấn mạnh: "Người học phật
phải ý thức sâu xa rằng Tứ Thánh Ðế chẳng những chỉ
là giáo lý nền tảng mà là nền tảng nhất của các giáo
lý nền tảng về mặt tôn chỉ" (PHKL T.206)
Ðức Phật hỏi 3
lần, không ai còn hoài nghi gì nữa, ngài A Nậu Lâu Ðà xác
định 4 chân lý sự thật là chân lý, không thể khác được,
với những ví dụ sinh động: "Mặt trăng có thể làm
cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng 4 chân
lý mà đức Thế Tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi
được". Ðiều đó nói lên sự hoàn hảo về mặt lý
luận cũng như về mặt thực tiễn của 4 chân lý.
Tác dụng và hiệu
quả của 4 chân lý đã đem lại niềm tin cho các đệ tử,
vì vậy không có gì phải hoài nghi về 4 chân lý ấy. Suốt
trong 45 năm hoằng pháp độ sinh giáo lý ấy đã được cọ
xát, thử thách ở nhiều góc độ khác nhau. Chân lý bao
giờ cũng là chân lý.
III. Những Lời Giáo
Huấn Cuối Cùng.
Từ "Chư tăng lúc
bấy giờ... những lời giáo huấn tối hậu của Như
Lai": Những lời giáo huấn cuối cùng của phần này
chia làm 3 phần:
1) Ðối với những đệ
tử hữu học, khi thấy đức Thế Tôn sắp diệt độ thì xúc
động, than thở bi cảm, đức Thế Tôn an ủi rằng:
a- Sự có mặt của
Ðức Phật ở cõi đời này nếu kéo dài thêm nữa cũng
phải đến lúc ra đi: "nếu Như Lai còn ở đời lâu
đến một đại kiếp đi nữa thì sự kết hợp nào rồi
cũng phải tan rã".
b- Những gì cần làm
thì đức Như Lai đã làm xong, sứ mệnh độ sinh đã hoàn
tất, sống thêm ở đời cũng không lợi ích gì nữa:
"Chánh pháp tự lợi, lợi tha đã có đầy đủ. Như
Lai sống cho lâu cũng không còn lợi ích gì nữa".
c- Các đệ tử hãy
nỗ lực tu tập, hành trì dù Ðức Phật của thân xác không
còn nhưng Ðức Phật pháp thân thì vẫn thường trú bất
diệt: "Từ nay về sau đệ tử của Như Lai hãy triển
chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như Lai thường
trú bất diệt".
2) Ðức Phật giáo
huấn về sự vô thường của thế giới và con người:
"Các thầy tỳ kheo phải ý thức toàn bộ cuộc đời là
chuyển biến vô thường , có kết hợp thì có tan rã".
Giáo huấn về sự vô thường của cuộc đời để khích
lệ tinh thần thoát ly, đừng bám víu vào cuộc đời. Nhìn
sự vô thường của cuộc đời, có hai thái độ xảy ra,
một là vì cuộc đời là vô thường nên tận dụng cơ
hội để tu tập không để cho thời gian trôi qua một cách
trống rỗng. Hai là vì cuộc đời là vô thường nên vội vã
hưởng thụ, sống buông thả không có trách nhiệm gì, thái
độ thứ hai này là của hạng phàm phu không biết thánh đạo,
không xu hướng thánh đạo. Ðức Phật dạy cho hạng người
thứ nhất: "Cuộc đời (vô thường) như thế, nên các
thầy phải nỗ lực tinh tấn để sớm cầu tự độ đem ánh
sáng trí tuệ để diệt trừ hắc ám vô minh".
Về sự vô thường
của thân thể, đức Phật dạy: "Như Lai diệt độ thì
cũng như trừ được cơn bệnh khủng khiếp. Ðây là một
vật tội ác và đáng bỏ, giả hiện là thân thể mà lại
chìm ngập trong biển già, bệnh, sống chết" thân thể
là vô thường, nếu không tu tập thì chính nó sinh nhiều
tội lỗi, đối với bậc đã đắc đạo , thân thể vẫn là
một gánh nặng sau cùng, vì sinh lý vật lý vẫn có những
quy luật của nó.
3) Ðức Phật nhấn
mạnh một lần nữa và đây là lời dạy sau cùng về bản
chất của vũ trụ nhân sinh:"Hãy thường nhất tâm, nỗ
lực ân cầu giải thoát. Toàn thể vũ trụ dầu pháp biến
động hay không biến động đều là trạng thái bất an và
tan rã". Ngài tuyên bố đây là giáo huấn tối hậu
của Như Lai. Biến động và không biến động là tất cả
trạng thái động và tĩnh của thế gian, cũng có nghĩa tất
cả pháp hữu vi. Lời dạy cuối cùng này cũng phù hợp
với lời dạy cuối cùng trong kinh trường Ahàm: "Tất
cả vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng
của Ðức Như Lai "(kinh du hành).
Lời cuối cùng thoát lên
một ánh chớp trí tuệ, khái quát bản chất đích thực
của đời sống, cũng như ánh chớp loé lên của lưỡi
kiếm trí tuệ chặt đứt mọi chấp thủ, mọi bám víu,
mọi ảo tưởng về cuộc đời ./.
Phụ Lục
(Phần Dịch Nghĩa)
Kinh Giáo
Huấn Vắn Tắt Của Phật Lúc Sắp Niết Bàn
(cũng gọi là Kinh Giáo Huấn Ðể Lại Của Phật)
-oOo-
Ðức Phật Thích Ca Mâu
Ni, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên hoá độ
tôn giả Kiều Trần Như, thuyết pháp lần cuối cùng hoá độ
tôn giả Tu Bạt Ðà La. Những người có thể hoá độ, Ngài
đã hoá độ tất cả. Hôm nay, trong rừng Sa la, giữa cây
song thọ, Ngài sắp Niết Bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm,
hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, Ngài đã vì các
đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh
pháp.
Các thầy Tỷ kheo, sau
khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính
tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà
được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao
cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác
gì tịnh giới vậy.
Giữ tịnh giới thì các
thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà,
nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh
doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố
lửa. Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai.
Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn,
đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp
với các thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng
thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch, không được
tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật,
thuốc tiên, giao hảo huyền quí, và thân thiết với họ,
rồi hèn hạ, ngạo mạn, tất cả đều không được làm.
Phaỉ tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ. Không được che
dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng. Ðối
với bốn sự hiến cúng thì phải biết tự lượng và
biết vừa đủ. Hễ được hiến cúng thì không nên tích
trữ.
Ðó là Như Lai nói tóm
tắt về sự giữ giới. Giới thì chánh thuận với căn
bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba la đề
mộc xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và trí tuệ có
năng lực huỷ diệt thống khổ.
Thế nên, các thầy
Tỷ kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót.
Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có
tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sanh. Do
đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú
ẩn cho mọi thứ công đức.
Các thầy Tỷ kheo, đã
ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan,
không cho phóng túng vào năm thứ dục lạc.Như kẻ chăn trâu,
cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má
của người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì không những
chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới
hạn nào nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà
không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người
lao xuống hầm hố. Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời,
còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp tai hại rất
nặng, các thầy không thể không cẩn thận. Thế nên người
có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không
cho phóng túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan, thì cũng
không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả.
Các thầy Tỷ kheo, năm
thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại
phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn
cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn
cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như một kẻ tay bưng bát
mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ
không thấy hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không
có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng
nhảy vọt, khó mà ngăn cản ; các thầy phải cấp tốc
tỏa chiết, đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm
tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một
chỗ thì không việc gì không thành. Thế nên,các thầy Tỷ
kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình.
Các thầy Tỷ kheo,
thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống
thuốc, ngon không ham dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ
thể cho khởi đói khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị
mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng
vậy. Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát
thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện
niệm của họ. Hãy bắt chước kẻ khôn ngoan, biết lượng
sức lực con trâu của mình chịu đựng nhiều ít, không dùng
quá sức đến nỗi kiệt lực.
Các thầy Tỷ kheo, ban
ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì
giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ,
giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều
ác, sinh trưởng điều thiện. Ðừng vì lý do ngủ nghỉ mà
để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi. Hãy
nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm
cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường
rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể ngủ
nghỉ mà không tự cảnh giác? Phiền não ngủ trong tâm, cũng
như rắn hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy
phải dùng móc sắt giữ giới mà cấp tốc móc kéo nó ra.
Rắn ngủ ra rồi mới nên yên tâm ngủ nghỉ. Không ra mà
ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn. Sự hổ thẹn là
phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc
sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp
của con người. Thế nên các thầy Tỷ kheo, hãy luôn luôn
biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ, dầu chỉ tạm
thời mà thôi, được phép quên mất đức tinh ấy. Mất
hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp,
không hổ thẹn thì không khác gì câm thú.
Các thầy Tỷ kheo,
nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các
thầy cũng phải tự kiềm chế tâm mình, đừng cho giận
dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra
lời tiếng không tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại
đạo nghiệp, hư mất công đức. Ðức tính của Nhẫn,
giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức
Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức
mạnh. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ
một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không
thể được ca tụng là người nhập đạo có trí. Tại sao,
vì giận dữ thì phá hủy hết thảy thiện pháp và danh
tiếng đáng quí, hiện tại vị lai không ai muốn nhìn. Sự
giận dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt, vì thế mà các thầy
phải đề phòng một cách thường trực, đừng cho xâm
nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không chi hơn giận
dữ. Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành
đạo, không có phương pháp để khống chế, thế nên giận
dữ thì còn thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành
đạo là kẻ loại bỏ dục vọng, vậy mà giận dữ thì
thật là bất đáng ; không khác gì giữa bầu trời mây
trong mà sấm sét loé lửa là điều không thích hợp.
Các thầy Tỷ kheo, hãy
tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp,
mình mặt áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất
thực để sống ; tự thấy như vậy mà kêu ngạo còn nổi
lên, thì phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm kêu ngạo là
điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người
xuất gia nhập đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình
xuống mà đi khất thực?
Các thầy Tỷ kheo, tâm
lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các
thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh
quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không
thể như vậy. Vì thề các thầy cần phải ngay thẳng tâm mình,
lấy đức tính chất trực làm căn bản.
Các thầy Tỷ kheo,
phải biết kẻ ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi
nên khổ não cũng nhiều. Còn ít ham muốn thì không cầu
hồ, không dục vọng, nên không có cái hoạ đó. Chỉ có như
thế mà thôi, sự ít ham muốn cũng đã thực tập, huống
chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức. Người ít ham
muốn thì không dua nịnh quanh co để cầu được lòng người,
cũng không bị các giác quan lôi kéo. Thực hành đức tính
ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh
ngộ nào cũng thừa thãi, không bao giờ có cảm giác thiếu
thốn. Có ít ham muốn là có Niết Bàn. Ðó là hạnh ít ham
muốn.
Các thầy Tỷ kheo,
muốn giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự
biết vừa đủ. Chính sự biết vừa đủ, là giàu sang, vui
thú và yên ổn. Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng
thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đàng cũng
vẫn bất mãn. Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo,
biết vừa đủ thì nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì
luôn luôn bị năm thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người
biết vừa đủ phải xót thương. Ðó là hạnh biết vừa đủ.
Các thầy Tỷ kheo,
muốn cầu yên tĩnh, vô vi và an lạc, thì các thầy hãy thoát
ly mọi sự ồn ào và bối rối, ở đơn độc và ở một cách
thư thái. Người ở yên tĩnh thì chúa trời Ðế thích và
chư thiên đều tôn kính. Vì thế mà các thầy hãy thoát ly
đồ chúng của mình, và đồ chúng của người, ở đơn độc,
thư thái và thanh vắng, dùng "tư duy tu" mà cắt đứt
gốc rễ đau khổ. Nếu thích đồ chúng thì sẽ bị đồ chúng
quấy phá, như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập
hợp lại thì vẫn bị cái hoạ khô gãy. Thế gian ràng
buộc mà chìm ngập thống khổ, thì cũng không khác gì voi
già mà sa xuống bùn lầy, hết mong thoát khỏi. Ðó là
hạnh siêu thoát.
Các thầy Tỷ kheo, nỗ
lực tinh tiến thì không có việc gì khó khăn. Thế nên
cấc thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tiến. Nước
nhỏ mà chảy mãi thì có thể xuyên thủng cả đá. Nếu người
hành đạo mà hay biếng nhác phế bỏ, thì cũng như kéo
lửa chưa nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng
khó mà có được. Ðó là hạnh tinh tiến.
Các thầy Tỷ kheo,
cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ
trợ, đều không bằng không quên chánh niệm. Không quên chánh
niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí. Thế
nên các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm
trí. Mất chánh niệm thì mất công đức. Nếu chánh niệm có
sức lực vững mạnh thì dầu phải vào trong đám giặc ngũ
dục, cũng không bị chúng sát hại, tựa như tướng sĩ lâm
trận mà mặt áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hải gì
nữa. Ðó là hạnh không quên chánh niệm.
Các thầy Tỷ kheo,
tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm
ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái
chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn
luôn tinh tiến, nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định
được thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp
đê sửa bờ cho khéo, hành giả cũng vậy, hãy vì nước trí
tuệ mà thực tập thiền định để giữ cho nó khỏi chảy
mất. Ðó là hạnh thiền định.
Các thầy Tỷ kheo, có
trí tuệ thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự
dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là
trong chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực
hiện giải thoát. Không như thế thì đã không phải xuất
gia, lại không phải thế tục, không còn biết còn gọi là
gì. Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt
biển sinh lão bệnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với
ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bệnh tật, là búa
sắc chặt cây phiền não. Vì thế mà các thầy hãy dùng cái
tuệ văn tư tu chứng để tự tăng tiến ích lợi. Có trí
tuệ soi chiếu, thì dẫu mắt thịt, cũng vẫn là kẻ thấy
rõ nhất. Ðó là hạnh trí tuệ.
Các thầy Tỷ kheo,
nếu hý luận đủ thứ thì tâm rối loạn. Như vậy, tuy đã
xuất gia mà chưa được siêu thoát. Thế nên, các thầy Tỷ
kheo, hãy từ bỏ tức khắc sự hý luận rối loạn tâm trí.
Các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có
cách cấp tốc diệt trừ cái hoạ hý luận. Ðó là hạnh không
hý luận.
Các thầy Tỷ kheo, đối
với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất
tâm tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc thù. Thể
hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói chánh pháp ích lợi một
cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành.
Hoặc trong rừng núi, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại
thọ, các thầy hãy ở một cách thư thái, trong tịnh thất
nhỏ, nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng
để quên mất. Hãy tự cố gắng một cách thường trực,
tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình sẽ chết đi
một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận. Như
Lai như vị lương y, biết bệnh mà chỉ thuốc, còn uống
hay không, không phải lỗi của lương y. Lại như người
dẫn đường rất tốt, chỉ dẫn đường tốt cho người,
nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người
dẫn đường.
Các thầy Tỷ kheo, đối
với bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có
thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi mà
không cầu giải đáp. Thế tôn nói lên ba lần như vậy, nhưng
không ai chất vấn. Vì lẻ chư Tăng không có ai còn hoài
nghi gì nữa. Bấy giờ đức tôn giả A Nâu Lâu Ðà quán sát
tâm trí chư Tăng, rồi thưa với Ngài, bạch đức Thế Tôn,
mặt trăng có thể làm cho nó nóng lên, mặt trời có thể làm
cho lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà đức Thế Tôn đã dạy
thì không thể cho khác đi được. Ngài dạy khổ thì thật
là khổ, không thể làm cho vui lên ; tập là nguyên nhân
của khổ, thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa ;
diệt là khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân
diệt thì kết quả cũng diệt ; đạo là phương pháp diệt
khổ nên thật là đạo, không có đạo nào khác hơn. Bạch
đức Thế tôn, đối với bốn chân lý, các vị Tỷ kheo đây
đã quyết định, không còn hoài nghi gì nữa.
Chư Tăng lúc ấy,
những người tu học chưa hoàn tất, thì thấy Phật diệt
độ hãy còn bi cảm. Những người mới vào chánh pháp, nghe
Phật liền được hoá độ, như trong đêm tối mà mà điện
chớp sáng là thấy ngay đường đi. Còn những người tu
tập đã hoàn tất, đã vượt qua biển khổ, thì chỉ nghĩ
rằng, Thế Tôn diệt độ sao mà mau chóng như vậy.
Do đó tôn giả A Nâu Lâu
Ðà tuy đã bạch Phật, rằng chư Tăng ai cũng thấu triệt
bốn chân lý, nhưng đức Thế Tôn muốn làm cho tất cả đều
được kiên định, nên vẫn đem tâm đại bi mà huấn dụ
thêm nữa. Các thầy Tỷ kheo, không nên buồn rầu. Nếu Như
Lai ở đời lâu đến một đại kiếp đi nữa, thì sự
kết hợp nào rồi cũng phải tan rã. Kết hợp mà không tan
rã là điều không thể có được. Chánh pháp tự lợi lợi
tha đã có đầy đủ.Như Lai sống cho lâu cũng không còn ích
lợi gì nữa. Ai có khả năng tiếp nhận hoá độ, thì ở
trên chư thiên hay ở trong nhân loại, Như Lai đã hoá độ
tất cả. Ai chưa thể tiếp nhận hoá độ, thì Như Lai cũng
đã tạo yếu tố hoá độ cho họ. Từ nay về sau, đệ tử
của Như Lai hãy triển chuyển thực hành. Như thế là pháp
thân của Như Lai thường trú bất diệt.
Thế nên, các thầy
Tỷ kheo, phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến
vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì
cả. Ngược lại, cuộc đời như thế thì các thầy phải
nỗ lực tinh tiến để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí
tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh,
không một thứ chi bền bỉ. Như Lai được diệt độ thì cũng
như trừ được cơn bệnh khủng khiếp. Ðây là vật tội
ác và đáng bỏ, giả hiệu là thân thể mà lại chìm ngập
trong biển cả già bệnh sống chết, như thế người có trí
tuệ ai lại không hoan hỷ khi trừ bỏ được thân này như
trừ bỏ kẻ thù?
Các thầy Tỷ kheo, hãy
thường nhất tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát.
Toàn thể vũ trụ, dầu pháp biến động hay pháp bất động,
đều là trạng thái bất an và tan rã. Thôi, các thầy hãy yên
lặng, không nên nói nữa. Thì giờ sắp hết, Như Lai muốn
diệt độ. Trên đây là những lời giáo huấn tối hậu
của Như Lai.
NHỮNG
LỜI DẠY THẮM THIẾT CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT
(Kinh Di Giáo)
Thích Nữ Trí-Nguyệt dịch từ Hán văn
Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni lần đầu tiên giảng pháp cho nhóm năm tu sĩ đồng tu
với Kiều Trần Như, lần cuối cùng Ngài giảng pháp cho Tu Bạt Đà La. Tóm
lại, những người đáng được độ Ngài đã độ tất cả. Một bữa nọ, trong rừng
caTa La, vào lúc giữa đêm không một tiếng động, trước giờ phút vào Niết
bàn rốt ráo, đức Phật vì đại chúng tỳ kheo tóm tắt những pháp và luật
quan trọng mà Ngài đã thuyết giảng trong suốt 45 năm.
Này các tỳ kheo! Sau khi
Như Lai diệt độ, quý thầy nên quý trọng giới luật như người đi đêm quý
trọng ngọn đuốc sáng và như người nghèo gặp được một tài sản lớn. Các vị
nên biết rằng giới luật đó là bậc thầy sáng suốt của quý vị, cho dù Như
Lai có còn sống nữa cũng không khác gì giới luật đó. Quý trọng giới luật
là:
- Không nên kinh doanh thương mãi, mua
ruộng cất nhà, thuê mướn tôi tớ, chăn nuôi súc vật, trao đổi hàng hóa,
tích lũy của báu.
- Không nên đốn chặt cây cỏ, đào xới
đất đai, điều chế thuốc thang, coi tướng đoán mộng, cúng sao giải hạn,
nghiên cứu tinh tượng, tìm tòi hưng suy, coi ngày bói quẻ.
- Không được tham gia việc đời, gián
điệp thông tin, luyện bùa chế thuốc, kết thân nhà giàu, gần kẻ hung
tàn.
- Không được che dấu lỗi lầm, bày trò
lường gạt, chứa đồ quốc cấm.
- Phải xa lìa những pháp ấy như tránh
hầm lửa lớn.
- Phải biết giữ gìn thân tâm, ăn uống
đúng lúc, sống đời trong sạch, cuộc sống tri túc.
- Phải tự kiềm chế dục vọng để mong cầu giải thoát.
Này các tỳ kheo! Đây là tóm
lược những giới luật cần thiết, vì đó là cửa ngỏ chính để giải thoát,
cho nên giữ gìn giới này có thể sanh các thứ thiền định và trí tuệ diệt
khổ. Các thầy nên quyết tâm vâng giữ giới luật này, đừng nên yếu kém mà
vi phạm. Vị nào có nghị lực giữ gìn giới luật này trọn vẹn thì vị ấy có
vô lượng pháp lành an lạc. Vị nào quá yếu kém để vi phạm vào giới luật
đó thì vị ấy mất hết mọi pháp lành và trọn đời không được an lạc. Do đó
Như Lai gọi giới luật này là phương pháp để giải thoát và là nơi dung
chứa mọi công đức an ổn.
Lại nữa, này các tỳ kheo!
Nếu các vị đã có thể giữ gìn giới luật này rồi thì các vị nên kiểm soát
năm giác quan của mình, chớ buông lung đắm nhiễm vào năm dục lạc. Người
nào biết kiểm soát năm giác quan của mình cũng giống như mục đồng kiểm
soát trâu của mình, không để ph?m vào lúa mạ của kẻ khác. Nếu ai không
đủ nghị lực kiểm soát năm giác quan mình, không những càng ngày càng đắm
sâu trong năm dục, mà còn do đó tạo ra rất nhiều tội lỗi nữa. Kẻ đó
giống như con ngựa chứng, không có dây cương chế ngự nó, thì nó sẽ hất
tung người cỡi xuống hố thẳm. Các vị nên biết giặc giã cướp bóc chỉ gây
tai hại một kiếp, còn buông lỏng năm giác quan vào năm thứ dục lạc thì
gây tai họa cho nghìn đời. Cho nên quý vị nên cẩn thận với năm giác quan
của mình. Người có trí tuệ kiểm soát được năm giác quan của mình, không
đam mê năm dục lạc, không cho buông lung, do đó dần dần chế ngự được tâm
mình.
Tâm là chủ tể của năm giác
quan. Nếu không chế ngự được tâm, thì tâm ấy đáng sợ hơn rắn độc, cọp
dữ. Muốn chế ngự tâm thì phải kiểm soát năm giác quan, và ngược lại,
muốn kiểm soát năm giác quan thì phải theo dõi tâm. Ví như người bưng
bát nước đầy đi đường xa, phải vừa nhìn bát nước vừa để ý con đường
trước mặt thì mới có thể an toàn và không mất đi một giọt nước nào. Nếu
để tâm mình buông lung, thì chẳng khác gì voi điên không có móc sắc, khỉ
vượn gặp được rừng cây, mặc sức đập phá, nhảy nhót. Buông thả tâm này
thì mọi công đức lành mất hết. Chế ngự được tâm thì công đức lành nào
cũng đạt được, quả vị nào cũng có thể chứng đắc. Vì vậy các thầy nên cố
gắng chế ngự tâm mình.
Này các tỳ kheo! Khi thọ
dụng thức ăn, các vị nên đặt mình trong tình huống đang mang bệnh và
thức ăn là một liều thuốc trị bệnh đói gầy, cho nên các vị không nên
phát khởi ý tưởng khen chê ngon hay dở, vì liều thuốc đó đang trị bệnh
đói khát. Như ong lấy mật hoa, chỉ hút mật hoa mà không tổn hại đến
hương và sắc của hoa. Cũng vậy, khi các thầy thọ dụng đồ cúng dường
không nên có nhu cầu quá nhiều, vì làm như thế gây thương tổn lòng thành
tín của tín đồ. Như người có trí tự biết lường được sức trọng tải của xe
mà chất đồ để khỏi xe hư giữa đường.
Này các tỳ kheo! Ngày đêm
phải cố gắng chuyên tâm tu tập, không nên để thời gian luống qua một
cách vô ích. Đầu hôm và gần sáng phải tụng kinh thiền quán, giữa đêm
cũng nên duy trì chánh niệm để tự đoạn trừ tội lỗi, không nên vì ham mê
ngủ nghỉ mà để một đời trôi qua không được một chút ích lợi gì. Các vị
nên luôn tâm niệm rằng mọi sự sống và con người đang bị cái hiện tượng
già suy, cái tàn phai héo úa đe dọa và bào mòn từng giây từng phút không
ngừng, cho nên các vị phải mau chóng tự tìm cho mình một phương pháp tu
tập để giải thoát, không nên lãng quên tai họa trước mắt mà chìm sâu
trong ngủ nghỉ. Làm sao các vị có thể yên tâm ngủ nghỉ được khi xung
quanh mình toàn là những oán thù, giặc giã, oan gia, lửa dữ của phiền
não nghiệp chướng? Tâm các vị chưa được chế ngự mà ham mê ngủ nghỉ thì
chẳng khác nào ôm chất nổ đi vào lửa. Phiền não còn trong tâm các vị
giống như rắn độc đang ở trong nhà, phải dùng giới luật để đoạn trừ
phiền não như dùng gậy đuổi rắn độc ra, lúc ấy mới thật an ổn mà ngủ
nghỉ, nếu không dứt phiền não mà đắm chìm trong ngủ nghỉ thì là người
không biết hổ thẹn. Hổ thẹn có thể ngăn ngừa các pháp ác, cho nên các vị
nên luôn biết hổ thẹn, không được tạm bỏ. Tỳ kheo biết hổ thẹn giống như
phụ nữ có trang điểm và đeo nữ trang. Nếu ai xa lìa hổ thẹn thì người đó
mất hết mọi công đức. Người biết hổ thẹn thì có các pháp lành. Ai sống
không biết hổ thẹn thì chẳng khác gì cầm thú hoang dã.
Này các tỳ kheo! Công đức
của Nhẫn nhục, Trì giới và Khổ hạnh không gì có thể sánh kịp. Giả sử có
kẻ bất lương đánh đập, đâm chém các vị, các vị nên bình tĩnh nhu hòa,
không những không nên khởi lên sân hận, mà còn phải chế ngự lời nói,
không thốt ra những lời xấu xa ác độc với họ. Nếu không chế ngự tâm và
lời nói thì tự mình ngăn lấp tánh sáng suốt và do đó đốt cháy mọi công
đức. Vị nào tu hạnh nhẫn nhục thì vị đó đáng gọi là bậc thiện nam tử có
hùng lực và bi lực trong giáo pháp của Như Lai. Nếu ai không thể chịu
đựng những sự oan ức cay đắng và lời mắng chưởi ác độc một cách vui vẻ
thì chẳng gọi là tỳ kheo/tỳ kheo ni có trí tuệ. Vì khi khởi lên giận dữ
thì mọi công đức lành và tiếng tốt bị lửa sân hận đốt cháy hết, không
những đời này mà còn nhiều đời sau nữa. Các vị phải nên đề phòng, đừng
để giận dữ len lỏi vào tâm. Mọi công đức quý báu tu tập bị mất hết cũng
do tên giặc cướp giận dữ gây ra. Người cư sĩ tại gia không biết ngăn
ngừa giận dữ còn có thể tha thứ; người xuất gia học đạo mà còn ôm lòng
sầu hận thì không thể chấp nhận trong pháp và luật của Như Lai.
Này các tỳ kheo! Các vị tự
vò đầu mình rồi thì sẽ biết. Các vị đã bỏ những đồ trang sức tốt đẹp,
mặc ba tấm y cũ rách, mang bình bát khất thực tự sống mà còn khởi tâm
kiêu mạn khinh người thì cũng không thể chấp nhận, nếu có hãy mau trừ
diệt. Người thế tục còn không nên có lòng kiêu mạn, huống gì người xuất
gia nhập đạo. Vì mong cầu giải thoát, các vị tự hạ mình đi khất thực để
sống, thế mà còn kiêu mạn, tự cao được sao?
Này các tỳ kheo! Các vị nên
giữ tâm ngay thẳng, vì tâm dua nịnh cùng với đạo lý giải thoát trái
nhau. Tâm dua nịnh chỉ là lừa đảo, người nhập đạo không nên dua nịnh.
Các vị nên ngay thẳng, dùng chất trực làm gốc.
Này các tỳ kheo! Người đa
dục vì cầu lợi nhiều nên khổ não nhiều, người thiểu dục không mong cầu,
không ham muốn nên không có khổ não. Hạnh thiểu dục còn phải tu tập
huống gì thiểu dục để sanh các pháp lành? Người thiểu dục thì không dua
nịnh để vừa ý người, cũng không bị các căn dẫn dắt. Người tu hạnh thiểu
dục tâm được thản nhiên, không lo sợ. Người thiểu dục thì có an lạc và
có vô lượng công đức.
Này các tỳ kheo! Nếu các vị
muốn đoạn trừ khổ não thì phải tri túc, vì tri túc là pháp giàu có, an
ổn và vui vẻ. Người có tri túc tuy nằm trên sàn nhà, nền đất cũng thấy
thoải mái; người không tri túc dù ở khách sạn năm sao cũng không vừa ý.
Người tri túc tuy nghèo mà an lạc sung sướng; người không tri túc tuy
giàu mà không an tâm hưởng thụ. Người không tri túc thường bị ham muốn
quậy phá suốt đời, thường làm nô lệ cho mơ ước viễn vông, rất đáng
thương xót.
Này các tỳ kheo! Các vị
muốn cầu quả vị tịch tịnh an lạc thì phải xa lìa chỗ ồn ào náo nhiệt,
riêng ở chỗ vắng vẻ. Người ở nơi vắng vẻ được Đế Thích, chư Thiên kính
trọng. Cho nên phải chọn nơi rảnh rang an trú một mình để diệt khổ. Nếu
thích đông người sẽ bị các sự phiền nhiễu náo loạn. Như cây lớn phải bị
nhiều chim chóc làm tổ, tất có ngày bị cái hại khô cây gãy nhánh. Cũng
vậy, còn dính líu với thế gian tất bị dìm trong các khổ, cũng như voi
yếu sa lầy, không thể tự thoát được.
Này các tỳ kheo! Các vị nên
siêng năng tinh tấn, vì siêng năng tinh tấn thì không có phiền não nào
không đoạn trừ được, không có quả vị không chứng đắc, giống như dòng
nước luôn chảy thì có thể xuyên thủng đá. Ngược lại, nếu tâm của các vị
thường biếng nhác, bỏ bê công phu tu tập chẳng khác nào người kéo lửa,
vừa nóng lại ngưng, dù muốn có lửa cũng khó mà toại nguyện.
Này các tỳ kheo! Tìm bạn
lành, tìm người đồng tu từ bên ngoài để hỗ trợ công phu tu tập không
bằng tự mình không quên chánh niệm. Nếu các vị không quên chánh niệm thì
phiền não không thể nào sanh khởi. Cho nên các vị nên duy trì chánh niệm
tại tâm, nếu mất chánh niệm thì mất tất cả công đức. Một khi các vị duy
trì chánh niệm thật vững chắc thì dù có tiếp xúc với năm thứ dục lạc
cũng không bị đắm nhiễm, giống như chiến sĩ lâm trận với bộ áo giáp kiên
cố thì không bị làn tên mũi đạn làm hại.
Này các tỳ kheo! Một khi đã
duy trì được chánh niệm thì tâm an trú trong thiền định, do đó các vị có
thể thấy biết rõ sự sanh diệt thay đổi của mọi vật trong thế gian. Cho
nên các vị nên siêng năng tu tập thiền định để củng cố tâm mình. Như đắp
đê giữ nước, cũng vậy, các vị nên tu bổ đê thiền định để giữ nước trí
tuệ.
Này các tỳ kheo! Người có
trí tuệ thì không có tham trước, thường tự quán sát không để sanh ra tội
lỗi, thì ở trong giáo pháp của Như Lai có thể đạt được giải thoát. Nếu
chẳng vậy, đã không thể gọi là bậc đại nhân, lại cũng chẳng phải là bạch
y cư sĩ, không biết nên gọi là gì? Người có trí tuệ chân thật ấy là
chiếc thuyền tốt có thể vượt qua biển sanh, già, bệnh, chết, cũng là
ngọn đèn sáng chiếu phá cảnh tối tăm, mờ ám; là liều thuốc hay trị tất
cả các chứng bệnh; là lưỡi búa bén chặt đứt cây nghiệp phiền não. Cho
nên các vị nên dùng huệ Văn, Tư và Tu mà tự làm cho thêm phần lợi ích.
Nếu người có trí tuệ chiếu soi, dù là với cặp mắt thường, cũng là người
thấy được thông suốt.
Này các tỳ kheo! Đối với
các công đức thường phải siêng năng tu tập, bỏ các sự buông lung như
tránh giặc cướp. Những điều lợi ích từ trước tới nay Như Lai đã nói hết,
các vị chỉ nên siêng năng tu tập. Hoặc ở núi cao, đầm vắng, hoặc ở gốc
cây hay trong tịnh thất, các vị đều nên nhớ kỹ giới pháp đã thọ chớ để
quên mất. Các vị nên thường tự cố gắng tu hành, đừng để luống qua, sau
có sự ăn năn. Như Lai giống như bác sĩ biết bệnh cho thuốc. Uống hay
không uống chẳng phải lỗi của bác sĩ; cũng giống như người dẫn đường
giỏi chỉ con đường tốt, nghe mà không đi chẳng phải lỗi tại kẻ chỉ
đường.
Này các tỳ kheo! Đối với
giáo lý Tứ Diệu Đế có chỗ nào nghi ngờ nên mau hỏi, không nên ôm mối
hoài nghi mà không cầu giải quyết. Đức Thế Tôn nói ba lần như vậy, vẫn
không có người nào thưa thỉnh, vì trong đại chúng không có điều gì nghi
ngờ nữa. Lúc ấy ngài A Nâu Lâu Đà quán sát tâm niệm của đại chúng và
bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, mặt trời có thể trở nên lạnh, mặt
trăng có thể trở nên nóng, lời Phật nói về Tứ Diệu Đế không thể nào khác
được. Phật nói về Khổ đế thì chắc chắn là Khổ, không thể vui được. Tập
đế là nhân, thì không thể có nhân khác được. Nhân diệt thì khổ diệt. Đạo
diệt khổ thật là chơn đạo, không có đạo nào khác. Thưa Thế Tôn, các tỳ
kheo trong đây đối với Tứ Diệu Đế quyết định không còn điều gì nghi ngờ
nữa".
Bấy giờ trong đại chúng,
người tu hành chưa trọn, biết Phật sắp vào Niết bàn tối hậu, sanh lòng
thương xót, có người mới vào đạo nghe Phật nói tức thời được giải thoát,
chẳng khác gì nhà tối ngàn năm gặp ánh sáng, có vị tu hành trọn vẹn,
được giải thoát, nhưng lại nghĩ rằng: "Đức Thế Tôn cớ sao vào Niết bàn
tối hậu nhanh chóng thế".
Tuy ngài A Nậu Lâu Đà nói
rằng trong đại chúng thảy đều thông suốt được ý nghĩa Tứ Diệu Đế, nhưng
đức Thế Tôn muốn hết thảy đại chúng đều được lòng tin vững chắc, nên
Ngài khởi đại bi tâm vì đại chúng dạy rằng: "Này các tỳ kheo! Chớ ôm
lòng sầu não, cho dù Như Lai có sống ở đời bao lâu đi nữa, rốt cuộc cũng
phải chia ly. Họp mà không tan là điều không thể có. Những giáo pháp tự
lợi, lợi tha ta đã giảng đầy đủ cả, cho nên ta có trụ ở thế gian thêm
nữa cũng không lợi ích gì. Những người đầy đủ nhân duyên đáng được độ dù
ở cõi người hay cõi trời cũng đã được độ cả, còn những ai chưa đủ nhân
duyên được độ thì ta sẽ tạo nhân duyên cho được độ, từ nay về sau các đệ
tử của ta tiếp tục sự nghiệp ấy. Thế là pháp thân của Như Lai thường
còn, không bao giờ mất.
Thế nên phải biết: Cảnh đời
là vô thường, có họp ắt có tan, chớ sanh lòng sầu khổ, tướng thế gian là
vậy. Tốt hơn hết các vị nên chuyên cần tu tập để sớm cầu giải thoát,
dùng ánh sáng trí tuệ diệt các nghi ám. Cảnh đời hư giả, không gì bền
chắc, ta nay nhập diệt như trừ bệnh dữ. Đây là xác thân phải bỏ, vì là
nhân duyên hội tụ, giả gọi là thân. Chính những yếu tố này khiến chúng
sanh chìm đắm trong biển sanh, già, bệnh, chết. Người nào diệt trừ được
nó như giết được bọn giặc cướp, chẳng vui mừng sao?
Này các tỳ kheo! Các thầy
thường phải nhất tâm siêng cầu đạo giải thoát. Tất cả sự vật trong thế
gian, dù động hay bất động, đều là tướng bại hoại không an. Này các
thầy, thôi! Không nên nói nữa. Thời giờ đã đến, ta sắp nhập Niết bàn. Đó
là những lời dạy khuyên cuối cùng của ta.
(Source: Phật học
Thường thức,
http://www.phathocthuongthuc.com )
THE
DISCOURSE OF THE TEACHING BEQUEATHED BY THE BUDDHA
(just before His Parinibbana)
Translated into Chinese by the Indian Acarya
Kumarajiva sometime prior to the year 956 Buddhist Era [around 344-413 AD].
I. OCCASION
WHEN LORD BUDDHA, Sage of the Sakyas, first
turned the Wheel of the Dhamma, Venerable Annakondanna crossed over (the
ocean of birth and death); while as a result of his last Discourse Venerable
Subhadda crossed over likewise. All those who were
(ready) to cross over, them he (helped) to cross over. When about to attain
Final Nibbana, he was lying between the twin sala
trees in the middle watch of the night. No sound disturbed the calm and silence;
then, for the sake of the disciples (savaka), he
spoke briefly on the essentials of Dhamma:
II. ON THE CULTIVATION OF VIRTUE IN THIS WORLD
1. Exhortation on keeping the Precepts
O bhikkhus, after my Parinibbana you should
reverence and honor the Precepts of the Patimokkha. Treat them as a light which
you have discovered in the dark, or as a poor man would treat a treasure found
by him. You should know that they are your chief
guide and there should be no difference (in your observance of them) from when I
yet remained in the world. If you would
maintain in purity the Precepts, you should not give yourselves over to buying,
selling or barter. You should not covet fields or
buildings, nor accumulate servants, attendants or animals. You should flee from
all sorts of property and wealth as you would
avoid a fire or a pit. You should not cut down grass or trees, neither break new
soil nor plough the earth. Nor may you compound
medicines, practice divination or sorcery according to the position of the
stars, cast horoscopes by the waxing and waning of the
moon, nor reckon days of good fortune. All these are things which are improper
(for a bhikkhu).
Conduct yourselves in purity, eating only at the
proper times and living your lives in purity and solitude. You should not
concern yourselves with worldly affairs, nor yet circulate rumors. You should
not mumble incantations, mix magic potions, nor
bind yourselves in friendship to powerful persons, showing to them and the rich
(special) friend-liness while treating with
contempt those lacking (in worldly wealth, power and so forth). All such things
are not to be done!
You should seek, with a steadfast mind, and with
Right Mindfulness (samma sati), for Enlightenment. Neither conceal your faults
(within), nor work wonders (without), thereby leading (yourself and) other
people astray. As to the four offerings, be content
with them, knowing what is sufficient. Receive them when offered but do not
hoard them. This, briefly, is what is meant by
observing the Precepts. These Precepts are fundamental (to a life based on
Dhamma-Vinaya) and accord exactly with freedom
(mokkha), and so are called the Patimokkha. By relying on them you may attain
all levels of collectedness (samadhi) and likewise
the knowledge of the extinction of dukkha (unsatisfactoriness). It is for this
reason, bhikkhus, that you should always maintain
the Precepts in purity and never break them. If you can keep these Precepts pure
you possess an excellent (method for the
attainment of Enlightenment), but if you do not do so, no merit of any kind will
accrue to you. You ought to know for this reason
that the Precepts are the chief dwelling-place of the merit which results in
both body and mind (citta) being at rest.
2. Exhortation on the control of Mind and Body.
O bhikkus, if you are able already to keep
within the Precepts, you must next control the five senses, not permitting the
entry of
the five sense desires by your unrestraint, just as a cowherd by taking and
showing his stick prevents cows from entering
another's field, ripe for the harvest. In an evil-doer indulging the five
senses, his five desires will not only exceed all bounds but
will become uncontrollable, just as a wild horse unchecked by the bridle must
soon drag the man leading it into a pit. If a man be
robbed, his sorrow does not extend beyond the period of his life but the evil of
that robber (sense-desires) and the depredations
caused by him bring calamities extending over many lives, creating very great
dukkha. You should control yourselves!
Hence, wise men control themselves and do not
indulge their senses but guard them like robbers who must not be allowed
freedom from restraint. If you do allow them freedom from restraint, before long
you will be destroyed by Mara. The mind is the
lord of the five senses and for this reason you should well control the mind.
Indeed, you ought to fear indulgence of the mind's
(desires) more than poisonous snakes, savage beasts, dangerous robbers or fierce
conflagrations. No simile is strong enough to
illustrate (this danger). But think of a man carrying a jar of honey who, as he
goes, heeds only the honey and is unaware of a
deep pit (in his path)! Or think of a mad elephant unrestrained by shackles!
Again, consider a monkey who after climbing into a
tree, cannot, except with difficulty, be controlled! Such as these would be
difficult to check; therefore hasten to control your
desires and do not let them go unrestrained! Indulge the mind (with its desires)
and you lose the benefit of being born a man;
check it completely and there is nothing you will be unable to accomplish. That
is the reason, O bhikkhus, why should strive hard
to subdue your minds.
3. Exhortation on the moderate use of food.
O bhikkhus, in receiving all sorts of food and
drinks, you should regard them as if taking medicine. Whether they be good or
bad,
do not accept or reject according to your likes and dislikes; just use them to
support your bodies, thereby staying hunger and
thirst. As bees while foraging among the flowers extract only the nectar,
without harming their color and scent, just so, O
bhikkhus, should you do (when collecting alms-food). Accept just enough of what
people offer to you for the avoidance of
distress. But do not ask for much and thereby spoil the goodness of their
hearts, just as the wise man, having estimated the
strength of his ox, does not wear out its strength by overloading.
4. Exhortation on sleeping.
O bhikkhus, by day you should practice good
Dhamma and not allow yourselves to waste time. In the early evening and late at
night do not cease to make an effort, while in the middle of the night you
should chant the Suttas to make yourselves better
informed. Do not allow yourselves to pass your lives vainly and fruitlessly on
account of sleep. You should envisage the world
as being consumed by a great fire and quickly determine to save yourselves from
it. Do not (spend much time in) sleep! The
robbers of the three afflictions forever lie in wait to kill men so that (your
danger) is even greater than in a household rent by
hatred. So, fearful, how can you sleep and not arouse yourselves? These
afflictions are a poisonous snake asleep in your own
hearts. They are like a black cobra sleeping in your room. Destroy the snake
quickly with the sharp spear of keeping to Precepts!
Only when that dormant snake has been driven away will you be able to rest
peacefully. If you sleep, not having driven it away,
you are men without shame (hiri). The clothing of shame (hiri) among all
ornaments, is the very best. Shame can also be compared
to an iron goad that can control all human wrong-doing; for which reason, O
bhikkhus, you should always feel ashamed of
unskillful actions (akusalakamma). You should not be without it even for a
moment, for if you are parted from shame, all merits will
be lost to you. He who has fear of blame (ottappa) has that which is good, while
he who has no fear of blame (anottappa) is not
different from the birds and beasts.
5. Exhortation on refraining from anger and ill
will.
O bhikkhus, if there were one who came and
dismembered you joint by joint, you should not hate him but rather include him
in
your heart (of friendliness -- metta). Besides, you should guard your speech and
refrain from reviling him. If you succumb to
thoughts of hatred you block your own (progress in) Dhamma and lose the benefits
of (accumulated) merits. Patience (khanti) is a
virtue which cannot be equaled even by keeping the Precepts and (undertaking)
the Austere Practices. Whosoever is able to
practice patience can be truly called a great and strong man, but he who is
unable to endure abuse as happily as though he were
drinking ambrosia, cannot be called one attained to knowledge of Dhamma. Why is
this? The harm caused by anger and
resentment shatters all your goodness and so (greatly) spoils your good name
that neither present nor future generations of men
will wish to hear it. You should know that angry thoughts are more terrible than
a great fire, so continually guard yourselves
against them and do not let them gain entrance. Among the three robbers (the
afflictions), none steals merit more than anger and
resentment: Those householders dressed in white who have desires and practice
little Dhamma, in them, having no way to
control themselves, anger may still be excusable; but among those become
homeless (pabbajjita) because they wish to practice
Dhamma and to abandon desire, the harboring of anger and resentment is scarcely
to be expected, just as one does not look for
thunder or lightning from a translucent, filmy cloud.
6. Exhortation on refraining from arrogance and
contempt.
O bhikkhus, rubbing your heads you should deeply
consider yourselves in this way: 'It is good that I have discarded personal
adornment. I wear the russet robe of patches and carry a bowl with which to
sustain life.' When thoughts of arrogance or
contempt arise, you must quickly destroy them by regarding yourselves in this
way. The growth of arrogance and contempt is
not proper among those wearing white and living the household life: how much
less so for you, gone forth to homelessness! You
should subdue your bodies, collecting food (in your bowls) for the sake of
Dhamma-practice to realize Enlightenment.
7. Exhortation on flattery.
O bhikkhus, a mind inclined to flattery is
incompatible with Dhamma, therefore it is right to examine and correct such a
mind. You
should know that flattery is nothing but deception, so that those who have
entered the way of Dhamma-practice have no use for
it. For this reason, be certain to examine and correct the errors of the mind,
for to do so is fundamental.
III. ON THE ADVANTAGES FOR GREAT MEN GONE
FORTH TO HOMELESSNESS.
1. The virtue of few wishes.
O bhikkhus, you should know that those having
many desires, by reason of their desire for selfish profit, experience much
dukkha. Those with few desires, neither desiring nor seeking anything, do not
therefore experience such dukkha. Straight-away
lessen your desires! Further, in order to obtain all kinds of merit you should
practice the fewness of desires. Those who desire
little do not indulge in flattery so as to away another's mind, nor are they led
by their desires. Those who practice the diminishing
of desires thus achieve a mind of contentment having no cause for either grief
or fear and, finding the things they receive are
sufficient, never suffer from want. From this cause indeed, (comes) Nibbana.
Such is the meaning of 'having few wishes.'
2. The virtue of contentment.
O bhikkhus, if you wish to escape from all kinds
of dukkha, you must see that you are contented. The virtue of contentment is
the basis of abundance, happiness, peace and seclusion. Those who are contented
are happy even though they have to sleep on
the ground. Those who are not contented would not be so though they lived in
celestial mansions. Such people feel poor even
though they are rich, while those who are contented are rich even in poverty.
The former are constantly led by their five desires
and are greatly pitied by the contented Such is the meaning of 'contentment'.
3. The virtue of seclusion.
O bhikkhus, seek the joy of quietness and
passivity. Avoid confusion and noise and dwell alone in secluded places. Those
who
dwell in solitude are worshipped with reverence by Sakka and all celestials.
This is why you should leave your own and other
clans to live alone in quiet places, reflecting (to devdop insight) upon dukkha,
its arising and its cessation. Those who rejoice in
the pleasures of company must bear as well the pains of company, as when many
birds flock to a great tree it may wither and
collapse. Attachment to worldly things immerses one in the dukkha experienced by
all men, like an old elephant bogged down in
a swamp from which he cannot extricate himself. Such is the meaning of
'secluding oneself.'
4. The virtue of energetic striving.
O bhikkhus, if you strive diligently, nothing
will be difficult for you. As a little water constantly trickling can bore a
hole through
a rock, so must you always strive energetically. If the mind of a disciple
(savaka) becomes idle and inattentive, he will resemble
one who tries to make fire by friction but rests before the heat is sufficient.
However much he desires fire, he cannot (make even a
spark). Such is the meaning of 'energetic striving'.
5. The virtue of attentiveness.
O bhikkhus, seek for a Noble Friend
(kalyanamitta). Seek him who will best (be able to) aid you (in developing) the
unexcelled and
unbroken attention. If you are attentive, none of the (three) robbers, the
afflictions, can enter your mind. That is why you must
keep your mind in a state of constant attention, for by loss of attention you
lose all merits. If your power of attention is very
great, though you fall among (conditions favoring) the five robbers of
sense-desire, you will not be harmed by them, just as a
warrior entering a battle well covered by armor has nothing to fear. Such is the
meaning of 'unbroken attention.'
6. The virtue of collectedness (samadhi).
O bhikkhus, if you guard your mind, so guarded
the mind will remain in a state of steady collectedness. If your minds are in a
state of collectedness, you will be able to understand the arising and passing
away of the impermanent world. For this reason
you should strive constantly to practice the various stages of absorption
(jhana). When one of these states of collectedness is
reached, the mind no longer wanders. A disciple who practices (to attain
collectedness) is just like an irrigator who properly
regulates his dykes. As he guards water, even a small amount, so should you
guard the water of wisdom, thereby preventing it
from leaking away. Such is the meaning of 'collectedness'.
7. The virtue of wisdom. (PRAJNA)
O bhikkhus, if you have wisdom, then do not
hunger to make a display of it. Ever look within yourselves so that you do not
fall
into any fault. In this way you will be able to attain freedom from (the tangle
of) the interior and exterior (spheres of senses and
sense-objects--ayatana). If you do not accomplish this you cannot be called
Dhamma practicers, nor yet are you common
persons clad in white, so there will be no name to fit you! Wisdom is a firmly
-bound raft which will ferry you across the ocean of
birth, old age, sickness and death. Again, it is a brilliant light with which to
dispel the black obscurity of ignorance. It is a good
medicine for all who are ill. It is a sharp axe for cutting down the strangling
fig--tree of the afflictions. That is why you should, by
the hearing-, thinking- and development-wisdoms increase your benefits (from
Dhamma). If you have Insight (vipassana)
stemming from (development-wisdom), though your eyes are but fleshly organs you
will be able to see clearly (into your own
citta.) Such is the meaning of 'wisdom'.
8. The virtue of restraint from idle talk.
O bhikkhus, if you indulge in all sorts of idle
discussions then your mind will be full of chaotic thoughts, and though you have
gone forth to homelessness you will be unable to attain Freedom. That is why, O
bhikkhus, you should immediately cease from
chaotic thoughts and idle discussions. If you want to attain the Happiness of
Nibbana, you must eliminate completely the illness
of idle discussion.
IV. SELF EXERTION
O bhikkhus, as regards all kinds of virtue, you
should ever rid yourselves of laxity, as you would flee from a hateful robber.
That
Dhamma which the greatly-compassionate Lord has taught for your benefit is now
concluded, but it is for you to strive diligently
to practice this teaching. Whether you live in the mountains or on the great
plains, whether you sojourn beneath a tree or in your
own secluded dwellings, bear in mind the Dhamma you have received and let none
of it be lost. You should always exert
yourselves in practicing it diligently, lest you die after wasting a whole
lifetime and come to regret it afterwards. I am like a good
doctor who, having diagnosed the complaint, prescribes some medicine; but
whether it is taken or not, does not depend on the
doctor. Again, I am like a good guide who points out the best road; but if,
having heard of it, (the enquirer) does not take it, the
fault is not with the guide.
V. ON CLEARING UP ALL DOUBTS
O bhikkhus, if you have any doubts regarding the
Four Noble Truths: of unsatis-factoriness (dukkha) and the rest, (its arising.
its
cessation and the Practice-path going to its cessation), you should ask about
them at once. Do not harbor such doubts without
seeking to resolve them.
On that occasion the Lord spoke thus three
times, yet there were none who question-ed him. And why was that? Because there
were none in that assembly (of bhikkhus) who harbored any doubts.
Then the venerable Anuruddha, seeing what was in
the minds of those assembled, respectfully addressed the Buddha thus:
'Lord, the moon may grow hot and the sun may become cold, but the Four Noble
Truths proclaimed by the Lord cannot be
otherwise. The Truth of Dukkha taught by the Lord describes real dukkha which
cannot become happiness. The accumulation of
desires truly is the cause of the Arising of Dukkha; there can never be a
different cause. If dukkha is destroyed (the Cessation of
Dukkha), it is because the cause of dukkha has been destroyed, for if the cause
is destroyed the result must also be destroyed.
The Practice path going to the Cessation of Dukkha is the true path, nor can
there be another. Lord, all these bhikkhus are certain
and have no doubts about the Four Noble Truths.
In this assembly, those who have not yet done
what should be done (i. e., attained to Enlightenment), will, on seeing the Lord
attain Final Nibbana, certainly feel sorrowful. (Among them) those who have
newly entered upon the Dhamma-way and who
have heard what the Lord has (just said), they will all reach Enlightenment (in
due course) seeing Dhamma as clearly as a flash of
lightning in the dark of the night. But is there anyone who has done what should
be done (being an Arahant), already having
crossed over the ocean of dukkha who will think thus: "The Lord has
attained Final Nibbana; why was this done so quickly?"
Although the Venerable Anuruddha had thus spoken
these words, and the whole assembly had penetrated the meaning of the
Four Noble Truths, still the Lord wished to strengthen all in that great
assembly. With a mind of infinite compassion he spoke
(again) for their benefit.
"O bhikkhus, do not feel grieved. If I were
to live in the world for a whole aeon (kappa), my association with you would
still come
to an end, since a meeting with no parting is an impossibility. The Dhamma is
now complete for each and every one, so even if I
were to live longer it would be of no benefit at all. Those who were (ready) to
cross over, both among the celestials and men,
have all without exception attained Enlightenment, while those who have not yet
completed their crossing (of the ocean of
Samsara to the Further Shore or Nibbana) have already produced the necessary
causes (to enable them to do so in course of
time).
From now on, all my disciples must continue to
practice (in this way) without ceasing, whereby the body of the Tathagata's
Dhamma will be ever lasting and indestructi-ble. But as to the world, nothing
there is eternal, so that all meeting must be followed
by partings. Hence, do not harbor grief, for such (impermanence) is the nature
of worldly things. But do strive diligently and
quickly seek for Freedom. With the light of Perfect Wisdom destroy the darkness
of ignorance, for in this world is nothing strong
or enduring.
Now that I am about to attain Final Nibbana, it
is like being rid of a terrible sickness. This body is a thing of which we are
indeed
well rid, an evil thing falsely going by the name of self and sunk in the ocean
of birth, disease, old age and death. Can a wise man
do aught but rejoice when he is able to rid himself of it, as others might (be
glad) when slaying a hateful robber?
O bhikkhus, you should always exert the mind,
seeking the Way out (of the Wandering-on, or samsara). All forms in the world,
without exception, whether moving or non-moving, are subject to decay and
followed by destruction. All of you should stop. It
is needless to speak again. Time is passing away. I wish to cross over to
Freedom (from existence in this world). These are my
very last instructions."
* Print version published by The Buddhist
Association of the United States (BAUS)