9. Thời và vận
Tại Ấn Độ ngày xưa, vua nước Ba La Nại tên là Phạm Đạt Ma. Một hôm, vua
và quần thần lên núi thẳm rừng sâu săn bắn, đến chiều tối thì trú đêm
trong một căn lều cỏ dưới ngọn cây cao. Sau một ngày chạy nhảy săn đuổi,
vua Phạm Đạt Ma rất mệt mỏi nên vừa đặt lưng xuống là ngủ say như chết.
Lúc ấy, trong ngoài tĩnh mịch, cái yên tĩnh của ban đêm như có gì rờn
rợn. Bỗng nhiên xa xa có tiếng gọi:
– Bệ hạ! Bệ hạ! Vua Phạm Đạt Ma!
Vua Phạm Đạt Ma đang ngủ say bị tiếng gọi ấy đánh thức dậy thình lình,
ông mở to hai mắt nghiêng tai lắng nghe.
– Bệ hạ! Bệ hạ!... Bệ hạ!
Trong đêm đen, ai là người gọi nhà vua? Vua Phạm Đạt Ma cho rằng thần
kinh của mình quá ư nhậy cảm nên không thèm tìm hiểu gì thêm, nhắm mắt
ngủ tiếp.
Ngày hôm sau, đoàn người lại tiếp tục săn bắn, cho đến khi mặt trời ngả
về tây họ mới mệt nhoài kéo nhau về. Suốt một ngày săn bắn hào hứng, nhà
vua đã quên khuấy tiếng gọi trong đêm vừa qua. Đêm hôm ấy, y như đêm
trước, ông lại ngủ rất say. Đến nửa đêm, tiếng gọi quái dị lại vang lên:
– Bệ hạ! Bệ hạ!... Bệ hạ!
Nhà vua lại bị tiếng gọi đánh thức, hơi cảm thấy bực bội nhưng đồng thời
cũng lấy làm lạ, làm sao mà hai đêm liền lại có người gọi mình như thế?
Vua sai cận vệ ra ngoài nhìn xem là ai, nhưng không hề có bóng dáng của
một người lạ nào.
Qua đêm thứ ba, sự thể lại diễn ra như trước. Lần này vua bắt đầu cảm
thấy sợ, ông không còn hứng thú gì trong việc săn bắn nữa, tuy đó là thú
vui mà ông ưa thích nhất từ trước đến nay. Trời vừa hừng sáng, vua không
dám nấn ná lại chỗ ấy, truyền lệnh cho quần thần trong vòng một giờ phải
nhổ trại và thu dọn tất cả để tức khắc hồi cung.
Về tới hoàng cung, vua vẫn còn phiền não vì chuyện này nên triệu tập
đông đủ các đại thần trong triều để cùng nhau thảo luận. Mọi người đoán
chắc rằng đây là yêu ma quỷ mị tác quái, và phải tìm cách trừ khử ma quỷ
ngay.
Nhưng khi nói đến ma quỷ thì ai cũng run sợ, văn võ đại thần tướng sĩ
trong triều chẳng ai dám đảm nhận trọng trách một mình vào chốn rừng sâu
quyết đấu với ma quỷ.
Cuối cùng, chỉ còn cách là dán yết thị, chiêu mộ người can đảm dũng lược
và có sức mạnh đi bắt quỷ.
Bảng yết thị nói rằng, người nào trừ được quỷ sẽ được thưởng 500 lượng
vàng.
Yết thị dán lên chưa được bao lâu thì có một người nghèo khổ cùng đinh
nhưng lại rất gan dạ đến xin đi trừ quỷ để lãnh thưởng.
Vua thấy người này thân thể cường tráng, rất lấy làm vừa ý, bèn đem đầu
đuôi câu chuyện kể cho người này nghe. Trời vừa chạng vạng tối, người
cùng đinh này lên đường.
Màn đêm từ từ buông xuống, người này vào tận trong rừng sâu ngồi yên chờ
đợi. Từng phút, từng phút chầm chậm trôi qua. Đến khoảng nửa đêm, tiếng
gọi quái dị nọ lại vang lên:
– Bệ hạ! Bệ ha!... Bệ hạ!
Người cùng đinh nhắm hướng tiếng gọi vọng lại mà tiến tới, khám phá ra
tiếng gọi này từ trong một hang động vọng ra. Ông đứng trước hang động,
lớn tiếng gọi vào:
– Ê! Mi là người hay là quỷ? Mau ra đây! Nếu không ta sẽ lấy dao bén đâm
chết mi!
Thật lạ lùng, ông vừa nói xong thì trong động lại vọng ra âm thanh trả
lời:
– Tôi không phải là quỷ, cũng không phải là người. Tôi là kho tàng bị
chôn trong hang động này. Thật đáng tiếc, mấy đêm liền tôi gọi nhà vua
đến mang tôi về, nhưng vua không thèm màng tới. Anh đến thật đúng lúc,
bây giờ toàn thể tài sản này chúng tôi hiến tặng cho anh hết! Chẳng qua
tôi có 7 người bạn, và chúng tôi đi đâu cũng muốn đi cùng. Bây giờ tôi
bày cho anh phải làm những gì: ngày mai anh về chùi dọn nhà cửa cho sạch
sẽ, xong chuẩn bị sẵn chút sữa bò và chút nước nho. Đến trưa, chúng tôi
sẽ cải trang thành 8 nhà tu đến nhà anh. Anh đợi chúng tôi ăn uống xong,
lấy một cây gậy phang vào đầu người trưởng đoàn của chúng tôi, xong đem
ông ấy đặt vào góc nhà, lúc đó kho tàng sẽ về tay anh.
Người cùng đinh nghe những lời ấy thì quá đỗi mừng rỡ, vội vàng chạy về
nhà. Trời chưa sáng, ông đã lo chùi dọn nhà cửa thật sạch sẽ, xong đến
gặp nhà vua, ba hoa khoác lác bịa ra một câu chuyện trừ quỷ. Nhà vua
không chút nghi ngờ, sai đem 500 lượng vàng ra thưởng cho ông. Ông vui
mừng trở về nhà sửa soạn cơm nước và sữa, rồi còn gọi một người thợ hớt
tóc về nhà hớt tóc tươm tất.
Thời gian quá cấp bách nên ông vừa hớt tóc xong thì có 8 nhà tu đã đến
trước cửa. Ông lễ độ mời họ vào nhà ngồi, xong đem các thứ đã chuẩn bị
sẵn ra khoản đãi họ. Xong, như đã đồng ý với nhau trước, ông đem tới một
cây gậy và nhắm đầu nhà tu trưởng đoàn phang vào một cái thật mạnh.
Thật là quái lạ, ông vừa mới phang xuống, tám ông thầy tu bỗng biến
thành tám cái bình bằng vàng sáng choang, óng ánh. Ông mừng quýnh mừng
quáng, bây giờ ông không còn là một anh chàng cùng đinh nữa mà đã trở
thành một ông nhà giàu.
Nhưng mọi sự đã bị một người khác thấy rõ ngọn nguồn. Số là người thợ
hớt tóc ban nãy, chưa kịp đi thì khách đã đến nên đành phải trốn trong
một căn phòng khác nhìn trộm và vô tình thấy hết tất cả.
Ông này vừa kinh ngạc vừa khoái chí, lòng tham nẩy sinh, tuy không biết
ất giáp gì nhưng cũng muốn bắt chước theo điều mình mới nhìn thấy để
phát tài:
– Ta cũng có thể làm giàu bằng cách này vậy!
Ông về nhà, một mặt nhờ người đi tìm 8 ông thầy tu mời về, một mặt dọn
dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua thật nhiều thức ăn ngon lành dọn sẵn, đợi 8 ông
thầy tu tới rồi, ông chân thành mời họ vào cỗ, đợi cho họ ăn no rồi mới
bắt chước anh chàng cùng đinh kia, vác gậy ra phang lên đầu một trong 8
ông thầy tu.
Nhưng thật là luống công, vì 8 ông thầy tu chẳng những đã không biến
thành 8 cái bình vàng, mà người bị đánh thì bể đầu chảy máu kêu la bài
hãi, vì thế người ngoài đường bu đến xem rất đông.
Vô cớ hành hung người tu hành, thật là tội đã rành rành không chối vào
đâu được, người thợ hớt tóc lập tức bị bắt giải vào phủ quan chịu tội.
Khi bị quan tòa hỏi tại sao lại đánh người, ông thợ hớt tóc mới đem đầu
đuôi ngọn ngành câu chuyện kể lại cho quan nghe. Quan tòa lại mang
chuyện này trình tâu lên vua. Nhà vua nổi giận, sai người đến nhà người
cùng đinh tịch thu hết mấy cái bình vàng, nhưng quái lạ thay, bình vàng
mới đặt trước mặt nhà vua đã biến thành những con rắn độc ghê rợn. Vua
hốt hoảng vội sai người mang trả tất cả về cho chủ cũ.
Câu chuyện trên đây muốn nói rằng: nếu ta không đủ nhân duyên có được
vật gì, thì không thể cưỡng ép cho có. Nếu cưỡng ép nhân duyên cho có
thì chỉ tự gây tổn hại mà thôi.
Cổ nhân có nói “mưu tài hữu đạo”. Nếu mưu cầu điều gì mà không đúng phép
tắc, đạo đức thì chẳng khác gì ép cát tìm dầu hay đục băng đá tìm sữa,
hoàn toàn phí công vô ích.
Nhưng mọi sự được mất của thế gian xét cho cùng cũng đều là vô thường.
Tiền của, tài sản quý báu cuối cùng rồi cũng sẽ bỏ ta mà đi, vì khi nhắm
mắt xuôi tay chẳng ai mang theo được gì cả. Cho nên, đức Phật có dạy
rằng: “Chỉ có sự trì giới mới là tài sản chắc chắn nhất, bảo đảm nhất.”