Khoa học phương Tây như chúng ta biết hiện nay phát xuất
từ văn minh Hy Lạp. Vào khoảng 500 năm trước Tây lịch (TL), thời mà
triết gia Karl Jaspers gọi là “thời trục”, đó là thời bình minh của
triết học và tư tưởng với những vị đã thiết định nên cách thức và đường
lối tư duy của nhân loại ở phương Đông và phương Tây, như giáo chủ
Zarathustra, giáo chủ Mahavira, Phật Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử, Khổng Tử,
Socrates, Plato, Aristotle...
Những tư tưởng gia đầu tiên của Hy Lạp, trong câu hỏi
bản thể hay nguyên nhân chất thể của vũ trụ là gì, đã được Thales
(khoảng 624 – 547 trước TL) nói: “Tất cả là Nước”, Anaximandre (610 –
564 TL) cho rằng “Nguyên nhân chất thể và nguyên nhân sơ bản của vạn vật
là cái Bất định”; với Anaximène (585 – 528) chất thể ấy là “Khí”, với
Pythagore, vũ trụ là sự hòa âm (cosmos, chữ cosmos này cũng có nghĩa là
vũ trụ) và Heraclite thì nói: “Mọi vật đều có thể biến đổi thành Lửa và
Lửa cũng biến đổi thành bất cứ sự vật gì, cũng như hàng hóa biến đổi
thành vàng và vàng biến đổi thành hàng hóa vậy”. Parménide xem “hữu thể”
(être) là nền tảng của vạn vật. Còn Leucipus và Democrite (thế kỷ IV
tr. TL) nói rằng chất thể của vũ trụ là những “nguyên tử”...
Dĩ nhiên, chúng ta cần hiểu nước, lửa, khí... hay hữu
thể không phải ngây thơ theo nghĩa đen, mà các tư tưởng gia ấy chỉ muốn
nói một điều, tất cả vũ trụ vạn vật đều sinh ra từ một thực thể, và do
đó “vạn vật đồng nhất thể”.
Cho đến Plato (427 – 347 tr. TL) và nhất là học trò
của Plato là Aristotle (384 – 322 tr. TL) đã chia rõ ràng sự hiểu biết
về vũ trụ thành hai môn học Siêu hình học (Metaphysics) và Vật lý học
(Physics): siêu hình học là môn học nghiên cứu về hữu thể hay bản thể và
vật lý học nghiên cứu về sự vật, hiện tượng. Khoa vật lý học như chúng
ta biết ngày nay phát xuất từ đó.
Từ lúc này trở đi, có khoa học và khoa học được phát
triển chủ yếu theo hướng vật lý học, nghĩa là tìm kiếm sự thực của vật
chất (vật chất là “sắc”, uẩn đầu tiên trong 5 uẩn của Phật giáo là sắc,
thọ, tưởng, hành, thức). Chúng ta có thể kể ra vài khuôn mặt lớn, như
Ptolemy (83 – 161) nhà thiên văn học, Euclid nhà toán học với tác phẩm
Các nguyên tôë (the Elements) (nói theo ngôn ngữ Phật giáo là các đại).
Sau đó khoa học phương Tây bước vào thời Trung cổ, chịu ảnh hưởng của
thần học với những tín điều như trái đất là trung tâm bất động của vũ
trụ. Phải đến thế kỷ XVI với những nhà khoa học như Galileo (đưa sự thực
nghiệm vào khoa học) và Copernicus (người đầu tiên khẳng định bằng khoa
học: trái đất quay quanh mặt trời), thì khoa học mới dần tách ra khỏi
tôn giáo, trở lại vị trí độc lập.
Chỉ sau Galileo chưa đầy nửa thế kỷ, Newton (1643 –
1727) với phát hiện về lực hấp dẫn, đã lý giải vũ trụ trong trật tự cơ
học. Mọi hiện tượng đều được giải thích. Vũ trụ là trật tự, một trật tự
cơ học, vận hành trên cơ sở định luật hấp dẫn. Mơ ước về một thế giới
quan thống nhất, quy kết vào những nguyên lý thống nhất xem ra đã thành
hiện thực. Nhưng vũ trụ cơ học cổ điển của Newton vẫn còn thô, “cứng”
(cứng và mềm, hiểu theo thuật ngữ hiện đại, như của vi tính chẳng hạn)
và chưa sâu sắc lắm, vì nó chưa chạm đến những phần vi tế của vũ trụ
như: bản chất của lực hấp dẫn, bản chất của ánh sáng, mô hình của nguyên
tử, lực điện từ, tương tác yếu, tương tác mạnh trong nguyên tử v.v...
Phải đợi đến đầu thế kỷ XX, vật lý học đã tiến một bước
lớn, mà chúng ta gọi là vật lý học hiện đại, vi tế hơn, "mềm" hơn, sâu
sắc hơn, và chính với nền vật lý này, thế giới quan của khoa học mới
tiếp cận được với minh triết phương Đông. Những cuốn sách Đạo Vật lyá
(1977) của Fritjof Capra và Einstein và Đức Phật (2002) của J. Mac
Farlane (cả hai tác giả đều là những nhà vật lý) đã chứng tỏ điều đó. Từ
năm 1969, trong cuốn sách Nhà vật lý và những nhà đạo học, những tương
đồng trong thế giới quan, nhà tâm lý học tiền phong Lawrence Le Shan đã
làm một điều tra: ông đã để lẫn lộn những câu nói của những nhà vật lý
hàng đầu như Einstein, Max Plank, Niels Bohr, Heisenberg... với những
câu nói của Viverananda, Krishnamurti, Tagore... thì ngay cả những người
rất trí thức cũng khó mà phân biệt đâu là câu nói của nhà vật lý và đâu
là câu nói của nhà đạo học.
Năm 1909, Einstein, dĩ nhiên dựa vào trào lưu khám phá
mới trong vật lý học, đã nêu ra thuyết tương đối đặc biệt. Ở đây chúng
ta chỉ nhắc đến hai điểm:
- Không gian, thời gian trước đây được xem như là hai
đại lượng tuyệt đối thì nay chúng trở thành tương đối. Không gian, thời
gian, khối lượng... nghĩa là tất cả mọi vật đều có thể co giãn. Khối
lượng thì co lại, thời gian thì chậm lại khi chuyển động với tốc độ rất
nhanh. Bằng tốc độ ánh sáng, vật tan biến thành ánh sáng và thời gian
đồng hồ cũng không còn. Trước kia chúng ta chỉ sống trong một thế giới
giác quan ba chiều, nay Einstein thêm vào chiều thời gian, thành ra một
tổng hợp bốn chiều, gọi là thời – không, và vũ trụ không chỉ có bốn
chiều mà có thể có n chiều. Tóm lại, tất cả thế giới chúng ta biết đều
tương đối vì mỗi cái đều tùy thuộc vào những yếu tố khác. “Những từ ngữ
đời thường “không gian” và “thời gian” ám chỉ một cấu trúc của không
gian và thời gian thực ra là một sự ý niệm hóa đơn giản quá mức”
(Heisenberg). Và ngành thiên văn khám phá vũ trụ không đứng yên mà đang
giãn nở sau vụ nổ lớn Big Bang, vụ nổ năng lượng đã tạo ra vũ trụ chúng
ta.
- Khối lượng có thể biến thành năng lượng trong một công
thức rất đơn giản E = mc2. Như vậy vật chất chỉ là dạng năng lượng cô
đặc. Các hạt thì có đời sống biến đổi luôn luôn, có hạt chỉ sống chưa
đầy một trăm triệu giây. Chúng ta có thể hình dung vũ trụ là một biển
năng lượng trong đó các hạt từ năng lượng sinh ra rồi lại tan biến thành
năng lượng, “sinh diệt trong khoảnh khắc”, như bọt biển từ nước biển
sinh ra rồi tan vào nước biển. Đây cũng là một hình ảnh thí dụ về thực
tại của Phật giáo Đại thừa.
Năm 1900 Max Plank phát hiện năng lượng phát ra không
theo một sự liên tục mà theo từng “gói”, từng lượng tử. Những gói năng
lượng đó chỉ tùy thuộc vào tần số của bức xạ và một hằng số gọi là hằng
số Plank. Và Heisenberg đã phát minh nguyên lý bất định: người ta không
thể vừa biết vị trí, vừa biết vận tốc của một hạt. Biết chính xác vận
tốc thì không thể biết chính xác vị trí của nó. Khoa học không còn là
khoa học chính xác, mà là xác suất, đó là cơ học ma trận (matrix). Capra
nói: “Nhìn chung, một hạt thiếu ổn định có thể phân hủy biến thành
nhiều cách phối hợp khác nhau của những hạt khác, và ta lại không biết
hạt đó sẽ mang hình dáng phối hợp nào. Chúng ta chỉ có thể tiên đoán,
trong một số lượng lớn các hạt thì khoảng 60% của chúng sẽ biến chuyển
ra thế này, 30% sẽ biến chuyển ra thế khác và 10% sẽ biến chuyển theo
kiểu thứ ba”. Tính xác suất này cho ta thấy hạt có vẻ “tự do”, không thể
dự đoán chính xác “hành vi” của nó.
Quan niệm về lượng tử mở đường cho khuynh hướng thứ hai
của vật lý hiện đại, đó là vật lý lượng tử. Có lẽ điều quan trọng nhất
mà vật lý lượng tử khám phá là vật chất có hai dạng: vừa là hạt vừa là
sóng. Đó là một mâu thuẫn đối với ý thức chúng ta: một hạt như electron
chẳng hạn vừa là hạt vừa là sóng, và những phương trình xem nó là hạt
cũng đúng mà những phương trình xem nó là sóng cũng đều đúng. Từ đó có
thêm một điều khá kỳ lạ là cái mà chúng ta quan sát tùy thuộc vào người
quan sát, nếu ta quan sát theo hệ thống hạt thì vật chất là hạt, nếu
quan sát theo hệ thống sóng thì nó là sóng. Schrodinger đã viết ra những
phương trình sóng xác suất đó. Phương trình sóng xác suất được hiểu là
khả năng xuất hiện của hạt. Chỉ khi có người quan sát, phương trình sóng
mới “sụp đổ” (collapse) để sóng biến thành hạt.
Heisenberg đã nói: “Nguyên tử không phải là vật”. Ông
nói tiếp: “Điều mà ta quan sát thấy không phải là thể tính đích thực của
thiên nhiên mà là cái do thiên nhiên xuất hiện ra theo cách tra hỏi của
chúng ta”. Và Bohr tóm tắt vào cuối đời mình: “Không hề có một thế
giới lượng tử, chỉ có một sự miêu tảã lượng tử trừu tượng”.
Tóm lại, với khoa học hiện đại, vật chất không còn là
một chất thể cứng đặc, nó “mềm” hơn nhiều, ít “thật” hơn nhiều, với
những chuyển động gần bằng tốc độ ánh sáng, với những hạt không ổn định,
thoắt hiện thoắt biến. Vật chất chỉ là sóng năng lượng, và tùy theo sự
“phá vỡ” phương trình sóng đó mà có một phương diện của hiện tượng xuất
hiện với chúng ta, phù hợp với giác quan và ý thức của chúng ta, đó là
cái chúng ta gọi là vật chất.
Hiện nay có gần 10 cách diễn dịch (interpretation) về
thế giới vật lý, trong đó có hai đường lối diễn dịch chính.
Đường lối diễn dịch Copenhagen do Bohr và Heisenberg
khởi xướng. Heisenberg nói: “Khoa học tự nhiên không mô tả và lý giải về
tự nhiên đúng như tự thân tự nhiên. Đúng hơn, khoa học tự nhiên là một
phần của tiến trình tương tác qua lại giữa tự nhiên và chính chúng ta”.
Einstein cũng nói: “Sự vật luôn luôn là cái gì được chúng ta sáng tạo ra
bằng tâm thức, nghĩa là cái gì chúng ta ấn định một cách tự do (trong
chiều hướng có luận lý). Những sáng tạo như vậy, chúng tiêu biểu, đại
diện cho “thực tại” đối với chúng ta, chỉ được biện minh bằng tính chất
có thể hiểu được những gì giác quan đưa đến”. Sự vật không phải là hạt
cũng không phải sóng. Sóng hay hạt đều là sự xuất hiện của một thể “khả
năng” nào đó với nhà quan sát. Khi xác định một sự vật, con người đã làm
“sụp đổ” phương trình sóng của nó và bắt ép nó vào trong một hệ thống
định sẵn của mình. Như vậy, khi hỏi chất thể của vật là gì, đó là một
câu hỏi vô nghĩa (hay “bất định” như lối nói của Anaximandre ở trên?).
Đường lối diễn dịch “đa thế giới” của lý thuyết “dây”
(string theory) hay “siêu màng” (membran) được S. Hawking, nhà vật lý lý
thuyết được xem là xuất sắc nhất hiện nay, và Feynman và Heinberg, cả
hai đều được giải Nobel vật lý. Quan điểm này nói rằng thực tại là một
mạng lưới nhiều chiều (ít nhất là 10 chiều) và một phần của mạng lưới đó
lọt vào cơ cấu không – thời gian bốn chiều của chúng ta để thành ra thế
giới vật chất như chúng ta kinh nghiệm.
Sự tương đồng của khoa học vật lý và Phật giáo
Khi đi sâu vào bản chất của sự vật để tìm ra ý nghĩa và
giá trị của toàn bộ đời sống, những nhà khoa học trở thành những triết
gia. Einstein tìm ra giá trị và ý nghĩa con người trong những phát biểu
tương đồng với Phật giáo: “Giá trị chân thực của một con người được xác
định chủ yếu bởi mức độ tâm thức trong đó nó đã đạt đến giải thoát khỏi
bản ngã... Một con người kinh nghiệm chính nó, những tư tưởng và cảm
nhận của nó như cái gì tách lìa khỏi phần còn lại – một loại ảo tưởng
thị giác của ý thức. Sự mê lầm này là một loại nhà tù cho chúng ta, hạn
cuộc chúng ta trong những tham muốn cá nhân và luyến thương vài người
gần chúng ta nhất. Công việc của chúng ta phải là giải thoát chúng ta ra
khỏi ngục tù này bằng cách mở rộng phạm vi thấu hiểu và đem tình thương
để bao trùm tất cả vạn vật và thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó”.
Đọc bất cứ cuốn sách vật lý nào của thời hiện đại, chúng
ta đều có cảm giác thế giới vật lý là một cái gì không thực, thậm chí
như một ảo ảnh: “Thí dụ như ta hỏi, liệu electron có giữ nguyên vị trí
hay không, ta phải trả lời “không”; vị trí của electron có thay đổi theo
thời gian hay không, ta phải trả lời “không”; electron có đứng yên hay
không, ta phải trả lời “không”; electron có đang vận động hay không, ta
phải trả lời “không”. (R. Oppenheimer). Những diễn tả về vật lý như vậy
đều quy về một hình ảnh như kết luận của kinh Kim Cương:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh
Như sương, như điện chớp
Nên quán sát như vậy.
Schrodinger, người viết ra những phương trình sóng lượng
tử đã nói: “Thế giới muôn hình muôn vẻ chỉ là sự xuất hiện (appearance,
đây cũng là chữ mà các dịch giả dùng để dịch chữ “hình tướng” của Phật
giáo ra tiếng Anh), nó không thật”. Eddington nói: “Khái niệm chất thể
vật chất đã biến mất khỏi vật lý những hạt căn bản”. Ông nói tiếp: “Gốc
rễ chung từ đó sự hiểu biết khoa học và mọi hiểu biết khác phát sinh...
là nội dung của ý thức tôi”.
Chúng ta, sử dụng năm giác quan và ý thức như thế nào
thì thế giới hiện ra với chúng ta như thế ấy. Đây là điều mà Duy thức
tông đã nêu lên thành nguyên lý của tông mình: “Ba cõi duy chỉ là tâm,
muôn pháp duy chỉ là thức”. Một thí dụ thường gặp trong Phật giáo, khi
có người quay tròn một cành củi có đầu than đang cháy trong đêm, chúng
ta thấy một “thực thể” là một bánh xe màu lửa, vật tròn màu lửa ấy hẳn
phải cứng đặc, như có thực thể. Cái mà chúng ta gọi là vật chất hay
nguyên tử (“sắc” theo Phật giáo) hẳn cũng giống như vậy.
Nhưng theo Phật giáo, mặc dù vũ trụ muôn hình muôn vẻ
sai khác như vậy, tất cả vẫn là một, tất cả thống nhất với nhau trong sự
hòa điệu bí ẩn của “pháp giới nhất tâm”. Sự tương tác trong thống nhất
như vậy đã tạo thành cái mà Hoa Nghiêm tông gọi là pháp giới sự sự vô
ngại. Nhà vật lý lý thuyết Trịnh Xuân Thuận nói: “Từ thí nghiệm con lắc
Foucault, dao động hoàn toàn không đếm xỉa gì đến địa phương xung quanh
nó, bất chấp cả trái đất, mặt trời cho đến các cụm thiên hà địa phương.
Nó hiệu chỉnh hành trạng của nó theo các thiên hà ở xa hay cũng có nghĩa
là theo toàn bộ vũ trụ. Nói một cách khác, tất cả những gì đang ngầm
diễn ra trong mỗi chúng ta đều được quyết định trong khoảng bao la của
vũ trụ, mỗi một bộ phận đều mang trong đó cái toàn thể và phụ thuộc vào
phần còn lại... Dẫu thế nào đi nữa, con lắc Foucault cũng buộc chúng ta
phải rút ra kết luận rằng, có một loại tương tác hoàn toàn khác với
những tương tác đã được mô tả bởi vật lý học, một loại tương tác bí ẩn
không có liên quan với lực hoặc trao đổi năng lượng, mà chỉ có tác dụng
liên kết toàn bộ vũ trụ” (Giai điệu bí ẩn – 1988).
Khi khoa học quy thế giới về năng lượng (như vụ nổ lớn
Big Bang đã tạo ra vũ trụ chúng ta hẳn phải sinh ra từ năng lượng), vật
chất là năng lượng cô đặc lại, thì Phật giáo quy mọi sự về tính Không.
Và tính Không không phải là không có gì cả, mà theo những người chứng
ngộ trong Phật giáo, như các thành tựu giả Ấn Độ hay như Lục Tổ Huệ Năng
(xem chương Bát Nhã hay câu nói “Nào ngờ tự tính (tính Không) vốn tự
thanh tịnh, nào ngờ tự tính vốn chẳng sinh diệt, nào ngờ tự tính vốn tự
đầy đủ, nào ngờ tự tính vốn không lay động, nào ngờ tự tính sinh ra muôn
pháp”), giải thích thì tính Không là thể tính Không chất thể của tất cả
mọi sự. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng thế giới như thật (pháp giới) xuất
sinh từ Phật Tỳ Lô Giá Na, và tính Không là một phương diện của Tỳ Lô
Giá Na hay Đại Nhật Như Lai. Phật có tính vũ trụ, trong kinh Pháp Hoa
(phẩm Như Lai thọ lượng và phẩm Như Lai thần lực) cũng nói như vậy.
Khi vật lý hiện đại nói rằng vật chất là năng lượng thì
Bát Nhã Tâm kinh nói rằng sắc (vật chất) tức là không. Tính Không này
nếu dùng chữ của khoa học là năng lượng toàn thể và thuần túy nhất thì
cái toàn thể và thuần túy ấy được kinh nói tiếp “bất sinh, bất diệt, bất
cấu, bất tịnh”. Chúng ta đọc thêm cách diễn tả của Trịnh Xuân Thuận:
“Vật chất có thể xuất hiện từ chân không nếu có năng lượng đủ lớn được
tuôn ra. Chân không là cội nguồn của tất cả... Sự phóng thích năng lượng
của chân không trong vũ trụ ở giai đoạn lạm phát còn có một hiệu quả
khác cực kỳ quan trọng. Nó sẽ cho ra đời các hạt vật chất vũ trụ... Vũ
trụ được tắm trong món xúp của các hạt quark, electron, nơtrinô, phôton
và các phản hạt của chúng”.
Nhưng năng lượng của khoa học thì chưa toàn thể và
thuần túy, vì đó chỉ là năng lượng của một phần vật chất thô con người
biết được mà thôi. Hiện nay chúng ta chỉ mới biết được chưa tới 10% vật
chất vũ trụ, còn hơn 90% kia chưa biết được nên khoa học gọi là vật chất
tối (dark matter). Nói theo Phật giáo, ngoài vật chất (sắc) còn có
những thứ vật chất vi tế hơn, đó là thọ, tưởng, hành, thức. Phải chăng
hơn 90% vật chất tối mà chúng ta chưa biết được ấy là những loại hạt mịn
hơn, vi tế hơn, mà những máy móc làm bằng vật chất thô của khoa học
hiện đại không thể “lọc” ra được. Cái sàng để thí nghiệm của chúng ta
quá thô, nó chỉ giữ lại được đá và sỏi, còn cát thì không giữ được, vì
không giữ được nên nói là không có, nói là vật chất tối. Và ngoài chất
tối ra, biết đâu còn có mấy trăm phần trăm “phi vật chất” tối khác nữa?
Ở đây chúng ta nhìn thấy những giới hạn của khoa học –
mà nói theo các nhà vật lý đã trích dẫn ở trên, đó cũng là giới hạn của
các giác quan và ý thức của con người – không chỉ tốc độ ánh sáng là
giới hạn của vật chất cõi này (nếu bằng tốc độ ánh sáng, vật chất sẽ
tiêu tan thành ánh sáng), không chỉ là nguyên lý bất định... mà còn
những hạt khác, sóng khác, trường khác. Như tư tưởng, chúng là hạt nào,
có tần số ra sao? Như khi chết, cái thần thức (mà người ta thường gọi là
linh hồn) đi tái sinh và cảnh giới trung ấm của nó, chúng là loại hạt
nào, sóng nào? Hay chúng ở trong những chiều khác ngoài bốn chiều của
thế giới vật lý của chúng ta, những chiều mà chúng ta chỉ dự đoán được
qua những phương trình toán học, còn thì không thể nào biết được khi
ngày nào chúng ta còn sống trong bốn chiều giác quan hiện thời. Rất
nhiều điều chúng ta không biết bằng những dụng cụ thí nghiệm làm bằng
vật chất thô của khoa học hiện đại, và chúng ta cho đó là vật chất tối.
Ngay cả những hạt quark là những hạt được xem là căn bản nhất của những
nguyên tử của cõi này, chúng ta cũng không biết chúng có hiện hữu hay
không, hay đó chỉ là những tính toán trên những phương trình để cân bằng
hai vế. Với cái nhìn của lý thuyết “màng” hay “dây”, thế giới thực sự
thì có nhiều chiều, tiếc thay những chiều đó ở ngoài các giác quan và ý
thức của chúng ta, nên chúng chỉ nằm trên những phương trình giả thiết.
Cũng như sự thống nhất vũ trụ mà chúng ta đã nói ở trên,
sự thống nhất đó không thể thực hiện bằng cách ghép các sự vật với
nhau, bằng cách ghép sóng với hạt, hay ghép các lực với nhau một cách
giả tạo, hay thống nhất bằng những phương trình, vì đơn giản người ta
không thể sống bằng phương trình, không hít thở bằng phương trình. Sự
thống nhất đó chỉ có thể thực hiện, theo Phật giáo, bằng một tâm thanh
tịnh, nghĩa là một tâm vượt khỏi sự phân chia chủ thể và đối tượng, thân
và tâm, ta và người, ý thức và thế giới, vật chất và tinh thần, vật lý
học và siêu hình học, tâm lý học và toán học, đạo đức học và sinh học...
Bởi vì nghĩ cho cùng, chúng ta không có cái gì khác hữu hiệu nhất, vi
tế nhất, cao cấp nhất ngoài một tâm thanh tịnh. Và có thể nói thêm,
trong một nguyên lý của Phật giáo, tâm thanh tịnh thì tất cả thanh tịnh,
tâm thống nhất thì tất cả thống nhất.
Một trong những lý do để khoa học gặp gỡ Phật giáo là
ngày nay, các nhà vật lý phải đụng chạm đến những vấn đề triết học: chủ
thể – đối tượng, vật chất – ý thức, tính liên tục và không liên tục,
ngẫu nhiên và tất yếu... Phật giáo không chú trọng lắm đến một hệ thống
lý thuyết thỏa mãn trí thức của con người mà chỉ chú trọng đến sự thực
hành để tiêu diệt khổ đau, phiền não đạt đến giải thoát, phá bỏ hai cái
che chướng là phiền não chướng và sở tri chướng để ngộ nhập thực tại
không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì), và lý thuyết chỉ có nhiệm vụ phác
họa cho thực hành, thực hành thành tựu thì lý thuyết cũng bỏ, như cái bè
phải bỏ khi đã qua đến bờ bên kia. Phật giáo cũng có thể nói là một
triết học và lý thuyết triết học đó đã đem lại thành công cho nhiều
người suốt hơn 2.500 năm nay.
Con đường Phật giáo
Cũng như khoa học, cũng như tất cả mọi ngành học thuật
và nghệ thuật khác, cũng như tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt của con
người, Phật giáo cũng đi tìm thực tại tối hậu, thể tính tối hậu của con
người, của ngoại vật. Chỉ nói riêng một phương diện của khoa học là sự
thí nghiệm, thì Phật giáo cũng có người nghiên cứu thí nghiệm, có dụng
cụ thí nghiệm, có đối tượng để thí nghiệm. Phòng thí nghiệm chính là
thân tâm của chúng ta, người thí nghiệm và đối tượng thí nghiệm cũng là
thân tâm của chúng ta. Thân tâm chúng ta có đủ các nguyên tố căn bản của
vũ trụ, từ thô đến tế, cho nên thí nghiệm với đối tượng là thân tâm
chúng ta cũng tức là thí nghiệm với đối tượng là vũ trụ.
Chỉ so sánh một dụng cụ hỗ trợ cho thí nghiệm là bộ óc
so với máy điện toán, thì như những nhà khoa học nói, dù là máy điện
toán thế hệ thứ năm, công năng tư duy của nó chỉ bằng có vài tế bào não,
thế thì với một bộ máy điện toán, lại là bộ máy điện toán sinh học, với
hàng tỷ tế bào như vậy, hẳn là không một bộ máy điện toán nào so sánh
được, dù nó có cao lớn bằng một tòa nhà mấy mươi tầng. Huống gì còn tâm
thức con người, cái “chủ thể” quyết định mọi sự, với kinh nghiệm của
nhiều kiếp, lại không chỉ là bộ óc, mà chỉ dựa vào bộ óc một phần để làm
việc.
Vì với phòng thí nghiệm là toàn bộ thân tâm như vậy,
nên khi cuộc “thí nghiệm” thành công thì toàn bộ thân tâm cũng chuyển
hóa. Đây là điều khoa học không làm được. Một nhà vật lý khi tìm ra một
công thức, một lý thuyết, thân tâm họ không chuyển hóa, họ vẫn như cũ,
với những phiền não như cũ, chỉ có thêm được một phần kiến thức mà thôi.
Cũng như truyền thuyết của thuật giả kim (alchemy), khi người thí
nghiệm thành công, đã làm ra được vàng, thì kỳ diệu thay người đó cũng
được chính tiến trình thí nghiệm chuyển hóa, người đó không còn tham sân
si để làm ra vàng nữa, bấy giờ toàn bộ thế giới trong tâm thức người ấy
đã biến thành vàng.
Nhưng không chỉ có một dụng cụ siêu việt là bộ óc, hay
rộng hơn, là cơ cấu thân tâm, Phật giáo còn chỉ dạy làm thế nào đưa cơ
cấu thân tâm ấy đến khả năng cao nhất của nó. Chúng ta tiếc rằng, ngay
cả một nhà bác học cũng không thể sử dụng hết bộ óc của mình, mà chỉ vận
dụng tối đa chưa tới 10% khả năng bộ óc. Phật giáo giúp chúng ta khai
triển khả năng của toàn bộ thân tâm bằng giới, định, tuệ và rất nhiều
cái khác không thể nói hết như tín, hạnh, nguyện... tùy từng người với
cơ cấu thân tâm mình hợp với những cái nào, “pháp môn” nào. Lấy ví dụ
đơn giản, muốn nhìn cho rõ (để thấy thực tại) thì không thể chạy lăng
xăng, không thể buồn ngủ hay dùng chất kích thích cho mắt mờ, trí yếu
(giới), tâm thức đó phải tập trung (định) và phải biết quan sát một cách
tinh tế trong sự tịch lặng mà không bị ám ảnh bởi thành kiến, bởi chủ
thể và đối tượng, ta và vật (tuệ).
Chúng ta không thể nói hết về những điều này, chỉ nói
chung đường hướng tổng quát của Phật giáo là chuyển hóa con người để con
người có thể kinh nghiệm được, sống an trú trong thực tại. K. Marx đã
nói “Triết học không phải để giải thích thế giới (như các triết gia
trước Marx), mà là để biến đổi thế giới”. Trong một cách nói như vậy,
chúng ta có thể diễn tả rằng “Phật giáo không phải là giải thích về thế
giới và con người, mà là để chuyển hóa con người, và khi con người được
chuyển hóa, thế giới cũng được chuyển hóa (cả nội dung lẫn hình thức)”.
Nguyên lý của Phật giáo là: hãy làm cho tâm thức mình
trong sạch, không phiền não, không biến động, không phân chia, khi đó
thực tại tối hậu sẽ hiện ra (trong tâm ấy). Và tùy mức độ thanh tịnh của
tâm thức đến đâu, thế giới như thật sẽ hiện ra tới mức độ đó. Mặt gương
tâm sạch tới đâu, thế giới sẽ hiện ra tới đó. Thiền sư Vô Ngôn Thông,
vị khai sáng dòng thiền Vô Ngôn Thông Việt Nam đã đại ngộ vì câu nói của
Thiền sư Bách Trượng: “Đất tâm nếu không, thì mặt trời trí tuệ tự nhiên
chiếu sáng”. Tâm nếu không phân chia chủ thể với khách thể, thân tâm và
thế giới, tâm và vật, Phật giáo và khoa học..., nghĩa là không tự phân
tán, không tự làm manh mún chính nó, thì mặt trời trí tuệ tự nhiên soi
chiếu, thực tại tối hậu sẽ hiện tiền (hiện ra trước mắt).
Chúng ta đã biết, chính tâm thức và những cơ cấu lý
thuyết của nó quyết định sẽ tìm ra cái gì (của thực tại). Phật giáo cũng
thế, có điều, với Phật giáo, tâm thức cần quét sạch mọi thứ phiền não
nhiễm ô của nó (mà Phật giáo gọi là phiền não chướng) kể cả những kiến
thức lâu ngày đã thành thành kiến và những khuôn khổ cơ cấu lý thuyết
(mà Phật giáo gọi là sở tri chướng – chúng ta chú ý hai chữ “chướng”
này, “chướng” có nghĩa là ngăn che, một ý nghĩa rất “khoa học”) để cho
thực tại hiện bày. Cho nên con đường “khoa học” của Phật giáo là Tự tịnh
kỳ ý (tự làm thanh tịnh tâm ý mình), đều cuối cùng trong ba điều Phật
dạy: “Các điều ác chớ làm. Các điều thiện vui làm. Tự tịnh tâm ý”.
Và bởi vì Phật giáo đưa toàn bộ thân tâm mình – nghĩa là
toàn bộ vũ trụ, vì thân tâm mình có đủ mọi nguyên tố (các đại) của vũ
trụ – vào công cuộc nghiên cứu thí nghiệm (mà chúng ta gọi là tu hành,
thực hành) như vậy, cho nên thực tại mà Phật giáo tìm ra không chỉ là
thực tại vật lý của vật lý học, mà còn là thực tại của tâm lý học, của
đạo đức học, của mỹ học, của xã hội học... Một thí dụ, chẳng hạn đối với
những tông phái cao nhất của Đại thừa, thực tại tối hậu vừa là tính
Không (“hữu thể học” hay “thực tại luận”) vừa là đại bi hay tính thiện
(có thể xem là “đạo đức học”), vừa là bản tính hay chân tâm (“tâm lý
học”), vừa vốn toàn thiện toàn mỹ từ nguyên sơ (mỹ học)... Như vậy, Phật
giáo có thể thống nhất tất cả các ngành học (và tất cả mọi lĩnh vực xã
hội) vào trong con đường của mình, con đường đưa đến thực tại tối hậu,
đưa đến “thực tướng của tất cả các pháp”, thực tướng của tất cả các hiện
tượng. Đó là con đường mà theo lời Đức Phật, toàn thiện ngay từ lúc
khởi đầu, toàn thiện ở chặng giữa, toàn thiện ở lúc cuối cùng.