Có một tên đạo chích, sau nhiều năm ăn trộm của người khác rất nhiều tài
sản, may mắn là tự nhận ra mình đã phạm sai lầm lớn không thể tha thứ,
trong lòng vô cùng hối hận sợ hãi, nghĩ đến quả báo xấu ác của những
việc mình đã làm. Do đó, anh ta đến tham vấn với một vị thầy nổi tiếng.
Anh ta hỏi vị thầy:
– Kính bạch thầy! Con là kẻ có tội, con thật lấy làm đau khổ. Con phải
làm thế nào mới được giải thoát?
Vị thầy ôn tồn hỏi:
– Con có sở trường gì không?
Tên trộm hối lỗi thưa:
– Kính bạch thầy! Con chẳng có sở trường gì cả.
– Thật chẳng có gì sao? – Vị thầy nói lớn: – Không, nhất định là con có!
Tên đạo chích lặng thinh không nói, cúi gằm đầu. Lát sau mới thừa nhận
nho nhỏ:
– Kỳ thật con có một sở trường, chính là ăn trộm đồ.
Vị thầy bật cười lớn:
– Tốt, rất tốt! Đây chính là điểm bắt đầu ngay trong hiện tại của con.
Hãy tận dụng mọi kỹ xảo của mình. Con hãy tìm một nơi thật yên tĩnh, làm
sáng tỏ tâm ý của mình, rồi nghĩ cách lấy tất cả các vì tinh tú trên
trời để dung nhập vào tự tâm. Dung nhập vào tự tâm rồi thì hãy quán sát
xem tâm tính ấy tồn tại nơi nào?
Tên đạo chích nghe xong lời giáo huấn của vị đại sư liền quyết chí tinh
tấn tu hành. Sau 21 ngày nỗ lực quán xét, anh ta chứng ngộ được tự tính
của vạn pháp, nhận biết được tự tâm, về sau trở thành một bậc thánh nhân
vĩ đại.
[1]
Trích lời dạy trong kinh Đại Bát Niết-bàn,
quyển 15, phẩm Thánh hạnh. Nguyên bản Hán văn: “Chư ác mạc tác, chúng
thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý...”
[2]
Sáu cõi luân hồi: tất cả chúng sinh luân hồi
đều rơi vào một trong sáu cảnh giới là: cõi trời, cõi người, cõi
a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Trong ba cảnh giới sau, chúng
sinh phải chịu nhiều khổ não hơn, nên còn gọi là Ba đường ác (Tam ác
đạo).
[3]
Câu chuyện này được đức Phật kể trong Tương
ưng bộ kinh (Samyutta Nikaya), phần Tương ưng niệm xứ, phẩm Nālanda
(47.19) để ví dụ về sự giữ gìn chánh niệm tỉnh giác của vị tỳ-kheo.