IV. Thiền viện Vĩnh Nghiêm tại Thành phố Vũng Tàu - Việt Nam:
Vĩnh Nghiêm Thiền Viện tọa lạc tại số 64,
đường Lê Ngọc Hân, phường 1, thành phố Vũng Tàu. Ban đầu Thiền Viện chỉ
là một ngôi Niệm Phật đường đơn sơ, bé nhỏ. Năm 1996, được sự hỷ cúng
của Chư Tăng Ni phật tử trong cũng như ngoài nước, nhất là Tăng, tín đồ
Tào Động Tông của Phật Giáo Nhật Bản như cố Hòa Thượng Yohiokka Toìchi,
cố Hòa Thượng Kamegaki Yukio và bà Endo Yoi, cố Hòa Thượng Thích Tâm
Giác (1917-1973) đã khởi công xây dựng với quy mô lớn như hiện nay.
Từ năm 1975 cho đến năm 1992, Thiền Viện bị bỏ hoang. Năm 1992 Thiền
Viện được chính quyền và Phật Giáo địa phương bàn giao trở về Tổ Đình
Vĩnh Nghiêm (Thành Phố Hồ Chí Minh). Với tư cách Trưởng Môn phái Tổ Đình
Vĩnh Nghiêm, cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000) đã cử Đại Đức
Thích Phúc Hải, pháp tử của Hòa Thượng, về làm Trụ Trì từ thời gian đó.
Thiền Viện được xây dựng trên lưng chừng núi lớn, mang đậm nét kiến trúc
cổ của Đình Chùa Việt Nam. Thiền Viện gồm có Tam Quan, Tháp Chuông,
Tháp Tổ, Chánh Điện, Tổ Đường, Tăng Xá và Khách Đường, các tiểu am ký
cốt và nhà bia. Từ năm 1966 đến năm 1973 cố Hòa Thượng Thích Tâm Giác đã
xây dựng được cổng Tam Quan, Tháp Chuông, Chánh Điện và tăng xá. Trải
qua thời gian gần 20 năm không người quản lý, Thiền Viện trở nên hoang
tàn. Năm 1992, cung thừa Sư mệnh Đại Đức Thích Phúc Hải về làm trụ trì,
bắt đầu công việc trùng tu lại cảnh quan, cung thỉnh thánh tượng Bồ Tát
Quán Thế Âm tôn chí ngay trước chánh điện để cho Phật Tử thập phương
đảnh lễ. Sau đó, xây dựng thêm các công trình mới như Tổ Đường, Khách
Đường, các tiểu am ký cốt và làm nhà bia. Tại Tổ Đường hiện đang tôn thờ
Trúc Lâm Tam Tổ (Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Tôn Giả Pháp Loa,
và Tôn Giả Huyền Quang) cùng Chư vị Tổ Sư đã khai sơn phá thạch tạo lên
cảnh Vĩnh Nghiêm Thiền Viện.
Ngày 30 tháng 12 năm 2000 (05 tháng Chạp năm Canh Thìn) Hòa Thượng Thích
Thanh Kiểm viên tịch tại phương trượng Tổ Đình Vĩnh Nghiêm Thành Phố Hồ
Chí Minh. Để tưởng nhớ công đức của Chư Tiền Tổ đã dày công khai sáng
già lam và tưởng nhớ đến bậc Ân Sư đã tác thành giới thân tuệ mệnh, năm
2001, Đại Đức Thích Phúc Hải đã xây dựng 3 ngôi bảo tháp phụng thờ Tổ
Vĩnh Nghiêm tức Thiền Gia Pháp Chủ Thích Thanh Hanh (1840-1938), cố Hòa
Thượng Thích Tâm Giác (1917-1973): Khai sơn kiêm Đệ Nhất Đại Trụ Trì Tổ
Đình Vĩnh Nghiêm Tp. Hồ Chí Minh và Vĩnh Nghiêm Thiền Viện Tp. Vũng Tàu,
cố Hòa Thượng nghiệp sư Thích Thanh Kiểm (1920-2000): đệ nhị đại trụ
trì tổ đình Vĩnh Nghiêm Thành Phố Hồ Chí Minh.
Nay công việc trùng tu đã được hoàn mãn, xin ghi vài lời vào bia để
tưởng nhớ công đức chư vị Hòa Thượng đã khai sơn tạo cảnh, tưởng nhớ ân
đức của Hòa Thượng Nghiệp Sư cùng chư vị Tôn Đức, quý Phật tử đã hằng
tâm hằng sản hỷ cúng để kiến tạo ngôi Vĩnh Nghiêm Thiền Viện được tố hảo
như ngày nay. Kính nguyện mười phương Tam Bảo chứng minh và gia hộ cho
Phật Pháp trường tồn, nhân dân an lạc, ngôi Thiền Viện này mãi mãi là
cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh để những người con Phật có cơ duyên
tìm về cội nguồn của tâm linh, văn hóa của dân tộc như người xưa đã từng
nói:
|
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”
V. Tu Viện Vĩnh Nghiêm tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam:
Tu viện Vĩnh Nghiêm là cơ sở lớn nhất, có
diện tích rộng nhất và nằm trên vị trí đẹp nhất trong các cơ sở Phật
giáo quận 12. Cạnh ngôi mộ của cố HT T. Tâm Giác. Xưa kia chu vi đất
trên 15 hecta, do cố HT Tâm Giác và cố HT Thanh Kiểm tạo mãi, mục đích
làm chốn Già Lam đào tạo Tăng tài; Do chiến tranh chưa đủ duyên để thực
hiện hoài bão, sau ngày hoà bình tái lập, TT Thanh Phong, kế thế tọa chủ
đời thứ ba của tổ đình, đáp đền ân sư tiền bối, nhiều năm vận động thủ
tục và tài chánh, đã được các cấp hữu quan chấp thuận và hổ trợ, Ngày
26/9/09 đã khởi công xây dựng dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm
Trung ương, Thành hội và các ban ngành tại TP lẫn địa phương, chư Tăng
Ni, Phật tử một số quận huyện tỉnh thành từ xa cũng về tham dự, đặc biệt
một số Phật tử các tỉnh phía Bắc vào và đại diện Phật giáo từ Cộng Hoà
Séc cũng có mặt, và có cả bà cụ thân mẫu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng,
trên 500 người. Đồ án mặt tiền gần giống chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng gồm ba
hồi kế tiếp. Đông lang, Tây lang và hậu đường đều xây ba tầng. Cổng vào
là kiểu dáng miền Bắc, với 13 hạng mục khác nhau trên một diện tích 1,5
hecta. Tương lai là tu viện với chức năng “truyền đăng tục diệm”, thực
hiện tâm nguyện của nhị vị tiền bối.
Chư Tôn Đức, các quan chức vừa hoàn tất việc đặt bia lưu niệm và động thổ, cơn mưa tầm tả trút nước thật tươi nhuận.
Sau hơn một tiếng nghi thức lễ khởi công, mọi người đều hoan hỷ được tận
mắt chứng thêm một cơ sở Phật giáo xuất hiện. Lễ kết thúc lúc 11giờ
cùng ngày.