Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

280. HỎI: Tham thiền làm sao biết miên mật?

  • Ø ĐÁP: Lúc đang tham thiền là miên mật, nhưng nếu nổi lên một niệm biết mình đang miên mật thì đó chính là kẽ hở rồi. Nay chỉ cần tập cho công phu không gián đoạn, đến khi thuần thục rồi tự nhiên sẽ đến giai đoạn đó. Nếu công phu chưa đến mức, muốn cho miên mật thì chẳng thể được. Đối với Giáo môn cũng vậy, Kinh Pháp Cú nói: “Nếu khởi tâm tinh tấn thì ấy là vọng, không được gọi là tinh tấn, “Nay khởi tâm miên mật là vọng, chẳng phải miên mật”.

Tăng Hỏi: Theo như con biết, thiền Mặc Chiếu thuộc Tông Tào Động, sao Hòa Thượng gọi là tà thiền?

ĐÁP: Nói về Mặc chiếu tà thiền, ngài Đại Huệ là vị Tổ sư rất danh tiếng trong Thiền tông, trong cuốn Lá Thư Thiền đã nói rõ, còn tại sao người Việt Nam cho Mặc chiếu thuộc Tông Tào Động? Ấy là do bị cuốn Thiền Đạo Tu Tập của ông Trương Trừng Cơ làm hại. Ngài Bác Sơn là Tổ sư kiến tánh Tông Tào Động, trong cuốn Tham Thiền Cảnh Ngữ của ngài cũng dạy người tham thoại đầu. Trương Trừng Cơ không có tu thiền, chỉ tu theo Mật tông, vì người đời không biết, nên cho Thiền Mặc chiếu là Tông Tào Động.

Kỳ thật, Mặc chiếu thuộc thiền bệnh, nếu lấy bệnh trị bệnh thì bệnh càng nặng thêm. Mặc chiếu là dùng sự im lặng quán chiếu vào sở chiếu, có năng có sở, ở bên Giáo môn còn có thể nói được, Đối với Tổ Sư Thiền thì gọi là tà thiền. Ở đây nói là “Tà” chẳng phải tà ác, vì không phải Chánh pháp nên gọi là tà. Kinh Kim Cang nói:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ  âm thanh cầu ngã,

Thị nhơn hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai”

 Dùng sắc hoặc âm thanh làm sở quán sở chiếu, ấy là hành tà đạo, tà với chánh là tương đối, Tổ Sư Thiền thì tà chánh cũng phải quét sạch.

281. HỎI: Trong phương pháp tu của Mặc chiếu cũng dần dần đi vào không năng sở, ví như thấy hình tướng bên ngoài của Hòa thượng, Mặc là lặng mà chẳng có tướng lặng, Chiếu mà chẳng có tướng Chiếu, ấy là không có năng sở.

  • Ø ĐÁP: Nay ông nói thấy hình tướng của tôi, ai thấy?

Vị Tăng: Không có ai thấy.

Sư phụ hỏi: Nếu không có ai thấy thì không có năng thấy và sở thấy, hễ không năng sở thì làm sao gọi là Mặc chiếu?

Vị Tăng: Ví như câu thoại đầu, lúc đầu tham thì có năng sở, đến sau cùng thì chẳng còn năng sở vậy.

Sư Phụ: Tham thoại đầu phải có nghi tình, do nghi tình nên không có năng sở, nay chưa đến thoại đầu là còn năng sở, khi đến thoại đầu rồi câu thoại tự mất, dù câu thoại mất, hễ vẫn biết là tham thiền thì chưa được.

Bây giờ ông đã biết có Mặc lặng để Chiếu, ví như trong Kinh Lăng Nghiêm có người hỏi Phật:

- Bản tánh vốn thanh tịnh, sao bỗng nổi vọng niệm rồi trở thành chúng sanh?

Phật bảo: Tại có đặt ra giác minh, thành có sở minh. Sở minh đã lập nên tánh chiếu mất.

Ấy là năng sở. Nay nếu muốn quay về thì không nên tu theo mặc chiếu nữa, vì đó là bệnh, do đó, Đức Phật đưa lên nhánh bông, chẳng phải muốn chúng ta ngộ được nhánh bông, hoặc ngộ được nắm tay, ngộ được ngón tay, là muốn chúng ta ngộ tự tánh. Chư Tổ  chỉ muốn khiến người khởi lên nghi tình thôi. Nói “Ngộ” cũng chỉ là tự tánh tự hiện, nếu chấp thật có ngộ tức còn mê.

Tăng Hỏi: Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Bản tánh vốn thanh tịnh, do một niệm bất giác khởi vọng thành có sở minh”, nếu kịp thời quán chiếu phản văn vọng tưởng, liền thấy được cội gốc của nó.

ĐÁP: Tại sao nói “Bản tánh vốn thanh tịnh”? nói hai chữ “Thanh tịnh” đã là bệnh, đã không đúng rồi. Nếu nói là vốn thanh tịnh thì cõi Vô Sắc giới đã được kiến tánh, ra khỏi luân hồi sao? Sự thanh tịnh của cõi Vô Sắc được kéo dài biết bao nhiêu kiếp, cuối cùng cũng phải luân hồi!

Cho nên Kinh nói “Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật”, sở dĩ đặt ra tên gọi “Thanh tịnh” là để đối trị sự ô nhiễm, nếu ô nhiễm không có thì thanh tịnh cũng không còn. Tự tánh chẳng phải vật, làm sao có sự thanh tịnh và ô nhiễm? Tất cả đối đãi đều không, nên nói vô sanh; sanh còn chẳng có thì làm sao có cái này cái kia, đủ thứ danh tướng ư!

Tăng hỏi: Nay con cũng công nhận lời Hòa Thượng nói về giai đoạn đầu của thiền Mặc chiếu là có năng sở, ấy là phương tiện, cũng như tham thoại đầu, lúc mới đề khởi câu thoại là có năng sở, đến khi nào thành khối, khối nghi bùng nổ, tan vỡ rồi mới đạt được đại ngộ. Phải có phương tiện ban đầu đạt đến sự  ngộ.

ĐÁP: Bây giờ phải xác định Thiền Mặc chiếu là của Tông Tào Động hay không, là Tổ sư nào dùng thiền Mặc chiếu? Tôi đã xem qua tất cảTruyền Đăng Lục: Cảnh Đức Truyền Đăng lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên v.v… trong bảy ngàn Tổ kiến tánh, chẳng có Tổ nào dùng thiền Mặc chiếu cả. Vì Mặc chiếu chẳng phải Tổ Sư Thiền, nên ngài Đại Huệ gọi là tà thiền, và cho những người dạy Mặc chiếu “Chẳng phải con người”.

Phẩm thứ nhất của Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Lục Tổ nói với Ấn Tông Pháp sư: “Thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp”, thiền định giải thoát còn chẳng phải Phật pháp, nói chi định với huệ? Nếu nói về trí huệ thì Tâm Kinh nói “Vô trí diệc vô đắc”, Kinh sách Giáo môn còn nói vậy, huống là Tổ Sư Thiền, vốn là giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự!

Tăng hỏi: Ấy là qua văn tự, nếu thật sự thể nghiệm qua bản tánh thanh tịnh hằng liễu tri thì đó chẳng khác với tri kiến Phật, nếu nói tri kiến Phật chẳng thể chấp nhận, cho là tà thiền thì là thế nào?

ĐÁP: Tri kiến Phật là gì? Trong Yếu Chỉ Pháp Hoa đã nói: “Chẳng lập tất cả tri kiến mới gọi là tri kiến Phật”, Kinh Lăng Nghiêm nói “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”. Vậy tại sao phải lập ra văn tự? Ấy là để độ chúng sanh, lập xong liền phá, lập chẳng phải là lập thành chơn lý, là lập để phá chấp, để cho người ta biết những thứ đó là vọng, chớ có đuổi theo tìm hiểu.

282. HỎI: Như Thầy vừa nói về thiền Mặc chiếu, rằng “Mặc” chẳng khác với định, “Chiếu” chẳng khác với huệ, trong đó chẳng có sở chiếu nên năng chiếu thường hằng; có cái tri thường hằng mà chẳng có sở tri. Nhưng con nghĩ: Nói về MẶC thì mình có biết cái Mặc đó không? có biết đến cái Chiếu đó không? về cái tri cũng thế. Nếu có, thì ai biết?

  • Ø ĐÁP: Vì các thứ ấy là năng, có năng ắt có sở, định huệ ấy là sở. Ngài Lai Quả nói: “Hễ còn biết, dù biết mình đang tham thiền còn chưa được”. Giáo môn sở dĩ lập ra đủ thứ tên gọi, để phá tri kiến chấp thật của chúng sanh, chứ không phải có chơn lý.

Nay người ta nghe tôi nói “Mặc chiếu là tà thiền”, liền cho đó là tà ác, ấy là không đúng; cho Mặc chiếu không công hiệu, cũng không đúng. Ngoại đạo tu pháp Mặc chiếu cũng có công hiệu, cũng có thần thông, cũng giảng Kinh thuyết pháp, có hàng đệ tử, đều nói sẽ thành Phật, nhưng không được giải thoát, sau khi hưởng hết phước báo, còn phải chịu khổ luân hồi. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: Dù tu thành tà ma ngoại đạo, nhưng vẫn có thiền định của nó, vẫn có định có huệ, chỉ là định huệ đó không giải thoát được khổ luân hồi, nên bị Phật chê là tà ma ngoại đạo. Thậm chí hàng Thanh-văn, Duyên-giác còn bị Phật quở là tiêu nha bại chủng, vì chỉ đi đến nửa đường, còn chấp có pháp để tu được giải thoát, chấp Niết-bàn của Tiểu thừa cho là cứu cánh, cho có Niết-bàn là thật.

Do có cái chấp đó thành 62 kiến chấp, nên tất cả hiểu biết đều gọi là kiến hoặc, tất cả tư tưởng đều gọi là tư hoặc. Dứt được tất cả kiến hoặc và tư hoặc thì chứng quả A-la-hán, nhưng cũng chưa đến cuối cùng, vì còn chấp pháp.

Nay đã chê pháp Tiểu thừa mà cho Mặc chiếu là pháp tu đúng đắn thì không bằng Tiểu thừa, vì chưa phá được ngã chấp, lại thêm pháp chấp.

283. HỎI: Trong Kinh có nói: “Nhất nhơn tu đạo, cửu huyền siêu thăng”, còn Sư phụ thì nói là “Ai tu nấy chứng”, vậy có mâu thuẫn không?

  • Ø ĐÁP: Cũng như ăn cơm, ai ăn nấy no, dù người con có hiếu cũng chẳng thể ăn giùm cha mẹ. Nói đến “Nhất nhơn hành đạo, cửu huyền siêu thăng”, là vì người đó đã phát tâm độ hết chúng sanh, cửu huyền thất tổ cũng là chúng sanh. Như Phật Thích Ca tu thành đạo rồi vẫn trở về độ cha mẹ, cha mẹ nghe lời, tu theo Chánh pháp cũng được giải thoát, kể cả sau khi người mẹ sanh cõi Trời, Phật còn lên cõi Trời để thuyết pháp cho mẹ nghe, chứ chẳng phải Phật Thích Ca tu thành đạo là cha mẹ được siêu độ.

284. HỎI: Người tu pháp môn Tổ Sư Thiền, nhờ có pháp tu nên ít thấy phiền não, nhưng cũng thường khi hoặc vô tình, hoặc cố ý gây nên phiền não cho người khác, vậy họ có mắc vào nhân quả không?

  • Ø ĐÁP: Nhân nào quả nấy; nhân nhỏ quả nhỏ, nhân lớn quả lớn, phàm có tâm biết là đã có nhân rồi. Nên Kinh Địa Tạng nói: “Khởi tâm động niệm đều thành nghiệp nhân”, khởi tâm động niệm đều thành hạt giống, cơ duyên chín mùi thành quả. Kinh Đại thừa Phật Pháp nói: “Thấy người ta bố thí, dù mình không có tiền của, khởi niệm hoan hỷ, cũng là công đức”.

Tâm khởi niệm ác cũng thế, như  Uất Đầu Lam Phất đang tu dưới gốc cây trong rừng, bị tiếng chim hót làm nhiễu loạn thiền định, tu bên bờ sông thì bị tiếng cá nhảy trong nước làm nhiễu loạn, bỗng khởi một niệm rằng “Sau này tôi sẽ làm con chồn bay, vào nước ăn cá, vào rừng ăn chim”, niệm đó trong giây lát rồi quên đi, nhưng Phật Thích Ca thọ ký sau khi sanh cõi Trời, trải qua tám muôn kiếp, sẽ đọa làm con chồn bay. Do đó, hễ khởi tâm động niệm đều là nghiệp nhân, đều phải chịu nghiệp quả, trừ khi ra khỏi mở mắt chiêm bao, mới không bị nhân quả trong chiêm bao ràng buộc.

285. HỎI: Khi gặp cảnh khổ của chúng sanh, con không khỏi xúc động và nổi lòng Từ bi, đúng hay sai?

  • Ø ĐÁP: Tổ Sư Thiền chỉ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình tự động quét sạch tất cả, nay bất cứ nổi lên niệm gì đều chướng ngại sự giải thoát, nổi lên lòng Từ bi là biệt niệm, cũng là chướng ngại.

Bác Sơn Hòa Thượng nói: “Bổn phận của bậc xuất gia là phải tu đến giác ngộ, kiến tánh thành Phật”. Nếu bỏ bổn phận mà đi làm việc Từ bi, thấy người bị chết đói, mình chịu chết đói thay; thấy người bị lạnh cóng, mình cởi áo đang mặc để chịu lạnh thay, người đời thì cho đó là Từ bi, là Phật sống, nhưng đối với bổn phận là thiện nhân chiêu ác quả. Tại sao? Vì thọ nhận sự cúng dường của mười phương, nay bỏ bổn phận đi giúp cho người khác, dù giúp cho hôm nay khỏi bị chết đói, thế còn ngày mai? Dù nuôi đến già đến chết, người ấy cũng chẳng được kiến tánh, chẳng được giải thoát.

Bây giờ kể cả cha mẹ mình còn bỏ mặc để đi xuất gia, là phải giữ đúng bổn phận, tu đến kiến tánh thành Phật, mới độ được nhiều chúng sanh, mới có tư cách thọ nhận sự cúng dường của mười phương. Vì có bản ngã, để được người đời tán thán, khen là Bồ-tát sống, là Phật sống, thật sự đối với đạo lại trái nghịch nhau, nên nói “Thiện nhân chiêu ác quả”.

286. HỎI: Hành giả tham thiền gặp duyên làm việc bố thí, chẳng nghĩ thiện cũng chẳng nghĩ ác, như thế được không?

  • Ø ĐÁP: Nếu công phu miên mật thì tất cả niệm đều chẳng khởi lên được. Hễ có khởi lên biệt niệm tức công phu có kẽ hở, công phu miên mật là không biết có công phu miên mật, đến chỗ “Vô tham tức chơn tham”, tham thiền còn không biết, còn biết đến cái gì nữa? Có biết là chướng ngại.

287. HỎI: Trường hợp trong nhà cần sử dụng thuốc ngừa mối mọt, nhưng rủi nó bị chết có mang tội không?

  • Ø ĐÁP: Có thể sử dụng những loại như long não, vừa giữ gìn đồ đạc vừa không sát hại đến các sinh vật. Cũng như Hoằng Nhất Luật sư, theo kinh nghiệm của Ngài đối với con chuột, muốn chuột không cắn phá đồ dùng là nuôi nó, đem cơm rải ở một nơi cho chuột ăn, lúc đầu chuột cứ cắn nát Kinh sách, nhưng một tuần lễ về sau, chuột không cắn hư Kinh sách nữa.

288. HỎI: Con đang tham câu “Niệm Phật là ai”, nay muốn đổi qua câu khác, được không?

  • Ø ĐÁP: Trước kia chưa tham câu “Niệm Phật là ai” có niệm Phật không? Đối với câu này có thắc mắc không? Nếu không thắc mắc thì không khởi nghi tình được, phải lựa câu thoại nào cảm thấy rất thắc mắc mới được.

Lại, mặc dù công phu tham đến tinh tấn lắm, đối với việc sanh tử phải thống thiết mới được. Tại sao? Vì sự tinh tấn có thể chỉ kéo dài năm – ba tháng, hễ cảm thấy không mùi vị rồi sẽ lui sụt. Phải nghĩ rằng “Nay tuy còn sống, ngày mai chưa biết thế nào? Nếu chết sẽ ra sao? Tại sao ai cũng sợ chết mà không tránh khỏi? rồi chết đi về đâu?”. Bây giờ thừa lúc chưa chết phải giải quyết xong việc lớn sanh tử, muốn giải quyết phải tham Thiền đến kiến tánh.

Có thống thiết với sanh tử, tham thiền mới không lui sụt. Người thế gian thường lo cho sự sinh sống nhiều hơn, lo kiếm thêm nhiều tiền, nhiều chừng nào tốt chừng nấy; được nhiều tiền của rồi lo cho có thế lực mới bảo vệ được tài sản … Chẳng biết rằng dù tiền của thế lực bằng như vua chúa, cũng chẳng giải quyết được việc lớn sanh tử, cuối cùng cũng phải già, bệnh và chết.  Chỉ có tham thiền mới giải quyết được khổ sanh lão bệnh tử mà thôi.

289. HỎI: Tham thiền đến lúc mãnh liệt rồi phải làm sao? Đúng hay sai?

  • Ø ĐÁP: Đừng có biết đến làm sao hay chẳng làm sao, mãnh liệt cũng hỏi tới, không mãnh liệt cũng hỏi tới; có nghi tình cũng hỏi tới, không có nghi tình cũng hỏi tới, có sợ là chướng ngại. Đức Phật đã nói “Vô thỉ vô sanh”, nên người chứng quả gọi là “Chứng vô sanh pháp nhẫn”. Tịnh Độ tông dù không có chứng ngộ, sau khi được sanh cõi Cực Lạc, cuối cùng cũng ngộ pháp vô sanh, nên nói “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Đã nói là vô sanh thì làm sao có pháp đúng hay không đúng? Chỉ cần giữ nghi tình, có thắc mắc là đúng rồi, ngoài ra, bấc cứ khởi niệm biết đúng hay sai, đều là biệt niệm.

290. HỎI: Con nghĩ rằng câu thoại đầu tức trí huệ, nên phải chăm chú nhìn vào và khiến cho miên mật, để sự tu đạt đến kết quả như ý muốn của mình, phải vậy không?

  • Ø ĐÁP: Ông đã khởi nghi tình được, đã thống thiết vì sanh tử, ấy là được rồi, cứ tiếp tục tham tới. Nhưng đừng cho câu thoại đầu là trí huệ, cũng đừng cho các thứ khác là huyễn hóa, vì trí huệ chẳng thật có trí huệ, huyễn hóa cũng chẳng thật có huyễn hóa. Đức Phật đã nói: “Tất cả pháp đều bình đẳng, tất cả pháp đều chẳng tự tánh, tất cả pháp vốn vô sanh”, nay muốn ngộ pháp vô sanh, phải cắt đứt tất cả ý thức phân biệt, hễ có tâm biết cái này trí huệ, cái kia chẳng trí huệ thì không bao giờ kiến tánh được. (Sư phụ giảng về từ nghi đến  ngộ, lượt qua).

291. HỎI: Lúc trước con tu theo pháp tri vọng, Thiền sư Tông Mật nói “Biết vọng là tu, khi vọng tưởng sạch hết tức chơn không Phật tánh hiện tiền”. Sau khi tu được một thời gian thì con không vừa lòng với những kiến giải trên, con cho rằng “Cho dù tri vọng, tri tịch hay thường tri đều từ vọng tâm sanh khởi mới biết”. Khi gặp Sư phụ dạy pháp tham thoại đầu, con chỉ muốn biết được mình là cái gì, nên lúc công phu con không biết tới có đắc lực hay không, có nghi tình hay không, mục đích của con chỉ là “Cầu giải thoát” và “Biết được mình là cái gì “, nhiều khi con mất câu thoại đầu nhưng vẫn còn hai thắc mắc trên, vậy có đúng không?

  • Ø ĐÁP: Thắc mắc chỉ có một, nếu có hai là không đúng. Giải quyết được một thắc mắc thì tất cả thắc mắc đều giải quyết. Phật pháp bất nhị, ngoài câu thoại đầu ra, nếu mống khởi cái gì khác, ấy là biệt niệm. Ông tham câu “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?”, nếu tách câu “Ta là cái gì” ra là không được. Vì có ta cũng không đúng, không có ta cũng không đúng, tất cả vạn vật đều như thế, có cũng không được, không có cũng không được, đều nằm trong tứ cú.

Lại, ông vừa nói đến Thiền sư Tông Mật, ngài là Tổ thứ năm Tông Hiền Thủ của Giáo môn, không phải Thiền tông, đối với Tổ Sư Thiền còn cách xa lắm. Trong Kinh Viên Giác, Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều chứng viên giác”, ngài lại nói: Chữ CHỨNG không được, ấy là người dịch sai, phải nói là ĐỦ, tức “Chúng sanh đều đầy đủ viên giác nhưng chưa chứng”, lý giải như thế là do ý thức phân biệt, nên không thích hợp với Tổ Sư Thiền. Nếu căn cứ vào đó để tu, cũng như Lục Tổ quở Thần Hội: “Dẫu cho ngươi sau này ra hoằng pháp, cũng chỉ là một môn đồ tri giải mà thôi”:

Lục Tổ hỏi chúng: “Ta có một vật, không đầu không đuôi, không tên không gọi, các người có biết là gì không?”

Thần Hội ra đảnh lễ đáp: “Ấy là bản nguyên của chư Phật, Phật tánh của Thần Hội”.

Lời nói chẳng phải không đúng, nhưng vì dùng ý thức để lãnh hội, Tổ Sư Thiền là chấm dứt tất cả ý thức, hễ dùng ý thức để hiểu là vọng, là tương đối, là nhị.

Phật pháp bất nhị, nên ở Phẩm thứ nhất Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói với Pháp sư Ấn Tông rằng: “Thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp”. Theo giáo lý của Phật, phải thiền định rồi mới giải thoát, nay nói thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp, mọi người cảm thấy khó hiểu, nhưng sự thật là vậy, vì hễ có định thì có loạn, có giải thoát thì có trói buộc, ấy là pháp tương đối. Do đó, ông nói có hai thắc mắc là không được.

292. HỎI: Đang tham thoại đầu xen vào “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ”, được không?

  • Ø ĐÁP: Chín chữ VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ SỢ là khi nào tự cảm thấy muốn có sở đắc rồi, phải chợt nhớ là vô sở đắc, muốn cầu một điều gì thì chợt nhớ phải vô sở cầu, khi nổi ý lo sợ thì nhớ lại là vô sở sợ, ngoài ra cứ câu thoại đầu tham tới mãi, không cần xen vào khiến nghi tình bị kẽ hở.

293. HỎI: Con người sống để làm gì?

  • Ø ĐÁP: Vấn đề này phải tự hỏi. Nguyệt Khê Pháp sư trong cuốn Phật Giáo Nhân Sinh Quan nói: “Nay mình sanh ra làm người, gọi là vạn vật chi linh có ý nghĩa gì? nếu như vì sự sống thì tất cả loài vật khác đều phải vì sự sống; nếu vì sanh con để cái thì các loài kia cũng như thế. Vậy ngoài những thứ này ra, còn có ý nghĩa gì? 

Nay muốn biết ý nghĩa sống là gì, trước tiên phải biết mình là gì,  làm chủ cho bản thân rồi mới giải quyết được tất cả vấn đề. Bây giờ không biết sanh từ đâu đến, chết đi về đâu? Lại, không muốn già cứ phải già, không muốn bệnh cũng phải bệnh, không muốn chết cũng phải chết, tự làm chủ chẳng được. Nếu thật là “Tôi” thì tôi phải tự chủ được, nên phải biết “Tôi” là cái gì. Mục đích tham thiền là vậy, đến khi kiến tánh rồi mới biết mình là cái gì, mới được tự do tự tại, ra khỏi sự ràng buộc của chiêm bao.

294. HỎI: Thế nào là niệm mà chẳng niệm?

  • Ø ĐÁP: Nói “Niệm mà chẳng niệm”, niệm trước là bản niệm, cũng gọi là bản tâm, bản tánh, Tự tánh, Phật tánh, Thật tướng, Bát-nhã, Pháp thân v.v… mặc dù đủ thứ tên gọi, nhưng vẫn là bản niệm.

Bản niệm là luôn như thế, ngày đêm không gián đoạn, từ thân này sang thân khác, kiếp này sang kiếp khác. “Niệm mà chẳng niệm” là ngoài bản niệm ra chẳng còn niệm gì khác, bất cứ khởi lên niệm gì, từ niệm tham, sân, si cho đến niệm Từ bi, bác ái … đều là vọng tưởng. Cho nên Lục Tổ nói “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác”. Nghĩ thiện nghĩ ác đều là niệm, hễ ở trong bản niệm nổi lên niệm rồi, thì chẳng phải là “niệm mà chẳng niệm”.

Bản niệm linh động, làm gì cũng được, Chư Phật Bồ-tát làm mà chẳng niệm. Tại sao? Vì không qua sự tác ý. Có tác ý là niệm, tự tánh tự động hiển dụng, không cần qua sự tác ý. Cho nên, dù không nỗi niệm, tất cả việc làm đều tùy cơ hóa độ chúng sanh, không qua tác ý, cũng chẳng phải là không biết như gỗ đá.

295. HỎI: Thế nào là niệm trước chẳng sanh, niệm sau  chẳng diệt?

  • Ø ĐÁP: Chư Phật chư Tổ đối với đương cơ tùy bệnh cho thuốc, nếu chấp vào những lời nói đó, là nghịch với ý Phật, ý Tổ, gọi là “Tùy ngữ sanh giải”, là con chó đuổi theo cục xương.

Bản niệm vốn bất nhị, chẳng có trước sau, trước sau là nhị. Nói Tự tánh, thật tướng, Niết-bàn cũng là nó; về con mắt thì gọi là bản kiến, về lỗ tai thì gọi là bản văn … đủ thứ tên gọi cũng là nó, chẳng phải mỗi mỗi khác nhau. Do người hỏi pháp chấp đến đâu thì phá chấp đến đó: Chấp Phật phá Phật, chấp Bồ-tát phá Bồ-tát, chấp chúng sanh phá chúng sanh, chấp tâm phá tâm, chấp tướng phá tướng … để khôi phục lại bản niệm. Nhưng hễ chấp vào lời phá chấp của chư Phật chư Tổ cũng là chấp, bệnh chấp vẫn còn, nên phải được ý quên lời, chớ có chấp lời nghịch ý.

296. HỎI: Sư phụ nói cần phải có sự ngộ nhập để làm chủ cái thân ngũ uẩn này, vậy ngộ nhập cái gì?

  • Ø ĐÁP: Nói “Ngộ nhập” là từ trong chiêm bao thức tỉnh. Trong chiêm bao, đủ thứ cảnh giới đều cho là thật, đến khi thức tỉnh mới biết tất cả đều chẳng thật, lúc đó tự mình chứng tỏ, không cần thiện tri thức giải thích nữa. Nên khi kiến tánh gọi là chứng ngộ, là ngộ nhập mở mắt chiêm bao chẳng thật.

297. HỎI: Nay con biết tất cả đều giả tạo, không theo nó, vậy có đúng không?

  • Ø ĐÁP:  Nay nói “Giả tạo” là chấp vào sự giả tạo, nói không theo đã là theo rồi, đã chấp thật rồi. Bản niệm không có theo và không theo, cũng như căn nhà, vốn chẳng có xoay và không xoay, nói “Ngưng xoay” là trước kia đã có xoay, nói “Không theo” cũng vậy. Vốn là không có, cần gì theo hay không theo!

Hễ cho là “Có lý” là chấp thật, có lý thì chướng ngại sự. Thông thường người thế gian cho là bị sự chướng ngại lý, cho là thế này hợp lý, thế kia không hợp lý, nhưng thực tế là lý chướng ngại sự. “Sự” là gì? Là Bản niệm; “Lý” là gì? Là từ Bản niệm sanh ra niệm, mới cho là có lý. Vốn cái bản niệm làm sao có lý? Tại sanh ra niệm khác, ví như cho sự Từ bi là có lý; chấp thật chấp giả, cho cái này là vô minh, cái kia là trí huệ v.v… ấy là lý chướng ngại sự. Kỳ thật, Phật nói hai chữ “Vô thỉ” đã là nói hết rồi: Vô thỉ làm sao có vô minh để bắt đầu? Vô thỉ tức vô sanh, nếu tất cả pháp đều vô sanh thì làm sao có cái lý gì để cho là đúng? Ấy là do lập ra cái lý chướng ngại đến sự.   

298. HỎI: Muốn lìa pháp đối đãi phải làm sao?

  • Ø ĐÁP: Phải tự ngộ. Nếu chưa tự ngộ tức còn nằm trong đối đãi, tự ngộ tức từ chiêm bao thức tỉnh, đã thức tỉnh rồi, không cần lìa cũng tự lìa; chưa thức tỉnh mà khởi niệm muốn lìa, cái niệm muốn lìa đó vẫn còn trong chiêm bao, lại càng trói buộc thêm. Cho nên chư Phật chỉ muốn chúng ta giác ngộ, ngộ rồi lấy gì để lìa?

Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng đến văn tự. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật”, pháp môn Tổ Sư Thiền khác với Giáo môn, Giáo môn là hiểu bao nhiêu tu bấy nhiêu, còn Tổ Sư Thiền không cần gì hết, người ngu si dốt nát nhiều khi còn hơn người thông minh lanh lợi, vì chẳng bị lý lẽ, sở tri chướng ngại. Nay nếu không chịu ra ngoài chiêm bao, cứ ở trong chiêm bao học hết tất cả, vẫn còn ở trong chiêm bao mãi.

Cũng có người hỏi tôi: “Nay biết được là giả liền bỏ, bỏ riết cũng phải có ngày hết vậy!”

Tôi nói: Làm thế nào hết được? Ví như căn nhà, biết là giả, không theo nó, liền tháo bỏ, bỏ từ nhà này qua nhà khác, cho dù tháo hết tất cả nhà tại thành phố này, cho đến cả thế giới này, nhưng còn những thế giới khác, làm sao lìa? Không gian chẳng bờ bến, thế giới vô lượng vô biên, làm sao bỏ hết được?

Tổ Sư Thiền không cần buông bỏ, chỉ cần một nắm tay đập bể hư không, hư không tan nát rồi, tất cả nhà cửa cây cối ở đâu? Nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Một người trở về tự tánh, mười phương hư không đều tiêu diệt”, vậy có phải gọn không? Chỉ cần có sức mạnh đập nát hư không, đâu cần lìa bỏ từng cái một! Ấy là thí dụ, chỉ cần từ chiêm bao thức tỉnh, thế giới chiêm bao ở đâu tìm?

299. HỎI: Trí Bát-nhã của con ở tại nơi con hay ở tại Đa Bảo Tháp?

  • Ø ĐÁP: Trong Kinh Pháp Hoa, Đa Bảo Tháp dụ cho tự tánh, vì tự tánh đầy đủ tất cả, gọi là Đa Bảo. Phải biết, tự tánh bất nhị, khắp không gian và thời gian, nếu có chỗ nào không cùng khắp tức nhị, có một thời gian nào không cùng khắp tức nhị, cho nên, tự tánh chẳng phải chỉ ở nơi Đa bảo tháp, cũng chẳng phải chỉ ở nơi thân. Nếu chỉ ở trong Đa bảo tháp thì chỗ khác chẳng có sao? ở trong thân ngũ uẩn cũng vậy.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thân tâm thế giới, tất cả vạn vật đều là vật trong tự tánh”; Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Thân ngũ uẩn và tất cả hiện tượng thế giới, mỗi sắc tướng âm thanh, trong tự tánh đều bình đẳng nhau, đều như mộng huyễn”. Sự thật từ những gì trước mắt cho đến khắp nơi đều là vậy.

Chứng Đạo Ca nói: “Bản thể tự tánh như hư không chẳng bờ bến, chẳng lìa trước mắt thường rõ ràng (trạm nhiên) hễ muốn tìm thì tìm không ra”. Vì tìm được tức có chỗ, chẳng cùng khắp. Ví như đang ngồi tại chùa Huệ Quang thì đi đâu tìm chùa Huệ Quang nữa! Làm sao trở về? Từ hồi vô thỉ đâu có lìa, lìa đi chỗ nào? Hư không đã là tự tánh rồi, chẳng lẽ còn có cái ở ngoài hư không sao?

Tổ Sư có một bài kệ:

Xưa nay ở chung chẳng biết tên,

Tự do tự tại tự làm nên.

Bậc thánh còn chưa thể nhận thức

Phàm phu làm sao sáng tỏ được?

Có lìa hồi nào đâu? Ở chung nhau mà không biết tên, bây giờ muốn sáng tỏ phải thức tỉnh, phải kiến tánh. Nếu còn trong chiêm bao, tìm hoài làm sao sáng tỏ? Thức tỉnh rồi khỏi tìm nữa.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch