Trong
tinh thần truyền giáo để thực hiện sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, người Phật Việt
Nam
cũng góp một phần không nhỏ đưa đời sống tâm linh và văn hoá đạo đức đến đất nước
bạn. Hiện hữu Phật giáo Việt Nam
tại hải ngoại như là sự hóa thân mầu nhiệm của một di sản văn hóa Phật giáo Việt
Nam.
Nhìn lại một khoảng dài lịch sử, chúng ta cần có những giây phút trầm tư về giá
trị của sự đóng góp cao cả của các bậc tiền nhân đã mở đường cho Phật giáo phát
triển. Như một sự thể hiện lòng tri ân và trách nhiệm, chúng ta cần thẩm định lại
mô thức hoạt động và thực hành lời dạy cao quí của Đức Phật trong cuộc sống công
nghiệp hiện đại. Mục đích duy nhất là phát triển tiềm năng vốn có của Phật giáo
Việt Nam đang được hình thành trên đất Mỹ. Từ ý nghĩa đó, trong bài viết này,
chúng tôi dựa trên nhận thức thực tế về sự xuất hiện, tồn tại và phát triển các
chùa Việt Nam tại Mỹ. Mục đích là tìm hiểu vai trò sinh hoạt tu học của chư
Tăng và Phật tử ở hải ngoại, cơ sở chùa hải ngoại, nhu cầu tu học của Phật tử,
điều kiện hoằng pháp và định hướng phát triển của chùa Việt trong tương lai. Đây
là chủ đề khá rộng rãi, và thiết nghĩ rằng, cần nhiều cơ hội thảo luận rõ ràng
cho một chương trình hoằng pháp cũng là điều không phải là thừa. Nếu không như
thế, chúng ta không hình dung sự khó khăn để khắc phục, sự thuận lợi để phát
huy cho Phật giáo trong xã hội hiện đại.
Lễ hội Quán Thế Âm tại Trung tâm Phật giáo Việt Nam, Texas
1-Cơ sở chùa Việt tại hải ngoại:
Trong vài thập niên thôi mà đã có hàng trăm
ngôi chùa Việt tại hải ngoại, đặc biệt là tại Mỹ cũng gần đến ba trăm ngôi chùa.
Trong khi đó, Phật giáo đã truyền bá vào đất Mỹ khá mạnh vào khoảng cuối thế kỷ
19, nhưng nó chỉ phổ cập trong giới tri thức,
tín đồ và chế độ thiết lập chùa rất đơn điệu. Phật tử Việt Nam thì khác, do ảnh
hưởng truyền thống văn hóa đạo đức Phật giáo
có chiều dài lịch sử hơn người Mỹ, do vậy ở đâu có Phật tử Việt thì ở đó có hình ảnh của chùa Việt Nam. Người Phật tử
Việt luôn có tinh thần bảo tồn giá trị văn hoá
truyền thống và gìn giữ nếp sống đạo đức cao đẹp. Cho nên khi hình thành Phật
giáo Việt Nam
tại hải ngoại họ dễ dàng đón nhận và có tinh thần ủng hộ mạnh mẽ trong việc thiết lập không gian tâm linh để có môi trường
tu học. Họ luôn quan niệm, mái chùa là hình ảnh thân thương của dân tộc,
là ngôi trường văn hóa đạo đức tâm linh, là cái nôi cho tuổi trẻ, là tâm hồn của
những người con xa xứ... Nhưng làm thế nào để gìn giữ giá trị ngôi chùa ở hải
ngoại và bảo tồn nét đẹp văn hóa đó trong lòng mỗi người con Phật mới là điểm
son đáng ghi dấu trên xứ người.
Thực tế, ở Việt Nam xây dựng một ngôi chùa và bảo
trì một ngôi chùa không khó. Điều đó phải chăng là quá chủ quan? Nhưng thiết
nghĩ, sự đồng lòng sẽ tạo nên một sức mạnh mà không việc gì không thành. Ở Việt
Nam,
nhân lực đầy đủ. Nam Bắc Trung đã có các trường đại học Phật giáo, cao đẳng và
trung cấp Phật học. Điều kiện thông tin báo chí Phật học lưu thông khá rộng
rãi. Do vậy mà lượng tín đồ trong các chùa phát triển nhanh chóng và tinh thần
tu học khá thuận lợi... thế nên việc bảo trì một ngôi chùa ở Việt Nam dễ dàng hơn.
Trong
khi đó, ở xã hội công nghiệp hiện đại, người Phật tử phải làm việc suốt tuần, họ
chỉ đến chùa được vào ngày chủ nhật để đọc kinh và nghe pháp. Ở Mỹ hình thành
ngôi chùa khá dễ dàng nhưng bảo trì thì tương đối khó. Giống như sinh ra một đứa
con thì chỉ mất một thời gian ngắn, nhưng nuôi dạy đứa con thành người thì phải
hy sinh nhiều công sức lâu dài. Huống gì nói đến việc xây dựng và phát triển một
ngôi nhà Phật giáo trên đất Mỹ! Bài học về các ngôi chùa của Phật giáo Trung Quốc
tại Mỹ như là một cơn sốt để chúng ta cần suy tư. Khoảng từ năm 1853 về sau, có
nhiều chùa Trung Quốc tại Mỹ, nhưng dần dần các chùa chiền bị mất dấu tích theo
thời gian. Lý do duy nhất là không đào tạo được thế hệ kế tiếp và năng lực bảo
trì. Hiện nay, các nhà nghiên cứu Phật giáo Đài Loan cũng nhận định rằng, với
những cơ sở chùa to lớn, chi phí tiền bảo trì càng cao thì sự tồn tại lâu trong
xã hội hiện đại càng gặp khó khăn hơn.
Ở Mỹ, có
nhiều chùa khá lớn, nhưng trong chùa có một vài vị Tăng, Ni, thậm chí chỉ có một
vị xuất gia mà thôi. Đi khắp 50 tiểu bang nước Mỹ, thắp đuốc mà tìm được bao
nhiêu ngôi chùa có chú tiểu xuất gia tu học như ở Việt Nam. Nếu không
có chú tiểu thì làm gì có vị Hòa thượng tương lai. Như vậy, giải pháp thích hợp
là mời thêm Tăng Ni Việt Nam
đến Mỹ hoằng pháp. Bên cạnh đó phải mở lớp đào tạo Phật tử trẻ tuổi làm việc và
phục vụ cho việc bảo trì chùa trong tương lai. Nếu chúng ta cứ nhiệt tâm xây
chùa mà không chú trọng đào tạo nhân sự ở thế hệ kế tiếp thì tương lai Phật
giáo tại hải ngoại sẽ như thế nào?
2-Nhu cầu tu học của Phật tử
Điều nhận thấy rõ ràng rằng có ba thành phần
Phật tử đang sinh hoạt trong một phạm vi của một ngôi chùa Việt Nam. Thành
phần các phụ huynh Phật tử lớn tuổi định cư ở Mỹ, thành phần con cháu người Việt
Nam sinh ra tại Mỹ, thành phần những tín đồ người Mỹ và các dân tộc khác đang đến
với đạo Phật. Các phụ huynh Phật tử đã sống ở Việt Nam dễ dàng tham gia tu học
vì có sẵn niềm tin sâu sắc với Tam bảo. Hiện nay các con cháu người Việt Nam sinh ra và
lớn lên tại hải ngoại rất đông. Chúng ta nỗ lực giáo dục các em ngay từ lúc đầu
về khả năng ngôn ngữ, như học tiếng Việt song song với học tiếng Anh. Nếu không
như thế thì tuổi trẻ sinh ra ở hải ngoại quên mất tiếng mẹ đẻ của mình. Tiếp cận
văn hóa đời sống Tây Phương là cần thể nhập ngôn ngữ bản xứ, nhưng cần con em
trở về với cội nguồn văn hóa Việt Nam
thì phải gìn giữ ngôn ngữ Việt Nam.
Có những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam được bảo tồn tại xã hội Mỹ đem
đến hạnh phúc trong gia đình và xã hội. Ví dụ như quan niệm về quan hệ dòng tộc
và trách nhiệm con cái đối với cha mẹ, về tình nghĩa vợ chồng chung thủy và
tinh thần yêu chuộng truyền thống đạo đức của tổ tiên để lại.
Xã hội Mỹ tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa của
các dân tộc khác, ngôn ngữ truyền thông phần lớn là tiếng Anh. Thực tập đọc
kinh và nghe pháp bằng Anh ngữ có thêm kinh nghiệm tu học. Muốn có bộ mặt Phật
giáo Việt Nam
tương lai tươi sáng thì phải có cái định hướng thiết thực trong hiện tại. Điều
đó cần có tinh thần tu học nhất quán của của chư Tăng và Phật tử trong việc thực
tiển hóa đạo Phật thích ứng với xã hội hiện đại.
Thành phần người Mỹ tu học rất thực dụng và đơn giản, việc đầu tiên đến với đạo Phật
là tìm hiểu lời Phật dạy. Họ tư duy lời Phật dạy và thực hành thiền định để kiểm
nghiệm trước. Mới đầu chúng ta thấy họ có vẻ thận trọng và thiếu tín tâm với Tam
bảo, nhưng khi họ hiểu ra mọi vấn đề, không còn nghi ngờ về giáo lý thì họ nỗ lực
thực tập với niềm tin bất thối. Đặc điểm đáng tôn trọng của người Mỹ là tự thân
với niềm tin xác quyết, chứ không thích tư duy và nghe một chiều, họ thích tìm
kinh điển tư duy so sánh và kiểm định mọi thông tin và hành trì. Điều này cũng
phù hợp với người học Phật có chánh kiến.
Các cháu thiếu nhi Phật tử tại chùa Đại Bi, Texas
3- Điều kiện tu học
Hiện nay Phật giáo Việt Nam tại Mỹ vẫn chưa đủ điều kiện mở
trường Phật học đào tạo cho Tăng Ni và Phật tử. Phần đông Tăng Ni đang hành đạo
tại Mỹ đều từ Việt Nam
qua hay đi du học các nước đến hoằng pháp và định cư. Có người cứ bảo rằng, tu học
ở trong xã hội văn minh này thuận lợi, nhưng thực tế không như mình tưởng. Điều
mà không ít vị Tăng Ni mới đến Mỹ khá bỡ ngỡ về đời sống sinh hoạt. Vì rằng:
Chúng ta từ nhỏ tu ở Việt Nam,
sống môi trường thuận lợi: Cơm cha, áo mẹ, công thầy dạy dỗ. Phần đông, chùa
nào cũng có Phật tử nấu ăn phục vụ chu đáo. Phật tử mong được công quả tại chùa
và để quý thầy cô có thời gian học tập và trau dồi đời sống tâm linh và tri thức.
Khi sống nước ngoài, vị Tăng hay vị Ni ở chùa đóng nhiều vai trò trong một ngôi
chùa. Chủ nhật thì làm giảng sư, có lúc làm thầy hương đăng quét dọn, có lúc
thì người công quả tưới cây, cắt cỏ, có lúc làm thầy kinh sư đi lo đám tang, thậm
chí hàng ngày có lúc làm bà vãi đi chợ nấu ăn, nếu không làm vậy thì ăn thức ăn
ướp lạnh không tốt cho sức khỏe.
Nói đến
Phật tử sống ở Mỹ cũng vậy, thành phần nhiệt tâm hộ đạo, ngoài làm ở công sở,
còn chăm lo nhà cửa, chắt lọc từng chút thời gian để về chùa làm công quả, tụng
kinh, nghe pháp. Thường ngày ai cũng có công việc làm ăn nên không có thời gian
về chùa phục vụ thường xuyên. Giả sử họ có làm ra đồng tiền, họ không có ý hưởng
thụ, thích chia sẻ cúng chùa và làm từ thiện. Trong xã hội hiện đại, vật chất
không thiếu thốn, nhưng thời gian là vấn đề then chốt chi phối mọi điều kiện
sinh hoạt.
4-Định hướng sự tu học và phát
triển
Là người con Phật, được sanh ra từ trong bổn
nguyện độ sanh của Phật, được sanh ra trong ngôi nhà Phật pháp, ngôi nhà ấy đã ở
thế gian trên 25 thế kỷ. Từ ánh sáng chứng ngộ dưới cội bồ đề, Đức Từ Phụ đã bền
bỉ 49 năm tuyên thuyết con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại. Lịch sử phát
triển và tồn tại Chánh pháp như như ngọn đèn bất diệt trao tay qua từng thế hệ
tiền nhân, thắp sáng nguồn từ bi và trí tuệ trong lòng đời sanh diệt. Những ngọn
đèn ấy đã và đang bừng sáng trong dân tộc Việt Nam. Đạo Phật nhiệm mầu đã rửa sạch
thù hận và đau thương trong lòng dân Việt qua bao giai đoạn lịch sử chiến
tranh. Từ đó, hình ảnh Đức Phật và Chánh pháp của Phật được tôn vinh tại đất nước
Việt Nam và Phật giáo Việt Nam luôn kề vai sát cánh với dân tộc. Người Việt Nam đã
từng đón nhận đạo Phật mà làm nên lịch sử vẻ vang cho đất nước. Hôm nay, chúng
ta khẳng định giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam bằng hình thái tu học và xiển
dương chánh pháp tại hải ngoại. Bao lớp Tăng Ni và Phật tử cũng tha thiết hiến
dâng cho đời giá trị tinh túy Phật học. Chúng ta hãy cùng nhau kiện toàn được tổ
chức Tăng Ni tu học và chăm lo công tác giảng dạy cho tín đồ như là một sứ mệnh.
Nỗ lực đào tạo những Phật tử có trình độ Phật học để làm Phật sự. Từ đó, mới có
đầy đủ điều kiện duy trì và phát triển chùa Việt tại hải ngoại lâu dài.
Mùa hạ - Nhâm Thìn 2012
Chùa Tam Bảo, Tulsa,
Oklahoma – Mỹ Quốc
Thích Đức Trí (GNO)