Vô số kiếp về trước, có người bà-la-môn cưới được người vợ tên là Liên
Hoa. Nàng được mọi người ngợi khen là sắc nước hương trời, vì nhan sắc
của nàng quả thật là xưa nay hiếm có.
Nàng Liên Hoa không chỉ xinh đẹp ở bề ngoài, mà tính nết cũng hết sức
dịu dàng, tâm địa tốt đẹp, hiền từ, thông minh, biết lễ nghĩa. Nhưng
không hiểu vì sao, người bà-la-môn ấy không yêu thương vợ mình, ngược
lại còn tằng tịu với người hầu gái trong nhà.
Hai người ấy ngày càng lộng hành, công khai âu yếm, làm cho Liên Hoa
không thể nào chịu đựng được sự ghen hờn. Cô giận lắm nhưng không làm
được gì, chỉ biết bày tỏ qua vẻ mặt lạnh lùng, bực tức. Nhìn thấy bộ mặt
giận dỗi của Liên Hoa, hai người họ bèn nghĩ trăm phương ngàn kế để tống
cô ra khỏi nhà càng sớm càng tốt.
Một hôm nọ, người bà-la-môn dùng lời ngon ngọt dối gạt Liên Hoa, nói sẽ
đưa cô lên núi thăm chơi ngắm cảnh. Liên Hoa tin ngay, cho rằng chồng
mình đã hồi tâm chuyển ý, liền đi theo chồng lên núi.
Đang đi, họ thấy có một cây ưu-đàm-bát rất sai trái, hương thơm ngào
ngạt làm say lòng người. Ngay lập tức, người bà-la-môn liền trèo lên cây
hái những trái chín mọng, ăn một cách ngon lành, rồi hái vài trái còn
xanh, chua lét để đưa cho Liên Hoa. Cô hỏi:
– Chàng ăn toàn trái chín ngọt, sao lại cho thiếp toàn trái xanh, chua
lét như thế này?
Chồng cô nói với giọng thách đố:
– Chẳng lẽ cô không có tay chân, không thể tự leo lên hái trái chín để
ăn hay sao?
Liên Hoa vẫn thật thà đáp lại:
– Chàng không hái cho thiếp trái chín, thiếp sẽ phải tự leo lên hái vậy.
Nói vừa dứt lời, cô liền leo lên cây.
Người bà-la-môn thấy Liên Hoa đã leo lên cây, cho rằng cơ hội đã đến,
nhanh như chớp, ông tuột xuống đất, tìm gai góc kéo đến chất đầy gốc cây
ưu-đàm-bát. Thấy thế, Liên Hoa vội hỏi:
– Chàng đang làm gì vậy? Như vậy làm sao thiếp xuống được?
Người bà-la-môn chẳng nói chẳng rằng. Khi thấy gai đã che kín một vùng
đất lớn xung quanh cây ưu-đàm-bát, ông liền quay lưng bỏ đi, trong lòng
thầm đắc ý: “Lần này chắc chắn cô ta sẽ bị chết khô trên cây, ta đã nhổ
được cây gai trong mắt rồi.”
Liên Hoa bị nhốt trên cây, mắt nhìn trân trân theo chồng. Cô chợt hiểu
ra rằng không phải chồng cô đùa với mình, vì chàng đã bỏ đi thật rồi. Cô
nằm mơ cũng không dám ngờ rằng chồng mình lại đối xử với mình bằng tâm
địa lang sói như vậy. Lúc đó, cô mới bắt đầu than khóc kêu gào, nhưng
núi rừng hoang vắng chẳng có ai nghe được để đáp lời. Đến khi không còn
đủ sức kêu gào nữa, cô ôm mặt khóc nức nở không thành tiếng.
Ngay lúc ấy, bỗng đâu có tiếng người và tiếng vó ngựa, càng lúc càng đến
gần. Thì ra là vị quốc vương dẫn các đại thần và võ sĩ vào núi săn bắn,
vô tình đi qua chỗ cô bị nạn. Quốc vương nhìn thấy một cô gái đang ngồi
khóc trên cây, dưới gốc có cả đống cây gai, cảm thấy lạ quá, liền sai
người dọn sạch gai, đỡ cô xuống. Quốc vương hỏi:
– Nàng là ai? Từ đâu đến đây? Tại sao lại trèo lên cây ngồi khóc? Chẳng
lẽ có kẻ ác tâm tạo bẫy này để hại nàng sao?
Liên Hoa vừa khóc vừa trình bày rõ chuyện chồng mình dan díu với người
hầu gái, và cả chuyện mình bị lừa nữa.
Quốc vương thấy nhan sắc của Liên Hoa quá khả ái, liền đem lòng yêu cô,
thầm nghĩ: “Trên đời này sao lại có người lòng lang dạ sói như thế, nỡ
đem một người vợ xinh đẹp hiền lành thế này bỏ đi, lại còn muốn hại cho
cô chết.” Quốc vương liền rước Liên Hoa về cung.
Sau khi về cung, quốc vương nhận ra rằng Liên Hoa không những xinh đẹp,
khả ái mà còn hết sức thông minh, ăn nói hoạt bát, tài biện luận hơn
người, kiến thức sâu rộng, gặp chuyện đều có thể phân tích rõ ràng mạch
lạc. Không chỉ như vậy, cô còn đặc biệt tinh thông các loại cờ. Những
người giỏi chơi cờ nhất trong cung khi thi đấu với cô cũng không ai
thắng được, dù chỉ một ván.
Càng ngày, quốc vương càng yêu thương cô, tình yêu đó không bút mực nào
tả xiết. Chẳng bao lâu sau liền phong cô làm vương hậu. Tiếng đồn về tài
đánh cờ của vương hậu Liên Hoa truyền nhanh ra khắp nơi, không những
người dân trong nước, mà cả ở nước ngoài cũng nghe biết đến, những người
giỏi cờ khắp nơi đều tìm đến xin được một lần thỉnh giáo.
Nói về người bà-la-môn kia, khi nghe biết được việc này liền thầm nghĩ:
“Vương hậu Liên Hoa này có tài đánh cờ cao siêu, người lại xinh đẹp,
chẳng phải là vợ trước đây của mình hay sao? Thôi đúng rồi, Liên Hoa
trước đây rất tinh thông các loại cờ.” Nhưng rồi ông ta lại nghĩ: “Không
thể nào, Liên Hoa vợ mình đã bỏ xác trên núi cao rồi, làm sao còn sống
được. Đây chắc hẳn chỉ là sự trùng hợp tình cờ mà thôi.”
Vì người bà-la-môn này cùng với cô hầu gái suốt ngày chỉ biết ăn chơi,
lười nhác công việc, nên gia đình ngày càng suy sụp, lâm vào cảnh nghèo
đói.
Người bà-la-môn tự tin vào tài đánh cờ của mình rất ít người qua được.
Ông nghĩ: “Chỉ cần dùng tài đánh cờ của ta, đánh thắng được hoàng hậu
nổi tiếng kia thì lo gì không được giàu có.”
Thế là ông liền bán hết ruộng vườn, nhà cửa. Nói chung, những gì có thể
bán được ông đều đem bán hết để có tiền đi đường, vội vàng lên đến hoàng
cung xin gặp quốc vương, đưa ra lời thách đấu cờ với hoàng hậu. Đương
nhiên, quốc vương không thể từ chối.
Người hầu liền bẩm báo tướng mạo cùng tuổi tác của người bà-la-môn cho
hoàng hậu biết. Vừa nghe qua, cô đã đoán biết ngay người ấy nhất định là
chồng cũ của mình.
Hoàng hậu vừa bước ra, người bà-la-môn không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc,
vì quả thật hoàng hậu chính là Liên Hoa, người đã bị ông ruồng bỏ và mưu
hại. Hơn ai hết, ông biết tài đánh cờ của Liên Hoa còn cao hơn ông
nhiều, nhưng đã lỡ rồi biết làm sao đây? Muốn rút lui cũng không kịp nữa
rồi, chỉ còn cách đánh liều ngồi xuống, chuẩn bị thi đấu.
Khi người bà-la-môn bắt đầu di chuyển quân cờ, lòng ông sắp đặt nhiều âm
mưu, quỷ kế. Ông nghĩ: “Cô ấy với ta đã từng là vợ chồng. Chỉ cần làm
cho cô ấy nhớ đến tình xưa nghĩa cũ, nhất định sẽ nương tay nhường cho
ta thắng.” Nghĩ là làm, ông ta bắt đầu giở giọng ngon ngọt:
– Đã lâu không gặp, trông nàng ngày càng đẹp hơn. Suối tóc của nàng dài
và mềm mại hơn, lông my cong cong chẳng khác nào các mỹ nhân trong
tranh, thật tiên nữ cũng không sánh bằng. Chắc nàng vẫn không quên những
ngày hạnh phúc chúng ta sống bên nhau chứ!
Hoàng hậu vừa đi cờ vừa chậm rãi đáp:
– Đúng thế! Tôi quên sao được việc hai người đã tìm cách đưa tôi vào
rừng sâu núi thẳm.
Người bà-la-môn vội biện bạch:
– Răng và môi cũng có khi cắn nhằm vào nhau, chuyện đã qua rồi, ta vô
cùng hối hận, mong nàng hãy tha thứ.
Nàng Liên Hoa đáp lại:
– Không, mãi mãi tôi không bao giờ quên được cái gốc cây đầy gai góc đó,
Nhân duyên vợ chồng của chúng ta đã kết thúc từ ngày ấy rồi. Bây giờ tôi
và ông đường ai nấy đi, xin đừng nói nhiều!
Người bà-la-môn nghe xong cảm thấy vừa xấu hổ vừa đau đớn, không còn tâm
trạng nào để ngồi đánh cờ nữa. Ông ôm lòng hối hận, lặng lẽ ra khỏi
hoàng cung. Trên đường về lại vô tình đánh mất cả túi tiền mang theo.
Thế là ông ta không còn gì cả!
Mọi người biết chuyện này đều nói rằng, làm thiện có quả báo thiện, làm
xấu sẽ gặp quả báo xấu. Người bà-la-môn này có kết cục như vậy cũng là
điều hết sức hiển nhiên, nhân quả báo ứng.