19. Tâm độc địa
Trong xã hội ngày xưa có một tập tục rất xấu, đó là khi hai vợ chồng
cưới nhau được vài năm, nếu người vợ chưa sinh sản được thì người chồng
thường cưới thêm vợ lẽ, khiến cho hòa khí trong gia đình vì thế mà tan
nát.
Thời xưa có một người, cưới vợ được mấy năm rồi, hai vợ chồng thèm khát
một đứa con mà chờ mãi không có, người chồng nóng ruột quá nên cuối cùng
đi cưới một cô vợ lẽ. Với sự thỏa thuận của bà vợ lớn, cô vợ lẽ được về
ở chung trong cùng một nhà.
Không lâu sau cô này sinh hạ được một đứa con trai trắng trẻo và bụ bẫm,
khiến người chồng hết sức vui mừng. Từ đó ông lại càng cưng quý cô vợ lẽ
và thằng con trai mà không ngó ngàng gì đến bà vợ cả.
Ngay từ phút đầu, bà vợ cả đã xem cô vợ lẽ như cái gai trong mắt, huống
chi bây giờ thấy chồng cưng quý mẹ con cô này hơn trước, dĩ nhiên bà
không khỏi nổi cơn ghen tức. Nhưng trước quyền uy của ông chồng, bà
không làm gì được, chỉ có thể thừa lúc người chồng vắng nhà mới hơi tỏ
lộ ra chút ghen hờn, giận tức đối với người vợ lẽ. Tuy nhiên những cơ
hội ấy rất hiếm, cho nên lòng oán hận của bà càng lúc càng chồng chất
nhiều thêm.
Một hôm, đứa bé vừa đúng hai tuổi, bà vợ cả thừa lúc cô vợ lẽ vắng mặt
mới rút một cây trâm vàng cài trên tóc cắm sâu vào đầu đứa bé. Bà làm
chuyện này một cách âm thầm bí mật, không ai hay biết. Đứa bé khóc mãi
không ngừng nhưng không ai nghe thấy, cho nên đứa bé trắng trẻo bụ bẫm
kia, chỉ sau một đêm lên cơn sốt thật nặng đã yểu mệnh mà chết.
Thấy đứa con mình mang nặng đẻ đau lại kháu khỉnh dễ thương đến dường ấy
bỗng nhiên một hôm ngã lăn ra chết, người mẹ nào mà không đau đớn? Cô vợ
lẽ bị tai nạn giáng xuống đầu một cách thình lình như thế khóc thương bi
thảm, thằng con chết cả tháng rồi mà cô vẫn còn gào khóc thảm thiết, tâm
can tan nát cho đến ngã bệnh.
Người chồng thấy con mình chết yểu dĩ nhiên là thương tiếc vô cùng,
nhưng ông bình tĩnh hơn, nghĩ rằng người đã chết thì nào có sống lại
được, khóc lóc chẳng ích lợi gì. Tuy nhiên có rất nhiều người bà con
láng giềng nói rằng một đứa bé chết thình lình như thế chắc chắn là phải
có nguyên do, họ bèn khuyên cô vợ lẽ mở quan tài để khám nghiệm tử thi.
Quả nhiên mọi người đoán không sai, lúc khám nghiệm mới thấy trong đầu
của đứa bé có cắm một cây trâm vàng dài cả ba tấc!
Cô vợ lẽ thấy con mình chết vì bị sát hại thì lại càng đau khổ hơn, vừa
bi thương vừa căm phẫn, cô thề rằng sẽ báo thù cho con, nếu không thì
chết không nhắm mắt.
Cô tìm một vị Bà-la-môn để thỉnh giáo, hỏi xem phải làm thế nào để báo
thù. Vị này bảo cô nếu trì được trai giới thì sẽ được mãn nguyện. Lòng
thương con của cô càng tha thiết thì ý nguyện báo thù càng thâm sâu, cô
bèn trì trai giới rất tinh cần. Không lâu sau, cô vợ lẽ này vì quá sầu
muộn nên lìa bỏ cõi đời.
Cũng đúng lúc ấy bà vợ cả thụ thai nên vui mừng khôn kể xiết. Cây gai
trước mắt đã nhổ được rồi, chính mình lại đang có thai nên có thể được
chồng yêu chiều hơn, niềm vui của bà thật là không cùng tận!
Không lâu sau bà sinh hạ được một đứa con gái xinh đẹp như hoa như ngọc,
cả nhà cưng quý đứa bé như châu báu, nhưng bất hạnh thay, đứa bé vừa
được hai tuổi thì lìa đời.
Thật là một tai biến không ai có thể ngờ được, bà vợ lớn khóc đến chết
đi sống lại, nhưng người đã chết rồi, biết làm sao đây?
Một thời gian sau bà lại sinh được một đứa con trai, nhưng nuôi chưa đến
ba tuổi cũng đã chết yểu.
Cứ như thế, bà sinh được sáu đứa con nhưng chỉ nuôi được đến bảy tuổi là
tối đa. Con cưng mà lại chết yểu, làm cha mẹ ai lại không đau đớn? Ròng
rã mười năm trời như thế, người vợ lớn sinh được đứa con nào là đứa con
ấy chết yểu nên đau khổ triền miên, thân thể tiều tụy, bà tuyệt vọng tự
giam mình suốt ngày trong nhà không muốn tiếp xúc với người ngoài.
Một hôm, bỗng nhiên có một vị tỳ-kheo đến tìm bà. Ban đầu bà từ chối
không chịu ra gặp, về sau vị tỳ-kheo bảo là có chuyện quan trọng muốn
nói với bà, bà mới chịu ra. Khi vị tỳ-kheo nhìn thấy bà, ông liền hỏi
ngay:
– Bà có nhớ cô vợ lẽ đã chết rồi không? Cô ấy vì sao mà chết? Rồi đứa
con mới lên hai của cô ấy, cũng vì sao mà chết vậy?
Câu hỏi đặt ra quá bất ngờ khiến bà vợ cả hoảng sợ, toàn thân run lẩy
bẩy, không trả lời được câu nào. Bà xấu hổ và đau đớn kể lại mọi sự cho
vị tỳ-kheo nghe, và cầu khẩn ông cứu khổ cho bà.
Vị tỳ-kheo nói cho bà biết rằng sáu đứa con chết yểu của bà chính là oan
hồn cô vợ bé đầu thai về cố ý làm cho bà khổ đau. Nếu bây giờ bà muốn
giải trừ mối oan gia đó, bà phải đến chùa làm công quả để tiêu tai.
Ngày hôm sau, bà vợ lớn tuân theo lời dạy của vị tỳ-kheo, trời vừa tảng
sáng là bà thức dậy sửa soạn đến chùa, nhưng trên đường đi, bà thấy một
con rắn độc đang hả miệng thật lớn, phăng phăng trườn đến gần bà khiến
bà sợ quá ngã xuống bất tỉnh. May thay, vị tỳ-kheo nói trên cũng vừa đến
nơi, nói với con rắn độc:
– Này rắn độc! Ngươi chưa thấy mãn nguyện sao? Ngươi nghĩ lại xem, bà ấy
chỉ hại ngươi có một lần mà ngươi báo thù tới sáu lần, như thế chưa đủ
rồi hay sao? Bây giờ bà ấy đã biết hối hận, lại còn muốn lên chùa làm
công đức hồi hướng cho ngươi, ngươi cũng nên hóa giải mối oan kết ấy đi.
Ngươi không nghe nói “oán cừu nên cởi không nên kết” chăng? Nếu hôm nay
ngươi muốn giết bà ấy thì chẳng có ích lợi gì cho ngươi mà chỉ có hại.
Vì tương lai của chính ngươi, ngươi nên bỏ qua hết mọi sự đi! Không lẽ
ngươi muốn đời đời kiếp kiếp sinh làm súc sinh hay đọa địa ngục?
Câu nói của vị tỳ-kheo khiến con rắn độc có vẻ như hiểu ra, nó cúi đầu
rồi từ từ trườn đi mất.
Bà vợ cả tỉnh dậy không thấy con rắn độc nữa, vị tỳ-kheo mới đem chuyện
vừa qua kể cho bà nghe. Do đó bà vợ lớn cảm thấy chuyện mình làm lúc
trước quá ư tội lỗi, bà bèn xin xuất gia tu hành với vị tỳ-kheo. Những
năm cuối của cuộc đời, bà sống trong rừng sâu núi thẳm để sám hối nghiệp
chướng mà mình đã tạo trong quá khứ.
Hại người là tự hại lấy chính mình, làm sao không cẩn thận chuyện nhân
quả cho được?