II. Chùa Vĩnh Nghiêm tại Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam:
Để
tưởng nhớ lại dòng dõi quê hương Đất Tổ, đoàn người Phật Tử di cư từ
miền Bắc vào lập nghiệp tại miền Nam, sau khi chế độ kỳ thị bất bình
đẳng Tôn Giáo chấm dứt, năm 1964, nền thống nhất Phật Giáo Việt Nam được
thành lập; Tăng tín đồ thuộc khối Phật Tử miền Bắc được công nhận là
miền Vĩnh Nghiêm, một trong bảy miền theo Hiến Chương Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập năm 1964. Khối Phật Tử miền
Vĩnh Nghiêm dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Tâm Giác, chánh đại
diện miền đã xây cất ngôi Chùa Vĩnh Nghiêm trên một khu đất rộng hơn hai
mẫu Tây tại số 339 Công Lý Sài Gòn. Thiết kế đồ án ngôi Chùa do Kiến
Trúc Sư Nguyễn Bá Lăng đã hiến cúng phí tổn thiết kế. Tổng thể ngôi Chùa
gồm có tòa Chính Điện hai tầng diện tích trên 5,000 m2. Tầng trên thờ
Phật, tầng dưới Giảng Đường, bên cạnh là nhà Tăng, trường học hai tầng.
Nơi đây hiện nay là Trường Cơ Bản và Cao Đẳng Phật Học, đã đào tạo hàng
ngàn Tăng Ni tốt nghiệp, và được tuyển chọn đề cử đi du học các Quốc Gia
trên thế giới và đã các cung cấp nhân sự cho Phật Giáo Miền Nam.
Chùa Vĩnh Nghiêm cũng là nơi tiếp đón các
phái đoàn Phật Giáo trong và ngoài nước thăm viếng hội họp. Vị trụ trì
lúc đầu là Hòa Thượng Thích Tâm Giác, tiến sĩ xã hội học tại Nhật Bản,
Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Kế vị là Hòa
Thượng Thích Thanh Kiểm, tiến sĩ triết học Phật Giáo Nhật Bản đồng môn
với vị tiền nhiệm, Hòa Thượng Thích Tâm Giác. Hiện nay, vị trụ trì là
Thượng Tọa Thích Thanh Phong, tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật Học Vạn
Hạnh và Thạc Sĩ Triết Học tại Đại Học Phật Giáo Đài Loan.
Vĩnh Nghiêm ánh đạo nhiệm màu
Giòng phái Bắc Việt mở đầu vào Nam
Tăng đồ kết hợp một đoàn,
Lập nên thắng cảnh Già Lam nước nhà.
Thiền Sư Tâm Giác tài ba,
Công nghiệp để lại nguy nga tuyệt vời.
Bảy tầng bảo tháp ngất tròi
Nhạc Thiền vọng tiếng muôn nơi khen mừng.
Chính tòa Bảo Điện hai tầng,
Dưới lầu nhà giảng, trai đường, phòng Tăng.
Tầng trên trần thiết hoa đăng,
Thích Ca Điều Ngự Kim Quang tọa thiền.
Văn Thù, Điạ Tạng, Phổ Hiền,
Chư Tôn Bồ Tát lời nguyền độ sinh.
Cửu Long cửa võng tứ linh,
Long, Ly, Quy, Phụng, tượng hình cao sang.
Câu đối diễn ý đạo vàng,
Hoành phi, tranh họa Niết Bàn Chân-Như.
Trai đường thờ Đức Tổ Sư,
Chư Tôn Thánh Chúng vĩnh cư Liên-Đài.
Y- Viện nhà khách vãng lai,
Từ Hàng phả độ muôn loài sinh linh
Khuôn viên phong cảnh hữu tình
Hồ sen non bộ đẹp xinh cá vàng.
Tam Quan cổng chính mở toang
Đón mời khách viếng đạo tràng Vĩnh Nghiêm
Công trình văn hóa nhất miền,
Sài Gòn chính lộ nối liền trường bay.
Tháp đá Vĩnh Nghiêm
Sáng
27-12-2003, một tòa tháp cao 14m đã được khánh thành trong khuôn viên
tổ đình Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Đó là ngôi
tháp xây bằng đá đầu tiên khu vực Nam bộ, cũng là ngôi tháp đá lớn, cao
nhất nước ta từ nhiều năm qua. Một điều bất ngờ: ngôi tháp được dựng bởi
những người thợ đá trẻ 20-30 tuổi.
Đó là độ nghiêng đã được kết luận bằng
văn bản, đóng mộc đỏ hẳn hoi sau một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của
chính những chuyên gia thiết kế, xây dựng của Bộ Quốc phòng. 7mm cho một
ngôi tháp cao 14m, tức mỗi mét chiều cao chỉ lệch tâm 0,5mm (0,05%) -
một độ sai lệch tim trục thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn xây dựng đang
được áp dụng ở nước ta hiện nay. “Ghê gớm” hơn khi đó là một ngôi tháp
được xây dựng hoàn toàn bằng đá, kết dính, chịu lực bằng những mộng đá
ghép (keo dính chủ yếu để làm mịn, nhuyễn, tăng thêm độ ghép dính) chính
xác đến từng li.
Ngôi tháp bảy tầng (theo ý nghĩa “thất cấp phù đồ”) có tiết diện như hầu
hết các tháp được xây dựng nghìn năm nay trên đất nước ta: hình vuông,
mỗi cạnh 5x5m; nằm giữa dãy lan can cũng bằng đá vuông vức mỗi chiều
9,5m; đặt trên một bệ tháp bát giác (“bát chính đạo”). Năm bậc cấp từ
hai cột chính bằng đá bước lên tòa tháp tượng trưng cho “ngũ căn, ngũ
lực” của nhà Phật. Trên thân tháp có một cặp rồng lớn, 27 cặp rồng nhỏ
và những cánh phượng uốn mình rất hoành tráng.
Không thể đếm hết những cánh sen, hoa sen, thủy ba (sóng nước), lá đề,
dơi, câu đối, câu chú... lớn trên sáu tầng tháp. Ngoài chữ thọ theo lối
chữ “triện” ở tầng tháp đầu tiên theo phong cách đời Lý, còn lại là
những họa tiết, điêu khắc điển hình đời nhà Trần (tổ đình Vĩnh Nghiêm có
nguồn gốc từ chùa Vĩnh Nghiêm ở thôn Đức La, Bắc Giang - Trung tâm
thiền học Phật giáo đời Trần). Đôi rồng đời Trần hai bên trụ cổng thật
vạm vỡ, cơ gân cuồn cuộn, vảy đều tăm tắp, cặp sừng cong, bờm cuộn sóng,
cổ vươn cao ngạo nghễ hào khí Đông Á.
Ngôi bảo tháp đá được đặt tên “Vĩnh Nghiêm tháp”, là tháp thờ cố đại lão
hòa thượng Thích Thanh Kiểm, một trong hai vị cao tăng đã xây dựng nên
tổ đình Vĩnh Nghiêm (hòa thượng nguyên trưởng Ban kinh tế tài chính
Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, viện chủ tổ đình Vĩnh Nghiêm).
Sau khi hoàn thành, bảo tháp đã được
nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật ghi nhận là ngôi tháp có độ
chạm trổ đá dày đặc nhất, công phu nhất trong các tháp đá chúng ta có
xưa nay. Tháp tọa lạc ở một vị trí khá hài hòa trong tổng thể nhiều khối
kiến trúc đồ sộ của tổ đình Vĩnh Nghiêm: cạnh lầu chuông bên trái chùa,
cân xứng với ngôi tháp Quán Thế Âm bên phải chùa vốn cũng rất đẹp, có
từ khi xây dựng tổ đình (1964).
Toàn ngôi tháp như một ngọn bút dựng đứng
giữa trời, hoành tráng, phủ kín hoa văn chạm trổ mà vẫn nhẹ nhàng; hay
nói như đại đức Thích Thanh Phong, đệ tử thị giả của Hòa thượng Thích
Thanh Kiểm, người phụ trách thiết kế, xây dựng tháp: “Yêu cầu không thể
thiếu được khi xây dựng ngôi tháp tôn thờ thầy là phải nói lên được
phong cách của thầy: đức độ, trí tuệ, thanh cao và chắc chắn đó phải là
kiến trúc VN”.
Đại đức Thích Thanh Phong đã cùng nhiều
vị tăng khác là thầy Thích Trường Xuân (chùa Đỏ - Hải Phòng), Thích
Chiếu Tạng (chùa Trung Hậu - Vĩnh Phúc), Thích Minh Hiền (chùa Hương -
Hà Tây)... lặn lội đến từng ngôi chùa cổ khắp miền Bắc, xem từng bản vẽ,
từng mẫu hoa văn để có thể tìm ra mẫu phù hợp nhất cho tháp. Khi thi
công, có những chi tiết thợ đá phải khắc đi khắc lại nhiều lần mới đạt
yêu cầu.
Đá xây dựng bảo tháp là đá xanh đen Thanh Hóa (nhiều tảng được lấy từ
núi Nhồi nổi tiếng để đảm bảo độ mịn, tuyền màu của đá). Bảy mái đao
cong vút, thanh nhã ở bảy tầng tháp là bảy khối đá nguyên tảng nặng 6-10
tấn/mái, được khắc chạm tỉ mỉ đến kinh ngạc.
Những người thợ hầu hết còn rất trẻ đến
từ ba làng đá (Thượng, Hệ, Xuân Vũ) của xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh
Bình). Họ là hậu duệ của những người đã tham gia xây dựng ngôi nhà thờ
đá Phát Diệm (Ninh Bình) cách đây hơn một thế kỷ. Và theo bạn Trần Công
Kiên, người thợ 31 tuổi, một số nghệ nhân điêu khắc đá của xã khi còn
sống vẫn thường tự hào kể lại việc các cụ đã đóng góp một chút công sức
vào việc xây dựng lăng Bác Hồ.
Có cụ còn khoe đã khắc cả một cây gậy chống, hộp đựng thuốc lá bằng đá
gửi lên Hà Nội tặng Bác. Bản thân Kiên đã biết cầm vồ, cầm đục từ hồi
học cấp II dưới sự hướng dẫn của ông ngoại là cụ Cởn, một nghệ nhân có
tiếng trong xã. 15 tuổi Kiên đã theo ông đến tận những tỉnh biên giới
phía Bắc để đục trụ đá kê chân giường, cối đá, con lăn đá... Cả xã Ninh
Vân hiện có khoảng vài trăm thợ đá, hầu hết còn rất trẻ.
Một trong số đó là Nguyễn Đức Quyết, 21 tuổi. Người thợ trẻ này sinh ra ở
làng đá, lớn lên bên cối đá; chơi đùa trong sân những đình làng cổ bằng
đá (như đình cổ làng Thượng, đình làng Hệ, đền Rậm...); và thấy được
ngôi “đền ba xã” diện tích vài trăm mét vuông được đục thẳng vào núi
đá... Những bạn trẻ Ninh Vân xem ra cầm vồ, cầm đục chạm nhẹ nhàng hơn
cầm bút.
Trần Công Kiên là trưởng một nhóm thợ vài chục người, đang “rải quân” ít
nhất ở bốn công trình kiến trúc đá ở Hà Nội (chùa Phúc Khánh), Hà Tây
(chùa Hương), Phú Thọ (chùa Bạch Hạc) và TP.HCM (tháp Vĩnh Nghiêm). Kiên
thú thật đã nhiều đêm không ngủ khi nhóm của anh được chọn xây dựng
tháp vì “đó là tháp đá lớn nhất, cao nhất trên đất nước ta lâu nay” mà
riêng trọng lượng đá thô đã lên đến hơn 200 tấn. Hơn hai năm khăn gói
vào TP.HCM, ăn ngủ ngay tại công trường để đục đẽo, sửa gọt, thay, bỏ...
cuối cùng nhóm thợ đá trẻ Ninh Vân đã hoàn tất được một công việc thật
nặng nhọc và đòi hỏi tính chính xác, tính thẩm mỹ cao.
Kiên bảo xưa kia cha ông ta chưa có máy móc hỗ trợ nên độ nổi (độ khắc
sâu vào đá) của các khắc chạm chỉ được 2-3cm; còn bây giờ hàng loạt chi
tiết của tháp đá có độ nổi đến 7-8cm, thậm chí 10cm. Một ông cụ đứng xem
người thợ trẻ khắc chạm hoa văn sóng nước ở bệ tháp lắc đầu bảo chúng
tôi: độ nổi như thế thì phải vài ngàn năm sau cũng còn rõ...
(Xem tiếp trang 3)