Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

480. HỎI: Xin Sư phụ ban pháp âm cho vấn đề Thiền thất, khi Sư phụ đi vắng?

  • Ø ĐÁP:Hai điều cần nhất khi thực hành tham Tổ Sư Thiền mà tôi thường nói, một là tin tự tâm, hai là dùng sự không biết của bộ não chấm dứt tất cả biết của bộ não. Còn nói về thiền bệnh thì cuốn Cội Nguồn Truyền Thừa của ngài Nguyệt Khê đã nói rõ. Phần Thỉnh Ích Hỏi Đạo của ngài Nguyệt Khê, có thể đọc ra thu băng và phát lại cho hành giả nghe, để nhắc lại những thiền bệnh thường gặp phải để sửa sai.

481. HỎI: Qui củ tối thiểu khi đến dự Thiền thất?

  • Ø ĐÁP: Ở Chùa Pháp Thành Tôi có cho cuốn Qui củ Thiền Thất. Nói chung, công phu của mình đừng có chướng ngại đến người khác, còn nếu phát hiện chỗ nào có thiếu xót thì thêm vào.

482. HỎI: thuốc “Tham thoại đầu” là để chữa “Bệnh sanh tử”, chúng con tham thoại đầu cũng cầu mong được chữa khỏi bệnh sanh tử, vậy làm cách nào tôn trọng 3 chữ  “Vô sở cầu”?

  • Ø ĐÁP: Pháp vốn vô sanh, làm sao sanh ra việc cầu và không cầu?  Nay tại có chấp tâm sanh khởi “Có cầu”, nên dùng “Vô sở cầu” để đối trị, nếu sự cầu chẳng khởi thì đâu cần dùng đến thuốc “Vô sở cầu” nữa!

Bây giờ chưa chứng quả, nên thấy có muôn ngàn sai biệt, hễ chứng quả rồi thấy không sai biệt, trong cầu thấy vô sở cầu. Nên người chứng quả gọi là “Ngộ pháp vô sanh”, nay vì còn nằm trong tương đối, nên chẳng chấp cầu thì chấp vô sở cầu, chẳng chấp đắc thì chấp vô sở đắc.

483. HỎI: Người tham thiền ham chỗ “Ồ” lên một tiếng đập tan vô thỉ vô minh, nên lọt vào có sở cầu?

  • Ø ĐÁP: Đó là do cái biết của bộ não, do công phu chưa đắc lực, nên có sự ham đó. Nếu công phu giữ được “Không biết” của nghi tình, thì đâu còn sự ham biết đó? Chư Tổ nói: “Trước tiên quên thế giới vạn vật, sau quên cái thân, cuối cùng quên luôn cả tâm”. Tâm đã quên, còn gì không quên? Đâu còn ham và không ham? Còn gì để nói nữa? Nên cần thiết về công phu.

484. HỎI: Khi vắng Sư phụ, chúng con gặp chướng ngại thì 
sao?

  • Ø ĐÁP: Tôi thường nói “Phải tin tự tâm 100%”, do chẳng tin tự tâm mới có sự ham cầu và chứng đắc, mới sanh ra đủ thứ thiền bệnh. Chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” là trị bệnh chấp ngã, hễ tin tự tâm thì đâu còn cầu còn đắc còn sợ? Vì tất cả là của mình.

Tự tâm khắp không gian thời gian, ngoài không gian chẳng có không gian, ngoài thời gian chẳng có thời gian, còn gì để đắc? Có đắc là từ bên ngoài, đều là ở trong, đều là của mình thì cần gì để cầu để đắc? Nếu thực hiện đúng theo hai điều nhắc nhở trên, tự nhiên sẽ đến chỗ vô minh tan rã.

Nay nói vô minh tan rã, thật ra trong Phật pháp vốn chẳng có cái vô thỉ vô minh để cho mình phá, tại chấp mới thành có, nên phải phá.

485. HỎI: Tại sao trong Thiền Thất Khai Thị Lục nói “Khi nghi tình thành khối phải nổi vọng tưởng”?

  • Ø ĐÁP: Đó là sau khi ngộ rồi bảo nhiệm, bảo nhiệm cũng gọi là tu, sự tu đó mới là chơn tu, ngài Qui Sơn nói “Chăn trâu”, là sau khi ngộ rồi bảo nhiệm mới thật là chăn trâu, chứ chẳng phải như Giáo môn cho “Chăn trâu” là tu, ấy là sai.

Sau khi ngộ rồi, tập khí vẫn còn, tự nhiên phải nổi vọng tưởng, cũng tự nhiên dứt vọng tưởng, cứ nổi bao nhiêu dứt bấy nhiêu. Nhưng chúng ta không thể chấp vào lời của Tổ, ấy chỉ là phương tiện thí dụ, người nói thì không sai, hễ chấp thật là sai.

486. HỎI: Làm thế nào làm thiện không lọt vào nơi thiện?

  • Ø ĐÁP: Tạo thiện ắt được thiện quả, nhưng cái nhân đã không trụ thì quả cũng không trụ. Mặc dù không trụ quả, nhân đã gieo, quả sẽ đến, ví như Phật Thích Ca, dù tâm chẳng trụ nhân, chẳng cầu danh vọng, khi quả đến người nào cũng cung kính lễ bái Đức Phật.

487. HỎI: Nay cũng có nhiều người nói “Làm mà không chấp”, “Làm mà chẳng trụ”. Đó có phải ngụy biện không?

  • Ø ĐÁP: Nói “Không trụ” đã là trụ rồi, vì có trụ mới nói không trụ; nói “Không chấp” đã là chấp, nếu thật không chấp thì chẳng cần nói, kễ cả cái “Không chấp” cũng chẳng có, gọi là giải thoát tri kiến.

488. HỎI: Thế nào là “Thường ứng chư căn dùng, mà chẳng khởi dụng tưởng, phân biệt tất cả pháp, chẳng khởi phân biệt tưởng” trong Kinh Pháp Bảo Đàn?

  • Ø ĐÁP: Cái dụng là dụng của bản thể, phân biệt cũng là phân biệt của bản thể, chẳng phải vô tri, chỉ là cùng khắp mà không nơi chốn thôi.

Thường ứng chư căn dụng: Lục căn ứng dụng hằng ngày, luôn luôn như thế, chẳng phải lúc thấy mới gọi là thấy, lúc có nghe mới gọi là nghe. Nhắm mắt cũng thấy, không nghe cũng nghe, vì bản thể cùng khắp, chẳng phải sự thấy nghe của người bệnh. Như Quán Thế Âm Bồ-tát, dùng con mắt để nghe âm thanh của thế gian, gọi là lục căn hổ dụng.

Kỳ thật, cái biết của bản thể không cần lục căn, nhưng nhờ lục căn diễn đạt thôi. Nhưng chúng sanh phải nhờ lục căn, nên nói “Thường ứng chư căn dụng”, mặc dù dụng, cũng như không dụng, vì chẳng khởi ý là dụng, như trên đã nói, cái biết luôn luôn như thế, chẳng có năng dụng sở dụng; chẳng phải khi tiếp xúc mới là dụng, chẳng tiếp xúc thì không. Nếu khởi ý năng sở tức gọi là dụng tưởng.

Phân biệt tất cả pháp, chẳng khởi phân biệt tưởng: tức chẳng cho là biết. Nếu nổi lên cái biết, ấy là cái biết bệnh, chẳng phải sự biết không gián đoạn của bản thể. Hễ có gián đoạn tức không cùng khắp, tức có sanh diệt, lúc biết là sanh, không biết là diệt, nhớ thì sanh, quên thì diệt.

489. HỎI: Sư phụ dạy “Lấy cái không biết để chấm dứt tất cả biết”, tức dùng cái không biết đối trị cái biết, nhưng cái “Không biết” lấy gì đối trị?

  • Ø ĐÁP: Lấy cái biết của bản thể để trị bệnh “Không biết” của bộ não. Nhưng cái biết của bộ não thì chẳng thể biết được “Cái biết của bản thể”.

Nay dùng cái không biết của bộ não chấm dứt tất cả biết của bộ não, bao gồm tìm hiểu biết, ghi nhớ biết và tùy duyên biết. Tánh con người ham tìm hiểu, tìm hiểu rồi ghi nhớ lại; tìm hiểu biết chấm dứt rồi, phải chấm dứt luôn cả tùy duyên biết. Thế nào là tùy duyên biết? Tức không cần tìm hiểu cũng biết: ví như ngồi, chẳng cần tìm hiểu cũng biết ngồi, đi chẳng cần tìm hiểu cũng biết đi, biết ăn cơm v.v… gặp duyên gì đều biết.

Ngài Lai Quả nói: “Khi công phu đến mức, ngồi không biết là ngồi, đi không biết là đi”, lúc đó tất cả đều không biết, chính chỗ đó là vô thỉ vô minh. Cuối cùng còn tâm không biết, là gần kiến tánh. Khi cái biết của tự tánh thình lình nổi lên, cái không biết của bộ não tan rã, gọi là kiến tánh thành Phật, tức chấm dứt cái biết của người mù, tự mình mắt sáng, chẳng cần hỏi ai nữa, chẳng còn bị người lừa gạt.

Nay chưa kiến tánh là người mù, thường bị người mắt sáng như Phật, Tổ lừa gạt. Tổ với Phật vốn không có ý lừa gạt mình, tại mình chẳng thể thấu qua lời nói của Phật, Tổ, nên bị lừa gạt.

490. HỎI: Tại sao ngài Nguyệt Khê nói “Vạn pháp duy tâm tạo” là không đúng?

  • Ø ĐÁP: Theo thực tế, Tự tánh vốn đã sẵn đủ, những suy nghĩ, lời nói, văn tự v.v… đều là không đúng, tất cả chỉ diễn tả về bề trái, còn bề mặt là nói không được, không có chỗ để nói. Ví như cái biết cùng khắp cơ thể, chẳng có chỗ búng, tức chẳng có chỗ biết và không biết, vậy thì lấy gì để nói? Muốn nói, phải có chỗ biết, có chỗ không biết mới nói được, mà cái biết nói được ấy là biết bệnh, là bề trái. Nên Kinh Lăng Nghiêm nói “Đệ nhất nguyệt là nói không được”, suy nghĩ, văn tự, lời nói đều không đến được. Do đó, hễ nghiên cứu về bề trái (lời nói của Phật, của Tổ) là sai, vì bề trái đã là không đúng rồi.

491. HỎI: Sau khi vắng mặt Sư phụ, có thể cho nghe lại những đoạn băng vấn đáp từ những năm trước đây trong buổi chiều mỗi cuối kỳ Thiền thất?

  • Ø ĐÁP: Nếu nghe là nghe những kỳ gần đây, vấn đáp sát hơn. Vì những năm đầu, do lòng tin của hành giả chưa vững chắc, nên tôi phải giảng dài dòng hơn. Còn bây giờ tôi nói ngay: Chỉ có hai điều: TIN TỰ TÂM và DÙNG CÁI KHÔNG BIẾT CỦA NGHI TÌNH CHẤM DỨT TẤT CẢ BIẾT.

Mặc dù nghe tôi giảng như thế, nhiều người cũng nói là hiểu lời tôi nói, nhưng vì tập khí ham tìm hiểu, nhất là tìm hiểu câu thoại, trong đầu luôn muốn tìm câu trả lời, lọt vào ý thức, ấy là sai. Tôi đã hỏi nhiều người, đã dặn trước là hỏi phải trả lời liền, không cho suy nghĩ, không cho tìm hiểu, không cho chậm trể, nhưng khi tôi hỏi, vẫn chậm trễ muốn tìm câu trả lời, cho nên, những người như thế là tham không được, là sai, người nào cũng bị. Hành giả tham thiền phải lưu ý điều này.

492. HỎI: Ngài Nguyệt Khê nói “Phật tánh chẳng dính dáng đến vô minh”, vậy tại sao Chứng Đạo Ca lại nói “Thật tánh vô minh tức Phật tánh”?

  • Ø ĐÁP: Phương tiện vốn chẳng thật, nay muốn truy cứu phương tiện cho là đúng lý, ấy là sai, vì tất cả phương tiện đều vô lý, ví như nói “Từ vô thỉ đến nay”, có thỉ mới đến nay, vô thỉ làm sao đến nay? Nói ra là sai rồi! Ví như nói “Kiến tánh”, nếu giải theo mặt chữ, cho là có cái tánh để thấy, là sai rồi!

Phàm là lời nói đều chỉ là phương tiện, chẳng phải chơn lý, nên Phật pháp khác hơn tất cả tôn giáo là không kiến lập chơn lý. Lời của ngài Nguyệt Khê cũng như lời của Phật, chỉ là phương tiện để phá chấp, đâu thể chấp thật?

Nói “Thật tánh vô minh tức Phật tánh”, chẳng những vô minh, thật tánh của tất cả pháp đều là Phật tánh, vì Phật tánh bất nhị.

493. HỎI: Tham thoại đầu có phải cứu xét tự tánh không?

  • Ø ĐÁP: Ấy là nghịch với tông chỉ tham Tổ Sư Thiền. Tham thoại đầu không cho cứu xét, chỉ là phát khởi nghi tình, từ nghi đến ngộ.

494. HỎI: Hành giả tham thiền gặp người vấn nạn phải làm sao?

  • Ø ĐÁP: Người khác muốn nói gì, muốn cho là cái gì cũng được, mình chỉ ôm chặt câu thoại đầu tham tới mãi, dùng câu thoại đầu sở tham để trả lời. Ví như sư đệ của ngài Lai Quả, thừa lệnh thầy mời ngài trở về chùa, ngài chỉ trả lời “Niệm Phật là ai?”, khiến sư đệ cũng hết cách, đành phải quay về một mình.

495. HỎI: Có người hỏi con: “Tham thiền tại sao không tụng Kinh?”, con nên trả lời thế nào?

  • Ø ĐÁP: Kinh Pháp Bảo Đàn nói: Tham thiền là ngày đêm tụng Kinh chẳng ngừng, từ kiếp này qua kiếp khác cũng chẳng ngừng, sao nói là không tụng? Chẳng những tụng Kinh, tất cả pháp thế gian đều thực hành đầy đủ. Đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, bất kể Bồ-tát lục độ vạn hạnh, giới, định, huệ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo … cho đến công thương kỹ nghệ nơi thế gian đều đầy đủ chẳng thiếu xót. Có thiếu xót tức Phật tánh không cùng khắp.

Cho nên, chư Tổ đối với pháp thế gian và pháp xuất thế gian chẳng hai chẳng khác, vì tất cả đều gồm trong nghi tình rồi.

496. HỎI: Kinh Phạm Võng nói phải phát thệ nguyện, nếu không thì phạm giới. Chúng con nay tham Tổ Sư Thiền, đối với những thệ nguyện đã phát trước kia, phải làm sao?

  • Ø ĐÁP: Đó không phải là chơn lý nhất định, chư Phật tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà sử dụng phương tiện, tất cả chỉ là phá chấp, chẳng thể chấp vào một bên, hễ chấp một bên là lọt vào biên kiến. Kinh Bát Nhã nói đến ba cửa giải thoát: Không, vô tướng, vô nguyện, Khi chưa thành Phật, chư Phật đều có phát nguyện, nhưng nếu chấp nguyện không bỏ thì chẳng thể giải thoát.

Cho nên, hễ chấp “Không phát nguyện” thì dùng “Phát nguyện” để phá chấp, chấp “Lễ Phật” tức dùng “Không lễ Phật” để phá, chấp “Không lễ Phật” thì thành kính lễ Phật để phá cái chấp đó … đâu phải là nhất định! Nếu là nhất định tức có sở trụ, chẳng phải bản thể tự tánh.

497. HỎI: Thấy nghi tình mãnh liệt, muốn ra sức dụng công trong bảy ngày, việc ấy ra sao?

  • Ø ĐÁP: Kinh Pháp Cú nói: “Nếu khởi lên tâm tinh tấn, tức chẳng phải tinh tấn”. Tham thoại đầu là muốn chấm dứt tất cả biết, biết tinh tấn đã thành chẳng tinh tấn,  là có tâm muốn cầu, còn giữ ngã chấp.

Biết tinh tấn, biết lui sụt, biết thanh tịnh, biết vọng tưởng, biết mình có cái năng biết v.v… cũng còn không được, đang dụng công phu mà biết này biết kia, là nghịch với công phu của mình. Nay muốn hiện ra tướng mạnh, thì tất cả tướng bệnh, năng sở đối đãi đều phải chấm dứt, nên mới dùng tâm không biết để chấm dứt tất cả biết. Chỉ cần giữ được nghi tình, sẽ đến chỗ “Biết và chẳng biết đều chấm dứt”.

498. HỎI: Lời giải đáp thắc mắc của Sư phụ đã khiến chúng con tăng trưởng lòng tin tự tâm. Vậy sau khi Sư phụ đi vắng, xin phép cho chúng con ghi nhận lại tất cả lời vấn đáp của Sư phụ từ trước đến nay, thành một cuốn pháp ngữ để tham khảo? Được không?

  • Ø ĐÁP: Được, nhưng không phải là pháp ngữ, là ngữ lục (Duy Lực Ngữ Lục). Sau này các Phật tử nếu có thắc mắc, có thể gom lại các câu hỏi, gửi thư cho tôi, tôi sẽ trả lời.

499. HỎI: Chúng con rất sợ vọng tưởng, mà không sợ không được! Vừa ngồi xuống tham thiền, nghi tình chưa khởi là vọng tưởng đã ập tới, làm phiền muộn suốt đời chúng con, vậy phải làm sao?

  • Ø ĐÁP: Bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm tạo vốn chẳng thật, vọng tưởng cũng do tâm tạo, tại sao lại phải sợ những việc chẳng phải thật? Lại, tham thiền là dùng cái tâm không biết để chấm dứt tất cả biết, tại sao lại muốn biết vọng tưởng? Nếu thật sự giữ được tâm không biết, vọng tưởng không biết là vọng tưởng, đâu có gì đáng sợ?

Ấy là do đánh mất nghi tình, nên có sở sợ. Bây giờ phải khiến câu thoại đầu miên mật không kẽ hở, giữa câu thứ nhất và câu thứ nhì, câu thứ ba … vừa hỏi dứt là hỏi tiếp, không cho có kẽ hở, hễ có kẽ hở là có tâm suy nghĩ.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch