Bắc truyền
Kinh Đại Bảo Tích
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Xuất Bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999
22/07/2554 11:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Kinh Đại Bảo Tích
Mục lục
Xem toàn bộ

XVII. PHÁP HỘI PHÚ LÂU NA THỨ MƯỜI BẢY
Hán Dịch: Dao Tần, Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt Dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 

2. PHẨM ÐA VĂN

 

Ðức Thế Tôn bảo Ngài Phú Lâu Na: "Bồ Tát có bốn pháp thì hay tu tập đa văn bửu tạng, hay ở nơi các pháp được nghĩa quyết định, hay ở nơi các ngữ ngôn giỏi biết chương cú, dường như đại hải chẳng cạn hết được. Những gì là bốn?

Một là Bồ Tát cầu học mười hai bộ kinh, cầu học rồi đọc tụng, đọc tụng rồi ghi nhớ, ghi nhớ đúng rồi thật hành theo.

Hai là Bồ Tát ở trong tất cả pháp không y chỉ, dầu nhập thiền định mà không sở y chỉ, vì không sở y nên ở trong các pháp được trí bất trụ, được trí bất trụ rồi ở trong các pháp được tri kiến vô ngại, tại sao vậy, vì không có pháp bị tham làm chướng ngại vậy.

Ba là Bồ Tát do pháp nhơn duyên mà niệm Phật và niệm Phật pháp. Lúc niệm Phật và niệm Pháp, Bồ Tát chẳng thấy có pháp được tham ưa. Vi` chẳng tham ưa nên ở nơi tất cả pháp lòng không nắm lấy. Vì không chấp trước tất cả pháp nên Bồ Tát ở nơi sự vấn đáp đều không chướng ngại.

Bốn là Bồ Tát thành tựu vô sở đắc từ ở nơi việc làm đều vô ngại. Vô sở đắc từ là chẳng nhận thọ các sự tướng, tại sao vậy, vì nếu trụ tướng này hay trụ tướng kia thì hoặc sanh tham dục hoặc sanh sân khuể hoặc sanh ngu si, trụ tướng, sự tướng, vật tướng, ấm tướng, nhập tướng, giới tướng, pháp tướng phi pháp đều hoặc sanh tham dục sân khuể ngu si. Phàm có nhận thọ sự tướng đều gọi là tà kiến. Bồ Tát đều diệt tất cả tướng mà tu tập từ tâm vậy.

Vì chúng sanh bại hoại nên tướng cũng bại hoại, vì tướng bại hoại nên sự cũng bại hoại, vì sự bại hoại nên kiến cũng bại hoại. Bấy giờ Bồ Tát hoại tất cả pháp mà tu tập tâm từ. Từ như đây gọi là vô sở đắc từ, cũng gọi là Pháp từ và Phật từ.

Tại sao gọi là Phật từ, vì vô tác vô hoại vậy, vì như thiệt thông đạt tất cả pháp vậy".

Ngài Phú Lâu Na bạch: "Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là như thiệt thông đạt tất cả pháp ?".

Ðức Phật dạy: "Này Phú Lâu Na! Chỗ được thông đạt đó chẳng nói là thị pháp, chẳng nói là phi pháp. Tại sao vậy, vì nếu nói có pháp thì tức là phi pháp. Nếu ở nơi pháp hữu pháp vô mà không có phi pháp thì ở trong ấy không có hí luận, nếu không hí luận thì gọi là Niết Bàn. Ông quan sát kỹ coi là cực viễn hay cực cận ?

-Bạch Thế Tôn! Chẳng xa chẳng gần. Tại sao, vì nghĩa như vậy không phương không xứ không nội không ngoại.

- Nầy Phú Lâu Na! Ðúng như vậy, Ðức Như Lai ở nơi pháp tác số.

-Bạch Thế Tôn! Ở nơi pháp nào mà Ðức Như Lai vì nó tác số?

- Nầy Phú Lâu Na! Như các phàm phu chấp trước các pháp, Ðức Như Lai chẳng được chẳng tu chẳng chứng chẳng thông đạt, pháp như vậy Như Lai vì nó tác số.

- Nầy Phú Lâu Na! Các pháp số ấy chẳng để phân biệt pháp vậy. Nay vì ông mà nói pháp tịch diệt đệ nhứt có thể nhiếp được Phật đạo.

- Nầy Phú Lâu Na! Ðời sau có người ưa theo thế lợi, nếu nghe kinh này họ chẳng thích nghe nhận.

- Nầy Phú Lâu Na! Bồ Ðề này của Phật, các ông chỉ do âm thanh chương cú mà biết chút ít thôi, còn nghĩa thú trong ấy các ông chẳng biết. Nghĩa thú ấy sâu xa chẳng thể lấy lời mà tuyên bày được, chỉ có người trí mới có thể khế hội được thôi".

Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:

"Người chẳng biết được nghĩa
Nghe Phật pháp thì khổ
Nếu người biết được nghĩa
Phật làm thầy cho họ
Người được Phật làm thầy
Thì ưa cầu Niết Bàn
Không có lòng tránh tụng
Hay suy gẫm chánh pháp
Trong ấy không pháp sanh
Cũng không có pháp diệt
Không sanh cũng không diệt
Là thiệt tướng các pháp
Nếu pháp đã không sanh
Thì không có tác khởi
Thị phi cùng nhứt dị
Trong pháp ấy đều không
Ðây gọi là Niết Bàn
Trong ấy không có diệt
Nếu nói cực viễn cận
Hai thứ ấy đều không
Nếu người biết được không
Thì gọi biết Niết Bàn
Nếu người biết Niết Bàn
Thì gọi đệ tử Phật.

- Nầy Phú Lâu Na! Bồ Tát có bốn pháp này thì có thể tu tập đa văn bửu tạng, có thể ở nơi các pháp được quyết định nghĩa, ở nơi ngữ ngôn giỏi biết chương cú, dường như đại hải chẳng cạn hết được".

Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:

"Thường muốn cầu đa văn
Ðược chư Phật khen ngợi
Ðược thiệt nghĩa quyết định
Vì thế như đại hải
Có thể trong một chữ
Và với nghĩa một câu
Suốt ngàn vạn ức kiếp
Diễn nói mãi không hết
Thế nên cầu chánh pháp
Cầu được rồi suy gẫm
Chớ tham lấy pháp tướng
Chẳng tham được Phật khen
Tưởng nhớ chư Như Lai
Và nhớ nơi chánh pháp
Chẳng dùng lòng tham tranh
Mà cầu nơi Ðạo Sư
Thường nơi các chúng sanh
Tu hành lòng từ mẫn
Mà chẳng chấp chúng sanh
Tan diệt tất cả pháp
Bồ Tát danh tiếng lớn
Tu tập pháp như vậy
Mau được đà la ni
Ða văn từ đây sanh
Dường như tánh hư không
Không tăng cũng không giảm
Pháp tánh cũng như vậy
Không tăng và không giảm
Phật dùng sức trí huệ
Thuyết pháp vô lượng kiếp
Thuyết pháp vô lượng số
Còn chẳng gọi là thuyết
Hết các tánh chúng sanh
Ðều khiến được thân người
Ðều cùng tu xuất gia
Ða văn như A Nan
Ðà la ni Bồ Tát
Vì tất cả người ấy
Thuyết pháp ngàn ức kiếp
Trí huệ vẫn chẳng hết
Phật trí huệ vô đẳng
Ðồng hư không vô lượng
Hư không không sanh khởi
Trí huệ cũng như vậy
Như rồng chẳng lấy nước
Mà hay mưa nhiều nước
Nước ấy không chỗ trụ
Mưa xuống không cùng tận
Bồ Tát cũng như vậy
Ðược đà la ni này
Các pháp không chỗ trụ
Thuyết pháp không cùng tận
Thế nên cầu đa văn
Cầu rồi chánh tư duy
Dùng pháp duyên niệm Phật
Ða văn từ đây sanh
Lòng từ khắp chúng sanh
Tan diệt tướng chúng sanh
Cũng diệt các pháp tướng
Ða văn từ đây sanh".

Tiêu điểm: