14. So sánh phúc báo
Cách đây chừng hơn 2.400 năm, nước Ấn Độ giống như vào thời Chiến quốc ở
Trung Hoa, chia thành rất nhiều nước nhỏ và rất nhiều bộ lạc. Vua A Dục,
một vị vua có phúc báo thù thắng, đã chinh phục tất cả các nước nhỏ và
các bộ lạc ấy quy làm thành một quốc gia. Đó cũng là lần đầu nước Ấn Độ
được thống nhất trong lịch sử.
Vua A Dục rất tài giỏi và anh dũng, ông đã đào tạo một đội quân kiên
cường, một đoàn ngựa hùng mạnh. Hơn nữa, đối với dân ông thành thật như
đối với chính mình, nên chẳng bao lâu, uy đức ông đã cảm hóa được mọi
người, ai ai cũng tôn sùng kính trọng ông.
Nhưng chỉ có một điều đáng tiếc là bản tính ông vô cùng kiêu ngạo.
Có một lần, ông chiêu tập quần thần và hỏi rằng:
– Thế gian này còn có chỗ nào không thuộc về ta? Còn có người nào không
phục tùng ta?
Quần thần đồng thanh trả lời:
– Trong thế gian này, không có chỗ nào là không thuộc về đại vương, cũng
không còn một ai là dám không phục tùng đại vương.
Mọi người nói xong thì có một vị quan đứng dậy tâu rằng:
– Theo chỗ hạ thần biết, trong thế gian vẫn có nơi không thuộc về vua,
thí dụ như long vương trong biển cả, từ trước đến nay không hề giao
thiệp với chúng ta cũng chẳng bao giờ đem bảo vật đến triều cống, điều
đó chứng tỏ rằng y không hề phục tùng đại vương.
A Dục vương muốn thử xem phúc đức và uy lực của mình có thâu nhiếp được
long vương hay không, nên đem ngàn vạn binh tướng, khua chuông gióng
trống, cờ phướng rợp trời, cuồn cuộn kéo đến bờ biển, gằn giọng hét to:
– Long vương! Ngươi ở trong biên cảnh của ta, tại sao lại có thái độ
phản kháng, không xuất hiện đến gặp ta?
Mặt biển mênh mông lặng lờ, chỉ có nhấp nhô tiếng sóng trả lời. Tuy vua
A Dục thị uy ba lần như vậy, nhưng mặt biển vẫn im lìm không có phản
ứng.
Lúc ấy Long vương đang sống an nhiên trong long cung, tuy vua A Dục
cuồng ngạo như vậy nhưng ông vẫn làm ngơ như không thấy. Vua A Dục lo
lắng không biết phải xử trí ra sao, bèn hỏi quần thần rằng:
– Có cách nào buộc long vương phải xuất hiện chăng?
Có một vị quan tương đối có trí huệ lên tiếng trả lời:
– Đại vương, xin đừng lo lắng, tới đúng lúc đúng thời thì không cần ai
gọi, long vương cũng sẽ xuất hiện. Có thể bây giờ phúc báo của y lớn hơn
phúc báo của đại vương nên y không chịu quy phục. Nếu đại vương muốn thử
cũng có thể được: ngài hãy dùng hai cân vàng đúc hai pho tượng, một
tượng của ngài, một tượng của long vương. Đem hai pho tượng ra so sánh,
pho nào nặng hơn thì người đó có nhiều phúc đức hơn.
Vua A Dục làm theo lời vị đại thần để thử nghiệm, khi đem ra cân thì kết
quả tượng long vương nặng hơn. Đương nhiên khỏi nói, long vương có nhiều
phúc báo hơn vua A Dục.
Lúc ấy vua A Dục tự hiểu, hổ thẹn mình phúc bạc, từ đó lo gấp rút vun
trồng cội đức, phát thiện tâm rộng lớn, cứu tế an ủi những người cô quả,
nghèo khổ, người già và trẻ con trong nước. Ông còn lập chùa, dựng tháp
ở mỗi huyện lỵ, cung kính thờ phụng tượng Phật, xá-lợi, khi thấy kinh
điển thì khởi tâm sùng kính, tâm hoan hỉ, tăng chúng trong nước thì
tuyệt đối được ông tôn trọng và thành tâm cúng dường.
Cứ như thế trong suốt ba năm, ông lại đem hai bức tượng ra cân trở lại,
thật là không thể tưởng tượng, lần này tượng của vua A Dục đã nặng hơn.
Vua A Dục lại muốn thử một lần nữa xem có linh nghiệm hay không, bèn đem
đại chúng ra bờ biển. Không cần vua kêu gọi hay truyền lệnh, từ xa long
vương đã biến thành một người thanh niên đến đón rước vua, và đem rất
nhiều châu báu đến triều cống.
Mỗi người tự gieo trồng bồi đắp phúc báo của mình. Không có phúc báo mà
muốn cho người khác cung kính là điều vọng tưởng, làm sao có thể được?