Miền nam Ấn Độ có một người phụ nữ hiền lành, thông minh, tên là Ngân
Sắc. Nàng không chỉ có phẩm cách diện mạo đoan trang, đối xử với mọi
người hết sức thân thiết, lại còn là một người phụ nữ trí tuệ, dũng
mãnh.
Lần nọ, trên đường từ phương xa trở về nhà, Ngân Sắc gặp một người phụ
nữ bần cùng ôm đứa con thơ vừa mới sinh, mắt mở không ra, dường như vô
cùng mỏi mệt. Thấy tình cảnh thương tâm như vậy, nàng liền đến hỏi:
– Này cô! Cô muốn gì? Cô đang gặp khó khăn gì?
Người sản phụ mệt mỏi nói:
– Đã mấy ngày nay tôi chưa có hạt cơm nào trong bụng, đói sắp chết rồi.
Tôi đang định ăn đứa bé này cho đỡ đói.
Nàng Ngân Sắc vừa nghe liền ngăn cản:
– Không được, không được! Cô không nên làm thế. Chẳng lẽ trong nhà cô
không còn gì để ăn sao?
Người sản phụ đáp:
– Không có gì cả! Tôi nghĩ có lẽ đời trước mình phạm tội tham lam, bủn
xỉn nên đời này mới phải chịu báo ứng. Hiện trong nhà không có gì để ăn
được cả.Nàng Ngân Sắc nói:
– Thế thì cô hãy gắng chịu đựng một chút, tôi lập tức về nhà mang thức
ăn đến cho cô.
Nàng Ngân Sắc vừa nói xong, liền quay lưng đứng dậy đi, nhưng người sản
phụ thở dài nói:
– Ôi! Bà chị tốt bụng ơi! Bây giờ tôi đói đến nỗi ù tai hoa mắt, đợi chị
về nhà mang thức ăn đến chắc tôi đã chết rồi.
Nàng Ngân Sắc nghe cô ta nói vậy, liền dừng bước, nghĩ bụng: “Nếu bây
giờ mình không về nhà lấy thức ăn cho cô ta ăn, nhất định cô ta sẽ chết
đói; nhưng nếu mình đi về nhà lấy, nhất định đứa bé này ở đây sẽ
bị cô ta ăn mất. Mình phải làm thế nào đây? Mình phải hy sinh để cứu
sống hai sinh mạng này!”
Nàng Ngân Sắc liền hỏi cô ta:
– Trong nhà có dao không?
Người sản phụ đưa cánh tay nặng nề, chỉ chỗ để dao. Nàng Ngân Sắc nhìn
thấy con dao bén ngọt, liền rút ra, cắt ngay hai bầu vú của mình đưa cho
người sản phụ, bảo rằng:
– Cô hãy ăn tạm chút thịt này, nhất định không được ăn đứa bé. Đứa bé
này là một phần thân thể của tôi, bây giờ tôi tạm gửi nó nơi đây, tôi sẽ
về nhà lấy thức ăn đem đến, để cô và nó đều khỏi phải chịu đói khổ.
Nàng Ngân Sắc về nhà, người nhà thấy cô máu me đầy người, vô cùng kinh
ngạc hỏi:
– Ai đã hại em ra nông nỗi này?
Ngân Sắc đáp:
– Không ai hại em cả, là do em tự làm. Vì em phát tâm Bồ-đề, chịu đựng
đau đớn cắt bầu vú của mình cho một người sản phụ ăn, nhờ đó đã cứu được
một đứa trẻ vừa mới chào đời. Tuy em cắt hai bầu vú của mình, song đã
cứu được hai sinh mạng đang đứng trên bờ vực của tử thần.
– Em làm như vậy không thấy hối hận hoặc đau đớn hay sao?
Nàng Ngân Sắc đáp:
– Việc em tự nguyện cắt hai bầu vú là xuất phát từ tâm hoan hỷ, làm sao
có thể hối hận hay khổ não được chứ?
Chuyện này chẳng mấy chốc được lan truyền đi khắp nơi, ngay cả vua trời
Đế-thích cũng biết được. Ông ta nghĩ: “Vì cứu người mà nàng Ngân Sắc này
làm được việc rất khó làm như vậy, ta phải thử xem lòng từ bi của nàng
ta như thế nào.”
Thế là, vua trời Đế-thích hóa hiện làm một người bà-la-môn chống gậy đến
nhà nàng Ngân Sắc xin thức ăn. Nàng Ngân Sắc vừa thấy ông liền đem rất
nhiều vật thực ra cho. Vua trời Đế-thích thấy nàng Ngân Sắc đem vật thực
ra, liền hỏi:
– Ta nghe nói nàng tự tay cắt bầu vú của mình để cứu sống hai mẹ con cô
độc đói khổ. Nàng làm như vậy là vì cái gì?
Ngân Sắc đáp:
– Tôi làm vậy là vì đã phát tâm đại từ bi, cầu đạo Vô thượng.
Vua Đế-thích nói:
– Phát tâm Bồ-đề là việc hết sức khó khăn. Nếu như sau khi bố thí lại
sinh tâm hối hận thì chẳng có công đức gì cả, ngược lại còn mang tội.
Lúc nàng bố thí, nàng có vui vẻ không? Hay là có ý niệm gì khác không?
Ngân Sắc nói ngay:
– Sau khi tôi cắt hai bầu vú, quả thật hoàn toàn không có chút hối hận.
Rồi cô lại dũng mãnh phát nguyện:
– Nếu như trong tâm tôi khi ấy thật không có ý niệm nào khác, nguyện
rằng tôi sẽ chuyển được thân nữ thành thân nam.
Vua trời Đế-thích nghe xong, trong lòng vô cùng kính phục nàng. Nàng
Ngân Sắc vừa phát nguyện xong, quả nhiên liền chuyển từ thân nữ thành
thân nam.
Nàng Ngân Sắc chuyển thành thân nam, trong lòng vô cùng vui mừng, ngày
hôm sau liền lên đường đi chu du khắp nơi.
Đúng lúc đó, đột nhiên quốc vương lâm trọng bệnh và qua đời. Nhưng quốc
vương không có con trai, các vị đại thần liền cùng nhau đi khắp nơi để
tìm người có trí tuệ, phước đức về tôn lên ngôi vua.
Hôm đó, khi họ đến một gốc cây lớn, nhìn thấy chàng Ngân Sắc tướng mạo
phi phàm, oai nghi đầy đủ, đang nằm ngủ say. Mọi người vừa nhìn thấy
dáng vẻ uy nghiêm của chàng đều tự nhiên sinh lòng kính trọng, tất cả
không ai bảo ai mà đều cùng đến đứng hầu xung quanh.
Đợi khi Ngân Sắc tỉnh dậy, mọi người liền cung kính đưa chàng lên xe,
thẳng về cung điện ở kinh thành, cung thỉnh chàng mặc long bào ngồi lên
ngôi vị thiên tử, trị vì đất nước.
Đến lúc này Ngân Sắc mới biết là mọi người muốn chàng lên ngôi vua,
chàng liền nói với họ:
– Thật sự tôi không thể làm quốc vương.
Nhưng bất luận chàng nói thế nào, các vị đại thần cũng nhất quyết suy
tôn chàng làm vua. Cuối cùng, chàng không thể khước từ, chỉ còn cách
đồng ý. Khi mọi người cùng tụ tập đến chúc mừng, chàng nói:
– Tôi có thể chiều theo ý mọi người lên ngôi vua, nhưng mọi người phải
hứa cố gắng thực hành Mười điều lành, từ bỏ Mười điều ác. Được như vậy
tôi mới có thể đứng ra trị vì đất nước!
Tất cả mọi người đều đồng thanh đáp:
– Xin nghe theo lệnh quốc vương!
Từ đó, nhân dân trong cả nước đều thực hành Mười điều lành, dứt bỏ Mười
điều ác, đất nước được thái bình, thịnh vượng, nhân dân sống trong cảnh
ấm no, an lạc.