Phật giáo Việt Nam
Sơ lược về dòng phái Vĩnh Nghiêm
28/03/2012 00:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SƠ LƯỢC VỀ DÒNG PHÁI VĨNH NGHIÊM

Dù Cho Công Đức Vô Biên
Vĩnh Nghiêm Chưa Tới, Phúc Duyên Chưa Tròn


I. Chùa Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang - Việt Nam:

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng dưới triều đại nhà Lý. Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành thiết kế đồ án và Phạm Hạt lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa: Vạn Tuế, Thiên Vương, Cẩm Ý, Long Hưng, Vĩnh Nghiêm, Thánh Thọ, Thiên Quang, và Thiên Đức. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại xã Đức La trên một khu đất rộng hơn mười mẫu tây, nằm trên đồi, ven bờ sông Thương. Nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm hoàn thành năm 1016, vị trụ trì đầu tiên là Thiền Sư Vạn Hạnh và các vị kế tiếp thứ tự gồm có quý Ngài: Đạo An, Minh Tâm, Bảo Tánh, và Huệ Quang (tức Vua Lý Huệ Tông) xuất gia thọ giới tại Chùa Chân Giáo. Tới tháng 10 năm 1224 về trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm.


Sang triều đại nhà Trần, đạo Phật phát triển hưng thịnh hơn, đã có các danh Tăng thiền sư, vua chúa xuất gia tu đạo và dùng chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi khai tràng, thuyết pháp tiếp độ đồ chúng, đào tạo trên 10 ngàn tăng ni, trở thành đoàn sứ giả Như Lai, gửi đi trụ trì giảng diễn Phật Pháp khắp các chùa từ thành thị tới thôn quê. Năm Quý Tỵ (1293) vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, xuất gia tại Chùa Đông Cứu, núi Yên Tử, thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, pháp hiệu là Vân Yên Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài đã dùng nơi đây làm đạo tràng hoằng dương Phật đạo, mở trường hạ hằng năm, dịch kinh diễn giảng, chỉnh đốn hàng ngũ Tăng giới, tạo tinh thần hòa hợp thống nhất Phật Giáo Việt Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm còn là nơi phát tích giòng thiền Trúc Lâm. Ngài Vân Yên Điều Ngự Giác Hoàng đã kết hợp cả ba thiền phái thời bấy giờ là Tỳ Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành giòng thiền Trúc Lâm riêng của Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm đặc biệt nhấn mạnh sự tu tập nội tâm thích hợp với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống dù xuất gia hay tại gia. Ngài Vân Yên Điều Ngự Giác Hoàng là đệ nhất Tổ, phái Thiền Trúc Lâm. Hai vị đệ tử kế tiếp là Pháp Loa, đệ nhị Tổ và Huyền Quang là đệ tam Tổ. Cả ba Ngài đều trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã đưa sự vẻ vang của ngôi chùa lên hàng đệ nhất Phật Giáo Việt Nam.


Các Ngài trước khi đến mở cảnh tại Quỳnh Lâm cũng đã trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Quỳnh Lâm là một nơi địa danh bảo tích ghi dấu một trong tứ đại khí của dân tộc Việt Nam (Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh và Tượng Quỳnh Lâm). Từ chùa Quỳnh Lâm tới Vĩnh Nghiêm địa bàn không xa lắm độ 18 km. Do vị trí liên hệ đặc biệt ấy nên dân trong vùng đã có câu:



Ai qua Yên Tử Quỳnh Lâm,
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.


Bởi vậy, tín hữu Phật tử và lương dân khắp nơi đã đua nhau kéo về cảnh tự Vĩnh Nghiêm; các vị Vương Thần, Quốc Thích, khách thập phương đã phát tâm dâng cúng tiền của, ruộng đất cho chùa và ký tiến giòng họ thờ hậu tại chùa, đã tạo thành câu nói trong dân gian:


Dù cho công đức vô biên
Vĩnh Nghiêm chưa tới, phúc duyên chưa tròn.



Tới thời Lê sơ (1428-1488) các danh tăng trụ trì gồm có: niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) Ngài Chí Tôn Thượng Sĩ, tiếp theo niên hiệu Quang Hưng (1578-1599) có các Ngài Nguyễn Tư Nhiên và Nguyễn Phúc Mạnh trụ trì. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830) được triều đình Huế tặng phong cho vị trụ trì là “Giới Đạo Độ Điệp Lâm Tế Chánh Tông Kim Cang Hoà Thượng”. Đến năm Cảnh Hưng thứ 10 (1849) Sư Bà Vũ Thị Lương trụ trì và trùng tu lần thứ ba. Kế vị là Hòa Thượng Thiền Mẫn. Tới năm 1930 là Hòa Thượng Thích Thanh Hanh, đệ nhất Pháp Chủ Thiền Gia Phật Giáo Bắc Việt. Từ năm 1950, Hòa Thượng Thích Mật Ứng đệ Nhị Pháp Chủ Thiền Gia và kế tiếp là Hòa Thượng Thích Quảng Duyệt, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã dùng nơi đây làm trường hạ cho toàn thể Tăng Ni miền Bắc. Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang là một chốn Tổ, Đại Tùng Lâm. Về hình thức, ngôi chùa rộng lớn xây cất trên khu đất mười mẫu Tây theo kiểu chữ Môn. Tòa Chính Điện ở giữa, hai dãy nhà Thiên Hương trai đường và Tăng Xá hai bên. Nơi này Tăng Ni kết hạ tu học trong bốn khóa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Phiá sau, nhà khách, nhà sinh hoạt tu bát quan trai cho tịnh nhân cư sĩ. Về nhân sự chùa Vĩnh Nghiêm là nơi hoằng truyền Phật đạo của các bậc danh Tăng suốt một bề dày lịch sử, đã được ghi trong Thi Ca Văn Hóa Việt:


Vĩnh Nghiêm ánh đạo nhiệm màu,
Đệ nhất đất Bắc dẫn đầu chư Tôn
Nghiêm trì giới luật thiền môn,
Phát huy Tam Học, bảo tồn Ngũ Minh.
Mở trường tiếp độ tăng sinh,
    Dạy truyền chánh pháp tận tình hoằng khai.
Duy trì Phật Bảo Như Lai,
Trúc Lâm Yên Tử cảm hoài xứ ta.
Hương Sơn thắng cảnh bao la
Long Giáng muôn vẻ thực là nghiêm trang.
Nhất Trụ Vua Chúa huy hoàng,
Trấn Quốc ghi dấu vẻ vang Lê-Triều.
Vọng Cung, Quán Sứ cao siêu
Quỳnh Lâm Phật tích có nhiều danh tăng
Lạng Sơn, Phú Thọ cao bằng,
Ninh Bình, Bích Động truyền đăng Phật toà.
Phúc Chỉnh, Non Nước, Cự Đà
Tế Xuyên, Cổ Lễ, Phật tòa xứng ngôi
Còn nhiều chốn Tổ các nơi,
Vang lừng Phật tích rạng ngời địa danh
Tất cả công đức thơm lành,
Cùng trong môn phái trong ngành Phật khoa
Hoằng dương Phật Đạo nước nhà
Vĩnh Nghiêm Đức Tổ Thiền Gia một giòng
Hằng năm quy tụ về đông
Tăng Ni thiện tín một lòng dâng hương.
Tưởng niệm công đức vô lường
Nguyện làm sáng lại Tổ Đường Vĩnh Nghiêm….

 

Kho "mộc thư khố" "độc" ở chùa Vĩnh Nghiêm


Một trong những di sản văn hoá đặc biệt quý giá ở chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) mà hiếm nơi nào trên cả nước còn lưu giữ được, đó là những trang sách bằng gỗ được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX.Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho "Mộc thư khố" này được coi như là bảo vật quốc gia.


Kho sách bằng gỗ thị


Chùa Vĩnh Nghiêm từ xa xưa có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, trong dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức La, đây là trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử.


"Mộc thư khố" được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa. Đây là kho sách bằng gỗ có tổng số hơn 3.000 bản, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...) được khắc bản cách đây trên dưới 200 năm.



Theo dòng lạc khoản khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh thì kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều được khắc in dưới triều các vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ XVIII ). Căn cứ vào bản "Tâm thượng ngư vĩ" của mộc bản thấy rằng: kho mộc bản có hơn ba chục đầu kinh, sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản khắc bộ Hoa Nghiêm kinh, còn lại là Di Đà kinh, Quan Thế âm kinh, Tì Kheo ni giới kinh, Khai thánh chân kinh...và các sách, luật nhà Phật.


Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8x0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ "Dấu chấn" kích thước 0,25x0,17m là cuốn nhỏ nhất.


Từ những ván khắc đó, người xưa phủ mực in lên trên rồi in và đóng sách theo khuôn mẫu với đủ "biên lan", "bản tâm", "ngư vĩ", "thiên đầu, địa cước". "Biên lan" có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. "Bản tâm" cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâm có "Ngư vĩ" (đuôi cá) theo kiểu song "Ngư vĩ". Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu- Địa cước". "Biên lan" có khung viền 4 lề trang sách, gồm 1 đường chỉ to và 1 đường chỉ nhỏ (người xưa gọi là Văn vũ Biên lan). "Bản tâm" (hay Bản khẩu) thường khắc dòng chữ cho biết tên sách (Hoa khẩu), thứ tự trang sách. Thượng  hạ "Bản tâm" có "Ngư vĩ" (Đuôi cá) theo kiểu song "Ngư vĩ". Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu- Địa cước" rộng chừng 2,5 cm. Nhiều trang được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, nét chữ bay bổng, siêu thoát, bố cục chặt chẽ hài hoà, xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ trứ danh của mọi thời đại.


Người xưa thật khéo chọn gỗ thị để tạc chữ. Đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn, lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván. Đại đức Thích Thanh Vịnh- Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: "Tất cả ván làm mộc thư đều được lấy xẻ từ thị trồng trong khuôn viên nhà chùa. Cho dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến bây giờ vẫn còn gốc của những cậy thị lớn mà các vị sư tổ đã cho đốn làm mộc thư".


"Mộc thư khố" đã qua nhiều lần in cho nên các mảnh ván đều có màu đen bóng bởi bề mặt được phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực này thấm sâu vào ruột gỗ, cho nên có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt rất hiệu quả.


Phần lớn ván in được khắc chữ Hán trên hai mặt, kiểu chữ chân phương, chữ khắc sâu, sắc nét và điều độc đáo là tất cả được khắc ngược (âm bản). Mỗi mặt ván 2 trang sách, khắc chạm đúng chuẩn mực theo kiểu đóng sách của người xưa. Đã rất nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu quy trình khắc mộc bản của người xưa mà kết quả vẫn chưa thống nhất. Rất khó để lý giải được người xưa khắc chữ ngược trên gỗ mà nét chữ lại vuông vắn, tinh xảo đến mức kỳ diệu như vậy. Có những chữ có đến 3, 4 chục nét trong khoảng vài mm.


Nguồn tư liệu vô giá


Hiện nay, kho mộc thư này vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) với khoảng 2.000 chữ Nôm hoặc Hán. Những bản khắc có niên đại sớm nhất là từ thế kỷ XIV, còn lại được làm ở thế kỷ XVI, XVIII.


Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh, luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của danh nhân Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.


Đặc biệt một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng. Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết, hiện nay phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, đau xương khớp và các bệnh về tiêu hoá.


Kho "Mộc thư khố" để lại cho người đời lượng thông tin phong phú, đa lĩnh vực như: Lịch sử Phật giáo, tư  tưởng- văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc... Hơn nữa, với sự tài hoa khéo léo của nghệ nhân xưa, mỗi mảnh ván khắc xứng đáng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật để đến hôm nay người đời được ngưỡng vọng và có thêm nguồn tư liệu tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam thời Lê- Nguyễn.


"Mộc thư khố" có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, y học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Với những giá trị văn hoá đặc biệt đó, kho mộc bản này rất cần được nghiên cứu, bảo tồn như những bảo vật quốc gia.

Trong quá trình lưu giữ "Mộc thư khố" vẫn bị thất lạc khá nhiều. Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết, trước đây các vị sư trụ trì chùa khác đến chùa Vĩnh Nghiêm thỉnh về in trong quá trình trả bị thất thoát, có trường hợp chưa kịp trả, chùa bị cháy nên mất đi rất nhiều.

Để bảo vệ kho mộc thư độc đáo này, chùa Vĩnh Nghiêm và Sở VH,TT&DL Bắc Giang đang phối hợp để in kho sách ra giấy gió, đánh số bản mộc, đồng thời dịch nghĩa. "Sau khi Sở VH,TT&DL dịch xong, nhà chùa cố gắng xây dựng một khu triển lãm để trưng bày nguồn tư liệu cho các sư hậu thế nghiên cứu cũng như cho khách tham quan được chiêm ngưỡng những tinh hoa của ông cha" - Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết.

Di vật cổ kính ở chùa Vĩnh Nghiêm rất phong phú, đa dạng, mỗi nhóm hiện vật đều xứng đáng xếp thành một bộ sưu tập khá hoàn chỉnh, đó là: Sưu tập tượng thờ, có hơn một trăm pho được bài trí ở toà Tam bảo, Tổ đệ nhất,Tổ đệ nhị, Khách đường. Bộ tượng ở đây cũng có mấy nhóm như: Tượng Phật, tượng Tổ (Tổ phái, Tổ chùa), tượng Hậu, tượng Thánh...được bài trí theo mô hình chuẩn mực lý tưởng và được tạo tác thời Lê- Nguyễn; Hệ thống văn bia (8 tấm) cơ bản soạn khắc ở thế kỷ 17, 18 và tấm soạn khắc muộn nhất năm 1932 ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm; Hệ thống hoành phi- câu đối, đồ thờ, kho kinh sách nhà Phật, mộc bản... 


Minh Thịnh (Sưu tầm)
Theo: vinhnghiem.de

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch