20. Phước đức của hoàng hậu
Đức Phật đã từng dạy rằng người hành bố thí là người đang tạo cho mình
một gia sản vững chắc. Công đức của bố thí không những thù thắng, mà còn
là nơi nương tựa bảo đảm và an toàn nhất. Những người hiện tại giàu có
trên thế gian chính là những người đã tạo nhân bố thí trong kiếp trước,
và họ đang hưởng phúc báo của công đức này. Và người hành bố thí ngày
nay chính là đang chuẩn bị hưởng hạnh phúc trong tương lai.
Thời xưa ở Ấn Độ có một bà hoàng hậu, lòng tin Phật pháp rất thâm sâu và
thành khẩn. Bà chỉ thích làm hai việc là bố thí và tạo công đức. Vì thế
nhân dân trong vương quốc rất thương mến tôn kính bà, và ngay trong cung
bà cũng được tất cả mọi người suy tôn.
Một hôm, bà khoác vào người một bộ y phục lụa là tuyệt đẹp, trên đầu đội
vương miện bằng trân châu để đi dạo trong vườn hoa với nhà vua. Nhà vua
ngắm nhan sắc kiều diễm của hoàng hậu và nói:
– Ái khanh của ta! Nàng nghĩ xem, nàng trang điểm thật là xinh đẹp, mức
sống phú quý mà nàng đang hưởng thật ít ai có được. Nhờ ta mà nàng mới
có một cuộc đời vinh quang như thế, nàng thấy có đúng không? Ta là vua,
nàng là hoàng hậu, ta ăn thì ăn ngon, mặc thì mặc đẹp, nhà ở thì lộng
lẫy, những niềm phúc lạc ấy nàng đều được chia sẻ với ta, thế thì ái
khanh ơi, nàng phải thương yêu ta lắm mới phải!
– Đại vương, thiếp phải luôn luôn thương yêu và cảm tạ đại vương. Nhưng
phú quý thiếp được hưởng ngày hôm nay, không phải là nhờ đại vương ban
cho mà là nhờ phúc báo sẵn có của thiếp. Giữa chúng ta chỉ có quan hệ vợ
chồng, còn nói tới phúc báo của người này hay người kia, thì phải nói là
nhờ nhân thiện do chính mỗi người gieo trồng chứ không ai ảnh hưởng ai
được cả!
Những câu nói của hoàng hậu không làm cho vua hài lòng chút nào, nhưng
ông không trả lời, chỉ hầm hầm quay trở về vương cung. Ông muốn chứng tỏ
cho hoàng hậu thấy rằng những quan niệm của bà không đứng vững.
Khuya hôm ấy, chờ hoàng hậu ngủ say rồi, ông lén cởi chiếc nhẫn quý giá
mà hoàng hậu đang đeo trên tay rồi đem ném xuống sông. Vua làm điều này
một cách bí mật, không có người nào trông thấy. Hôm sau hoàng hậu tỉnh
giấc, thấy chiếc nhẫn không cánh mà bay bèn hỏi vua:
– Quân vương! Chàng có thấy chiếc nhẫn của thiếp không?
Vua đáp:
– Làm sao ta thấy được? Nhẫn nàng đang mang trên tay tại sao lại hỏi ta?
Không lẽ một người sẵn có phúc đức như nàng mà cũng bị mất nhẫn ư?
Nhà vua trả lời một cách châm biếm.
– Vâng, nếu thiếp có phúc và chiếc nhẫn ấy là thuộc về thiếp thì chắc
chắn nó sẽ không mất; ngược lại nếu thiếp không được sở hữu một vật nào
đó mà cứ cưỡng ép để có thì cũng chỉ vô ích mà thôi.
Thái độ của hoàng hậu rất thản nhiên và tự tại. Tuy đó chỉ là một chiếc
nhẫn, nhưng trên chiếc nhẫn có gắn một viên bảo châu vô giá, thế mà
chiếc nhẫn mất đi không làm cho hoàng hậu phiền não hay ưu tư chút nào.
Nếu chuyện ấy xảy ra cho nhà vua, chắc là ông đã lo lắng ghê gớm lắm, vì
thế ông mới lập ra mưu kế ấy để đánh đổ cái lý luận tự cho mình là phi
phàm của hoàng hậu.
Lạ thay, ba ngày sau, cung nữ trong nhà bếp mổ bụng một con cá thì tìm
ra chiếc nhẫn mà hoàng hậu đã mất mấy hôm nay. Vua nghe tin này ngạc
nhiên cùng cực, lúc ấy ông mới tin tưởng chắc chắn rằng phúc đức là điều
không thể nghĩ bàn.
Số là sau khi chiếc nhẫn bị vua ném xuống sông rồi, thì liền bị một con
cá bơi ngang chỗ ấy đớp vào bụng mất. Mới nuốt xong chiếc nhẫn, nó rơi
ngay vào lưới của một người đánh cá và người này đem mẻ cá mới lưới được
bán cho triều đình. Mọi sự việc ăn khớp vơi nhau chặt chẽ, chỉ cái phước
vô song của hoàng hậu mới khiến cho chiếc nhẫn đã mất mà tìm lại được
một cách hy hữu như thế.
Từ đó trong cách đối xử với hoàng hậu, vua không dám tỏ ra mình là người
thi ân nữa, vì ông đã tin rằng phúc của ai thì người đó hưởng. Tội báo
hay phúc báo đều như bóng theo hình.
Phúc báo là do bố thí, do cúng dường mà có. Làm người nên bố thí, nên
cúng dường cho nhiều là vì lý do này.