18. A-la-hán ăn mày
Giáo pháp của đức Phật vô cùng bình đẳng, không có sự chênh lệch giai
cấp, không có sự phân biệt giàu nghèo.
Lúc đức Phật thuyết pháp tại tinh xá Kỳ Viên, đến bữa ăn là phải ôm bát
ra ngoài hành hóa. Lúc Ngài khất thực, không phân biệt giàu nghèo, sang
hèn, khôn dại, đẹp xấu, Ngài xem tất cả đều bình đẳng, khiến cho nhà nào
cũng có được cơ hội gieo trồng hạt giống phúc đức.
Mỗi khi đức Phật dẫn đầu đoàn đệ tử đến thành Xá Vệ khất thực, thì sau
lưng Ngài có rất nhiều người hành khất đi theo. Nhờ uy đức của đức Phật,
họ cũng được mọi người phát tâm từ bi bố thí.
Thời gian chầm chậm trôi qua, những người hành khất trong thành Xá Vệ
nhờ thế mà kéo dài được mạng sống hạ tiện của họ. Có một hôm, người cầm
đầu trong đám ăn mày ấy nói với đồng bạn rằng:
– Chúng ta thuộc về hạng chúng sinh bị tội khổ, tuy nương dựa vào ánh
sáng từ bi của đức Phật để được mọi người bố thí mà kéo dài mạng sống,
nhưng cứ tiếp tục như thế này mãi cũng chẳng bao giờ đi tới đâu. Tôi
thiết nghĩ rằng, hay là tất cả mọi người trong bọn chúng ta kéo nhau đến
chỗ của đức Phật xin xuất gia, y Pháp mà tu hành, tương lai không phải
là được giải thoát cả hay sao? Các bạn nghĩ như thế nào?
Tất cả mọi người trong đám ăn mày đều tán thành ý kiến này, thế là họ
kéo nhau đến tinh xá Kỳ Viên cầu xin đức Phật cho họ xuất gia để tiêu
trừ tội khổ.
Đức Phật nói:
– Pháp của ta bình đẳng, bất kể kẻ trí hay người ngu, người sang hay kẻ
hèn, ai cũng có thể được truyền trao giáo pháp, được ánh sáng pháp chiếu
soi. Pháp của ta là pháp thanh tịnh, người tốt hay xấu ai cũng có thể bỏ
sự ô uế để được trong sạch, hồi phục lại chân tính căn bản. Hôm nay các
ông xin xuất gia, đó là do thiện duyên của các ông, các ông chỉ cần tuân
theo giáo pháp của ta thì ta cho phép các ông gia nhập tăng đoàn, thành
những vị tỳ-kheo.
Những người hành khất nghe đức Phật nói xong hết sức vui mừng, cạo hết
râu tóc và khoác pháp y vào. Từ đó họ nỗ lực ra công, diệt trừ tham sân
si trong tâm, hiểu rõ căn nguyên của sinh tử, nên có nhiều vị đã chứng
được quả A-la-hán.
Lúc đức Phật cho phép đoàn người hành khất xuất gia, trong dân chúng có
rất nhiều người nghi ngờ, vẫn còn ôm giữ định kiến không tốt về họ nên
dùng lời oán than phản đối, cho rằng tăng đoàn vốn tôn quý thanh tịnh,
không nên để cho bọn ăn mày ấy được phép gia nhập. Quan niệm giai cấp
trong đầu những người này hãy còn rất nặng nề.
Có một hôm, thái tử Kỳ-đà làm một cỗ chay cúng dường đức Phật và chư
tăng, nhưng ông dặn rõ ràng rằng:
– Bạch Thế Tôn! Con rất hoan hỉ mà cung thỉnh đức Phật và chư tăng ngày
mai đến nhà con thọ cúng, nhưng không có chỗ cho mấy ông tỳ-kheo hành
khất nọ, xin Thế Tôn đừng mang họ theo.
Ngày hôm sau, lúc lên đường đến nhà thái tử Kỳ-đà thọ cúng, đức Phật nói
với các vị tỳ-kheo đã có thời làm hành khất nọ:
– Hôm nay ta nhận lời thỉnh của thái tử Kỳ-đà đến nhà ông ấy dùng cơm.
Các ông hãy đi về phía bắc, đến nước Uất Đan Việt, hái thức ăn như lúa
canh v.v... tới nhà thái tử Kỳ-đà rồi tùy ý tìm chỗ mà ngồi ăn.
Các vị tỳ-kheo hành khất hiểu ý của đức Phật, tuân lệnh lên đường. Họ
dùng thần thông nên đến nước Uất ĐanViệt trong nháy mắt, hái đầy bình
bát lúa canh đã chín mang về. Về tới chỗ, họ họp thành một nhóm 500
người, xếp hàng thành chữ “nhất”, từ không trung bay xuống, uy nghi,
chỉnh tề, trang nghiêm, khiến ai nhìn thấy cũng phải tỏ lòng tôn kính
tán thán. Khi họ đến cung điện của thái tử Kỳ-đà, 500 người theo thứ tự
an nhiên ngồi xuống, mỗi người mở bát lấy lúa canh mang theo mà dùng.
Thái tử Kỳ-đà nhìn thấy các vị tỳ-kheo này rất lấy làm lạ, bèn hỏi đức
Phật:
– Bạch Thế Tôn, các vị đại A-la-hán mới từ không trung bay xuống, phong
thái uy nghi lẫm lẫm khiến ai nhìn thấy cũng phải tôn kính ấy, chẳng hay
từ đâu mà đến? Thỉnh Phật từ bi nói nhân duyên của họ cho con được biết.
Đức Phật nhìn đại chúng, nhìn sang thái tử Kỳ-đà rồi sau đó mới nói một
cách ôn hòa:
– Thái tử Kỳ-đà! Ông hãy nghe ta nói: các vị tỳ-kheo ấy chính là những
vị tỳ-kheo hành khất mà hôm qua ông nhất định không muốn cúng dường. Vì
ông không mời họ nên hôm nay họ phải đến nước Uất ĐanViệt hái lúa canh
đã chín mang về đây dùng.
Thái tử Kỳ-đà nghe thế lấy làm vô cùng xấu hổ, biết mình đã có lỗi khinh
mạn và tà kiến, buồn rầu hối hận mà tự trách rằng:
– Con thật là ngu si, không biết đâu là thánh đâu là phàm, có mắt đứng
trước núi Thái Sơn mà không thấy, thật là đáng tội!
Nói xong vội vàng bày bàn cỗ thức ăn, thỉnh 500 vị La Hán vào bàn rồi
hỏi đức Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn, 500 vị A-la-hán này được Phật giáo hóa không lâu đã
chứng đắc quả vị, lìa khổ được vui. Đã được một phúc báo to lớn như thế,
thì tại sao lúc ra đời lại sinh ra trong nhà hạ tiện? Thỉnh Thế Tôn từ
bi khai thị cho con!
Đức Phật liền nhân đó giảng giải cho đại chúng nghe:
– Xưa thật là xưa, có một thế giới to lớn gấp bội lần thế giới hiện tại
của chúng ta. Trong thế giới ấy có một quả núi cao, trên ấy có nhiều vị
tu hành và tiên nhân tu đạo cư ngụ. Vì thế người ta bèn đặt tên cho quả
núi ấy là Tiên Sơn.
Trong núi, lúc ấy có hơn 2.000 vị tu đạo sinh sống, vị nào cũng đã chứng
quả thánh.
Có một năm, trời không mưa trong một thời gian rất lâu nên nạn hạn hán
hoành hành, không có cách nào canh nông trồng trọt trên núi, vì thế đời
sống trở nên vô cùng khó khăn. Vừa may có một nhà buôn cự phú tên là Tán
Đàn Ninh, làm cỗ cúng dường hơn 2.000 vị thánh nói trên.
Vị trưởng giả rất thành tâm, không hề có ý niệm lẫn tiếc nào, còn bảo
mấy trăm gia nhân trong nhà phải mỗi ngày phục dịch hầu hạ các vị thánh
nhân ấy. Ban đầu thì những gia nhân này làm việc hăng hái chăm chỉ,
nhưng về sau họ đâm ra nhàm chán, thốt những lời trách oán, thái độ càng
ngày càng lơ là, lười biếng. Nhưng trưởng giả Tán Đàn Ninh không hề hay
biết gì về sự việc này.
Một hôm trời đổ mưa, nhà nông vui mừng như bắt được vàng. Hai ngàn vị
thánh nhân lên núi trở lại lo việc làm ruộng, trưởng giả cũng bảo gia
nhân bắt đầu gieo hạt. Mọi người lấy nông cụ ra, từ sáng đến tối ngoài
đồng làm việc, lúa mạch, lúa mì, đậu, ngũ cốc v.v... không đâu là không
có. Những gì họ khổ công gieo trồng mọc lên rất nhanh, chín vàng nặng
trĩu. Trưởng giả rất vui mừng, bảo họ phải cố gắng thêm, tưới tẩm thêm,
bón phân thêm, đến lúc gặt hái thì thu hoạch càng thêm phong phú, kho
vựa đầy ăm ắp. Chỗ còn dư thì đem chia cho mọi người và bố thí cho dân
chúng trong nước.
Lúc ấy, những người đã phục dịch thánh chúng lúc trước cảm thấy ân hận,
xấu hổ, biết lỗi của mình nên từ đó phát nguyện rằng: “Mấy trăm người
chúng ta đây, lúc trước đã tạo khẩu nghiệp, bây giờ phải biết sám hối
sửa lỗi, từ bây giờ trở đi nguyện làm nhiều việc thiện, phụng sự người
khác, cầu mong kiếp tới gặp được thánh hiền, tu hành giải thoát.”
– Thái tử Kỳ-đà! Mấy trăm người làm công ấy, vì đã tạo khẩu nghiệp nên
kiếp này phải chịu cái khổ sinh ra làm ăn mày. Nhưng nhờ biết hối lỗi,
nên nửa quãng đời còn lại họ đã được gặp Phật. Trưởng giả Tán Đàn Ninh
chính là ta trong kiếp trước. Nhờ những nhân duyên như thế nên kiếp này
họ mới được ta hóa độ.
Đức Phật nói xong, thái tử Kỳ-đà và những người cùng nghe đều hoan hỉ
khôn kể xiết, tất cả đều phát tâm chuyên cần tu hành, sám hối tội lỗi,
cầu được vô thượng Bồ-đề.