Pháp số
Tứ niệm xứ, tứ chánh cần
13/08/2011 06:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kinh hành niệm Phật trong mùa An cư

Trên bước đường tu hành, chúng ta phải   thấy nhứt quán về giáo   pháp, nghĩa là có một sự nối kết xuyên suốt từ giáo lý Nguyên thủy cho đến các kinh điển Đại thừa. Không nên nhìn cục bộ và nghĩ rằng mình tu theo Nguyên thủy, hay theo Đại thừa một cách tách biệt. Và nếu theo pháp tu của Đại thừa lại còn chia ra pháp môn Tịnh độ, Thiền, hay Mật tông, cho đến phân chia thành 20 tông phái khác nhau, mỗi tông phái lại có lập trường tu khác nhau nữa. Nghĩ như vậy sẽ dẫn đến việc chống phá lẫn nhau, là sai lầm nghiêm trọng làm cho Phật giáo bị băng hoại.

Phải ý thức rằng dù tu bất cứ pháp môn nào cũng là pháp của Phật dạy và tất cả mọi người sống theo pháp Phật đều là đệ tử của Phật và đều có một mục tiêu duy nhất là thành Phật, người thành Phật trước, người thành Phật sau mà thôi. Vì vậy, tuy có nhiều đường đi khác nhau, nhưng cuối cùng mọi người đều gặp nhau ở một điểm, mà kinh Pháp Hoa gọi là “Đồng quy giáo”, nghĩa là giáo lý Phật đều đồng quy về nhứt Phật thừa.

Trên bước đường tu, sở dĩ chúng ta có nhiều lộ trình khác nhau, vì mỗi người có một nghiệp riêng, tức hoàn cảnh riêng, thì phải sử dụng pháp môn tương ưng với nghiệp của mình, không thể khác. Nghiệp được ví như bệnh và pháp môn tu ví như thuốc để chữa lành bệnh. Vì vậy, còn là chúng sinh tức còn bệnh nghiệp thì phải nương vào pháp môn thích hợp với mình để chữa bệnh, bệnh cảm thì uống thuốc cảm, bệnh lao thì uống thuốc lao, v.v...

 Từ phàm phu đi lên Thánh vị, tiến đến Phật quả, không có con đường nào khác hơn là tu Tứ Thánh đế, dù tu pháp môn nào mà từ bỏ Tứ Thánh đế cũng đều sai lầm. Thật vậy, Đức Phật ứng hiện trong loài người nhằm khai thị cho mọi người, mà khai thị này là Ngài chỉ dạy Tứ Thánh đế. Pháp Tứ Thánh đế được kinh Pháp Hoa ví như có một thế giới mà tất cả mọi người đều bị mù bẩm sinh, tức mù từ khi mới sinh ra. Có một vị Đạo sư thương xót họ, Ngài mới hiện thân vào thế giới mù, chỉ duy nhất có Ngài sáng mắt; còn tất cả chúng sinh bị ngũ uẩn ngăn che, nên không thấy được chân lý và không thấy được nghiệp của họ, nên lúc nào họ cũng bị nghiệp hành hạ.

Vị Đạo sư sáng mắt thương xót người mù, mới lên tận núi tuyết, nhằm chỉ cho Đức Phật phải chịu khổ cực, trải qua sáu năm khổ hạnh, năm năm tìm đạo, để đi tìm cây cỏ thuốc chữa bệnh mù cho chúng sinh.  Và Ngài đắc quả vị Vô thượng Bồ đề, tìm được bốn thứ cỏ thuốc là Tứ Thánh đế và sử dụng bốn thứ cỏ thuốc này để tạo ra những thứ thuốc khác nhau nhằm chữa lành bệnh cho chúng sinh.

Chúng ta là chúng sinh đui mù muốn sáng mắt để thấy Phật, phải tu Tứ Thánh đế, theo tinh thần Pháp Hoa, Tứ Thánh đế này gọi là ẩn mật Pháp Hoa kinh, hay giáo pháp Nguyên thủy. Chúng ta không nên chê đó là tiểu thừa; chỉ có người tiểu thừa là người chấp pháp, còn pháp thì không có tiểu thừa. Ẩn mật Pháp Hoa kinh nghĩa là trong đó hàm chứa Phật thừa, hành giả Pháp Hoa phải nhìn thoáng như vậy, phải thấy Tứ Thánh đế có công năng chữa cho người sáng mắt, tức không còn bị phiền não, nghiệp chướng, trần lao chi phối. Vì vậy, bao giờ mà phiền não, nghiệp chướng và trần lao còn gây khó khăn cho chúng ta, thì pháp Tứ Thánh đế vẫn còn rất cần thiết đối với chúng ta.

Muốn đi thẳng vào Pháp Hoa, vượt qua Tứ Thánh đế, đòi hỏi chúng ta phải đứng trên Bát chánh đạo là đỉnh cao của Tứ Thánh đế. Vì vậy, kiểm chứng lại khi nào chúng ta trụ ở trạng thái Niết bàn của Bát chánh đạo, chúng ta mới có thể đi vào Pháp Hoa; còn chưa đạt được sở đắc này, chúng ta chỉ mới tụng Pháp Hoa trên văn tự mà thôi, chưa thâm nhập thực sự thế giới Pháp Hoa.

Lúc nào chúng ta cũng phải kiểm chứng điều này, đặc biệt là trong mùa An cư, quý vị phải kiểm chứng 37 trợ đạo phẩm là 37 thứ thuốc mà Như Lai chế ra, chúng ta đã sử dụng trọn vẹn để trị hết phiền não, nghiệp chướng, trần lao của mình hay chưa. Riêng tôi, trong mùa An cư, nếu kiểm chứng thấy còn phiền não, nghiệp chướng, trần lao, thì mở tủ thuốc của Như Lai là Tam tạng kinh điển để lấy ra sử dụng.

Mở kho Pháp bảo, chúng ta thấy cái gì trước ? Mở cánh cửa vào đạo, Phật dạy chúng ta Tứ niệm xứ quán. Hãy xem trong bốn pháp quán này (quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã), chúng ta đã thực hiện thuần thục hay chưa, có trụ được pháp Không  chưa. Nếu còn chấp ngã, chấp pháp, chắc chắn chúng ta còn phải sử dụng loại thuốc này. Quán bốn pháp này thuần rồi, nghĩa là chúng ta coi các pháp hữu vi là mộng huyễn, bào ảnh, coi tất cả mọi việc trên cuộc đời này đều hoàn Không. Trước khi Hòa thượng Thiện Hòa viên tịch, tôi đã đọc cho Ngài nghe bài kệ của kinh Kim Cang rằng :

 Nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn,

bào ảnh, như lộ diệc như điển. Ưng tác như thị quán.

Sử dụng pháp quán Tứ niệm xứ để chúng ta vượt được phiền não, nghiệp chướng, trần lao. Và nếu vượt được, thì giả sử ta có thân bệnh, thậm chí là bị bệnh hiểm nguy, ta cũng không có cảm giác đang bệnh; vì ta đã ý thức sâu sắc rằng thân này, bệnh này là các pháp hữu vi mà bài kệ trên đã dạy chúng ta phải quán sát nó như huyễn mộng không có thực, như bọt nước có rồi liền mất, như hạt sương mai mong manh trên ngọn cỏ, như làn điện chớp trên trời, nên chúng ta không bận tâm đến nó.

Nếu nghe nói mình bị bệnh ung thư, tâm liền sợ hãi, buồn khổ, là biết cả quá trình tu hành của mình chưa có gì, tức cánh cửa thứ nhất là pháp Không chưa bước vào được; vì trụ pháp Không thì đối trước việc sống chết, chúng ta phải thấy là bình thường. Còn hạ thấp một bậc nữa, chúng ta phải vượt qua cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Chư Ni trong mùa An cư, đừng nghĩ đến cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Nếu còn nghĩ về tụ điểm an cư này, mà chỗ ở như vầy không ngủ được, ăn uống như vầy không chịu nổi, là còn bị kẹt vật chất quá nhiều, thì dù có tu cùng kiếp cũng sẽ bị đọa. Hoặc càng tu mà nghiệp càng cao, cứ nghĩ mình tuổi hạ lớn mà không cho làm Ni trưởng, tức chết, là rơi vào Tăng thượng mạn. Các cô tu hành không được quan tâm đến ba việc ăn, mặc, ở; nhưng Ni sư Hóa chủ, tức những người có chức vụ trong trường hạ, có phát nguyện lo cho đại chúng thì phải quan tâm để đại chúng tu hành tốt, không phải quan tâm cho riêng mình.

Kinh Pháp Hoa có câu mà tôi rất tâm đắc : “Không thích việc đời, cơm ăn, chỗ nghỉ và cũng không bị tam độc làm phiền, tâm họ là Thiền, thân làm giống Phật, nói pháp chân thật, khai thị nhứt thừa …” Nghĩa là lúc nào tâm chúng ta cũng lắng yên, không bị cơm ăn, áo mặc, chỗ nghỉ chi phối. Thực tu phải luyện tập cho được như vậy. Thuở nhỏ tôi xuất thân từ giai cấp nghèo, nên thấy việc ăn uống là quan trọng. Vào chùa mà cứ nghĩ đến thức ăn sẽ đọa ngạ quỷ; dù có khoác áo Sa môn nhưng đó là Ma Sa môn; vì Sa môn thật thì tâm đứng yên, gọi là Thiền. Phải luyện tập cho tâm đứng yên, không cho khởi bất cứ niệm gì, không để tâm buồn giận, lo sợ, ham muốn, đòi hỏi sinh ra.

Luyện tập tâm đứng yên, thì tới giờ ăn mà không có gì ăn, chúng ta kiểm xem tâm mình có đau khổ, buồn phiền, ham muốn hay không. Nếu còn những khởi niệm này là biết tâm mình không yên. Nếu có trai Tăng, thức ăn nhiều, chúng ta có khởi tâm vui mừng, thích ăn hay không. Theo kinh nghiệm riêng tôi, thuở nhỏ hễ thấy thức ăn ngon, mà khởi tâm tham ăn, muốn ăn nhiều, tôi tự phạt mình bằng cách không ăn và cắt bỏ được tâm này vài lần sẽ trở thành quen, thì có thức ăn ngon hay không, tâm mình vẫn bình thản. Quyết tâm tu như vậy, vào đạo được.

Đức Phật dạy rằng công đức người tu sinh ra thì cái gì rớt trên lưỡi cũng thành cam lồ; cho nên cao lương mỹ vị hay cơm trắng cũng giống nhau, không khác đối với Sa môn trụ định. Còn đối với người nghiệp chướng thì luôn bị nghiệp ăn phân biệt ngon dở  hành hạ tâm họ. Tôi nhắc thầy tri khố chùa Ấn Quang rằng nếu cố nấu thức ăn ngon cho đại chúng, sử dụng nhiều bột ngọt là hại họ; vì đã tạo cho họ nghiệp quen ăn bột ngọt, đến khi không nêm bột ngọt, họ nuốt thức ăn không vô. Tu hành, chúng ta đừng để nghiệp sinh ra, phải cắt lần nghiệp cho đến hết nghiệp, thì phiền não sẽ chấm dứt.

Nghiệp là sự đòi hỏi của thân và của tâm; vì vậy, nghiệp hết thì sẽ không còn đòi hỏi nào nữa. Nghiệp còn thì ăn chay sinh bệnh. Nghiệp hết, những phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, gọi là mười triền cái không còn ràng buộc chúng ta; nhưng còn 20 tùy phiền não, vào hạ, chúng ta coi cái nào trong lòng khởi lên, thì cái đó là nghiệp. Phật dạy rằng phiền não khởi ở đâu thì diệt ở đó, nếu phiền não khởi trên tâm, chúng ta diệt trên tâm, phiền não khởi trên thân, chúng ta diệt trên thân. Xóa được phiền não, chúng ta mới thành Sa môn; còn giữ phiền não mà tu thì chỉ là Sa môn hình thức, còn tâm là ác ma. Ma mặc áo Sa môn nghĩa là Sa môn còn tham, sân, phiền não. Có việc mà khởi lên bực tức, tự biết mình là ma Sa môn, phải ngăn chặn ngay nghiệp ác này. Là Sa môn thì không thể giữ tham giận trong lòng. Muốn thành Phật, phải kiên quyết thực hiện điều này.

 Muốn đoạn trừ nghiệp, phiền não và trần lao thì phải luôn tập trung trong tâm trí mình về vô thường, khổ, không, vô ngã. Phải luôn nhớ rằng tất cả mọi việc thế gian là vô thường, tâm của mọi người cũng vô thường, nên người ta hứa điều gì hôm nay, nhưng ngày mai họ lại đổi ý; biết như vậy chúng ta thấy điều đó là bình thường, nên không chờ đợi họ và cũng không bực tức họ. Và nếu quán sát sâu hơn sẽ thấy ý định của người ta vô thường, thay đổi, tại vì nghiệp của mình; còn nếu mình có phước báo thì chẳng những họ làm đúng như lời hứa với mình, mà còn phát tâm làm nhiều hơn nữa.

Xưa kia có một mùa hạ, Đức Phật không có thức ăn. Ngài kể rằng đó là túc nghiệp, vì đời trước Ngài tu hạnh Bồ tát có hứa cúng dường cho vị Sa môn; nhưng khi thấy vị đó tu hành không nghiêm túc, Ngài mới tức giận, nghĩ rằng sẽ không cúng cơm trắng, mà phải lấy lúa ngựa cúng cho vị này. Chỉ khởi ý niệm cúng dường lúa ngựa mà còn bị trả quả báo là mùa An cư, 500 Tỳ kheo và Ngài phải ăn lúa ngựa trong ba tháng.

Vì vậy, chúng ta luôn quán sát để tận diệt những ý niệm khởi lên trong lòng, để tâm đứng yên, tức trụ pháp Không. Cánh cửa vào đạo là Không, nên không thể mang hành lý nào qua được. Chúng ta buông bỏ tất cả vật chất và tất cả tâm niệm, thì qua được Không môn, Thiền môn. Nếu không qua cửa Không này, dù tu bao nhiêu kiếp, có thể có chút phước báo nhưng hưởng hết, rồi cũng bị đọa.

Qua cánh cửa này, đầu tiên là tu quán Tứ niệm xứ, luôn nhớ chữ Không. Theo kinh nghiệm riêng tôi, khi khởi bất cứ ý niệm gì cũng đều gặp chướng ngại; nhưng trở về tâm Không thì tất cả mọi việc đều tốt. Còn khởi lên ý niệm ta phải làm cách này, làm cách kia, mọi việc liền bị rối; buông thả ra, an trụ pháp Không, tất cả được giải quyết tốt đẹp.

An trụ pháp Không, Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Vô nhất vật trung vô tận tạng”, nghĩa là trong cái Không đó chứa công đức vô cùng tận mà chúng ta không thể biết được; vì tất cả phước báo luôn đến một cách bất ngờ, khi chúng ta không khởi tâm, không dụng ý. Đừng để nghiệp sinh ra, rồi nghĩ rằng họ phải cúng dường, mà họ không cúng thì chúng ta phiền não.

Trụ Không, thì được bao nhiêu công đức đều hiện ra đầy đủ cho ta, là biết mình đã tu trong giáo pháp Phật. Ở trong pháp Không, nhu cầu của ta không còn, nhưng thặng dư lại có nhiều. Sa môn tu đúng pháp thì vô cầu, tất cả mọi việc trở thành tốt đẹp; nhưng nếu còn tính toán theo thế tục, tai họa sẽ giáng xuống nhiều.

Phải nhớ chúng ta khoác áo Sa môn, bắt buộc phải trụ pháp Không. Ai chưa vào được cửa Không này, đề nghị viết chữ Không lên cái đơn nằm để luôn nhắc nhở mình nỗ lực thực hiện cho được pháp này. Qua được cửa Không, công đức của Phật cho chúng ta rất nhiều, kinh Pháp Hoa gọi là đến được bảo sở có đầy của báu; đừng ở thế giới này mà mong cầu Phật pháp. Nhập đạo là phải nhập vào Không môn.

Dùng thuốc quán Không để trị bệnh phiền não, nghiệp chướng, trần lao; không phải để giết chết mạng sống của mình. Vì Đức Phật dạy chúng ta bỏ phiền não, nghiệp chướng, trần lao, bỏ tâm chấp thủ; đừng hiểu lầm bỏ thân người này rồi tuyệt phần tu hành, biết  bao giờ có lại được thân này. Chúng ta may mắn có thân người, phải cố gắng giữ gìn sinh mạng để lấy đó làm phương tiện tiến tu đến Phật quả. Đức Phật sử dụng đại uẩn là đại dụng, cho nên Ngài lấy pháp giới làm thân; vì Ngài đã sử dụng thân mạng hữu hạn này tu hành để chứng được thân mạng vô cùng. Ý này trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng xưa kia Ngài tu hành đạo Bồ tát cảm thành thọ mạng đến nay còn chưa hết; nghĩa là Ngài từ bỏ tất cả những gì hữu hạn để đạt cái vô cùng, không phải bỏ rồi mất  hết.

Phật bảo chúng ta bỏ thủ uẩn là không chấp thì không khổ, vì chấp, muốn thế này thế kia mà không được, nên khổ đau. Vì vậy, trụ pháp Không để hạn chế nghiệp, phiền não, trần lao không sanh khởi và phát huy Tứ chánh cần. Tu hành không phải để cho ngày tháng trôi qua, không làm được gì là thiếu nợ đàn na thí chủ. Người tu luôn quyết tâm thực hiện tinh ba Phật dạy, tiếc thì giờ trôi qua nhanh, mà mình chưa đắc được pháp gì nên lo lắng ví như lửa đang cháy trên đầu mình. Tôi luôn nhớ còn nhiều việc phải làm để tạo công đức càng nhiều càng tốt, làm hành trang đi nhanh đến Niết bàn; vì sợ già yếu rồi khó tu, bỏ thân này mà tâm chưa chứng đắc pháp nào, chưa biết đường đi, thì rất nguy hiểm.

Vì vậy, thâm nhập thế giới Không rồi, nhưng buông xuôi, không làm gì, thì công đức không sinh ra được; vì chúng ta sẽ trở thành người sống thừa, là con nợ của xã hội, thì đàn na tín chủ cúng dường cho chúng ta không được gì cả; như vậy chúng ta đã mang nợ bốn ơn. Cho nên, người tu sử dụng phương thuốc thứ hai là Tứ chánh cần để chống lại bệnh lười biếng của mình. Tu hành mà sợ tụng kinh, ngán chấp tác, chỉ đi quả đường là cảm thấy sướng, thấy thức ăn ngon thì sáng mắt lên; như vậy chắc chắn là đọa rồi.

Người ham làm việc kiếm công đức, thì việc thiện nhỏ cũng làm. Việc thiện chưa sanh phải làm cho sanh. Tôi còn nhớ tấm gương sáng của Hòa thượng Thiện Hòa, Giám đốc Phật học đường Nam Việt trước kia, Ngài thức dậy sớm, tự tay quét dọn nhà vệ sinh. Thấy Ngài làm việc này, thiện tâm tôi sanh ra, tôi chắp tay xá và nói với Ngài rằng thầy để việc đó cho con làm. Nếu ta gây phiền hà cho chúng là tội, nhưng làm cho chúng là có phước. Tôi nghĩ mình không có gì cho đại chúng, thì dùng chút sức khỏe tình nguyện dọn dẹp sạch sẽ nhà vệ sinh, trước hết là để Hòa thượng Giám đốc không phải nhọc công làm và làm sạch cho chúng được an lạc thì đó là công đức.

Phật dạy việc thiện chúng ta siêng năng làm, việc ác chúng ta siêng năng đoạn trừ. Điều gì đại chúng muốn mà chúng ta làm, là thiện. Việc nào đại chúng không muốn mà chúng ta làm, là ác. Nếu không khéo tu, người ta đang thương mình, mà lại trở thành ghét. Chính ở nơi đây, chúng ta tạo công đức, nhưng cũng tạo nghiệp chướng.

Phật bảo chúng ta xóa phiền não, trần lao, nghiệp chướng và qua giai đoạn tu Tứ chánh cần, luôn làm việc thiện, dứt trừ việc ác, thì đến đâu cũng được người kính trọng, được Phật thọ ký. Người nhẫn nhục tu hành, siêng năng làm lợi ích cho đại chúng thì ở đâu người ta cũng thương, cũng cần. Thành tựu được pháp Tứ chánh cần, chúng ta ghi thêm được chữ Cần, mới bước qua tụ thứ ba, tu Tứ như ý túc. Chúng tôi sẽ triển khai ý này trong thời giảng tiếp theo.

HT.Thích Trí Quảng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch