Trong
Phật giáo, các từ ngữ "cầu nguyện," "cầu xin" hay "ước nguyện" được
hiểu đồng nghĩa với thuật ngữ "pràrthanà" (Sanskrit) hay "patthanà"
(Pali). Pràrthanà bắt nguồn từ gốc "pra + arth" có nghĩa là ước nguyện,
ước muốn, mong cầu, cầu xin.
I. Ý nghĩa của cầu nguyện
II. Cầu nguyện thấp kém và cầu nguyện cao thượng
III. Khái niệm cầu an và cầu siêu
IV. Cầu nguyện và kết quả
V. Cầu nguyện, phát nguyện và hồi hướng
VI. Kết luận
-oOo-
I. Ý nghĩa của cầu nguyện
Trong Phật giáo, các từ ngữ "cầu nguyện," "cầu xin" hay "ước nguyện" được hiểu đồng nghĩa với thuật ngữ "pràrthanà" (Sanskrit) hay "patthanà" (Pali). Pràrthanà bắt nguồn từ gốc "pra + arth" có nghĩa là ước nguyện, ước muốn, mong cầu, cầu xin.
Cầu
nguyện, cầu xin hay ước nguyện là một trạng thái tâm lý mong mỏi một
điều gì đó sẽ được thực hiện, sẽ được thành tựu hay diễn ra theo chủ ý
của người mong đợi. Nó phản ánh một thái độ mong chờ một sự kiện diễn ra
theo chủ ý của người có ước mong.
Theo đạo Phật, tùy theo đối tượng và mục tiêu của ước muốn, cầu nguyện có thể trở thành một trạng thái tâm lý "tham"
tức mong muốn gồm thâu về cho mình, gia đình mình, người thân mình, hay
một trạng thái tâm lý "vị tha" mong cho người khác, chúng sanh được
điều lợi ích, an lạc và hạnh phúc. Nói cách khác, bản thân của sự cầu
nguyện mang tính cách trung tính về phương diện đạo đức. Tính chất đạo
đức của cầu nguyện được xác định tốt hay xấu tùy thuộc vào mục tiêu của
nó cũng như hệ quả của nó diễn ra đối với đối tượng được mong cầu. Nếu
các ước mong của cầu nguyện hướng về tư lợi, tư hữu, cho cái ta và cái
ta sở hữu thì cầu nguyện trong trường hợp này là một lòng tham, đồng
nghĩa với tham ái (patthanà vuccati ta.nhà, tác phẩm Mahà Nidesa I.
316-37). Nói cách khác, cầu mong những điều xấu xa cho mục tiêu vị kỷ,
tư hữu, thì cầu nguyện sẽ đồng nghĩa hay mang tính chất của lòng tham
(patthana lakkha.no lobho, tác phẩm Nettippakara.na, tr. 27). Ngược lại
các ước mưa hòa gió thuận, nông dân được mùa, đất nước hòa bình và thế
giới hết chiến tranh là các sự mong cầu "thiện" (kusala) vì tính cách vị
tha của mục tiêu mong ước. Ở đây, sự cầu nguyện hướng đến phúc lợi và
hạnh phúc của người khác, mong điều vui và an lành đến với xã hội loài
người, hoàn toàn không có bóng dáng của lòng vị kỷ, tóm thâu về cho
mình. Một ước nguyện như vậy là ước nguyện chánh đáng và mang tính cách
thiện ích.
II. Cầu nguyện thấp kém và cầu nguyện cao thượng
Như
vừa trình bày, bản chất đạo đức của cầu nguyện sẽ được phân định tùy
theo ý tưởng hay chủ tâm mong ước của người cầu nguyện. Nếu đối tượng và
mục tiêu của mong ước được phân ra tốt và xấu thì cầu nguyện hay ước
nguyện cũng theo đó được phân thành 2 loại: thấp kém và cao thượng.
Cầu
nguyện thấp kém là lòng mong ước những điều bất chính, những gì có hại
cho nhân quần, xã hội, những gì đi ngược lại lợi ích của số đông. Một
ước muốn giết người (dù là kẻ thù), cướp đoạt tài sản của người khác,
chiếm đoạt vợ / chồng người khác, lừa đảo người khác bằng lời nói v.v.
là những ước muốn thấp kém về đạo đức. Những cầu nguyện cho chiến tranh
xảy ra, cho người khác bị giết chết, bệnh tật, tán gia bại sản, cho
những món lợi lộc bất chánh, phi pháp cho mình, gia đình mình, người
thân mình, cộng đồng mình, xã hội mình và đất nước mình v.v. đều là
những thứ cầu nguyện hay ước muốn trái lại với sự phát triển đạo đức bản
thân và cộng đồng, do đó được xem là các ước muốn hay cầu nguyện thấp
hèn. Có nhiều lời cầu nguyện xấu đã trở thành những lời nguyền rủa, trù
ẻo, thư ếm, để hại người khác. Có lời cầu nguyện phản ánh thái độ bỏn
xẻn, vị kỷ, cá nhân và không tùy hỷ với thành công và hạnh phúc của
người khác. Tất cả những ước nguyện như vậy đều thuộc thấp kém, và không
có giá trị đạo đức.
Cầu
nguyện cao thượng, trái lại phát xuất từ tấm lòng vô ngã, vị tha, từ
tình thương không phân biệt giới tính, giai cấp xã hội, không phân biệt
thân sơ, bạn thù, chỉ vì mang lại lợi ích, phúc lợi và niềm an vui cho
người khác v.v. Ðó là những cầu nguyện hay ước muốn thiện và đạo đức.
Những ước muốn cho chiến tranh chấm dứt, không còn cảnh máu đổ, không
còn cảnh sát hại con người, động vật và môi trường; những ước muốn cho
hạnh phúc đôi lứa của kẻ khác được lâu bền, cảnh chia rẻ, phân hóa trở
nên đoàn tụ, liên kết nhau; những ước muốn cho mọi người có công ăn việc
làm ổn định, không ai cướp bóc sức lao động và tài sản của ai, mọi
người thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ nhau v.v. là những ước muốn hay cầu
nguyện cao thượng, và có giá trị đạo đức.
Theo
lời Phật dạy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các ước muốn hay cầu nguyện
thấp kém và cao thượng. Trong bài kinh nói về các hạt giống tâm thuộc bộ
Tăng Chi (A. V. 213) đức Phật đưa ra mười nguyên nhân sâu xa dẫn đến
các ước muốn và cầu nguyện thấp kém. Mười nguyên nhân đó là: (1) quan
niệm sai lầm, (2) tư duy sai lầm, (3) lời nói sai lầm, (4) hành vi sai
lầm, (5) lập nghiệp phi pháp, (6) nỗ lực sai lầm, (7) chú tâm sai lầm,
(8) thiền định sai lầm, (9) kiến thức sai lầm, (10) tự do sai lầm. Mười
nguyên nhân này thực chất có nguồn gốc sâu xa từ quan niêm sai lầm.
Chính "quan điểm" là chủ não của nhận thức và hành động. Một khi nhận
thức sai thì hành động trở nên nguy hại cho đạo đức và phúc lợi của
người khác. Ví dụ khi một người nào đó nhận thức sai lầm rằng giết
người, cướp của, quan hệ tình dục phi pháp, nói láo để lừa gạt người,
uống rượu, hút thuốc và ăn chơi xa xỉ, là không có hại hay không trái
với nguyên tắc đạo đức căn bản của xã hội loài người, thì chắc chắn rằng
người đó không những có những ước muốn xấu ác, tổn hại tha nhân và xã
hội mà còn có thể có các hành vi bất thiện, để đem về lợi ích vị kỷ cho
bản thân mình. Trong trường hợp này, người cầu nguyện hay có ước nguyện
thấp kém sẽ bất chấp luật pháp, làm những điều bất chính, tổn hại cho
đạo đức xã hội. Do đó, để chặn đứng các cầu nguyện hay ước muốn xấu xa
đó, trước nhất và hơn bao giờ hết, chúng ta nên phát triển quan điểm
chân chánh (sammà-di.t.thi). Nói cách khác quan điểm chân chánh là đầu
mối của tất cả hành vi đạo đức đem lại lợi ích cho bản thân và tha nhân.
Cũng
trong bài kinh trên, đức Phật trình bày 10 nguyên nhân của ước muốn hay
cầu nguyện cao thượng, đó là: (1) quan niệm chân chánh, (2) tư duy chân
chánh, (3) lời nói chân chánh, (4) hành vi chân chánh, (5) lập nghiệp
chân chánh, (6) nỗ lực chân chánh, (7) chú tâm chân chánh, (8) thiền
định chân chánh, (9) kiến thức chân chánh, (10) tự do chân chánh.
Quan
niệm chân chánh được xem là yếu tố dẫn đầu của chín loại chân chánh còn
lại. Theo lời Phật dạy, quan điểm chân chánh là cái nhìn về con người
và sự vật dưới ánh sáng của nguyên lý duyên khởi hay tương thuộc, không
có một nguyên nhân khởi thủy, sanh ra muôn vật. Quan niệm như vậy đánh
đổ hoàn toàn một niềm tin sai lầm về một đấng tạo dựng, sanh ra sơn hà
vũ trụ do đó nắm lấy cán cân thưởng phạt đạo đức con người. Người có
quan niệm chân chánh sẽ làm chủ bản thân mình, không than trời trách đất
về những đau khổ khách quan, vì nhận thức rõ rằng nguyên nhân của nó là
những hành vi tham lam, sân hận, si mê và tham ái trong hiện đời hay
trong quá khứ. Người có quan điểm chân chánh cũng nhìn thấy được phương
diện khác của cuộc đời là trạng thái hạnh phúc và an lạc do vắng bóng
hoàn toàn các khổ đau tâm sinh lý. Ðể đạt được an lạc này, không thể cầu
xin một đấng thần linh ban giáng hay mua đổi bằng tiền bạc, danh vọng,
chức sắc, trái lại chỉ có phát triển chín điều chân chánh còn lại (như
đã nêu ở trên) mới giúp cho chúng ta có được an lạc và hạnh phúc thật sự
và bền lâu.
Nói
tóm lại nếu mười tà là những nguyên nhân, là chất xúc tác, là chất dẫn
đạo, là cội nguồn của những nguyện vọng hay cầu mong thấp kém thì 10
chân chánh là những nguyên nhân ngược lại, mang lại kết quả an lạc và
hạnh phúc cho mình và người, đời này và đời sau. Người đệ tử của đức
Phật nói riêng, và người mong mỏi tiến bộ đạo đức nói chung nên phát
triển 10 chân chánh để sống an vui trong đời.
III. Khái niệm cầu an và cầu siêu
Ðạo
Phật không chú trọng đến ước muốn thuần túy. Ðạo Phật chủ trương hành
động thực tiễn. Mặc dù trong đạo Phật có nhiều bài kinh dạy về cách thế
nào để đạt được an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống, cũng như cách tu
tập để sanh về thế giới của các đức Phật, khái niệm "cầu an và cầu siêu"
không những không phản ánh được điều trên mà còn có thể gây hiểu lầm
rằng đạo Phật là đạo của cầu nguyện và van xin, đạo tùy vào tha lực.
Về
từ nguyên, khái niệm "cầu an" và "cầu siêu" mới xuất hiện gần đây trong
giới Phật giáo Việt Nam. "Cầu an" có nghĩa là đen là "cầu cho một người
nào đó được khỏe mạnh và an lạc," trong khi "cầu siêu" có nghĩa là "cầu
cho người chết được siêu độ, được sanh về thế giới của chư Phật."
Như
vậy cầu an là sự mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh
phúc. Nó không giới hạn ở việc cầu cho người bệnh sớm lành mạnh, tai qua
nạn khỏi, như nhiều người đã hiểu lầm. Ðể được khỏe mạnh, tai qua nạn
khỏi và sự an lạc nội tâm, theo đức Phật là mỗi người phải tự trau dồi
đời sống đạo đức và trí tuệ, phát huy các hạnh lợi tha, giúp đỡ mọi
người, sống an trụ, chánh niệm và tỉnh thức trong từng phút giây của
hiện tại. Không hoài vọng về quá khứ để thoát khỏi thế giới kinh nghiệm
đau thương. Không hoài vọng về tương lai để không lo âu và sợ sệt. Sống
một cách sáng suốt, bình thản trong hiện tại để khắc chế mọi tham ưu ở
đời. Người sống được như vậy thì lúc nào cũng "an" lúc nào cũng khỏe
mạnh, cũng hạnh phúc, không cần cầu nguyện và mong mỏi cũng được. Trái
lại, nếu chúng ta sống buông lung, sa đọa, bỏ rơi hiện tại, không làm
các điều thiện, trái lại rơi vào con đường tội lỗi thì dù có cầu nguyện
bao nhiêu cũng không thể an ổn được. Trên tinh thần đó, để tránh hiểu
lầm, kinh cầu an nên đổi thành "kinh an lạc."
Cầu
siêu là nguyện vọng hay ước muốn một người nào đó được siêu thoát hay
sanh về thế giới chư Phật. Do đó, chữ "cầu siêu" có thể là hình thức
viết ngắn của từ "cầu siêu độ" hay "cầu siêu sanh" hay đầy đủ hơn "cầu
siêu sanh Tịnh độ." Như vậy cầu siêu là nguyện vọng và ước muốn nhắm tới
chủ yếu là người quá cố. Trong các nước Phật giáo Bắc tông do chịu ảnh
hưởng của pháp môn Tịnh Ðộ, các kinh được đọc tụng vào các lễ tang và
đám giổ thường là kinh A-di-đà, kinh Ðịa Tạng và Vu-lan. Tụng kinh
A-di-đà chủ yếu là nhắc cho người chết nhớ lại pháp môn niệm Phật thiền
"nhất tâm bất loạn" như là điều kiện tiên quyết để vãng sanh Tịnh Ðộ, để
hương linh nương theo đó niệm Phật mà vãng sanh. Tụng kinh Ðịa Tạng một
mặt nhằm ôn lại công đức hiếu thảo của bồ-tát này, mặt khác phát huy và
tu tập mảnh đất tâm (địa = tâm địa). Khi tụng kinh này, con cháu của
người quá vãng được dịp học hỏi về hiếu hạnh và còn có cơ hội để trau
dồi tâm tánh cho thuần thục. Ðọc kinh Vu-lan để học hỏi tấm gương báo
hiếu đặc biệt của ngài Mục-kiền-liên. Nói chung các bài kinh trên không
chỉ có tác dụng tốt cho người quá cố mà hơn hết làm nhằm giáo dục cho
thân quyến của người chết về các phương pháp tu tập và làm phước. Theo
đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai. Không ai có thể giải thoát cho
ai. Sự cầu nguyện chỉ mang tính cách biểu tượng, thể hiện tấm lòng
thương kính và biết ân đối với người quá cố, và ở phương diện khác nhằm
nhắc cho người quá cố biết về quy luật sanh tử mà không còn quyến luyến
thế gian, dễ dàng ra đi hay tái sanh. Do đó, để tránh hiểu lầm, thuật
ngữ "kinh cầu siêu" nên đổi thành "kinh siêu độ" hay "kinh siêu thoát."
Nói
tóm lại, để được sức khỏe và an lạc, theo đạo Phật, chúng ta phải tu
tập công đức, làm việc lành, sống tiết chế, ngủ nghỉ ăn uống thích hợp,
an trụ vào hiện tại, lấy chánh niệm và sự tỉnh thức làm phương châm của
cuộc sống. Ðược như vậy thì sự an lạc sẽ hiện diện như người bạn đồng
hành của ta trong cuộc đời. Tương tự, để được siêu thoát, mỗi người phải
tự trang bị cho mình các hành trang đạo đức khi còn khỏe mạnh, để khi
cơn vô thường đến, nhắm mắt xuôi tay, nghiệp thiện của chúng ta sẽ dẫn
dắt chúng ta tái sanh về cảnh giới tốt hay vãng sanh về cảnh giới của
chư Phật. Ở đây, không hề có yếu tố tha lực. Tất cả tùy thuộc vào đời
sống đạo đức, trí tuệ và thái độ sáng suốt của chúng ta.
IV. Cầu nguyện và kết quả
Trong
đạo Phật, cầu nguyện hay ước muốn dù là đạo đức và cao thượng cũng có
giá trị rất giới hạn, ở phạm vi của ý chí, chứ chưa thể hiện cụ thể ở
hành động. Ðạo Phật do đó đề cao chủ thuyết hành vi đạo đức có chủ ý
(cetana) như là nền tảng của các thành công và toại nguyện trong cuộc
sống. Nói cách khác cầu nguyện hay ước muốn dù tốt đẹp đến đâu nếu không
có hành động hay ứng dụng cụ thể cũng trở nên vô ích. Học thuyết hành
vi đạo đức của Phật giáo trên cơ sở này đã đóng vai trò quan trọng trong
đời sống đạo đức của con người. Ðạo Phật không dạy ta sống với những
ước muốn hay cầu nguyện suông, trái lại dạy ta các phương pháp cụ thể để
biến niềm mơ ước chân chánh và cao đẹp trở thành hiện thực.
Trên
tinh thần hành động là quan trọng, ước muốn là phụ thuộc, đạo Phật đã
dạy chúng ta sống với một thái độ tự tin vào các hành thiện và đạo đức
của bản thân trong việc mang lại hạnh phúc và sự toại nguyện trong đời.
Một khi hiểu được đạo lý nhân quả của Phật, nghĩa là hiểu rằng không có
ai cầm cân cuộc sống thưởng phạt, ngoài chính hành vi thiện ác của chúng
ta, người Phật tử không phải mất thời giờ để cầu nguyện hay ước muốn
này nọ. Nếu thần linh không thể giúp được họ trong các hành vi bất thiện
nếu có của họ, thì thử hỏi làm sao họ có thể cứu giúp được chúng ta.
Thần linh và thượng đế nếu có cũng không sống ngoài quy luật nhân quả
tương duyên. Do đó, người Phật tử không dại gì phải trông chờ vào một
quyền năng bất thật của thượng đế, chúa trời, mẹ sanh mẹ độ, đức ông,
đức bà v.v. Người Phật tử ý thức sâu sắc rằng, một khi đã tạo nghiệp ác,
dù có van xin, chúng ta cũng phải là người gặt hái kết quả đau khổ của
nó. Không ai có thể đánh đổ quy luật muôn đời này. Sau đây là một đoạn
kinh cho thấy rõ điều đó:
"Nếu
ai làm 10 nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin,
thành kính mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú. Sự cầu khẩn như
vậy là vô ích. Làm 10 nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Sự thể như có một
người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin
cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá,
với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời
cầu khẩn. Cũng vậy, tạo 10 nghiệp ác thì phải rơi vào đọa xứ "(Tương Ưng IV, 313).
Ở
đây lời của Phật nhằm xác quyết rằng hành vi ác và bất thiện là nguyên
nhân gây ra các hậu quả khổ đau, mà người đã tạo ra nó phải gánh chịu
trong đời của mình, dù hiện tại hay về sau. Sức gia trì và cầu nguyện
trong trường hợp này không có giá trị đạo đức nào cả. Bởi lẽ, nếu cầu
nguyện có kết quả thì chắc chắc rằng những người triệu phú, tỷ phú trên
thế gian này phải là những người siêu sanh trước nhất, được hết tội
trước nhất, do tiền rừng biển bạc của họ tung ra trong các buổi cầu
nguyện tôn giáo.
Theo
đức Phật nhân quả là người thẩm phán tuyên án đau khổ cho người đã tạo
ra nghiệp xấu ác và ban thưởng hạnh phúc cho người hiền lương. Vị thẩm
phán này không thể bị các hình thức hối lộ thế gian tác động, để cải đen
thành trắng, để trắng án, như trong các trường hợp của pháp luật đời.
Vị thẩm phán của nhân quả rất công minh, chính xác và không lầm lẫn
trong khi phán quyết nghiệp báo của các hành vi thiện ác.
Về
phương diện cầu nguyện hay ước muốn thiện, đức Phật cũng khẳng định
rằng cầu nguyện về điều thiện mà không nỗ lực thực hiện thiện cũng trở
nên vô ích và không có kết quả nào cả. Trong các buổi cầu nguyện cao
đẹp, thường người ta mong mỏi cho mình nào là có sức khỏe, sống thọ, có
danh thơm tiếng tốt, có được sắc đẹp, có hạnh phúc v.v. Ðức Phật khẳng
định rằng những thứ này không thể do cầu nguyện hay ước muốn suông mà có
được:
"Này
các vị, có năm điều sau đây không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có
được: (1) tuổi thọ (àyu), (2) sắc đẹp (va.n.na), (3) hạnh phúc (sukha),
(4) danh tiếng (yasa) và (5) sanh cõi trời (sagga)." [Tăng Chi, A"nguttara Nikàya, III. 47]
Nghĩa
là theo đức Phật, muốn có sức khỏe chúng ta phải sống tiết độ, thiền
định, không sa đắm sắc dục, không rượu chè, hút sách, siêng thể thao, và
ngủ nghỉ thích hợp. Muốn có sắc đẹp ta phải biết giữ gìn sức khỏe, ăn
uống kiêng cử, nghỉ ngơi hợp lý, làm việc điều độ v.v. Muốn có đời sống
hạnh phúc ta phải làm thiện, bỏ ác, tuân thủ pháp luật, sống vì lợi ích
của mình và người khác. Muốn có danh tiếng ta phải siêng năng học tập,
làm việc chăm chỉ, sống có lương tâm, đạo đức, cương trực, liêm sĩ, công
bằng, thanh cao, rộng lượng giúp đỡ người khác và làm nhiều việc tốt.
Muốn sanh cõi trời thì phải tu nhân tích đức, phát triển 10 hạnh lành,
tu thiền định, bố thí cúng dường và làm nhiều việc từ thiện. Nói chung
tất cả những thứ đó không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có được. Ở
đây, chúng ta thấy chủ nghĩa hành động đạo đức là phương châm của một
đời sống hạnh phúc và an lạc theo Phật giáo.
Kinh
điển Phật giáo cũng xác định rằng một đời sống an lạc, hạnh phúc và
giải thoát không phải là hệ quả của những ước muốn cao đẹp mà là kết quả
của quá trình nỗ lực trau dồi đạo đức, thiền định và trí tuệ:
"Một
người không chú tâm trong sự tu tập, dẫu có khởi lên ước muốn được giải
thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ, ước muốn ấy nhất định
không được toại nguyện" (Tăng Chi III A, 123. Tương Ưng III, 184).
Nói
cách khác các ước muốn hay cầu nguyện cao đẹp trái với nguyên lý nhân
quả báo ứng chỉ là một sự mỏi mòn chờ đợi, vô ích và không cần thiết, và
đôi khi còn mang lại sự chán chường và thất vọng:
Vắt sữa nơi "sừng" con bò cái
Tìm dầu nơi thùng cát có nước
Dầu ước nguyện cũng không thành tựu-- (Kinh Trung Bộ I, 103).
Sự
giác ngộ, giải thoát hay chứng đắc trong Phật giáo là kết quả của quá
trình dày công tu tập, chặt đốt phiền não, lậu hoặc. Sự tận diệt phiền
não là cội nguồn của Niết-bàn, của đạo quả Vô thượng Bồ đề. Nhưng đó
không phải là hệ quả của cầu nguyện hay cứu rỗi:
"Muốn
chứng được Vô thượng Bồ đề mà không đoạn trừ Sát Ðạo Dâm Vọng, chẳng
khác nào như nấu cát muốn thành cơm, dù trải qua ngàn ức kiếp cũng không
thể nào thành tựu được" (Lăng Nghiêm, VI, 234-242).
Trong
quá trình hướng đến giải thoát của mọi hành giả, Ðức Phật đã tuyên bố
là Ngài chỉ đóng vai trò của Ðạo Sư dẫn đường, không thể ban bố cho
chúng ta kết quả giải thoát. Do đó để đạt chân lý giải thoát, chúng ta
phải là hành giả tu tập, như bài kệ dưới đây, Ðức Phật đã khuyên:
"Hãy tự siêng trau dồi,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Tự hành trì thiền định,
Tự giải thoát ác nghiệp" (Kinh Pháp Cú, kệ 276)
Sự
tu tập trên cơ sở nỗ lực của tự thân còn được Ðức Phật sánh ví với ốc
đảo vững chắc, chính trên cơ sở này hoa tỉnh thức sẽ nở rộ, phiền não
nghiệp chướng bị tiêu trừ:
"Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt,
Trừ cấu uế: thanh tịnh.
Ðến thánh địa chư Phật" (Kinh Pháp Cú, kệ 236).
Và
Ðức Phật cũng lưu ý chúng ta, không phải từ Ngài, không phải từ ân sủng
cứu chuộc của Thiên Chúa, không phải do một ai, mà chính do sự tự tu
tập của chúng ta dẫn chúng ta đến sự giác ngộ. Có như vậy, sự giác ngộ
ấy mới vững chắc:
"Chẳng phải nương người khác,
Mà đạt được Niết-bàn,
Do tự điều, tự nương,
Mà đích đến kiên cố " (Kinh Pháp Cú, kệ 323).
Do
đó, người Phật tử khi nắm vững nguyên lý nhân quả nghiệp báo là cán cân
thưởng phạt chính xác, công bằng, nên không hoài công nhọc sức mong
đợi, vọng cầu. Trái lại khi làm xong bất kỳ việc thiện nào, họ trở nên
thản nhiên, ung dung, không chờ đợi kết quả, vì họ biết chắc chắn rằng
kết quả tốt sẽ đến, không chóng thì chày. Hai câu thơ vô danh sau đây
cho thấy một niềm tin chân chánh đó:
Khai trì bất đãi nguyệt
Trì thành tất tự lai
Tạm dịch là:
Ðào ao chẳng đợi trăng sao
Khi ao có nước trăng sao hiện về!
Nói
tóm lại, cầu nguyện có giá trị rất giới hạn trong đời sống đạo đức của
người Phật tử. Người Phật tử theo đúng tinh thần Phật giáo là người theo
chủ nghĩa hành động thiện, chứ không phải là người chỉ biết ước vọng
thiện. Chính hành động thiện quyết định đời sống đạo đức chứ không phải
những cầu nguyện hay ước nguyện chân thành.
V. Cầu nguyện, phát nguyện và hồi hướng
Trong Phật giáo Ðại thừa còn có hai khái niệm liên hệ đến cầu nguyện là "phát nguyện" và "hồi hướng" hay "hồi hướng công đức."
Hai khái niệm này chứa tải ý nghĩa đạo đức rất cao và đã trở thành nếp
sống của các Phật tử theo truyền thống Bắc tông hay Ðại thừa.
Trong
nhiều trường hợp như chúng ta chứng kiến trong cuộc sống, cầu nguyện
thường phản ánh thái độ tâm lý mong cầu hay mong đợi những lợi ích hay
hạnh phúc cho bản thân mình, gia đình mình, đất nước mình. Dù là các ước
muốn hay mong mỏi thiện, nó cũng thường xoay quanh cái ta, vì cái ta,
dù nhỏ hay lớn. Nó có thể mang dáng dấp của vị kỷ, trong sự sâu kín nhất
của tâm hồn. Người ta thường cầu nguyện cho người thân mình, chứ ít ai
nghĩ đến việc cầu nguyện những điều tốt lành cho kẻ thù mình, cho những
người hảm hại mình. Thái độ tâm lý này giới hạn vào người thân, người
làm tốt cho mình, người có ân ích với mình đã trở thành thói quen và tập
khí của chúng sanh nhiều đời.
Các
bậc bồ-tát của Phật giáo thì khác hẳn. Các ngài không còn thái độ nhận
thức lập cước trên thân sơ. Ðối với các ngài, tất cả chúng sanh là thân
bằng quyến thuộc từ nhiều đời kiếp trong quá khứ. Chúng ta đã từng là
cha mẹ, anh em, bạn bè, thân thuộc, vợ chồng của nhau trong chuổi dài vô
thủy của sanh tử. Tình thương thân quyến và đồng loại không thể ngăn
cản được các ngài. Lòng từ bi của các ngài đã siêu vượt ranh giới của bỉ
thử, ta người, thân sơ, thù bạn, mà còn trải rộng đến các loài động vật
và cây cỏ, côn trùng. Một tình thương vô bờ bến như vậy đã thúc giục
các ngài không sớm chứng đắc đạo quả vô thượng bồ-đề để cứu độ chúng
sanh đang đau khổ trong ba cõi.
Ðạo
lý bồ-tát đã dạy người Phật tử mở rộng tình thương và trí tuệ đến với
mọi người và mọi loài. Một khi dấn thân trên con đường bồ-tát, người
Phật tử trước nhất phải biết "phát tâm." Sự phát tâm bao gồm 2 bước:
trước nhất là phát tâm giác ngộ như Phật và bồ-tát (phát bồ-đề tâm) sau
đó là phát tâm độ chúng sanh. Phát tâm độ chúng sanh chính là "phát
nguyện" của người học theo hạnh bồ-tát. Phát tâm giác ngộ là một quá
trình tự tu, tự độ. Phát tâm độ chúng sanh và quá trình lợi tha, và cứu
độ tha nhân. Hạnh bồ-tát bao trùm tự độ và độ tha, chứa đựng đầy đủ nhân
hạnh và quả chứng.
Ngoài
ra, người Phật tử còn phải biết hồi hướng công đức tu tập của mình đến
với tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Nếu phát tâm giác ngộ và
phát nguyện độ sanh là những tấm lòng vì đạo cao cả, vì thương xót chúng
sanh thì hồi hướng công đức là một thể hiện cụ thể của tấm lòng giác
ngộ và bao la đó. Nghĩa là người Phật tử tu tập không phải vì cho mình
mà cho người, thành quả giác ngộ và công đức thu hoạch được không phải
để dành riêng cho mình, mà còn san xẻ đều cho chúng sanh. Chia xẻ công
đức như vậy chính là làm cho tâm mình giác ngộ, làm cho tình thương trở
nên siêu vượt biên giới, thời gian và không gian.
Nói
một cách khác, người Phật tử hiểu rõ đạo lý của đức Phật sẽ không còn
cầu nguyện mang tính chất "thu hẹp" lợi lạc cho bản thân mình, gia đình
mình, quốc gia mình, mà hơn hết, phải biết phát nguyện để "mở rộng" tấm
lòng ra, hướng đến lợi ích của người khác và tất cả chúng sanh; để có
những hoạt động cụ thể, giác ngộ mình và người. Tình cảm vị kỷ và mang
tính giới hạn của "cầu nguyện" đã được tình thương của "phát nguyện"
thay thế. Phát nguyện giác ngộ để tự độ. Phát nguyện hồi hướng công đức
cho tha nhân và chúng sanh là độ tha. Ðây là hai đặc tính thay thế hoàn
toàn những cầu nguyện và ước muốn có tính cách hạn cuộc.
Không
có gì cao đẹp cho bằng khi người Phật tử làm bất kỳ việc thiện gì không
phải chỉ cho mình, vì mình, mà còn cho người khác, vì người khác và nói
rộng ra là tất cả chúng sanh. Sự nghiệp cũng như mục tiêu lớn nhất của
người Phật tử là hướng đến sự giác ngộ chính mình và chúng sanh. Sự phát
nguyện và hồi hướng công đức của người Phật tử cũng không ra ngoài mục
tiêu giác ngộ trọn vẹn, nghĩa là cùng nhau tu hành và thành Phật:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Ðệ tử và chúng sanh
Ðều trọn thành Phật đạo.
VI. Kết luận
Như
vậy, đạo đức của người Phật tử không nằm ở những hành vi đạo đức cho
bản thân, mà cốt là cho xã hội loài người và các loài động vật. Mục tiêu
đạo đức rộng rãi như vậy rõ ràng không thể phát sanh từ ước muốn đơn
thuần, mà phải phát xuất từ từ nhận thức giác ngộ cụ thể, hành động lợi
tha cụ thể, để tất cả chúng ta và chúng sanh cùng từng bước hướng đến và
thành tựu con đường và đạo quả giác ngộ, vượt thoát vĩnh viễn đau khổ.
Ðây
chính là điểm khác biệt căn bản nhất và quan trọng nhất, giữa đạo Phật
và các tôn giáo khác, không những về ý nghĩa cầu nguyện mà còn ở tính
chất vị tha, vô ngã bao la trong hành vi đạo đức và thiện ích của người
Phật tử trên con đường tu tập hạnh bồ-tát: phát tâm giác ngộ, phát
nguyện độ sanh, tu tập công đức và hồi hướng công đức đó đến muôn loài,
cốt chỉ để giác ngộ cho mình, người và tất cả chúng sanh.
Thích Nhật Từ