Xưa nay trong dân gian thường tồn tại quan niệm: “Mọi việc tốt xấu của
con người đều đã được một đấng thần linh tối cao (ông trời, thượng đế)
quyết định, số mệnh thế nào phải chịu thế ấy, không thể nào thay đổi.”
Nói cách khác, nếu ông trời muốn ai phải chết thì người đó không thể
sống; ông trời muốn ai nghèo khó thì người đó làm lụng vất vả thế nào
cũng không đủ cơm ăn, áo mặc. Do đó, người dân sinh ra tín ngưỡng thần
linh, thờ cúng thánh thần, cầu gia hộ cho mùa màng tươi tốt, khỏe mạnh,
mua may bán đắt, phát tài, công danh sự nghiệp...
Nhưng thực tế đúng vậy không? Kỳ thật, dưới tuệ nhãn của nhà Phật thì
hoàn toàn không phải vậy. Đạo Phật dạy rằng mọi việc tốt xấu, lành dữ
của mỗi chúng ta đều là do chính mình tự làm tự chịu, không một đấng
thần linh nào có thể ban phước, giáng họa cho ta cả!
Vấn đề này được nhà Phật soi rọi bằng định luật nhân quả. Nghĩa là, gieo
nhân lành chắc chắn sẽ được hưởng quả lành; còn ngược lại, gieo nhân xấu
chắc chắn sẽ phải gặt quả xấu. Đây là một sự thật hết sức hiển nhiên,
được chứng minh qua vô số sự kiện đã từng xảy ra trong thực tế. Không
một đấng thượng đế hay thần linh nào có khả năng làm trái lại định luật
này.
Những câu chuyện cổ đầy tính giáo dục như “Nghiệp lành nghiệp dữ” và
nhiều chuyện khác trong tập sách nhỏ này sẽ giúp người đọc củng cố niềm
tin vào giáo lý nhân quả, cũng như cho thấy những hiệu quả luân lý đạo
đức vô cùng tích cực của giáo lý này, luôn giúp con người giữ vững đức
tự tin trong mọi hoàn cảnh và không ngừng nỗ lực vươn lên hướng thiện.
Từ xưa đến nay, Đạo Phật luôn khẳng định rằng “số mạng là do mỗi người
tự tạo, phước đức đều do chính mình tự cầu.” Như vậy, kẻ làm việc xấu ác
tự nhiên sẽ mất phước đức, người tu tập điều lành tự nhiên sẽ có phước
đức. Chỉ cần chúng ta biết cố gắng làm việc lành thì số mạng không thể
trói buộc được mình, những điều tốt đẹp tự nhiên sẽ đến.
Cho nên, chúng ta có thể quả quyết rằng vận mạng của mỗi người đều có
thể sửa đổi, đơn giản chỉ bằng cách “không làm các việc ác, vâng làm các
việc lành, giữ tâm ý trong sạch”.[1]
Bởi vì tất cả
ruộng phước đều ở ngay trong tâm của mỗi chúng ta. Phước không lìa xa
tâm, ngoài tâm không có ruộng phước nào để tìm cầu. Cho nên, trồng
phước, gieo họa thảy đều do ở tự tâm mình.
Hy vọng tập sách nhỏ này sẽ giúp mọi người phá tan được tư tưởng đổ lỗi
cho số phận, luôn dũng mãnh tinh tấn vươn lên, bởi vận mạng thật ra bao
giờ cũng nằm trong chính bàn tay tạo dựng của mỗi chúng ta.
Sài Gòn, Rằm tháng Tư, Mậu Tí (2008)
Đạo Quang cẩn chí