Bắc truyền
Kinh Đại Bảo Tích
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Xuất Bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999
22/07/2554 11:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Kinh Đại Bảo Tích
Mục lục
Xem toàn bộ

XIV. PHÁP HỘI PHẬT THUYẾT NHẬP THAI TẠNG THỨ MƯỜI BỐN
Hán Dịch: Pháp Sư Nghĩa Tịnh
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Như vậy tôi nghe, một lúc Ðức Phật ở thành Ca Tỳ La vườn Đa Căn Thọ chúng Tỳ Kheo vô lượng người câu hội.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn có em trai tên Nan Đà, thân như màu hoàng kim đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu thấp hơn Phật bốn ngón tay. Vợ tên Tôn Đà La nghi dung đoan chánh thế gian ít có, đẹp sáng siêu tuyệt người đều thích thấy. Nan Đà cưng vợ triền miên lưu luyến không tạm xa rời, tình ái nhiễm rất nặng quyết chung sống trọn đời.

Đức Thế Tôn xét biết đến thời kỳ thọ hóa độ, bèn vào lúc sáng sớm đắp y cầm bát đem Trưởng lão A Nan làm thị giả vào thành khất thực, kế đến cổng nhà Nan Đà mà đứng. Đức Thế Tôn dùng sức đại bi phóng ánh sáng màu hoàng kim chiếu khắp trong nhà Nan Đà đều thành màu hoàng kim cả.

Nan Đà nghĩ rằng ánh sáng bỗng chiếu đến chắc là Ðức Như Lai. Liền sai người hầu ra cổng xem, vội trở vào báo rằng Ðức Thế Tôn đứng tại cổng nhà. Nan Đà nghe báo liền muốn ra mau nghinh lễ Ðức Thế Tôn.

Tôn Đà La tự nghĩ nếu ta để y đi, Ðức Thế Tôn tất định cho y xuất gia. Nàng bèn níu áo chồng lại.

Nan Đà bảo vợ nay nên tạm cho ta đi ra lễ Ðức Thế Tôn rồi ta liền trở vào.

Tôn Đà La nói cùng nhau ước kỳ hẹn tôi mới cho đi. Nàng lấy phấn ướt đắp lên trán rồi nói với chồng rằng: Điểm này chưa khô phải trở vào, nếu trễ hẹn phải phạt năm trăm tiền vàng. Nan Đà ưng chịu rồi liền ra ngoài cổng lễ chưn Ðức Phật, tiếp lấy bát của Như Lai mang vào nhà đựng đầy cơm ngon bưng ra ngoài cổng.

Đức Thế Tôn liền bước đi đồng thời ra dấu cho A Nan chớ có lấy bát ấy.

Đức Như Lai Đại Sư oai nghiêm tôn trọng, Nan Đà chẳng dám kêu đứng lại, bèn trao bát đầy cơm cho A Nan.

Ngài A Nan hỏi: "Vừa rồi anh tiếp lấy bát ở nơi ai?".

Nan Đà nói: "Ở nơi Ðức Phật".

Ngài A Nan nói: "Như vậy nên trao cho Ðức Phật".

Nan Đà chẳng dám gọi Ðức Phật chỉ lặng lẽ đi theo sau.

Về đến tinh xá ở vườn Đa Căn Thọ, Ðức Thế Tôn rửa tay chưn rồi đến ghế mà ngồi. Nan Đà dâng bát cơm. Đức Thế Tôn ăn xong bảo Nan Đà rằng: "Em xuất gia được chăng?". Vì Ðức Thế Tôn thuở xưa lúc tu Bồ Tát đạo, đối với cha mẹ sư trưởng và chư tôn túc chưa hề trái lời dạy bảo, nên lời dạy của Phật không ai trái lại. Do đó mà Nan Đà nghe Ðức Phật bảo xuất gia liền đáp rằng: "Xuất gia được".

Đức Thế Tôn liền sai Ngài A Nan cạo râu tóc Nan Đà.

Ngài A Nan vâng lịnh Ðức Phật tìm người đến cạo.

Nan Đà nói với người ấy rằng: "Ngươi biết chăng, không bao lâu ta sẽ làm Chuyển Luân Vương, nếu ngươi cạo tóc ta, ta sẽ chặt cánh tay ngươi".

Người ấy sợ hãi gói dao lại muốn từ đi về.

Ngài A Nan vội bạch Ðức Phật. Đức Phật đến hỏi Nan Đà: "Em chẳng xuất gia ư?".

Do oai của Ðức Phật, Nan Đà thưa: "Xin xuất gia".

Đức Thế Tôn cầm bình nước rưới lên đầu Nan Đà, tịnh nhơn liền cạo.

Nan Đà nghĩ rằng nay phải kính phụng Ðức Thế Tôn, ban ngày tạm xuất gia, chờ tối sẽ về nhà. Đến chiều tối, Nan Đà theo đường cũ đi về nhà. Đức Thế Tôn hóa hố lớn ngay giữa đường. Nan Đà thấy hố ấy tự nghĩ rằng: Bây giờ không làm sao đi về nhà được, đành phải xa Tôn Đà La. Đêm nay nhớ tưởng nàng có thể chết được. Nếu còn sống, sáng mai sẽ về. Vì nhớ Tôn Đà La nên Nan Đà sầu khổ suốt đêm.

Biết ý nghĩ của Nan Đà, Ðức Phật bảo Ngài A Nan đến cho Nan Đà hay là Ðức Phật sai Nan Đà làm tri sự nhơn.

Ngài A Nan tuân hành lời Ðức Phật.

Nan Đà hỏi A Nan: "Sao gọi là tri sự nhơn và phải làm gì?"

Ngài A Nan nói: "Phải kiểm điểm các việc trong chùa".

Nan Đà hỏi: "Phải làm những sự gì?".

Ngài A Nan nói: "Nầy Cụ thọ! Phàm người tri sự, lúc chư Tỳ Kheo đi khất thực phải rưới quét trong chùa, lấy phân trâu mới thứ đệ tô cho sạch, phải để ý canh phòng chớ cho thất lạc, có việc phải phán quyết thì đem bạch chư Tăng. Nếu có hương hoa thì đem trao cho chúng. Đêm đến thì đóng cổng đóng cửa đến sáng mới mở. Chỗ đi đại tiểu phải thường rửa lau. Trong chùa nếu có chỗ nào hư thì phải tu bổ".

Nghe xong Nan Đà nói:"Thưa Đại Đức! Như lời Ðức Phật sai bảo, tôi xin vâng làm".

Sáng ngày đến giờ tiểu thực, chư Tỳ Kheo chấp trì y bát vào thành Ca Tỳ La khất thực.

Nan Đà thấy chùa vắng người liền nghĩ rằng ta quét chùa xong sẽ trở về nhà. Do thần lực của Phật, chỗ Nan Đà quét sạch hiện ra phân dơ. Thấy vậy Nan Đà bỏ chổi hốt sạch phân, nhưng phân vẫn còn không hốt hết được. Nan Đà nghĩ rằng: Thôi mặc, đóng cửa chùa rồi về. Cũng do thần lực của Ðức Phật, đóng cửa phòng này xong qua đóng cửa phòng kia thì phòng này cửa lại tự nhiên mở trống.

Nan Đà lo rầu nghĩ rằng nếu có kẻ trộm xâm phạm thì có hại gì.

Ta sẽ làm vua lại xây trăm ngàn ngôi chùa lớn tốt hơn đây. Ta nên về nhà. Sợ đi đường lớn gặp Phật nên Nan Đà theo đường nhỏ mà đi. Đức Phật biết bèn từ đường nhỏ ngược chiều đi lại. Từ xa Nan Đà thấy Phật, chẳng muốn gặp Phật, liền ẩn mình trong tàng cây rậm bên đường. Thần lực của Phật làm cho các nhánh cây đều cất cao lên lộ Nan Đà ra.

Đức Phật hỏi Nan Đà: "Em từ đâu đến đây nên theo ta".

Nan Đà hổ thẹn cúi đầu đi theo Phật.

Đức Phật biết Nan Đà quá luyến ái vợ, muốn dẫn tiếp Nan Đà khiến xả ly nên Ðức Phật ra khỏi thành Ca Tỳ La đến Thất La Phiệt ở tại vườn Lộc Từ Mẫu của bà Tỳ Xá Khư.

Đức Phật thầm nghĩ Nan Đà ngu si nhiễm hoặc mãi nhớ vợ chẳng bỏ tình ái, nên làm phương tiện cho thôi dứt.

Đức Phật bảo Nan Đà rằng: "Từ trước em có thấy núi Hương Túy chưa?". Nan Đà thưa chưa từng thấy.

Đức Phật nói: "Nếu như vậy em nên nắm chéo y ta".

Nan Đà tuân lời nắm chéo y của Ðức Phật.

Lúc ấy Ðức Thế Tôn dường như Nga Vương bay lên hư không đến núi Hương Túy dắt Nan Đà xem ngó hai bên. Dưới cây có trái kia thấy một con khỉ cái mù một mắt đang ngửa mặt nhìn sững Ðức Như Lai.

Đức Phật bảo Nan Đà rằng con khỉ cái này sánh với Tôn Đà La thi ai đẹp?

Nan Đà thưa: "Tôn Đà La con giòng Thích Ca đẹp như thiên nữ nghi dung đệ nhứt trong đời không có hai người. Khỉ cái này đem sánh với nàng thì ngàn muôn ức phần chẳng bằng một".

Đức Phật hỏi: "Em có thấy thiên cung chưa?".

Nan Đà thưa rằng chưa thấy.

Đức Phật lại bảo Nan Đà nắm chéo y rồi như Nga Vương bay lên hư không đến trời Đao Lợi, khiến Nan Đà nhìn ngắm cảnh thù thắng ở cõi trời. Nan Đà tuân lời đến vườn hoan hỉ, vườn thể thân, vườn thô thân, vườn giao hiệp, cây viên sanh, tòa Thiện Pháp Đường, các thắng cảnh cõi trời như vậy, nào cung điện vườn tược, nào hoa quả ao tắm, những chỗ dạo chơi vui vẻ thù thắng đều quan sát hết.

Kế đến Nan Đà vào trong thành Thiện Kiến, lại thấy các thứ âm nhạc âm thanh vi diệu, nhà cửa cao rộng màn che trướng phủ, nơi nào cũng có các thiên nữ cùng nhau vui đùa. Nan Đà xem khắp mọi cung, thấy có một cung điện chỉ có thiên nữ mà không có thiên tử, bèn hỏi thiên nừ rằng: "Tại sao mọi cung đều có thiên tử thiên nữ ở chung cùng nhau vui thú, mà cung này chỉ có toàn thiên nữ?".

Thiên nữ đáp: "Đức Thế Tôn có người em trai tên Nan Đà theo Phật xuất gia tu phạm hạnh mạng chung sẽ sanh nơi đây, chúng tôi chờ ông ấy".

Nan Đà nghe nói vui mừng hớn hở vội trở lại chỗ Ðức Phật.

Thấy Nan Đà, Ðức Phật hỏi em có thấy cảnh thắng diệu ở cõi trời chăng? Nan Đà thưa đã thấy, rồi thuật lại mọi sự đã được thấy.

Đức Phật hỏi có thấy thiên nữ chăng?

