XVII. PHÁP HỘI PHÚ LÂU NA THỨ MƯỜI BẢY
Hán Dịch: Dao Tần, Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt Dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
5. PHẨM THẦN THÔNG LỰC
Bấy giờ Ðức Thế Tôn dùng sức thần thông, từ mỗi mỗi lỗ lông trên thân đều phóng ra trăm ngàn vạn ức tia sáng, từ mỗi lỗ lông lại đều phát ra ngọn lửa mạnh lớn như núi Tu Di, từ mỗi lỗ lông lại đều xuất hiện hằng sa chư Phật thuyết pháp. Toàn hội đại chúng đều thấy khắp cả thần thông lực rộng lớn ấy.
Hiện thần lực xong, Ðức Thế Tôn nhiếp lại như cũ bảo Huệ Mạng Phú Lâu Na rằng: "Ông có thấy Ðức Như Lai từ các lỗ lông xuất hiện thần lực như vậy chăng?".
- Bạch Ðức Thế Tôn! Ðã được thấy.
- Nầy Phú Lâu Na! Ðức Như Lai thường có thần lực như vậy không lúc nào thôi bỏ. Khiến các đệ tử chỉ thấy biết Ðức Như Lai ở tại đây thuyết pháp. Mà Như Lai thiệt thường làm Phật sự ở hằng sa thế giới mười phương. Không lúc nào thôi bỏ, cùng thường thuyết pháp ở các thế giới mười phương.
- Nầy Phú Lâu Na! Nếu có người nói lời chơn thiệt: Ai là Vô đẳng dẳng là người vô tỷ tròn đủ phước trí là phước điền vô thượng, rất sâu khó lường, công hạnh vô biên, cất một bước chân tất cả chúng sanh chẳng biết được, chẳng suy lường được tâm gì hạnh gì dở chưn hạ chưn? Nên nói chính là Ðức Phật đây vậy.
- Nầy Phú Lâu Na! Tất cả chúng sanh chẳng thể suy lường được Ðức Như Lai do nghĩ gì tâm gì làm gì mà dở chưn hạ chưn.
Ðức Thế Tôn muốn sáng tỏ nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
"Ðức Phật do nghĩ gì
Làm gì dở hạ chưn
Chúng sanh động bất động
Ðều chẳng thể biết được
Thần thông lực vô lượng
Chỗ làm cũng vô lượng
Vì công đức vô lượng
Nên cao tôn đệ nhứt
Trí huệ lớn vô lượng
Không ai biết hết được
Giả sử tất cả người
Trí huệ thần thông lực
Ðều như Xá Lợi Phất
Và giống Ðại Mục Liên
Cũng chẳng biết được Phật
Dở chưn và hạ chưn
Dầu cho tất cả người
Ðều làm Bích Chi Phật
Chẳng hiểu Phật một bước
Huống là thâm pháp khác
Giả sử vô lượng nhựt
Hiệp làm một mặt nhựt
Sáng chẳng bằng tia sáng
Một lỗ lông của Phật
Giả sử bảy vạn ức
Na do tha thế giới
Mặt nhựt ngang rộng bằng
Chiếu sáng vô lượng cõi
Các mặt nhựt lớn ấy
Số nhiều như hằng sa
Hiệp làm một mặt nhựt
Tia sáng bằng Tu Di
Các mặt nhựt lớn ấy
Thường chiếu mười phương cõi
Ðem sánh ánh sáng Phật
Luốt mất như than đen
Áng sáng các mặt nhựt
Chẳng thấu qua lá cây
Núi sông và vách đá
Ðều có thể chướng ngại
Tia sáng của Như Lai
Tất cả núi Tu Di
Núi Thiết Vi Kim Cương
Chiếu thấu qua không chướng
Quang minh thần thông lực
Oai đức đều vô lượng
Ai thấy chẳng phát tâm
Chỉ trừ kẻ bất tín
Chúng sanh thấy quang minh
Thần thông lực của Phật
Nhiều phát tâm vô thượng
Nguyện tôi cũng sẽ được
Bấy giờ Phật mỉm cười
An Nan liền quỳ thưa
Thế Tôn cớ sao cười
Xin xót thương giải đáp
Ðức Phật bảo An Nan
Nay chúng sanh thấy Phật
Hiện thần thông lực lớn
Phát tâm nguyện làm Phật
Có đến ba vạn người
Nguyện hộ trì Phật pháp
Sau khi Phật diệt độ
Chúng tôi tụng kinh này
Những người ấy đời sau
Ðược nghe kinh pháp này
Thời giữa và thời sau
Nghe rồi làm đúng pháp
Người phát đạo tâm khó
Sâu ưa Phật pháp khó
Ðời sau hay tụng trì
Các kinh này càng khó
Ngàn vạn ức số kiếp
Phật xuất thế rất khó
Trong đời mạt sau này
Nói kinh này khó hơn".
Ðức Phật bảo ngài A Nan: "Phật đem kinh này giao phó cho ông lần nữa. Tại sao, vì trong Diêm Phù Ðề tùy theo chỗ nào có kinh Bồ Tát Tạng như vậy thì chỗ ấy có Phật pháp.
- Nầy A Nan! Vì các kinh thâm diệu như vậy nên pháp như thuyết hành cũng diệt. Vì pháp như thuyết hành diệt nên Phật pháp diệt.
- Nầy A Nan! Nay ông nên đem đồ cúng dường đệ nhứt dâng cúng lên Phật.
Thế nào là hàng đệ tử đem đồ cúng dường đệ nhứt dâng cúng lên Phật? Ông chớ cho là những hoa đẹp hương tốt phan lọng chuỗi ngọc y phục kỷ nhạc ca tụng Như Lai là đệ nhứt cúng dường lên Phật.
Nếu có người được nghe kinh pháp thâm diệu như vậy thọ trì đọc tụng làm đúng như lời thì gọi là đem đồ cúng dường đệ nhứt dâng cúng cung kính tôn trọng ca tụng Ðức Phật.
Tại sao ? Vì chư Phật đều cùng cúng dường cung kính tôn trọng nơi pháp mà chẳng quí đồ cúng dường thế gian.
- Nầy A Nan! Thế nên nay Ðức Phật đem kinh pháp này trịnh trọng ân cần giao phó cho ông.
- Nầy A Nan! Ðức Phật do học các kinh như vậy mà nay được Vô Thượng Bồ Ðề chuyển pháp luân vô thượng.
Chư Phật quá khứ, lúc hành Bồ Tát đạo cũng học các kinh như vậy mà được Vô Thượng Bồ Ðề chuyển pháp luân vô thượng.
Vị lai chư Phật cũng học các kinh như vậy mà được Vô Thượng Bồ Ðề chuyển pháp luân vô thượng
Hiện tại chư Phật ở mười phương thế giới thuở tu Bồ Tát đạo cũng học các kinh pháp như vậy mà được Vô Thượng Bồ Ðề hiện nay chuyển pháp luân vô thượng.
- Nầy A Nan! Vì lẽ ấy nên kinh Bồ Tát Tạng này gọi là kinh chuyển pháp luân, phải nên phụng trì.
- Nầy A Nan! Ngày trước ở nước Ba La Nại núi Lê Sư trong Lộc Viên, Phật chuyển pháp luân cho hàng Thanh Văn đệ tử. Nay ở tại Trúc Viên này, Phật chuyển kinh Bồ Tát Tạng pháp luân bất thối chuyển dứt nghi cho tất cả chúng sanh.
- Nầy A Nan! Quá khứ chư Phật cũng đều ở tại địa phận hư không này mà nói kinh Bồ Tát Tạng này.
Vị lai chư Phật cũng sẽ đều ở tại địa phận hư không này nói kinh Bồ Tát Tạng này.
Nay Ðức Phật Vô Thượng Bồ Ðề cũng ở tại địa phận hư không này nói kinh Bồ Tát Tạng này.
Vì thế nên biết chỗ địa phận này là tháp lớn của Phật, là chỗ cúng dường của Trời Người.
- Nầy A Nan! Chỗ địa phận này riêng có công đức bất cộng, đó là quá khứ chư Phật nói kinh thâm diệu tại đây.
- Nầy A Nan! Bao nhiêu chúng sanh tham dục sân hận ngu si khi vào Trúc Viên này thì chẳng phát sanh tham sân si. Ðức Như Lai dâù cũng có ở các tinh xá khác mà những nơi ấy không có công đức như vậy. Tại sao? Này A Nan! Nay các rừng trúc Ca Lan Ðà này, súc sanh nào vào đây thì chẳng phát dâm dục, các chim vào đây chẳng kêu hót phi thời.
Ðại Vương Bình Sa nước Ma Kiệt ngày xưa lúc đăng vị cùng các thể nữ vào trong vườn này để cùng vui, lúc vào rồi nhà vua tự cảm thấy lòng mình không có ý dục chẳng thích các sự vui đùa, chúng thể nữ cũng đều tự cảm thấy không lòng tham dục vui đùa.
Bấy giờ nhà vua vui mừng luôn thầm nguyện rằng: Cầu mong thế gian có Phật xuất thế tại nước tôi, tôi sẽ được thấy, thấy rồi kính tin, tin rồi cúng dường. Tôi sẽ đem vườn trúc này dâng lên Phật. Phật sẽ ở trong đó, tôi sẽ được nghe pháp. Tại sao? Vì chỉ có bực đáng cúng dường mới nên ở tại vườn này, chẳng phải người ngũ dục nên ở.
- Nầy A Nan! Vua Bình Sa vào vườn này phát tâm nguyện lành như vậy đều do quá khứ chư Phật ở trong vườn này nói kinh Bồ Tát Tạng. Vì thế nên công đức của vườn này chẳng cùng hàng với các nơi khác. Vườn này tất cả Trời Người Bát Bộ đều nên lễ kính.
- Nầy A Nan! Vườn này không có ruồi muỗi độc trùng rắn rít đốt cắn. Nếu nó có ở nơi đây thì chẳng còn tâm độc. Ðây cũng là công đức bất cộng của Trúc Viên.
Dầu cả trăm năm, Ðức Phật khen nói công đức của Trúc Viên cũng không hết. Nay Trúc Viên này thành tựu vô lượng công đức, nơi khác không có".
Ngài A Nan bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Tôi vốn chẳng biết Trúc Viên này có công đức như vậy.
Bạch Thế Tôn! Trước kia tôi chẳng muốn làm thị giả Phật, nay tôi sám tạ tội lỗi ấy".
Ðức Phật bảo A Nan: "Lúc ông mới được pháp nhãn thanh tịnh ở các pháp thì đã trừ dứt tội ấy rồi".