Lúc đức Như Lai cùng tăng đoàn trú tại vườn Kỳ thọ Cấp-cô-độc, có một
chàng thanh niên thường xuyên đến nghe đức Như Lai thuyết giảng giáo
pháp giải thoát.
Một hôm, chàng thanh niên mặt mày ủ rũ, nhìn chăm chăm vào đức Như Lai
mà hai dòng lệ không ngừng tuôn chảy.
Đức Phật thấy vậy, từ bi hỏi:
– Con làm sao vậy? Đã xảy ra chuyện gì à?
– Bạch đức Thế Tôn! Cha con bị bệnh và đã qua đời, con buồn quá! Cha con
là người rất tốt, vậy tại sao không được trường thọ chứ?
Đức Phật từ bi hỏi:
– Chẳng phải là con vẫn thường xuyên đến nghe giảng kinh, thuyết pháp đó
sao?
– Bạch đức Thế Tôn! Đúng là như vậy, mỗi lần Ngài giảng kinh, con đều
đến nghe.
– Đã vậy, chắc con đã từng nghe ta giảng dạy đạo lý sinh già bệnh chết,
cuộc sống vô thường.
– Những điều này con đều biết! Nhưng cha con còn rất trẻ mà!
Chàng thanh niên càng khóc lớn hơn. Đức Phật chậm rãi giải thích:
– Sự dài ngắn của sinh mạng không phải tính theo số tuổi, mà tùy theo
duyên nghiệp với nhân gian.
Chàng thanh niên lại thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Sau khi cha con mất đi sẽ được sinh lên cõi
trời hay đọa xuống địa ngục? Xin Ngài từ bi gia trì cho cha con, giúp
ông ta được sinh về cõi trời, bằng không con thật không thể yên tâm!
Lúc này, dù đức Như Lai biết là có giải thích thêm nhiều đạo lý khác
cũng đều không có tác dụng, vì nỗi buồn đau mất cha đã chiếm trọn trái
tim và khối óc của chàng thanh niên tội nghiệp kia rồi. Đức Phật liền
dạy:
– Thật khó mà có được người con hiếu thuận như con. Được, ta hứa sẽ gia
trì cho cha con, nhưng con phải làm theo sự hướng dẫn của ta.
Chàng thanh niên trả lời một cách hết sức vui mừng:
– Vâng, con xin làm theo tất cả những gì đức Như Lai chỉ dạy..
Đức Phật bảo anh ta đem đến hai cái bình, một cái rót đầy dầu, còn một
cái bỏ đá vào. Sau đó Ngài nói:
– Tốt rồi! Bây giờ chúng ta hãy đi ra bờ sông, con mau gọi những người
thân và hàng xóm cùng đi.
Người thanh niên rất vui mừng triệu tập tất cả bà con, bạn bè, hàng xóm
cùng đi ra bờ sông. Đức Phật liền bảo chàng trai ném cả hai cái bình
xuống sông, sau đó đập vỡ chúng ra. Cái bình bỏ đá sau khi bị đập vỡ, đá
và mảnh sành lập tức bị chìm xuống nước; còn bình chứa dầu, tuy mảnh
sành bị chìm xuống nước nhưng dầu lại nổi lên trên.
Sau đó, Đức Như Lai bảo người thanh niên hiếu thảo và mọi người xung
quanh hãy chí thành cầu nguyện cho dầu chìm xuống, đá nổi lên.
Mọi người nghe xong cảm thấy kỳ lạ hết sức, bởi vì họ biết cho dù có cầu
nguyện thế nào cũng không thể làm đá nổi lên, dầu chìm xuống.
Đức Như Lai thấy mọi người bàn luận xôn xao, liền mỉm cười nói:
– Người làm việc lành giống như đổ dầu vào bình, người tạo nghiệp ác
giống như bỏ đá vào bình. Khi kết thúc mạng sống, nghiệp lành sẽ được
vãng sinh đi lên, nghiệp xấu thì bị trầm luân đau khổ, đây là sự thật
không thể nào sửa đổi, không thể dựa vào sự gia trì hay cầu nguyện của
người khác mà được vãng sinh về thế giới tốt đẹp, an lành; cũng giống
như đá không thể nào dựa vào sự cầu nguyện mà có thể nổi lên mặt nước
được.
Con người sau khi chết đi về nơi nào, hoàn toàn do nơi những việc làm
của người đó khi còn sống. Cho nên chúng ta cần phải có thái độ thận
trọng trong mọi việc làm của mình, khi khởi tâm, lời nói và hành động cử
chỉ đều phải theo việc lành, bỏ việc ác.