Không buồn giận lo sợ đau khổ, tâm hồn thanh thản, không nghĩ gì thì tâm mình sáng lần, chân tâm lưu lộ, nên chân tâm hay chân linh mình giao tiếp được với Phật, Phật mới truyền cho ta được. Vì Phật muốn truyền nhưng ta không có khả năng tiếp thu, Phật cũng không truyền được.
Vì vậy, phải phát huy khả năng tiếp thu nhờ đó Phật truyền pháp giúp chúng ta bắt đầu hiểu nghĩa lý sâu trong kinh, thậm chí hiểu ngoài kinh gọi là thần chú là hiểu được mật ngữ, tức ngôn ngữ của Phật.
Thuở nhỏ, tôi thường tụng Tiêu tai kiết tường thần chú để tất cả tai họa không giáng lên mình giúp mình tiến tu nhẹ nhàng. Nghĩ rằng tụng thần chú cho tiêu hết tất cả những gì khó khăn tai họa, nhưng không hiểu gì, cứ ngồi yên tụng thần chú. Nhưng một hôm, trí tôi lóe sáng thì tôi thấy khác và tôi dịch nghĩa của thần chú này cho các Phật tử tụng:
“Này hư không, hãy uống cạn tất cả họa tai. Hãy làm sạch tất cả họa tai. Này sức nóng, hãy phát hỏa, phát hỏa thiêu đốt tất cả họa tai, đốt sạch tai họa. Này tinh tú, hãy xuất hiện, xuất hiện để tiêu trừ họa tai đen tối làm cho bầu trời trong sáng an lành, thật an lành. Nam-mô Tiêu tai giáng kiết tường Bồ-tát”.
Nghĩa là Phật khuyên mình để tâm trống rỗng như hư không, không buồn giận lo sợ. Vì tai họa chỉ là ảo giác do mình tự nghĩ ra, nên mình để tâm trống không, nói cách khác là uống cạn tất cả họa tai thì tai họa cũng không hiện ra được, không giáng lên mình được.
Ngoài ra, tu hành, không phạm lỗi lầm thì ai bắt được mình. Mình không xâm phạm bất cứ điều gì, không thiếu nợ ai, không gây oán thù với ai, không phạm pháp, nên tâm mình rỗng rang, trống không, không phải không là không có, phải giữ tâm mình trống không thiệt thì không sợ. Thí dụ thấy công an, tôi cảm thấy yên tâm vì không sợ kẻ gian tới hại, nhưng người có tội thì trông thấy công an là sợ công an bắt.
Chiều nay, tôi gặp anh công an nói rằng thầy không biết, chứ lâu nay, thầy lên chùa Phật Cô Đơn, con bố trí công an bảo vệ thầy. Tôi nói nhờ các anh bảo vệ giùm nên chỗ này mới yên được, còn trước kia ở đây lộn xộn lắm.
Tâm trống không là tâm mình không lỗi lầm gì. Tất cả những lỗi lầm đã có mình sám hối, xóa cho sạch hết. Lòng mình chỉ còn Phật pháp mà Phật pháp là điều tốt lành, làm sao có sợ nữa.
Và tâm trống không thì tội mất, nên Phật nói tội tánh không, nghĩa là tánh tội không có, chỉ do mình ảo giác tạo nên. Như vậy, không tạo tội và cũng diệt trừ ảo giác thì tất cả trở về trạng thái không, chẳng còn gì để sợ.
“Này sức nóng, hãy phát hỏa, phát hỏa thiêu đốt tất cả họa tai, đốt sạch tai họa”.
Sức nóng là lửa Tam muội, tức Chánh định, tức tập trung tư tưởng và vào định được. Và vào thiền định được thì không có gì hết, nếu ta nhập Diệt tận định. Nhưng nhập Pháp hoa định sẽ thấy ở đâu cũng có Phật mà tôi thường nói nhắm mắt thấy Phật thì chúng ta có thể thấy xa và nghe xa.
Vì vậy, Đức Phật A Di Đà ở Cực lạc cách đây mười muôn ức thế giới, nhưng chúng ta nghĩ đến Phật A Di Đà thì liền thấy Ngài, chúng ta nghĩ đến Cực lạc thì tâm liền thấy Cực lạc.
Mới ban đầu dùng tâm để thấy, chúng ta thấy chỗ thân quen trước. Thí dụ tôi có tu ở chùa Tổng Trì, Nhật Bản và học ở Đại học Rissho thì bây giờ nhắm mắt lại nghĩ đến ngôi chùa này, hay nghĩ đến trường này, tôi sẽ thấy chùa và trường này hiện ra. Và bạn bè cùng tất cả các thầy dạy ở trường này dù đã qua đời nhưng khi tôi nghĩ đến họ thì vẫn thấy họ. Tôi thấy được tất cả người sống hay người chết mà tôi quen biết trong suy nghĩ của tôi là pháp mà tôi thực tập được. Điều này tiêu biểu cho lửa của Chánh định có thể đốt sạch tất cả tai họa. Vì khi chúng ta vào thiền định, ác ma không vào được bởi đây là thế giới của Phật và Bồ-tát. Và chúng ta vào Chánh định chỉ thấy Phật, Bồ-tát vì hàng ngày, mình tụng kinh, lạy Phật đã đem Phật, Bồ-tát vào lòng, nên khi mình ngồi yên, tất cả Phật và Bồ-tát hiện ra. Còn nếu làm việc ác xấu, gian dối thì ngồi yên, việc ác xấu gian dối hiện ra. Vì vậy, trên bước đường tu, mình loại bỏ tất cả việc ác xấu và chỉ làm những việc tốt lành, nên ngồi yên, lắng sâu là vào thiền định chỉ thấy Phật và Bồ-tát.
Theo Phật, chúng ta tu giới định tuệ. Tu giới để tâm chúng ta như hư không vì thực tế trong cuộc sống, chúng ta không phạm tội, chắc chắn họa tai không tới với mình được.
Và tu định, vào thiền định thì họa tai bị lửa Tam muội là lửa Chánh định đốt cháy khiến tâm thanh tịnh và chân tâm chúng ta hiện lên. Đến sở đắc này là tinh tú xuất hiện làm cho bầu trời trong sáng an lành. Nói cách khác, bấy giờ bầu trời tâm chúng ta sáng ra làm cho ta và thế giới của ta an lành.
Cuộc sống cho đến khi chết đều trải qua những giai đoạn vừa nói trên. Hiểu như vậy chúng ta cũng chuẩn bị được cái chết cho mình vẫn tốt hơn.
Nếu đã làm việc tội lỗi thì tội lỗi này hiện ra làm họ hốt hoảng. Đó là trước cái chết, ảo ảnh bắt đầu hiện ra. Vì vậy, nhìn thấy trạng thái của người chết lúc đó sẽ biết họ bị đọa hay sanh lên cõi trời.
Ảo ảnh hiện trước khi chết làm chân lạnh. Thân tứ đại gồm đất nước gió lửa, lúc ấy địa đại tan, nên dồn về thủy đại là nước để sống. Bấy giờ, ảo ảnh làm cho người chết thấy đủ thứ. Nếu thấy Phật, Bồ-tát hay chư thiên là ảo ảnh tốt và kinh qua những hình ảnh này rồi, họ biết sắp chết nhưng lúc đó chỉ thấy toàn màu đen thôi, không thấy gì và thân không còn cảm giác là bắt đầu tách ra giữa cuộc sống và cái chết để thần thức đi ra.
Lúc đó thủy hết, hỏa sanh, nếu tập trung được, tạo thành lửa Tam muội ở trong Chánh định thì tất cả tai họa biến mất.
Và đến cái thứ ba là huệ sanh liền thấy màu trắng là bầu trời sáng ra gọi là tinh tú xuất hiện. Nếu căn lành của họ có tương quan nhiều với Phật nào thì tự nhiên thấy Phật đó xuất hiện và thần thức họ đi thẳng vào thế giới của Phật đó.
Nhưng lúc đó nếu thần thức thấy tối thui, thấy toàn việc ác, thấy bị rượt đuổi, đánh bắt, rồi bỏ chạy, không còn biết phương hướng, lủi đại vô các đường ác là thọ sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tai hại vô cùng.
Phật tử tu Bổn môn Pháp hoa không phải tụng kinh suông, nhưng tụng kinh nhiều để huân tập vô tâm lời Phật dạy và chứng được nghĩa lý của kinh. Đó là điều căn bản để mình chuyển kiếp này sang kiếp khác được tốt đẹp hơn, được gặp Phật pháp, gặp thầy hiền bạn tốt và tiến tu Bồ-tát hạnh cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề.
Hòa thượng Thích Trí Quảng