2. Tinh xá và thiên cung
Xá-lợi-phất là một trong các vị đệ tử hàng đầu của đức Phật. Từ khi ngài
bỏ ngoại đạo về quy y Phật thì tăng đoàn lớn mạnh thêm rất nhiều, vì
ngài đã dẫn theo cả một đồ chúng rất đông đảo cùng lúc xuất gia theo
Phật.
Đức Phật rất tin tưởng vào nhân cách cũng như năng lực của ngài. Lần đầu
tiên khi cần có người trong tăng đoàn đến miền bắc Ấn Độ để hoằng pháp
và trông coi công trình xây dựng tinh xá Kỳ Viên, chính ngài là người
được đức Phật giao cho trọng trách đó.
Nguyên do là ở nước Ma-kiệt-đà, miền nam Ấn Độ, đã có tinh xá Trúc Lâm,
nhưng còn ở miền bắc thì hai năm sau khi đức Phật thành đạo vẫn chưa có
địa điểm thuận lợi nào làm cơ sở cho Ngài thuyết pháp.
Một hôm, nhân duyên xui khiến trưởng giả Tu-đạt ở thành Xá-vệ nước
Kiêu-tát-la[1] đến miền nam thăm người thân, được
diện kiến thánh nhan của đức Phật, bèn xin quy y và tự nguyện phát tâm
xây dựng một tinh xá ở miền bắc cúng dường đức Phật, để nước pháp cam-lồ
được ban rải khắp mọi nơi.
Trưởng giả Tu-đạt ở thành Xá-vệ, sau khi mua được vườn hoa của thái tử
Kỳ-đà bằng cách dùng vàng trải đầy mặt đất, bèn xin đức Phật phái một
người đến thiết kế và chỉ dẫn việc xây cất tinh xá tại đấy.
Đức Phật biết rằng khi Phật pháp còn chưa truyền đến miền bắc thì người
dân ở đó đa phần đều tin theo ngoại đạo. Vì thế, người được phái đến
miền bắc không những phải lo việc xây cất tinh xá mà còn phải có khả
năng hàng phục đồ chúng của ngoại đạo nữa. Vì lý do đó mà đức Phật đã
chọn ngài Xá-lợi-phất để giao nhiệm vụ theo trưởng giả Tu-đạt về thành
Xá-vệ.
Quả thật vậy, tinh xá bắt đầu xây dựng chưa bao lâu thì ma nạn đã bắt
đầu xảy tới.
Rất nhiều ngoại đạo ganh tức với Phật giáo đang phát triển, bèn kéo đến
yêu cầu trưởng giả Tu-đạt phải bỏ ngay ý định xây dựng tinh xá cúng
dường đức Phật và còn bảo ông không được tin theo đức Phật nữa.
Trưởng giả Tu-đạt vốn đã được tiếp nhận hồng ân của pháp Phật nên không
màng đến những lời của ngoại đạo. Vì thế ngoại đạo bèn nghĩ đến việc
tranh luận cùng đệ tử của đức Phật, tức là ngài Xá-lợi-phất. Họ nghĩ là
nhờ vào số đông sẽ có thể hạ bệ Phật giáo ở miền bắc ngay từ buổi đầu và
khiến cho trưởng giả Tu-đạt thay đổi ý định.
Nghe tin này, trưởng giả Tu-đạt rất kinh hoàng. Ông nghĩ rằng, làm sao
một mình ngài Xá-lợi-phất có thể tranh biện nổi với số đông ngoại đạo
như thế?
Lòng nặng trĩu ưu tư, trưởng giả Tu-đạt đành phải chuyển đến ngài
Xá-lợi-phất lời yêu cầu của bọn ngoại đạo. Không ngờ khi nghe tin thì
ngược lại, ngài Xá-lợi-phất rất vui mừng, vì thấy rằng đây là cơ hội tốt
nhất để ngài tuyên dương Chánh pháp.
Sau khi định ước xong về thời gian và địa điểm của ngày đại hội tranh
biện, phía ngoại đạo bèn chọn ra mười vị luận sư xuất sắc nổi danh nhất
để đối phó với mỗi một mình ngài Xá-lợi-phất.
Nhưng sự lo lắng của trưởng giả Tu-đạt thật ra là hoàn toàn không cần
thiết, vì cho dù về mặt số lượng thì các luận sư ngoại đạo là đông đảo,
còn phía Phật giáo chỉ có mỗi một mình ngài Xá-lợi-phất, nhưng về mặt
thực lực tranh biện thì đừng nói gì mười vị luận sư này, mà dẫu có đến
ngàn vạn luận sư ngoại đạo cũng không phải là đối thủ tranh biện của
ngài Xá-lợi-phất.
Vì sao vậy? Vì trong hàng đệ tử Thanh văn của đức Phật, ngài Xá-lợi-phất
là bậc trí tuệ đệ nhất, không ai sánh bằng. Ngài xuất thân từ một gia
đình danh tiếng thuộc dòng Bà-la-môn, ông nội và cha ngài đều là những
vị luận sư Bà-la-môn nổi danhBà-la-môn, là những vị học giả lỗi lạc nhất
của toàn cõi Ấn Độ thời ấy.
Nói về kiến thức thế gian, ngài Xá-lợi-phất, tinh thông tất cả các mọi
kinh điển, luận thư của ngoại đạo. Nhưng còn hơn thế nữa, hiện nay ngài
đã đạt được trí huệ giải thoát nhờ chứng đắc thánh quả A-la-hán. Vì thế,
việc ngài Xá-lợi-phất đứng ra tranh biện với ngoại đạo thật ra là một sự
kiện có thể hoàn toàn thấy trước được kết quả.
Quả thật như vậy, vào ngày tranh biện ấy ngài Xá-lợi-phất đã toàn thắng
một cách thuyết phục. Rất nhiều đồ chúng ngoại đạo sau khi được nghe
cuộc tranh biện đã xin quy y với ngài Xá-lợi-phất, từ bỏ ngoại đạo để
nương về với Chánh phápThích-ca Mâu-ni.
Phật giáo khi ấy tuy hãy còn ở miền nam mà ánh sáng Chánh pháp đã bắt
đầu được chiếu rọi đến miền bắc. Số người ngoại đạo nhờ sự thức tỉnh của
ngài Xá-lợi-phất mà quay về quy y Phật lên đến cả ngàn vạn người.
Lúc ấy trưởng giả Tu-đạt mới thở phào một tiếng nhẹ nhõm. Ông hết sức
khâm phục trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất và lại càng tin tưởng hơn vào
giáo pháp của đức Phật.
***
Công trình xây cất tinh xá Kỳ Viên tiến hành rất mau lẹ. Theo sự thiết kế
của ngài Xá-lợi-phất thì có 16 điện chỉ dành làm nơi đại chúng vân tập,
lại có ba trăm căn phòng lớn, sáu mươi ba nơi thiền phòng an tịnh; ngoài
ra cũng có đầy đủ các tịnh thất mùa đông, nhà trú mùa hạ, thảy thảy đều
riêng biệt; nhà trù, phòng tắm, chỗ rửa chân, nhà xí... không thiếu gì
cả.
Khi tinh xá xây dựng gần xong, ngài Xá-lợi-phất nói với trưởng giả
Tu-đạt:
– Trưởng giả Tu-đạt, ông nhìn xem trong không trung hiện giờ vừa có gì
xuất hiện vậy?
Trưởng giả Tu-đạt nhìn lên rồi thất vọng trả lời:
– Bạch tôn giả, tôi không nhìn thấy gì cả.
– Điều đó không có gì lạ, vì mắt thường không thể nhìn thấy những hiện
tượng như thế. Bây giờ, nương vào thần lực thiên nhãn của tôi, ông hãy
thử nhìn xem một lần nữa.
Trưởng giả Tu-đạt ngước mắt nhìn rồi mừng rỡ reo lên:
– Bạch tôn giả, tôi thấy có rất nhiều cung điện nguy nga tráng lệ!
– Đó toàn là những cung điện của trời Lục dục, do việc ông cúng dường
tinh xá cho đức Phật thuyết pháp nên ứng hiện. Tuy tinh xá ở đây xây
dựng chưa xong nhưng ở trời Lục dục thì cung điện phước báo của ông đã
hoàn tất.
– Xin hỏi tôn giả, cõi trời Lục dục có quá nhiều cung điện như thế,
tương lai tôi nên sinh về cõi trời nào là tốt nhất?
Tôn giả Xá-lợi-phất giải thích:
– Cõi trời Đao-lợi có thọ mệnh rất lâu dài, cư dân ở đó đều biết tu
hành, chuyên cần thực hành Phật đạo, rất khó bị đọa lạc. Ông nên phát
nguyện sinh về đó.
– Vậy tôi nguyện sẽ sinh về cõi trời Đao-lợi!
Khi trưởng giả Tu-đạt vừa phát nguyện như thế thì tất cả các cung điện
khác liền từ từ ẩn mất, chỉ còn lại cung điện của cõi trời Đao Lợi là
thêm phần huy hoàng lộng lẫy trước mắt ông.
Suốt cả một đời, chưa bao giờ trưởng giả Tu-đạt vui mừng như lần ấy!