Đời sống
Làm chủ vận mạng
Pháp sư Thích Hải Đào
30/06/2554 02:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thuở xưa, tại Ấn Độ có một vị quốc vương bị bệnh lạ, rất thích ăn thịt người, nhưng sợ căn bệnh quái ác của mình bị tiết lộ ra ngoài sẽ khó bảo tồn được vương vị, nên ra lệnh cho nhà bếp:

– Các ngươi nhân lúc nửa đêm, lén ra ngoài bắt người về làm thịt nấu cho ta ăn. Nhưng, cần phải chú ý, không được để lộ hành tung.

Nhưng ngày qua tháng lại, giấy không thể gói được lửa, cây kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra, các vị đại thần đều biết quốc vương vì sự ưa thích của riêng mình mà giết hại dân lành, quả thật hết sức tàn nhẫn! Sau khi các đại thần họp nhau thương lượng, liền quyết định đuổi quốc vương ăn thịt người vào rừng sâu, đưa một vị vương tử hiền minh, nhân từ lên làm vua, gọi là Tín Đạt Vương.

Vị vua ăn thịt người bị đuổi vào rừng sâu, chẳng những không biết ăn năn hối cải, mà ngược lại còn sinh lòng căm phẫn, nghĩ ra một phương cách tà ác rất đáng sợ. Ông cầu nguyện với thần cây:

– Thọ thần vĩ đại ơi! Trẫm xin dâng cho người 500 vị quốc vương tôn quý nhất làm vật tế lễ, xin người hãy ban cho trẫm sức mạnh, giúp trẫm lấy lại vương vị!

Lúc đó, trên thân quốc vương ăn thịt người liền mọc ra một đôi cánh và các cơ bắp cũng biến thành lực lưỡng. Ông ta lấy đá bít kín hang núi, sau đó bay đi khắp nơi bắt vua của các nước nhốt vào. Chỉ trong một thời gian ngắn, trong hang đã có 499 vị quốc vương, chỉ thiếu một vị nữa là đủ số 500 người để tế lễ.

Một hôm, vua ăn thịt người đang bay lượn trên bầu trời tìm mục tiêu, đúng lúc nhìn thấy vua Tín Đạt đang tắm trong ao, lập tức hạ xuống bắt đem về sơn cốc.

Tuy bị bắt, song vua Tín Đạt thần sắc lại hết sức an nhiên, không lo âu sợ hãi như bao vị quốc vương khác. Vua ăn thịt người không nén được sự tò mò liền hỏi:

– Ta bắt được ngươi nữa là vừa đúng số 500 người. Cả ngươi và bọn chúng đều sẽ bị giết để tế thần, không một ai thoát chết, chẳng lẽ ngươi không sợ hay sao?

Vua Tín Đạt thản nhiên đáp:

– Vạn vật trên thế gian này vốn dĩ đều vô thường, tất yếu phải có lúc hủy hoại, con người cũng không ra ngoài quy luật này. Ngay sau khi vừa sinh ra đã biết chắc rằng nhất định sẽ có một ngày phải đối diện với cái chết. Đây là chuyện hết sức đương nhiên, dù sợ hãi cũng không thay đổi được sự thật này. Chỉ có điều là trước khi đến đây tôi có hứa cúng dường cho một vị tu sĩ, xin ông cho tôi trở về thực hiện lời hứa của mình. Làm xong tâm nguyện, chắc chắn mấy ngày sau tôi sẽ quay trở lại.

Vua ăn thịt người thầm nghĩ: “Ta bắt hắn dễ như trở bàn tay, thôi hãy để cho hắn được hoàn thành tâm nguyện cũng không sao!”

Thế là vua Tín Đạt trở về cung, không chỉ cúng dường cho vị tu sĩ như đã hứa, mà còn xuất kho bố thí rộng khắp cho bá tính nhân dân. và tuyên bố thái tử sẽ thừa kế vương vị. Sau khi an bài công việc đâu vào đấy, đúng thời gian đã giao ước, vua Tín Đạt trở lại sơn cốc của vua ăn thịt người.

Vua ăn thịt người nhìn thấy vua Tín Đạt trở lại, thật khó mà tin được, liền hỏi:

– Sinh mạng là cái thế gian yêu tiếc và khó bỏ nhất, nhưng ngươi chỉ vì giữ lời hứa mà chấp nhận trở lại chịu chết. Tại sao vậy?

Vua Tín Đạt trả lời:

– Tất cả những điều này, đều do tôi nương theo giáo pháp giải thoát của Phật-đà chỉ dạy.

Vua ăn thịt người tò mò gạn hỏi:

– Như vậy, rốt cuộc Đức Phật đã dạy ngươi những giáo pháp giải thoát gì?

Thế là, vua Tín Đạt liền mang những giáo lý về Năm giới, Mười điều lành, Bốn thánh đế, Mười hai nhân duyên, Sáu ba-la-mật... giảng giải cặn kẽ cho vua ăn thịt người nghe. Căn lành và tánh Phật của vua ăn thịt người nhờ đó liền được phát khởi. Tâm tính khai mở, ông ta quyết tâm dứt trừ điều ác, phát nguyện thọ trì Năm giới, lập tức phóng thích 499 vị quốc vương đang bị cầm tù.

Các vị quốc vương này được thoát khỏi bờ vực của sinh tử, liền cảm nhận được dù có ngồi trên ngôi vua cao quý, cũng không thể tránh khỏi sự vô thường của mạng sống. Tất cả đều cảm động trước sự giáo hóa của vua Tín Đạt. Để báo đáp ơn cứu mạng, tất cả đều nguyện đi theo ông.

Vua Tín Đạt phát lòng từ bi rộng lớn, xây dựng cho mỗi vị quốc vương một cung điện, đồng thời cung cấp người hầu hạ, thức ăn ngon cùng hết thảy những thứ cần dùng khác.

Bá tính vùng lân cận đều được cảm hóa, lại rộng truyền sự giáo hóa của vua Tín Đạt ra khắp nơi. Một truyền ra mười, mười truyền đến trăm, truyền sang tận các quốc gia khác. Cuối cùng, tất cả mọi người trong thiên hạ đều cung kính gọi nơi này là thành Vương Xá.