8. Nai biết trọng chữ tín
Trong một khu rừng thẳm trên núi cao có một bầy nai cùng nhau chung
sống, con số lên tới cả trăm con. Chúng đi theo những cánh đồng xanh mơn
mởn, vừa ăn vừa đùa giỡn, chẳng mấy chốc tiến dần đến chốn thị thành có
người ở.
Hôm ấy, nhà vua dẫn đầu một đoàn tùy tùng ra khỏi thành hướng về phía
thôn dã săn bắn. Người ngựa khắp nơi, đoàn nai kinh hãi chạy tán loạn.
Có một con nai đang mang thai bị bỏ lạc lại phía sau, không cách nào
chạy kịp. Trong lúc vừa đói lại vừa mệt, nó sinh hạ được hai con nai
con.
Nai mẹ đem hai con nai con giấu vào một nơi kín đáo rồi vội vàng nghĩ
tới chuyện kiếm ăn. Vì trong lòng đang khủng hoảng, nó bất cẩn sa xuống
hố. Lo lắng cho hai đứa con, nai mẹ sốt ruột tìm đủ cách thoát ra khỏi
hố nhưng không thoát được, nó bèn kêu khóc thảm thiết. Thợ săn nghe
tiếng khóc, chạy đến xem thấy một con nai lớn, vui mừng vô cùng định đem
nai ra giết. Nai mẹ quỳ xuống, khấu đầu van xin, dáng điệu như muốn nói:
– Tôi vừa mới sinh được hai con nai con, lâu lắm rồi chưa có gì vào
bụng, xin các ông làm phúc thả cho tôi ra một lúc thôi, để tôi về thăm
các con và chỉ cho chúng nó chỗ nào có nước có cỏ, để chúng nó có thể tự
kiếm sống một mình, rồi sau đó tôi sẽ trở lại chịu chết. Tôi thề không
sai lời hẹn ước.
Thợ săn thấy nai mẹ quỳ xuống với dáng điệu van nài như thế, vừa kinh dị
vừa quái lạ, bèn nói:
– Làm người trong đời ai cũng tham sống sợ chết, huống chi mi là loài
thú vật! Bây giờ mi đã đến tay ta, ta bắt được mi rồi, làm gì có chuyện
thả mi ra?
Họ không hề có ý định thả nai mẹ về. Nai mẹ khóc nước mắt ướt cả mặt,
liên tục khấu đầu cầu khẩn như muốn nói:
– Mạng sống của tôi hiện thời đang nằm trong tay các ông. Tôi không hề
tiếc chút thân tàn này, chỉ thương xót hai đứa con thơ dại. Nếu các ông
bằng lòng thả cho tôi về thì hai đứa con của tôi mới còn sống sót được,
bằng không chúng nó chỉ còn có nước chết mà thôi!
Thợ săn thấy nai mẹ van nài với những tình cảm không khác gì loài người,
không thể không cảm động nên cuối cùng thả cho nai mẹ ra đi.
Nai mẹ chạy về chỗ giấu mấy đứa con, vừa buồn vừa vui, chỉ cho chúng
biết ở đâu có nước uống và ở đâu có cỏ ăn, xong rơi lệ mà nói:
– Lúc nãy mẹ ra ngoài, không cẩn thận nên bị rơi vào tay thợ săn, chút
xíu nữa thì không về gặp các con được. Vì mẹ lo nghĩ cho các con nên xin
họ thả cho ra trong chốc lát để về thăm các con. Các con thật là bất
hạnh đáng thương! Từ nay các con sẽ không có mẹ săn sóc nữa. Mẹ hy vọng
các con sẽ sống sung sướng sau này.
Nai mẹ nói tới đây, bỏ các con ở lại mà đi. Hai con nai con thấy mẹ đi
rồi trở về, mừng rỡ vô cùng, bây giờ lại nghe mẹ nói sẽ đi nữa, bèn theo
bén gót, vừa đi vừa kêu khóc. Nai mẹ quay đầu lại nói:
– Các con không thể nào theo mẹ được, nếu không mẹ con chúng ta sẽ bị
giết hại cả nhà! Mẹ được về thăm các con một lúc như thế, có chết cũng
cam lòng! Chúng ta nghiệp chướng sâu dày nên sinh ra làm súc sinh, nay
còn gặp thảm trạng bị bắt bị giết. Mẹ chết đi rồi, mong các con lập
nguyện vững chải là không bao giờ tái sinh làm thú vật nữa!
Nhưng nai con nào có nghe lời nai mẹ, nhất định theo mẹ cho đến chỗ có
cái hố. Thợ săn thấy nai mẹ về, theo sau có hai chú nai con, trong lòng
lại càng thấy bất nhẫn nên thả cho mấy mẹ con nhà nai về hết.
Họ bèn đem chuyện này lên tâu với nhà vua. Nhà vua cũng thấy loài nai mà
biết trọng chữ tín còn hơn loài người, bèn hạ lệnh cấm săn bắn nai, cho
nên từ đó bầy nai mới gọi bạn kết lũ mà sống tự do, đi lại chơi đùa tự
tại trên những cánh đồng cỏ.
Sinh làm nai mà có chữ tín lại biết thương con như thế, thật không khác
gì con người.
Đức Phật nói chúng sinh trong vũ trụ, ai ai cũng có trí huệ và đức độ
của Như Lai, điều đó quả thật không sai!
Chỉ cần có tâm từ bi là ngay trong kiếp này đã được quả báo tốt. Lừa gạt
người khác chính là tự lừa gạt lấy mình, giữ chữ tín với người khác tức
là tự giúp đỡ lấy mình.
Chuyện con nai mẹ biết trọng chữ tín, thật đáng làm bài học cho loài
người biết bao!