Phật giáo Việt Nam
Sơ lược về dòng phái Vĩnh Nghiêm
28/03/2012 00:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Do lịch sử truyền nhập Phật giáo ở Việt Nam, phần lớn chùa Việt Nam là chùa Phật Giáo Đại thừa. Do đó, ở chánh điện cũng như các tòa khác trong chùa, chúng ta thấy có nhiều tượng Phật, Bồ Tát cùng với các tượng thuộc những hệ phái Phật giáo khác.
Chánh điện Chùa Vĩnh Nghiêm

Chánh điện Chùa Vĩnh Nghiêm

VI. Chùa Vĩnh Nghiêm Thành Phố Nürnberg,bang Bayern,C.H.L.B Đức-ÂU CHÂU hình thành năm 2009

Để giúp chúng ta hiểu và thấy  rõ cách bài trí tượng Phật ở Chùa Vĩnh Nghiêm - Nürnberg, chúng tôi mạo muội giới thiệu và sơ lược giải thích cùng quí vị :

Chánh điện bao giờ cũng là nơi trung tâm của sự thờ cúng trong chùa.

PHẦN I  : Chánh Điện:

Trong Chánh Điện Chính giữa là tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni (Sakyamumi)

 Phật ngự trên đài sen cũng là một ý nghĩa tượng trưng siêu thực. Bởi vì hoa sen được biểu thị cho đức tánh thanh tịnh và giải thoát. Hoa sen phát xuất trong vũng bùn nhơ nhớp, mà vẫn tỏa ra mùi hương thanh khiết. Đức Phật cũng thế, trước kia Ngài cũng là một con người như chúng ta, cũng có gia đình, cũng hưởng giàu sang sung sướng, nhưng con người ấy không bị dục lạc làm ô nhiễm, không bị sợi dây gia đình trói buộc. Ở trong cảnh nhiễm ô dục lạc mà tâm hồn Ngài trinh bạch, ngồi trong tù ngục gia đình mà chí Ngài đã vượt ra ngoài vũ trụ mênh mông. Đức tánh trinh bạch và siêu việt ấy, chỉ có hoa sen mới đủ sức tượng trưng.

  Chung quanh tượng Phật có những tia hào quang sáng chiếu để tiêu biểu ánh sáng trí tuệ của Phật lúc nào cũng soi sáng thế gian. Theo trong kinh nói chung quanh đức Phật luôn luôn có hào quang soi sáng một tầm. Bởi vì con người luôn luôn có một lớp nghiệp bao quanh, nếu nghiệp ác thì hiện lên vầng hắc ám, chúng sanh trông thấy kinh sợ, nếu nghiệp thiện thì hiện ra ánh sáng trong lành, chúng sanh trông thấy sanh tâm kính mến. Vì mắt thịt chúng ta quá thô thiển nên không thể trông thấy rõ ràng, song nếu tinh tế nhận xét cũng có thể nhận biết phần nào. Như người hiền lành đến trước chúng ta nhìn thoáng gương mặt là ta có cảm tình ngay. Nếu người dữ đến trước chúng ta, nhìn sơ qua ta tự nhiên nảy sanh ác cảm liền. Cái linh cảm ấy không phải căn cứ vào hình thức, mà nó siêu hình thức. Cho nên ngày xưa các vị tu hành đắc đạo, có ai đến tham học, một phen nhìn qua là các Ngài biết phước duyên kẻ ấy mỏng hay dày, rồi tùy căn cơ giáo hóa. Đức Phật là con người thuần thiện tâm thanh tịnh, trí sáng suốt thì ánh hào quang bao bọc chung quanh là lẽ đương nhiên.

Bên trái Của Đức Bổn Sư là  Văn Thù Sư Lợi Bồ tát (Manjushri)

 Là vị Bồ tát tượng trưng cho trí tuệ tối thắng, không gì sánh kịp, không thể đo lường được. Ngài là vị Bồ Tát trợ hóa cho Đức Phật Thích Ca. biểu thị Ngài là bậc Pháp vương tử, là thượng thủ trong chúng hội, và trí huệ là hạnh tối thắng nhất. Ngài là biểu hiện trí huệ tối thắng cho các hàng Bồ tát, khác với Ngài Xá lợi Phất là trí huệ bậc nhứt đối với Thanh văn Thừa, cũng nêu rõ địa vị tối cao của trí huệ trong đạo Phật. Ngài là mẹ của các Ðức Phật , để nêu căn bản trí huệ là mẹ của Ðức Phật, các Ðức Phật thành Phật là nhờ ở trí huệ ấy.  Chúng ta thấy ngài cưỡi sư tử. Sư tử là chúa của muôn thú mỗi khi gầm thét tất cả đều run sợ; trí huệ của Ngài một khi chiếu tỏa ánh sáng, thời màu đen tối của mê mờ bị uốn dẹp tan rã.  

Bên phải Đức Bổn Sư là: Phổ Hiền Bồ Tát (Samantabhadra)

Là một trong các vị Bồ tát trợ duyên giáo hóa đắc lực nhất và có nhân duyên sâu nặng đối với tất cả chúng sanh, thể hiện qua tâm nguyện thủ hộ Chánh pháp và hộ trì người tu tập của Ngài. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

Phổ Hiền, tiếng Phạn Sàmantabhadra, dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà. Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ.

Phổ Hiền Bồ tát ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà, biểu thị hạnh nguyện rộng lớn. Voi là loài có sức mạnh, kham nhẫn, có thể chuyên chở người và vật từ chỗ này sang chỗ khác. Bồ tát Phổ Hiền cũng thế, dùng Đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Voi trắng biểu thị Bồ tát tuy lăn lộn trong trần thế hóa độ chúng sanh nhưng Ngài không vướng nhiễm bụi trần, tâm hoàn toàn trong sạch. Sáu ngà trượng trưng cho Lục độ, sáu công hạnh tu tập của chư vị Bồ tát. Hình ảnh Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà mang ý nghĩa Ngài là vị Bồ tát với tâm Bồ đề vững mạnh, hoàn toàn thanh tịnh, khéo vận dụng Lục độ làm phương tiện  giáo hóa chúng sanh . 
Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca đang thuyết pháp. Hay còn gọi là:

                          HOA NGHIÊM TAM THÁNH

Căn cứ vào tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi  hầu bên phải, còn Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử hầu bên trái của Đức Phật . Bồ tát Phổ Hiền biểu thị Đại hạnh, Bồ tát Văn Thù biểu thị Đại trí, hai vị dùng trí tuệ và hạnh nguyện đồng trợ hóa cho Đức Phật Thích Ca.

Phía dưới là: 7 Đức Phật Dược Sư (tiếng Phạn: Bhaichadjyaguru, tiếng Anh: Medicine Buddha)

 Là Giáo Chủ cõi Tịnh Lưu Ly ở Phương Đông. Thánh hiệu của Ngài là“Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”. Dược Sư, nghĩa đen là thầy thuốc chữa bệnh. Lưu ly là một loại ngọc màu xanh trong suốt. Quang là ánh sáng. Lưu ly quang là ánh sáng ngọc lưu ly. Như Lai  là một trong mười hiệu của Phật. Vì thế cũng gọi Ngài là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật,  tức là vị Phật Thầy thuốc chữa bệnh, có ánh sáng như ngọc lưu ly.  Đức Phật Dược Sư hiểu biết và thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian, Ngài có thể chữa trị hết tất cả những thứ bệnh khổ của chúng sanh, nhất là những tâm bệnh do những điên đảo vọng tưởng, tham, sân, si gây ra phiền não, khổ đau. Trong Kinh Dược Sư có nói rõ về ánh sáng của Phật Dược Sư: “Trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi”. Ánh sáng ấy chiếu đến đâu thì phá hết tăm tối vô minh của chúng sanh, đem lợi lạc và diệt tất cả những bệnh khổ thân tâm của chúng sanh, khiến cho họ xa lìa mê vọng mà hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Tiếp đến là: Đức Phật A Di Đà (Amitabha)

 Là vị giáo chủ ở cõi Cực-lạc phương tây. A Di Đà có nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ, tức là hào quang và tuổi thọ của Ngài không thể lường được.
 TIỀN THÂN- Thời đức Phật Thế Tự Tại Vương, có vị quốc vương tên Kiều Thi Ca nghe Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua xuất gia làm Tỳ-kheo hiệu là Pháp Tạng. Một hôm, Ngài đảnh lễ Phật cầu xin chứng minh cho Ngài phát 48 lời nguyện. Do nguyện lực ấy, sau này Ngài thành Phật hiệu A Di Đà ở cõi Cực-lạc. (Kinh Đại A Di Đà)

 Lại, một thuở xa xưa ở cõi San Đề Lam có ông vua tên Vô Tránh Niệm. Do đại thần Bảo Hải khuyến tiến, nhà vua gặp đức Phật Bảo Tạng, thành tâm cúng dường, quy y thọ giáo. Nhà vua phát nguyện sau này thành Phật sẽ làm giáo chủ một cõi cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh để giáo hóa chúng sanh. Đức Phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài sau này sẽ thành Phật hiệu A Di Đà, cõi nước tên Cực-lạc ở phương Tây. Hiện giờ Ngài đã thành Phật và đang thuyết pháp tại đó. (Kinh Bi Hoa)

HẠNH NGUYỆN- Đức Phật A Di Đà xưa phát 48 lời nguyện lớn, trong đó có lời nguyện sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài. Dù người ấy chỉ niệm mười câu danh hiệu Ngài, Ngài cũng tiếp dẫn vãng sanh về cõi Cực-lạc.

 BIỂU TƯỚNG- Đức Phật A Di Đà  Tượng ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn .

Hai bên Chánh Điện phía trên, bên Phải là: Đức Quán Thế Âm Bồ Tát(Avalokiteshvara)

Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu đức Bồ-tát Quan Thế Âm Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn là Mẹ hiền Quan Âm. Vì vị Bồ-tát nầy có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái tim của những người con Phật thuần thành - là Phật tử không ai là không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ-tát giàu lòng bi mẫn nầy. Mỗi khi nói về Ngài, tựa hồ chúng ta ai cũng biết, nhưng có lẽ không ai dám cho là mình đã hiểu biết đầy đủ tất cả. Vì Ngài là vị Bồ tát cứu khổ nên chúng ta thường gọi Ngài là Cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát. Người dân còn gọi Ngài với cái tên rất gần gũi là Phật Bà Quan Âm. Thật ra tên Ngài gọi đủ là Quan Thế Âm, nhưng vì người đời Đường ở Trung Quốc kiêng húy chữ"Thế" nên gọi tắt là Quan Âm. Rồi từ đó trở về sau, nhiều người gọi mãi thành quen, vì thế mà có danh hiệu Quan Âm Bồ Tát. Phật giáo Tây Tạng thờ Bồ-tát Quan Âm theo hình thức Nam tính. Đồng thời tương truyền từ đời Đường trở về trước các nước Phật giáo khác tại Châu Á cũng tạc tượng Ngài theo hình thức Nam tính.

Theo sách Trang Nhạc Ủy Đàm thì từ đời Đường trở về sau, các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa, khi tạc tượng Ngài đều dùng hình thức Nữ thể hiệnlòng thương không bờ bến của Ngài là bà Mẹ hiền trong tất cả các bà mẹ hiền

Có nhiều người thắc mắc không hiểu Quán Thế Âm Bồ-tát là đàn ông hay đàn bà? Thực ra chúng ta thấy Ngài hiện vô số thân chớ không phải chỉ đàn ông hay đàn bà.  Ngài dùng tất cả phương tiện để làm cho các chúng sanh khỏi khổ nạn tai ách, diệt trừ tham-sân-si đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.  Nhất là Ngài thường ban bố đức vô-úy, hùng lực không sợ sệt trước tai nạn bất ngờ cho những chúng sanh hèn yếu.

Nhành dương liễu và bình cam lồ là tượng trưng cho lòng từ bi trí giác ngộ của Ngài rưới tắt và làm diệu mất bao nỗi đau khổ, bao điều phiền não đang bừng cháy trong long chúng sanh.  Hình vẽ Bồ-tát ngự trên hoa sen trắng trong biển động ba đào cho chúng ta biết rằng: mặc dù trong cõi đời dạt dào sóng gió đau khổ tai nạn chúng sanh đang hụp lặn nổi trôi; Bồ-tát Người của chân lý ngát hương thơm của hoa đạo, quyết đưa họ về với cuộc sống dịu hòa của chân lý.  Trong khế kinh và trên sự thật cho chúng ta biết Quán Thế Âm Bồ-tát là một vị Bồ-tát có rất nhiều nhân duyên với chúng sanh trong cõi Ta-bà này.  Ngài lại đủ oai-thần và phương tiện để cứu khổ ban vui cho muôn loài.  Nhưng có thừa hưởng được ân huệ của Ngài hay không, một phần lớn là do nơi chúng ta định đoạt, vì ngoài việc trì niệm danh hiệu, lễ bái cúng dường Ngài, bằng cách chúng ta hãy cố gắng thực hành theo hạnh từ-bi của Ngài, để làm vơi cạn bao nỗi khổ đau, bao điều sầu não cho mình và cho người trong hiện tại và tương lai. 

Điều mà chúng ta cần hiểu rõ thêm là khi chúng ta chuyên tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát thì bao nhiêu ý niệm xấu xa của chúng ta đều lắng xuống; tất nhiên mọi đức tánh tốt sẽ phơi bày; hạnh từ-bi trí tuệ gì cũng đều do đó mà phát sinh ra.  Như thế chúng ta không phải ỹ lại nơi thần quyền, để mong được an vui hạnh phúc mà bằng mọi nỗ lực của cá nhân, chúng ta tự tu tự hành; giữ cho tâm mình thanh tịnh thì mới mong hiệp được sức gia hộ của Bồ-tát.

Hai bên Chánh Điện phía trên,  Bên trái là: Quan Thế Âm hay Quan Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt (Thiên Thủ Thiên Nhãn)

Là biểu tượng tuyệt vời nhất của tư tưởng trí tuệ, từ bi, giác ngộ giải thoát của Phật Giáo Đại Thừa.  Tại Việt Nam.  Tượng hình Quan Thế Âm Bồ Tát với tư thế ngồi toà sen rất được phổ biến từ thời đại nầy trở đi.  Trong thời đại Nhà Mạc, tượng hình Bồ Tát Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt là pho tượng đặc trưng cho đỉnh cao của nền Mỹ thuật tượng hình của Phật Giáo Việt Nam.

Tại Việt Nam, tượng hình Bồ Tát Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt có một chiều dài lịch sử phát triển đặc biệt cần được tìm hiểu một cách nghiêm túc.  Một cách đại cương, pho tượng đã được phát nguồn từ tín ngưỡng trì tụng Thần Chú Đại Bi (Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni hay tiếng phạn đọc là Aryavalokitesvaraya Bodhisattvaya Mahasattvaya dharni), trở nên rất phổ thông và nổi tiếng không những chỉ trong giới tu sĩ xuất gia mà còn đối với giới cư sĩ tại gia.  Trong đời nhà Lý đã có hàng ngàn tu sĩ trì tụng thần chú đại bi nầy, trong số đó có một vị thiền sư nổi tiếng là ngài Từ Đạo Hạnh (? -1117), hằng ngày phát nguyện trì tụng hàng trăm biến thần chú đại bi.  Theo truyền thuyết được truyền tụng tại Chùa Thầy, tỉnh Hà Tây, ngài Từ Đạo Hạnh đã chứng đắc thần thông diệu dụng do sự nhiệm mầu và trì lực của Bồ Tát Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt.

Kể từ thế kỷ thứ 13 trở đi, Bồ tát Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt được truyền tụng trong khắp dân gian, rất nhiều pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm được đêu khắc để phụng thờ tại rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng.  Tuy vậy, rất ít ngôi chùa tại miền Bắc Việt Nam còn giữ được những pho tượng của giai đoạn lịch sử nầy.  Cùng lúc đó, ngôi Chùa Đại Bi đã được xây cất trong.  Cái tên gọi của chùa cho chúng ta thấy sự ảnh hưởng sâu đậm tín ngưỡng trì tụng Thần Chú Đại Bi và sự  linh hiển nhiệm mầu của Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm.

Chính giữa đối diện cửa ra vào là: Đức Phật Di Lặc (Maitreya).

Tiền thân Ngài Di Lặc:Trong một tiền kiếp đời Ðức Phật Ðại Thông Trí Thắng, Ngài cùng Ðức Phật Thích Ca đồng thời phát Bồ Ðề Tâm tu các pháp lành. Ðến đời Ðức Phật Nhựt Nguyệt Ðăng. Ngài cũng xuất gia tu hành như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong quá trình tu tập, Ngài đạt thuận duyên nhiều hơn Đức Phật Thích ca. Vì vậy Ngài thành Phật chậm hơn Thích Ca Mâu Ni. Ngài được Ðức Phật Thích Ca thọ ký sẽ thành Phật Di Lặc sau này tại hội Long Hoa. Qua câu chuyện Di lặc Bồ tát và Phật Thích Ca, chúng ta hiểu thêm một điều: Muốn thành tựu công đức, đừng cầu thuận duyên mà hãy chấp nhận nghịch duyên, tức là những nghịch cảnh gây cho chúng ta đau khổ nhưng sự thành tựu thì nhiều khi ngoài sự mong đợi của chúng ta.

Mồng Một Tết, theo truyền thống dân tộc Việt nam, là ngày đầu tiên của một năm mới; theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, là ngày lễ vía đức Phật Di Lặc. Nếu nhân gian xem Mồng Một Tết là ngày quan trọng như thế nào thì đạo Phật cũng xem ngày này quan trọng như thế ấy, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều.  Bởi vì với đạo Phật, đây không những là ngày đầu tiên của một năm mà còn là ngày đánh dấu cho sự ra đời của một vị Phật tương lai - Phật Di-lặc. Vì thế, với đạo Phật, mừng xuân mới cũng chính là mừng Xuân Di-lặc vậy. Trong nghệ thuật tranh tượng của Phật giáo, ngài Di-lặc thường được mô tả theo một hình thức hết sức đặc biệt với cái bụng thật lớn và cái miệng cười thật tươi để nói lên rằng:


Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian.”

 Chúng ta thường thấy hình tượng sáu đứa trẻ bám lấy Ngài. Đây là hình ảnh tượng trưng cho lục tặc, nghĩa là sáu đứa giặc hằng theo quấy nhiễu những kẻ tu hành. Cái khổ của con người là do 6 căn (nhãn-mắt, nhĩ-tai, tỷ-mũi, thiệt-lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà sinh ra. Tuy sống giữa trần đời khổ ải, nhưng Ngài vẫn cười tươi, bởi Ngài không dính mắc. Chúng ta phải học theo gương đức Di Lặc, xả tất cả chấp ngã, chấp pháp. Ngã pháp đã xả hết, chúng ta sẽ tự tại trước mọi cảnh, chừng ấy dù bọn lục tặc phá phách đến đâu cũng không làm não loạn tâm ta. Ta đã thắng được chúng và hàng phục chúng trở thành tay sai đắc lực của ta. Lúc chúng ta còn là phàm phu sáu cơ quan ấy là sáu đứa giặc hằng phá hoại ta, khi chúng ta chứng được quả thánh sáu cơ quan ấy trở thành sáu thứ thần thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông). Thế là, sáu cơ quan ấy thành giặc thù hay thắng dụng đều do tâm chấp ngã pháp hay xả ngã pháp của chúng ta mà ra.

Phía dưới Chánh Điện bên trái là : Hình Tây Phương Tam Thánh

Đứng giữa là Đức Phật A DI ĐÀ             (Amitabha)

Bên trái là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát  (Avalokiteshvara)

Bên Phải là Đức Đại Thế Chí Bồ Tát    (Mahasthamaprapta)

Đức Phật A di Đà và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát như đã giải thích ở trên ,còn Đức Đại Thế Chí Bồ Tát còn gọi là Đắc đại thế Bồ tát, Đại tinh tấn Bồ tát, Vô biên quang Bồ tát... Đại thế chí Bồ tát vì Bồ tát dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sanh trong mười phương thế giới thoát khổ thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề. Đắc đại thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới điều phục và tiếp độ hạng chúng sanh cang cường khó độ. Đại tinh tấn Bồ tát vì Bồ tát có sức tinh tấn vĩ đại, điều phục các phiền não và giáo hoá chúng sanh không bao giờ mệt mỏi. Vô biên quang Bồ tát vì nơi thân Bồ tát có màu vàng tử kim chiếu khắp mười phương thế giới, chúng sanh nào có duyên thấy liền được thấy ánh quang minh tịnh diệu của vô lượng chư Phật ở khắp mười phương thế giới.

Trong bức tranh “Tây Phương Tam Thánh” Bồ Tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy. Trong kinh sách hai vị Bồ Tát hiện thân cư sĩ nữ hai bên Ðức Phật A Di Ðà tượng trưng Từ Bi và Trí Tuệ. Theo kinh Quán vô lượng thọ, Bồ tát thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, da màu vàng tử kim, trong thiên quang của Bồ tát có 500 hoa báu, mỗi một hoa báu có 500 đài báu, trong mỗi đài đều hiện quốc độ tịnh diệu của mười phương chư Phật, nhục kế như hoa Bát đầu ma, giữa nhục kế có một hình báu, khác hình tượng Quan thế âm Bồ tát. Theo phẩm A lợi đa la đà la ni a lỗ lực, hai Bồ tát đều toàn thân màu vàng, phóng hào quang trắng, tay phải cầm phất trần trắng, tay trái cầm hoa sen, thân hình Bồ tát Đại thế chí nhỏ hơn Quán Thế Âm. Còn trong Hiện đồ mạn đồ la thai tạng giới của Mật tông, ngài là vị thứ hai ở phương trên trong viện Quan âm, ngồi trên hoa sen đỏ, thân màu trắng, tay trái cầm hoa sen mới nở, tay phải co ba ngón giữa đặt trước ngực. Mật hiệu là Trì luân kim cương, hình Tam muội da là hoa sen mới nở.

Về tiền thân của Ngài, Đức Đại Thế Chí khi chưa xuất gia học đạo, thì Ngài chính là con thứ hai của vua Vô Tránh Niệm tên là Ni Ma Thái Tử. Ngài vâng lời phụ vương khuyên bảo, phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và đại chúng trọn trong ba tháng. Quan Đại thần là Bảo Hải thấy vậy, bèn khuyến thỉnh rằng: “Thưa Điện hạ! Trong sự tu phước có hai thứ: một là tu phước hữu lậu hai là tu phước vô lậu. Song phước hữu lậu dầu có to tát thế nào, thì chỗ cảm báo cũng chỉ ở trong cõi Nhơn Thiên hưởng phần khoái lạc mà thôi: chớ không thoát khỏi luân hồi sanh tử. Còn như phước vô lậu, thì chỗ kết quả ở ngoài ba cõi bốn dòng, kiếp kiếp đời đời tiêu diêu tự tại. Vậy xin Điện hạ nên vì tất cả chúng sanh mà cầu đặng Nhứt Thiết Trí đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì sự phước báu không khi nào cùng tận, mà lại đặng viên mãn cái tâm nguyện nữa"

Phía dưới Chánh Diện Bên Phải Là: Cảnh giới Tây Phương Cực Lạc

Vũ trụ chúng ta có hằng hà sa số thế giới, trong đó có thế giới của Đức Phật A-di-Đà ở Tây phương làThế giới an lạc hơn cả, vì thế nó có tên là Tây Phương Cực Lạc, trong Kinh Di-đà miêu tả cảnh giới Cực Lạc như sau: "Cảnh giới ấy vô cùng đẹp đẽ, thanh tịnh, xán lạn, vui tươi. Phong cảnh toàn cõi như là một tường hoa, những dây rủ xuống như là gấm lụa, nước trong các hồ có đầy đủ tám thứ công đức...chim chóc ở đây toàn là những chim chóc quý giá như Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, Xá Lợi...ngày đêm sáu thời hót lên những tiếng vi diệu làm cho ai nghe cũng sanh tâm hoan hỷ mà niệm Phật. Cảnh giới ấy trang nghiêm, huy hoàng, xinh đẹp như thế là do sức đại nguyện của Đức Phật A-di-đà, các bậc Bồ tát và Thánh chúng toàn là những bậc Thượng thiện gây nên". Trong hoàn cảnh ấy mọi người điều phát tâm tu tập và rất dễ thành Phật Đạo .

Cảnh giới tây phương Cực Lạc là cảnh giới huy hoàng, an lạc. Tuy nhiên chúng ta muốn vào đó không phải là dễ. Những điều kiện để sanh vào cõi nước Cực Lạc được Đức Phật dạy như sau.

1. Đức tin vững chãi: Kinh Hoa nghiêm dạy: "Tín vi đạo nguyên công đức mẫu". Có nghĩa là: đức tin là mẹ của mọi nguồn công đức. Tin là nhân tố thành tựu quả Bồ đề, lòng tin có nhiều khía cạnh.

· Tin Phật: Tin rằng đức Phật là đấng sáng suốt, cứu khổ muôn loài, lời Đức Phật nói là hoàn toàn có thật, cõi nước Tây phương là có thật. Ngài có năng lực tiếp độ mọi loài chúng sanh.
· Tin Pháp: Tin rằng giáo pháp Đức Phật nói ra là hợp với chân lý, lời Ngài khuyên chúng ta tu hành Pháp môn Tịnh Độ, niệm danh hiệu Đức Phật A-di-Đà để được vãng sanh về cõi Tịnh Độ là sự thật. Tin rằng tu theo pháp môn Ngài dạy thì nhất định sẽ thành công.

· Tin Tăng: Tin rằng Tăng là người có khả năng thay mặt Đức Phật để dạy chúng ta tu tập, hướng dẫn chúng ta tu tập Pháp môn Tịnh Độ, có khả năng giải quyết mọi khúc mắc cho chúng ta khi tu tập Pháp môn Tịnh Độ. Tăng là vị thầy sáng suốt cho chúng ta nương tựa để học hỏi, tu tập.

· Tin vào khả năng của mình (tự tin): Đức Phật dạy: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Chúng ta tu tập theo hạnh nguyện của Ngài thì nhất định sẽ thành Phật. Chúng ta không nên tự ti mặc cảm với chính mình để rồi thối chí trước hoàn cảnh, dễ bị cám dỗ bởi dục vọng.

2. Phát đại nguyện: Nguyện là tự nguyện, mong muốn một điều gì đó tốt đẹp. Phát đạt nguyện là lập một lời thề cao quý, tốt đẹp vàcó ý nghĩa. Gọi là lập nguyện thì không bị thối chí trước hoàn cảnh, vững chải tự tin, thực hành lời nguyện một cách rốt ráo. Phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc là mục đích phát nguyện . Lập chí nguyện là thể hiện sự cương quyết, không cương quyết thì không làm được gì cả.

3. Thực hành chí nguyện vãng sanh: Lập nguyện vãng sanh rồi, chúng ta phải thực hành theo đúng chí nguyện. Chúng ta phải chí tâm chú nguyện danh hiệu Đức Phật A-di-đà. Nhất cử nhất động đều phải niệm Phật, quyết niệm cho đến khi nào "nhất tâm bất loạn" thì mới thôi.

Pháp tu Tịnh Độ là pháp tu phổ cập đến tất cả mọi người, không kể giàu nghèo sang hèn, bất luận thiểu trí hay thông minh đều tu tập được. Chỉ cần có đức tin mạnh mẽ thì ai ai cũng có thể tu tập để vãng sanh về Cực Lạc. Oai lực của chư Phật trải khắp mười phương, chỉ cần chúng ta nhất tâm tưởng nhớ đến Ngài thì Ngài sẽ tiếp độ.

Ngoài ra trong Chánh Điện, trước bàn Thờ chính: Chúng ta nhìn bên trái thấy tượng

   Ngài Vi Đà Tôn Thiên 

Một vị rất hiền hòa, dân gian gọi đó là Ông Thiện . Vi Đà nguyên là thiên thần Thất Kiện Đà của đạo Bà La Môn, là con trai của thần Hộ pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên, sau đó trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo. Trong hàng ngũ những vị thiên thần Hộ pháp thì Vi Đà nổi danh bởi tài năng chạy nhanh như bay. Tương truyền sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, chư Thiên thần và chúng Vương bàn về việc hỏa thiêu di thể, nhặt Xá lợi thờ trong tháp. Lúc này Đế Thích Thiên cầm bình thất bảo đến chỗ thiêu để lấy Xá lợi vì trước kia Ngài đã được Đức Phật chấp thuận cho một chiếc răng đem về để dựng tháp thờ. Nhưng khi ấy có quỷ La Sát nấp bên người Đế Thích Thiên, thừa lúc Ngài không chú ý bèn trộm răng Phật. Vi Đà Tôn Thiên trông thấy bèn đuổi theo, nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ La Sát tống vào ngục, trả lại răng Phật cho Đế Thích Thiên, được chư Thiên khen ngợi. Từ đó về sau, Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ linh tháp (stupa) của Phật Tổ (chứa xá lợi Phật). Kể từ đó hình tượng Vi Đà được song hành cùng linh tháp chứa Xá lợi, mang ý nghĩa bảo vệ an toàn cho Đức Phật.

 Còn bên Phải là tượng:

 Ngài Tiêu Diện Đại Sĩ (hoá thân của Bồ Tát Quan Thế Âm).

Một vị rất dữ dằn, dân gian gọi đó là Ông ác. Tiêu diện đại sĩ là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm mặt trước là hình tượng mang sắc tướng nữ, rất mực từ bi với dương chi ngọc liễu và bình cam lồ sẵn sàng độ sanh giải nạn. Mặt sau của hóa thân là hình tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.

PHẦN II :  Địa Tạng Đường:

Trong Địa Tạng Đường, chính giữa là Tượng

Địa Tạng Vương Bồ Tát (Ksitigarbha)

Vị Bồ Tát thân đắp cà sa, hình tướng một vị tăng xuất thế, tay phải cầm tích trượng, tay trái nâng viên ngọc minh châu tỏa sáng. Đó là hình ảnh tôn tượng đại bi, đại nguyện, đại thánh, đại từ, bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát. Ngài phát đại nguyện: Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,  chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề." Có nghĩa là địa ngục chưa trống không, tôi thề không thành Phật; chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng bồ-đề. Tinh thần nầy thật là từ bi. Bồ-tát đối với chúng sanh chúng ta rất là quan tâm lo lắng vô cùng, không có gì hình dung được. Phàm đối với tín đồ Phật Giáo, nổ lực tu hành thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát có thể trong lúc chúng ta thiền định hoặc chiêm bao mà hiện thân thuyết pháp. Tiếc thay chúng ta không hiểu dụng tâm của Bồ-tát, và cô phụ lòng từ bi của Ngài, thật là có lỗi với Ngài. Song le Bồ-tát cũng không giận dỗi, Ngài tha thứ cho sự si mê của chúng sanh, rồi vẫn không ngừng phổ độ chúng sanh. Khi nào độ hết chúng sanh thì Ngài mới thành Phật.

  Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, đức Phật nói về bốn tiền thân, với bốn đại nguyện của ngài Địa Tạng như sau.

1. Trong vô lượng kiếp về trước, ngài Địa Tạng là một vị Trưởng giả, nhờ phước duyên được chiêm ngưỡng, đảnh lễ và được sự chỉ dạy của đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, vị Trưởng giả này đã phát đại nguyện: “Từ nay đến tận đời vị lai, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật quả.”

2. Vào thời quá khứ vô số kiếp trước, thuở đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, tiền thân của Ngài là một người nữ dòng dõi Bà-la-môn có nhiều phước đức và oai lực; nhưng mẹ của cô không tin vào nhân quả tội phước, tạo rất nhiều ác nghiệp, sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Là người con chí hiếu, cô rất thương nhớ mẹ, và đã làm vô lượng điều lành, đem công đức ấy hồi hướng cho mẹ, và cầu nguyện đức Phật cứu giúp. Nhờ các công đức chí thành ấy, đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại đã cho cô biết là mẹ của Cô đã được thoát khỏi cảnh địa ngục và vãng sanh về cõi trời. Vô cùng hoan hỉ trước tin ấy, cô đã đối trước đức Phật Giác Hoa phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát.”

3. Trong hằng hà sa số kiếp về trước, thuở đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, ngài Địa Tạng là một vị vua rất Từ bi, thương dân như con … nhưng chúng sanh lúc ấy tạo rất nhiều ác nghiệp, vị vua hiền đức này đã phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật.”

4. Vô lượng kiếp về thuở quá khứ, thời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai, ngài Địa Tạng là một hiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phước đức. Nhưng mẹ của Quang Mục lại là người rất ác, tạo vô số ác nghiệp. Khi mạng chung, bà bị đọa vào địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ, và nhờ phước duyên cúng dường một vị A-la-hán, vị Thánh này đã cho biết rằng, mẹ của cô đã thoát khỏi cảnh địa ngục sanh vào cõi người, nhưng vẫn còn chịu quả báo sinh vào nhà nghèo hèn, hạ tiện, lại bị chết yểu… vì lòng thương mẹ và chúng sanh, Quang Mục đã đối trước đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai phát nguyện: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sanh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ, v.v… Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác.”

Bên trái Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát là bàn thờ Tổ :

Giữa là: Đức Bồ Đề Đạt Ma

Tổ Bồ Ðề Đạt Ma tên thật là Bồ Ðề Ða La (Bodhi Tara), con thứ ba của vua Chí Vương,thuộc giòng Sát Ðế Ly, nước Quốc Hương, Nam Thiên Trúc (vùng cao nguyên Dekkan), thuộc phía nam Ấn Ðộ.
Bồ Ðề Đạt Ma là pháp hiệu, được đặt khi bái sư với ngài Bát Nhã Ða La (Prajanatra), một tổ sư Thiền Tông đời thứ 27 của Ấn Ðộ. Bồ Ðề Đạt Ma được sư phụ truyền thụ y bát, để kế thừa nhiệm vụ Tổ Thiền Tông Ấn Ðộ đời thứ 28.

Ðể thực hiện lời di huấn của thầy mình, vào năm 517, Tổ sư Bồ Ðề Đạt Ma từ giả Ấn Ðộ, dùng thuyền vượt biển, trong ba năm, đến Quảng Châu, Trung Hoa vào ngày 21 tháng 9 năm 520 (Canh Tý), triều Lương Võ Ðế, niên hiệu Phổ Thông thứ bảy.

Sau đó ngài từ giã cung Kim Lăng, vượt sông Dương Tử, qua vùng Bắc Giang, nhập cảnh nước Ngụy, đến Lạc Dương, dừng chân tại chùa Thiếu Lâm Tự, thuộc núi Tung Sơn, vào ngày 23 tháng 11 năm 520 (Canh Tý) đời Hậu Ngụy, vua Hiếu Minh Ðế, niên hiệu Chánh Quang Nguyên. Tại Thiếu Lâm Tự, ngài ngồi im lặng, mặt hướng về vách đá để tham thiền nhập định. Người đời lúc bấy giờ gọi ngài là Bích Quán Bà La Môn, nghĩa là thầy Bà La Môn ngồi nhìn vách (theo Cao Tăng Truyện).

 Trong chín năm (9) "Diện Bích Tham Thiền", ngài đã tiếp độ và truyền y bát cho Nhị Tổ Huệ Khả (tức Thần Quang). Sau đó lần lượt được kề thừa đến vị Lục Tổ thứ sáu (6). Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma viên tịch trong lúc ngồi tham thiền nhập định vào ngày mồng 05 tháng 10 năm 529. Nhục thân được an táng tại chùa Ðinh Lâm, núi Hùng Nhĩ, sau đó bài vị được thờ tại chùa Thiếu Lâm Tự (theo sách Bích Nham Lục). Sau đây là bia văn của Lương Võ Ðế tưởng niệm ngài: "-Thấy như chẳng thấy. Gặp như chẳng gặp. Ðối mặt như chẳng đối mặt. Xưa đâu? Nay đâu? Oán bấy! Hận bấy!"

Phía dưới hai bên thờ giác linh nhị vị Hòa Thượng khai sơn Tổ Đình Vĩnh Nghiêm :

Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Giác (1917 – 1973)

            Đệ nhất khai sơn Tổ Đình Vĩnh Nghiêm

 Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi.  Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong.  Thân phụ Ngài tinh thông Hán học.  Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp.  Do đó,  Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.

Được biết thuở nhỏ, Ngài cứ yếu đau, quặt quẹo luôn, rất khó nuôi.  Theo tập quán địa phương, Ngài được hai cụ thân sinh đem bán khoán cho vị Tăng trú trì tại ngôi chùa trong thôn và ở luôn trong chùa.  Đến khi lên 7 tuổi, vì đã quen sống cuộc đời chay tịnh, nên Ngài xin với song thân cho xuất gia đầu Phật.

Được sự chấp thuận của hai cụ, bước đầu Ngài thụ nghiệp với Hòa thượng Thích Trí Hải tại chùa Mai Xá thuộc Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (nay là Nam Hà).

Vào đầu thập kỷ 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên khắp nước.  Tại Nam kỳ Hội Nghiên cứu Phật học ra đời năm 1931 ở Sài Gòn.  Tại Trung kỳ Hội An Nam Phật Học thành lập ở Huế năm 1932.  Các Phật học đường được tổ chức khắp nơi.  Các tạp chí Phật học xuất bản đều đặn để hoằng dương đạo pháp, gieo vào tâm hồn chư  Tôn đức, Tăng Ni và Phật tử cả nước niềm phấn khởi chưatừng có.

Trước phong trào rầm rộ ở Nam và ở Trung, năm 1934 Hòa thượng Trí Hải (chùa Mai Xá) bèn từ giã bản tự lên thủ đô Hà Hội, cùng với chư  Tôn đức và vác cư sĩ thuần thành đầy tâm huyết như các ông Nguyễn Năng Quốc, Trần Văn Đại, Bùi Thiện Cơ vận động tổ chức hội Bắc kỳ Phật giáo.  Hội đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Thanh Hanh là Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi Thuyền gia Pháp chủ, mở đầu kỷ nguyên chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc.

Bấy giờ Ngài 17 tuổi, được Bổn sư cho theo lên Hà Nội hầu hạ và đóng góp sức mình vào công việc hoằng dương đạo pháp.  Thuở ấy Ngài chỉ mới thọ giới Sa Di, nhưng được các Tổ Tế Xuyên, Tế Cát, Trung Hậu, Hương Tích và Tuệ Tạng rất thương yêu.

Nhờ Ngài có sẵn căn bản Nho học hấp thụ được trong gia đình, lại được Hòa thượng Trí Hải dày công huấn giáo và các Tổ ân cần bảo ban, dẫn dụ, nên về mặt giáo lý và thuyền hạnh, Ngài được coi là hàng tân tiến khả dụng, có nhiều triển vọng trong tương lai, làm trụ cột cho tòa nhà Phật giáo. 

Năm 1937, sau khi tốt nghiệp lớp Trung đẳng Phật học tại trường Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, Ngài được các Tổ cho đăng đàn thọ Tỳ Kheo giới, lúc đó Ngài tròn 20 tuổi.  Đại giới đàn này do các vị Tôn túc thủ tọa chứng minh như Tổ Tế, Tổ Trung, Tổ Hương, Tổ Cồn, Tổ Quảng, Tổ Ngũ (1) và các Hòa thượng Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên tác chứng. 

Từ đó Ngài được vào hàng sứ giả của Như Lai, được cử giữ những chức vụ trọng yếu trong trụ xứ cũng như làm Duy Na trong các kỳ kiết hạ an cư tại chùa Quán Sứ (số 74 đường Quán Sứ - Hà Nội). 

Sau năm 1945, vừa tốt nghiệp xong lớp Đại học Phật học tổ chức tại chùa Quán Sứ, Ngài cũng như các sinh viên Tăng và dân chúng phải tản cư khỏi thành phố vì thời cuộc.  Ngài phải di cư lên vùng Thái Nguyên, sau lại trở về Ninh Bình.  Được ít lâu, Ngài trở về Mai Xá cơi chùa cũ tiếp tục tu học và chăm lo nuôi dưỡng sáu trăm em cô nhi đang bơ vơ vì đạn lửa chiến tranh.

Năm 1949, nhân một cơ duyên tốt, Ngài hồi cư về Hà Nội và được cử giữ chức Phó Giám đốc nhà in Đuốc Tuệ, phụ bút nguyệt san Phương Tiện, cơ quan của Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt do Hòa Thượng Tố Liên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.  Trong thời giai này Ngài còn tham gia các công tác từ thiện xã hội, hợp sưc cùng Hội Việt Nam Phật Giáo do Cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm Hội trưởng, trong nom Cô nhi viện ở trại Tế Sinh lên đến một trăm sáu mươi em.

Ngài còn nhận làm Ủy viên trong trại nuôi dưỡng đồng bào hồi cư ở Ngọc Hà.  Hàng năm cứ vào mùa kiết hạ an cư tại chùa Quán Sứ, Ngài đều được cử giữ chức Duy Na, một chức vụ quan trọng trong thất chức tùng lâm.

Vốn đã thông thạo Hán tự, biết qua Pháp văn, lại ôm ấp hoài vọng xuất dương tu học và tham khảo Phật sự các nước, nên lúc còn học tại chùa Quán Sứ, Ngài đã cùng bạn đồng môn là Hòa thượng Thích Thanh Kiểm rủ nhau tranh thủ đi học thêm Anh văn và Nhật ngữ.

Cơ duyên tốt lành đã đến.  Năm 1953, trong một cuộc họp liên hội gồm Hội Việt Nam Phật Giáo và Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, hội nghị đã công cử Ngài cùng Hòa thượng Thanh Kiểm sang Nhật Bản để nghiên cứu về công cuộc chấn hưng Phật giáo tại quốc gia đó.

Tại Nhật Bản, hai vị đều kiên tâm, trì chí, chuyên tu chuyên học cả về Phật pháp và thế học.  Riêng Ngài thường ôm ấp chí nguyện cải tạo nếp sống cho thế he tương lai, cần theo chiều hướng của thời đại là có khoẻ mạnh về thể xác mới mong tiến hóa về mặt tinh thần.  Do đó, ngoài việc học Phật pháp và thế pháp, Ngài còn hàng ngày đến luyện tập nhu đạo (Judo) tại Trung tâm Nhu đạo KODOKAN.

Sau chín năm tu học tại Nhật, Ngài đã tốt nghiệp Đại học Phật pháp tại Tokyo, lãnh cấp bằng Tiến sĩ Xã hội học, Tiến sĩ Triết học Đông Phương và Tam đẳng huyền đai tại viện Nhu đạo KODOKAN.

Năm 1962, hai vị trở về nước hoằng pháp.  Bước qua năm 1963, Phật giáo Việt Nam gặp pháp nạn, Ngài đã cùng chư  Tôn đức, Tăng Ni tham gia tích cực trong mọi công cuộc hô hào Phật tử chống lại bạo quyền áp bức, kỳthị tôn giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. 

Nhờ sự đồng tâm nhất trí của hàng triệu con Phật đứng lên bảo vệ tín ngưỡng của dân tộc, được sự đồng tình của mọi tầng lớp đồng bào, của các tôn giáo bạn, của dư luận thế giới, nhờ sự hy sinh cao cả của chư  Tăng Ni đã dùng sanh thân đốt lên ngọn lửa bi trí dũng, trong đó có ngọn lửa của Bồ Tát Thích Quảng Đức, cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam thắng lợi.

Năm 1964, nhờ thắng lợi đó, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập.  Ngài được cử giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính.  Trong hiến chương của Giáo hội có ghi: Những đồng bào Phật tử Bắc Việt di cư được thành lập một miền trong Giáo hội mệnh danh miền Vĩnh Nghiêm.  Do đó, Ngài được bầu làm Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm.  

Ngày 1tháng 7năm 1964, Ngài được Giáo hội ủy cử đảm trách chức vụ Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo.  Cuối năm 1964, thực hiện giấc mộng hằng ôm ấp từ lâu là tạo lập cho thanh niên Việt Nam có một thể lực tự vệ, thể hiện ý chí kiên cường của thế hệ trẻ có đủ ba đức Bi Trí Dũng, Ngài thành lập viện Nhu đạo Quang Trung, đào tạo được hàng trăm nghìn thanh niên đủ các đẳng cấp đai, mà dư  âm của trường Nhu đạo này còn vang đến ngày nay trên các võ đài quốc gia cũng như quốc tế.

Với hoài bão Phật giáo cần có cơ sở hạ tầng đúng với tầm vóc, Ngài muốn xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành một đại tòng lâm Phật giáo giữa một thành phố lớn vào bậc nhất cả nước, thành một Trung tâm văn hóa Phật giáo và một Trung du lịch.  Trước hết Ngài cho tiến hành xây ngôi bảo tháp 9 tầng, vươn cao giữa bầu trời Sài Gòn.  Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài đã viên tịch, rồi tiếp theo các biến cố của thời cuộc, nên công việc phải đình lại.

Ở cương vị đại hiện miền Vĩnh Nghiêm, Ngài đã chủ xướng và vận động thập phương tín hữu phát tâm cúng dường, xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, là ngôi chùa lớn và đẹp Nhất Sài Gòn, mà ngày nay du khách trong và ngoài nước thường đến tham quan lễ bái công trình văn hóa tín ngưỡng này.  Và cũng để cho những Phật tử quê hương ở miền Bắc có điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng theo truyền thống văn hóa nghi lễ đặc thù, ngôi chùa này đã trở thành Tổ đình của Tăng Ni Phật tử đất Bắc ở tại miền Nam.

Trong lúc các Phật sự được tiến triển một cách tốt đẹp, thì một cơn bệnh vô thường chợt đến, mặc dầu các Bác sĩ trong và ngoài nước đem hết tài năng và phương tiện hiện đại ra tận tình chữa trị, nhưng chiếc xe hữu tình vẫn cứ lăn nhanh về nơi tịch cảnh.  Ngài viên tịch vào ngày 20 tháng 10 năm Quý Sửu, tức ngày 15-11-1973.  Nhục thân của Ngài đã được an táng tại nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh .

Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm (1921 – 2000)

          Đệ Nhị Khai Sơn Tổ Đình Vĩnh Nghiêm

I/ Thân thế:

Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23/12/1921 (Tân Dậu), tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Cụ Ông Vũ Đức Khanh, thân mẫu là Cụ Bà Đỗ Thị Thinh. Hoà thượng có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.

II/ Thời kỳ xuất gia tu học:

Khi lên 6 tuổi, Hoà Thượng được song thân cho theo học chữ Hán với các cụ đồ tại địa phương. Năm 15 tuổi, hạt giống xuất trần phát triển, khi nhân duyên hội đủ, Hòa Thượng đã noi gương chị gái là Sư Bà Đàm Hữu, phát tâm xuất gia đầu Phật với sư cụ Chùa Linh Đường. Về sau xin cầu Pháp ý chỉ với Hòa Thượng Thích Thanh Khoát trụ trì chùa Bạch Chư, Phú Yên , tỉnh Vĩnh Phú.

Năm lên 18 tuổi, Hòa Thượng được Bổn sư cho Đăng đàn thụ giới Sa Di tại chốn Tổ Trung Hậu.

Sau khi thụ giới sa di, năm 19 tuổi, để mở mang kiến thức Phật học, làm tư lương tiến tu hành đạo. Hòa Thượng đã lần lượt theo học với các chốn Tổ: Tổ Giám Cồn, và Hòa Thượng Thanh Thuyên chùa Cao Phong .

Năm 22 tuổi, để viên mãn Tam đàn giới pháp, Hòa Thượng được Bổn sư cho thọ giới Tỳ Khưu tại chốn Tổ Trung Hậu, tỉnh Vĩnh Phú. Trong thời gian lưu học tại Quán Sứ, Bồ Đề, Hòa Thượng đã hoàn tất chương trình Cao Đẳng Phật Học với các huynh đệ đồng môn như Cố Hòa Thượng Tâm Giác .v.v…

Trong phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, các Giáo hội được thành lập, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt là hậu thân của Giáo Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt do Cố Hòa Thượng Tố Liên khởi xướng.

Năm 1953 – 1954, Hòa Thượng được cử làm Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt. Năm 1954, trong chương trình đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, Hội An Nam Phật Học và Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, đã cử Hòa Thượng sang du học tại Nhật Bản với Cố Hòa Thượng Thích Tâm Giác. Trong thời gian lưu học tại Đại Học Đường Rissho, Hòa Thượng lần lượt:

-         Năm 1959 thi đậu bằng Cử Nhân Phật Học.

-         Năm 1961 đậu bằng Tiến sĩ Phật Học.

III/ Thời kỳ hóa Đạo:

Sau khi tốt nghiệp, năm 1962 Hòa Thượng trở về quê hương để phục vụ Đạo pháp. Năm 1963 trong phong trào đấu tranh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Hòa Thượng đã cùng quý Hòa thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử đấu tranh tích cực cho đến khi Cách mạng thành công.

Sau ngày 11/11/1963, Cách mạng thành công, Phật giáo được thoát nạn. Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo được tổ chức, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Hòa thượng được cử làm Vụ Trưởng phiên dịch thuộc Tổng Vụ hoằng pháp, do Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ làm Tổng Vụ Trưởng.

Từ 1964 đến 1971, Hòa Thượng đã cùng Hòa Thượng Tâm Giác và chư Tăng Ni, Phật tử miền Vĩnh Nghiêm, hổ trợ xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm để làm trụ sở cho Miền, và đã hoàn thành một cách trang nghiêm tú lệ như ngày hôm nay.

 Kể từ năm 1973, sau khi Hòa Thượng Tâm Giác, Chánh Đại diện Miền Vĩnh Nghiêm, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm viên tịch, Hòa Thượng đã được Giáo Hội và Miền cũng như môn phái Vĩnh Nghiêm suy cử làm Chánh Đại diện kiêm Trụ Trì chốn Tổ Đình Vĩnh Nghiêm cho đến ngày viên tịch.

Sau năm 1975, trải qua một thời gian khó khăn ngắn, Hoà Thượng vẫn tiếp tục trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm, một ngôi chùa lớn nhất ở Saigon, Việt Nam. Dù ở trong thời thế nào, Hoà Thượng luôn luôn đặt trọng tâm vào việc phát triển Đạo Pháp lên trên hết.

 Vào năm 1987, Hoà Thượng đã tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm trường Cơ Bản Phật Học để chư Tăng Ni sinh và chư Tăng trong môn phái về tu học thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ.

 Nhận thấy sau một cuộc chiến tranh dài và vì ý thức hệ chính trị nên nền Phật Giáo tại miền Bắc có phần suy yếu, Hòa Thượng đã chú trọng rất nhiều vào việc chấn hưng Phật Giáo ở miền Bắc trên phương diện nhân sự. Hòa Thượng đã tuyển vài khóa tăng sinh từ miền Bắc để vào Nam (Chùa Vĩnh Nghiêm) tu học. Sau đó, vì nhận thấy có nhiều điều bất tiện trong việc di chuyển, nên Hòa Thượng phối hợp với chư Tăng miền Bắc tổ chức ngay tại làng Đại Mỗ tỉnh Hà Tây một trường Trung Cấp Phật Học, đồng thời tiến tới việc thành lập Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Với trình độ Phật uyên thâm, quảng bác, quán thông, Hòa Thượng đã tham gia rất nhiều vào công tác giảng dạy, giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, Ngài đảm nhiệm làm giáo sư Viện Cao Đẳng Phật học, Đại học Vạn Hạnh, Trường Cao cấp Phật học, Viện phó Học Viện Phật giáo Việt Nam.v.v…

Qua giới đức trang nghiêm, thanh tịnh mô phạm chốn Tòng lâm, nên từ những thập niên 1960, Hòa Thượng đã được thỉnh làm Giới sư, Thập sư, Chứng Minh truyền giới trong các Giới đàn.

Năm 1964 Tôn Chứng Tăng Già.

Năm 1967 – 1972 làm Giáo Thọ Đại Giới Đàn Vĩnh Nghiêm.

Năm 1984 – 1998 làm Tuyên Luật Sư kiêm Giáo thọ Đại Giới Đàn Thiện Hòa, do Giáo Hội tổ chức .

Tại Sóc Trăng, trong Đàn Bửu lai, Hòa Thượng được cung thỉnh làm Đàn Đầu Hòa Thượng. Tại An Giang, Hòa Thượng làm Đàn Đầu Hòa Thượng. Tại Bà Rịa, Vũng Tàu, trong Giới đàn Thiện Hòa, Hòa Thượng được cử làm Yết Ma A Xà Lê. Tại Đồng Nai và Lâm Đồng, Hòa Thượng được cung thỉnh làm Tuyên Luật Sư và Yết Ma A Xà Lê, để truyền giới cho các Giới tử.

Để đền đáp công ơn Thầy Tổ và trang nghiêm ngôi Tam Bảo, Hòa Thượng đã cùng Sơn môn Pháp phái nỗ lực trùng tu chốn Tổ Trung Hậu Tổ Vĩnh phú được hoàn thành, trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở Phật giáo tại địa phương và của Giáo Hội Phật Giáo Việt nam.

Ngoài ra, Hoà Thượng cũng còn chú trọng vào việc dạy dỗ các thanh niên Phật Tử. Từ thập niên 50, Hòa Thượng đã đảm trách Cố vấn giáo hạnh tổ chức Gia Đình Phật tử thuộc Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt tại chùa Quán Sứ Hà Nội cho đến ngày hôm nay là Gia Đình Phật Tử tổ đình Vĩnh Nghiêm. Trong hơn 40 năm qua, một số các thành viên Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm đã trở nên những anh tài ưu tú ở trong và ngoài nước, âu đó cũng là nhờ thiền đức của Hoà Thượng.

Đối với công đức của Hòa Thượng đã hiến dâng trọn đời cho đạo pháp và chúng sinh cũng như xã hội, Hoà Thượng đã được toàn thể chư Tăng và Phật Tử trong và ngoài nước ngưỡng mộ quý mến.

IV/ Thời kỳ viên tịch:

Những tưởng Hòa Thượng trên bước đường phục vụ Đạo pháp và chúng sinh, còn tiếp đóng góp nhiều hơn nữa. Vào ngày 26/12/2000 Hòa Thượng lâm bệnh bất thường, mặc dù đã được tận tình chữa trị, nhưng không thuyên giảm. Thế rồi, Hòa Thượng đã thuận lý vô thường, thúc thân an nhiên thị tịch vào lúc 1:30 ngày 30 tháng 12 năm 2000 nhằm ngày 5 tháng 12 Canh Thìn. Trụ thế 80 năm. Hạ lạp 58 năm.

Hòa Thượng đã từ bỏ huyễn thân, trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Ngài vẫn còn lưu lại thế gian, trong tâm tư ký ức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cũng như trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

Thật là một sự mất mát lớn cho Phật Giáo Việt Nam ngày nay vậy! 

Bên phải Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát là:

               Bàn Thờ các Chư Vị Hương Linh

Hiện nay đang thờ chư vị Hương Linh là Ông, Bà, Cha, Mẹ, Anh, Chị, Em, Con của Phật Tử Chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch