Có hai vợ chồng anh đồ tể kia, có được cuộc sống rất sung túc, hạnh
phúc. Sau đó, họ sinh được một đứa con trai dung mạo tuấn tú, mọi người
ai thấy cũng thương yêu.
Đứa bé lớn lên, không những hiếu thuận mà còn rất tài giỏi. Lúc cha mẹ
tỏ ý hy vọng cậu sẽ kế tục nghề đồ tể của cha, cậu liền khước từ thưa:
– Thưa cha mẹ! Không biết con sống chết lúc nào, lẽ nào con lại đồng ý
sát sinh sao?
Người mẹ nghe con cự tuyệt liền nói với chồng:
– Con đã nói như vậy thì không nên miễn cưỡng nó làm gì. Vả lại, đồ tể
cũng chẳng phải là nghề tốt, thôi đừng để nó phải tạo nghiệp. Công việc
này có thể nhờ người khác giúp đỡ, hãy cho nó được tùy ý chọn lựa!
Nhờ cha mẹ cậu là người thấu tình đạt lý, nên cậu không bị ép buộc phải
nối nghiệp cha, có thể theo đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn xuất gia tu tập,
tinh tấn thực hành giáo pháp giải thoát của Phật-đà. Cuối cùng, cậu đoạn
trừ được tất cả phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Sau đó, cậu trở về nhà thuyết giảng Phật pháp, khuyên cha mẹ bỏ nghề sát
sinh. Hai vợ chồng đồ tể đều nguyện không làm việc ác nữa, quay về nương
tựa Ba ngôi báu, thọ trì Năm giới, siêng năng tu hạnh bố thí. Từ đó, tài
sản của nhà họ ngày một nhiều thêm, lúc nào cũng hoan hỷ thực hành bố
thí.
Chúng tỳ-kheo thấy vậy vô cùng thắc mắc, liền thưa hỏi đức Thế Tôn:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vị tỳ-kheo này do nhân duyên gì mà sinh trong
gia đình đồ tể giàu có? Tuy sinh trong gia đình làm nghề giết mổ, song
thầy ấy lại không chịu nối nghiệp cha, ngược lại được xuất gia, tu tập
giáo pháp giải thoát của đức Như Lai, chứng đắc thánh quả? Xin Ngài hãy
thương tưởng chúng con, nói rõ nhân duyên đời trước của thầy tỳ-kheo
này.
Đức Như Lai từ hòa nói với chúng tỳ-kheo:
– Đây đều là do nguyện lực của đời trước. Rất lâu xa về trước, có một
đoàn thợ săn đang cùng nhau ăn uống trong rừng, lúc đó có vị Độc Giác
đến hóa duyên. Trong số họ có một người thấy vị Độc Giác liền sinh tâm
vui mừng, lập tức đến dâng cúng rất nhiều thực phẩm. Vị Độc Giác im lặng
thọ nhận đồ cúng, rồi dùng thân mình thị hiện truyền thọ Phật pháp, sau
đó bay lên không trung biến mất.
Người thợ săn cúng dường tận mắt chứng kiến việc này, càng sinh tâm hoan
hỉ, liền phát nguyện: “Nhờ công đức cúng dường hôm nay, xin nguyện cho
con đời đời kiếp kiếp được sinh vào gia đình giàu có, nhưng không tạo
bất kỳ nghiệp xấu gì, mà còn được ở nơi của vị tôn giả thù thắng Độc
Giác này, xuất gia tu học, chứng quả giải thoát.”
Người thợ săn thuở đó, nay chính là thầy tỳ-kheo này, do nghiệp làm thợ
săn nên phải sinh ra trong nhà đồ tể, nhưng nhờ nguyện lực nên không rơi
vào nghiệp đồ tể; còn vị tôn giả thù thắng Độc Giác xưa kia không phải
ai xa lạ, chính là ta ngày nay. Do nhân duyên nguyện lực thành thục nên
đời này tỳ-kheo ấy được xuất gia tu tập theo giáo pháp giải thoát và
chứng đắc thánh quả.