Nan Đà thưa: "Đã thấy".

Đức Phật hỏi: "Các thiên nữ ấy sánh với Tôn Đà La thì ai đẹp?".

Nan Đà thưa: "Đem Tôn Đà La so với các tiên nữ ấy thì cũng như đem con khỉ cái chột mắt ở núi Hương Túy sánh với Tôn Đà La, trăm ngàn muôn lần chẳng bằng một".

Đức Phật bảo Nan Đà rằng: "Người tu phạm hạnh có thắng lợi ấy, nay em nên gắng tu phạm hạnh sẽ được sanh cõi trời hưởng khoái lạc này".

Nan Đà nghe Ðức Phật nói lòng vui mừng đứng yên.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn cùng Nan Đà rời cõi trời Đao Lợi trở lại rừng Thệ Đa. Từ ngày ấy vì ái mộ thiên cung mà Nan Đà chuyên tu phạm hạnh.

Đức Phật biết tâm niệm của Nan Đà nên sai Ngài A Nan đi truyền lịnh Ðức Phật cho các Tỳ Kheo không người nào cùng Nan Đà ngồi chung chỗ, kinh hành đồng chỗ, để y một sào, để bát một chỗ, để bình một chỗ, chẳng được đồng một chỗ với Nan Đà mà đọc tụng kinh điển.

A Nan truyền lịnh Ðức Phật, các Tỳ Kheo đều tuân hành.

Nan Đà thấy mọi người xa lánh mình thì rất hổ thẹn. Lúc sau, Ngài A Nan cùng các Tỳ Kheo ở trong nhà thị giả vá y phục. Nan Đà nghĩ rằng các Tỳ Kheo đều rời bỏ tôi chẳng ở đồng một chỗ. Còn A Nan nầy là em trai tôi há lại lánh tôi.

Nghĩ vậy Nan Đà liền đi vào nhà ngồi bên A Nan.

Lúc ấy A Nan vội đứng dậy tránh ra. Nan Đà nói: "Nầy A Nan! Các Tỳ Kheo khác bỏ tôi đã đành. Còn A Nan là em trai tôi sao nỡ ghét lánh tôi".

Ngài A Nan đáp: "Thiệt có lý ấy, nhưng anh tu đạo riêng, còn tôi theo đường khác, vì vậy mà phải tránh nhau".

Ngài Nan Đà hỏi: "Thế nào là đạo anh đường em?".

Ngài A Nan đáp: "Anh thích sanh cõi trời mà tu phạm hạnh, tôi cầu Niết Bàn mà trừ dục nhiễm vậy".

Ngài Nan Đà nghe lời ấy càng thêm lo buồn.

Đức Thế Tôn biết tâm niệm của Nan Đà nên đến hỏi:"Em đã thấy địa ngục chưa?".

Ngài Nan Đà thưa: "Chưa thấy".

Đức Phật bảo Ngài Nan Đà nắm chéo áo y của Phật rồi đem Nan Đà vào trong địa ngục. Đức Phật đứng qua một bên bảo Ngài Nan Đà đi xem các nơi trong địa ngục. Ngài Nan Đà liền đi, trước hết thấy sông tro, kế đến rừng gươm, sông phẩn. Vào trong quan sát thấy các chúng sanh thọ nhiều sự khổ: hoặc bị kềm rút lưỡi, bẻ răng, móc mắt, hoặc bị cưa sẻ đôi thân thể, hoặc bị búa chặt rời tay chưn, hoặc bị mâu xuyên qua thân, hoặc roi đánh, xóc đâm, hoặc bị chùy sắt đập nát, hoặc bị rót nước đồng vào miệng, hoặc bị ném lên cây gươm núi dao, hoặc bị chày giã đá xay, hoặc ôm cột đồng nằm giường sắt cháy đỏ, lại thấy vạc sắt đốt lửa lớn dầu nước sôi trào nấu các hữu tình, lại thấy một vạc dầu nước sôi sục mà không có ai bị nấu trong ấy.

Ngài Nan Đà hỏi duyên cớ. Ngục tốt giải đáp rằng: "Em trai Ðức Phật là Nan Đà chỉ nguyện muốn sanh thiên mà tu phạm hạnh, rồi đây ông sẽ được sanh cõi trời tạm hưởng khoái lạc, khi thân trời mạng chung sẽ phải vào vạc dầu sôi này, nên tôi chụm lửa chờ ông ấy".

Nghe ngục tốt nói, Ngài Nan Đà rất kinh sợ rởn ốc dựng lông mồ hôi lạnh tuôn ra, tự nghĩ rằng nếu nó biết mình là Nan Đà có thể nó sẽ lấy chĩa xom mình bỏ vào vạc để nấu. Ngài Nan Đà vội vã chạy gấp về chỗ Ðức Phật.

Đức Phật hỏi: "Em đã thấy địa ngục chăng".

Ngài Nan Đà buồn khóc rơi nước mắt nghẹn ngào nói nhỏ thưa rằng: "Tôi đã được thấy".

Đức Phật hỏi: "Em đã thấy những gì?".

Ngài Nan Đà đem tất cả những sự đã thấy thuật trình Ðức Phật.

Đức Phật phán: "Nếu nguyện nhơn gian, hoặc cầu thiên thượng thì có những lỗi lầm như vậy. Nay em phải cầu Niết bàn mà tu phạm hạnh, chớ thích cõi trời mà gây sự khổ về sau.".

Ngài Nan Đà nghe Ðức Phật dạy như vậy, trong lòng rất hổ thẹn cúi đầu nín lặng.

Đức Thế Tôn liền dắt Ngài Nan Đà cùng ra khỏi địa ngục về đến rừng Thệ Đa bảo Ngài Nan Đà và chư Tỳ Kheo rằng: "Trong tâm có ba thứ cấu dơ là dâm dục, giận thù và ngu si rất đáng được vứt bỏ, phải nên xa rời, các ông phải tu học".

Đức Thế Tôn ở rừng Thệ Đa không bao lâu, vì muốn tùy duyên giáo hóa chúng sanh nên cùng đồ chúng qua nước Chiêm Ba ở bên ao Yết Già.

Ngài Nan Đà cùng năm trăm Tỳ Kheo cũng đi theo Ðức Phật. Các Ngài đến chỗ Ðức Phật đảnh lễ chưn Phật rồi ngồi qua một phía.

Đức Phật thấy đại chúng ngồi xong bảo ngài Nan Đà rằng: "Phật có pháp yếu sơ trung hậu đều thiện, văn nghĩa khéo hay thuần nhứt viên mãn phạm hạnh thanh bạch. Đó là kinh Nhập Mẫu Thai. Ông phải lắng nghe kỹ khéo suy nghĩ, nay Phật sẽ vì ông mà nói kinh ấy".

Ngài Nan Đà thưa: "Vâng, bạch Ðức Thế Tôn. Xin muốn được nghe".

Đức Phật nói:"Dầu có thai mẹ mà có nhập và chẳng nhập. Thế nào là thọ sanh nhập vào trong thai mẹ?

Nếu cha mẹ nhiễm tâm cùng làm dâm ái, bụng mẹ sạch sẽ, nguyệt kỳ điều hòa đến thời kỳ và trung ấm hiện tiền, như vậy thì nhập thai mẹ.

Trung ấm ấy có hai thứ hình: một là dung sắc xinh đẹp, hai là dung mạo xấu xí.

Trung ấm địa ngục có dung mạo như cây gỗ cháy trụi. Trung ấm bàng sanh có màu như khói. Trung ấm ngạ quỉ có màu như nước. Trung ấm trời hay người có màu như hoàng kim. Trung ấm cõi sắc thì hình sắc trắng láng. Trời vô sắc không có thân trung ấm vì không có sắc thân vậy.

Trung ấm của hữu tình hoặc có hai tay hai chưn, hoặc nhiều chưn bốn chưn không chưn, tùy theo nghiệp ngày trước đáng phải thác sanh chỗ nào thì cảm thân trung ấm như thân hình ấy.

Nếu là trung ấm trời thì đầu hướng lên trên, trung ấm người bàng sanh và quỉ thì đi ngang, trung ấm địa ngục thì đầu trút xuống.

Phàm thân trung ấm thì đều có thần thông đi trong hư không, như thiên nhãn ở xa thấy chỗ thọ sanh.

Nói nguyệt kỳ đến thời kỳ là nói thời kỳ nạp thai.

Nầy Nan Đà! Hoặc có nữ nhơn trải qua ba ngày, hoặc năm ngày, nửa tháng, một tháng, hoặc có chờ duyên trải qua lâu nguyệt kỳ mới đến. Nếu có nữ nhơn thân không oai thế thọ nhiều tân khổ hình dung xấu xí không ăn uống tốt, nguyệt kỳ dầu đến mà mau dứt ; dường như đất khô khi rước nước dễ khô. Nếu có nữ nhơn thân có oai thế thường thọ an lạc nghi dung đoan chánh được ăn uống tốt, có nguyệt kỳ đến chẳng mau dứt, dường như đất nhuần khi rưới nước thì khó khô.

Thế nào là chẳng nhập thai mẹ?

Lúc cha xuất tinh thì mẹ chẳng xuất, lúc mẹ xuất tinh thì cha chẳng xuất, hoặc đều chẳng xuất, đều chẳng thọ thai.

Nếu mẹ bất tịnh mà cha tịnh, hoặc cha bất tịnh mà mẹ tịnh, hoặc đều bất tịnh cũng đều chẳng thọ thai.

Nếu chỗ âm của mẹ có bịnh phong, bịnh hoàng, bịnh đàm, hoặc có huyết khí thai kiết, hoặc bị thịt tăng, hoặc bị uống thuốc, hoặc bị bịnh lúa mạch, bịnh eo lưng kiến, hoặc sản môn như miệng lạc đà, hoặc trong ấy như cây nhiều rễ, như đầu cầy, như càng xe, như dây leo, như lá cây, như tua lúa mạch, hoặc bụng dưới sâu, hoặc trên sâu, hoặc chẳng phải đồ thọ thai, hoặc máu thường xuất, hoặc thường chảy nước, hoặc như mỏ quạ, hoặc mở mà chẳng hiệp, hoặc trên dưới bốn bên rộng hẹp chẳng đồng, hoặc cao hạ lõm lồi, hoặc bên trong có trùng ăn thúi hư bất tịnh. Nếu mẹ có những lỗi ấy thì chẳng thọ thai.

Hoặc cha mẹ tôn quí mà trung ấm ti tiện, hoặc trung ấm tôn quí mà cha mẹ ti tiện cũng chẳng thành thai.

Nếu cha mẹ và trung ấm đều tôn quí mà nghiệp chẳng hòa hiệp cũng chẳng thành thai.

Nếu ở nơi cảnh trước mà trung ấm không có nam nữ hai thứ ái niệm cũng chẳng thọ thai.

Nầy Nan Đà! Thế nào là trung ấm được vào thai mẹ?

Nếu bụng mẹ tịnh, trung ấm hiện tiền thấy làm việc dục, không có những lỗi như trên, cha mẹ và con có nghiệp tương cảm mới nhập vào thai mẹ.

Lại lúc trung ấm sắp nhập thai tâm liền điên đảo. Nếu là nam thì với mẹ sanh yêu với cha sanh ghét. Nếu là nữ thì cha sanh yêu với mẹ sanh ghét. Đời quá khứ vì tạo các nghiệp mà sanh vọng tưởng có tâm niệm hiểu sai lầm, tưởng lạnh rét, tưởng gió lớn mưa lớn mây mù; hoặc nghe tiếng đông người ồn ào, tưởng như vậy rồi tùy theo nghiệp đời trước ưu hay liệt mà sanh mười thứ vọng tưởng: Nay tôi vào nhà, tôi muốn lên lầu, tôi lên đài điện, tôi lên giường ghế, tôi vào nhà cỏ, tôi vào nhà lá, tôi vào lùm cỏ, tôi vào trong rừng, tôi vào lỗ vách, tôi vào trong rào.

Nầy Nan Đà! Lúc trung ấm niệm tưởng như vậy liền nhập thai mẹ. Phải biết tối sơ thọ sanh gọi là yết la lam, là tinh cha huyết mẹ chớ chẳng phải vật khác. Do tinh huyết cha mẹ hòa hiệp làm chỗ sở duyên của thức nương ở nơi đó. Ví như chất lạc bình dùi nhơn công động chuyển mãi thì có chất tô suất sanh, khác đây thì chất tô chẳng sanh. Phải biết cha mẹ tinh huyết bất tịnh và thân yết la lam cũng như vậy.

Lại nầy Nan Đà! Có bốn thí dụ, ông nên lắng nghe:

Như nương cỏ xanh mà trùng sanh ra. Cỏ chẳng phải trùng, trùng chẳng rời cỏ, nương nơi cỏ nhơn duyên hòa hiệp thì trùng sanh thân nó màu xanh như màu cỏ. Cha mẹ tinh huyết và thân yết la lam nhơn duyên hòa hiệp có đại chủng căn sanh cũng như vậy.

Như nương phân bò mà sanh trùng. Phân chẳng phải trùng, trùng chẳng rời phân, nương phân nhơn duyên hòa hiệp mà trùng được sanh thân nó màu xanh. Tinh cha huyết mẹ thân yết la lam cũng như vậy, nhơn duyên hòa hiệp thì đại chủng căn sanh.

Như nương táo sanh trùng, táo chẳng phải trùng, trùng chẳng rời táo, nương nơi táo nhơn duyên hòa hiệp mà trùng được sanh thân nó màu đỏ. Tinh cha huyết mẹ thân yết la lam cũng như vậy, nhơn duyên hòa hiệp thì đại chủng căn sanh.

Như nương chất lạc sanh trùng, lạc chẳng phải trùng, trùng chẳng rời lạc, nương chất lạc nhơn duyên hòa hiệp mà trùng được sanh thân nó màu trắng. Tinh cha huyết mẹ thân yết la lam cũng như vậy, nhơn duyên hòa hiệp thì đại chủng căn sanh.

Lại nầy Nan Đà! Nương cha mẹ bất tịnh và yết la lam nên địa giới hiện tiền tánh cứng rắn, thủy giới hiện tiền ướt nhuần, hỏa giới hiện tiền tánh ấm nóng, phong giới hiện tiền tánh nhẹ động.

Nầy Nan Đà! Nếu cha mẹ bất tịnh và thân yết la lam chỉ có địa giới mà không thủy giới thì khô khốc mà phân tán như tay bóc bột tro khô vậy. Nếu chỉ có thủy giới mà không có địa giới thì lỏng chảy như dầu như giọt nước. Do thủy giới nên địa giới chẳng tan, do địa giới mà thủy giới chẳng chảy.

Nầy Nan Đà! Thân yết la lam có địa thủy hai giới mà không hỏa giới thì thúi rã như ngày mùa hạ khối thịt tươi để chỗ râm mát.

Nầy Nan Đà! Thân yết la lam có địa thủy hỏa giới mà không phong giới thì chẳng tăng trưởng quảng đại.

Đây đều do nghiệp quá khứ làm nhơn, lại làm duyên lẫn nhau cùng chiêu cảm nhau mà thức được sanh, địa giới hay trì, thủy giới hay nhiếp, hỏa giới hay chín, phong giới hay lớn. Như có người thợ bánh và học trò trộn nấu đường cát rồi dùng miệng thổi cho nó lớn rộng thêm mà bên trong thì rỗng trống như củ sen. Trong thân bốn đại chủng địa thủy hỏa phong, do nghiệp lực tăng trưởng cũng như vậy.

Nầy Nan Đà! Cha mẹ bất tịnh có thân yết la lam, thân ấy chẳng phải bụng mẹ, chẳng phải là nghiệp, chẳng phải nhơn chẳng phải duyên, do các thứ ấy hòa hội mới có thai.

Như hột giống mới chẳng bị gió nắng làm tổn hư, chắc thiệt không lỗ cất chứa đúng cách, đem gieo vào ruộng tốt nhuần ướt. Do nhơn duyên hòa hiệp như vậy mà rễ mầm cọng nhánh lá bông trái thứ đệ sanh trưởng.

Nầy Nan Đà! Hột giống ấy chẳng phải rời lìa các duyên hòa hiệp mà mầm cây v.v... được sanh.

Do đó mà biết rằng chẳng phải chỉ có cha mẹ, chẳng phải chỉ có nghiệp và các duyên khác mà thai được sanh, cần phải do tinh huyết của cha mẹ, nghiệp và các duyên hòa hiệp mới có thai vậy.

Nầy Nan Đà! Như người sáng mắt vì cầu lửa nên đem nhựt quang châu để trong ánh nắng rồi đặt phân bò khô lên mới có lửa phát sanh. Nương đủ các duyên hòa hiệp mới có thai sanh cũng như vậy.

Cha mẹ bất tịnh thành yết la lam gọi đó là sắc thọ tưởng hành thức cũng gọi là danh sắc. Khối uẩn danh sắc ấy đáng chán ghét, thác sanh các loài nhẫn đến chút phần sát na, Phật chẳng tán thán. Tại sao? Vì sanh vào các loài là rất khổ, ví như phẩn dơ, chút phần cũng hôi, sanh vào các loài chút phần cũng khổ. Năm thủ uẩn sắc thọ tưởng hành thức ấy đều có sanh trụ tăng trưởng và suy hoại. Sanh tức là khổ, trụ tức là bịnh, tăng trưởng suy hoại tức là lão tử.

Vì lẽ ấy người trí đâu nên ở nơi biển sanh tử mà mến ưa nằm trong thai mẹ thọ khổ lớn ấy.

Lại nầy Nan Đà! Phàm nhập thai cứ đại số mà nói thì có ba mươi tám thất nhựt.

Thất nhựt thứ nhứt, thai ở bụng mẹ như ở trong nồi, thân căn ý căn đồng ở một chỗ, hơi nóng đốt nấu rất đau khổ tên là yết la lam trạng như nước cháo hay nước lạc. Trong bảy ngày hơi nóng bên trong nấu nung, bốn đại chủng mới phát hiện.

Thất nhựt thứ hai thai ở bụng mẹ có gió khởi lên tên là biến xúc do nghiệp trước phát sanh thổi chạm thai ấy tên là án bộ đà trạng như lạc đặc như tô đọng. Trong bảy ngày hơi nóng bên trong nấu nung bốn đại chủng phát hiện.

Thất nhựt thứ ba thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là đao sao thổi chạm thai ấy tên là bế thi trạng như chiếc đũa hay con trùng, trong bảy ngày bốn đại chủng phát hiện.

Thất nhựt thứ tư thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là nội khai thổi chạm thai ấy tên là kiện nam trạng như vỏ hài hay ôn thạch, trong bảy ngày bốn đại chủng phát hiện.

Thất nhựt thứ năm thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là nhiếp trì thổi chạm thai ấy có năm tướng hiện đó là hai cánh hai đùi và đầu. Như mùa xuân mưa xuống rừng cây rậm rợp nhánh lá tăng trưởng, năm tướng nơi thai tăng trưởng cũng như vậy.

Thất nhựt thứ sáu thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là quảng đại thổi chạm thai ấy có bốn tướng hiện đó là hai chỏ hai gối.

Thất nhựt thứ bảy thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là triền chuyển thổi chạm thai ấy có bốn tướng hiện đó là hai tay hai chưn.

Thất nhựt thứ tám thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là phiên chuyển thổi chạm thai ấy có hai mươi tướng hiện đó là tay chưn đều mười ngón.

Thất nhựt thứ chín thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là phân tán thổi chạm thai ấy có chín tướng hiện đó là hai mắt hai tai hai mũi miệng và hai lỗ dưới.

Thất nhựt thứ mười thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là kiên ngạnh làm cho thai cứng chắc. Lại có gió nghiệp tên là phổ môn làm cho thai phồng lên như trái nổi.

Thất nhựt thứ mười một thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là sơ thông làm cho thai thông suốt chín lỗ hiện ra. Lúc mẹ đi đứng ngồi nằm làm việc gió ấy xoay chuyển hư thông lần lần khiến chín lỗ lớn ra.

Thất nhựt thứ mười hai thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên khúc khẩu thổi hai bên thai làm đại trường và tiểu trường. Lại có gió nghiệp tên là xuyên phát lai cho thai sanh ra một trăm chỗ cấm.

Thất nhựt thứ mười ba thai ở bụng mẹ do sức gió trước nên biết đói khát, lúc mẹ uống ăn có chất bổ dưỡng từ rốn vào để nuôi thân thai.

Thất thứ mười bốn thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là tuyến khẩu làm cho thai sanh một ngàn lóng: thân trước sau tả hữu đều sanh hai trăm năm mươi lóng.

Thất thứ mười lăm thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là liên hoa làm cho thai sanh hai mươi mạch hấp rút chất bổ dưỡng: thân trước sau tả hữu đều có năm mạch nhiều thứ tên nhiều màu sắc, hoặc tên bạn tên lực tên thế, màu thì xanh vàng đỏ trắng, màu đậu, màu dầu, màu tô, màu lạc và nhiều màu khác, tướng nó hòa nhã. Hai mươi mạch ấy, mỗi mạch đều riêng có bốn mươi mạch làm quyến thuộc hiệp lại có tám trăm mạch hấp rút hơi: thân trước sau tả hữu đều riêng có hai trăm. Tám trăm mạch ấy, mỗi mạch còn có một trăm đường mạch quyến thuộc liền nhau hiệp có tám vạn: thân trước sau tả hữu đều có hai vạn. Tám vạn mạch ấy còn có nhiều lỗ, hoặc một lỗ, hoặc hai lỗ nhẫn đến bảy lỗ, mỗi lỗ liền với lỗ lông. Như rễ sen có nhiều lỗ thông nhau.

Thất nhựt thứ mười sáu thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là cam lộ hành có thể làm phương tiện an trí nơi chỗ cho hai mắt, hai tai, mũi miệng cổ họng, ngực hông, chỗ chứa đựng đồ ăn uống, hay làm cho hơi thở ra vào thông suốt.

Thất nhựt thứ mười bảy thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là lông phất khẩu hay làm cho mắt tai mũi miệng v. v... nhuần ướt.

Thất nhựt thứ mười tám thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là vô cấu làm cho sáu căn thanh tịnh.

Thất nhựt thứ mười chín thai ở bụng mẹ thành tựu bốn căn nhãn nhĩ tỷ và thiệt cộng với ba căn lúc tối sơ nhập thai là thân căn mạng căn và ý căn.

Thất nhựt thứ hai mươi thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là kiên cố làm cho thân thai, chưn tả sanh hai mươi lóng xương ngón chưn, chưn hữu sanh hai mươi lóng xương ngón chưn, gót có bốn, mắt cá có hai, gối có hai, vế có hai, eo có ba, sống có mười tám, sườn có hai mươi bốn. Tay tả sanh hai mươi xương ngón, tay hữu sanh hai mươi xương ngón, cánh có bốn, bắp có hai, ngực có bảy, vai có bảy, cổ có bốn, hàm có hai, răng có ba mươi hai, sọ đầu có bốn. Trong đây trừ xương nhỏ thì xương lớn có hai trăm.

Thất nhựt thứ hai mươi mốt thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là sanh khởi hay làm cho trên thân thai sanh thịt.

Thất nhựt thứ hai mươi hai thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là phù lưu hay làm cho thân thai sanh huyết.

Thất nhựt thứ hai mươi ba thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là tịnh trì hay làm cho thân thai sanh da.

Thất nhựt thứ hai mươi bốn thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là tư mạn hay làm cho da sáng bóng.

Thất nhựt thứ hai mươi lăm thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là trì thành hay làm cho máu thịt tư nhuận.

Thất nhựt thứ hai mươi sáu thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là sanh thành hay sanh tóc lông móng cùng các mạch liền nhau.

Thất nhựt thứ hai mươi bảy thai ở bụng mẹ có gió tên là khúc thược hay làm cho tóc lông móng đều thành tựu.

Nầy Nan Đà! Nếu đứa con đời trước tạo nhiều ác tham gian bỏn xẻn bất hiếu bất hòa, nay sanh nhơn gian được quả báo chẳng vừa ý. Nếu đời cho cao là đẹp thì thân nó lùn, nếu cho thấp là đẹp thì thân nó cao, thô tế ít nhiều gầy mập cận ly khiếp dũng trắng đen v. v... đều ngược sở hảo của người đời. Lại còn do nghiệp ác nó cảm lấy ác báo như đui điếc câm ngọng ngu đần xấu xí, giọng nói người ghét, tay chưn cong què, hình như ngạ quỉ thân thuộc còn ghét chẳng muốn nhìn huống là người khác, ba nghiệp đối với người nói điều gì, người chẳng tin nhận chẳng để ý. Tại sao? Vì đời trước nó tạo nghiệp ác nên nay được báo ác như vậy.

Nầy Nan Đà! Nếu đứa con ấy đời trước tạo nghiệp phước bố thí chẳng tham gian cứu giúp người nghèo thiếu làm nhiều nghiệp lành hiếu thảo thuận hòa, thì nay cảm báo lành sanh trong nhơn gian được quả báo vừa ý, cao thấp thô tế nhiều ít mập gầy dũng khiếp v.v... điều hiệp sở thích người đời, sáu căn tròn đủ đoan chính đẹp xinh, giọng nói người ưa, ba nghiệp trình bày người đều tin nhận kính nhớ để lòng. Tại sao? Do đời trước nó tạo nghiệp lành nên được báo tốt như vậy.

Nầy Nan Đà! Nếu thai là nam, ở bên hông hữu của mẹ ngồi bẹp hai tay bụm mặt hướng sống lưng mẹ mà ở yên. Nếu thai là nữ, ở bên hông tả ngồi bẹp hai tay bụm mặt hướng bụng mẹ mà ở yên. Nó ngồi dưới sanh tạng trên thục tạng, vật sống đè xuống, vật chín đâm lên, như trói năm chỗ cắm tại đầu cây nhọn. Lúc mẹ ăn nhiều hay ăn ít đều bị đau khổ, hoặc ăn quá lỏng, quá khô, quá lạnh, quá nóng, quá mặn, quá đắng, quá cay, quá chua, quá ngọt đứa con đều đau khổ cả. Hoặc mẹ hành dục, hoặc đi gấp chạy mau, ngồi lâu nằm lâu, hay nhảy nhót thảy đều bị khổ.

Nầy Nan Đà! Phải biết lúc ở thai mẹ có nhiều thứ khổ đau bức bách đức con chẳng thể kể hết. Ở trong loài người còn khổ đến thế huống là các ác đạo, ai là người có trí mà lại ưa thích lấy thân tai ách trong biển khổ sanh tử.

Thất nhựt thứ hai mươi tám thai ở bụng mẹ, đứa con ấy vọng sanh tám thứ tưởng điên đảo: tưởng là ở nhà, là ngồi xe, là vườn, là lầu, là gác, là rừng cây, là giường ghế, là sông ao, mà thiệt không các thứ ấy chỉ hư vọng phân biệt.

Thất nhựt thứ hai mươi chín thai ở bụng mẹ có gió nghiệp tên là hoa điều hay làm thân đức con láng trắng sạch sẽ, hoặc do nghiệp lực khiến màu đen thâm, hay xanh, hay các màu khác, hay khô khốc không tươi nhuần, ánh sáng trắng ánh sáng đen đều theo màu sắc mà phát ra.

Thất nhựt thứ ba mươi thai ở bụng mẹ có gió tên thiết khẩu làm cho tóc lông móng được sanh trưởng và nhuần sáng.

Thất nhựt thứ ba mươi mốt đến thất nhựt thứ ba mươi bốn thai ở bụng mẹ tăng trưởng quảng đại.

Thất nhựt thứ ba mươi lăm thai ở bụng mẹ chi thể đầy đủ.

Thất nhựt thứ ba mươi sáu và ba mươi bảy thai ấy chẳng thích ở bụng mẹ.

Thất nhựt thứ ba mươi bảy thai ấy sanh ba ý tưởng chẳng điên đảo. Đó là ý tưởng bất tịnh, hôi dơ và tối tăm.

Thất nhựt thứ ba mươi tám, thai ở bụng mẹ có gió tên là lam hoa hay làm cho thai hướng xuống giăng dài hai tay xu hướng cửa đẻ. Kế có gió tên xu hạ thổi khiến thai trút đầu xuống hai chân đưa lên sắp ra cửa đẻ.

Nầy Nan Đà! Nếu đứa con ấy, đời trước nó tạo những nghiệp ác và làm trụy thai người, do đó nên nay thai ấy tay chưn ngang lọan chẳng lay chuyển được bèn chết trong bụng mẹ. Người mẹ nhơn đó mà chịu vô lượng thống khổ hoặc cũng phải chết.

Nầy Nan Đà! Nếu đứa con ấy, đời trước nó tạo phước đầu chuyển mình chẳng tổn hại mẹ an ổn ra ngoài không các tai ách, lúc đẻ cũng khiến người mẹ rất đau khổ gần chết thai mới sanh ra được. Các ông nên quan sát kỹ mà cầu xuất ly.

Lại nầy Nan Đà! Nay ông đã biết ở thai khổ, lúc sanh khổ. Ông nên biết phàm người thọ sanh rất khổ não.

Lúc sơ sanh hoặc nam hay nữ rơi vào tay người, hoặc trên khăn, chiếu v.v... hoặc trong nắng hay chỗ râm, hoặc trên xe, hoặc nơi giường, trong lòng người, tất cả chỗ đều chịu sự đau đớn, khổ sở. Như bò bị lột da đứng dựa vách bị kiến bu, hoặc dựa cây bị sâu cắn, dầu đứng chỗ trống bị nắng gió cũng rất đau khổ. Trẻ sơ sanh cũng vậy lúc tắm nước nóng chịu khổ rất là bức thiết.

Sau khi được sanh, trẻ ấy uống sữa của mẹ mà lớn.

Nầy Nan Đà! Đã có nhiều thứ khổ không gì đáng ưa, đâu có người trí mà lại ái luyến sanh tử.

Sanh bảy ngày rồi, trong thân ấy có tám vạn hộ trùng ngang dọc ăn nuốt.

Có một hộ trùng tên thực phát nương tóc ăn tóc.

Có hai hộ trùng tên phục tàng và thô đầu nương đầu ăn đầu.

Có một hộ trùng tên nhiễu nhãn nương mắt ăn mắt.

Có bốn hộ trùng tên khu trục, bôn tẩu, ốc trạch và viên mãn nương óc ăn óc.

Có một hộ trùng tên đạo diệp nương tai ăn tai.

Có một hộ trùng tên tàng khẩu nương mũi ăn mũi.

Có hai hộ trùng tên dao trịch và biến trịch nương môi ăn môi.

Có một hộ trùng tên mật diệp nương răng ăn răng.

Có một hộ trùng tên châm khẩu nương lưỡi ăn lưỡi.

Có một hộ trùng tên lợi khẩu nương cuống lười ăn cuống lưỡi.

Có một hộ trùng tên thủ viên nương nướu ăn nướu.

Có hai hộ trùng tên thủ võng và bán khuất nương bàn tay ăn bàn tay.

Có hai hộ trùng tên đoản huyền và trương huyền nương bắp tay ăn bắp tay.

Có hai hộ trùng tên cận tý và viễn tý nương cánh tay ăn cánh tay.

Có hai hộ trùng tên dục thôn và dĩ thôn nương yết hầu ăn yết hầu.

Có hai hộ trùng tên hữu oán và đại oán nương ngực ăn ngực.

Có hai hộ trùng tên loa bối và loa khẩu nương thịt ăn thịt.

Có hai hộ trùng tên hữu sắc và hữu lực nương máu và ăn máu.

Có hai hộ trùng tên dũng kiện và hương khẩu nương gân ăn gân.

Có hai hộ trùng tên bất cao và hạ khẩu nương xương sống ăn xương sống.

Có hai hộ trùng đồng tên chỉ sắc nương mỡ ăn mỡ.

Có một hộ trùng tên hoàng sắc nương hoàng ăn hoàng.

Có một hộ trùng tên chơn châu nương thận ăn thận.

Có một hộ trùng tên đại chơn châu nương eo lưng ăn eo lưng.

Có một hộ trùng tên vị chí nương lá lách ăn lá lách.

Có bốn hộ trùng tên thủy mạng, đại thủy mạng, châm khẩu và đao khẩu nương ruột ăn ruột.

Có năm hộ trùng tên nguyệt mãn, nguyệt diện, huy diệụ huy diện và biệt trụ nương hông bên hữu ăn hông bên hữu.

Có năm hộ trùng đồng tên trên nương hông bên tả ăn hông bên tả.

Có bốn hộ trùng tên xuyên tiền, xuyên hậu, xuyên kiên và xuyên trụ nương xương ăn xương.

Có bốn hộ trùng tên đại bạch, tiểu bạch, trùng vân và xú khí nương mạch ăn mạch.

Có bốn hộ trùng tên sư tử, bị lực, cấp tiển và liên hoa nương sanh tạng ăn sanh tạng.

Có hai hộ trùng tên an chí và cận chí nương thục tạng ăn thục tạng.

Có bốn hộ trùng tên diêm khẩu, uẩn khẩu, võng khẩu và tước khẩu nương đường tiểu ăn nước tiểu.

Có bốn hộ trùng tên ưng tác, đại tác, tiểu hình, và tiểu thúc nương đường đại ăn phẩn.

Có hai hộ trùng tên hắc khẩu và đại khẩu nương vế ăn vế.

Có hai hộ trùng tên lại và tiểu lại nương gối ăn gối.

Có một hộ trùng tên ngu căn nương bắp chơn ăn bắp chưn.

Có một hộ trùng tên hắc hạng nương bàn chưn ăn bàn chưn.

Nầy Nan Đà! Thân này rất đáng chán sợ, nó thường có tám vạn hộ trùng ngày đêm cắn ăn, vì thế mà làm cho thân nóng khổ gầy ốm mỏi mệt đói khát.

Lại còn tâm có nhiều khổ não lo rầu chết ngất, nhiều bịnh phát hiện, không lương y trị lành được.

Nầy Nan Đà! Người trí đâu có ở trong biển sanh tử ưa thích thân rất khổ này.

Thân ấy lại còn bị các thần bịnh bắt giữ đó là thiên thần, long thần, bát bộ thần và các quỉ thần các ly mị bắt giữ. Hoặc bị nhựt, nguyệt, tinh thần làm tổn. Các quỉ thần ấy làm bịnh hoạn, bức não thân tâm khó nói hết.

Nầy Nan Đà! Có ai ở sanh tử thích vào thai mẹ để chịu nhiều đau khổ, sanh thành như vậy, tăng trưởng như vậy, uống máu sữa của mẹ và uống ăn vọng có ý tưởng là ngon lần lần trưởng thành, dầu cho được an lạc không bịnh, áo cơm dư thừa, sống trăm tuổi, trong đời ấy giấc ngủ gần phân nửa. Ban đầu làm trẻ thơ, kế làm đồng tử, đến trưởng thành nhiều ưu bi hoạn nạn các bịnh hoạn đau nhức vô lượng trăm thứ khổ hành hạ thân ấy khó nói hết.

Các khổ trong thân bức não, lúc khó chịu đựng thì chẳng còn muốn sống, có ý tìm chết. Thân như vậy nhiều khổ, ít vui, dầu tạm sống còn tất rồi hoại diệt.

Nầy Nan Đà! Phàm sanh đều tử không thường còn. Dầu cho uống thuốc tư dưỡng thọ mạng được kéo dài năm tuổi chung quy cũng chẳng khỏi tử thần giết chết đưa qua đất trống.

Phải biết sanh sống không đáng vui ưa, tư lương đời sau phải siêng chứa họp, chớ có buông lung, chuyên tu phạm hạnh chẳng nên lười nhác. Đối với các gia hành: lợi hành, pháp hành, công đức hành, thuần thiện hành phải thường thích tu tập. Hằng quan sát chính mình, lòng ghi nhớ hai nghiệp thiện ác, chớ để sau này phải nói ăn năn, lúc ấy tất cả sở hữu mến ưa đều rơi lìa mà theo nghiệp thiện ác đi vào đời sau.

Nầy Nan Đà! Thọ mạng trăm năm có mười vị:

Tối sơ là anh nhi, vị này nằm trong nôi. Thứ hai gọi là đồng tử, làm trẻ nít chơi đùa. Thứ ba gọi là thiếu niên thọ các dục lạc. Thứ tư gọi là thiếu tráng dũng kiện đa lực. Thứ năm gọi là thanh niên có trí đàm luận. Thứ sáu gọi là thành tựu hay khéo tư lương giỏi làm kế sách. Thứ bảy gọi là lần suy giỏi biết pháp thức. Thứ tám gọi là hủ mại các việc suy nhược. Thứ chín gọi là cực lão không còn làm gì được. Thứ mười gọi là trăm tuổi, là đúng vị chết.

Nầy Nan Đà! Khái quát những đại vị lược nói có mười vị như vậy, tính theo bốn tháng làm một mùa thì trong trăm năm có ba trăm mùa, xuân hạ và đông đều có trăm mùa. Một năm có mười hai tháng tổng số có một ngàn hai trăm tháng. Lấy mỗi nửa tháng làm số thì có tất cả hai ngàn bốn trăm lần nửa tháng. Theo ba mùa thì đều riêng có tám trăm lần nửa tháng. Ngày đêm thì có ba vạn sáu ngàn. Một ngày ăn hai bữa thì có bảy vạn hai ngàn bữa ăn. Dầu có sự duyên chẳng ăn cũng ở trong số ấy. Sự duyên chẳng ăn như là vì sân hận mà chẳng ăn, vì gặp khổ mà chẳng ăn, vì cầu chẳng được, vì ngủ, trì trai, chơi đùa mà chẳng ăn, vì sự vụ, vì bịnh mà chẳng ăn. Ăn cùng chẳng ăn cộng lại có tổng số như trên, gồm lúc uống sữa mẹ. Mạng người trăm tuổi Phật đã nói đủ. Năm, tháng, ngày, đêm và số uống ăn các ông phải nhàm chán.

Nầy Nan Đà! Thân ấy sanh thành trưởng đại có nhiều bịnh hoạn, như là những bịnh đầu, mắt, tai, mũi, lưỡi, răng, cổ, họng, ngực, bụng, tay, chưn, hủi, cùi, điên cuồng, sưng thủng, ho suyễn, bịnh phong, hoàng nhiệt, đàm ấm, ngược bịnh, gân cốt đau nhức. Thân người có nhiều bịnh khổ như vậy. Lại còn có trăm lẻ một bịnh phong, trăm lẻ một bịnh hoàng nhiệt, trăm lẻ một bịnh đàm ấm, trăm lẻ một bịnh tổng hợp, cộng là bốn trăm lẻ bốn bịnh từ nội thân phát sanh.

Nầy Nan Đà! Thân thể ung nhọt các bịnh họp thành không tạm thời dừng niệm niệm chẳng ở lại, thể chất nó là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, là pháp bại hoặi gần nơi chết mất chẳng thể bảo tồn yêu cưng được.

Nầy Nan Đà! Các chúng sanh còn có sự thống khổ lúc sống, như là bị chặt tay, chơn, đầu, móc mắt, thẻo tai, lắt mũi, ngục tù giam cầm gông xiềng đánh đập khảo tra, đói khát khổ sở, rét nóng mưa tuyết, muỗi mòng, kiến, rận, gió bụi, ác thú, độc trùng nhiều thứ bức não khổ sở vô lượng vô biên khó kể hết được. Mà các hữu tình thường ở giữa sự thống khổ như vậy lại đam mê vui thích. Bao nhiêu dục lạc đều lấy khổ làm căn bổn, mà hữu tình chẳng biết rời bỏ lại đi tìm cầu, ngày đêm bị nung nấu thân tâm nhiễm não, bên trong cháy nóng không lúc nào nghỉ.

Nầy Nan Đà! Những hữu tình ấy đều là bỏ khổ tìm khổ, chỉ là khổ sanh, chỉ là khổ diệt, các hành nhơn duyên nối nhau phát khởi Ðức Như Lai biết rõ nên nói pháp hữu tình sanh tử. Các hành đều vô thường chẳng phải cứu cánh chơn thiệt, là pháp biến hoại chẳng bảo thủ được, phải cầu tri túc phải rất chán sợ siêng cầu giải thoát.

Nầy Nan Đà! Các loài hữu tình trong thiện đạo chỗ sanh bất tịnh còn phải chịu nhiều thứ đau khổ kể nói khó hết, huống là các hữu tình địa ngục ngã quỉ bàng sanh ba ác đạo có biết bao là thống khổ không thể chịu được.

Lại nầy Nan Đà! Có bốn thứ người nhập thai mẹ:

Một là hữu tình nhập trụ xuất thai đều chánh niệm.

Hai là hữu tình nhập và trụ chánh niệm, xuất thai chẳng chánh niệm.

Ba là hữu tình nhập thai chánh niệm, xuất thai chẳng chánh niệm.

Bốn là hữu tình nhập trụ và xuất thai đều chẳng chánh niệm.

Ai là người nhập trụ và xuất thai đều chánh niệm? Như có một loại hữu tình tánh ưa trì giới luôn tập hạnh lành thích làm thắng sự tạo phước, rất giỏi giữ gìn, chất trực chẳng buông lung có trí huệ lớn, lúc lâm chung không có gì phải ăn năn liền thọ sanh. Đây hoặc là bậc Dự Lưu bảy đời, hoặc là bậc Gia Gia sáu đời đến hai đời, hoặc là bậc Nhứt Lai, hoặc là bậc Nhứt Gian Bất Hoàn Hướng. Người ấy do trước tu hạnh lành, lúc lâm chung dầu có khổ não mà tâm chẳng tán loạn chánh niện mà chết, lại còn chánh niệm nhập vào thai mẹ biết rõ các pháp. Phàm đã do nghiệp thọ sanh đều từ các nhân duyên mà được sanh khởi, thường ở cùng chỗ với các ma.

Nầy Nan Đà! Phải biết thân này luôn là hang ổ của tất cả bất tịnh, thể chất chẳng thường còn, là vật ngu si dụ gạt kẻ mê. Thân này lấy xương làm cơ quan, gân mạch liền nhau thông các lỗ huyệt, mỡ xương thịt tủy cùng ràng rịt nhau dùng da phủ lên để che sự dơ xấu đầy những bất tịnh, tóc lông răng móng phần vị sai biệt, vì chấp là ngã và ngã sở nên luôn bị bắt kéo đi chẳng được tự tại, thường luôn ra mũi dãi mồ hôi dơ dáy, nước vàng đàm nhớt, mỡ trỉn hư rã, thân mật gan phổi, đại trường tiểu trường phẩn tiểu đáng gớm, còn những loài trùng đầy dẫy các nơi, trên dưới các lỗ thường chảy hôi dơ, hai tạng sanh thục trùm bằng da mỏng nào khác hầm tiêu.

Nầy Nan Đà! Ông phải quan sát phàm lúc ăn nuốt, răng nhai, nước miếng ngấm nuốt vào cổ họng tủy óc hòa chung chảy tân dịch trong bụng, như chó gặm xương khô vọng cho là ngon, đồ ăn vào bụng ợ ngược trở lên lại nuốt trở vào.

Nầy Nan Đà! Thân nầy nguyên từ yết la lam, án bộ đà, bế thi v.v... các vật bất tịnh mà được sanh trưởng, anh nhi lưu chuyển nhẫn đến lão tử, luân hồi trói buộc như hố tối tăm, như hầm thúi dơ thường mặn lạt đắng cay ngọt chua các thực phẩm để tư dưỡng. Lại lửa trong bụng mẹ đốt nấu thân căn, nồi phẩn bất tịnh thường bị nóng khổ. Lúc người mẹ đi đứng nằm ngồi như bị trói năm chỗ, như bị lửa thui khó chịu nổi, không gì ví dụ.

Nầy Nan Đà! Thai ấy dầu bị khổ thiết ở trong hầm phân dơ, nhưng do lợi căn nên tâm chẳng toán loạn.

Lại có một loại hữu tình bạc phước, thai ở bụng mẹ hoặc ngang hoặc ngược, do nghiệp lực đời trước, hoặc mẹ ăn uống lạnh nóng mặn cay chẳng khéo điều hòa, hoặc uống nước quá lượng, hoặc nhiều làm dâm dục, hoặc nhiều tật bịnh, hoặc hay sầu não, hoặc có lúc trợt té, hoặc bị đánh đập, do đó mà thân người mẹ tăng nóng, do thân mẹ nóng nên thai như bị thiêu đốt rất khổ sở, do khổ đau nên thai liền động chuyển, do động chuyển nên hoặc thai nằm ngang nằm úp sanh ra chẳng được. Có nữ nhơn giỏi dùng dầu tô thoa tay cho vào bụng mẹ nhẹ nhàng đưa thai về chỗ cũ. Lúc tay họ chạm vào thai thì đứa con ấy rất là đau khổ, như trẻ nhỏ bị lóc da thịt rồi rắc tro lên đau khổ khó nói được.

Dầu bị khổ thống ấy nhưng vì thượng lợi căn nên chánh niệm chẳng tán. Thai ấy ở bụng mẹ chịu khổ như vậy.

Lúc sắp sanh, đau khổ mà ra ngoài. Do nghiệp phong ấy làm cho hai tay giao hiệp, gân cốt co rút rất khổ sở, thân thể xanh bầm như sưng thũng khó chạm đến được, đói khát bức ngặt, tim treo nhiệt não, do nghiệp lực nên có gió thổi xô ra. Đã được ra ngoài bị hơi gió chạm đến đau như dao cắt như đụng lửa than, tay người hay khăn chiếu đụng đến đều rất đau đớn. Dầu bị khổ nhưng do thượng lợi căn nên chánh niệm chẳng tán loạn biết nhập thai ở thai ra ngoài đều rất khổ. Ai là người trí lại ưa thích nhập thai mẹ.

Nầy Nan Đà! Ai nhập và thụ thai có chánh niệm còn lúc xuất thai chẳng chánh niệm?

Có hạng hữu tình tánh ưa trì giới tu tập phẩm lành thường làm thắng sự tạo phước, tâm họ chất trực chẳng phóng dật có ít trí huệ, lúc lâm chung không hối tiếc. Đây hoặc là bực Dự Lưu bảy đời, hoặc bực Gia Gia sáu đời đến hai đời, hoặc bực Nhứt Lai, hoặc bực Nhứt Gian Bất Hoàn Hướng. Người này do trước đã tu hạnh lành, nên dầu lúc lâm chung các khổ bức ngặt mà tâm chẳng loạn lại còn chánh niệm nhập vào thai mẹ biết rõ các pháp, do nghiệp sanh ra thì đều từ các nhân duyên mà được sanh khởi, ở bụng mẹ và lúc ra ngoài đều chịu nhiều đau khổ, do trung lợi căn nên nhập thai và trụ thai có chánh niệm mà lúc xuất thai thì không. Ai là người trí lại thích nhập thai mẹ.

Nầy Nan Đà! Ai nhập thai có chánh niệm mà trụ và xuất thai thi không?

Có hạng hữu tình tánh ưa trì giới tu tập phẩm lành thường làm thắng sự tạo phước, tâm họ chất trực chẳng buông lung có ít trí huệ, lúc lâm chung không hối tiếc. Đây hoặc là bực Dự Lưu bảy đời, hoặc là bực Gia Gia sáu đến hai đời, hoặc là bực Nhứt Lai hoặc là bực Nhứt Gian Bất Hoàn Hướng. Lúc lâm chung dầu nhiều đau khổ mà tâm chẳng tán loạn lại còn chánh niệm nhập vào thai mẹ, vì là bực hạ lợi căn nên lúc ở thai và lúc xuất thai không chánh niệm. Ai là người trí lại thích vào thai mẹ.Nầy Nan Đà! Ai nhập trụ và xuất thai đều không chánh niệm?

Có các hữu tình ưa phá giới chẳng tu thiện phẩm thường làm việc ác tạo nghiệp ác, tâm chẳng chất trực nhiều buông lung không trí huệ tham của bỏn xẻn tay luôn co rút chẳng thể mở giăng ban bố cho người, luôn hi vọng lòng chẳng điều thuận, kiến và hành điên đảo, lúc lâm chung hối hận các nghiệp bất thiện hiện ra, đương lúc chết rất khổ sở bức thiết, làm họ tán loạn chẳng tự nhớ biết tôi là ai từ đâu đến nay đi chỗ nào, đây gọi là ba thời kỳ nhập thai trụ thai và xuất thai đều không chánh niệm.

Nầy Nan Đà! Các hữu tình ấy sanh làm người dầu có vô lượng khổ não như vậy nhưng là chỗ tốt, trong vô lượng kiếp khó được thân người.

Nếu sanh cõi trời thường sợ trụy lạc, có khổ ái biệt ly, lúc lâm chung, chư Thiên bảo rằng: Nguyện ông được thác sanh thiện đạo, đó là trời người.

Nhơn đạo khó được, xa rời các chỗ nạn chướng lại càng khó.

Những gì là ác đạo? Đó là địa ngục đạo thường bị khổ thiết khó ví dụ được. Ngạ quỉ đạo tánh nhiều sân hận không tâm nhu nhuyến, dối gạt giết hại, lấy máu nhuộm tay không có tình thương hình dung xấu xí ai thấy cũng kinh sợ, dầu đến gần người nhưng vì đói khát nên luôn bị chướng ngại. Bàng sanh đạo vô lượng vô biên, tạo việc vô nghĩa, việc vô phước, việc vô pháp, việc bất thiện, việc không thuần chất, ăn nuốt lẫn nhau kẻ mạnh lấn kẻ yếu. Có các bàng sanh lúc sanh lúc sống lúc chết đều ở trong chỗ bất tịnh phẩn dơ hôi thúi tối tăm. Hoặc có loại tạm ra ánh sáng như ong bướm muỗi ruồi kiến mối rận rệp. Ngoài ra có vô lượng vô biên giống sanh trưởng thường tối tăm. Do vì chúng nó ở đời trước là kẻ ngu si chẳng nghe kinh pháp, phóng túng nơi ngũ dục tạo nghiệp ác nên sanh trong các loài thọ lấy khổ ngu mê tăm tối.

Nầy Nan Đà! Lại có vô lượng vô biên bàng sanh hữu tình nghe mùi phẩn dãi liền chạy đến lấy đó làm món ăn uống, đó là các giống heo dê chó gà chồn kên quạ ruồi nhặng bọ hung, chúng nó do nghiệp ác đời trước mà tự cảm lất báo ấy.

Nầy Nan Đà! Lại có vô lượng vô biên bàng sanh hữu tình sanh và sống đều ở trong nước như thủy tộc cá tôm v.v..., chúng nó do nghiệp ác đời trước mà tự cảm lấy báo ấy.

Nầy Nan Đà! Lại có vô lượng vô biên bàng sanh hữu tình thường lấy cỏ cây và các thứ bất tịnh làm món ăn uống, như voi ngựa trâu bò đà lừa, chúng nó do nghiệp ác đời trước mà thọ báo ấy.

Nầy Nan Đà! Biển khổ sanh tử rất khổ rất khổ, lửa nóng đốt cháy, không một hữu tình nào là chẳng bị thiêu đốt. Các hữu tình ấy do nơi ngọn lửa phừng mạnh nhãn nhĩ tỷ thiệt thân và ý tham cầu trần cảnh sắc thanh hương vị xúc pháp.

Thế nào gọi là ngọn lửa phừng mạnh?

Nầy Nan Đà! Đó là những ngọn lửa tham sân si, những ngọn lửa sanh lão bịnh tử, những ngọn lửa ưu bi khổ não độc hại thường tự đốt cháy không một ai được khỏi.

Nầy Nan Đà! Người giải đãi thọ nhiều khổ sở, họ bị phiền não vây buộc mà tạo nghiệp ác, nên luân hồi chẳng dứt, sanh tử chẳng hết. Người tinh tấn thọ nhiều an lạc, phát tâm dũng mãnh dứt trừ phiền não, tu tập pháp lành chẳng bỏ việc thiện không lúc nào thôi nghỉ.

Các ông phải quan sát thân thể này da thịt gân xương máu mạch tủy não sẽ tan rã chẳng lâu, thường phải nhứt tâm chớ để giải đãi, người chưa chứng đắc phải siêng cầu chứng ngộ. Các ông cần phải học tập như vậy.

Nầt Nan Đà! Phật chẳng cùng thế gian làm những tranh luận, nhưng thế gian đối với phật lại cưỡng làm tranh luận. Tại sao?

Vì những người biết rõ các pháp chẳng tranh luận với ai, đã rời lìa ngã và ngã sở thì còn ai tranh luận với ai.

Do vì thế gian không thấy hiểu mà vọng phát khởi chấp trước, nên Phật chứng Đẳng Chánh Giác tuyên lời rằng Phật ở nơi các pháp không gì chẳng biết rõ.

Nầy Nan Đà! Phật nói có sai dị chăng?

- Bạch Ðức Thế Tôn! Đức Phật nói không sai dị.

- Nầy Nan Đà! Lành thay, tốt thay! Như Lai nói quyết không sai dị. Như Lai là đấng chơn ngữ, đấng thiệt ngữ, đấng như ngữ, đấng bất dị ngữ, là người muốn tất cả thế gian mãi mãi an vui được thắng lợi lớn, là người biết đạo, là người hiểu đạo, người thuyết đạo, người khai đạo, là Đại đạo sư, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Người thế gian vô tri vô tín, thường làm nô bộc cho các căn, chỉ thấy trong bàn tay mà chẳng nhìn lợi lớn chơn thiệt, việc dễ chẳng tu, việc khó lại luôn làm.

Nầy Nan Đà! Thôi đi. Cảnh giới trí huệ như đây, nay ông phải dùng nhục nhãn để quan sát những thứ ấy được. Biết những thứ được thấy đều là hư vọng thì gọi là giải thoát.

Nầy Nan Đà! Ông chớ tin Phật, chớ theo chỗ muốn của Phật, chớ y lời của Phật, chớ xem tướng Phật, chớ theo chỗ thấy hiểu của Sa Môn, chớ phát sanh cung kính đối với Sa Môn, chớ nói Sa Môn Kiều Đàm là đại sư của tôi, mà ông chỉ nên ở nơi pháp được tự chứng của Phật riêng tại chỗ tịch tĩnh suy lường quan sát thường siêng tu tập, tùy theo pháp đã được dụng tâm quan sát, liền theo pháp ấy quán tưởng cho thành tựu, chánh niệm ở yên nơi đó, tụ làm cồn bãi, tụ làm nương về, pháp là cồn bãi là chỗ nương về, không có cồn bãi nào khác, không có chỗ về nào khác.

Nầy Nan Đà! Thế nào là Tỳ Kheo tự mình làm cồn bãi chỗ về?

Nầy Nan Đà! Nếu có Tỳ Kheo theo nội thân của mình quan sát siêng gắng nhiếp niệm được chánh hiểu rõ, đối với thế gian có bao nhiêu giận não thường suy xét điều phục, đây gọi là theo nội thân quan sát là khổ. Nếu quan sát ngoại thân và nội ngoại thân cũng như vậy.

Nầy Nan Đà! Ông ở nơi tập pháp quan sát nơi thân rồi an trụ nơi đó, quan sát nơi diệt rồi an trụ nơi đó. Lại ở nơi tập và diệt hai pháp quan sát nơi thân rồi lại an trụ nơi đó. Tức ở thân nầy hay thành chánh niệm. Hoặc chỉ có trí, hoặc chỉ có kiến, hoặc chỉ có niệm, hoặc không y tựa mà an trụ, đối với thế gian nầy biết là không lấy được. Đây gọi là Tỳ Kheo ở nơi tự nội thân theo nội thân quan sát mà an trụ nơi đó, quan sát ngoại thân và nội ngoại thân cũng vậy.

Kế quan sát nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ mà an trụ nơi đó. Kế quan sát nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm mà an trụ nơi đó. Kế quan sát nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp rồi an trụ nơi đó. Siêng gắng nhiếp niệm được chánh hiểu rõ, đối với thế gian có bao nhiêu giận não đều thường suy xét điều phục, quan sát tập pháp rồi an trụ, quan sát diệt pháp rồi an trụ, lại quan sát tập diệt hai pháp rồi an trụ. Tức ở nơi thân nầy hay thành chánh niệm, hoặc chỉ có trí, hoặc chỉ có kiến, hoặc chỉ có niệm, với các thế gian nầy biết không lấy được.

Đây gọi là Tỳ Kheo tự làm cồn bãi chỗ về nương, pháp làm cồn bãi chỗ về nương, không có cồn bãi chỗ về nương nào khác.

Nầy Nan Đà! Nếu có trượng phu bẩm tánh chất trực không siểm cuống, lúc sáng sớm đến chỗ Phật, Phật đem pháp lành tùy cơ chỉ dạy. Người ấy đến chiều tự trình bày sở đắc. Hoặc chiều chỉ dạy đến sáng trình bầy sở đắc.

Nầy Nan Đà! Pháp lành của Phật hiện được chứng ngộ hay trừ nhiệt não khéo ứng thời cơ dễ làm phương tiện, là pháp tự giác khéo hay che chở. Người đối trước Phật thân nghe Phật nói pháp thuận với tịch diệt Niết bàn hay đến Bồ đề Chánh giác, đây là chỗ biết của Phật. Vì thế nên nay ông thấy các pháp tự lợi, lợi tha hoặc tự tha đều lợi phải thường tu học. Với pháp xuất gia nên cẩn thận thật hành chớ để luống qua. Như vậy sẽ được thắng quả vô vi an lạc đáng được thọ cúng dường, làm cho các thí chủ được phước lợi lớn được quả báo rất tốt tôn quí quảng đại. Các ông phải nên tu học như vậy.

Lại nầy Nan Đà! Chưa có một sắc pháp nào là đáng được mến ưa và có thể về sau chẳng biến hoại. Chưa có sắc pháp nào chẳng phát khởi ưu bi chẳng sanh phiền não.

Nầy Nan Đà! Sắc ấy là thường hay vô thường?

- Bạch Thế Tôn! Thể nó là vô thường.

- Nầy Nan Đà! Đã là vô thường thì nó là khổ chăng?

- Bạch Thế Tôn! Là khổ.

- Này Nan Đà! Đã là vô thường là khổ tức là pháp biến hoại. Các đệ tử đa văn của Phật có cho sắc là ngã, ngã có sắc, sắc thuộc ngã, ngã ở tại trong sắc chăng?

- Bạch Thế Tôn! Không cho như vậy.

- Nầy Nan Đà! Thọ tưởng hành và thức là thường hay vô thường?

- Bạch Thế Tôn! Là vô thường.

- Nầy Nan Đà! Đã là vô thường thì thọ tưởng hành thức có là khổ chăng?

- Bạch Thế Tôn! Đều là khổ.

- Nầy Nan Đà! Đã là vô thường khổ tức là pháp biến hoại. Các đệ tử đa văn của Phật có cho rằng thọ v. v... là ngã, ngã có thọ v.v... , thọ v.v... thuộc ngã, ngã ở trong thọ v.v... chăng?

- Bạch Thế Tôn! Đều không cho như vậy.

- Nầy Nan Đà! Do đó mà biết rằng phàm là sắc, hoặc quá khứ. Hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc thô, hoặc tế, hoặc thắng, hoặc liệt, hoặc cận, hoặc viễn, tất cả sắc đều chẳng phải ngã, ngã chẳng có sắc, sắc chẳng thuộc ngã, ngã chẳng ở trong sắc. Phải dùng chánh niệm chánh huệ mà quan sát vậy. Với thọ tưởng hành và thức cũng dùng chánh niệm chánh huệ mà quan sát như vậy. Nếu đệ tử đa văn của Phật quan sát như vậy, chán sợ nơi sắc, chán sợ thọ tưởng hành thức. Đã chán sợ thì không nhiễm trước liền được giải thoát. Đã giải thoát rồi tự biết mình giải thoát mà tuyên lời rằng sự sanh của tôi đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong chẳng còn thọ thân sau".

Phật nói pháp ấy xong, Cụ thọ Nan Đà xa trần rời cấu được pháp nhãn thanh tịnh, năm trăm Tỳ Kheo ở nơi hữu lậu tâm được giải thoát.

Đức Thế Tôn lại nói kệ bảo Nan Đà rằng:

"Nầy người không chánh định
Thì không trí thanh tịnh
Chẳng dứt được phiền não
Nên ông phải siêng tu
Ông thường tu diệu quán
Biết các uẩn sanh diệt
Thanh tịnh nếu viên mãn
Chư Thiên đều vui đẹp
Cùng bạn bè giao hoan
Qua lại ái niệm nhau
Tham danh say mê lợi
Nan Đà! Ông phải bỏ
Chớ thân cận tại gia
Với những người xuất gia
Nhớ vượt biển sanh tử
Cùng tận bờ mé khổ
Trước từ yết la lam
Kế thành bóng thịt nhão
Bóng thịt thành bế thi
Bế thi thành kiện nam
Kiện nam tạm chuyển biến
Sanh đầu và tứ chi
Các xương họp thành thân
Đều từ nghiệp mà có
Xương đầu hiệp chín miếng
Hàm có hai xương liền
Răng có ba mươi hai
Chưn răng cũng như vậy
Lỗ tai và xương cổ
Xương nướu và sống mũi
Ngực hông cùng yết hầu
Tổng có hai mươi xương
Khuôn mắt có bốn xương
Hai vai cũng hai cặp
Hai cánh cùng đầu ngón
Tổng có năm mươi xương
Sau cổ có tám xương
Xương sống ba mươi hai
Tất cả có căn bổn
Số ấy cũng bốn phần
Xương sườn bên hông hữu
Liền nhau có mười ba
Hông tả liền nhau sanh
Cũng có mười ba xương
Những cốt tỏa như vậy
Ba ba liền nối nhau
Hai hai móc kéo nhau
Ngoài ra chẳng nối nhau
Hai đùi chưn tả hữu
Hiệp có năm mươi xương
Tổng ba trăm mười sáu
Chống đứng cho thân thịt
Lóng xương móc nối nhau
Hiệp thành xương chúng sanh
Đấng thiệt ngữ ghi nói
Chỗ biết của Chánh giác
Từ chưn đến nơi đầu
Hôi dơ chẳng bền chắc
Do đây cọng thành thân
Mỏng manh như nhà cỏ
Không ngọn chỉ xương đứng
Máu thịt tô đắp khắp
Đồng người gỗ cơ quan
Cũng như tượng huyễn hóa
Nên quan sát thân này
Gân mạch lại vấn quanh
Da ướt gói bọc nhau
Chín chỗ có miệng ghẻ
Khắp nơi thường chảy tràn
Phẩn đái các bất tịnh
Ví như kho cùng thúng
Đựng những lúc bắp thảy
Thân nầy cũng như vậy
Hôi dơ đầy trong ấy
Vận động cơ quan xương
Mỏng manh chẳng bền chắc
Kẻ ngu thường ưa thích
Người trí không nhiễm trước
Thường chảy mũi dãi dơ
Mủ máu luôn đầy dẫy
Mỡ vàng lộn nước sữa
Óc đầy trong sọ đầu
Ngực ức đàm ấm chảy
Trong có tạng sanh thục
Mỡ nhớt và da màn
Năm tạng những ruột dạ
Các thứ hôi rã ấy
Những dơ dáy đồng ở
Thân tội sâu đáng sợ
Đây tức là oan gia
Người vô thức đam mê
Ngu si thường bảo hộ
Thân hôi dơ như vậy
Dường như thành quách mục
Ngày đêm bị phiền não
Trôi dời không tạm dừng
Thân: thành, xương: tường vách
Máu thịt làm bùn tô
Vẽ màu tham sân si
Theo chỗ mà trang sức
Đáng gớm thành thân xương
Máu thịt liên hiệp nhau
Thường bị ác tri thức
Khổ trong ngoài đốt nhau
Nan Đà! Ông phải biết
Những lời Phật đã nói
Ngày đêm thường nhiếp niệm
Chớ nghĩ đến cảnh dục
Nếu người muốn xa lìa
Thường quan sát như vậy
Siêng cầu chỗ giải thoát
Mau khỏi biển sanh tử".

Đức Thế Tôn nói kinh Nhập Thai nầy rồi, Cụ thọ Nan Đà và năm trăm Tỳ Kheo đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

Tỳ Kheo Nan Đà vượt khỏi biển sanh tử hiểm nạn đến Niết bàn cứu cánh an ổn được quả A La Hán nói kệ tự mừng rằng:

"Kính tâm dưng nước tắm

Nước sạch và hương thoa

Cùng tu những ruộng phước

Được báo thù thắng nầy".

Đại chúng nghe lời kệ ấy đều nghi ngờ, vì muốn hết nghi nên bạch Ðức Phật rằng: "Tỳ Kheo Nan Đà trước tạo nghiệp gì mà được thân màu hoàng kim đủ ba mươi tướng trang nghiêm, trông với thân Thế Tôn chỉ kém có bốn ngón. Với cảnh dục lạc, ông ấy rất nhiễm trước. Nhờ Ðức Phật xót thương cưỡng vớt ra khỏi biển sanh tử đặt ông ấy nơi cứu cánh Niết bàn. Mong Ðức Thế Tôn giải thích cho".

Đức Phật bảo đại chúng rằng: "Tỳ Kheo Nan Đà đời trước tạo nghiệp nay quả báo thành thục đều được phát hiện".

Đức Phật liền nói kệ rằng:

"Giả sử trải trăm kiếp
Nghiệp đã tạo chẳng mất
Lúc nhơn duyên hội ngộ
Lại tự thọ quả báo.

Các ông nên lắng nghe đây. Thuở quá khứ chín mươi mốt kiếp, người thọ tám vạn tuổi, có Phật xuất thế hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, cùng sáu vạn hai ngàn Tỳ Kheo du hành nhơn gian đến thành Thân Huệ chỗ nhà vua đóng đô. Đức Phật ấy đến ở tại rừng Thân Huệ. Đức Phật ấy có em trai khác mẹ rất say đắm cảnh dục lạc. Đức Tỳ Bà Thi Phật khuyên em xuất gia ra khỏi biển sanh tử phương tiện đặt tại cứu cánh Niết bàn.

Nhà vua lúc bấy giờ tên là Hữu Thân dùng pháp trị nước, nhơn gian đông giầu no đủ an ổn. Vua có em trai khác mẹ rất say mê dâm nhiễm. Vua nghe Ðức Phật và đại chúng đến ở rừng Thân Huệ, bèn đem các Vương Tử thị thần cung nữ nhơn dân đến chỗ Ðức Phật, đảnh lễ chưn Phật rồi ngồi một phía.

Đức Tỳ Bà Thi Phật vì vua và đại chúng tuyên dương diệu pháp chỉ dạy cho họ được lợi ích vui mừng được sự hiểu biết thù thắng.

Em trai vua say mê sắc dục chẳng chịu ra khỏi cửa. Các con đại thần và các tri hữu đến bảo rằng: Thiện hữu có biết chăng? Nay nhà Vua và Vương Tử cùng nội cung đại thần nhơn chúng đến chỗ đức Tỳ Bà Thi Phật lễ kính nghe pháp được sự hiểu biết thù thắng. Thân người khó được, Ngài đã được, sao nay Ngài vẫn say đắm dâm dục chẳng chịu ra khỏi cửa. Nghe các bạn trách, em vua hổ thẹn, miễn cưỡng đi theo, Tỳ Kheo em trai Ðức Phật gặp hỏi, họ thuật cớ sự. Tỳ kheo ấy nói tôi là em trai Ðức Phật, ngày trước ở nhà say mê cảnh dục, may được Ðức Phật cưỡng dắt xuất gia an ổn đến cứu cánh Niết bàn. Nay còn có hạng người ngu si giống như tôi. Các Ngài từ bi cưỡng dắt đồng đi thiệt là việc lành rất lớn. Đến chỗ Ðức Phật tất sẽ tin sâu.

Nhóm người ấy đến chỗ Ðức Phật. Đức Tỳ Bà Thi Như Lai quan sát các căn tánh dục mà vì họ thuyết pháp. Em vua nghe pháp rồi phát khởi lòng tin sâu lễ Phật bạch rằng: Mong Thế Tôn cùng Thánh chúng sáng mai đến nhà tôi vào ôn thất tắm gội. Đức Phật yên lặng nhận.

Em trai vua biết Ðức Phật đã nhận lời, liền lễ chưn Phật, về đến chỗ vua thưa rằng: tôi đến chỗ Phật nghe pháp sanh lòng tin, với cảnh dâm dục sanh lòng chán lìa. Tôi phụng thỉnh Phật và Tăng sáng mai đến nhà tôi vào ôn thất tắm gội. Đức Như Lai Đại Sư đã từ bi nhận lời. Đức Phật là chỗ mà trời và người đều phải cúng dường, Đại Vương nên rưới quét đường sá, trang nghiêm thành quách.

Nhà vua nghĩ rằng em trai ta mê say sắc dục khó khuyên can, nay Phật điều phục được thiệt là hi hữu. Đức Phật vào thành ta nên nghiêm sức. Vua đáp rằng rất tốt. Em về lo sắm sửa các vật cần thiết để tắm gội. Ta sẽ tùy sức trang nghiêm thành quách. Em vua rất vui mừng tạ từ về nhà.

Nhà vua bảo các quan nên truyền lịnh phổ cáo nhơn dân sáng ngày Thế Tôn sẽ vào thành, nhơn dân đều nên tùy sức trang nghiêm thành quách rưới quét đường sá, cầm các hương hoa đón rước đức Đại Sư.

Nhơn dân nghe lời phổ cáo liền rưới quét trang nghiêm khắp nơi rước nước hoa, đốt hương thơm, treo phan lọng rải hoa cúng dường như vườn hoan hỉ của Thiên Đế Thích. Em trai vua thì sắm sửa nước nóng thơm và dầu thơm, trang nghiêm nhà tắm đặt bày ghế ngồi.

Sáng ngày, đức Tỳ Bà Thi Phật sắp vào đến thành. Nhà vua mang đại chúng ra tiếp nghinh lễ chưn Phật rồi theo sau Phật vào thành.

Em trai vua tiếp Ðức Thế Tôn vào ôn thất dưng nước thơm để Phật tắm rửa thấy thân Phật như màu hoàng kim ba mươi hai tướng tốt tám mươi tùy hình hảo toàn thân xinh đẹp, liền vui mừng sanh lòng tin sâu. Đức Phật tắm xong mặc y phục rồi, em trai vua đảnh lễ chưn Phật phát nguyện rằng: Nay tôi may mắn gặp phước điền tối thượng dâng lễ mọn cúng dường, nguyện tôi đời sau thân màu hoàng kim như Ðức Phật. Như em trai Phật đam mê cảnh dục, được Phật cưỡng dắt ra khỏi đến chỗ an trú cứu cánh Niết bàn. Nguyện tôi đời sau được làm em Phật, được thân màu hoàng kim, lúc tôi đam mê cảnh dục được Phật cưỡng dắt ra khỏi sông sâu ái nhiễm đến chỗ Niết bàn an ổn.

Nầy các Tỳ Kheo! Em trai vua Thân Huệ đam mê sắc dục chíng là Nan Đà hiện nay, do ngày trước tạo nhơn lành cúng dường Phật Tỳ Bà Thi và phát thiện nguyện nên nay được thân màu hoàng kim vàđược Phật cưỡng dắt ra khỏi đến chỗ an ổn cứu cánh Niết bàn".

Chư Tỳ Kheo còn có chỗ nghi nên bạch Ðức Phật do tạo nghiệp gì mà Tỳ Kheo Nan Đà được ba mươi hai tướng đại trượng phu?

Đức Phật bảo chư Tỳ Kheo: "Ông ấy tạo nghiệp rộng nói như trước. Về quá khứ trong tụ lạc có một Trưởng giả giàu lớn nhiều của đồ dùng không thiếu. Có một khu vườn bông trái sum suê, suối chảy ao tắm rừng cây sầm uất, có thể làm nơi ẩn tu hành cho người xuất gia.

Bấy giờ có vị Độc Giác xuất thế thương xót chúng sanh mà ở nơi nhàn tĩnh. Thế gian không Phật chỉ có phước điền ấy.

Có một Độc Giác Tôn Giả du hành nhơn gian đến tụ lạc ấy quan sát khắp nơi đến vườn trên. Người giữ vườn thấy Tôn Giả liền thỉnh ngơi nghỉ tại vườn. Giữa đêm Tôn Giả nhập hỏa quang tam muội. Người giữ vườn thấy vậy liền về báo với Trưởng giả về sự thù thắng hi hữu đáng vui mừng ấy. Trưởng giả nghe báo vội đến vườn lễ chưn Tôn Giả bạch rằng: Ngài vì khất thực làm phước điền cho tôi, mong Ngài ở lại vườn nầy, tôi sẽ thường cúng dường.

Tôn Giả thấy ân cần liền nhận lời ở trong vườn ấy nhập chánh định thắng diệu giải thoát. Tôn Giả lại nghĩ rằng thân hôi thúi này luân hồi sanh tử, việc nên làm đã làm xong, nay tôi phải nhập viên tịch vĩnh chứng vô sanh. Nghĩ như vậy rồi Tôn Giả bay lên hư không nhập hỏa quang định hiện các thần biến phóng ánh sáng lớn, trên chói lửa hồng, dưới chảy nước trong. Bỏ thân ấy rồi thần thức chẳng sanh vĩnh viễn chứng vô dư Niết bàn giới.

Trưởng giả thâu thi hài dùng dầu thơm để thiêu lại lấy nước sữa để tắt lửa, thâu xương tàn để trong bình mới xây tháp treo phan lọng, lòng rất kính tin, rưới ba mươi thứ nước thơm và phát đại nguyện cầu các tướng hảo.

Nầy chư Tỳ Kheo! Trưởng giả thuở quá khứ ấy chính là Nan Đà hiện nay. Do nơi nghiệp kính tin cúng dường nên nay thọ quả báo cảm được ba mươi tướng thắng diệu".

Đại chúng lại có chỗ nghi lại bạch Ðức Phật: "Bạch Ðức Thế Tôn! Tỳ Kheo Nan Đà đã từng tạo nghiệp gì, nếu không xuất gia bỏ trần tục thì quyết sẽ nối ngôi Luân Vương?".

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: "Thuở quá khứ trong kiếp Hiền này lúc người thọ hai muôn tuổi, có Phật Ca Diếp Ba xuất thế đủ mười đức hiệu an trụ tại rừng Thí Lộc. Trong thành ấy có vua tên Ngật Lật Chỉ, dùng pháp trị dân làm đại Pháp Vương, có ba Vương Tử. Việc giáo hóa đã xong, Phật Ca Diếp Ba nhập đại Niết bàn. Nhà vua kính tin dùng các gỗ thơm như chiên đàn, trầm thủy, hải ngạn, ngưu đầu, thiên mộc hương để làm lễ trà tỳ, rưới tắt lửa với sữa thơm, thâu Xá lợi của Phật đựng trong bình vàng báu xây tháp bằng tứ bửu, ngang rộng đều một do tuần, cao nửa do tuần. Lúc đặt tướng luân lên tháp, Vương Tử thứ hai đích thân treo lọng ở giữa.

Nầy chư Tỳ Kheo! Vương Tử thứ hai thuở ấy chính là Nan Đà vậy. Do thuở xưa ông ấy kính tâm cúng dường treo lọng ở giữa tháp, thiện nghiệp ấy làm cho ông hai ngàn năm trăm đời thường làm Lực Luân Vương cai trị một châu thiên hạ. Trong đời nầy nếu chẳng xuất gia, Nan Đà lại sẽ làm Lực Luân Vương được đại tự tại".

Trong đại chúng lại còn nghi bạch Ðức Phật: "Bạch Ðức Thế Tôn! Tỳ Kheo Nan Đà từng tạo nghiệp gì mà nay ở trong đệ tử Phật là người thiện hộ căn môn đệ nhứt?".

Đức Phật phán dạy: "Nầy chư Tỳ Kheo! Đây là do nguyện lực vậy. Thuở Phật Ca Diếp Ba, đời trước Nan Đà xả tục xuất gia, thân giáo sư của ông ấy ở trong pháp của Phật Ca Diếp Ba, thiện hộ căn môn được xưng là đệ nhứt. Ông ấy trọn đời tự giữ phạm hạnh, nhưng hiện đời ấy không chứng ngộ. Lúc lâm chung ông ấy phát thệ rằng: Tôi ở chỗ Phật trọn đời giữ hạnh mà không chứng ngộ. Tôi nguyện đem căn lành tu hành nầy, lúc Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, tôi sẽ ở trong giáo pháp của Ðức Phật ấy lìa tục xuất gia dứt các phiền não được quả A La Hán. Thân giáo sư tôi đây thiện hộ căn môn đệ nhứt, tôi nghuyện sau nầy ở trong giáo pháp của Phật Thích Ca Mưu Ni tôi cũng là người thiện hộ căn môn đệ nhứt.

Do nguyện lực ấy nên nay đây Nan Đà là người thiện hộ căn môn đệ nhứt trong hàng đệ tử Phật.

Nầy chư Tỳ Kheo! Nếu thuần ác nghiệp cảm thuần ác báo, nếu thần thiện nghiệp cảm thuần thiện báo, nếu là tạp nghiệp sẽ cảm tạp báo. Vì thế nên các ông phải rời lìa thuần ác nghiệp và tạp nghiệp mà tu thuần thiện nghiệp. Các ông phải tu như vậy"

Tiêu điểm: