LIII. PHÁP HỘI BẤT THUẤN BỒ TÁT THỨ NĂM MƯƠI BA
(Hán Bộ Từ Quyển 132)
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn ở giữa hai cõi Dục giới và Sắc giới, trong Ðại Bửu Phường Ðình cùng chư đại chúng vây quanh thuyết pháp.
Lúc ấy trong đại chúng có ánh sáng kim sắc, ánh sáng ấy sáng sạch chiếu khắp Ðại Thiên thế giới làm khuất tất cả ánh sáng của mặt nhựt mặt nguyệt và chư Thiên. Ánh sáng ấy chiếu xong liền tắt.
Tất cả đại chúng chăm nhìn đức Như Lai không nháy mắt, trong thời gian nầy lặng lẽ không có tiếng động, cũng không có tiếng dặng hắng tiếng hơi thở ra vào.
Tôn giả Tu Bồ Ðề bạch Đức Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nay có nhơn duyên gì mà xuất hiện ánh sáng kim sắc ấy, tất cả đại chúng nhìn đức Như Lai không chớp mắt".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Tu Bồ Ðề! Quá vô lượng thế giới phương Ðông có vị Bồ Tát tên là Bất Thuấn cùng một vạn vị Bồ Tát đồng đến đây vì muốn nghe đức Như Lai nói kinh vi diệu Ðại thừa nầy. Ðây là ánh sáng của các vị ấy".
Ðức Phật nói chưa dứt lời, Bất Thuấn Bồ Tát cùng chúng Bồ Tát đã đến chỗ Phật trong đại bửu phường đình, tay cầm các thứ hương hoa kỹ nhạc dâng cúng Đức Phật, đầu mặt lạy chưn Phật rồi cung kính đi nhiễu Phật mà ngồi lại một phía.
Tôn giả Tu Bồ Ðề bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Bất Thuấn Bồ Tát từ thế giới nào đến đây, cách đây bao xa, Đức Phật nơi ấy danh hiệu là gì?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Tu Bồ Ðề! Phương Ðông cách đây bảy vạn hai ngàn hằng hà sa số thế giới, có quốc độ tên là Bất Thuấn, Đức Phật cõi ấy hiệu là Phổ Hiền Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Bồ Tát Bất Thuấn từ đó đến đây".
Bất Thuấn đại Bồ Tát quỳ dài chắp tay nói kệ khen Phật:
Như Lai Thế Tôn khối trân bửu
Ðầy đủ tất cả Ba la mật
Vô Thượng Pháp Sư trời trong trời
Vì chúng sanh nên tôi đảnh lễ
Tịch tĩnh giới định chẳng động được
Vô thuợng trí huệ điều các căn
Vì các chúng sanh nói Ðại thừa
Nên tôi quy y đấng Pháp Vương
Thích ban nhơn thiên những an ổn
Chúng sanh mừng thấy như trăng tròn
Ðầy đủ lực thế phá chúng ma
Nay tôi quy y đấng Y Vương
Thành tựu thiện căn thí cam lộ
Hay độ chúng sanh biển sanh tử
Nay tôi quy y đấng Vô Thượng
Ðầy đủ tướng tốt ba mươi hai
Thế Tôn trang nghiêm đại chúng nầy
Dường núi Tu Di hiển bốn mặt
Danh hiệu vô ngại khắp mười phương
Ðấng Thiên Nhơn Sư tôi kính lễ
Như Lai trí huệ như hư không
Thông đạt tam thế không chướng ngại
Theo căn chúng sanh mà thuyết pháp
Nay tôi kính lễ Tự Tại Vương
Quá vô lượng kiếp siêng tinh tiến
Vượt hơn đồng nghiệp chư Bồ Tát
Phật pháp chứng được như Phật trước
Nay tôi kính lễ Biến Chánh Giác
Mười phương chư Phật đều tán thán
Tinh tiến thù thắng vô biên lượng
Vô lượng chúng sanh được nghe rồi
Thảy đều đồng phát tâm Bồ đề
Ở trong chánh pháp không nhàm đủ
Cũng đem khuyên dạy các chúng sanh
Hay nói pháp tánh thường thanh tịnh
Nay tôi đảnh lễ đấng Pháp Vương.
Nói kệ tán thán Phật rồi, Bồ Tát đại Bồ Tát bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi ở trong kinh Ðại thừa nầy có ít điều muốn hỏi, mong đức Như Lai thương xót cho phép".
Ðức Phật nói: "Lành thay, lành thay, nầy thiện nam tử! Tùy ý ông hỏi, Phật sẽ phân biệt tuyên nói cho để trừ bỏ lòng nghi của các ông".
Bất Thuấn đại Bồ Tát đã được Đức Phật hứa cho hỏi trong lòng rất vui mừng bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát tu hành tam muội gì mau được thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được đại niệm tâm, được đại trí đại ý, tàm quí dũng kiện tu thí giáo giới mặc giáp nhẫn nhục dựng tràng tinh tiến, du hí thần thông trang nghiêm từ bi, rất thích pháp hỉ, bước lên núi xả, hay nói hay đáp xô dẹp ma oán phá các tà kiến, chẳng xa rời chư Phật Bồ Tát thiện hữu, thường được hóa thân chẳng mất niệm tâm, tin sâu Ðại thừa, thích ban thí chúng sanh trí sáng vô thượng, chẳng bị thế pháp làm nhiễm ô đồng như bốn đại chủng, như đất làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, như nước hay rửa sạch tất cả nhơ bẩn, như lửa nấu chín căn lành chúng sanh, như gió ở nơi giới văn huệ thí tín tàm quí chẳng hề chướng ngại, tu tập từ bi như hư không, huệ nhãn vô lượng như Thiên Ðế Thích, tâm được tự tại như Tự Tại Thiên, chánh pháp độ đời như Chuyển Luân Thánh Vương, khối đại phước đức như núi Tu Di, không chán pháp lành nhóm các trân bửu như biển lớn, tư duy thâm nghĩa mười hai nhơn duyên không hề kinh sợ như sư tử vương, đủ của thiện pháp như thương chủ, tất cả bịnh nhơn đều y chỉ như đại y vương, hay làm ánh sáng như đèn lớn, phá tối như mặt nhựt, mát mẻ như mặt nguyệt, phiền não chẳng ô nhiễm như hoa sen, đầy đủ tất cả diệu pháp của chư Phật như trăng tròn".
Ðức Phật phán dạy: "Lành thay, lành thay, nầy thiện nam tử! Ông có thể đem nghĩa nầy mà hỏi nơi Như Lai, chí tâm lắng nghe Phật sẽ vì ông mà phân biệt giải thuyết.
Nầy thiện nam tử! Có tam muội tên là nhứt thiết pháp tự tại. Bồ Tát tu tập tam muội nầy thì có thể được tất cả sự như vậy, cũng được vô lượng vô biên phước đức mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lúc thành Phật trong thế giới có đầy đủ tất cả.
Nầy thiện nam tử! Nhứt thiết pháp tự tại tam muội ấy, đó là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin tứ chơn đế, thập nhị nhơn duyên, nội ngoại nhơn quả nghiệp và quả báo, tin ấm nhập giới không vô tướng vô nguyện xuất sanh diệt mất, tin nơi mở khai và bít tắc, xem tất cả pháp như huyễn, như hóa, như dương diệm, như bóng, như vang, như trăng trong nước, như lông rùa sừng thỏ, như hoa đốm, như con trai thạch nữ, như mặc bóng y phục, như mơ cõi bạch tượng, hoặc có hoặc không, hoặc cũng có không hoặc chẳng có không, chẳng phải thường đoạn, chẳng phải sanh diệt, chẳng phải nội ngoại, chẳng phải thấy biết. Tin như vậy thì có thể tin đại sự của Phật của Bồ tát mà chẳng tự khinh. Sự nghiệp của Bồ tát dầu là rộng lớn tôi cũng có thể biết, tâm được tự tại có thể bố thí lớn, hộ trì cấm giới chẳng ngại việc ngoài, vì thương chúng sanh mà thường tu nhẫn nhục, vì chẳng thối chuyển mà tu tinh tiến, vì làm cho các chúng sanh lìa phiền não mà tu trí huệ, vì phá phân biệt tưởng nên tu tam muội, được âm thanh vi diệu tất cả đều thích nghe, tu tập niệm Phật xem chư Phật Như Lai bình đẳng không hai, tu tập niệm Pháp xem tất cả pháp đồng một tánh tướng, tu tập niệm Tăng xem tất cả Tăng không có thối chuyển, tu tập niệm xả bỏ các phiền não, tu tập niệm giới thường nhớ Phật giới, tu tập niệm thiên nhớ thân hậu biên thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, giới định trí huệ chẳng theo người khác, thanh tịnh bố thí rồi có thể được đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, bố thí các thứ vật cần dùng có thể thành tựu đầy đủ tám mươi tùy hảo, vì muốn trang nghiêm trí huệ xuất thế nên tu đủ Tứ niệm xứ, vì muốn xa lìa tất cả phiền não nên tu đủ Tứ chánh cần, vì muốn tâm mình được đại tự tại nên tu đủ Tứ như ý, vì muốn phá các ma oán nên tu tập Tín căn, vì chẳng điên đảo nơi tất cả pháp nên tu tập Tinh tiến căn, vì làm cho nhớ biết các tội lỗi nên tu tập Niệm căn, vì làm cho các chúng sanh tâm thanh tịnh nên tu tập Ðịnh căn, vì muốn tột đảnh tất cả pháp nên tu tập Huệ căn, vì không bị phá hoại nên tu tập Ngũ lực, vì chơn thiệt biết tất cả các pháp nên tu tập Thất giác chi, vì chơn thiệt biết là đạo là phi đạo nên tu tập Bát chánh đạo, vì thích nơi tịch tĩnh thiểu dục tri túc nên xa lìa ác hữu, dầu đã thông đạt tất cả sự nghiệp mà trọn chẳng ở trong đó sanh ý tưởng là độc sư, với các phiền não, tâm không tham trước trong thân ngoài thân chẳng giận thù chúng sanh chẳng nghi các kiến chấp, chẳng thấy có ngã ngã sở, thường tu tập lòng muốn cứu độ các chúng sanh, với các bậc Sư trưởng, Hòa thượng, cha mẹ, thiện hữu lòng thường nhớ ơn nghĩ việc báo đáp ơn ngày trước, thấy người phá giới chẳng có lòng chê trách, vứt bỏ gánh nặng vì quán ngũ ấm vậy, chẳng đua chẳng tranh hộ pháp trì giới nhiếp thủ người trì giới và người hộ pháp, nghe pháp nhớ pháp cúng dường pháp, ở trong chánh pháp không có lòng nghi, phàm lúc diễn thuyết chẳng vì ăn uống, lúc diễn nói thì chí tâm, chẳng khinh cũng chẳng tự cao, vì cho mầm thiện mọc nên pháp được nghe chẳng quên mất, trông coi người bịnh cung cấp đồ cần dùng, cúng dường Pháp sư chẳng nói chỗ dở cũng chẳng để ý đến dòng họ thân thế giữ giới hay phá giới, thường thích nghe pháp chí tâm chẳng quên chẳng thất thời tiết, thường thỉnh Pháp sư thuyết pháp giáo hóa, nếu có lúc giảng nói chẳng sanh lòng kiêu mạn, nghe pháp rồi hiểu nghĩa cũng chẳng tự cao, chẳng xem lỗi lầm của người khác, những pháp được nghe là vì tri túc mạng vô ngại, vì được chơn thiệt thấy pháp tánh, vì phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, vì hộ trì chơn thiệt pháp của Như Lai, vì được dòng họ tốt, vì thấy Phật pháp, và Tỳ Kheo Tăng, vì được tâm kiên cố bất thối, vì hành thánh hạnh, vì nhập thánh số, vì được đại tài bửu vô tận, vì được đại công đức vô biên, vì được phạm âm thanh tịnh, vì được Phật công đức, vì được đầy đủ Bồ tát, vì muốn thọ trì đọc tụng thơ tả Bồ tát pháp tạng và lý hành, vì muốn thọ trì những pháp như vậy để rộng tuyên thuyết.
Nầy thiện nam tử! Ðại Bồ tát được nhứt thiết pháp tự tại tam muội thì nơi tất cả sự không thể cùng tận".
Muốn tuyên lại nghĩa ấy đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Tâm Bồ Tát tin Phật Pháp Tăng
Cũng kính tin rõ bốn chơn đế
Nếu được trí huệ không quái ngại
Ðây gọi chư Pháp tư tại định
Biết được khổ đệ nhứt chơn đế
Cũng xa lìa được tập chơn đế
Chứng được đệ tam diệt chơn đế
Tu tập vô thượng thánh đạo đế
Thành tựu đầy đủ đại niệm tâm
Chơn thiệt xem ấm như hư không
Oai nghi nơi thân rất tịch tĩnh
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Hay xem lục nhập tánh tướng không
Cũng hay điều như nơi các căn
Hay phá lưới nghi của chúng sanh
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Hay tu không vô tướng vô nguyện
Phá hoại tất cả các kiêu mạn
Các hạnh được làm không đen tối
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Xa lìa đoạn kiến và ngã kiến
Thân khẩu ý nghiệp đều tịch tĩnh
Tâm chẳng trụ trước pháp hữu vô
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Thuyết pháp chánh nghĩa không điên đảo
Ðiều phục tất cả tâm chúng sanh
Ðã nói pháp rồi không kiêu mạn
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Tu tập tất cả các thiện căn
Chẳng bị phiền não làm ô nhiễm
Tâm không nhiệt não cũng không trược
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Chẳng vì người mừng cầu Bồ đề
Cũng chẳng hư dối tu thiện pháp
Mười phương chư Phật xem tâm ấy
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Thường thích bố thí hộ trì giới
Vì thương xót nên nhẫn các ác
Tinh tiến tu định và trí huệ
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Vì các chúng sanh tu từ tâm
Cũng không tưởng phân biệt thân thù
Thích ban chúng sanh vui vô thượng
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Ðiều phục chúng sanh hướng Bồ đề
Tu xả ly dục được an lạc
Thường thích tu tập ngũ thần thông
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Chánh pháp được nói chúng thích nghe
Nghĩa ấy khó hết như biển lớn
Chơn thiệt biết rõ nơi pháp tánh
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Quán sát thân Phật như các pháp
Phật tánh pháp tánh vô sai biệt
Hộ pháp định tâm không thối chuyển
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Thân khẩu ý nghiệp được tịch tĩnh
Ðầy đủ giới định tâm vô vi
Lìa tất cả phiền não tập khí
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Tu chứng vô thượng chơn giải thoát
Cũng hay chứng được thiệt tri kiến
Tu tập định huệ vô hữu biên
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Những vật bất tịnh không đem thí
Chẳng thọ tất cả bất tịnh giới
Ba mươi hai tướng thành đầy đủ
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Tu hành tất cả những bố thí
Vì vậy được tám mươi hình hảo
Ở trong Phật pháp được tự tại
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Tu tập đầy đủ tứ niệm xứ
Chánh cần hay phá các phiền não
Vì điều chúng sanh tu như ý
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Vì nhập Phật pháp tu tín căn
Vì phá ma chúng tu ngũ lực
Vì biết các pháp tu thất giác
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Tu bát chánh đạo phá đường tà
Ban cho chúng sanh vui vô thượng
Tâm không kiêu mạn tưởng làm thầy
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Nếu tu tập được tự tại định
Thì hay xa lìa các phiền não
Gần kề chư Phật chúng Bồ Tát
Thích tu thiểu dục và tri túc
Vì ở số thánh nhơn vô thượng
Vì độ chúng sanh tu đại bi
Chẳng vì lợi danh diễn thuyết pháp
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Vì pháp chẳng tiếc thân mạng mình
Hộ trì chánh pháp chẳng tiếc của
Thường thích tu hành tài pháp thí
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Thường khuyên chúng sanh siêng nghe pháp
Như họ chưa hiểu thì chẳng khinh
Chẳng vì hơn người mà trì giới
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Trong vô lượng đời được nghe pháp
Chí tâm thọ trì nói cho người
Pháp sư vô thượng danh hiệu lớn
Chẳng xem thời tiết giới chẳng giới
Diễn thuyết chẳng nghĩ cũng chẳng thôi
Chẳng thất thời tiết tùy ý nói
Các pháp được nói tướng như huyễn
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Lời nói chơn thiệt thích lắng nghe
Nghe rồi như lời mà an trụ
Tâm không tham trước không ganh ghét
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Người hỏi không giận không khinh mạn
Thường tu từ bi không hai tướng
Hay tự trừ sạch các lỗi lầm
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Ðầy đủ vô thượng thất thánh tài
Thành tựu thọ mạng vô thượng mạn
Ðầy đủ thập lực Tứ vô úy
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Thường thích nghe pháp thiện tư duy
Thiện tư duy rồi trụ như pháp
Trụ như pháp rồi vì chúng nói
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Chẳng quên Bồ đề thượng chủng tánh
Cúng dường Tam bửu được hóa thân
Khuyên dạy đại chúng được Bồ đề
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Nhãn mục thanh tịnh thấy chư Phật
Ðược phạm âm thanh vô hữu biên
Phạm âm vang khắp mười phương cõi
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Của báu ban cho không cùng tận
Trí huệ diễn thuyết cũng vô cùng
Cùng dường cha mẹ và sư trưởng
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Thành tựu đầy đủ trí túc mạng
Chẳng mất tâm Vô thượng Bồ đề
Sáu Ba la mật không chán đủ
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Vì muốn lợi ích các chúng sanh
Thọ Bồ Tát tạng và lý hành
Thích vì chúng sanh rộng phân biệt
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Xa lìa tất cả ác tư duy
Mười phương thế giới thấy rõ ràng
Một tâm biết được vô lượng tâm
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Một tâm biết rõ việc tam thế
Tu tập vô lượng các thần thông
Ðược tối hậu thân trí vô ngại
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Thương xót chúng sanh tu đại bi
Quán sát các căn tùy ý nói
Tất cả Phật pháp được tự tại
Ðây gọi chư pháp tự tại định
Nếu có được nghe sự như vậy
Chí tâm thọ trì tin thuận theo
Thì hay chứng được đạo vô thượng
Cũng như chư Phật các đời trước.
Bất Thuấn đại Bồ Tát lại bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát thành tựu pháp gì thì được nhứt thiết chư pháp tự tại tam muội như vậy?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy thiện nam tử! Ðại Bồ Tát đầy đủ một pháp thì có thể được tam muội ấy đó là chẳng trụ trước tất cả các pháp. Còn có một pháp đó là chẳng trụ trước cấm giới, tại sao, vì chẳng trụ trước cấm giới thì chẳng trụ trước tất cả thiện pháp, vì đầy đủ cấm giới thì có thể thành tựu tất cả Phật Pháp được lợi ích lớn vô thượng đại đạo, vì vậy mà Phật nói giới là căn bổn tất cả pháp lành, giới tên là đèn sáng lớn. Nếu trụ trước nơi cấm giới thì người nầy ở nơi Bồ đề bị chướng ngại, chẳng phải đạo Bồ đề. Nếu ở nơi các pháp mà có trụ trước thì cách đạo Bồ đề rất xa. Nếu không tham trước thì gần kề đạo Bồ đề. Còn có hai pháp mà Bồ Tát đầy đủ thì có thể được tam muội ấy. Một là vì Bồ đề phương tiện mà tu tập xa ma tha, hai là vì thiện pháp phương tiện mà tu tập tỳ bà xá na. Còn có ba pháp mà Bồ Tát đầy đủ thì có thể được nhứt thiết chư pháp tự tại tam muội ấy. Một là chẳng bỏ chúng sanh mà tu không tam muội, hai là chẳng bỏ các pháp mà tu vô tướng tam muội, ba là cầu các hữu mà tu vô nguyện tam muội".
Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
Ðiều phục chúng sanh tu không định
Vì hộ pháp tu vô tướng định
Chẳng bỏ các hữu tu vô nguyện
Người nầy thì được tự tại định.
Còn nữa, nầy thiện nam tử! Có bốn pháp mà Bồ Tát đầy đủ thì được tam muội ấy. Một là đầy đủ Tứ đế phương tiện, hai là đầy đủ Tứ vô lượng tâm, ba là đầy đủ Tứ vô ngại trí và bốn là đầy đủ Tứ nhiếp pháp. Còn có năm pháp mà Bồ Tát đầy đủ thì có thể được tam muội ấy. Một là đầy đủ Ngũ thần thông, hai là đầy đủ Ngũ căn, ba là đầy đủ Ngũ lực, bốn là đầy đủ chơn trí quán sát Ngũ ấm và năm là đầy đủ Ngũ nhãn. Còn có sáu pháp mà Bồ Tát có đủ thì được tam muội nầy: Một là đầy đủ sáu Ba la mật, hai là đầy đủ Lục niệm, ba là đầy đủ trí huệ quán Lục nhập, bốn là đầy đủ viễn ly Lục đạo, năm là đầy đủ Lục thông và sáu là đầy đủ Sáu pháp hòa kính. Còn có bảy pháp mà Bồ Tát có đủ thì được tam muội nầy: Một là vô tham xa lìa phiền não, hai là với tất cả chúng sanh không giận thù, ba là ở trong các pháp không có tâm ngu si, bốn là có trí vô ngại không có năm cái chướng, năm là quán mười hai nhơn duyên không nghi, sáu là thành tựu trí huệ vô thượng và bảy là thành tựu vô lượng tam muội. Còn có tám pháp mà Bồ Tát đầy đủ thì được tam muội nầy: Một là tu tập Bát chánh đạo phần, hai là lìa Bát tà đạo, ba là viễn ly Bát nạn, bốn là đầy đủ Bát đại nhơn giác, năm là đầy đủ Bát giải thoát, sáu là đầy đủ Bát thắng xứ, bảy là chuyên niệm Bồ đề và tám là dứt Tập khí phiền não. Còn có chín pháp mà Bồ Tát có đủ thì được tam muội nầy: Một là chẳng thất niệm tâm, hai là hiểu nghĩa thậm thâm, ba là phá hoại ma nghiệp, bốn là đủ Phật tam muội, năm là tịnh thân khẩu ý, sáu là đầy đủ phương tiện, bảy là oai nghi thuần thiện, tám là siêng tu tinh tiến đủ sáu Ba la mật và chín là viễn ly Thanh Văn, Bích Chi Phật đạo. Còn có mười pháp mà Bồ Tát có đủ thì được tam muội nầy: Một là đầy đủ Phật trí, hai là đầy đủ pháp giới vô phân biệt trí, ba là ở nơi tánh chơn thiệt không động chuyển, bốn là đầy đủ tam thế bình đẳng trí huệ, năm là đầy đủ chúng sanh tâm bình đẳng trí, sáu là đầy đủ trí biết các căn thượng trung hạ, bảy là đầy đủ bốn trí vô ngại, tám là đầy đủ ba môn giải thoát, chín là đầy đủ trí các pháp đồng nhứt vị và mười là đầy đủ trí các pháp vô sanh diệt.
Lúc Đức Phật nói pháp nầy, trong pháp hội có ba vạn hai ngàn đại Bồ Tát được nhứt thiết chư pháp tự tại tam muội.
Tôn giả Tu Bồ Ðề hỏi Bất Thuấn đại Bồ Tát rằng: "Nay trong đại chúng có ba vạn hai ngàn vị Bồ Tát được tam muội ấy, vậy nay Ðại sĩ có được tam muội ấy chăng?".
Bất Thuấn đại Bồ Tát đáp: "Thưa Ðại Ðức Tu Bồ Ðề! Nhẫn đến không có một pháp được gọi là tam muội thì làm sao tôi lại được. Phàm nói là được đó là điên đảo, mà điên đảo là ngã ngã sở. Bồ Tát nếu có ngã ngã sở thì không thể được tam muội nầy".
Tôn giả Tu Bồ Ðề lại hỏi: "Ðại Bồ Tát trụ chỗ nào thì được tam muội nầy?".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Như pháp được trụ của Tu Bồ Ðề mà được giải thoát ấy thì tôi trụ như vậy mà được tam muội nầy".
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: "Tôi thiệt chẳng trụ trong tất cả pháp mà được giải thoát".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức Tu Bồ Ðề ! Cũng vậy, đại Bồ Tát chẳng trụ các pháp mà được tam muội nầy".
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: "Thưa Ðại Sĩ! Có lẽ đại Bồ Tát chẳng trụ nơi không vô tướng vô nguyện mà được tam muội nầy ư?".
Bất Thuấn đại Bồ Tát hỏi: "Không vô tướng vô nguyện có thể trụ được chăng?".
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: "Không thể trụ được". Bất Thuấn Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức! Vì vậy nên chỗ sở trụ không vô tướng vô nguyện là được tam muội nầy".
Tôn giả Tu Bồ Ðề hỏi: "Thưa Ðại Sĩ ! Tam muội nầy trụ tại chỗ nào?".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Như tất cả pháp chơn thiệt tánh trụ, người trụ tam muội nầy cũng trụ như vậy. Tất cả các pháp chơn thiệt tánh đó gọi là vô sở trụ. Trụ vô sở trụ trụ trong tất cả pháp. Tất cả các pháp chẳng trụ phiền não chẳng trụ giải thoát. Thưa Ðại Ðức! Người được giải thoát là có đủ phiền não hay là không có phiền não?".
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: "Thưa Ðại Sĩ! Tôi cũng chẳng có chẳng phải chẳng có".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức! Nếu Ðại Ðức chẳng có chẳng phải chẳng có ấy thì Ngài được gì mà gọi là giải thoát?".
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: "Thưa Ðại Ðức! Nếu giả sử pháp giới mà có hệ phược thì tôi được giải thoát, nhưng pháp giới tánh không có tướng hệ phược không có tướng giải thoát, chẳng phải tướng, chẳng phải tướng như, chẳng phải các thứ tướng, chẳng phải một tướng chẳng phải nhiều tướng, như tướng pháp giới, giải thoát cũng vậy".
Lúc Tôn giả Tu Bồ Ðề nói pháp ấy, trong đại chúng có tám ngàn Tỳ Kheo được quả A La Hán.
Tôn giả Tu Bồ Ðề lại nói với Bất Thuấn đại Bồ Tát: "Thưa Ðại Sĩ! Như lời Đức Phật đã nói: nếu có thể đầy đủ các pháp như vậy thì được nhứt thiết pháp tự tại tam muội ấy, nay Ðại Sĩ có đầy đủ tam muội nầy chăng?".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức Tu Bồ Ðề! Tất cả các pháp không có căn trụ, nếu pháp không có căn thì là không có trụ, mà vô trụ thì gọi là vô tác, nếu đã là vô tác thì làm sao trụ được".
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: "Nếu vô trụ như vậy, tại sao đức Như Lai thường nói rằng trụ pháp như vậy thì được Vô sanh nhẫn?".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức! Vô sở trụ ấy cũng gọi là trụ, vì vậy mà đức Như Lai cũng nói trụ tham mà được giải thoát, mà trí huệ tánh chẳng thể hoại tham trụ nơi giải thoát. Nếu Bồ Tát biết được trụ chẳng trụ như vậy thì gọi là Vô sanh trí huệ, trụ trong Vô sanh trí huệ ấy rồi thì có thể được Vô sanh pháp nhẫn.
Còn nữa, thưa Ðại Ðức! Nếu Bồ Tát chẳng rời phàm phu mà biết được thánh pháp, dùng tâm phàm phu quán sát thánh pháp, dùng thánh pháp tánh quán sát nơi nhẫn, dùng nhẫn tánh quán sát nơi nhẫn, lại dùng nhẫn như vậy quán sát tất cả pháp, biết tất cả như vậy thì gọi là Vô sanh pháp nhẫn.
Còn nữa, thưa Ðại Ðức! Nếu Bồ Tát quán sát hai thứ giới là chúng sanh giới và pháp giới, dùng pháp giới tánh quán sát chúng sanh tánh, dùng chúng sanh tánh quán pháp giới tánh. Nếu rời pháp giới thì không có chúng sanh giới, pháp giới và chúng sanh giới vô sanh vô diệt. Nếu có thể thông đạt biết như vậy thì gọi là Vô sanh trí, Vô sanh trí là Vô sanh nhẫn.
Còn nữa, thưa Ðại Ðức! Ðại Bồ Tát biết từ mười hai nhơn duyên sanh các pháp, từ sáu cảnh giới làm sáu nhơn duyên cho thiện hoặc bất thiện, thiện và bất thiện ấy là không sanh diệt, tại sao, vì tánh cảnh giới chẳng sanh các pháp được. Như sáu cảnh sáu nhập cũng vậy, chẳng sanh được các pháp, tại sao, vì là tánh vô sanh vậy. Nếu sáu nhập ấy mà hay sanh được các pháp thì lẽ ra thường sanh mà chẳng cần duyên ngoài. Nếu sáu cảnh giới nó hay sanh được các pháp thì lẽ ra thường sanh chẳng cần duyên trong. Còn nếu là chúng sanh thì có hai tướng, pháp hai tướng thì tánh của nó không chơn thiệt. Bồ Tát Không đạt biết rõ như vậy thì gọi là Vô sanh nhẫn. Nếu có chơn trí huệ như vậy thì gọi là Bồ Tát được Vô sanh nhẫn.
Còn nữa, thưa Ðại Ðức! Nếu Bồ Tát thành tựu đầy đủ hai thứ trang nghiêm công đức trí huệ quán hai sự nầy bình đẳng không hai, dầu biết như vậy mà không nói là tôi biết, cũng ở nơi sự biết ấy không tham trước, đây gọi là Vô sanh nhẫn.
Còn nữa, thưa Ðại Ðức! Ðại Bồ Tát thân ý tịch tĩnh quán pháp tịch tĩnh, pháp tịch tĩnh rồi quán Bồ đề tịch tĩnh, Bồ đề tịch tĩnh rồi quán nhẫn tịch tĩnh, cũng chẳng theo kia chẳng trụ trước nội ngoại, đây gọi là Bồ Tát Vô sanh pháp nhẫn".
Lúc Bất Thuấn đại Bồ Tát nói pháp ấy, trong chúng của Bất Thuấn đại Bồ Tát có năm trăm Bồ Tát được Vô sanh pháp nhẫn.
Ðức Phật phán khen: "Lành thay, lành thay, nầy Bất Thuấn! Như lời ngươi diễn nói về vô sanh pháp nhẫn tức là chơn thiệt chư Phật thuở trước đã nói.
Lại nầy thiện nam tử! Bồ Tát nếu được tâm tự tại thì được nhứt thiết chư pháp tự tại tam muội. Thế nào gọi là tâm tự tại?
Nầy thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát xa lìa tham ái được thân Thiên Ðế Thích hoặc được thân Chuyển Luân Vương, dầu vì vô lượng chúng sanh nói sự vui ngũ dục, nhưng nội tâm diệt chẳng tham trước thế dục, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát tu tập tam muội Tứ vô lượng tâm, lúc cầu sanh các hữu chẳng dùng tâm các hữu mà dùng tâm trí huệ. Dầu sanh Dục giới mà chẳng nhơn nơi dục tâm, tâm ấy chẳng hề xa lìa Tam bửu thường tu tập trang nghiêm sáu Ba la mật, dùng Tứ nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sanh, vì điều phục chúng sanh mà tu tập Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát tu tập không vô tướng vô nguyện, tự mình chẳng chứng không vô tướng vô nguyện mà vì chúng sanh diễn nói ba môn giải thoát ấy, vì điều phục hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật mà nhập vô sanh chánh định các môn tam muội rồi vì họ thuyết pháp, họ được nghe pháp rồi liền được giải thoát, mà mình thì không chứng đó, cũng làm cho chúng sanh chẳng bỏ bồ đề, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu Bồ Tát vì điều phục hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật mà nhập khối vô sanh diệt chánh định, cũng được diệt tận định, còn có thể thông đạt tất cả tam muội xuất nhập hành tướng, dầu được thông đạt tự tại như vậy mà chẳng chứng nơi diệt tận định, tại sao, vì chưa đầy đủ Phật pháp vậy, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu Bồ Tát dùng trí bình đẳng quán sát pháp giới, các thứ thế gian, các loại chúng sanh, các thứ thuyết pháp, các thứ phương tiện, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu Bồ Tát sanh trời trường thọ chưa hết tuổi thọ trời mà thân cũng sanh trong loài đoản mạng vì để điều phục các chúng sanh, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu Bồ Tát đồng với hạnh Thanh Văn và Bích Chi Phật mà tâm hộ niệm đạo Bồ đề cũng tu hạnh vi diệu Bồ đề, vì hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật mà tùy ý thuyết pháp nhưng chẳng chứng, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu Bồ Tát khéo hiểu tám vạn bốn ngàn pháp môn, cũng thông đạt phiền não hành xứ, vì đoạn dứt phiền não cho các chúng sanh nên ở trong ấy thuyết pháp mà chẳng bị các phiền não làm nhiễm ô, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu Bồ Tát đầy đủ thần thông, nếu có các chúng sanh đui điếc què thọt, đại Bồ Tát tự biến thân đồng như họ mà thuyết pháp cho họ, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Lại nầy thiện nam tử! Nếu Bồ Tát đầy đủ trí huệ thông đạt ngoại điển khéo hiểu tà luận, mà nội tâm chẳng bị tà kiến, chỉ vì muốn điều phục chúng sanh mà học tập đạo ấy, đây gọi là Bồ Tát tâm được tự tại.
Nầy thiện nam tử! Bồ Tát đầy đủ các sự như vậy thì gọi là tâm tự tại, cũng gọi là được nhứt thiết chư pháp tự tại tam muội".
Tôn giả Tu Bồ Ðề bạch Đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Bất Thuấn đại Bồ Tát được tam muội ấy đã bao lâu?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Tu Bồ Ðề! Quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp, bấy giờ có Phật hiệu Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, thế giới ấy tên Tịnh, kiếp ấy cũng tên là Tịnh. Quốc độ ấy bằng phẳng thất bửu trang nghiêm như Trời Ðâu Suất, món ăn vật uống đều sung túc, các chúng sanh cõi ấy không có tham dục sân hận ngu si, phần đông có trí huệ hiểu được lời Phật dạy, tất cả đều có chí nguyện Ðại thừa vô thượng. Pháp hội của Phật Tự Tại Vương có tám vạn bốn ngàn Bồ Tát, ba vạn hai ngàn Thanh Văn. Lúc ấy thế gian có Chuyển Luân Thánh Vương tên Quảng trì hiệu là Pháp Vương có đủ thất bửu là luân bửu, tượng bửu, mã bửu, nữ bửu, châu bửu, binh bửu và chủ tạng bửu, đủ ngàn Vương Tử, trị tứ thiên hạ chỉ dùng chánh pháp không dùng dao gậy, thương mến chúng sanh dạy họ thập thiện nghiệp, tất cả chúng sanh ấy cũng thích thọ trì. Bấy giờ ngàn Vương Tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thánh Vương Quảng Trì cúng dường đức Như Lai Tự Tại Vương cùng chúng Bồ Tát chúng Thanh Văn tất cả đại chúng những món ăn uống thuốc men giường ghế y phục, những vật cần dùng mãn một vạn năm rồi, nhà vua phát tâm Vô thượng Bồ đề vì vô thượng đạo mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ðức Phật Tự Tại Vương thọ tám vạn bốn ngàn tuổi. Vua có một Vương Tử tên là Pháp Ngữ do tín tâm mà xuất gia trong Phật pháp ấy siêng tu tinh tiến thanh tịnh trì giới vì được Vô thượng Bồ đề đạo. Pháp Ngữ Tỳ Kheo trong thời gian hai vạn năm không ngủ dầu chỉ là khoảng khảy ngón tay, chẳng sanh tâm tham tâm sân tâm si, cũng không có những giác quán bất thiện, chẳng nhớ tướng đến cha mẹ, thân tộc, quyến thuộc, ăn uống, y phục, phòng nhà, ngọa cụ, vật cần dùng, cũng chẳng hay biết tướng ngày tướng đêm. Trong hai vạn năm thường tu niệm Phật. Do siêng tu tinh tiến mà Pháp Ngữ Tỳ Kheo được Tứ Thiền, Tứ vô lượng tâm, Tứ vô sắc định. Quá hai vạn năm, Pháp Ngữ Tỳ Kheo đến chỗ Phật đầu mặt đảnh lễ hữu nhiễu ba vòng đứng qua một phía bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Tôi phát tâm Vô thượng Bồ Ðề vì ban cho tất cả chúng sanh sự an vui, vì muốn điều phục tất cả chúng sanh. Mong đức Thế Tôn thương xót chỉ bảo cho tôi làm thế nào được có thể giáo hóa chúng sanh tuyên nói chánh pháp. Ðức Tự Tại Vương Phật nói: Nầy Pháp Ngữ! Có tám môn đà la ni, nếu thành tựu thì được vô ngại ngữ có thể thuyết pháp cho chúng sanh. Những gì là tám? Một là niệm Phật vì biết pháp thân vậy, hai là niệm Pháp vì biết tịnh pháp vậy, ba là niệm Tăng vì biết vô ngại vậy, bốn là chơn thiệt tư duy vì phá ác giác quán vậy, năm là biết chữ vì bất khả thuyết vậy, sáu là tu xa ma tha vì biết các pháp đồng nhứt vị vậy, bảy là tu tỳ bà xá na vì biết các pháp bổn tánh thanh tịnh vậy và tám là tu phương tiện trí vì được nhẫn vậy. Nầy Tỳ Kheo! Có đủ tám môn đà la ni ấy thì kham có thể tuyên nói chánh pháp giáo hóa chúng sanh. Nầy Tỳ Kheo! Còn có tám tinh tiến mà Bồ Tát có đủ thì có thể tuyên nói chánh pháp giáo hóa chúng sanh. Một là cầu pháp siêng tinh tiến, hai là trì pháp siêng tu tinh tiến, ba là quán pháp siêng tu tinh tiến, bốn là thuyết pháp siêng tu tinh tiến, năm là hộ pháp siêng tu tinh tiến, sáu là cúng dường Pháp sư siêng tu tinh tiến, bảy là thủ hộ người thọ pháp siêng tu tinh tiến và tám là như pháp mà trụ siêng tu tinh tiến. Nầy Tỳ Kheo! Còn có tám pháp Bồ Tát có đủ thì có khả năng giáo hóa chúng sanh: Một là tu từ vì bình đẳng quán chúng sanh vậy, hai là tu bi vì điều phục chúng sanh vậy, ba là quán pháp vì được pháp vô thượng vậy, bốn là quán trí vì phá kiêu mạn vậy, năm là hộ các chúng sanh vì ban an lạc vậy, sáu là thiện tư duy vì phá các phiền não vậy, bảy là tu pháp trợ đạo vì trang nghiêm Bồ đề vậy và tám là hộ pháp vì đầy đủ lục độ vậy. Nầy Tỳ Kheo Pháp Ngữ! Ðại Bồ Tát nếu có thể đầy đủ những pháp như vậy thì có thể giáo hóa tất cả chúng sanh.
Tỳ Kheo Pháp Ngữ nghe pháp ấy rồi trong thế gian một vạn năm nhiếp tâm tư duy siêng tu tinh tiến vì để được những pháp ấy. Do tinh tiến nên được vô tận khí đà la ni giỏi hiểu ngữ ngôn của tất cả chúng sanh rồi theo ngữ ngôn của mỗi loài mà thuyết pháp. Ðược đà la ni ấy rồi lại được vô tận biện tài. Ðược các pháp như vậy rồi Tỳ Kheo Pháp Ngữ du hành khắp các nước các thành ấp tụ lạc giáo hóa vô lượng chúng sanh an trụ tam thừa đạo, vì cha mẹ tôn tộc quyến thuộc thuyết pháp đều làm cho tất cả được tùy thuận pháp nhẫn. Tỳ Kheo Pháp Ngữ lại đến chỗ đức Tự Tại Vương Phật đầu mặt đảnh lễ đi nhiễu ba vòng đứng qua một phía mà bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn! Như trước kia Đức Phật đã dạy bảo tôi do đó đã chứng được Phật thần lực đã được Thánh trí huệ. Bạch đức Thế Tôn! Còn có tam muội gì mà Bồ Tát tu tập rồi được bất thối chuyển tăng trưởng thiện pháp chăng? Ðức Tự Tại Vương Phật nói: Nầy Tỳ Kheo, có tam muội tên là nhứt thiết pháp tự tại, Bồ Tát tu tập rồi thì tâm chẳng thối chuyển cũng được tăng trưởng thìện pháp. Tỳ Kheo Pháp Ngữ nghe tên tam muội nhứt thiết pháp tự tại ấy liền bạch đức Tự Tại Vương Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát hành thế nào tu thế nào học thế nào để có thể được tam muội ấy? Ðức Phật nói: Nầy Tỳ Kheo! Có tám pháp tám trang nghiêm và tám phát tâm, Bồ Tát có đủ thì được tam muội ấy.
Những gì là tám pháp? Ðó là tịnh tâm, chí tâm, thí tâm, ly phiền não tâm, quán lục giới, tu nhẫn, siêng tinh tiến và tu chánh định thân tâm tịch tĩnh.
Những gì là tám trang nghiêm? Ðó là xả, giới, công đức, trí, xa ma tha, tỳ bát xá na, phá Bồ đề tâm và trang nghiêm tất cả Phật pháp.
Những gì là tám phát tâm? Ðó là phát tâm không có chúng sanh thọ mạng sĩ phu nhẫn đến cũng không có chư Phật. Phát tâm tất cả các pháp vô thường khổ vô ngã. Phát tâm tất cả các pháp không vô tướng vô nguyện. Phát tâm pháp vị lai không có trụ xứ. Phát tâm hiện tại các pháp không có trụ xứ. Phát tâm tất cả các pháp không có nghiệp nhơn quả báo. Phát tâm tất cả các pháp không có tác giả không có thọ giả. Phát tâm tất cả các pháp không có hệ thuộc. Bồ Tát có đủ tám pháp tám trang nghiêm và tám phát tâm như vậy thì có thể được nhứt thiết pháp tự tại tam muội.
Nghe rồi, Tỳ Kheo Pháp Ngữ tinh tiến tu tập chẳng lâu liền được nhứt thiết pháp tự tại tam muội ấy. Ðược tam muội rồi Tỳ Kheo ấy phóng quang minh chiếu khắp Ðại Thiên thế giới. Tỳ Kheo Pháp Ngữ lại đến chỗ Đức Phật đảnh lễ hữu nhiễu ba vòng thăng lên hư không cao một cây đa la ngồi kiết già mãn một ngàn năm chẳng động chẳng lay dùng pháp hỉ làm món ăn, được trí lạc thuyết vô ngại làm cho ba vạn sáu ngàn ức chúng sanh được tâm bất thối chuyển, vô lượng chúng sanh an trụ tam thừa. Quá một ngàn năm, Tỳ Kheo Pháp Ngữ rời chỗ ngồi bạch đức Tự Tại Vương rằng: Bạch đức Thế Tôn! Ðức Như Lai do siêng năng tinh tiến mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chớ chẳng phải là do giải đãi. Ðức Tự Tại Vương Phật bảo Tỳ Kheo Pháp Ngữ rằng: Nầy thiện nam tử! Ngươi đã ở trong vô biên vô lượng đời thành tựu vô lượng vô biên công đức nên mau được thần thông như vậy. Nầy thiện nam tử! Thuở trước ông đã ở chỗ bảy vạn sáu ngàn ức chư Phật trồng các căn lành tịnh tu phạm hạnh, do thiện căn quá khứ ấy mà được thiện quả hôm nay vậy".
Ðức Phật bảo Tôn giả Tu Bồ Ðề: "Nầy Tu Bồ Ðề! Ông có biết thuở xa xưa nơi Đức Phật Tự Tại Vương ở Tịnh thế giới trong Tịnh kiếp, Tỳ Kheo Pháp Ngữ được nhứt thiết pháp tự tại tam muội là người nào chăng? Chính là đại Bồ Tát Bất Thuấn đây vậy. Ðại Bồ Tát nầy đã được vô lượng vô biên công đức".
Lúc đức Thế Tôn vì Tôn giả Tu Bồ Ðề nói nhơn duyên thuở trước của đại Bồ Tát Bất Thuấn, có ba vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ Ðề. Trên hư không, chư Thiên Long Bát Bộ mưa những hoa hương để cúng dường Bất Thuấn đại Bồ Tát mà đồng thanh nói rằng: "Chúng tôi hôm nay thấy đại Bồ Tát Bất Thuấn này được lợi ích rất lớn".
Bấy giờ Tôn giả Tu Bồ Ðề nói với Bất Thuấn đại Bồ Tát: "Ðại Sĩ từ lâu đã tu phạm hạnh thanh tịnh".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức Tu Bồ Ðề! Luận về phạm hạnh chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại. Nếu chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại tức là vô tác, nếu là vô tác thì gọi là hạnh. Hạnh như vậy gọi là vô sanh, gọi là vô tranh, không có ngôn thuyết và oai nghi. Thưa Ðại Ðức! Vì chẳng phải nhãn hành nên gọi lả phạm hạnh, vì chẳng phải nhĩ tỹ thiệt thân và ý hành nên gọi là phạm hạnh. Vì chẳng phải sắc hành nên gọi là phạm hạnh, vì chẳng phải thanh, hương, vị, xúc và pháp hành nên gọi là phạm hạnh. Cũng vì chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành và thức hành nên gọi là phạm hạnh. Phạm hạnh ấy chẳng phải tướng, chẳng phải duyên, chẳng phải kiến, chẳng phải văn, chẳng phải tri, chẳng phải giác.
Thưa Ðại Ðức! Các pháp như vậy không có đi đến không có đứng dừng, không có kéo níu, không có số lượng, không có trên duới, đây gọi là phạm hạnh vậy".
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: Thưa Ðại Sĩ! Phạm hạnh ấy gọi là bát chánh đạo".
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức! Thế nào phạm hạnh gọi là bát chánh đạo?
Thưa Ðại Ðức! Nếu lấy chánh kiến làm phạm hạnh ấy, chẳng thấy các pháp gọi là chánh kiến, bình đẳng thấy các pháp gọi là chánh kiến, thấy chẳng thấy mới gọi là chánh kiến. Nếu chẳng thấy thì thế nào được gọi là chánh kiến ư! Nếu không có chánh kiến thì thế nào được gọi là phạm hạnh ư!
Không có tư duy gọi là chánh tư duy, luận về người có tư duy thì gọi là điên đảo. Nếu điên đảo thì thế nào được nói là chánh tư duy ư! Nếu không có chánh tư duy thì thế nào được gọi là phạm hạnh ư!
Tất cả âm thanh thảy đều bình đẳng. Hoặc thiện hoặc ác một hoặc hai hoặc quá khứ hoặc vị lai hoặc hiện tại hoặc tất cả chữ hoặc tất cả tiếng đều gọi là như hưởng vang, nếu là hưởng vang ấy thì thế nào được nói là chánh ngữ ư! Tất cả ấm thanh bình đẳng ấy, tất cả hành pháp đều vô thường khổ vô ngã là Niết bàn tịch tĩnh, nếu có thể bình đẳng quán tất cả các pháp như tướng Niết bàn và người diễn thuyết ấy cũng như vậy thì gọi là chánh ngữ.
Không có thân không có thân nghiệp, không có khẩu không có khẩu nghiệp, không có ý không có ý nghiệp, tại sao, vì không có nghiệp xứ vậy. Nếu có nghiệp xứ thì là có ngã và ngã sở. Nếu không có ngã ngã sở thì không có nghiệp quả. Quán như vậy thì gọi là chánh nghiệp.
Nếu vì sống còn mà làm tà mạng, xa lìa tà mạng thì gọi là chánh mạng. Nếu quán tất cả không ngã ngã sở không có chúng sanh thọ mạng sĩ phu. Như kia đã không có thì thế nào được gọi là chánh mạng ư! Nơi nhãn thức sắc chẳng sanh nhiễm trước, nhãn thức tánh rỗng không, vì nhãn thức tánh không nên nhãn và sắc cũng rỗng không. Nếu nhãn sắc và thức rỗng không đến ý pháp và thức cũng rỗng không như vậy. Quán như đây thì gọi là chánh mạng.
Không có điên đảo đoạn dứt các tinh tiến gọi là chánh tinh tiến: không có pháp tinh tiến, không có người tinh tiến, không có đầy đủ thành tựu tinh tiến, không có tinh tiến làm lợi ích ấy. Nếu có thể quán sát các pháp như vậy thì gọi là chánh tinh tiến.
Nếu có thể khắp niệm tất cả pháp bình đẳng như hư không, tất cả các pháp ấm nhập giới cũng như như vậy. Nếu có thể quán các pháp như vậy thì gọi là chánh niệm.
Quán tất cả pháp đều bình đẳng không có ngã không có ngã sở, nếu có thể bình đẳng quán tất cả các pháp như vậy thì gọi là chánh định.
Thưa Ðại Ðức! Nếu có thể quán tất cả pháp tánh bình đẳng như vậy thì gọi là bát chánh đạo, gọi là phạm hạnh. Chẳng phải lấy số mà gọi lả bát chánh đạo, chẳng phải bát chánh đạo mà gọi là phạm hạnh, chẳng phải vì đạo thế tục mà gọi là phạm hạnh, chẳng phải vì chấp tâm mà gọi là phạm hạnh, chẳng phải vì hai tướng mà gọi là phạm hạnh, nếu thấy các pháp không có trụ xứ mới gọi là phạm hạnh vậy".
Lúc Bất Thuấn đại Bồ Tát vì đại chúng mà nói phạm hạnh như vậy, có năm trăm Tỳ Kheo lìa các phiền não được quả A La Hán.
Tôn giả Tu Bồ Ðề nói: "Lành thay, lành thay! Ðại Sĩ rất giỏi nói pháp ấy như bực A La Hán lìa các phiền não nói không có khác.
Bất Thuấn đại Bồ Tát nói: "Thưa Ðại Ðức Tu Bồ Ðề! Nay tôi cũng là bực lìa phiền não, cũng là A La Hán, tôi cũng xa lìa các pháp Thanh Văn Duyên Giác phiền não. Tôi như pháp trụ nên gọi là A La Hán".
Tôn giả Tu Bồ Ðề bạch Đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Bất Thuấn đại Bồ Tát nầy lại thuyết vô ngại chẳng thể nghĩ bàn biện tài lợi ích tùy chỗ hỏi mà đáp".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Tu Bồ Ðề! Bất Thuấn Bồ Tát được nhứt thiết pháp tự tại tam muội, vì vậy nên có thể tùy chỗ hỏi mà đáp. Nếu Bồ Tát được tam muội ấy thì tất cả thế gian Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn không ai có thể chướng ngại được lạc thuyết vô ngại của Bồ Tát ấy".
Thiên Ðế Thích bạch Đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Nếu có người trong vô lượng đời đầy đủ công đức mới thấy được Bất Thuấn đại Bồ Tát và nghe thuyết pháp. Bạch đức Thế Tôn! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thọ trì kinh nầy đọc tụng thơ tả giải nói cho người, và người nghe pháp đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên biết các hạng người nầy sẽ như Bất Thuấn đại Bồ Tát làm sư tử hống. Bạch đức Thế Tôn! Ðế Thích tôi sẽ ủng hộ các người ấy".
Ðức Phật phán dạy: "Lành thay, lành thay, Kiều Thi Ca! Nay ông có thể chí tâm hộ trì chánh pháp như vậy".
Phạm Vương bạch Đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Tôi sẽ thích tu xả định tam muội rời bỏ vui thiền định để đến hộ trì Phật pháp và người thuyết pháp cho họ lìa bịnh khổ. Tùy quốc độ nào mà có chỗ thuyết pháp tôi sẽ thọ sanh nơi ấy chí tâm nghe pháp và thọ trì. Nếu có quốc độ nào nghe thọ kinh nầy và cúng dường tam bảo, tôi cũng trừ diệt ác tướng nơi ấy, cho quốc độ ấy thanh tịnh an vui chánh pháp được lưu truyền giáo hóa rộng rãi".
Ðức Phật phán khen: "Lành thay, lành thay, Phạm Vương chơn thiệt hộ pháp. Nếu có người có thể hộ pháp như vậy phải biết người ấy trọn chẳng xa lìa Tam bửu".
Tứ Thiên Vương bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi cũng có thể thủ hộ người thọ trì đọc tụng thơ tả giải thuyết pháp thậm thâm nầy".
Ðức Phật phán dạy: "Lành thay, lành thay, nầy các thiện nam tử! Nếu người biết rõ chánh pháp thì người ấy mới có thể ủng hộ pháp nầy. Các ông ở chỗ Phật được nghe pháp rồi liền được pháp nhãn dứt các ác đạo, nếu lại chí tâm hộ trì chánh pháp thì chẳng lâu sẽ dứt tất cả các hữu".
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tôn giả A Nan: "Nầy A Nan! Ông nên thọ trì kinh điển như vậy vì bốn hộ chúng mà nói rộng nghĩa ấy".
Tôn giả A Nan bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Tôi có thể thọ trì kinh điển như vậy đúng nhu lời Phật dạy rộng vì tứ chúng mà tuyên nói phân biệt giải thích".
Ðức Phật nói kinh nầy rồi, Trời Rồng Bát Bộ tất cả đại chúng nghe lời Đức Phật dạy đều rất vui mừng đồng thanh khen rằng: Lành thay, lành thay!